Top 40 Thuyết minh một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em (hay, ngắn gọn)

Bài văn Thuyết minh một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em hay nhất, ngắn gọn gồm dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy và các bài văn mẫu được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 9. Hi vọng với thuyết minh một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em này các bạn sẽ yêu thích và viết văn hay hơn.

Thuyết minh một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em – mẫu 1

“Ai về đến huyện Đông Anh,

Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương.

Cổ Loa hình ốc khác thường,

Trải qua năm tháng, nẻo đường còn đây.”

Mỗi khi nghe bài ca dao này, em không khỏi cảm thấy tự hào khi nghĩ về quê hương mình. Chắc hẳn, là một người dân Việt Nam, ai cũng đã từng nghe đến truyền thuyết về vua An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa với sự giúp đỡ của thần Kim Quy. Trải qua năm tháng, thành Cổ Loa vẫn còn nguyên những giá trị về lịch sử, văn hóa.

Thành Cổ Loa được xây dựng vào khoảng thế kỷ III TCN, dưới thời trị vì của An Dương Vương, do sự chỉ đạo trực tiếp của Cao Lỗ. Thành tọa lạc tại một khu đất đồi nằm ở tả ngạn sông Hoàng - vốn là một nhánh lớn của sông Hồng. Ở thời Âu Lạc thì vị trí của Cổ Loa nằm ngay tam giác châu thổ sông Hồng, là nơi giao lưu giữa đường thủy và đường bộ. Đây được coi là vị trí có thể kiểm soát được cả đồng bằng lẫn vùng núi nên được chọn làm kinh đô. Có lẽ, nếu nói đến nét đặc sắc nhất khi nhắc đến thành Cổ Loa, ai cũng sẽ phải công nhận đó là ở kiến trúc của thành. Theo tương truyền, thành bào gồm chín vòng xoáy trôn ốc. Tuy nhiên,căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành chỉ có ba vòng. Trong đó, vòng thành nội rất có thể được làm về sau, dưới thời Ngô Quyền. Chu vi vòng ngoài là 8km, vòng giữa là 6,5km, vòng trong là 1,6 km, diện tích trung tâm lên tới 2km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4m - 5m, có chỗ cao đến 8m - 12 m. Chân lũy rộng 20m - 30m, mặt lũy rộng 6m - 12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối.

Thành có cấu tạo gồm ba phần: thành nội, thành chung và thành ngoại. Thành nội có hình chữ nhật, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6m -12m, chân rộng từ 20m - 30m, chu vi 1.650 m và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc “Ngự triều di quy”. Kế tiếp là thành trung xây dựng theo một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500 m, nơi cao nhất là 10m, mặt thành rộng trung bình 10m. Thành có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng. Thành ngoài cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000m, cao trung bình 3m - 4m (có chỗ tới hơn 8m). Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m, có chỗ còn rộng hơn. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng. Bên trong thành là các khu đình, đền bao gồm: đền Thượng (đền thờ An Dương Vương) được dựng trên khu đất rộng 19.138,6m2. Tại vị trí lối lên cửa giữa của đền đặt đôi rồng đá, mang phong cách nghệ thuật thời Lê - Mạt. Trong đền còn lưu giữ năm tấm bia đá và năm mươi ba hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc. Kiến trúc đền bao gồm tiền tế theo kiểu ba gian, hai chái. Hệ khung kết cấu gỗ, mái lợp ngói mũi hài. Trên hệ mái đắp các đầu đao cong, tượng nghê chầu. Các bộ vì chính được làm theo kiểu giá chiêng, sơn son thếp vàng, chạm họa tiết “rồng vờn mây”; trung đường đấu mái liền với hậu cung, tạo thành dạng thức kiến trúc kiểu “chuôi vồ”, bên trong đặt tượng An Dương Vương, bằng đồng, nặng khoảng 200kg, đúc năm 1897. Tiếp đến là đình Cổ Loa (hay còn gọi là Ngự Triều Di Quy) có bố cục mặt bằng nền hình chữ “Đinh”, gồm đại đình và hậu cung. Đại đình gồm năm gian, hai chái. Kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói mũi hài, với bốn góc đao cong vút. Các bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu “giá chiêng, chồng rường”, với sáu hàng chân cột. Hậu cung nối liền với đại đình qua bộ cửa bức bàn phía dưới và đấu mái ở phía trên. Các đề tài trang trí trên kiến trúc này mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVIII. Kế tiếp là Am Mỵ Châu (am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu) nằm tọa lạc trên khu vực rộng 925,4m2. Mặt bằng kiến trúc được bố cục theo dạng “tiền Nhất, hậu Đinh”, gồm các tòa tiền tế, trung đường và hậu cung. Chùa Cổ Loa hay Bảo Sơn tự được khởi dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Bố cục mặt bằng nền theo dạng “nội Công, ngoại Quốc”, gồm các hạng mục với tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hậu cung, gác chuông, tháp mộ, cổng hậu, nhà Tổ, nhà ni, nhà khách. Chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự) được dựng vào thời Hậu Lê, trên diện tích rộng 4.922,4m2. Chùa quay hướng Nam, bao gồm các hạng mục: Tam bảo, tiền đường, thượng điện, nhà Mẫu, giải vũ, hành lang… Cuối cùng, đình Mạch Tràng: tọa lạc trên một khu đất cao, có diện tích 6.198,4m2, gồm các hạng mục tiền tế, đại đình và hậu cung.

Thành Cổ Loa có giá trị về nhiều mặt. Về quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc bảo vệ đất nước. Về văn hóa, thành Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa. Một bằng chứng về sự sáng tạo cũng như trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ. Thành Cổ Loa chính là di tích lịch sử thể hiện nét đẹp không chỉ của quê hương em mà còn là của đất nước Việt Nam.

Dàn ý Thuyết minh một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em

I. Mở bài

- Giới thiệu chung về di tích, thắng cảnh ở quê em (vị trí, đặc điểm chung về di tích, danh lam thắng cảnh).

- Nét đặc sắc ở di tích, thắng cảnh và cảm xúc bản thân

II. Thân bài

1. Nguồn gốc

- Di tích đó được phát hiện, xây dựng vào thời điểm nào?

- Những sự kiện lịch sử, câu chuyện gắn liền với sự ra đời của di tích.

2. Nét đặc sắc

- Miêu tả những nét đặc sắc nhất, độc đáo nhất (về kiến trúc, ẩm thực, lễ hội…)

- Đôi nét về những cảnh quan thiên nhiên xung quanh

3. Vai trò, ý nghĩa đối với đời sống tinh thần của địa phương

- Phương diện vật chất

- Phương diện tinh thần

4. Bảo vệ và phát triển vẻ đẹp đặc sắc của di tích trong tương lai góp phần vào việc quảng bá hình ảnh quê hương.

III. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề

- Tình cảm của em đối với danh lam, thắng cảnh đó.

Sơ đồ tư duy Thuyết minh một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em

Thuyết minh một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em

Thuyết minh một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em – mẫu 2

Việt Nam - mảnh đất hình chữ S với biết bao nhiêu những danh lam thắng cảnh đặc sắc. Nhưng có lẽ, đối với riêng tôi, mảnh đất Hà Nội - quê hương đã gắn bó với nhiều kỉ niệm tuổi thơ là đẹp nhất.

Hà Nội mang trong mình nét đẹp hài hòa giữa sự cổ kính và hiện đại. Trải qua những năm tháng chiến tranh hào hùng, thành phố đã được đổi tên nhiều lần Đông Đô, Thăng Long để đến với cái tên Hà Nội như ngày hôm nay. Hà Nội cổ được biết đến với ba mươi sáu phố phường. Trong những bức hoạ nổi tiếng về Hà Nội, hình ảnh những con phố cổ nhỏ quanh co với những ngôi nhà mái ngói ngả màu rêu phong đã trở thành một nét riêng, một phần trong tâm hồn người Hà Nội, mà mỗi khi nhìn thấy, người ta không thể không cảm thấy một nỗi xao xuyến khó tả. Phố cổ Hà Nội được đặt tên theo các mặt hàng mà con phố đó buôn bán. Nào là hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay.. Ngày nay vẫn còn những tên phố duy trì được đặc trưng này. Có những phố, hầu hết các gia đình đều theo một nghề thủ công. Nghề được cha truyền con nối và tồn tại đến tận ngày nay.

Nét cổ Hà Nội còn được thể hiện qua những công trình kiến trúc đẹp và độc đáo. Nằm giữa lòng thành phố là Hồ Hoàn Kiếm với hai địa danh nổi tiếng là Tháp Rùa và đền Ngọc Sơn. Khi nhắc đến Hồ Gươm người ta nhớ đến “Truyền thuyết Hồ Gươm” kể về việc vua Lê Lợi được Rùa Vàng cho mượn gươm đánh giặc. Ta cũng không quên nhắc đến Văn Miếu - ngôi trường đại học cổ nhất của Việt Nam. Với những tấm bia tiến sĩ ghi lại tên tuổi các vị tiến sĩ qua từng triều đại. Ngoài ra, đó còn là ngôi chùa Trấn Quốc, nằm trên một dải đất nhỏ trên Hồ Tây. Chùa là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội với những bàn thờ các đức Phật uy nghiêm bên trong, cùng lăng tẩm của các vị chân tu qua nhiều đời trụ trì. Mênh mông xung quanh là nước, ngôi chùa nằm trên đường Thanh Niên này được xây dựng từ thế kỉ thứ 6. Hay như đền Quán Thánh gần đó được xây dựng vào năm 1010. Ngôi đền thu hút được sự ngưỡng mộ của du khách nhờ bức tượng Huyền Thiên (một trong bốn vị tướng trấn thành Thăng Long) được đúc bằng đồng đen cao 3,72m, nặng bốn tấn. Đây là một trong những tác phẩm độc đáo mà các nghệ nhân đúc đồng cổ Hà Nội để lại cho con cháu. Ngắm nhìn bức tượng, các nghệ nhân ngày nay cũng phải thầm cảm phục sự khéo léo của các bậc tiền bối bởi bức tượng khổng lồ này hoàn toàn được đúc bằng tay với những dụng cụ rất thô sơ của thế kỷ XVII. Chùa Kim Liên ở phủ Tây Hồ cũng là một di tích độc đáo…

Bên cạnh vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, Hà Nội còn khoác lên mình một vẻ đẹp hiện đại. Đó chính là vẻ đẹp của kiến trúc Pháp. Với một loạt các công trình mang đậm dấu ấn phương Tây như: Nhà Thờ Lớn, Bắc Bộ Phủ, Nhà Hát Lớn... Ngoài ra, sự hiện đại của thủ đô cũng thể hiện qua việc ngày càng có nhiều những tòa nhà cao tầng được xây dựng. Nét đẹp của Hà Nội dù hiện đại hay cổ kính đều có những vẻ đẹp riêng biệt. Mỗi chúng ta, hãy luôn trân trọng vẻ đẹp của một thủ đô ngàn năm văn hiến.

Thuyết minh một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em – mẫu 3

Vịnh Hạ Long là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ ẩn chứa nét đẹp kỳ diệu, hùng vĩ của tạo hóa. Vịnh có giá trị to lớn đối với ngành du lịch trong và ngoài nước.

Vịnh Hạ Long có những dấu tích về quá trình hình thành, phát triển lịch sử trái đất với những dấu vết của người Việt cổ, là kiệt tác của tạo hóa với tổng diện tính 434 km2, 775 hòn đảo, được bảo vệ bởi vùng đệm rộng lớn có diện tích 1.119km2. Hệ sinh thái nơi đây rất đa dạng và phong phú với nhiều loài động thực vật quý hiếm có giá trị cao. Hơn thế nữa, nơi đây còn gắn liền với những giá trị văn hóa - lịch sử hào hùng của dân tộc. Vịnh Hạ Long được kiến tạo bởi hoạt động địa chất, câu chuyện về việc hình thành Vịnh Hạ Long gắn liền với quá trình giữ nước của dân tộc. Năm ấy, khi biết đất nước bị giặc ngoại xâm thì Ngọc Hoàng liền sai Rồng Mẹ và Rồng con xuống trần gian giúp dân đánh giặc. Tuy nhiên sau khi đánh tan giặc hai mẹ con rồng không trở về trời mà ở lại trần thế. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống được gọi là Hạ Long, còn nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long.

Tên gọi của Vịnh Hạ Long đã được thay đổi qua các thời kỳ lịch. Ở thời Bắc thuộc tên gọi khu vực này là Lục Châu, Lục Hải. Đến thời Lý, Trần, Lê tên vịnh cũng được thay đổi thành Hoa Phong, Hải Đông, An Bang, Vân Đồn, Ngọc Sơn hay Lục Thủy. Từ cuối thế kỷ XIX tên Hạ Long mới được xuất hiện trong một số thư tịch và các bản đồ hàng hải của Pháp.

Vịnh Hạ Long có hệ thống những đảo đá và hang động tuyệt đẹp với hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch với độ tuổi từ 250 - 280 triệu năm. Những đảo và hang động tuyệt đẹp đó là kết quả của nhiều quá trình kiến tạo và bào mòn trong hàng triệu năm. Khi tham quan vịnh trên những con thuyền nhỏ du khách sẽ bắt gặp khung cảnh huy hoàng đầy thơ mộng của đất trời, đó là hình ảnh xanh dịu của bầu trời Hạ Long cùng với sắc xanh bát ngát của màu biển, và hòa vào bức tranh thiên nhiên đó là những nét chấm phá nổi bật của hàng ngàn đảo lớn nhỏ trong Vịnh. Hòn Đầu Người mang dáng vẻ của một con người đầy suy tư đang hướng về đất liền, hòn Lã Vọng mang dáng dấp của ông lão đang câu cá. Những hòn đảo không chỉ khiến chúng ta liên tưởng đến con người mà còn liên tưởng đến cả những sự vật, hiện tượng không tưởng. Đó là hòn Rồng, nơi đã gợi cho ta liên tưởng về con rồng oai nghiêm đang bay lượn trên nền trời, rồi lại đến hòn Ông Sư cùng với hình ảnh nhà sư đứng giữa biển trời bao la đang chắp tay niệm phật. Dường như những sự vật vô tri vô giác đó đã được nhân cách hóa thông qua tên gọi để rồi chúng có linh hồn riêng, đi vào huyền thoại của biển trời bao la. Nếu vẻ bên ngoài của các đảo góp phần tạo nên thiên đường núi đá kỳ vĩ trên mặt biển bao la thì bên trong đảo lại là những hang gắn liền với những truyền thuyết xa xưa như động Thiên Cung, động Tam Cung, hang Sửng Sốt,... Những đảo đá không tĩnh lặng và đơn điệu mà chúng biến hóa liên tục theo thời gian và góc nhìn. Chúng không phải là sự vật vô tri mà trở thành những vật có linh hồn riêng, mang tính cách riêng.

Vẻ đẹp của Vịnh không chỉ được thể hiện qua hệ thống các đảo, hang động mà còn được thể hiện qua hệ thống đa dạng sinh học, thảm thực vật phong phú, đa dạng. Nhờ sự kết hợp của môi trường, khí hậu và những ưu ái từ thiên nhiên nên vịnh Hạ Long đã có hệ thống sinh thái rừng và các đảo với nhiều giá trị về đa dạng sinh học với nhiều loài động thực vật quý hiếm mang giá trị cao. Nhắc đến Vịnh Hạ Long là nhắc đến núi non hùng vĩ với những dấu tích lịch sử của các nền văn hóa cổ xưa cách đây hàng nghìn năm. Đó là nền văn hóa Soi Nhụ, Cái Bèo và nền văn hóa Hạ Long đã tồn tại từ thời khai thiên lập địa.

Thuyết minh một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em – mẫu 4

Dọc theo dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta, mỗi tỉnh thành của đất nước chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh khác nhau. Thủ đô Hà Nội có Hồ Hoàn Kiếm, Ninh Bình có chùa Bái Đính, Tràng An, về Nghệ An, chúng ta lại được về thăm Nam Đàn quê Bác và khi nhắc tới Quảng Nam - mảnh đất đầy nắng và gió, chúng ta sẽ nhớ ngay tới Phố cổ Hội An. Phố cổ Hội An là một danh lam thắng cảnh, một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Như chúng ta đã biết, Phố cổ Hội An là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là một đô thị cổ nằm ở hạ nguồn của dòng sông Thu Bồn, nằm cách xa thành phố Đà Nẵng khoảng 30 ki-lô-mét về phía Nam. Nhìn lại chặng đường ra đời, xây dựng và phát triển của Phố cổ Hội An chắc hẳn mọi người sẽ không khỏi ngỡ ngàng. Vào những năm thế kỷ 17 và 18, Phố cổ Hội An là một trong số những trung tâm buôn bán sầm uất nhất cả nước, là một thương cảng quốc tế - nơi gặp gỡ, giao lưu, buôn bán của các thương lái Trung Quốc, Nhật Bản và cả các nước phương Tây. Trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây may mắn không bị chiến tranh tàn phá và những công trình kiến trúc, văn hóa nơi đây vẫn còn vẹn nguyên. Thêm vào đó, trước ảnh hưởng của xu hướng đô thị hóa vào những năm của thế kỉ 20, nơi đây vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp nguyên sơ của nó như trong thời kì trước đó. Và để rồi, năm 1980,các học giả cũng như du khách trong và ngoài nước chú ý đến những nét đẹp của kiến trúc, văn hóa ở Phố cổ Hội An, dần dần, nơi đây đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn ở nước ta.

Phố cổ Hội An có nhiều nét đặc sắc, những điểm riêng hấp dẫn và thú vị mà chúng ta khó có thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Trước hết, Phố cổ Hội An có những công trình kiến trúc, những địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn và thú vị. Bước vào thế giới của Phố cổ Hội An, đúng như tên gọi phố cổ của nó, chúng ta sẽ cách xa những ồn ào, vội vã của tiếng xe cộ, tấp nập, đông đúc, âm thanh của những nhà máy để bước vào một thế giới tĩnh lặng và yên ả. Những gì chúng ta có thể nhìn thấy đó chính là những mái rêu phong cũ kỹ và cổ kính, những ngôi nhà gỗ từ xa xưa, đặc biệt là những chiếc đèn hoa đăng trên những cây cao và cả ở mỗi ngôi nhà. Có lẽ, Phố cổ Hội An đẹp nhất về đêm, khi những chiếc đèn hoa đăng được thắp sáng lên khắp mọi nẻo đường. Phố cổ Hội An nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp với kiến trúc độc đáo. Đó là chùa Cầu - nó còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản, là một công trình kiến trúc với kiểu kết cấu rất đặc biệt - trên là nhà và dưới là cầu. Đó còn là những hội quán được xây dựng từ hàng nghìn năm trước, trong đó nổi bật lên là hội quán Phúc Kiến, hội quán Trung Hoa, hội quán Triều Châu, hội quán Quỳnh Phủ, hội quán Quảng Đông. Ngoài ra, ở nơi đây còn có một số công trình kiến trúc hấp dẫn khác như các nhà thờ tộc, những ngôi đền miếu,... Dường như, những công trình kiến trúc ấy đã tồn tại hàng nghìn năm, cùng chứng kiến Hội An ngày càng phát triển.

Thêm vào đó, Phố cổ Hội An cũng là nơi có nền ẩm thực độc đáo với những món ăn mang điệu hồn và đặc trưng riêng của mảnh đất này. Một trong số những món ăn tiêu biểu và đặc trưng nhất của ẩm thực ở Phố cổ Hội An đó chính là món cao lầu - một món ăn mang tính phố thị. Cao lầu là món ăn được chế biến rất công phu, khi thưởng thức nó chúng ta cần cần sử dụng nước dùng nhưng đổi lại sẽ ăn cùng với thịt xíu, nước xíu, tép mỡ và để món ăn bớt độ ngậy, người ta thường ăn kèm với rau sống và giá đỗ. Cùng với cao lầu, mì Quảng cũng là món ăn đặc biệt ở nơi đây. Đúng như tên gọi của nó, đây là món ăn có nguồn gốc từ Quảng Nam và ngày nay, dẫu mì Quảng đã có mặt ở nhiều nơi trên cả nước nhưng có lẽ chẳng có nơi nào nó tròn vị như ở nơi đây. Mì Quảng được bán phổ biến ở Phố cổ Hội An, nó xuất hiện ở trong những nhà hàng sang trọng, những quán ăn bình dân và đặc biệt là cả những quán ăn vỉa hè. Ngoài ra, nhắc tới ẩm thực Phố cổ Hội An sẽ không thể nào không nhắc tới bánh bao và bánh vạc. Bánh bao và bánh vạc ở nơi đây mang một hương vị rất riêng, vừa ngon vừa lạ, chúng thường đi kèm với nhau và ăn cùng với nước chấm vừa cay vừa chua rất tuyệt. Không chỉ món ăn ngon, lạ mà cách trang trí món ăn, các nhà hàng và phong cách phục vụ ở nơi đây cũng rất đặc biệt. Những nhà hàng ở phố cổ Hội An luôn được trang trí một cách rất độc đáo - chúng thường được điểm tô bằng những bức tranh cổ, những đồ thủ công mĩ nghệ, những giỏ hoa muôn ngàn sắc màu,... Tất cả những điều ấy quyện hòa vào nhau tạo nên nét riêng biệt ở Hội An mà không nơi nào có được.

Đặc biệt, ở Phố cổ Hội An còn có rất nhiều lễ hội truyền thống và những trò chơi dân gian từ ngàn đời xưa. Cho đến ngày nay, Phố cổ Hội An vẫn còn được lưu giữ được nhiều lễ hội truyền thống từ xưa, đó chính là lễ hội kính ngưỡng thành hoàng làng, lễ hội tưởng niệm những vị tổ sư trong các ngành nghề, lễ hội kỷ niệm các bậc thánh nhân, lễ hội tín ngưỡng tôn giáo và có lẽ đặc biệt hơn cả lễ hội đêm rằm phố cổ. Lễ hội đêm rằm phố cổ diễn ra vào đêm ngày 14 hằng tháng, dưới ánh trăng bàng bàng tỏa khắp nơi, làm tăng thêm sự cổ kính vốn có của mảnh đất này. Vào những ngày này, ở đây còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như đánh bài chòi, hò khoan, hò giã gạo, thi đấu cờ tướng và nhất là thả đèn hoa đăng. Hoa đăng - một nét đặc trưng riêng của Hội An, chắc có lẽ bởi vậy đến với Hội An, bao giờ người ta cũng muốn được thả đèn hoa đăng một lần. Ngoài ra, ở Phố cổ còn có nhiều trò chơi dân gian khác, thu hút sự tham gia của người dân địa phương và du khách, đó chính là trò bài tới, trò thả thơ, trò chơi thư pháp. Phố cổ Hội An đã tồn tại từ lâu đời và có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đối với dân tộc ta. Vào những năm trước thế kỉ 20, nơi đây là một trong số những địa điểm buôn bán sầm uất nhất cả nước. Ngày nay, Phố cổ Hội An là địa điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng triệu hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước về thăm. Thêm vào đó, Phố cổ Hội An còn là nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa. Có biết bao vần thơ da diết về mảnh đất và con người nơi đây. Và cũng có thật nhiều những bức tranh vẽ lại thật đẹp, thật sinh động về những cảnh sắc nơi mảnh đất Phố cổ thân yêu này.

Phố cổ Hội An là một trong số những địa điểm du lịch hấp dẫn trên đất nước ta. Nơi đây mang trên mình nét đẹp cổ kính với những nét đặc trưng mà không bất cứ nơi nào có được.

Thuyết minh một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em – mẫu 5

Tôi đã đọc một bài hát nói của Chu Mạnh Trinh rằng:

"Bầu trời, cảnh bụt,

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.

Kìa non non, nước nước, mây mây,

Đệ nhất động hỏi là đây có phải?"

Tựu chung lại cả hai tác phẩm ấy đều nói về một địa điểm vô cùng nổi tiếng mà theo cách gọi của dân gian là Chùa Hương, nhưng chính xác nó không chỉ là một ngôi chùa riêng biệt mà là một quần thể di tích văn hóa - tôn giáo lớn gọi là Hương Sơn có tuổi đời lên tới vài trăm năm từ thuở vua Lê-chúa Trịnh. Chùa Hương không chỉ mang trong mình vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình tựa như chốn bồng lai tiên cảnh, mà còn mang trong mình sự thanh tịnh, không khí thâm nghiêm của chốn thiền tu. Một lần bước chân đến Hương Sơn dường như khách lữ hành cũng bỏ lại sau lưng mọi nỗi lo trần thế để được tịnh tâm ngắm nhìn phong cảnh núi non, đền chùa, nơi được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhất động" này.

Quần thể di tích chùa Hương được xây dựng vào cuối thế kỷ thế kỷ 17 khoảng những năm 1680-1704, việc ra đời của ngôi chùa cũng có nhiều sự tích, nhiều người thắc mắc rằng tại sao lại có hai ngôi chùa tên Hương Tích, một ở Hà Tĩnh và một ở Hà Nội. Chuyện kể rằng, thuở xưa các phi tần, mỹ nữ của chúa quê gốc phần lớn ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh nên cứ mỗi độ xuân về các bà thường hay ngược về Hà Tĩnh để trẩy hội chùa Hương, dâng hương kính Phật. Đó vốn là chuyện tốt đẹp thế nhưng chúa Trịnh lại có mối nghi ngại, sợ phi tần chịu đường xa cực khổ, và vài lý do tế nhị thế nên chúa quyết định cho xây dựng thêm một chùa Hương Tích ở tại Hà Nội để cho các bà trẩy hội được gần hơn. Hiện nay, quần thể di tích này tọa lạc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bên cạnh sông Đáy, trong đó trung tâm cụm di tích là chùa Hương nằm trong động Hương Tích, người ta còn gọi là chùa Hương Tích hoặc chùa Trong.

Về kết cấu kiến trúc, quần thể di tích Hương Sơn là nơi quy tụ của hàng chục ngôi chùa lớn thờ Phật, nhiều ngôi đền thờ thần, thánh cùng các ngôi đình thờ khác, điểm độc đáo của khu di tích chính là lối kiến trúc kết hợp giữa phong cảnh thiên nhiên núi xanh, nước biếc, mây trắng lượn lờ cùng với hệ thống hang động tự nhiên và các kiến trúc chùa chiền cổ xưa, tạo nên một không gian vừa mang vẻ đẹp trữ tình thơ mộng vừa mang vẻ thoát tục, thiêng liêng chốn cửa Phật. Men dọc theo thung lũng suối Yến là những công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa Hương bao gồm chùa Ngoài, tên khác là chùa Trò hay chùa Thiên Trù. Bên trong ngôi chùa này có tháp chuông, với lối kiến trúc độc đáo gồm ba tầng mái, trên tầng cao nhất lộ ra hai đầu hồi tam giác, Chu Mạnh Trinh có câu thơ nhắc về tháp chuông này như sau "Thoảng bên tai một tiếng chày kình/Khách tang hải giật mình trong giấc mộng". Trung tâm của khu di tích chính là chùa Hương, hay còn gọi là chùa Trong, chùa Hương tích, đây không phải là ngôi chùa nhân tạo mà nó thực tế là một hang động lớn, vách động có khắc 5 chữ là bút tích cảu chúa Trịnh Sâm "Nam thiên đệ nhất động", thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ của ngài với vẻ đẹp của chốn Hương Sơn. Ngoài hai bộ phận kiến trúc chính thì, còn các công trình kiến trúc khác có thể tóm lược trong 2 câu thơ sau:

"Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,

Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh"

Trong đó, suối Giải Oan và chùa Cửa Võng là hai địa điểm nằm ở dọc quãng đường từ chùa Thiên Trù đến chùa Hương Tích, am Phật Tích tương truyền là nơi Quan Thế m bồ tát độ kiếp, động Tuyết Quynh hay chùa Tuyết Quynh là một ngôi chùa nhỏ tọa lạc gần với động Hương Tích.

Hội chùa Hương chính là một trong những lễ hội lớn nhất ở miền Bắc nước ta, mỗi năm thu hút đến hàng triệu du khách cùng phật tử khắp mọi miền tổ quốc đổ về đây trẩy hội, thăm quan và dâng hương kính phật. Lễ hội bắt đầu từ ngày 6/2 âm lịch hằng năm, kết thúc vào khoảng hạ tuần tháng âm lịch, trong đó chính thức diễn ra trong khoảng 4 ngày từ ngày 15 đến 18 tháng 2 âm lịch. Phù hợp với không khí linh thiêng và thanh tịnh chốn cửa Phật thế nên phần lễ của lễ hội chùa Hương diễn ra một cách đơn giản, biểu hiện rõ rệt nhất ấy là làn khói xanh nghi ngút, hương thơm thoang thoảng của nhang đèn không bao giờ dứt trong những ngày hội, khiến cho không khí nơi đây lại càng thêm phần thanh tao, nhã nhặn. Người đi dâng lễ cũng chỉ chuẩn bị một ít nhang đèn, hoa quả và đồ ăn chay đặt lên điện thờ, thắp nén hương thơm, thành tâm khấn vái đúng với quy cách của một Phật tử giác ngộ rồi đi thăm thú cảnh sắc xung quanh thanh lọc tâm hồn hoặc tham gia vào phần hội. Phần hội thì cũng giống nhiều cách lễ hội phổ biến khác, gồm có lễ rước và lễ văn, sau đó là các hoạt động vui chơi nhẹ nhàng bên ngoài như bơi thuyền vãn cảnh, hát chèo, hát văn,... Có thể thấy rằng cả phần lễ và phần hội của lễ hội chùa Hương đều thiên về sự nhã nhặn, tinh tế, không quá nô nức, ồn ào phá hỏng cảnh thiêng liêng, mỗi một con người bước chân đến nơi đây đều hưởng một niềm vui hiếm có, ấy là cảm giác thanh tịnh tâm hồn, niềm vui sướng khi bắt gặp cảnh sắc độc đáo tựa chốn bồng lai tiên cảnh.

Di tích chùa Hương và lễ hội chùa Hương đã ăn sâu vào tiềm thức và văn hóa tín ngưỡng tôn sùng đạo phật, đạo giáo và cả nho học của người dân Việt Nam, đặc biệt với vẻ đẹp hiếm có bởi sự kết hợp tinh tế giữa cảnh thiên nhiên và các công trình kiến trúc nhân tạo đã đưa nơi đây trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các văn nhân, thi sĩ xưa và nay. Trong bài tôi đã nhắc đến nhiều câu thơ có trong Hương Sơn phong cảnh ca của Chu Mạnh Trinh, một bài hát nói được xem là áng văn kiệt tác của văn học trung đại Việt Nam, ngoài ra có thể nhắc đến Hồ Xuân Hương với bài vịnh Động Hương Tích, hay Tản Đà với bài thơ Chơi chùa Hương Tích. Trong âm nhạc có một bài hát nổi tiếng, với giai điệu tươi vui, mang âm hưởng dân ca ấy là bài Em đi chùa Hương, phổ nhạc từ thơ của Nguyễn Nhược Pháp, từng một thời được phát đi phát lại trên ra-đi-ô, mà thế hệ ông bà ta vẫn thuộc trong lòng.

Phong cảnh chùa Hương có lẽ rằng vẫn còn đẹp và đặc sắc hơn tất cả những gì mà thơ ca đã vẽ nên, bởi chỉ có dùng chính đôi mắt, đôi tai và tâm hồn thanh tịnh thì con người ta mới có thể cảm nhận hết được vẻ đẹp kỳ diệu ấy, thứ mà chẳng giấy bút nào viết nên được. Nếu ai có dịp ghé thăm Hà Nội một lần, hãy ghé thăm quần thể di tích Hương Sơn một lần để cảm nhận được cái vẻ thơ mộng trữ tình của trời mây non nước kết hợp với nét thâm nghiêm, thanh tịnh chốn thiền tu, được thế có lẽ cuộc đời chẳng còn gì sung sướng hơn.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 hay, ngắn nhất khác: