10+ Cảm nhận 4 câu đầu Cảnh ngày xuân (hay, ngắn gọn)

Tổng hợp 10+ Cảm nhận 4 câu đầu Cảnh ngày xuân hay, chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh lớp 9 trên cả nước giúp học sinh lớp 9 có thêm tài liệu tham khảo từ đó biết cách viết cảm nhận 4 câu thơ đầu đoạn trích Cảnh ngày xuân dễ dàng hơn.

Dàn ý Cảm nhận 4 câu thơ đầu Cảnh ngày xuân

I. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Du và đoạn trích Cảnh ngày xuân

+ Nguyễn Du (1766 – 1820), là tác gia lớn của nền văn học Việt Nam.

+ Đoạn trích này được viết sau đoạn tả tài sắc của chị em Thúy Kiều.

+ Đoạn trích là một bức tranh thiên nhiên tả cảnh mùa xuân đẹp với khung cảnh lễ hội rộn ràng và tưng bừng.

- Giới thiệu bốn câu thơ đầu:

Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cảnh lê trắng điểm một vài bông hoa.

II. Thân bài:

* Khái quát về đoạn trích Cảnh ngày xuân

- Đoạn thơ Cảnh ngày xuân là một bức tranh thiên nhiên tả cảnh mùa xuân đẹp với một không khí lễ hội rộn ràng và tưng bừng

- Cảnh mùa xuân được Nguyễn Du tả theo trình tự không gian và thời gian.

+ Không gian khoáng đạt: cảnh ngày xuân trong trẻo, tinh khôi và tràn đầy sức sống.

+ Không gian trên trời

+ Chim én đưa thoi

+ Không gian dưới mặt đất

Màu cỏ non xanh rợn đến chân trời: gợi lên không gian khoáng đạt.

+ Cành lê trắng: gợi sự thanh khiết, trong trẻo.

+ Thời gian: thời điểm của tiết Thanh minh

+ Thiều quang chín chục, đã ngoài sáu mươi

⇒ Gợi ra không gian, thời gian: sắc xuân thắm nồng, hội xuân tươi vui và tình xuân ấm áp.

* Liên hệ thơ cổ của Trung Quốc

- Hình ảnh hoa lê được miêu tả trong thơ cổ Trung Quốc:

Phương thảo liên thiên bích
Lê chi sổ điểm hoa.

(Cỏ thơm tiếp nối trời xanh
Hoa lê một vài đóa nở)

- Hai câu thơ này thiên về tả cảnh, cảnh tĩnh.

- Hai câu thơ của Nguyễn Du cũng là bức tranh về cảnh sắc xuân nhưng có nhiều màu sắc và tràn đầy sức sống hơn.

Thủ pháp đảo ngữ trong thơ Nguyễn Du khiến cho hình ảnh hoa lê trắng thêm sinh động, lung linh hơn.

⇒ Màu sắc hài hòa gợi nét đặc trưng của mùa xuân.

⇒ Bút pháp miêu tả, gợi, từ ngữ gợi hình: cảnh ngày xuân hiện ra tinh khôi, mới mẻ và tràn đầy sức sống.

III. Kết bài:

+ Nội dung: miêu tả bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong trẻo, hài hòa, thanh khiết.

+ Nghệ thuật: Ngôn ngữ giàu hình ảnh, gợi tả.

Cảm nhận 4 câu thơ đầu Cảnh ngày xuân - mẫu 1

Chẳng biết là bao giờ, mùa xuân đã có sức thu hút kì diệu với lòng người đến vậy. Xuân tuyệt diệu, xuân trẻ trung, tinh khiết đã làm say lòng các thi nhân, văn sĩ. Đã có biết bao áng thơ, áng văn, biết bao bản nhạc ca ngợi mùa xuân nhưng bức tranh xuân chắc hẳn sẽ kém đi sự huyền diệu nếu không có Cảnh ngày xuân trong thơ đại thi hào Nguyễn Du. Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, Nguyễn Du đã vẽ nên khung cảnh tuyệt diệu của mùa xuân để lưu truyền cho muôn đời:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi..
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Mở đầu bức tranh xuân, tác giả thông báo trực tiếp về thời gian:

Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Hình ảnh “con én đưa thoi” gợi ra các cách hiểu khác nhau. “Con én đưa thoi” có thể hiểu là những cánh cò chao liệng trên bầu trời như thoi đưa, bởi chim én là tín hiệu của mùa xuân. Bên cạnh đó, "con én đưa thoi” còn có thể hiểu là thời gian trôi rất nhanh chẳng khác nào thoi đưa. Nếu hiểu theo cách hai thì câu thơ "Ngày xuân con én đưa thoi không chỉ đơn thuần là câu thơ tả cảnh mà ngầm chứa trong đó bước đi vội vàng của thời gian. Cách cảm nhận này dường như rất logic với câu thơ tiếp theo: “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”. Nhà thơ Nguyễn Du đã đưa ra những con số rất cụ thể. Mùa xuân có chín mươi ngày thì đã trôi đi quá nửa (đã ngoài sáu mươi). Câu thơ ẩn chứa sự nuối tiếc khôn nguôi của con người trước sự chảy trôi của thời gian. Mùa xuân vốn đến và đi theo quy luật của tự nhiên bao giờ vẫn thế nhưng ở đây nhà thơ đã nhìn dưới cái nhìn tâm lí mang màu sắc chủ quan nên mùa xuân cũng trở nên sống động. Ta bắt gặp sự gần gũi trong cách cảm nhận thời gian của đại thi hào Nguyễn Du với ‘‘hoàng tử thơ ca" Xuân Diệu sau này. Nhà thơ Xuân Diệu của thời thơ mới trước mùa xuân tươi đẹp cùng đã có những dự cảm về sự tàn phai, nuối tiếc:

Xuân đang tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

(Xuân Diệu - Vội vàng)

Sự tương đồng trong cách cảm nhận bước đi mùa xuân giữa hai nhà thơ cách nhau mấy thế kỉ thể hiện sự nhạy cảm, tinh tế của những hồn thơ kiệt xuất. Chỉ có những người biết yêu, biết quý trọng thời gian mới có thể cảm nhận được sự chảy trôi, vận động tế vi đến như vậy.

Nếu như hai câu đầu, Nguyễn Du nghiêng về miêu tả thời gian thì hai câu sau nhà thơ tập trung miêu tả cảnh sắc:

Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Chỉ với hai câu thơ, tác giả đã làm sống dậy một bức tranh xuân căng tràn nhựa sống. Tất cả cảnh vật đều được miêu tả ở trạng thái viên mãn nhất. Cỏ non xanh tận chân trời, màu xanh của cỏ tiếp nối với màu xanh của trời như trải ra ngút ngàn. Màu xanh vốn là màu của sự sống, hơn nữa đây là xanh non, xanh lộc biếc nên sự sống lại càng tràn trề, trào dâng. Nguyễn Du không phải là nhà thơ đầu tiên miêu tả cỏ xuân, trước ông nhà thơ Nguyễn Trãi đã viết trong bài Bến đò xuân đầu trại:

Độ đầu xuân thảo lục như yên,
Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên

(Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vỗ trời)

Nếu Nguyễn Trãi sử dụng thủ pháp so sánh “thảo lục như yên" để miêu tả về xuân như mờ ảo, sương khói trong ngày mưa nơi bến đò thì Nguyễn Du lại vẽ trực tiếp bức tranh cỏ xuân. Chỉ với câu thơ: “Có non xanh tận chân trời", ông đã đem đến cho người đọc cảm nhận về hình ảnh, màu sắc, đường nét, sức sống của cỏ... Tất cả đều hài hòa, lắng đọng trong chiều sâu câu thơ 6 chữ tạo nên nét xuân riêng rất Nguyễn Du. Cái tài của đại thi hào không dừng ở đó, bức tranh cỏ xuân xanh biếc như làm nền cho sự đột phá ở câu thơ tiếp theo:

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Miêu tả những bông hoa lê trắng trong, tinh khiết, nhà thơ không viết là “điểm trắng” mà sử dụng đảo ngữ “trắng điểm" khiến cho màu trắng càng được nhấn mạnh. Bên cạnh đó, biện pháp đảo ngữ khiến người đọc cảm nhận màu trắng của hoa lê chủ động tô điểm cho bức tranh xuân thêm tuyệt diệu. Chỉ “một vài bông hoa” nhưng cũng đủ làm nên thần thái của bức tranh xuân.

Cảm nhận 4 câu thơ đầu Cảnh ngày xuân - mẫu 2

Mùa xuân từ lâu đã trở thành đối tượng thẩm mĩ, khơi nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu văn nhân, tài tử chấp bút để sáng tác nên những thi phẩm tuyệt vời viết về mùa xuân. Trong văn học trung đại Việt Nam, ta có thể kể đến một số tác phẩm như: "Cáo tật thị chúng" của thiền sư Mãn Giác, "Cuối xuân tức sự" của Nguyễn Trãi, "Chơi xuân kẻo hết" của Nguyễn Công Trứ... Và cũng góp một tiếng thơ hay về một mùa khởi đầu của một năm ấy chúng ta không thể không nhắc tới Nguyễn Du trong đoạn trích "Cảnh ngày xuân". Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn gọn, 28 chữ cái, nhà thơ đã phác họa thành công một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi thắm, giàu sức xuân:

Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Hai câu thơ đầu vừa có sức gợi về thời gian, lại vừa có sức gợi về không gian. Ngày xuân thấm thoát trôi qua thật nhanh như thoi đưa. Cả mùa xuân có chín mươi ngày thì nay đã qua tháng giêng, tháng hai và bước sang tháng thứ ba. Ánh sáng của ngày xuân nhè nhẹ, trong veo, lan tỏa, trải dài khắp muôn nơi. Trên nền trời cao là những đàn chim én mùa xuân đang chao nghiêng bay lượn, dưới mặt đất là một thềm cỏ xanh non bất tận trải dài ra tít tắp. Động từ “tận” làm cho không gian mùa xuân như đang giãn nở, ngày càng mở rộng ra biên độ và bao trùm cả không gian xuân là một màu xanh biếc của cỏ lá. Trên nền cỏ xanh tươi ấy là những bông hoa lê điểm vài sắc trắng gợi lên sự tinh khôi, mới mẻ. Biện pháp đảo ngữ có tác dụng tô đậm thêm và làm nổi bật hơn sức trắng của hoa lê trên nền cỏ mùa xuân.

Ở hai câu thơ cuối, nhà thơ đã vận dụng khéo léo, tài tình từ hai câu thơ cổ bên Trung Quốc để viết nên những vần thơ của mình:

Phương thảo liên thiên bích
Lê chi sổ điểm hoa.

Nguyễn Du đã dùng "cỏ non" thay cho "cỏ thơm" (phương thảo) để tô đậm về sắc màu của cỏ. Màu "cỏ non" là màu xanh nhạt, gợi nên sự tơ non, phát triển, giàu sự sống của cảnh vật thiên nhiên. Dưới ánh sáng dịu nhẹ của mùa xuân, cỏ cây như đâm chồi, nảy lộc, mang một màu xanh non bất tận. Trên cái phông nền bức tranh ấy, điểm xuyết màu trắng của những bông hoa lê. Và cái màu sắc trắng ấy sau này cũng đã xuất hiện trong thơ của Tố Hữu trong bài thơ "Theo chân Bác":

"Ôi sáng xuân nay xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ..."

Hay trong bài thơ "Việt Bắc", Tố Hữu cũng đã từng viết:

"Ngày xuân mơ nở trắng rừng..."

Tuy nhiên, nếu như trong thơ Tố Hữu, sắc trắng của hoa mơ là một gam màu chủ đạo, bao trùm lên cảnh sắc thiên nhiên mùa xuân thì trong câu thơ của Nguyễn Du, màu sắc trắng của hoa lê chỉ "điểm" vài nét vào nền xanh của cỏ cây. Chính chữ "trắng" và nghệ thuật đảo là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Du. Chữ "điểm" gợi cảnh động chứ không tĩnh, như có bàn tay của người họa sĩ – thi si hay bàn tay tài hoa của tạo hóa đang vẽ nên thơ, nên họa. Tất cả đều tươi mát, lặng lẽ, thanh tao, căng tràn sức xuân.

Tóm lại, chỉ bằng bốn câu thơ ngắn gọn, cô đúc nhưng dưới ngòi bút và cách miêu tả thần tình, Nguyễn Du đã tạo nên một bức tranh xuân tinh khôi, trong trẻo, thanh khiết và giàu sức sống, mang đậm hơi thở của hồn xuân đất Việt. Đoạn thơ rất tiêu biểu cho bút pháp tả cảnh độc đáo của nhà thơ.

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:

truyen-kieu.jsp

Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học