Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (trang 142) - Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học trang 142, 143, 144, 145, 146 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

Soạn bài: Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học - Cô Phương Thảo (Giáo viên VietJack)

* Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Văn bản: Phân tích đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

(1) Giới thiệu tác phẩm văn học, khái quát về chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.

(2) Giới thiệu tóm tắt vị trí của đoạn trích trong tác phẩm.

(3) Luận điểm 1: những nét đặc sắc về nghệ thuật

(3a) Nghệ thuật miêu tả nhân vật

(3b) Sự kết hợp khéo léo giữa tự sự với trữ tình

(4) Luận điểm 2: chủ đề của tác phẩm văn học

(5) Khái quát nội dung chủ đề và hình thức nghệ thuật của tác phẩm, nêu cảm nghĩ hoặc bài học rút ra từ tác phẩm

Câu 1 (trang 145 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tìm các câu văn thể hiện luận điểm của bài viết.

Trả lời:

Các câu văn:

- Luận điểm 1: Hình thức nghệ thuật của đoạn trích còn hấp dẫn người đọc ở sự kết hợp tài tình giữa yếu tố tự sự và trữ tình.

- Luận điểm 2: Bên cạnh đó, đoạn trích còn thể hiện chủ đề tiêu biểu cho giá trị nội dung của Truyện Kiều: bức tranh hiện thực của một xã hội tha hóa vì đồng tiền và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của tác giả.

Câu 2 (trang 145 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Bài viết đã phân tích những nét đặc sắc nào về nghệ thuật của đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều?

Trả lời:

Bài viết đã phân tích những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích:

- Nghệ thuật miêu tả nhân vật.

- Sự kết hợp khéo léo giữa tự sự với trữ tình.

Câu 3 (trang 145 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nội dung chủ đề của đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều được phân tích qua những phương diện nào? Cần chú ý điều gì khi phân tích chủ đề của một truyện thơ?

Trả lời:

Nội dung chủ đề của đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều được phân tích qua những phương diện:

- Bức tranh hiện thực của xã hội tha hóa vì đồng tiền.

- Tấm lòng nhân đạo sâu sắc của tác giả.

Câu 4 (trang 145 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Các đoạn văn trong bài viết thường được viết theo kiểu đoạn văn gì? Trình bày tác dụng của cách viết đó.

Trả lời:

Các đoạn văn trong bài viết thường được viết theo kiểu đoạn văn diễn dịch.

Với cách trình bày đoạn văn như vậy, người đọc dễ dàng nắm bắt được nội dung chính, dễ dàng khái quát được nội dung sẽ được nói tới trong văn bản.

Câu 5 (trang 145 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Xác định các phương tiện và phép liên kết được sử dụng trong bài viết và nêu tác dụng của chúng.

Trả lời:

- Phương tiện liên kết câu, đó là các từ nối: Trước tiên, Bên cạnh đó, Nói tóm lại.

- Tác dụng: Giúp người đọc dễ dàng xác định được các luận điểm, lí lẽ mà người viết trình bày trong đoạn văn.

Câu 6 (trang 145 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Từ bài văn trên, em rút ra điều gì cần lưu ý khi phân tích đoạn trích của một truyện thơ?

Trả lời:

Em rút ra được những lưu ý:

- Cần xác định những luận điểm, lí lẽ, dẫn chứng sẽ sử dụng trong bài văn.

- Trong phần thân bài, nên tách đoạn, mỗi đoạn trình bày một luận điểm.

- Cần đưa ra lí lẽ, dẫn chứng để làm sáng tỏ luận điểm.

- Sử dụng các phương tiện liên kết câu phù hợp.

* Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài (trang 145 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Viết bài giới thiệu về Vẻ đẹp của truyện thơ Việt Nam là một trong số những hoạt động mà Câu lạc bộ Văn học trường em tổ chức nhằm khuyến khích học sinh tìm hiểu truyện thơ dân tộc. Để hưởng ứng hoạt động ấy, em hãy chọn một đoạn trích trong một truyện thơ mà mình yêu thích để viết bài phân tích và gửi cho câu lạc bộ.

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

Trước khi viết, cần trả lời những câu hỏi sau:

• Đề tài của bài viết này là gì?

Thực hiện bài viết này nhằm mục đích gì?

• Người đọc bài viết có thể là ai? Họ mong đợi điều gì từ bài viết của em?

• Lựa chọn cách viết như thế nào cho phù hợp với mục đích và đối tượng người đọc?

• Xác định (những) cách thu thập tư liệu cho bài viết (xem lại Bài 2). Chú ý tính chính xác, đáng tin cậy của tư liệu và ghi chép nguồn tư liệu.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Vận dụng cách tìm ý, lập dàn ý cho bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học đã học ở Bài 2 để tìm ý và lập dàn ý cho đề bài này. Để nhận ra nét đặc sắc về nghệ thuật của một tác phẩm truyện thơ, cần chú ý đặc điểm hình thức của thể loại truyện thơ (xem lại nội dung phần Tri thức Ngữ văn của bài học này).

Bước 3: Viết bài

Triển khai bài viết dựa trên dàn ý. Khi viết, cần chú ý:

• Thực hiện theo những nội dung đã được đề cập ở bước Viết bài của Bài 2.

• Vận dụng kiến thức về các kiểu đoạn văn đã học ở lớp 8 để tạo lập đoạn văn, viết đoạn có câu chủ đề hiện rõ (đoạn diễn dịch, đoạn quy nạp, đoạn phối hợp) và dùng câu chủ đề để trình bày luận điểm của bài viết.

• Vận dụng kiến thức về các phép liên kết trong văn bản đã học ở lớp 7 để tạo sự mạch lạc, liên kết chặt chẽ cho bài viết.

Bài văn tham khảo:

Trong thơ cổ viết về giai nhân thì đoạn thơ Chị em Thúy Kiều trích trong Đoạn trường tân thanh tức Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một trong những vần thơ tuyệt bút. Hai mươi tư câu thơ lục bát đã vẽ nên sắc, tài, đức hạnh của hai chị em Thuý Kiều, Thuý Vân.

Với ngòi bút của một kì tài diệu bút Nguyễn Du đã vẽ nên bức chân dung hai nàng giai nhân tuyệt thế:

Đầu lòng hai ả tố nga,

Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.

Vân là em, Kiều là chị. Hai chị em Vân và Kiều (con đầu lòng của gia đình Vương viên ngoại) đều là những ả tố nga - những người con gái đẹp. Vẻ đẹp của hai nàng là vẻ đẹp thanh tao của mai, là sự trắng trong, tinh sạch của tuyết:

Mai cốt cách tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Bút pháp ước lệ cùng phép ẩn dụ đã gợi lên vẻ đẹp hài hoà, hoàn hảo cả về hình thức lẫn tâm hồn. Vẻ đẹp của hai nàng đều đến mức tuyệt mĩ mười phân vẹn mười nhưng mỗi người lại mang một vẻ riêng. Nguyễn Du đã lấy những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên để miêu tả hai chị em. Thuý Kiều và Thuý Vân đều mang vẻ đẹp lí tưởng, theo khuôn mẫu và vượt lên trên khuôn mẫu.

Sau những câu thơ giới thiệu về hai chị em, ngòi bút Nguyễn Du lại có chiều hướng cụ thể hơn trong bức chân dung quý phái của Thuý Vân:

Vân xem trang trọng khác vời,

Hai chữ trang trọng trong câu thơ đã nói lên vẻ đẹp đài các, cao sang của Vân. Vẻ đẹp ấy của thiếu nữ được so sánh với những thứ cao đẹp trên đời:

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

Chân dung của Vân được miêu tả một cách khá toàn vẹn từ khuôn mặt, nét mày, làn da, mái tóc đến nụ cười, tiếng nói. Vân có khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu như vầng trăng, có đôi lông mày sắc nét như con ngài, có miệng cười tươi thắm như hoa, giọng nói trong trẻo thốt ra từ hàm răng ngà ngọc và mái tóc của nàng bồng bềnh hơn mây, làn da của nàng trắng hơn tuyết, sắc đẹp của Vân sánh với những nét kiều diễm, sáng trong của những báu vật tinh khôi của đất trời. Tất cả toát lên vẻ đẹp trung hậu, êm dịu, đoan trang, quý phái. Vân đẹp hơn những gì mĩ lệ của thiên nhiên nhưng tạo sự hoà hợp, êm dịu: mây thua, tuyết nhường. Với vẻ đẹp như thế, Vân sẽ có một cuộc đời bình lặng, suôn sẻ và một tính cách điềm đạm. Qua bức chân dung này, Nguyễn Du đã gửi tới những thông điệp về tương lai, cuộc đời chính bởi vậy mà bức chân dung Thúy Vân là chân dung mang tính cách số phận.

Tả Vân thật kĩ, thật cụ thể song Nguyễn Du chỉ vẽ Kiều bằng những nét phác hoạ thông thoáng bởi ông không muốn là người thợ vẽ vụng về:

Kiều càng sác sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn.

Sắc đẹp của Kiều được đặt trong sự so sánh với vẻ đẹp đoan trang, quý phái của Vân để thấy được sự hơn hẳn của Kiều về vẻ sắc sảo của tài năng trí tuệ, bởi cái mặn mà của nhan sắc. Không tả khuôn mặt, giọng nói, tiếng cười, làn da, mái tóc như Thuý Vân mà Nguyễn Du đã thật tài tình khi chọn đôi mắt Kiều để đặc tả bởi đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ:

Làn thu thủy nét xuân sơn,

Câu thơ tả đôi mắt mà gợi lên bức tranh sơn thuỷ, diễm lệ. Bức tranh ấy có làn thu thủy - làn nước mùa thu, có nét xuân sơn - dáng núi mùa xuân. Cũng như khuôn mặt Kiều có đôi mắt trong sáng, long lanh, có đôi lông mày thanh tú mà khiến:

Hoa ghen đua thắm liễu hờn kém xanh.

Vẻ đẹp của Kiều không chỉ như thiên nhiên mà còn vượt trội hơn cả thiên nhiên khiến hoa cũng phải ghen, liễu cũng phải hờn. Thiên nhiên không còn thua, nhường mà cau mày, bặm môi tức giận, mà đố kị hờn ghen. Nếu vẻ đẹp của Vân là những gì tinh khôi, trong trắng nhất của đất trời thì Kiều lại mang vẻ đẹp của nước non, của không gian mênh mông, của thời gian vô tận. Cái đẹp ấy làm cho nghiêng nước, đổ thành:

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Nguyễn Du đã sử dụng những điển tích để cực tả Kiều với vẻ đẹp của trang giai nhân tuyệt thế. Và cũng chính vẻ đẹp không ai sánh bằng ấy như tiềm ẩn những phẩm chất bên trong cao quí là tài và tình rất đặc biệt:

Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Kiều có cả tài cầm - kì - thi - hoạ của những bậc văn nhân quân tử và tài nào cũng đến mức điêu luyện. Nàng giỏi về âm luật đến mức làu bậc. Cây đàn nàng chơi là cây hồ cẩm, tiếng đàn của nàng ăn đứt bất cứ nghệ sĩ nào và đã trở thành nghề riêng. Để cực tả cái tài của Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng hàng loạt các từ ngữ ở mức độ tuyệt đối: vốn sẵn, pha nghề, làu bậc và đủ mùi. Không những giỏi ca hát, chơi đàn mà Kiều còn sáng tác nhạc nữa. Cung đàn nàng sáng tác là một thiên Bạc mệnh. Bản đàn ấy đã ghi lại tiếng lòng của một tâm hồn đa sầu đa cảm. Nguyễn Du cực tả tài năng của Kiều chính là ngợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Tài năng của Kiều vượt lên trên tất cả và là biểu hiện của những phẩm chất cao đẹp, trái tim trung hậu, nồng nhiệt, nghĩa tình, vị tha. Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp của sắc - tài - tình và đạt đến mức siêu phàm, lí tưởng. Nhưng nhan sắc đến mức hoa ghen, liễu hờn để tạo hóa phải hờn ghen đố kị và tài hoa trí tuệ thiên bẩm làu bậc, đủ mùi cái tâm hồn đa sầu, đa cảm như tự dưng mà có của nàng khó tránh khỏi sự nghiệt ngã của định mệnh. Chính bởi Kiều quá toàn mĩ, hoàn thiện nên trong xã hội phong kiến kia khó có một chỗ đứng cho nàng. Và cung đàn Bạc mệnh nàng tự sáng tác như dự báo một cuộc đời hồng nhan bạc mệnh khó tránh khỏi của Kiều. Cuộc đời nàng rồi sẽ sóng gió, nổi chìm, truân chuyên. Cũng giống như bức chân dung Thúy Vân, bức chân dung Kiều là bức chân dung mang tính cách số phận.

Nguyễn Du hết lời ca ngợi Vân và Kiều mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười nhưng ngòi bút tác giả lại đậm nhạt khác nhau ở mỗi người. Vân chủ yếu đẹp ở ngoại hình còn Kiều là cái đẹp cả về tài năng, nhan sắc lẫn tâm hồn. Điều đó tạo nên vẻ đẹp khác nhau của hai người thiếu nữ và hé mở hai tính cách, dự báo hai cuộc đời khác nhau đang đón chờ hai ả tố nga. Hai bức vẽ chân dung của chị em Thuý Vân và Thuý Kiều đã cho thấy sự tài tình trong ngòi bút tinh tế của Nguyễn Du.

Kết thúc đoạn thợ là bốn câu lục bát miêu tả cuộc sống phong lưu khuôn phép, mẫu mực của hai chị em Kiều:

Phong lưu rất mực hồng quần,

Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

Hai người con gái họ Vương không chỉ có sắc - tài - tình mà còn có đức hạnh. Sống phong lưu đến mực hồng quần. Cả hai đều đã tới tuần cập kê - tới tuổi búi tóc, cài trâm nhưng vẫn sống trong cảnh:

Êm đềm trướng rủ màn che,

Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

Hai câu thơ như che chở, bao bọc cho hai chị em, hai bông hoa vẫn còn phong nhụy trong cảnh êm đềm chưa một lần hương toả vì ai. Nguyễn Du đã buông mành, gạt tất cả mọi vẩn đục cho cuộc đời khỏi cuộc sống phong lưu của hai chị em để đề cao hơn đức hạnh của hai nàng.

Với cảm hứng nhân đạo và tài nghệ thơ, Nguyễn Du đã vẽ nên bức chân dung Thúy Vân, Thuý Kiều bằng những gì đẹp đẽ, mĩ lệ nhất. Hai bức tranh mĩ nhân bằng thơ đã thể hiện bút pháp ước lệ tượng trưng và các biện pháp tu từ trong ngòi bút tinh tế của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sủa, rút kinh nghiệm

• Đọc lại bài viết của mình và dùng bảng kiểm ở Bài 2 để tự chỉnh sửa:

• Đọc lại bài viết từ góc độ người đọc và trả lời các câu hỏi sau:

1. Điều em thích nhất và điều em muốn điều chỉnh ở bài viết này là gì?

2. Từ bài viết này, em rút thêm được kinh nghiệm gì về việc viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học?

Bài giảng: Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học - Cô Lê Hạnh (Giáo viên VietJack)

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:


Giải bài tập lớp 9 Chân trời sáng tạo khác