Bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết lớp 9 (10 mẫu siêu hay)

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết hay nhất, ngắn gọn được chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh lớp 9 trên cả nước giúp bạn có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết - mẫu 1

Tuổi học trò luôn là khoảng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Thế nhưng, có một vấn nạn đang xảy ra và ngày càng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong cộng đồng hiện nay chính là nạn bạo lực học đường. Đây là một vấn đề vô cùng nhức nhối và cần có nhiều biện pháp để khắc phục, trả lại môi trường học đường trong sáng, lành mạnh cho học sinh, sinh viên.

Bạo lực học đường là những lời nói, hành vi bạo lực thô bạo, thiếu văn hóa giữa học sinh với học sinh và thậm chí và học sinh với thầy cô giáo. Những hành vi và lời nói này xúc phạm nghiêm trọng tới thể chất và tinh thần của người bị hại, gây những tác động xấu trong xã hội. Một thực tế đáng buồn là tình trạng bạo lực học đường đang có tình trạng gia tăng.

Mỗi ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội hay trong chính cuộc sống xung quanh chúng ta cũng có thể bắt gặp những vụ bạo lực học đường. Các nhóm học sinh, sinh viên túm đông lại để xem 2 bạn học sinh “xử lý” lẫn nhau. Những nhóm học sinh hung bạo đánh đập thô bạo một bạn học sinh không có sức kháng cự. Đặc biệt là những vụ nữ sinh đánh nhau còn xé áo, xé quần nhằm làm nhục bạn rồi tung lên các trang mạng xã hội. Hay có những bài báo đưa tin thầy giáo, cô giáo có những lời lẽ và hành động xúc phạm đến danh dự và thân thể học sinh. Rồi học sinh có thái độ vô lễ, coi thường thầy cô giáo…

Những hành vi bạo lực đó để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với mọi người. Với những người bị hại, những hành vi bạo lực trên đã làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của họ. Gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ thường trực. Gây ra những mất mát, thương đau cho các gia đình có con bị hại. Thậm chí có những vụ bạo hành gây mất mạng. Nó cũng làm cho tình trạng xã hội ngày một bất ổn.

Không chỉ có ảnh hưởng xấu đối với những người bị hại mà cả những người gây bạo lực cũng bị những ảnh hưởng tiêu cực. Chắc chắn họ sẽ bị kỉ luật, bị chê trách, làm ảnh hưởng tới sự nghiệp và tương lai. Nếu hành vi này không được giáo dục và thay đổi sẽ dẫn tới sự phát triển không toàn diện sau này.

Vậy nguyên nhân của những hành vi bạo lực học đường này do đâu? Có thể kể đến một trong những nguyên nhân đầu tiên chính là sự thiếu hiểu biết và nhận thức một cách toàn diện của các bạn học sinh, sinh viên. Họ đánh bạn với những xích mích, những mẫu thuẫn không đáng có, hoặc thậm chí đánh bạn để thể hiện ta đây là “đàn anh, đàn chị”, để ra oai. Có điều này là do họ bị ảnh hưởng bởi môi trường bạo lực, thiếu văn hóa hoặc tiếp xúc với quá nhiều những yếu tố bạo lực như phim ảnh hay các trò chơi điện tử. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cũng có một phần trách nhiệm do chưa có sự quan tâm thích đáng cũng như chưa có phương pháp giáo dục con cái, học sinh hợp lý. Một nguyên nhân nữa phải kể đến chính là sự dửng dung của một bộ phận người trong xã hội trước những hành động bạo lực học đường. Nó khiến cho các hành động bạo lực có cơ hội được lan rộng.

Trước những hậu quả và nguyên nhân trên, cần có những biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu những hành vi bạo lực học đường trong xã hội hiện nay. Trước hết, bản thân mỗi người cần có những nhìn nhận đúng đắn về hành vi của mình, có cách điều chỉnh và rèn luyện bản thân theo những hướng tích cực hơn. Nhà trường cần có những phương pháp giáo dục toàn diện hơn, chặt chẽ hơn để học sinh có thể nhìn thấy những tác hại khôn lường từ hành vi thiếu ý thức của mình. Gia đình cũng cần quan tâm tới cuộc sống của con cái nhiều hơn, hạn chế cho con tiếp xúc với những môi trường chứa nhiều bạo lực như phim ảnh hay các trò chơi điện tử.

Bạo lực học đường tuy không phải là vấn đề mới nhưng nó có ảnh hưởng cũng như tác động xấu đối với toàn xã hội, vì thế mỗi người cần nâng cao ý thức của chính mình cũng như những người xung quanh để ngăn chặn hành vi này, trả lại cho học đường môi trường phát triển lành mạnh.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sủa, rút kinh nghiệm

Sử dụng bảng kiểm ở phần Viết Bài 6 để tự đánh giá về kĩ năng viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết; sau đó, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm.

10+ Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết

Dàn ý Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết

- Mở bài: nêu vấn đề và sự cần thiết của việc giải quyết vấn đề.

- Thân bài: trình bày các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng thuyết phục nhằm mang lại nhận thức đúng đắn về vấn đề; đề xuất được giải pháp khả thi, thuyết phục.

Lưu ý: về trình tự, có thể trình bày nhận thức về vấn đề trước, đề xuất giải pháp sau hoặc kết hợp trình bày nhận thức với đề xuất giải pháp.

- Kết bài: khẳng định ý nghĩa của việc nhận thức đúng về vấn đề và tầm quan trọng của việc tìm kiếm giải pháp khả thi trong cách giải quyết vấn đề.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết - mẫu 2

Mỗi đất nước đều có một sắc văn hóa riêng biệt, đó là giá trị văn hóa quý báu mà chúng ta cần gìn giữ. Thế nhưng trong thời buổi xã hội toàn cầu hóa hiện nay, câu hỏi làm sao để có thể giữ gìn được bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc là một câu hỏi lớn buộc mọi người phải suy nghĩ. Vậy làm sao để hòa nhập chứ không bị hòa tan, làm sao để tiếp thu được nét đẹp trong truyền thống văn hóa các nước khác và truyền bá văn hóa dân tộc mình với các quốc gia khác trên thế giới? Để trả lời câu hỏi này sau đây chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu.

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu được khái niệm về truyền thống dân tộc, vậy truyền thống là gì, tại sao chúng ta lại cần phải gìn giữ? Đầu tiên, truyền thống là những nét đẹp có trong văn hóa của mỗi quốc gia, nó là nét riêng biệt của mỗi dân tộc được hình thành và khẳng định qua thời gian, được truyền từ đời này sang đời khác. Dân tộc nào cũng có những truyền thống tốt đẹp và dân tộc Việt Nam của chúng ta cũng không là ngoại lệ. Chắc hẳn bạn đã nghe câu chuyện kể về cuộc hành trình gian khổ của người dân Việt Nam để giữ gìn lấy bản sắc dân tộc, ông cha ta đã bỏ ra vô vàn công sức cùng những cố gắng để không bị đồng hóa bởi quân giặc. Ai cũng biết trong chặng đường lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc đã đã phải đấu tranh và chịu đựng biết bao đau thương. Cuộc sống của dân ta trở nên khốn cùng bởi sự bóc lột của quân giặc, chúng không cho dân ta học chữ, bắt dân ta học ngôn ngữ của chúng, bắt dân ta làm đủ chuyện chỉ để phục vụ mục đích đồng hóa khiến chúng ta mất đi tiếng nói và bản sắc của mình. Thế nhưng, vượt lên ngàn đau thương, phong ba bão táp ấy cũng chẳng thể khiến con người ta từ bỏ đi bản sắc của mình, người này truyền cho người kia và cuối cùng những nỗ lực ấy cũng được báo đáp và dân tộc ta vẫn giữ được tiếng nói, vẫn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có của mình.

Dân tộc Việt có vô vàn truyền thống quý báu trong đó phải kể đến truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, truyền thống tôn sư trọng đạo,... Đó là những truyền thống vô cùng quý báu của con người. Người này vẫn truyền tai người kia nối tiếp nhau, truyền cho nhau những đạo lý cơ bản để làm người. Chúng ta được sinh ra và lớn lên, được nuôi dạy trong một môi trường tràn ngập yêu thương, cha mẹ dạy ta cách sống sao cho đúng, làm sao cho phải, dạy ta biết lễ nghĩa, dạy cách để trở thành người tốt hơn. Đến lớp ta được giảng dạy về trang sử hào hùng của dân tộc, nghị lực và nhiệt huyết của họ đã nhắc nhở chúng ta phải cố gắng để gìn giữ truyền thống, bản sắc dân tộc và không ngừng học hỏi để thành tài góp phần xây dựng cho đất nước.

Thế nhưng không phải ai cũng thiểu được hết giá trị của truyền thống hoặc có người hiểu nhưng không biết quý trọng giá trị ấy. Vì chúng ta đang sống trong thời bình, chúng ta không phải đấu tranh và cuộc sống của chúng ta được cha mẹ che chở nên không biết giá trị của cuộc sống. Nhiều người trong chúng ta chuộng lối sống tây hóa, thích âu phục, thích phong cách rồi tự biến mình thành những con vẹt bắt chước văn hóa của nước khác. Dù vô tình hay không cố ý nhưng bằng cách nào đó chúng ta đã và đang truyền bá văn hóa của nước khác vào nước mình và làm mất thuần phong mỹ tục của dân tộc. Người con gái Việt Nam xưa cũ là vẻ đẹp trong tà áo dài kín đáo, vẻ đẹp hiền dịu mặn mà thế nhưng ngày nay người phụ nữ việt Nam lại du nhập lối sống "thoáng" quá mức của phương Tây. Nhiều bạn trẻ ăn mặc quá mức hở hang rồi lại không biết cách chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh, cũng chỉ vì vài ba cái mốt tây hóa mà người việt dần đánh mất đi bản sắc dân tộc của mình.

Khi xưa, người Việt Nam thường tự hào bởi cách ăn nói lịch sự, trang nhã của mình thì nay cách ăn nói, xử sự của giới trẻ lại làm người ta thực sự thất vọng. Nhiều bạn trẻ nói tục chửi bậy, chuộng sử dụng tiếng lóng để giao tiếp với mọi người, họ không biết phép lịch sự nơi công cộng, không biết giúp đỡ người gặp khó khăn mà ngược lại còn chê bai, khinh miệt những tấm thân nghèo khó.

Để giữ gìn truyền thống dân tộc thì phải hiểu về lịch sử nước nhà thế nhưng thời điểm hiện tại có mấy bạn trẻ biết về lịch sử nước nhà. Nhiều bạn chê bai lịch sử khô khan và khó học thế sao lịch sử nước khác họ lại am hiểu tường tận đến thế, hằng ngày thay vì nghiên cứu lịch sử nước nhà để thấm nhuần được sự mất mát và hy sinh của thế hệ trước thì họ lại đắm chìm trong những bộ phim cổ trang Trung Quốc rồi lại đến những bộ phim dã sử Hàn Quốc. Họ ăn ngủ với lịch sử nước ngoài nhưng lịch sử việt Nam thì lại hoàn toàn mù tịt, điều này thật sự đáng buồn.

Truyền thống của dân tộc là uống nước nhớ nguồn thế nhưng hiện nay có biết bao bạn trẻ cãi lại lời bố mẹ, thậm chị có người còn vô ơn đuổi cha mẹ già ra khỏi đường. Họ phủi đi công sức nuôi dạy của đấng sinh thành và ngược đãi cha mẹ, cha mẹ thì bất lực không thể làm được gì với đứa con khó dạy của mình rồi lại ngậm ngùi trong nước mắt và chỉ tự trách mình là không biết dạy con. Nhưng trong chúng ta ai cũng biết đây hoàn toàn không phải lỗi của họ, lỗi lầm chỉ tại những đứa con ham chơi thiếu hiểu biết đã hòa nhập đồng thời hòa tan luôn nhân cách con người mình.

Trong thời buổi hội nhập ngày nay thì việc làm sao để có thể gìn giữ được truyền thống là một mối quan tâm hàng đầu của các nhà chức trách và của mọi người, vì vậy chúng ta cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy để giới trẻ hứng thú hơn với lịch sử nước nhà. Chỉ khi hiểu rõ về lịch sử nước nhà, ta mới biết trân trọng những cố gắng của cha ông đã không ngừng gây dựng, giữ gìn và giá trị văn hóa của dân tộc. Giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của truyền thống dân tộc và tạo cho trẻ em những trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Với thế hệ trẻ, những người đã tự nhận thức được vấn đề thì cần cùng nhau tuyên truyền và có những hình thức mới mẻ để họ hứng thú với những nét đẹp trong truyền thống dân tộc, tạo cho họ đam mê với những nét đẹp ấy cũng là một giải pháp cho việc giữ gìn truyền thống dân tộc. Cả dân tộc hãy cùng nhau chung tay để gìn giữ giá trị truyền thống quý báu mà cha ông ta đã đánh đổi cả mồ hôi, công sức để gìn giữ.

Được sinh ra trong thời bình và được hưởng một cuộc sống đầy đủ khiến em cảm thấy rất biết ơn. Và để đền đáp công ơn đó em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để thành tài phục vụ cho đất nước. Không chỉ có thế em thấy mình cũng có trách nhiệm trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đó là nghĩa vụ của mọi công dân đang sinh sống trên dải đất hình chữ S này.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết - mẫu 3

Trong những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Không khí, nguồn nước, và đất đai đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi các hoạt động của con người. Vì vậy, mỗi cá nhân cần phải nhận thức và hành động có trách nhiệm để bảo vệ môi trường sống của chính mình.

Trước hết, ô nhiễm môi trường đang tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của con người. Ô nhiễm không khí do khí thải từ các phương tiện giao thông và nhà máy công nghiệp gây ra các bệnh về hô hấp và tim mạch. Nguồn nước bị ô nhiễm bởi các chất thải hóa học và sinh hoạt gây nguy cơ ngộ độc và lan truyền bệnh tật. Đất đai bị thoái hóa bởi các hoạt động nông nghiệp và công nghiệp không bền vững, dẫn đến mất mát đa dạng sinh học và giảm sút năng suất canh tác. Những hậu quả này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để giải quyết vấn đề này, mỗi cá nhân cần phải nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường. Trước hết, chúng ta cần giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm và tiêu thụ tài nguyên một cách bền vững. Ví dụ, việc hạn chế sử dụng túi ni-lông, phân loại rác thải tại nguồn, và tái sử dụng các vật dụng sẽ góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện không gây ô nhiễm như xe đạp, đi bộ cũng là những hành động thiết thực giúp giảm thiểu lượng khí thải độc hại.

Ngoài ra, mỗi người cần tham gia vào các hoạt động cộng đồng để bảo vệ môi trường như trồng cây xanh, tham gia các chiến dịch làm sạch bãi biển, và tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, việc ủng hộ các chính sách của nhà nước về bảo vệ môi trường và giám sát các hoạt động gây ô nhiễm cũng là trách nhiệm của mỗi công dân. Đặc biệt, giáo dục và tạo ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn nhỏ sẽ góp phần hình thành thói quen tốt và tạo ra một xã hội phát triển bền vững trong tương lai.

Tóm lại, ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề cấp bách đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Mỗi cá nhân cần phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình và hành động một cách thiết thực để bảo vệ môi trường sống. Chỉ khi mỗi người tự giác hành động và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, chúng ta mới có thể hy vọng vào một tương lai xanh sạch, bền vững cho thế hệ mai sau.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết - mẫu 4

Khi tiến bộ công nghệ thông tin và mạng điện tử xuất hiện, những tâm hồn sáng tạo của các nhà phát triển và lập trình viên đã tạo ra các trò chơi điện tử, ban đầu với mục tiêu giúp người chơi giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, khi các trò chơi điện tử trở nên ngày càng phổ biến, hiện tượng nghiện game đã tràn ngập không chỉ ở một quốc gia mà trên khắp thế giới, đặc biệt là trong hàng ngũ học sinh.

Game được hiểu là sản phẩm của trí tưởng tượng và sáng tạo của các lập trình viên có tài năng, và hiện tượng nghiện game đang lan rộng như một hiện tượng nguy hiểm, khiến người chơi hoàn toàn mê mải trong thế giới ảo, không còn chú ý đến xung quanh.

Ở Việt Nam, tình trạng nghiện game trong giới học sinh đang trở nên cực kỳ phổ biến. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những quán internet đông đúc với các thanh thiếu niên mặc đồng phục trắng, ngồi suốt hàng giờ để tham gia vào các trò chơi điện tử, và có người thậm chí chơi cả ngày. Hoặc bạn có thể thấy các video trực tuyến ghi lại hình ảnh những quán internet đầy học sinh, hoặc thậm chí là cảnh cha mẹ đang đánh đuổi, la mắng mà con cái vẫn cố gắng tiếp tục chơi game. Các quán internet cũng ngày càng nhiều hơn, trang bị với nhiều máy tính cao cấp hơn, đáp ứng nhu cầu của học sinh "nghiện".

Hiện tượng nghiện game đang gia tăng mạnh mẽ với nhiều nguyên nhân. Trước hết, trò chơi điện tử ngày càng đa dạng và hấp dẫn hơn. Các nhà phát triển không ngừng sáng tạo, tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho người chơi, với nhiều thể loại khác nhau như trí tuệ, hành động và nhiều hơn nữa. Sự đa dạng và sáng tạo của các trò chơi này thu hút sự quan tâm của học sinh, những người luôn tò mò với những điều mới mẻ. Tuy nhiên, học sinh thường thiếu ý thức trong việc quản lý thời gian chơi, không thể dừng lại và kiểm soát bản thân. Họ cũng thường không nhận biết được các rủi ro của việc tiêu thụ quá nhiều thời gian cho trò chơi điện tử. Hơn nữa, sự giám sát từ phía cha mẹ thường không đủ nghiêm ngặt, khiến cho nhiều học sinh cảm thấy cô đơn và dựa vào trò chơi điện tử như một phương tiện giải tỏa cảm xúc.

Nghiện game có thể coi như nghiện chất gây nghiện, và nó mang theo rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đầu tiên, nó có tác động tiêu cực trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của học sinh. Việc sử dụng máy tính thường xuyên có thể dẫn đến các vấn đề như cận thị, loạn thị. Nghiện game cũng có thể gây hại cho xương cột sống và sự phát triển của bộ não. Hơn nữa, nhiều học sinh do nghiện game mà mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm. Nghiện game còn đòi hỏi một khoản tiền lớn và thời gian dài. Chơi game tiêu tốn nhiều thời gian, và do đó, học sinh thiếu thời gian cho việc học tập và tham gia vào các hoạt động khác. Học sinh thường không kiếm được tiền, và số tiền mà bố mẹ cung cấp không đủ cho đam mê trò chơi, điều này dẫn đến sự nói dối, lừa đảo, và việc hình thành những thói hư tật xấu mà không nên có ở một học sinh. Với học sinh, nghiện game là một con đường ngắn đến sự suy giảm trong việc học tập, giảm điểm số và thiếu kiến thức do họ dành quá nhiều thời gian cho trò chơi điện tử.

Đây là một vấn đề đáng báo động, đòi hỏi chúng ta phải nói lên và đề xuất các biện pháp ngăn chặn. Trường học cần phải có các biện pháp ngăn chặn, giảng dạy và tổ chức các hoạt động ngoại khóa thú vị để thúc đẩy học sinh tham gia. Cha mẹ cần phải liên tục theo dõi và quản lý thời gian mà con cái sử dụng máy tính. Còn đối với học sinh, họ cần phải tự giác, tự quản lý bản thân, và không ngừng rèn luyện.

Xã hội ngày càng phát triển, và có nhiều hình thức giải trí khác nhau. Vậy tại sao chúng ta không tham gia vào những hoạt động giải trí lành mạnh hơn thay vì để hiện tượng nghiện game lan rộng như vậy? Điều này đáng để chúng ta quan tâm và xem xét.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết - mẫu 5

Cuộc sống là một bức tranh đầy màu sắc, một bức tranh được tạo nên bởi những giá trị tốt đẹp, của sự yêu thương sẻ chia trong cuộc đời. Thế nhưng có vẻ như khi xã hội đang ngày càng phát triển, các phương tiện công nghệ xuất hiện ngày càng nhiều thì khoảng cách của con người lại càng xa và sự vô cảm đã len lỏi đâu đó vào những kẽ hở ấy. Và chính những sự thờ ơ, vô cảm giữa người với người đã phần nào khiến cho bức tranh cuộc sống có những mảng màu xấu xí.

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu được bệnh vô cảm là gì? Vô cảm có thể hiểu là việc không có cảm xúc, không có những sự quan tâm đến mọi người hay cuộc sống xung quanh mình như nào. Đôi khi vô cảm cũng chính là sự thờ ơ với bản thân mình. "Bệnh" vô cảm tuy không phải là một căn bệnh y học thế nhưng nó đang có một sự lây lan vô cùng mạnh mẽ, tạo thành một "dịch bệnh" nguy hiểm với cuộc sống hiện đại của chúng ta.

Tại sao xã hội đang phát triển, có rất nhiều cách thức để con người kết nối với nhau mà bệnh vô cảm lại xuất hiện mạnh mẽ, vậy nguyên nhân là do đâu? Có lẽ nguyên nhân lớn nhất tác động trực tiếp tới đó chính là do những áp lực của cuộc sống. Cuộc sống ngày càng hiện đại, giá cả ngày càng tăng cao cũng đồng nghĩa với việc mỗi ngày con người đều phải đối mặt với sức ép của tiền bạc, của cuộc sống. Lâu dần, những áp lực ấy vô hình chung khiến cho con người quên đi mọi thứ xung quanh mà chỉ tập trung vào việc kiếm tiền để lo cho cuộc sống gia đình, lo cho những nhu cầu về vật chất của bản thân. Một nguyên nhân khác dẫn tới sự vô cảm có thể kể tới chính là sự phát triển mạnh mẽ của internet. Giờ đây, con người bị thu hút vào thế giới ảo với vô vàn những điều mới mẻ, những điều thu hút chúng ta hơn rất nhiều so với những gì diễn ra ở cuộc sống thật ngoài kia. Ở trên thế giới ảo ấy, con người được tự do thể hiện ra những gì tốt đẹp nhất của mình, và dần dần những mối tương tác trong thế giới ấy đã thay thế những người bạn, những người thật quanh mình khiến cho con người trở nên xa cách với nhau hơn.

Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam ta luôn tự hào với một tinh thần dân tộc sâu sắc cùng với truyền thống "lá lành đùm lá rách". Thế nhưng ở xã hội hiện đại ngày nay dường như truyền thống ấy đang dần bị mai một bởi sự vô cảm. Và điều ấy càng nguy hại hơn khi mà những người trẻ đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi điều này. Những người trẻ chính là tương lai của đất nước, là những đối tượng được gửi gắm để tạo nên những điều tốt đẹp cho xã hội. Thế những sự vô cảm xuất hiện ở giới trẻ đã trở nên đáng báo động. Khi đi trên đường, các bạn gặp một vụ đánh nhau hay tai nạn, thay vì việc đến can ngăn, giúp đỡ cho người gặp nạn thì họ đứng xem, đứng quay lại video để đăng lên mạng xã hội câu sự tương tác... Dường như họ chẳng mảy may nghĩ tới việc giúp đỡ cho những người đó bởi họ thấy đó là lo việc bao đồng. Điều này vô tình đã khiến xã hội hiện đại nhưng lại thiếu đi sự văn minh cần có.  Bên cạnh những hình ảnh xấu mang đến cho xã hội ấy, sự thờ ơ, vô cảm còn để lại những hậu quả đối với mỗi cá nhân. Những người mang lối sống thờ ơ, vô cảm sẽ luôn sống trong cái vỏ bọc của mình tạo nên, họ không những không quan tâm tới thế giới ngoài kia mà thậm chí còn chẳng quan tâm tới bản thân mình. Họ sống như thể chỉ đang tồn tại, họ buông xuôi và chẳng chịu cố gắng vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Lâu dần, ở trong cái vỏ bọc ấy sẽ khiến cho họ trở nên tách rời khỏi xã hội thực tại, gây ra những căn bệnh như trầm cảm, tự kỷ - một trong những căn bệnh dẫn tới tỉ lệ tự tử lớn. Vậy tại sao chúng ta lại không chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh bởi "sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình". Có lẽ khi mà mỗi người biết sẻ chia, đồng cảm thì yêu thương sẽ được nảy mầm và lan tỏa muôn nơi.

Nói tóm lại, sự vô cảm, thờ ơ chính là thứ giết chết những giá trị tốt đẹp của cuộc sống một cách âm thầm nhưng đầy nguy hiểm. Điều này khiến cho con người ngày càng xa rời nhau và xã hội sẽ trở nên thật xấu xí. Chính vì vậy, mỗi chúng ta hãy tự thay đổi nhận thức của mình, cùng chung tay đẩy lùi sự vô cảm trong cuộc sống để bảo vệ cuộc sống của mình cũng như giữ gìn những điều tốt đẹp trong xã hội ngày nay.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết - mẫu 6

Để đứng vững và phát triển xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước, bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mỗi một quốc gia đều phải coi trọng việc gìn giữ bản sắc văn hóa. Vai trò, ý nghĩa to lớn của bản sắc văn hóa đối với sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của mỗi một dân tộc đã đặt ra vấn đề về vai trò của giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa.

Như chúng ta đã biết, bản sắc văn hóa là điều cốt lõi mang tính đặc trưng, màu sắc riêng của mỗi một quốc gia, dân tộc; được hình thành và được vun đắp song song với quá trình dựng nước và giữ nước theo cả chiều đồng đại và lịch đại. Đó có thể là những giá trị về vật chất, cũng có thể là những giá trị văn hóa về tinh thần như phong tục tập quán, truyền thống văn hóa,.... Đối với dân tộc Việt Nam, những giá trị đó luôn bền vững, trường tồn theo thời gian như nền văn minh lúa nước, trống đồng Đông Sơn, tinh thần yêu nước mạnh mẽ, bền bỉ như sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử dân tộc, tinh thần "tương thân tương ái" giàu giá trị nhân văn, hay truyền thống đạo lí "uống nước nhớ nguồn", "ân nghĩa thủy chung",....

Bản sắc văn hóa có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với mỗi một quốc gia, dân tộc. Trước hết, bản sắc chính là cái gốc, cái hồn cốt lõi khẳng định sự tồn tại của mỗi một quốc gia, dân tộc. Điều này đã được Nguyễn Trãi - tác giả của áng thiên cổ hùng văn "Bình Ngô đại cáo" sớm khẳng định trong giai đoạn lịch sử trung đại. Trong tác phẩm của mình, để nêu ra một khái niệm hoàn chỉnh về quốc gia, dân tộc, Nguyễn Trãi đã nêu ra năm yếu tố, trong đó có hai yếu tố về nền văn hiến và phong tục tập quán, thể hiện rõ sự ý thức sâu sắc về vai trò của bản sắc văn hóa. Không chỉ dừng lại ở đó, bản sắc còn là cái nôi nuôi dưỡng ý thức về quyền độc lập và ý thức gìn giữ non sông, đất nước đối với mỗi một con người. Trong vô vàn những quốc gia tồn tại bình đẳng với bức tranh đa dạng và muôn màu sắc, bản sắc chính là một trong những yếu tố làm nên đặc trưng riêng, không thể hòa lẫn, hợp nhất giữa các đất nước.

Trong bối cảnh hòa nhập vào nền kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò vị trí của bản sắc văn hóa dân tộc càng được khẳng định hơn nữa và gắn bó mật thiết với trách nhiệm của thế hệ trẻ. Là những chủ nhân tương lai của đất nước, thế hệ thanh thiếu niên học sinh Việt Nam đã và đang phát huy bản sắc dân tộc bằng những việc làm tích cực. Mặc dù có sự du nhập và tác động từ văn hóa nước ngoài nhưng không ít bạn trẻ vẫn tìm về với những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như những trò chơi dân gian, những loại hình văn hóa dân gian như ca trù, nhã nhạc cung đình,..., đặc biệt là không ngần ngại quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới. Trong phần thi về Trang phục dân tộc, Hoa hậu H'Hen Niê đã tỏa sáng với bộ quốc phục được lấy cảm hứng từ những chiếc bánh mì, mang theo niềm tự hào về thành tựu nông nghiệp của nước ta trên đấu trường nhan sắc quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong xã hội hiện nay, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những thanh niên với lối sống xa rời bản sắc dân tộc. Họ thờ ơ với những giá trị truyền thống ở cả vật chất cũng như tinh thần; và đề cao những giá trị văn hóa du nhập ở nước ngoài qua sự thần tượng, sính ngoại vượt ngưỡng cho phép. Chẳng hạn như việc các bạn trẻ vô tư sử dụng những ngôn từ nước ngoài xen kẽ vào tiếng Việt, tạo nên những cách diễn đạt khó hiểu và ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Những hành động đó đã vô tình tác động xấu đến việc duy trì, phát huy nền văn hóa dân tộc.

Thế hệ trẻ cần ý thức được vai trò, ý nghĩa của bản sắc dân tộc để nâng cao tinh thần gìn giữ những giá trị tốt đẹp này. Đồng thời, cần rèn luyện lối sống, những hành động tích cực phù hợp với những truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc, bảo lưu, phát huy những giá trị riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta còn cần lên án, phê phán những hành vi làm mai một bản sắc dân tộc, và có thái độ đấu tranh mạnh mẽ để bài trừ và tẩy chay những hoạt động văn hóa không lành mạnh đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trong xã hội hiện nay.

Như vậy, thế hệ trẻ là tầng lớp có vai trò, ý nghĩa to lớn trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Là những học sinh được sinh ra và lớn lên trong cái nôi của bản sắc dân tộc, chúng ta cần nỗ lực, cố gắng trong học tập, lao động để trở thành những công dân tốt, góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết - mẫu 7

Văn hóa ứng xử được coi là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng, góp phần mở ra những cơ hội mới trong cuộc sống. Vì vậy, việc ứng xử đúng mực trong môi trường công cộng đóng vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân.

Văn hóa ứng xử tại nơi công cộng đơn giản là cách mà con người thể hiện hành vi của mình trong những không gian phục vụ nhiều người. Điều này được đánh giá qua những hành động, cử chỉ và lời nói.

Văn hóa ứng xử ở nơi công cộng là điều cực kỳ quan trọng. Chúng ta thường bắt gặp những hành động lịch sự như việc đặt rác đúng nơi quy định, nhường ghế cho người khuyết tật, và tuân thủ các nguyên tắc ứng xử khi ở nơi đông người. Tuy nhiên, cũng có những người thể hiện hành vi thiếu văn hóa như chen lấn, xô đẩy, nói tục khi tham gia lễ hội hoặc sử dụng phương tiện công cộng với loa to và thái độ không tôn trọng xung quanh. Những hành động này không chỉ gây khó chịu cho người khác mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của quốc gia trong tâm trí quốc tế.

Hành vi thiếu văn hóa thường xuất phát từ lối sống ích kỷ và hẹp hòi. Nhiều người chỉ tập trung vào bản thân, không quan tâm đến người khác. Một số nguyên nhân có thể đến từ gia đình và giáo dục không đầy đủ, khiến họ phát triển suy nghĩ và hành vi không đúng đắn. Ngoài ra, sự phát triển của mạng xã hội và trò chơi trực tuyến có thể làm cho họ mất cảm nhận với thế giới xung quanh.

Mỗi cá nhân hiểu rõ về cách ứng xử có văn hóa sẽ đóng góp vào việc xây dựng một cộng đồng văn minh, lịch sự. Ứng xử tốt không chỉ giúp cá nhân hoàn thiện bản thân mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội ngày nay. Việc biết tôn trọng người khác, duy trì lễ phép và lịch sự là quan trọng để tạo ấn tượng tích cực trong mắt đối tác giao tiếp. Trong mọi tình huống, việc nói 'cảm ơn' và 'xin lỗi' một cách chân thành là rất quan trọng.

Việc ứng xử đúng mực tại nơi công cộng là không thể phủ nhận đối với mỗi cá nhân. Điều này nên là một phần quan trọng của lối sống của chúng ta, để chúng ta có thể góp phần vào việc lan tỏa những giá trị tích cực trong xã hội.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết - mẫu 8

Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi gia đình và xã hội. Thực hiện tốt công tác PCCC là đã bảo vệ được tính mạng, tài sản, giữ được bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình và xã hội. Trong cuộc sống, nhiều lúc chỉ cần một phút lơ là, bất cẩn là có thể để xảy ra cháy. Thời gian qua nhiều vụ cháy xảy ra đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu dân cư, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhanh chóng được hình thành và phát triển dẫn đến nguy cơ về cháy, nổ xảy ra cao. Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số đơn vị, cá nhân còn chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác PCCC, dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được kiểm soát kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an, trong năm 2013 xảy ra 2.624 vụ cháy (trong đó có 2.394 vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và 230 vụ cháy rừng). Thiệt hại do cháy gây ra: làm chết 60 người, bị thương 199 người, về tài sản ước tính trị giá 1.656,148 tỷ đồng. Điển hình là một số vụ cháy lớn như: Vụ cháy nổ cực lớn xảy ra tại hẻm số 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh) lúc 0 giờ 20 ngày 24/2 đã khiến ba căn nhà liền kề nhau bị kéo sập, 11 người bị vùi chết và nhiều nạn nhân khác bị thương nặng; Vụ cháy xảy ra tại Công ty may Hà Phong - Bắc Giang, thiêu trụi phân xưởng sản xuất cùng hàng ngàn xe gắn máy của công nhân; Ngày 03/6/2013, một vụ cháy lớn xảy ra tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thiệt hại nặng nề với 4 ô tô bị cháy đen, 6-7 xe máy bị thiêu rụi, 1/3 hộ dân quận Hoàn Kiếm bị cắt điện. Khoảng 1.000 người tham gia chiến đấu với “giặc lửa”, 12 người bị thương, trong đó có 09 cảnh sát phòng cháy chữa cháy; Vụ nổ khủng khiếp tại nhà máy sản xuất pháo hoa ở Phú Thọ vào sáng ngày 12/10/2013 đã khiến 26 người tử vong và 98 người bị thương, trong đó nhiều trường hợp bị bỏng trên 90% cơ thể phải cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia, thiệt hại về tài sản khoảng 52 tỷ đồng; vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương phút chốc biến gần 500 tỷ đồng của các tiểu thương thành tro bụi; hàng chục vụ cháy nhà cao tầng, khu dân cư, gây hoảng loạn trong dân chúng do thiệt hại quá lớn về người và tài sản…

Trong 09 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xảy ra 1.552 vụ cháy, gây thiệt hại: chết 55 người, bị thương 119 người, về tài sản trị giá 921,807 tỷ đồng. Đáng chú ý một số vụ cháy trong khu dân cư gây thiệt hại nghiêm trọng về người như: vụ cháy tại tiệm may bọc yên xe Phong Phú ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai làm 05 người chết. Vụ cháy xảy ra tại quán Karaoke Nhật Thực ở Giảng Võ, Hà Nội vào trưa ngày 03/5/2014 làm 05 người tử vong. Đặc biệt vào lúc 03h15 ngày 16/9/2014 xảy ra vụ cháy tại ngôi nhà trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM, đã làm 07 người trong một gia đình cùng chết cháy do không thoát ra ngoài được...

Có thể nói, trong bối cảnh đất nước không ngừng xây dựng và phát triển thì công tác PCCC càng chiếm giữ một vai trò quan trọng. Ít có loại tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản như trong các vụ hỏa hoạn. Tại các đô thị, sự xuất hiện ngày càng nhiều các công trình nhà cao tầng, công trình ngầm, các trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các trạm xăng, dầu trong nội đô… nguy cơ cháy, nổ là rất lớn và hậu quả khôn lường. Trong khi đó nguyên nhân dẫn đến cháy, ban đầu chỉ bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ, một sự cố chập điện bình thường hoặc từ những bất cẩn của con người… không được phát hiện, xử lý kịp thời dẫn đến bùng phát thành đám cháy dữ dội.

Việc đảm bảo các trang thiết bị, điều kiện nhân lực, vật lực về an toàn PCCC tại các công sở, cơ quan, đơn vị, khu dân cư một số nơi chỉ làm chiếu lệ, qua loa, mang tính đối phó. Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều khi chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà quên đi biện pháp bảo vệ an toàn cho tính mạng người lao động và tài sản của mình.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các địa phương. Ở các đô thị lớn, đông dân cư thì cháy rất dễ trở thành thảm họa, việc phòng cháy vì thế cần phải trở thành một nguyên tắc sống, ăn sâu bám rễ vào ý thức của từng người dân.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết - mẫu 9

Trong cuộc sống, mỗi người đều có những sở thích, đam mê và mục tiêu riêng biệt. Do đó, mỗi người lại có những thần tượng để theo đuổi và hâm mộ. Tuy nhiên, có rất nhiều bạn trẻ hiện nay đang hâm mộ thần tượng một cách cuồng nhiệt, mất kiểm soát, và điều này mang lại những hậu quả đáng tiếc. Hãy cùng thảo luận sâu hơn về vấn đề này.

Thần tượng có thể hiểu theo hai cách: là sự quý trọng và hâm mộ một ai đó trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, hoặc là những cá nhân hoặc tập thể được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ vì tài năng, phẩm chất trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, diễn xuất, y tế... Tình trạng cuồng thần tượng là khi người hâm mộ thể hiện tình cảm quá mức, mất kiểm soát.

Ngày nay, hiện tượng fan cuồng thần tượng không còn là chuyện hiếm gặp. Hàng ngày, chúng ta đều thấy hàng loạt bài báo, tin tức về những người nổi tiếng và những fan hâm mộ đam mê đến mức sống chết với thần tượng của mình. Họ tận hưởng việc ca ngợi thần tượng lên đến mức quá khích.

Họ sao chép mọi thứ từ thần tượng, từ cách tóc đến trang phục và tính cách. Họ có thể hy sinh hàng giờ, đổ mồ hôi và thậm chí khóc lóc chỉ để được gặp thần tượng, chạm vào thần tượng của họ. Điều này dễ thấy tại các sân bay Việt Nam khi có ngôi sao Hàn Quốc tới diễn. Có cả trăm, thậm chí là ngàn người quên ăn, quên ngủ để đợi chờ chỉ để nhìn thấy thần tượng của mình trong vài phút. Hay thậm chí, có nhiều người đã tự tử vì thần tượng. Sau khi ca sĩ Kim Jong Hyun (Hàn Quốc) tự tử, có tới 6 fan khác cũng tự tử theo anh ấy. Đó chỉ là một trong những trường hợp đau lòng do cuồng thần tượng gây ra.

Việc hâm mộ và ngưỡng mộ ai đó là điều tốt nếu chúng ta thể hiện một cách đúng đắn. Những người nổi tiếng, những thần tượng là những người có tài năng và phẩm chất tốt, là nguồn động viên để chúng ta không ngừng cố gắng và phát triển bản thân mình.

Nhưng cuồng thần tượng lại mang lại những hậu quả tiêu cực. Nó có thể khiến con người mất cái tôi cá nhân và tự biến mình thành bản sao của thần tượng. Họ không chỉ mất cái tôi cá nhân mà còn mất định hình đúng về thế giới. Họ sâu sắc trong thế giới ảo, trong ảo tưởng về thần tượng yêu mình hoặc về sự tồn tại và phát triển của thần tượng, liên quan mật thiết với cuộc sống của họ. Rất nhiều trường hợp, các bạn trẻ không kiểm soát được hành vi và suy nghĩ của mình, dẫn đến những hành động đau lòng như xung đột vì tranh giành thần tượng, tự tử hay đe dọa bố mẹ nếu bị ngăn cấm theo đuổi thần tượng... Và những tác động tiêu cực này còn nhiều hơn nữa.

Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến hiện tượng xã hội kinh hoàng này? Đầu tiên là sự phát triển vụt bậc của ngành giải trí đối với xã hội hiện đại. Văn hóa giải trí và những người nổi tiếng ngày càng gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Truyền thông đại chúng luôn đẩy mạnh việc tôn vinh những người nổi tiếng, khiến một số người trẻ mơ mộng và bị lôi cuốn một cách tiêu cực. Họ bị cuốn vào thế giới ảo của sự nổi tiếng, tranh đấu vị trí trên bảng xếp hạng hoặc trên mạng xã hội.

Ngoài ra, bản thân gia đình và học đường cũng đóng góp vào việc tạo ra áp lực khiến các bạn trẻ muốn thoát khỏi và tìm kiếm điều mới mẻ, hấp dẫn hơn, theo kịp xu hướng. Tuy nhiên, trách nhiệm lớn nhất thuộc về từng cá nhân, họ cần có ý thức đúng đắn hơn về việc hâm mộ thần tượng và hướng cuộc sống của mình theo hướng tích cực và có lợi cho xã hội.

Mỗi thứ đều có hai mặt. Hãy biến việc hâm mộ thần tượng thành nguồn động viên để không ngừng phát triển bản thân, đừng để thần tượng biến chúng ta thành những máy móc vô hồn. Hãy trở thành những người hâm mộ thần tượng có văn hóa.

Xem thêm các bài văn mẫu 9 Chân trời sáng tạo hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:


Giải bài tập lớp 9 Chân trời sáng tạo khác