Sơ đồ tư duy Hịch tướng sĩ (dễ nhớ, ngắn gọn)

Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 8, chúng tôi biên soạn bài viết sơ đồ tư duy bài Hịch tướng sĩ dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, .... Hi vọng qua Sơ đồ tư duy Hịch tướng sĩ sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của bài Hịch tướng sĩ.

Bài giảng: Hịch tướng sĩ - Cô Phạm Lan Anh (Giáo viên VietJack)

Sơ đồ tư duy bài Hịch tướng sĩ - mẫu 1

Sơ đồ tư duy Hịch tướng sĩ dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy Hịch tướng sĩ dễ nhớ, ngắn gọn

I. Tác giả

- Trần Quốc Tuấn (1231? -1300) còn được gọi là Hưng Đạo Đại Vương

- Cuộc đời:

 + Là danh tướng kiệt xuất của dân tộc

 + Năm 1285 và 1287, quân Mông Nguyên xâm lược nước ta, lần nào ông cũng được Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh các đạo quân. Cả hai lần đều thắng lợi vẻ vang.

 + Tác phẩm nổi bật: Binh thư yếu lược

II. Tác phẩm

1. Thể loại: Hịch

2. Hoàn cảnh sáng tác

Được viết vào khoảng thời gian trước cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai (1285): Khi giặc Mông – Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai, lúc này quân giặc rất mạnh muốn đánh bại chúng phải có sự đồng tình, ủng hộ của toàn quân, toàn dân, vì vậy Trần Quốc Tuấn đã viết bài hịch này để kêu gọi tướng sĩ hết lòng đánh giặc.

3. Bố cục

Chia làm 3 phần:

   + Phần 1: Từ đầu đến “lưu tiếng tốt”: Nêu tên những trung thần nghĩa sĩ được sử sách lưu danh.

   + Phần 2: Từ tiếp đến “ta cũng vui lòng”: Tình hình đất nước hiện tại và nỗi lòng của người chủ tướng.

   + Phần 3: Còn lại: Phê phán những biểu hiện sai trái trong hàng ngũ quân sĩ.

4. Giá trị nội dung

Bài Hịch phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thể hiện lòng căm thù giặc và ý chí quyết thắng.

5. Giá trị nghệ thuật

- Hịch tướng sĩ là một áng văn chính luận xuất sắc

- Lập luận chặt chẽ, lĩ lẽ rõ ràng, giàu hình ảnh, có sức thuyết phục cao

- Kết hợp hài hoà giữa lí trí và tình cảm

- Lời văn giàu hình ảnh nhạc điệu

III. Dàn ý phân tích tác phẩm

1. Nêu gương sáng của trung thần nghĩa sĩ trong sử sách

- Các gương trung thần nghĩa sĩ hi sinh vì chủ: Kỉ Tín, Do Vu, Dự Nhượng, Kính Đức, Mông Kha, Cốt Đãi Ngột Lang... Địa vị khác nhau song đều trung thành, không sợ nguy hiểm, bỏ mình vì chủ tướng, vì nước.

⇒ Khích lệ ý chí lập công danh, xả thân vì nước.

⇒ Làm nổi bật tinh thần quên mình vì chủ, vì vua, vì nước.

2. Tình hình đất nước hiện tại, nỗi lòng của chủ tướng

a. Tình hình đất nước hiện tại

- Tội ác và sự ngang ngược của giặc: đi lại nghênh ngang, sỉ mắng triều đình, bắt nạt tể phụ, đòi ngọc lụa, thu bạc vàng… ⇒ Bạo ngược, tham lam, vô đạo.

- Nghệ thuật:

+ Ngôn từ gợi hình, gợi cảm: Nghênh ngang, uốn lưỡi

+ Hình ảnh ẩn dụ: lưỡi cú diều, thân dê chó

+ Giọng văn mỉa mai, châm biếm

⇒ Khắc hoạ sinh động hình ảnh kẻ thù, gợi cảm xúc căm phẫn cho người đọc, bộc lộ sự căm ghét, khinh bỉ

b. Nỗi lòng chủ tướng

- Được thể hiện rõ nét qua phần điệp với những câu văn biền ngắn gọn đối xứng cân chỉnh: “Ta thường tới bữa quên ăn…ta cũng cam lòng”

- Nghệ thuật:

   + Dùng nhiều dấu phẩy và dấu chấm phẩy

   + Nhiều động từ chỉ trạng thái và hành động mãnh liệt như: quên ăn, vỗ gối, xẻ thịt, lột da, nuốt gan, uống máu…

   + Giọng văn thống thiết, tình cảm

⇒ Tác dụng:

   + Cực tả niềm uất hận dâng lên trong lòng người chủ tướng

   + Khơi gợi sự đồng cảm ở người đọc, người nghe.

3. Chủ tướng phê phán biểu hiện sai lầm trong hàng ngũ quân sĩ, bộc lộ nỗi lòng mình và kêu gọi tướng sĩ

a. Phê phán sai lầm của tướng sĩ

- Phê phán hành động hưởng lạc, thái độ bàng quan trước vận mệnh đất nước.

- Ham thú vui tầm thường: chọi gà, cờ bạc, săn bắn, ruợu ngon...

- Thái độ phê phán dứt khoát ⇒ Phê phán nghiêm khắc thái độ bàng quan, vô trách nhiệm, vong ân bội nghĩa; lối sống hưởng lạc, chỉ lo vun vén hạnh phúc cá nhân.

b. Nỗi lòng người chủ tướng

- Khuyên:

+ Quân sĩ: phải biết lo xa, nêu cao cảnh giác, tăng cường luyện tập, học tập “Binh thư yếu lược”

+ Kết quả: có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt... lưu thơm

⇒ Tốt đẹp: đất nước còn, gia đình còn, bổng lộc có, danh dự được lưu truyền (cả vật chất và tinh thần)

⇒ Giúp tướng sĩ nhận thức rõ đúng- sai, lợi - hại.

⇒ Khích lệ lòng tự trọng, liêm sỉ ở mỗi người khi nhận ra cái sai, thấy được điều đúng.

   + Biết lo xa

   + Tăng cường võ nghệ

⇒ Chống giặc ngoại xâm.

- Chủ tướng khích lệ tinh thần trung quân ái quốc.

- Cùng cảnh ngộ: khích lệ lòng ơn nghĩa, thuỷ chung của người chung hoàn cảnh.

- Thể hiện thái độ:

   + Khuyên răn, bày tỏ thiệt hơn

   + Nghiêm khắc cảnh báo

   + Mỉa mai, chế giễu

c. Kêu gọi tướng sĩ

- Vạch rõ ranh giới 2 con đường chính- tà, sống - chết.

⇒ Thái độ dứt khoát, cương quyết. Nhằm loại bỏ thái độ do dự trong tướng sĩ.

- Khích lệ lòng yêu nước bất khuất, quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược.

⇒ Trần Quốc Tuấn là vị tướng yêu nước, có trách nhiệm cao đối với vận mệnh của dân tộc, căm thù giặc sâu sắc.

IV. Bài phân tích

Trong nền văn học Việt Nam có những tác phẩm ra đời để rồi trở thành những áng văn bất hủ cùng thời đại, trải qua biết bao nhiêu sóng gió của thời gian nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị đến tận ngày nay. Cùng với tác phẩm Nam Quốc Sơn Hà, Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn cũng là một tác phẩm, một áng văn bất hủ để đời ẩn chứa tấm lòng yêu nước tha thiết của Trần Quốc Tuấn. Qua tác phẩm ta không chỉ thấy được tài cầm quân của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mà còn cảm nhận được tài năng văn chương của vị chủ tướng này.

Trần Quốc Tuấn (1231 - 1300) người đã được vua Trần giao cho thống lĩnh quân đội, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên thắng lợi vẻ vang. Người nổi tiếng là biết trọng kẻ sĩ thu phục nhân tài. Trần Quốc Tuấn là một người anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài, lòng yêu nước của ông được thể hiện rõ qua văn bản "Hịch tướng sĩ", văn bản khích lệ tướng sĩ học tập cuốn "Binh thư yếu lược" do ông biên soạn.

Hịch là thể văn nghị luận thời xưa, thường được vua chúa, tướng lĩnh hoặc thủ lĩnh một phong trào dùng để cổ động, thuyết phục hoặc kêu gọi đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Hịch thường được viết theo hình thức văn biền ngẫu, kết cấu chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, dẫn chứng thuyết phục, giọng văn hùng hồn. Bài "Hịch tướng sĩ" có những sáng tạo linh hoạt trong cấu trúc, bao gồm có hai phần: nêu vấn đề và giải quyết vấn đề. Đây là áng văn chính luận xuất sắc, lời văn thống thiết, hình ảnh giàu biểu cảm, mang đậm chất trữ tình.

Mở đầu bài hịch, Trần Quốc Tuấn nêu các gương sáng trong lịch sử. “Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước. Kính Đức một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thái Sung; Cảo Khanh một bầy tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc.” Có người làm tướng, có người làm quan nhỏ nhưng tất cả sẵn sàng chết vì vua, vì chủ, vì đất nước, không sợ hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Qua đó tác giả muốn khích lệ tinh thần, lòng trung quân ái quốc của các tướng sĩ.

Đoạn văn tiếp theo, từ việc nêu các tấm gương sáng trong sử sách, tác giả chỉ ra tình hình đất nước hiện nay. Với một giọng điệu xót xa, đau đớn, căm phẫn ông đã tái hiện những sự việc đang diễn ra ở đất nước ta dưới vó ngựa xâm lăng của quân Nguyên Mông, khiến cho bất cứ những người dân yêu nước nào cũng phải ngậm ngùi, đau xót:"... Ta cùng các ngươi sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buổi gian nan. Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau!". Người đọc dễ dàng nhận thấy, dưới ngòi bút của tác giả, ông đã thú vật hóa chân dung và bản chất của bọn giặc, khiến bọn chúng hiện lên vừa đớn hèn nhu nhược, vừa tham lam ích kỉ, vừa mọi rợ, tàn ác đến mất hết tính người. Lời văn tràn đầy niềm phẫn uất, căm tức đến tuyệt đỉnh, bộc lộ tâm thế nhất quyết không đội trời chung với giặc và ẩn sau đó là khí thế chiến đấu, tinh thần yêu nước mãnh liệt, quật cường của vị chủ tướng thống lĩnh đại quân. Những lời văn chắc nịnh ấy như vang lên một sự căm thù đến tột đỉnh kẻ thù của mình, tác giả đã có nhưng lúc quên ăn, nước mắt đầm đìa, ruột đau như cắt, ý chí kiên cường quyết tâm của Trần Quốc Tuấn cũng thể hiện rõ sự căm thù đó. Dẫu có phải phơi xác ngoài chiến trường thì cũng nguyện xin làm để đánh đuổi bọn xâm lược dê chó kia.

Tấm lòng yêu nước nồng nàn của Trần Quốc Tuấn được thể hiện rõ nhất qua hai câu văn: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng". Các câu văn được viết theo hình thức thể văn biền ngẫu, câu văn ngắn dài sóng đôi, kết hợp với giọng điệu dồn dập, gấp gáp đã thể hiện được lòng căm thù giặc, khí thế anh dũng và tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của tác giả. Ông nguyện xả thân, không tiếc thân mình, sống chết vì đất nước. Ta đọc ở đây một trách nhiệm công dân cao độ, một ý chí khát vọng lập công mạnh mẽ của một bậc trượng phu có lý tưởng sống và chiến đấu cao đẹp, thiêng liêng: quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Sau đó, nêu mối ân tình giữa chủ soái và tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn phê phán những hành động sai của tướng sĩ, đồng thời khẳng định những hành động nên làm nhằm thức tỉnh sự tự ý thức, trách nhiệm, tự nhìn nhận lại mình để điều chỉnh suy nghĩ cũng như hành động của tướng sĩ. Tác giả nêu lên sự thiệt hơn công bằng trong quân đội, đói thì cho cơm ăn, đi thủy thì cho thuyền mà đi bộ thì cho ngựa…nhưng nay chủ nhục mà quân không biết lo, thấy nước nhục mà quân không biết thẹn. Tác giả tiếp tục nêu những sai lệch trong quân đội để cảnh tỉnh binh sĩ.  Những sai lệch ấy là có người thì mê rượu, ờ bạc, quyến luyến vợ con, làm ruộng vườn để cung phụng gia đình, có kẻ lại ham săn bắn mà nhác việc quân. Đó là tất cả những sai lệch trong quân đội rất đáng lo ngại nếu bất chợt giặc Nguyên Mong sang thì nhưng sai lệch ấy, việc làm ấy có thể cứu đất nước được hay không? Đợi đến lúc đó vợ con cũng không còn để mà quyến luyến nữa, đất nước cung chẳng phải của mình mà tiếng nhơ nhuốc còn để lại mãi đời sau, lúc đo thì còn vui được nữa hay không. Từ đó Trần Quốc Tuấn nêu lên những việc cần phải làm ngay chính lúc này là tập trung vào luyện binh pháp, để đánh đuổi quân Mông. Và việc đó đồng nghĩa với việc những người thân hay những thú vui của họ sẽ vẫn còn, lúc ấy vui cũng chưa muộn “Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, (…) lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười.”, “Lúc bấy giờ, ta cùng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị tan, mà vợ con các ngươi cũng khốn; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên...”. Từ những lời nói ấy ta như thấy được Trần Quốc Tuấn đã rất khôn khéo với những lời trách móc hay cũng như giáo huấn binh sĩ của mình. Nhưng lại có lúc lời nói ấy không giống của một chủ tướng mà giống người cùng cảnh ngộ với họ hơn. Có thẻ thấy tác giả là một vị tướng tài ba thấu hiểu hết những buồn vui cũng như thú chơi của binh sĩ để từ đó mà chấn chỉnh lại. Trước những sai lệch thì như trách móc nhưng sau đó không phải là hình phạt như chém đầu hay đánh đập mà chỉ là những lời khuyên. Điều đó góp phần cho quân sĩ không mất đi người nào mà còn được lòng người, dùng biện pháp mạnh bây giờ chỉ khiến cho người ta thêm phần không nể phục. Nghệ thuật tương phản đã cho thấy hai viễn cảnh đối ngược nhau, Trần Quốc Tuấn đã để cho các tướng sĩ tự chiêm nghiệm, suy ngẫm về sự mất – được, hại – lợi, sáng – tối mà tự chọn cho mình một đường đi đúng đắn.

Kết thúc bài hịch, tác giả nêu lên một tư tưởng giáo dục, một nhận thức đúng đắn sâu sắc, cụ thể, đó là "đạo thần chủ". Yêu nước, trung thành với chủ phải được thể hiện bằng hành động, chăm chỉ tập luyện binh pháp và rèn luyện binh thư. Còn nếu lười biếng, trốn tránh tập luyện, trái lời dạy bảo thì coi như nghịch thù. Đây không chỉ là lời tuyên chiến mạnh mẽ với giặc mà còn là lời bác bỏ với mọi tư tưởng đầu hàng, thỏa hiệp đình chiến. Thể hiện lòng quyết tâm, tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, cháy bỏng không gì thay đổi được ở vị tướng tài ba Trần Quốc Tuấn.

Có thể nói bài hịch đã đạt tới trình độ mẫu mực của thể văn chính luận. Nghệ thuật lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, dẫn chứng thuyết phục, theo trình tự tăng tiến cho tới khi kết thúc tác phẩm. Giọng văn biến đổi linh hoạt: khi thì nhẹ nhàng trò chuyện tâm tình thân mật; khi lại đau xót uất ức, căm hờn; lúc lại hào sảng, tươi vui; khi lại nghiêm khắc, rắn rỏi. Ngoài ra, bài hịch còn sử dụng rất tài tình thể văn biền ngẫu với các cặp câu cân xứng nhịp nhàng, đăng đối hô ứng nối tiếp nhau trong văn bản, giúp ý tứ được tung hứng tài tình, thắt buộc chặt chẽ, dẫn dắt người đọc đến mục đích cuối cùng của người viết. Phép trùng điệp, liệt kê kết hợp với các câu hỏi tu từ càng làm tăng thêm sức biểu cảm cho bài hịch. Bên cạnh đó, ngôn ngữ hình ảnh bài hịch cũng rất phong phú, sinh động, giàu sức gợi (khi nói về bọn giặc, tác giả sử dụng ngôn ngữ vật hóa: uốn lưỡi cú diều, đem thân dê chó, đem thịt mà nuôi hổ đói...). Và trong bài, tác giả cũng sử dụng khá nhiều những điển cố, điển tích những rất dễ hiểu, hài hòa, tự nhiên...Tất cả đã góp phần làm nên thành công của bài hịch.

Bài hịch tuy ngắn gọn nhưng đã phản ánh được tinh thần của thời đại, hào khí Đông A. Hịch tướng sĩ chứa chan tấm lòng yêu nước, nỗi căm hận quân thù và tinh thần quyết thắng, thể hiện lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân dân ta trong công cuộc bảo vệ biên cương, bờ cõi, mà văn bản còn là một tác phẩm văn học, một áng văn chính luận mẫu mực, bậc thầy, rất xứng đáng là "áng thiên cổ hùng văn" của muôn đời.

V. Một số lời bình về tác phẩm

1. Khi đọc Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn và một số thơ văn thời đại nhà Trần, các cụ ta xưa thường bảo: đó là những áng văn tỏa rạng hào khí Đông A (hào khí Đông A là khí thế, là tinh thần tự cường, tự chủ của triều đại nhà Trần). Đọc Hịch tướng sĩ, chúng ta cần cảm nhận thật thấm thía tấm lòng của Hưng Đạo Vương, vị chủ tướng yêu nước thiết tha, thương dân, nhân hậu vô cùng.

(Vũ Dương Qũy, Thơ văn Lý Trần, NXB Giáo dục, 1999)

Sơ đồ tư duy bài Hịch tướng sĩ - mẫu 2

Sơ đồ tư duy Hịch tướng sĩ dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài Hịch tướng sĩ - mẫu 3

Sơ đồ tư duy Hịch tướng sĩ dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài Hịch tướng sĩ - mẫu 4

Sơ đồ tư duy Hịch tướng sĩ dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài Hịch tướng sĩ - mẫu 5

Sơ đồ tư duy Hịch tướng sĩ dễ nhớ, ngắn gọn

Xem thêm sơ đồ tư duy của các tác phẩm, văn bản lớp 8 hay, chi tiết khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:


Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học