10+ Nghị luận về Thói quen nói chuyện riêng trong giờ học (điểm cao)
Viết bài văn nghị luận về Thói quen nói chuyện riêng trong giờ học hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Nghị luận về Thói quen nói chuyện riêng trong giờ học (mẫu 1)
- Dàn ý Nghị luận về Thói quen nói chuyện riêng trong giờ học
- Nghị luận về Thói quen nói chuyện riêng trong giờ học (mẫu 2)
- Nghị luận về Thói quen nói chuyện riêng trong giờ học (mẫu 3)
- Nghị luận về Thói quen nói chuyện riêng trong giờ học (mẫu 4)
Bài văn nghị luận về Thói quen nói chuyện riêng trong giờ học - mẫu 1
Trong trường học hiện nay xuất hiện nhiều hiện tượng khiến các thầy cô phải đau đầu tìm cách giải quyết ví dụ như hút thuốc, đánh lộn, sử dụng điện thoại,.. Trong đó tình trạng học sinh nói chuyện riêng trong giờ học tuy không phải vấn đề xấu xa gì, nhưng nó lại đang có ảnh hưởng không tốt đến việc học tập của các bạn học sinh.
Việc nói chuyện riêng trong giờ dường như đã trở thành trào lưu, trong giờ học lúc nào cũng nghe thấy tiếng nói chuyện. Nguyên nhân chủ yếu là do các bạn học yếu ngồi trong lớp không yên được, mệt mỏi nên nói chuyện để giết thời gian chờ đợi lúc đánh trống hết giờ. Còn có nguyên nhân nữa là do thấy các bạn xung quanh nói chuyện rôm rả nên cũng muốn nhập cuộc cho vui. Các bạn có lẽ không biết rằng việc các bạn nói chuyện riêng trong giờ học sẽ khiến lớp bị ảnh hưởng không tốt.
Các thầy cô khó tính khi thấy các bạn nói chuyện quá nhiều trong lớp sẽ tức giận và hậu quả là lớp phải nhận giờ B, C, cũng có khi giờ D trong sổ đầu bài. Nói chuyện còn ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của các bạn. Khi các bạn nói chuyện riêng sẽ bị sao nhãng và tất nhiên sẽ không hiểu bài. Còn có bạn thậm chí còn bị đình chỉ học vì nói chuyện quá nhiều, không có ý thức sửa chữa. Nói chuyện riêng đã trở thành thói quen lâu dài, vì vậy muốn khắc phục, loại bỏ tình trạng này cần thời gian dài.Các thầy cô có thể sử dụng nhiều phương pháp đổi mới trong cách giảng dạy khiến các bạn chú ý trong học tập. Các biện pháp cưỡng ép chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, thường không đem lại hiệu quả cao. Các bạn học sinh thì cần có ý thức hơn, có chuyện trò gì thì để ra chơi nói.
Bản thân em đôi lúc cũng nói chuyện riêng, nhưng em vẫn cố gắng khắc phục để không làm ảnh hưởng đến thầy cô, bạn bè và chính bản thân em. Nói chuyện không phải là xấu, điều quan trọng là ta nói lúc nào, ở đâu.
Dàn ý Bài văn nghị luận về Thói quen nói chuyện riêng trong giờ học
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học của học sinh hiện nay.
2. Thân bài
a. Thực trạng
- Trong các lớp học, giờ học không khó để bắt gặp những em học sinh nói chuyện, cười đùa, không tập trung vào bài giảng.
- Có nhiều kiểu nói chuyện riêng trong giờ học: thì thầm cũng có, dùng ám hiệu cũng có và thậm chí là nhiều học sinh vô ý thức còn nói chuyện to như chốn không người.
b. Nguyên nhân
- Nguyên nhân của tình trạng này đầu tiên phải kể đến là do ý thức của các bạn học sinh còn kém, muốn thể hiện mình, hoặc do thú vui riêng của bản thân,…
- Nguyên nhân khách quan: do các bạn chưa được dạy bảo đến nơi đến chốn, do sự quản lí lỏng lẻo của thầy cô, nhà trường,…
c. Hậu quả
- Gây mất trật tự lớp học, ảnh hưởng đến những người xung quanh.
- Tạo thói quen xấu cho chính người hay nói chuyện, không tiếp thu được bài giảng.
- Ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng của các thầy cô,…
d. Giải pháp
- Mỗi người cần có ý thức tự giác của bản thân, không làm ồn trong giờ học, tập trung học tập để phát triển bản thân mình.
- Nhà trường và các thầy cô giáo cần có những biện pháp nghiêm minh để xử lí những tình trạng vi phạm, nói chuyện riêng trong giờ học.
- Gia đình, cha mẹ cần dạy dỗ, quan tâm đến con em mình nhiều hơn, rèn luyện cho con em mình nâng cao ý thức tự giác.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: tình trạng nói chuyện riêng trong giờ học, đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.
Bài văn nghị luận về Thói quen nói chuyện riêng trong giờ học - mẫu 2
"Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Chính sự tinh nghịch, hiếu động và non nớt của học sinh đã dẫn đến rất nhiều vấn đề trong giáo dục. Từ những việc nhỏ như ăn quà vặt, chơi điện tử đến sự vụ nghiêm trọng hơn như bạo lực học đường. Một trong số các vấn đề vẫn còn tồn tại đến tận ngày ngay chính là hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ. Điều này mới nghe qua thì có vẻ không đáng để tâm, nhưng nó lại mang đến nhiều hậu quả tiêu cực cho chính bản thân người học và cả cộng đồng xung quanh.
Nói chuyện riêng trong giờ là hiện tượng không còn quá xa lạ với con người. Đó là những tiếng thì thầm, những mẩu giấy được truyền tay nhau với nội dung nằm ngoài phạm vi bài học. Thậm chí, có bạn học sinh còn ý thức kém đến mức dám nói chuyện to như chốn không người ngay khi thầy cô đang giảng bài. Đây là một hiện tượng vô cùng tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến không chỉ bản thân người học mà còn làm giảm chất lượng của buổi dạy của thầy cô.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tiêu cực này. Trước tiên chính là do ý thức chấp hành nội quy của người học chưa cao. Học sinh vẫn là những đối tượng cần phải dạy dỗ, chỉ bảo. Có những bạn chưa thực sự ý thức được sự ảnh hưởng mà hành động của mình mang lại. Họ chỉ đơn giản nghĩ là có một câu chuyện hay, một điều thú vị nào đó và muốn chia sẻ với bạn bè mình. Nhưng thay vì chọn giờ ra chơi hoặc lúc tan học, họ lại nói ngay trong tiết học. Một lí do khác cho hiện tượng nói chuyện riêng của học sinh chính là cách quản lí còn lỏng lẻo của thầy cô, nhà trường. Nhiều thầy cô có thấy nhưng lại nhắm mắt cho qua, dần tạo cho học sinh sự chủ quan cũng như thói quen nói chuyện, làm việc riêng trong lớp.
Hiện tượng nói chuyện riêng trong lớp gây ra rất nhiều hậu quả cho mỗi học sinh. Trong một tập thể, một vài cá nhân gây ồn ào, mất trật tự sẽ gây ảnh hưởng đến việc học tập của các thành viên khác. Điều này còn tạo nên những thói quen xấu cho người học. Nếu chỉ mải nói chuyện mà không tập trung tiếp thu bài giảng khiến thành tích của người đó ngày càng thụt lùi, giảm sút. Ngoài ra, chất lượng bài dạy của thầy cô ngày hôm đó cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu thử đặt mình vào vị trí của thầy cô - những người đang hăng say giảng bài trên bục, ta sẽ phải thất vọng thế nào khi thấy học sinh bến dưới không chú ý lắng nghe.
Để khắc phục được trình trạng này, cần kết hợp giữa sự cố gắng của mỗi cá nhân và cả tập thể. Mỗi người nên tự giác nâng cao ý thức của bản thân, nghiêm túc chấp hành nội quy trường lớp. Hãy giữ cho trường lớp được văn minh, đem lại môi trường học tập phù hợp nhất cho bản thân và các bạn cùng trang lứa. Bên cạnh đó, thầy cô và nhà trường cần có thêm các biện pháp xử phạt nghiêm khắc với những đối tượng cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến tập thể. Việc giáo dục, bảo ban của phụ huynh cũng góp phần quan trọng giúp hình thành thói quen tốt ở con trẻ.
Có thể khẳng định, việc nói chuyện riêng đã và đang gây ra rất nhiều bất cập đối với giáo dục. Vậy nên mỗi người hãy tự rèn luyện ý thức bản thân, cùng giúp đỡ nhau để tiến bộ trong học tập cũng như trong cuộc sống sau này. Điều đó cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục nước nhà theo hướng tích cực hơn.
Bài văn nghị luận về Thói quen nói chuyện riêng trong giờ học - mẫu 3
Hiện nay, khi mà đất nước ta đang trên đường phát triển, phát triển về kinh tế – xã hội và song song với đó chính là một sự phát triển về nền văn hóa, đó cũng chính là sự phát triển nền văn minh nước nhà. Ta có thể nhận định được ngày nay, những lối sống văn hóa, hay văn minh dường như cũng đã phát triển và lan tỏa rộng khắp xã hội ta. Tuy vậy nhưng ta thấy được đâu đó vẫn còn tồn đọng rất nhiều những hành vi không tốt đẹp. Đặc biệt là trong nhà trường, ta như thấy được trong giờ học thì hiện tượng học sinh nói chuyện riêng hay làm việc riêng trong giờ là một hiện tượng phổ biến. Nó dường như xuất hiện ở hầu hết các trường học và là một vấn đề rất lo ngại cho cả xã hội chúng ta hiện nay.
Đầu tiên ta phải hiểu được vấn đề nói chuyện riêng trong giờ học là một hành động như thế nào mà lại bị coi là một hành vi thiếu văn hóa? Khi nói chuyện riêng hay làm việc riêng trong giờ tức là họ – những người học sinh kia ngay trong giờ học làm những hành động không phải là học bài. Các em dường như có bàn bạc và thảo luận về những vấn đề từ nhỏ nhặt cho đến những chuyện lại rất “trọng đại, lớn lao” ko hề liên quan đến những bài học hay mà người giáo viên đang giảng dạy trên lớp. Trong lúc cô giáo đang giảng bài thì các bạn quay ra nói những câu chuyện riêng tư đời sống của mình chẳng hạn như “bộ phim hôm qua như thế nào?”, “Bạn có thấy kiểu tóc mới của mình hợp không?”,…Có vô vàn những câu chuyện vụn vặt không liên quan đến bài học của các bạn. Và khi chúng ta tập trung đến những câu chuyện được đánh giá là vô bổ đó, những câu chuyện không đi đến đâu cứ tràn lan mà làm cho các bạn mất đi lượng kiến thức cô giảng dạy trên lớp. Và điều đó thật đáng buồn bởi học sinh chúng ta đi học là để tiếp thu tri thức, tiếp thu tri thức là mục đích của việc ngày ngày bạn cắp cặp đến trường. Vậy mà bạn lại không tận dụng được nó, mà sao nhãng lãng phí vào những việc làm việc riêng trong lớp.
Có thể nói được rằng chính những cái việc bàn luận những sự việc như thế trong giờ học dường như đã trở thành những câu “chuyện thường ngày” nó được diễn ra ở hầu hết các trường học, lớp học ở nước ta. Đây thực sự là một điều đáng buồn biết bao nhiêu.
Để rồi, ta như thấy được rằng khi mà những người học sinh đấy sẽ phải bỏ lỡ một phần hoặc chính họ cũng đã bỏ tất cả những kiến thức. Bỏ cả một lượng thông tin về bài học mà người giáo viên đang giảng dạy. Quả thật lúc đó thì dường như mọi thứ nào chỉ có “họ làm họ chịu”. Đặc biệt hơn ta như thấy được ngay cả những người bạn ngồi xung quanh họ dù đang cố gắng học tập, ghi chép lại bài giảng thì dường như cũng phải bị ảnh hưởng một phần từ những tiếng ồn mà do những người làm việc riêng đã gây ra.
Khi được đánh giá trên tất cả những hành vi nói chuyện riêng hay làm việc riêng ngay trong giờ học có thể nói là một hành vi không hề có văn hóa một chút nào. Ta như thấy được rằng, cũng sẽ thật khó có thể chấp nhận dc khi nó được thực hiện bởi những người – những thế hệ được coi là chủ nhân tương lai của đất nước đã và đang học văn hóa trong trường lớp. Thông qua đây ta như thấy được hành vi này vô văn hóa ở chỗ những người thực hiện nó. Ta như hiểu điều đó tức là mỗi người học sinh đã không dành sự tôn trọng cho người đang truyền giảng kiến thức cho mình. Hơn nữa còn làm ảnh hưởng đến chính mình, chính những người xung quanh.
Xét một cách toàn diện, ta như thấy được chính những hành vi này là kết quả của sự kết hợp giữa những người học sinh đã đánh mất đi lòng tự trọng. Có lẽ rằng chính chúng ta cũng như đã đánh mất đi tinh thần hiếu học của học sinh. Thêm một nguyên do đó là người truyền dạy kiến thức cũng cần phải có một bài giảng hấp dẫn để gây ra được sự chú ý của các em học sinh. Không thể khi mà người thầy không biết được truyền tải kiến thức mà học sinh lại chú ý nghe được. Các thầy cô hãy biết đa dạng hóa bài mình dạy để có thể thu hút các em.
Tất cả chúng ta hãy để hành vi vô văn hóa này sẽ phải triệt tiêu và loại bỏ hoàn toàn ra khỏi môi trường tri thức trường lớp thì trước hết. Ta như thấy được dường như mỗi người học sinh cần phải biết đến lòng tự trọng và chính các bạn dường như cũng cần phải xác định được mục đích học tập là gì để từ đó xác định được học tập như thế nào ở trong lớp học.
Tóm lại ta như hiểu được rằng chính việc nói chuyện riêng trong giờ học sẽ chẳng mang lại gì cho các bạn. Hơn nữa chúng ta cũng phải hiểu được rằng đối với những người xung quanh ngoài những điều bất lợi. Thế nên, mọi người cũng hãy từ bỏ và đấu tranh với nó để loại bỏ hoàn toàn hành vi này khỏi trường học, loại bỏ ngay ra khỏi lớp học của chính mình nhé.
Bài văn nghị luận về Thói quen nói chuyện riêng trong giờ học - mẫu 4
Học đường và các vấn nạn trong học đường luôn là đề tài được nhiều người quan tâm. Bởi học đường chính là nơi rèn luyện, xây dựng cho các em học sinh một hành trang vững chắc để bước chân ra cuộc đời. Mà hiện tượng học sinh nói chuyện riêng, làm việc riêng trong giờ học là một trong số đó. Nó gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc của tập của học sinh.
Học sinh, những người trẻ tuổi, những chủ nhân tương lai của đất nước. Mang trong mình những sứ mệnh to lớn, sau này sẽ gánh vác một phần giang sơn. Công việc đầu tiên của học sinh đó chính là học. Là trang bị những kiến thức cần thiết, để tương lai bước vào đời.
Chính bởi nhiệm vụ quan trọng như vậy, nên việc học đối với học sinh là một việc cực kì trọng đại. Nó quyết định con đường tương lai của người đó. Nếu một người không chịu khó học tập, tương lai sẽ khó có thể làm lên được sự nghiệp, công danh như mong muốn.
Mà nếu còn vướng vào những thói hư tật xấu làm ảnh hưởng tới quá trình học tập. Người ấy còn phải chịu nhiều hậu quả khác ở trong tương lai. Hiện tượng học sinh nói chuyện riêng, làm việc riêng đã dần phổ biến hơn trong lớp học. Nó là hệ lụy của quá trình phát triển kinh tế, văn hóa nước nhà. Cuộc sống của con người trở lên đầy đủ hơn. Học sinh cũng phân biệt ra giàu nghèo nhiều hơn. Những bạn học sinh nhà có hoàn cảnh khá giả, thì chẳng ham mê gì học tập. Chỉ bởi vì sự bắt buộc của cha mẹ, làm cho những học sinh ấy phải đi học. Tạo ra cảm giác chán học trong học sinh, dẫn đến tình trạng mất trật tự, làm việc riêng trong giờ học.
Hay là do sự phát triển của văn hóa giải trí. Công nghệ thông tin phát triển mạnh. Con người hòa nhập với thế giới một cách dễ dàng. Những thứ mà học sinh tiếp cận cũng rất nhiều, và hay hơn hẳn những bài giảng của thầy, cô. Cho nên những chủ đề mà học sinh đưa ra bàn luận trong lớp mới là điều mà học sinh thích thú, còn những bài giảng khô khan, làm cho học sinh trở lên chán ngán.
Nhưng không phải bởi vì có kinh tế, có đam mê thứ khác mà học sinh từ bỏ việc học. Chỉ tập trung vào làm việc riêng, nói chuyện riêng trong giờ học. Bởi mỗi con người sống trong xã hội cần vận động để có thể tồn tại. Cuộc sống luôn chuyển động không ngừng. Con người nếu không có kiến thức, kĩ năng cần thiết. Khi ra đời sẽ chẳng được ai đón nhận cả. Chính vì vậy, việc học chưa bao giờ là mất đi giá trị của nó.
Tình trạng nói chuyện riêng, làm việc riêng vẫn luôn diễn ra trong các lớp học. Điều ấy thể hiện những hành động thiếu suy nghĩ, thiếu văn hóa của học sinh. Bởi các em đang trong độ tuổi mới lớn, bước đầu hòa mình vào cuộc sống. Có rất nhiều thứ mới mẻ để các em tiếp cận. Vì vậy, các em quan tâm tới những việc xung quanh hơn bài giảng cũng là một điều dễ hiểu.
Cái chúng ta cần để cải thiện tình trạng này là việc làm sao cho học sinh hứng thú với việc học. Việc thay đổi phương pháp dạy học của giáo viên, hay có những biện pháp phù hợp hơn là một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng đó. Thiết nghĩ, chính bản thân các bạn học sinh. Cần có một thái độ học tập tích cực, bởi các bạn nên biết rằng. Của cải vật chất chỉ là thứ bên ngoài, sẽ mất đi. Chỉ những kiến thức mà các bạn học tập được, mới là hành trang vững chắc nhất cho các bạn, trên bước đường tương lai của mình. Chỉ có làm chủ được kiến thức, mới có thể làm chủ được tương lai.
Hiện tượng nói chuyện riêng, làm việc riêng trong lớp học, gây ra những hệ lụy rất xấu cho sự phát triển của học sinh. Đòi hỏi mỗi học sinh cần tự ý thức và trách nhiệm hơn với bản thân mình. Để có thể học tập cho tốt, cho giỏi. Để tương lai sau này góp sức mình vào việc xây dựng, làm giàu quê hương đất nước.
Xem thêm các bài Soạn văn 9 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác:
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết - Tình trạng học sinh thiếu kĩ năng sống
- Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự; nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến
Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự (Sự việc về môi trường)
Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự (Sự việc về các hiện tượng diễn ra trong học đường)
Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự (Sự việc về văn hóa, xã hội)
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:
- Soạn văn 9 Chân trời sáng tạo (hay nhất)
- Soạn văn 9 Chân trời sáng tạo (ngắn nhất)
- Giải lớp 9 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 9 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 9 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 9 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 9 - CTST
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 9 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 9 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - CTST
- Giải sgk Tin học 9 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 9 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 9 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - CTST