5+ Cảm nhận phong cách giản dị của Hồ Chí Minh (điểm cao)
Cảm nhận phong cách giản dị của Hồ Chí Minh hay nhất, ngắn gọn gồm dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy và các bài văn mẫu được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 9.
- Cảm nhận phong cách giản dị của Hồ Chí Minh – mẫu 1
- Dàn ý Cảm nhận phong cách giản dị của Hồ Chí Minh
- Sơ đồ tư duy Cảm nhận phong cách giản dị của Hồ Chí Minh
- Cảm nhận phong cách giản dị của Hồ Chí Minh – mẫu 2
- Cảm nhận phong cách giản dị của Hồ Chí Minh – mẫu 3
- Cảm nhận phong cách giản dị của Hồ Chí Minh – mẫu 4
Bài giảng: Phong cách Hồ Chí Minh - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)
Cảm nhận phong cách giản dị của Hồ Chí Minh – mẫu 1
Nói tới phong cách Hồ Chí Minh, không thể không nhấn mạnh rằng, ở Người có một chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất hữu cơ không thể tách rời giữa tư tưởng với đạo đức và phong cách. Chiều sâu, sức sáng tạo với những phát kiến mới mẻ, độc đáo trong tư tưởng đã làm cho hệ thống tư tưởng của Người ở tầm chiến lược, không chỉ là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà còn thực sự có sự phát triển mới, làm sâu sắc và phong phú thêm kho tàng lý luận và phương pháp cách mạng của di sản kinh điển Mác xít. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là phương diện trí tuệ, là triết lý và minh triết trong phong cách sống. Đạo đức và thực hành đạo đức, Hồ Chí Minh làm nên sự thanh cao trong phong cách sống của Người.
Phong cách Hồ Chí Minh là cả một hệ thống. Theo cố Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, “phong cách Hồ Chí Minh là sự tổng hợp của phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt”. Năm phương diện hay năm cung bậc đó, tổng hợp, chung đúc lại cho ta hình dung thấy phong cách Hồ Chí Minh, cũng có thể gọi là phong cách sống của Hồ Chí Minh.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấu hiểu và thấu cảm về Người, đã từng viết về phong cách sống của Bác thật thấm thía, biểu cảm. Ông khái quát thật cô đọng phong cách sống của Hồ Chí Minh: “Giản dị - lão thực - hiền minh”. Thật đúng như vậy, Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng cách tân, đổi mới với bản lĩnh sáng tạo, không giáo điều, biệt phái mà trái lại, hết sức khoáng đạt, thấm nhuần tinh thần khoan dung và luôn thực hành văn hóa khoan dung. Hồ Chí Minh - người cộng sản hiện đại lại mang cốt cách hiền triết Á Đông, đậm bản sắc Việt Nam.
Theo Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh yêu nước 100%, nên cộng sản cũng 100%, nghĩa là trọn vẹn, toàn vẹn. Càng yêu nước thương dân, càng tin yêu và hành động theo lý tưởng cộng sản, càng cộng sản chân chính đích thực bao nhiêu, càng nặng lòng yêu nước thương dân bấy nhiêu. Giải thích ấy của ông, có sức thuyết phục sâu sắc đối với các học giả nước ngoài đang nỗ lực tìm hiểu về Hồ Chí Minh. Lối sống, đời sống tao nhã, tinh tế, thanh cao của Hồ Chí Minh được Phạm Văn Đồng khắc họa thật điển hình, bằng lời tả ngôi nhà sàn, mảnh vườn, nơi ở của Người: “Người sống trong ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị, ngát hương thơm cây cỏ, hoa vườn nhưng tâm hồn thì lộng gió bốn phương thời đại”. Khó có chân dung nhân cách và phong cách sống nào của Người lại được vẽ bằng ngôn từ, lời văn, nhịp điệu hay và chuẩn xác đến thế từ ngòi bút của vị Thủ tướng, đồng thời là một nhà văn hóa lớn: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”. Không chỉ chúng ta cảm nhận như vậy, mà biết bao tấm lòng bè bạn quốc tế đến Việt Nam, có may mắn tiếp xúc với Người, được Bác tiếp đón không phải trong phòng khách sang trọng, mà dưới bóng mát dàn hoa, bên thảm cỏ xanh, cũng đều xúc động nhận ra điều đó.
Hồ Chí Minh có một đời sống thanh cao, bởi suốt đời Bác không màng danh lợi. Khi đứng ở ngoài vòng danh lợi có nghĩa là sẽ vì dân, vì nước. Cả đời Bác Hồ chỉ ham học, ham làm, ham tiến bộ, để làm cho dân được sung sướng tự do. Phong cách sống thanh cao của Hồ Chí Minh là phong cách của một con người luôn biết đồng cảm và chia sẻ, thấu lý đạt tình, ứng xử hài hòa giữa lý trí và tình cảm, thủy chung tình nghĩa. Người nói với nhân dân bằng cả trái tim và tấm lòng: “Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào thì từ nay về sau, mãi mãi tôi vẫn thuộc về đồng bào”. Đó là lời cảm ơn khi đồng bào chúc thọ sinh nhật Người sau lễ Độc lập. Đặc biệt, vào giây phút lâm chung, trên giường bệnh, Người đã khóc, nói với các đồng chí thân thiết: “Bác không thể bỏ dân mà đi được”. Hồ Chí Minh là như vậy, “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Bởi phong cách sống thanh cao, nên Bác đã tự rèn luyện cho mình một lối sống giản dị, giản dị đến hồn nhiên, an nhiên, tự tại, luôn vui vẻ lạc quan, để động viên, an ủi, cổ vũ chúng ta.
Tuy nhiên, Bác Hồ giản dị chứ tuyệt nhiên không hề giản đơn. Có sâu sắc trong tư tưởng, có trong sáng nơi tâm hồn, có trong sạch bởi đạo đức, phẩm hạnh lại có trải nghiệm phong phú trong đời sống. Mỗi người cần phải để học tập và làm theo Bác một cách thực chất, bản chất và sáng tạo, chứ không máy móc, bắt chước hình hài, dáng vẻ bên ngoài rất không nên và không thể. Đó là noi theo, làm theo cái tâm, cái đức, cái tình và cái trí để làm tốt nhất công việc hằng ngày, phục vụ dân tốt nhất mỗi ngày, mỗi việc, làm cho dân hài lòng về những đầy tớ, công bộc của mình. Đó cũng là điều có ý nghĩa nhất, để Bác vui lòng, hài lòng và yên lòng về chúng ta trong cuộc sống hôm nay, mai sau và mãi mãi.
Dàn ý Cảm nhận phong cách giản dị của Hồ Chí Minh
1. Mở bài
- Giới thiệu về Bác Hồ và tình cảm thiêng liêng mà cả dân tộc dành cho Người: Bác là vị lãnh tụ dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời cũng là vị cha già kính yêu của mỗi người Việt Nam. Nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới luôn dành cho Bác sự ngưỡng mộ và lòng tôn kính.
- Giới thiệu về lối sống giản dị, thanh bạch của Bác mặc dù Bác trên cương vị tối cao của đất nước.
2. Thân bài
a. Con đường hình thành nên phong cách của Hồ Chí Minh:
- Vốn kiến thức của Hồ Chí Minh:
+ Nhờ vào sự nỗ lực bác đã có một kiến thức uyên thâm.
+ Bác đi rất nhiều nơi, có được kiến thức nhiều nước, những kiến thức chọn lọc và văn hóa sâu sắc.
+ Dù những kiến thức Bác văn hóa nước ngoài uyên thâm nhưng Bác vẫn giữ giá trị truyền thống của mình.
+ Lối sống bình dị, rất Việt Nam.
- Lối sống của Hồ Chí Minh:
+ Ngôi nhà sàn với đồ đạc đơn sơ, mộc mạc.
+ Trang phục vô cùng giản dị: đồ bà ba, dép cao su,…
+ Những món ăn rất giản dị và quen thuộc...
b. Ý nghĩa phong cách Hồ Chí Minh:
- Một cách sống có văn hóa, dựa vào cách sống có thể đoán được nhân cách con người.
- Bác rất coi trọng giá trị tinh thần, vật chất chỉ là những thứ xa hoa, phù phiếm.
3. Kết bài
- Khẳng định lại lối sống giản dị, thanh bạch của Bác.
- Rút ra bài học về tính giản dị cho học sinh và mọi người.
Sơ đồ tư duy Cảm nhận phong cách giản dị của Hồ Chí Minh
Cảm nhận phong cách giản dị của Hồ Chí Minh – mẫu 2
Bác Hồ là một vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của Bác được biết đến không chỉ bằng những công lao to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mà còn là bởi phong cách sống giản dị không giống với bất kì một vị nguyên thủ quốc gia nào trên thế giới.
Trước hết, phong cách sống giản dị của Bác là kết quả của kết tinh bởi toàn bộ tinh hoa văn hóa nhân loại và văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong cuộc đời của mình, Bác đã đi đến nhiều quốc gia trên thế giới ở phương Đông và phương Tây. Phải làm nhiều nghề kiếm sống khiến cho người thanh niên khi ấy đã hiểu rõ sâu sắc về hiện thực cuộc sống. Đến đâu, Người cũng học hỏi và tìm hiểu về đất nước đó. Điều đó giúp Bác thông thạo nhiều thứ tiếng không chỉ nói mà còn viết: Pháp, Anh, Hoa, Nga… và vô cùng am hiểu về văn hóa, nghệ thuật của các nước một cách uyên thâm. Bác Hồ không chỉ “biết tiếp thu cái đẹp” mà còn biết “phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản”. Người tiếp thu văn hóa nhân loại nhưng lựa chọn tiếp thu có chọn lọc để giữ được lối sống truyền thống “rất phương Đông, rất Việt Nam”.
Vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh đến từ sự giản dị trong cuộc sống hằng ngày. Hàng loạt những dẫn chứng cụ thể và toàn diện để chứng minh điều ấy. Với cương vị của một nhà lãnh đạo nhưng Bác Hồ lại “lấy chiếc nhà sàn nhỏ bé bằng gỗ bên cạnh chiếc áo làm “cung điện” của mình”. Chiếc nhà sàn “vỏn vẹn có vài phòng dùng làm nơi tiếp khách, nơi họp Bộ chính trị, nơi làm việc và ngủ”. Trang phục của Bác cũng đơn giản hết mực “với bộ áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ”. Món ăn hàng ngày thì vô cùng đạm bạc - toàn là món ăn dân tộc không chút cầu kì: “cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa”. Bác sống ở đó một mình với “tư trang ít ỏi là một chiếc va li con và một bộ quần áo, vài vật kỉ niệm”. Dường như, ta có thể cảm nhận được hình ảnh của chính người nông dân Việt Nam trong con người Bác - một vị lãnh tụ của dân tộc. Lối sống giản dị của Người khiến mỗi người dân Việt Nam cảm nhận được sự gần gũi, thân tình không thể tìm thấy được trong bất kì một vị chủ tịch hay tổng thống nào trên thế giới. Điều cần phải hiểu là sự giản dị trong cách sống của Bác không phải là một cách sống khác Người, mà như Bác nói đó là một cách di dưỡng tâm hồn. Mỗi chúng ta hãy học tập và làm theo tấm gương của chủ tịch Hồ Chí Minh. Sống giản dị, coi trọng những giá trị tinh thần và tránh xa những thứ vật chất phù phiếm xa hoa. Đặc biệt nhất là những học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước cần ý thức tự giác rèn luyện bản thân để có thể trở thành một người có ích cho xã hội trong tương lai.
Phong cách sống của Hồ Chí Minh là sự kết tinh giữa tinh hóa văn hóa nhân loại cũng như truyền thống dân tộc. Hiểu được phong cách sống của Bác, mỗi người hãy coi đó là một tấm gương để học tập và làm theo.
Cảm nhận phong cách giản dị của Hồ Chí Minh – mẫu 3
Có rất nhiều các tác phẩm nói về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đó có tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh của tác giả Lê Anh Trà, ta thấy được rất nhiều những nét đẹp trong phong cách của Người. Phong cách Hồ Chí Minh chính kết quả của sự kết hợp tinh hoa văn hoa nhân loại với cái gốc văn hóa dân tộc, “để trở thành một nhân cách rất Việt Nam”. Cho dù ở bất cứ cương vị nào, thì Hồ Chí Minh luôn coi mình chỉ là một người dân bình thường, một đồng bào yêu nước, một người nguyện hi sinh cả cuộc đời vì nước, vì dân.
Trong hoàn cảnh đất nước bị kẻ thù xâm lược, cuộc sống dân chúng lầm than, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết ra đi tìm cứu nước. “Trên những con tàu vượt trùng dương, Người ghé lại nhiều hải cảng thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mĩ. Người nói và viết thành thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga… và Người làm nhiều nghề”. Tất cả đều được Người tìm hiểu học hỏi một cách chắt lọc, tiếp thu những cái đẹp, cái hay cái mới, phê phán những cái tiêu cực. Phải đối mặt với hàng trăm hàng nghìn có khi hàng triệu những khó khăn, gian khổ của cuộc sống nhưng Người vẫn luôn cố gắng trau dồi kiến thức, tích lũy những điều hay, điều tốt để có thể một ngày mang những tri thức đó về cứu dân cứu nước. Dù đi “Đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm”. Nét đẹp của Bác ở đây chính là ý chí kiên định, kiên cường, vượt qua khó khăn thử thách để có thể tiếp thu được những tinh hoa văn hóa nhân loại một cách chắt lọc và uyên thâm.
Nét đẹp trong phong cách của Hồ Chí Minh còn được thể hiện qua lối sống vô cùng giản dị nhưng đầy thanh cao của Người. “Chiếc nhà sàn cũng chỉ vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ chính trị, làm việc và ngủ, với những đồ đạc rất mộc mạc đơn sơ”.“Trang phục hết sức giản dị, với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ …”. “Hằng ngày, việc ăn uống của Người cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kì, như cá kho, rau luộc…,” “tư trang ít ỏi, một chiếc vali con với vài bộ quần áo, vài kỉ niệm của cuộc đời…” Áo bà ba, áo trấn thủ, đối dép lốp, cá kho, rau luộc, …tất cả những món dân dã, trang phục đó đều là những thứ mà tất cả những chiến sĩ ngoài mặt trận và người Việt Nam bình thường lúc bấy giờ đều ăn, đều mặc, Người cũng như bao con người đồng bào quê hương Việt Nam không có chút khác lạ nào. Dù ở cương vị nào thì Bác đối đãi với mọi người cũng đều vô cùng ân cần chu đáo, từ những anh lính canh phủ chủ tịch, những cháu nhỏ hay cụ già, Bác đều chu đáo yêu thương như những người ruột thịt. Tình yêu của Bác đối với đất nước, đối với nhân dân không có gì so sánh được. Sự thanh cao giản dị của Bác “như các vị danh nho những phải là tự thần thánh hóa, khác đời, khác người”. Mà đó chính là “một quan niệm thẩm mĩ về cuộc sống, có khả năng đem lại hạnh phúc thanh cao cho tâm hồn và thể xác.”Qua đây chúng ta cần học tập và noi theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Năng động, cần cù siêng năng, vận dụng tri thức có được vào trong học tập và trong công việc. Cuộc sống lành mạnh, không chạy theo điều phù phiếm, hào nhoáng, biết quan tâm và chia sẻ khó khăn với mọi người xung quanh, yêu thương, kính trọng ông bà cha mẹ,… Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, ở Người ta thấy được “một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất Phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”. Phong cách Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng cho mỗi thế hệ con người Việt Nam nhất là đối với sinh viên, học sinh chúng ta cần phải học tập và noi theo tấm gương sáng của Bác.
Cảm nhận phong cách giản dị của Hồ Chí Minh – mẫu 4
Hồ Chí Minh là biểu tượng cao quý nhất, tấm gương sáng cho muôn đời, cho mọi thế hệ về lòng yêu nước, thương dân - Ái Quốc, Ái Dân như tên gọi của Người đã trở thành huyền thoại về bậc vĩ nhân, về một con người vĩ đại, cao thượng mà vô cùng giản dị.
Bởi thực sự vĩ đại nên vô cùng giản dị, càng giản dị bao nhiêu Người càng trở nên vĩ đại bấy nhiêu. Là lãnh tụ vĩ đại, đứng đầu Đảng và Nhà nước mấy chục năm, vậy mà cuộc sống của Người vẫn như cuộc sống của người dân thường - đạm bạc, tiết kiệm, tiết kiệm đến mức khắc khổ, bởi thương dân, vì dân và để nêu gương cho mọi người. Bộ quần áo ka ki đã sờn, đôi dép cao su trường chinh vạn dặm, tủ áo đơn sơ với quần nâu áo vải, căn phòng nhỏ, chiếc giường cá nhân, chiếu mộc, chăn đơn, gối chiếc, một đời không chút riêng tư, hy sinh cả hạnh phúc riêng tư cho hạnh phúc của toàn dân. Trên giường của Bác còn để hai chiếc quạt - quạt mo cau của Tỉnh ủy Nghệ An biếu lần Bác về thăm quê và chiếc quạt lá cọ Tỉnh ủy Phú Thọ biếu để Người nhớ kỷ niệm kháng chiến vùng trung du. Trên bàn làm việc của Bác, có một ống bơ sữa bò dùng làm hộp đựng bút.
Có lãnh tụ, vĩ nhân nào trên thế giới đã sống và sinh hoạt hằng ngày như Bác của chúng ta? Bao nhiêu người đã từng đến đây từ mọi miền đất nước, từ khắp các nước để chiêm ngưỡng một con người, để hiểu một cuộc đời, để cảm nhận một sự nghiệp tỏa sáng - Hồ Chí Minh. Bao nhiêu người đã khóc, từ em nhỏ tới người lớn, từ người dân thường đến các học giả, các chính khách, các tướng lĩnh ở muôn nơi - những giọt nước mắt của lòng kính trọng và biết ơn, của sự ngưỡng mộ và tự hào về Hồ Chí Minh - con người đã đi trọn lô gích của cuộc đời, toàn vẹn, dấn thân trong cần lao tranh đấu cho dân tộc và nhân loại, để dâng hiến, hy sinh đến mức hóa thân vào nhân dân. Khi trút hơi thở cuối cùng, trên ngực áo của Người không một tấm huân chương, bởi Hồ Chí Minh xa lạ với cao sang quyền quý, bởi Người không màng danh lợi, suốt đời ở ngoài vòng danh lợi và còn bởi Người là mẫu mực tuyệt vời trong sáng của đức khiêm nhường, lòng nhân ái vị tha. Từ chối mọi huân chương, phần thưởng, Người nói rằng, Người chưa xứng đáng. Khi đất nước còn chia cắt, Bắc - Nam chưa sum họp một nhà, Người ăn không ngon, ngủ không yên. Biết rõ sự hữu hạn của đời người, Người đã dồn hết tâm sức, trí lực, cả tình thương yêu và trách nhiệm cho nước, cho dân. Mười năm cuối đời, Bác Hồ của chúng ta dù tuổi cao sức yếu mà vẫn đến với nhân dân, nhất là nông dân ở nông thôn tới 700 lần, ân cần chu đáo tỉ mỉ để thấu hiểu đời sống của dân, để thấu cảm tâm trạng, nguyện vọng lòng dân. Trí tuệ Người vẫn sáng suốt, minh mẫn. Người viết bức thư để lại cho dân, cho Đảng vào đúng dịp sinh nhật 75 tuổi. Người sửa lần cuối cùng “Những lời để lại” mà ta gọi là Di chúc vào tháng 5-1969.
Bốn tháng sau, Người vĩnh biệt toàn dân, toàn Đảng về với tổ tiên, đi vào cõi vĩnh hằng. Ra đi, Người chỉ có một điều tiếc nuối “không được phục vụ Tổ quốc và nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Sự cao thượng đó kết tinh tất cả Tư tưởng - Đạo đức và Phong cách của Người. Đó là tài sản thiêng liêng, vô giá Người trao gửi lại cho Đảng, cho dân. Với Hồ Chí Minh, tư tưởng bao hàm cả phương pháp, tư tưởng gắn liền với đạo đức; đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, lối sống và bản lĩnh “vô ngã vị tha” đã trở thành động lực thúc đẩy mọi hành động, biến tư tưởng thành hiện thực của Người. Những điều cao quý ấy lại được biểu hiện và định hình trong phong cách Hồ Chí Minh với đặc trưng nổi bật là sự giản dị. Bởi vậy, nếu cảm nhận thật đầy đủ, nhận thức thật đúng đắn, sâu sắc phong cách Hồ Chí Minh thì chúng ta sẽ lĩnh hội được chiều sâu tư tưởng của Người, sẽ thụ cảm được chân thực và tinh tế nhất nguồn sáng từ viên ngọc quý đạo đức Hồ Chí Minh, lan tỏa đến mọi người, mọi việc, ở mọi nơi, mọi lúc. Phong cách Hồ Chí Minh là nơi hội tụ và kết tinh tư tưởng - phương pháp - đạo đức của Người, là giá trị đặc sắc, riêng có ở Hồ Chí Minh, một “cái tôi” cá thể, bản thể và bản ngã của Hồ Chí Minh hòa vào trong “cái chúng ta”, trở thành biểu tượng và khát vọng vươn tới của cái chung, của tất cả mọi người, từ Việt Nam trong thời đại mang tên Người - thời đại Hồ Chí Minh đến thế giới nhân loại.
Giản dị là đặc trưng nổi bật, bao trùm phong cách Hồ Chí Minh. Giản dị thấm nhuần trong toàn bộ ý nghĩ, việc làm, giao tiếp, ứng xử của Người, trở thành một thói quen, một lối sống, một nhu cầu tu dưỡng đạo đức, nhuần nhuyễn, tự nhiên, hồn nhiên, không một chút nào khiên cưỡng, gượng ép. Cách nói giản dị của Người thấm vào muôn vạn lòng người. Đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Bác Hồ dừng lại và hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói có rõ không?”. Cả một biển người ngày ấy hô vang tiếng “Rõ”. Không còn khoảng cách nào giữa lãnh tụ và người dân nữa qua cử chỉ đó của Người.
Bài thơ xuân năm 1969, năm cuối cùng, lần cuối cùng chúng ta có thơ mừng Xuân của Bác, có những vần thơ mang âm hưởng của một thông điệp, vạch ra cả một lộ trình tiến tới mục tiêu trọn vẹn: “Vì độc lập vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”. Phải nghiền ngẫm kỹ những câu thơ ấy mới thấy hiển lộ chủ nghĩa nhân văn cao cả trong chính trị và trong điều hành chính sự của Người. Càng ít đổ máu càng tốt, không đổ máu là tốt nhất. Chỉ đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ để nó phải cút đi, đánh đổ ngụy quyền tay sai để giang sơn thu về một mối, để Nam Bắc sum họp một nhà - điều khắc khoải chờ mong thương nhớ những năm cuối cùng của Bác. Với cán bộ, đảng viên, công chức, Người luôn căn dặn đức là gốc, phải rèn luyện đủ đức, đủ tài, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Những lời lẽ giản dị của Người đã có sức cảm hóa, thức tỉnh lương tâm, danh dự của mỗi người: “Tiền Chính phủ trả lương cho công chức lấy từ những đồng tiền đóng thuế của dân. Làm việc lười biếng, cẩu thả, tắc trách, là lừa gạt dân chúng”. Đủ hiểu vì sao Người đòi hỏi nghiêm khắc trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, làm việc gì, ở cương vị nào. Người nêu rõ yêu cầu tiêu chuẩn công chức phải thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, đề cao kỷ luật công vụ và đạo đức công chức để tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Vào lúc này, những chỉ dẫn đó của Người, phong cách làm việc, phong cách phục vụ dân của Người vẫn còn nguyên giá trị, vẫn nóng hổi tính thời sự…
Phong cách giản dị của Hồ Chí Minh qua lời văn, lời nói cho ta nhận ra bản lĩnh của Người: Đem cái tối thiểu của ngôn từ để tải cái tối đa của tư tưởng và đạo đức. Với Hồ Chí Minh, chữ thì ít nhất mà nghĩa thì nhiều nhất. Di chúc 1.000 từ là một minh chứng điển hình. Rõ ràng, giản dị là đặc trưng nổi bật trong phong cách Hồ Chí Minh, bao trùm trong tư tưởng, đạo đức và định hình ở phong cách của Người, nhất là phong cách ứng xử mẫu mực, tinh tế, thấm nhuần đức khoan dung, lòng nhân ái vị tha của Người. Hồ Chí Minh là giản dị chứ không hề giản đơn. Trải nghiệm cuộc sống thực tế, thấu hiểu cuộc sống với nỗi đau nhân thế, tích lũy tri thức, kinh nghiệm, vốn sống, Người đi qua sự phong phú, sâu sắc của trường đời để biểu hiện thành sự giản dị, chứ không bao giờ giản đơn như có người lầm tưởng. Như một danh ngôn đã nói, giản dị là nỗ lực cao nhất của bậc thiên tài. Bác Hồ là như vậy, “vì một lẽ thường tình, Bác là Hồ Chí Minh”, là niềm tự hào và hạnh phúc của chúng ta.
Cũng bởi thế, với mỗi người Việt Nam, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa là niềm tự hào, vừa là tâm nguyện trong sáng vươn lên trong đạo làm người.
Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 hay, ngắn nhất khác:
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Lớp 9 Kết nối tri thức
- Soạn văn 9 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 9 - KNTT
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 9 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 9 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - KNTT
- Giải sgk Tin học 9 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 9 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 9 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - KNTT
- Lớp 9 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 9 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 9 - CTST
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 9 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 9 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - CTST
- Giải sgk Tin học 9 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 9 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 9 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - CTST
- Lớp 9 Cánh diều
- Soạn văn 9 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 9 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 9 - Cánh diều
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 9 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 9 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 9 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 9 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 9 - Cánh diều
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - Cánh diều