Dàn ý Cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu Thỉnh (4 mẫu)



Dàn ý Cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu Thỉnh qua bài thơ Sang thu hay nhất, ngắn gọn được chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh trên cả nước giúp bạn viết bài văn hay hơn.

Bài giảng: Sang thu - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

Dàn ý Cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu Thỉnh - mẫu 1

I. Mở bài

- Giới thiệu về mùa thu trong thơ ca nói chung

- Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh và tác phẩm Sang Thu

    + Bài thơ thể hiện cảm nhận tinh tế và sâu sắc của tác giả trước cảnh đất trời trong khoảnh khắc sang thu

II. Thân bài

1. Khái quát hoàn cảnh sáng tác và mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ

    + Tác phẩm được viết năm 1977, in lần đầu trên báo Văn nghệ, sau đó được in rất nhiều lần trong các tập thơ

    + Mạch cảm xúc: Bài sang thu là bức thông điệp trong khoảnh khắc giao mùa, nổi bật với hai mạch cảm xúc: Cảm nhận về thiên nhiên lúc sang thu và suy ngẫm, chiêm nghiệm của tác giả về đời người trước hình ảnh tự nhiên

2. Phân tích cảm nhận thu tinh tế, sâu sắc của tác giả

2.1 Cảm nhận thu tinh tế cảu tác giả ( từ cảm nhận về thiên nhiên)

- Thiên nhiên được cảm nhận từ những thứ tưởng chừng như vô hình ( hương ổi, gió) dần dần hữu hình, rõ nét (sương, ngõ)

    + Thiên nhiên mang trạng thái, xúc cảm của con người: chùng chình, lưu luyến, bâng khuâng

- Tác giả cảm thấy bất ngờ, ngạc nhiên “bỗng nhận ra hương ổi” trước khoảnh khắc sang thu diệu kì “hình như thu đã về”

    + Tác giả cảm nhận tự nhiên bằng tất cả các giác quan của mình như thị giác, khứu giác, xúc giác – thể hiện sự giao hòa, thấu hiểu tự nhiên

    + Tâm hồn thi sĩ cũng biến điệu nhịp nhàng với bước chuyển giao mùa

- Cảm nhận thu trong không gian cao và xa hơn

    + Hai câu thơ “Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã” gợi không gian rộng mở, cao vời vợi của tự nhiên

    + Mọi sự vật, hiện tượng của đất trời như chuyển biến thật tinh tế

    + Tác giả phải là người tinh tế mới có thể cảm nhận được sự chuyển biến của thiên nhiên trong lúc “bắt đầu” ấy

- Hai câu thơ cuối là đỉnh cao của nghệ thuật gợi tả, mang lại nhiều liên tưởng thú vị cho người đọc

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

    + Thiên nhiên đang ở cửa ngõ của mùa: cửa ngõ không và thời gian. Nghệ thuật nhân hóa thể hiện trí tưởng tượng phong phú, khả năng đồng điệu và thấu hiểu của tác giả trước tự nhiên

- Khổ thơ cuối hình ảnh thu sang nhẹ nhàng, rõ rệt gắn với chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời, con người

    + Nắng cuối hạ vẫn còn oi nồng nhưng đã “vơi dần những cơn mưa” bất ngờ, ào ạt của mùa hạ.

    + Những từ ngữ “vơi”, “bớt”, “dần” gợi tả thiên nhiên mùa hạ nhạt dần, thu tới đậm nét và bất ngờ hơn

2.2 Cảm nhận thu sâu sắc, những suy ngẫm và chiêm nghiệm của tác giả

- Hai câu thơ cuối bài kết tinh những chiêm nghiệm, suy ngẫm sâu sắc của tác giả về con người, cuộc đời

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

- Nghĩa thực: tả thiên nhiên trong mùa thu, sấm thưa thớt dần và nhỏ dần, ít có giông bão, biến cố “sấm cũng bớt bất ngờ”

- Nghĩa ẩn dụ: “sấm” là những biến động bất thường của hoàn cảnh và cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” là con người từng trải

→ Thu sang nhưng gợi liên tưởng tới đời người: con người khi đi qua những thăng trầm, bất ngờ của cuộc đời sẽ không cảm thấy sợ sệt, bất ngờ trước những sóng gió của cuộc đời

III. Kết bài

- Khoảnh khắc sang thu vừa mong manh, hư ảo vừa rõ rệt cụ thể. Thiên nhiên trong thời điểm giao mùa thơ mộng qua cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước những biến chuyển của trời đất trong thời khắc sang thu và cả những biến động trong lòng người

- Cảm nhận sang thu được chuyển tải bằng thể thơ năm chữ, ngôn ngữ giàu sức biểu cảm, hình ảnh thơ lãng mạn, lối nhân hóa liên tưởng thú vị

Cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu Thỉnh

Dàn ý Cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu Thỉnh - mẫu 2

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu thỉnh trong bài Sang thu.

2. Thân bài

a. Cảm hứng thu tinh tế của tác giả được thể hiện qua cảm nhận về thiên nhiên

- Cảm hứng thu tinh tế được tái hiện qua những tín hiệu giao mùa mang tính chất trừu tượng

+ Hương ổi

+ Gió se

+ "Sương chùng chình"

- Cảm nhận tinh tế, tâm hồn nhạy cảm của tác giả được thể hiện qua:

+ Sự vận dụng mọi giác quan để đón nhận thay đổi của đất trời.

+ Cảm giác bâng khuâng, bất ngờ, ngỡ ngàng của nhân vật trữ tình lúc "sang thu"

- Cảm hứng thu tinh tế qua quang cảnh thiên nhiên phút giao mùa

+ Biện pháp nhân hóa: sông "dềnh dàng", chim "vội vã", đám mây mùa hạ "vắt nửa mình" → thiên nhiên hiện lên với những nét tâm trạng của con người.

+ Bước đi vô hình của thời gian đã hiện lên cụ thể qua cảm nhận tinh tế của thi nhân.

b. Cảm hứng thu sâu sắc của tác giả được thể hiện qua những suy nghĩ, chiêm nghiệm mang tính triết lí

- Nhan đề "Sang thu":

+ Gợi khoảnh khắc giao mùa của thiên nhiên.

+ Gợi thời điểm biến chuyển từ tuổi trẻ sang độ tuổi trưởng thành hơn của con người.

- Suy nghĩ mang tính triết lí sâu sắc về bản lĩnh, nghị lực sống của con người qua những hình ảnh ẩn dụ:

+ "Sấm": Tượng trưng cho những bão giông, thử thách của cuộc đời.

+ "Hàng cây đứng tuổi": những người từng trải và ung dung đón nhận những thử thách.

3. Kết bài

- Đánh giá về cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu thỉnh trong bài Sang thu

Cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu Thỉnh - mẫu 1

     Khoảnh khắc giao mùa có lẽ là đẹp nhất của tự nhiên. Nó gieo vào lòng người những rung động nhịp nhàng khiến ta cũng như giao hòa, đồng điệu. Biết bao nhà thơ, nhà văn đã cảm nhận và ghi lại một cách rất tinh tế sự chuyển biến nhẹ nhàng mà rõ rệt đó. Khi chúng ta chưa hết ngỡ ngàng bởi một Xuân Diệu bâng khuâng, tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì thì đã gặp một Hữu Thỉnh tinh tế, sâu sắc đến vô cùng. Bài Sang thu của thi sĩ Hữu Thỉnh là sự cảm nhận như thế.

     Bài thơ là sự chuyển động rất tinh tế của sự sống khi hạ dần qua và thu đang đến. Không như những nhà thơ khác cảm nhận mùa thu qua sắc vàng của hoa cúc, của lá ngô đồng hay qua tiếng lá khô xào xạc, Hữu Thỉnh đón nhận mùa thu bằng một hương vị đặc biệt - đó chính là hương ổi:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

     Giữa những âm thanh, màu sắc và hương vị đặc trưng của mùa thu đang lan toả, chỉ có hương ổi làm nhà thơ bất chợt xao lòng. Đó là một thứ hương vị không dễ dàng nhận ra. Bởi lẽ hương ổi không phải một hương thơm ngào ngạt, nồng nàn, mà nó thoảng đưa êm dịu trong gió đầu thu nhưng cũng đủ đánh thức xúc cảm trong lòng. Hữu Thỉnh gợi thật đúng, thật hay. Hương ổi không chỉ lan toả mà còn vận động rất mạnh trong không gian. Có lẽ đó là sức sống dạt dào mà mùa hạ muốn tặng cho mùa thu chăng?

     Màn sương thu hình như cũng muốn tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc đó mà chùng chình chưa muốn tan đi:

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

     Không gian có sự hòa hợp giữa hương ổi dịu dàng, gió thu nhẹ nhẹ và sương thu mơ màng tạo nên một ấn tượng đặc biệt mà ta khó lòng quên được. Chùng chình là sự rung rinh, lay động của làn sương hay cũng chính là sự rung động trong tâm hồn nhà thơ Hữu Thỉnh? Có lẽ là cả hai. Vạn vật trong thời khắc chuyển mùa vì thế càng trở nên duyên dáng, nhịp nhàng. Cảm quan tinh tế của nhà thơ đã phát hiện ra vẻ đẹp rất riêng, rất duyên đó để rồi xao xuyến: Hình như thu đã về. Lời reo vui cũng thì thầm nhỏ nhẹ, bâng khuâng vang lên trong lòng Hữu Thỉnh như bước đi của mùa thu.

     Để dòng cảm xúc trôi theo thời gian, cảm nhận rõ hơn bước đi của sự sống, nhà thơ lại tiếp tục quan sát:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

     Nếu như khổ thơ thứ nhất, thu mới chỉ là sự đoán định (Hình như thu đã về) thì ở khổ thơ này nó đã trở thành sự khẳng định. Đó là hình ảnh đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu. Mùa thu đã đến thật rồi! Thu không còn là sự mong đợi, đoán định. Thu hiển hiện trong cuộc sống, trên cỏ cây hoa lá và trong lòng người. Cũng như sương thu, dòng sông dường như cũng thong thả, chậm chạp hơn. Như hút vào lòng mình tất cả niềm sung sướng, thoả thê của cuộc sống để dềnh lên những con nước mát lành. Mọi chuyển động có vẻ rất đều đều, rất nhẹ, riêng có cánh chim là vội vã cuống quýt. Sự vội vàng đó phải chăng cũng là sự vội vàng trong tâm hồn Hữu Thỉnh, muốn được mở rộng lòng mình đón nhận mọi rung động dù là nhỏ nhất? Điểm nhìn của nhà thơ như được nâng dần từ dòng sông, cánh chim đến bầu trời cao rộng:

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

     Lại một sự biến chuyển khác trong khoảnh khắc giao mùa khiến lòng ta rung động. Đó không phải là lớp lớp mây cao đùn núi bạc hay mây biếc về đâu bay gấp gấp mà lại là đám mây mùa hạ - vắt nửa mình sang thu. Có thể là một đám, hai đám hay nhiều hơn nữa nhưng có lẽ trong Sang thu mây không thể nào lớp lớp mây cao dược. Vì mùa thu mới bắt đầu chưa thể nhuốm đượm lên lớp lớp sự vật. Hình ảnh đám mây là một phát hiện rất mới lạ và độc đáo của Hữu Thỉnh. Bức tranh chuyển mùa vì thế càng trở nên sinh động, giàu sắc gợi cảm.

     Mỗi khổ thơ là một sự chuyển biến rất rõ của không gian. Bài thơ có tựa đề là Sang thu mà sao vẫn thấy phảng phất dấu hiệu mùa hè:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

     Dấu hiệu đó là nắng, mưa, sấm, nhưng đã là nắng, mưa, sấm cuối mùa. Ánh nắng chói chang ngày nào nay đã vơi dần cơn mưa trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn nhiều. Hai câu thơ cuối cùng gợi cho ta nhiều suy nghĩ liên tưởng thú vị.

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

     Giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể, là sự cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ chiêm nghiệm về đời người. Mùa thu của thiên nhiên hay mùa thu của mỗi đời người? Nhìn cảnh vật biến chuyến khi thu mới bắt đầu, Hữu Thỉnh nghĩ đến cuộc đời khi đã đứng tuổi. Phải chăng mùa thu của đời người là sự khép lại những tháng ngày sôi nổi, với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa mới, một không gian mới, yên tĩnh, trầm lắng hơn? Hai hình ảnh sấm và hàng cây đứng tuổi vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa tượng trưng cho thấy một Hữu Thỉnh rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận và liên tưởng. Mùa thu thường không rạo rực, ấm áp như mùa xuân, không sôi động rộn ràng như mùa hạ, hay lạnh lẽo, thê lương như mùa đông. Thu đến rất nhẹ nhàng và đi rất lặng lẽ. Thu không đánh thức ta bằng những âm thanh vang động, màu sắc lộng lẫy, hương vị ngạt ngào mà reo vào lòng ta những thoáng xao động, mơ màng, gợi trong ta những suy nghĩ sâu xa về cuộc sống. Có lẽ vì thế mà thơ thu, trong đó có Sang thu của Hữu Thỉnh rất giàu ý nghĩa.

     Mùa thu và thi sĩ từ lâu đã có duyên nợ nhưng không phải thu nào cũng như nhau, ví như bài Sang thu vậy. Nhà thơ Hữu Thỉnh nắm bắt hồn thu ngay trong khoảnh khắc chuyển mùa. Đó là những chuyển biến rất tinh vi mà phải có một tâm hồn thật tinh tế mới cảm nhận được. Có thể ta chưa thấy được hết vẻ đẹp của mùa thu trong bài thơ và thấu hiểu những gì mà nhà thơ muốn nhắn gửi nhưng Sang thu đã cho ta thấy sự vận động của cuộc sống quanh ta mà bấy lâu nay ta không hề biết tới. Càng yêu thơ thu ta càng trân trọng và cảm phục tâm hồn thi sĩ của Hữu Thỉnh và biết yêu quý hơn cuộc sống này.

Cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu Thỉnh - mẫu 2

     Mùa thu là nguồn cảm hứng thơ bất tận cho các thi sĩ. Nhà thơ nào cũng muốn vẽ được một bức tranh thu cho riêng mình. Và Hữu Thỉnh đã có được một cái tứ rất riêng đó là thời khắc lúc giao mùa. Bài thơ Sang thu là những cảm nhận, những rung động man mác, bâng khuâng của tác giả trước sự biến đổi kì lạ trong thời khắc giao mùa của đất trời trong ngưỡng thu.

     Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Phúc, Hữu Thỉnh không còn lạ lẫm gì với mùa thu đất Bắc. Thế nhưng, khi cảm nhận tín hiệu thu mến yêu, ông cũng không khỏi ngỡ ngàng. Đối với ông, thu đến với những cảm giác mơn man khó tả:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

     Như một quy luật tuần hoàn của tạo hóa, dường như thu đã lại sang. Có vẻ bức tranh thu đã được điểm những nét đầu tiên: hương ổi phả nhè nhẹ, thoang thoảng đưa vào trong gió se - gió đã nhẹ lại chứ không còn là “nồm nam cơn gió thốc” nữa rồi. Theo trong gió chính là làn hương mộc mạc cuả làng quê nhỏ. Lớp sương chùng chình khắp nơi dường như cũng chẳng muốn rời. Sương cũng mang đầy tâm trạng, bước đi chầm chậm theo nhịp điệu của mùa thu. Cái tín hiệu mùa thu đó là hương, là gió hay là sương? Chẳng lẽ là tất cả. Cái cảm giác bất ngờ thể hiện trong từ “bỗng” đầu tiên lan tỏa vào không gian rất đỗi thân quen, xao xuyến vô cùng. Chính thế mà thi sĩ còn đang ngỡ ngàng vẫn còn tự hỏi mình: Trong khi đất trời bắt đầu có những chuyển biến nhẹ nhàng, hình như thu đã về?... Nhận thấy đó mà chưa tin hẳn, vì lòng yêu say mùa thu quá.

     Cái cảm giác “hình như” đó gần như bị xóa tan bởi những tín hiệu chuyển mùa dần hiện ra rõ hơn:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

     Bức tranh thu dường như đã đậm màu hơn bởi cảnh vật ngày càng nhiều thay đổi: những con sông đã không còn gấp gấp, mà lững lờ trôi, chầm chậm, “dềnh dàng” khi dành nước cho mùa thu. Phải chăng chúng đã thả hồn mình vào các khoảnh khắc giao mùa này? Trái ngược với sự “lặng lẽ” đó là biểu hiện có vẻ gấp gáp của những cánh chim trời. Chúng đang vội vã làm gì? Làm tổ, tích trữ thức ăn cho mùa đông giá lạnh hay đang rục rịch chuẩn bị cho chuyến hành trình xa xứ tránh rét về một chân trời xa xôi nào đó? Hai câu thơ đã vẽ nên những nét đối lập: đâu phải mùa thu lúc nào cũng “lặng lẽ” bởi vạn vật xung quanh ta đều chuyến biến kì lạ theo cách riêng của chúng. Thiên nhiên đầy bí mật, cũng giống như cuộc sống chúng ta - một xã hội với nhiều tầng: có người giàu, có người nghèo, người đang hạnh phúc tận hưởng cuộc sống này, người đang tất tả mưu sinh. Đúng là đầy biến động! Nhưng hiện lên trong tất cả điểm sáng, có lẽ long lanh nhất chính là đám mây vẫn vương chút nắng hạ:

“Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

     Đám mây đó chắc còn lưu luyến chút gì của mùa hạ đang qua? Cũng có thể nó là kỉ niệm của “hạ” dành cho “thu”. Nó dường như là chiếc cầu nối hữu tình dành cho đôi bờ kì lạ. Cái khoảnh khắc thiêng liêng này đang đậu trên đám mây như là chứng tích của giao mùa. “Vắt” - đang đặt ngang trời hay chẳng biết đang ở chốn nào. Đám mây cứ nhè nhẹ trôi để rồi thời gian cũng chảy qua. Bức tranh thu đang chứa đựng cái nét hữu hình để gợi nên cái cảnh vốn vô hình!

     Thu đã gần sang, đất trời cũng đang đứng lại, nó không còn bất chợt đến, rồi lại bất chợt đi như mùa hạ nữa rồi:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

     Có thể nói rằng: Cái dáng hạ vẫn còn đó mà cái hồn hạ đã bay đi đâu rồi. Vẫn là cái nắng, mưa, sấm, chớp vương lại nhưng cái dữ dội, khắc nghiệt của nắng, tính “đỏng đảnh” của mưa hay sự vội vàng của sấm thì đã nhạt dần theo từng phút giao mùa. Bức tranh sang thu càng lộ rõ thì những ý nghĩ về nhân tình thế thái cũng theo đó hiện lên.

     Qua phép ẩn dụ ở hai dòng thơ cuối, người đọc cảm nhận sau tiếng “sấm” là những dông bão của cõi đời, cõi người. Hữu Thỉnh đã điểm nét chính vào bức tranh - đó là hình bóng con người. Hạ qua, thu đến, con người ta dường như đã già hơn một chút. Chính thế mà những kinh nghiệm đường đời đã dày thêm một ít trong hành trang của họ, giúp họ vững vàng hơn trước những phong ba của cuộc sống đầy biến động. Hữu Thỉnh đã cảm nhận được sâu sắc cuộc sống con người. Và thi nhân đã gửi vào thu lời nhắn nhủ con người sống phải biết chấp nhận và vững vàng vượt qua thử thách. Như thế, bài thơ vừa là một bức tranh thiên nhiên đẹp vừa là một phác họa đầy ám ảnh về con người - một phần diệu kì của thiên nhiên kì diệu.

     Hình ảnh thơ đẹp, ngôn từ sắc sảo, giàu hàm nghĩa đã tạo nên những rung động, dấu ấn khó quên cho người đọc. Hữu Thỉnh đã trải lòng qua tuyệt tác lúc giao mùa: Sang thu!

Cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu Thỉnh - mẫu 3

     Hữu Thỉnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trong thời kì cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông mang đậm chất trữ tình giản dị mà sâu sắc thể hiện những cảm xúc chân thành về cuộc sống. Bằng tất cả sự cảm nhận tinh tế và tình yêu tha thiết với quê hương đất nước và năm 1977, nhà thơ đã cho ra đời tác phẩm “sang thu” – một khúc hat ca ngợi vẻ đẹp của đất trời trong sự chuyển biến từ hạ sang thu.

     Mùa thu vốn luôn là nguồn cảm hứng của thi nhân, là đề tài muôn thư từ xưa đến nay. Họ viết về mùa thu khi muốn gửi vào đó nỗi cô đơn, lẻ loi của con người giữa bao bộn bề của cuộc đời. Con người ta tìm đến mùa thù như một điểm tựa để giãi bày, sẻ chia hay đơn giản chỉ là chạm nhẹ vào không gian hư ảo của kỉ niệm. Nhưng đối với Hữu Thỉnh lại khác, “thơ ông không chỉ là văn chương mà còn là một phần gan ruột”. “Sang thu” là một phần tâm hồn ông. Trải qua bao khốc liệt của thời chiến, nhà thơ như muốn sống chậm lại để cảm nhận, hòa mình vào không gian thiên nhiên diệu kì, lắng nghe từng khoảnh khắc giao mùa để từ đó suy nghĩ, chiêm nghiệm những ý nghĩa nhân sinh của cuộc đời.

     Trước hết, những tín hiệu báo thu sang đã được nhà thơ cảm nhận bằng một sự tinh tế và sâu sắc trong tâm trạng đầy bất ngờ.

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

     Từ “bỗng” xuất hiện ngay đầu dòng thơ đã bộc lộ cảm xúc ngỡ ngàng của tác giả. Với bước chân duyên dáng, yêu kiều, hương ổi như đang phảng phất đâu đây mà không ai biết. Làn hương thanh mát ấy như đang chơi trốn tìm với lòng người, khiến thiên nhiên sang thu như mang mot vẻ đẹp bí ẩn lạ kì. Ở câu thơ tiếp theo, từ “phả” tuy giản dị mà vô cùng ý nghĩa, hương thơm nồng nàn, quyến rũ của trái ổi chín như được hữu hình hóa, đang lan tỏa, ướp ngọt cho không gian, Tiếp đó, người đọc bắt gặp hình ảnh “gió se” ở cuối dòng thơ. Những cơn gió heo may se se thổi luôn là biểu tượng của mùa thu. Bằng cảm nhận này của Hữu Thỉnh, “hương ổi” và “gió se” – hai vẻ đẹp của mùa thu đã trở thành những người bạn tri âm tri kỉ, đồng hành cùng nhau trong không gian của đất trời và giây phút thu sang chính là thời khắc gặp gỡ, tương giao của cái đẹp. Trong câu thơ thứ ba của khổ thơ, cụm từ “chùng chình” đã diễn tả ngập ngừng, e ấp bước qua ngưỡng cửa mùa thu của những hạt sương mai. Với cảm nhận của nhiều nhà thơ, nhắc đến mùa thu là nhắc đến cái gì đó lạnh lẽo, thê lương. Nguyễn Khuyến cũng đã từng đọc thấy tín hiệu báo thu sang trong nỗi u buồn, quạnh vắng:

“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”

     Nhưng đối với Hữu Thỉnh, trong tiềm thức của ông, bức tranh thu luôn hiện ra với xiết bao dịu dàng và gần gũi, nổi bật lên bởi hình ảnh của hương ổi, gió se và sương mờ. Cái đẹp ấy đẹp đến mức khiến con người phải say mê chiêm ngưỡng. Khổ thơ được khép lại trong niềm băn khoăn xúc động, “hình như thu đã về”. Đó là kết quả cho sự mong đợi, trông ngóng của nhà thơ khiến thiên nhiên đang trong thời khắc giao mùa. Như vậy, Hữu Thỉnh đã cảm nhận về mùa thu bằng tất cả những giác quan. Chỉ ngắn gọn trong 4 câu thơ mà những gì tinh túy nhất của mùa thu đã được thâu tóm trọn vẹn. Hơn thế, tác giả đã dành cho của đất nước một sự mong đợi đầy tha thiết.

     Khổ thơ đầu tiên đã cho người đọc thấy được sự tinh tế trong cảm nhận của nhà thơ về những tín hiệu báo thu sang nhưng sự tinh tế này còn được thể hiện rõ hơn qua việc tác giả cảm nhận về những chuyển biến của đất trời mùa thu trong khổ thơ thứ hai.

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

     Hai chữ “dềnh dàng” khiến trước mắt người đọc như hiện ra hình ảnh của dòng sông đang chậm rãi bước đi một cách êm đềm, dịu nhẹ. Nhưng điểm nổi bật hơn cả khiên người đọc bị ấn tượng là từ “được lúc” tuy giản dị nhưng nó đã diễn tả được trọn vẹn ý thơ. Thu sang là thời khắc để vạn vật chuẩn bị hành trang để bắt đầu cuộc sống mới, một hành trình trải nghiệm mới với bao nhận thức và rung động. Bước sang câu thứ hai, người đọc nhận ra sự đối lập về hình thức giữa câu 1 và câu 2. Dòng sông thì chậm rãi, điền đạm, đàn chim thì hối hả, vội vã. Nhưng nếu để ý kĩ thì từ “được lúc” ở câu 1 và “bắt đầu” ở câu 2 đều đang hướng tới một quy luật, tất cả trong thời điểm giao mùa đều có sự biến chuyện thay đổi, đó là hình ảnh dòng chảy của con sông, tiếng vỗ cánh của đàn chim. Chỉ người có một trái tim nghệ sĩ và sự hiểu biết về cuộc đời mới có những cảm nhận tinh vi đến vậy.

     Đặc biệt, hình ảnh ở 2 câu cuối khổ có thể xem là điểm nhấn, là những đường nét tuyệt mĩ nhất của bài thơ. Trong khoảnh khắc giao mùa, đám mây trên trời cao đã trở thành ranh giới, là nhịp cầu nỗi giữa hạ và thu. Bên này là ánh nắng rực rỡ của mùa hạ, bên kia đã dịu nhẹ một sắc thu. Cách diễn đạt “vắt nửa mình sang thu” đã khiến bức tranh thu mang một vẻ đẹp thơ mộng và vô cùng lãng mạn. Đám mây trong câu thơ tựa như môt thiếu nữ duyên dáng đang vừa quyến luyến mùa hạ vừa rung động trước vẻ đẹp của mùa thu khiến người đọc liên tưởng ngay tới một câu ca dao xưa:

Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi

     Quả thật, những chuyển biến của đất trời lúc sang thu đã được tác giả chứng kiến và cảm nhận bằng một sự rung cảm tuyệt vời. Bằng việc sử dụng những từ ngữ hình ảnh đắt giá, giàu sức biểu cảm, tác giả như đang kiếm tìm cái nhìn của mùa thu soi rọi vào nội tâm con người.

     Nếu khổ 1 và khổ 2 là những miêu tả chân thực về thiên nhiên thì khổ cuối bài thơ là những đúc rút, những suy ngẫm triết lí về con người và cuộc đời. Câu thơ đầu tiên cất lên như để cảm nhận thật sâu, thật kĩ từng giọt nắng cuối hạ trong khoảnh khắc bình yên. Hữu Thỉnh đã cảm nhận được cả những bước đi, từng nhịp đập của không gian vạn vật. Đến câu thơ thứ hai và thứ ba người đọc cảm thấy lưu luyến bởi những từ “vơi, bớt”. Tác giả đang diễn tả cái dần thưa thớt, ít dần của những cơn mưa rào ào ạt cùng với tiếng sấm rền vang đến và đi bất ngờ của mùa hạ. Tất cả thật chậm rãi, thong thả và không hề vội vã.

     Câu thơ cuối cùng khép lại bài thơ mang một giọng điệu sâu lắng, như đang muốn bày tỏ với người đọc một sự thay đổi trong tiềm thức con người.

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

     “Trên hàng cây đứng tuổi” - câu thơ tả cảnh nhưng ẩn chứa trong đó là những triết lý sâu xa hơn khiến người đọc phải suy ngẫm. Thu đến tuy mở ra một hành trình mới, một sự thay đổi mới nhưng điều đó sẽ đồng nghĩa với việc thời gian sẽ lại trôi đi, gợi đến cái xế chiều của đời người. Những hình ảnh xuất hiện trước câu thơ không chỉ đơn thuần là tả cảnh mà nó còn là tượng trưng cho giông bão của cuộc đời. Con người đã vượt qua bao sóng gió và thử thách để giờ đây đã trở nên từng trải và mỗi ngày điền đạm hơn trưởng thành hơn trong cuộc đời. Hai câu thơ thể hiện vẻ đẹp của người lính, một cốt cách hiên ngang, vững vàng. Bài thơ này làm khi ông bước ra khỏi cuộc chiến tranh hai năm. Có lẽ chính những thời gian trải nghiệm với cuộc kháng chiến đầy gian lao của dân tộc đã cho người lính ấy thêm rất nhiều bản lĩnh, tự tin để đối mặt với tất cả những phong ba của cuộc đời. Thế mới biết những câu thơ được viết lên không chỉ bằng sự tinh tế mà còn là cả cuộc đời .

     Như vậy bài thơ “Sang thu” đã trở nên giàu ý nghĩa cùng với những thông điệp đa tầng. Hành trình giao mùa của thiên nhiên đất trời cũng như là hành trình của đời người. Ai cũng từng có tuổi trẻ đầy sức sống nhưng rồi cuộc đời cũng sẽ bước sang thu. Nếu không có một vốn sống, vốn hiểu biết về cuộc đời, Hữu Thỉnh sẽ không có những thông điệp sâu sắc đến vậy. Không chỉ có nội dung triết lí ý nghĩa mà nghệ thuật của bài thơ cũng vô cùng đặc sắc những hình ảnh thơ gần gũi, giản dị, ngôn ngữ đẹp, gợi hình gợi cảm, giọng thơ ngỡ ngàng, bất ngờ xem lẫn cả sự sâu lắng và đặc biệt là cảm xúc tinh tế của nhà thơ được diễn tả khéo léo thú vị.

Cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu Thỉnh - mẫu 4

     Cảm hứng thu tinh tế được nhà thơ Hữu Thỉnh thể hiện đây sinh động qua bức tranh thiên nhiên đất trời lúc giao mùa. Thời khắc vô hình đó đã được thi sĩ tái hiện qua những tín hiệu quen thuộc và gần gũi:

"Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về"

     "Hương ổi", "gió se" vốn là những dấu hiệu mang tính chất trừu tượng, không hề hiển thị thành những hình khối, đường nét đã được cảm nhận thông qua một tâm hồn giàu cảm xúc và tinh tế. "Hương ổi" phảng phất "phả" vào trong làn "gió se" - cơn gió heo may thoáng chút se lạnh đã ướp ngọt không gian, tạo nên một phong vị riêng trong vô vàn bức tranh miêu tả mùa thu. Làn sương qua biện pháp nhân hóa đã hiện lên với trạng thái "chùng chình" - dáng vẻ lưu luyến cố ý chậm lại trước bước đi của thời gian. Như vậy, tác giả đã vận dụng nhiều giác quan, bao gồm khứu giác, xúc giác và thị giác để đón nhận khoảnh khắc giao mùa. Đồng thời, những từ ngữ như "bỗng", "hình như" vang lên đã thể hiện cảm giác bâng khuâng, bất ngờ, ngỡ ngàng và cảm nhận mang tính chất mơ hồ, hoài nghi, thể hiện rõ một tầm hồn tinh tế, nhạy cảm trước những biến chuyển của đất trời.

     Sự tinh tế trong cảm nhận về mùa thu còn được thể hiện qua quang cảnh thiên nhiên khoảnh khắc giao mùa với những hình ảnh đặc trưng:

"Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu"

     Ở hai câu thơ đầu của khổ thơ trên, tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa kết hợp thủ pháp đối lập để miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên. Dòng sông sau khi trải qua những bão giông của mùa hè, giờ đây tĩnh lặng, trong trẻo trong trạng thái nghỉ ngơi với làn nước hiền hòa cùng dòng chảy "dềnh dàng". Ngược lại, những chú chim lại bắt đầu hành trình bay về phương Nam tránh rét trong sự "vội vã" sau khi nhận ra những làn gió heo may se lạnh đã xuất hiện. Đặc biệt, sự xuất hiện của đám mây trong trạng thái "Vắt nửa mình sang thu" đã đem đến một mỹ cảm mới lạ và thi vị về khoảnh khắc chớm thu. Đám mây đã được nhân hóa để trở nên sinh động và có hồn, hệt như một dải lụa đang nối liền những ngày cuối hạ và đầu thu, gợi lên sự trôi chảy và khiến cho bước đi trừu tượng của thời gian hiện lên một cách cụ thể và hữu hình. Như vậy, trong đoạn thơ, tác giả đã vận dụng thành công biện pháp nhân hóa: sông "dềnh dàng", chim "vội vã", đám mây mùa hạ "vắt nửa mình", khiến cho nét vẽ về thiên nhiên hiện lên với những hành động, trạng thái của con người.

     Không chỉ chứa đựng sự tinh tế trong cách cảm nhận mùa thu, bài thơ còn thể hiện cảm hứng thu vô cùng sâu sắc qua những suy nghĩ, chiêm nghiệm mang tính triết lí của tác giả. Trước hết, điều này được thể hiện rõ qua nhan đề "Sang thu". Nhà thơ đã sử dụng biện pháp đảo ngữ, đưa động từ lên trước danh từ để tạo nên cách nói độc đáo, diễn tả khoảnh khắc chớm thu trong phút giây giao mùa của đất trời. Tuy nhiên, "sang thu" còn mang ý niệm ẩn dụ gợi lên khoảnh khắc chuyển giao trong cuộc sống của con người khi vận động từ tuổi trẻ sang độ tuổi trưởng thành với sự từng trải, vững vàng hơn. Điều này đã được tác giả làm nổi bật hơn nữa qua những câu thơ:

"Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi"

     Với ý nghĩa tả thực, vào cuối thu, những tiếng sấm đã ít đi và cũng không còn khiến người ta bất ngờ nữa. Sâu sắc hơn, câu thơ còn chứa đựng những triết lí nhân sinh vô cùng sâu sắc. Với những con người đã từng đi qua bão tố của cuộc đời, đã trải nghiệm hết những biến động vô thường của cuộc sống thì những "tiếng sấm" cũng không thể mang đến những bất ngờ.

Xem thêm các phần Dàn ý và văn mẫu lớp 9 hay khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:


sang-thu.jsp


Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học