Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh lớp 9 (20 mẫu hay nhất)
Tổng hợp các bài Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh lớp 9 hay nhất, ngắn gọn giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (mẫu 1)
- Dàn ý Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
- Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (mẫu 2)
- Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (mẫu 3)
- Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (mẫu 4)
- Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (mẫu 5)
- Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (mẫu 6)
- Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (mẫu 7)
- Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (mẫu 8)
Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh - mẫu 1
Hồ Ba Bể nằm trên địa bàn xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cách Hà Nội hơn 200km về phía Bắc. Từ thành phố Bắc Kạn đi Hồ Ba Bể khoảng 70km về phía Tây Bắc. Hồ Ba Bể được hợp thành từ 03 hồ có tên là Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm; là nơi hội tụ của 3 dòng sông là Sông Năng, Tả Hàn và Nam Cường; hồ có chiều dài hơn 8km, nơi rộng nhất là 2km, diện tích mặt nước là 500 ha, độ sâu trung bình là 20m, nơi sâu nhất là 35m, chứa khoảng 90 triệu m3 nước; trên hồ có nhiều hòn đảo nhỏ xinh đẹp như Đảo Bà góa, đảo Phong Lan, đảo An Mạ, ao Tiên… đáy hồ không bằng phẳng mà có nhiều núi ngầm, nhiều loài thuỷ vật và cá nước ngọt sinh sống có những loài đặc biệt quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam như cá chép kính, cá dầm xanh, cá chiên... Hồ Ba Bể là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, là nơi lý tưởng cho du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Theo truyền thuyết: Hồ Ba Bể xưa kia vốn là vùng đất đai trù phú, dân cư đông đúc, mùa màng bội thu, muông thú đua nhau tụ họp, ca hát líu lo, cuộc sống rất đỗi thanh bình. Đầu xuân năm ấy dân làng mở hội lồng tồng để vui chơi ca hát; ở trên trời, thấy cảnh trần gian tấp nập vui vẻ, Bụt liền hóa phép để thử lòng dân. Trời về chiều, hội sắp tan, bỗng nhiên mọi người thấy một con bò lạ, lông vàng óng, rất đẹp xuất hiện, thấy bò không có chủ, nhân lúc đói bụng, đám người xấu trong bản bèn rủ nhau bắt bò vàng làm thịt, họ đốt một đống rơm to thui bò vàng, sau đó cả bản chia nhau ăn uống linh đình, chỉ vắng mẹ con Bà góa nghèo ở cuối bản vì không có quần áo đẹp đi dự hội, được chúng mang đến chia cho ít da và cái đuôi bò, bà lão mang treo trên gác bếp. Hôm sau, có một Bà già ăn mặc rách dưới đến bản xin ăn, Bà đi đến đâu những con rận và rệp rơi lả tả đến đó khiến ai nhìn thấy cũng lắc đầu và chạy xa, vào đến bản bà lão đi từng nhà hỏi có ai thấy con bò đẹp màu vàng của mình bị mất hôm qua đâu không, ai cũng trả lời rằng không biết, cứ thế bà lão đi khắp bản hỏi cho đến tối cũng không tìm được bò vàng, mệt quá bà xin dân bản cho mình nghỉ nhờ, nhưng ai cũng xua đuổi và không cho bà ở, đi mãi tới tận cuối bản, gặp hai mẹ con Bà góa nghèo, vốn tính thương người, Bà góa mời Bà lão về căn lều của mình nghỉ tạm qua đêm. Đêm ấy chờ con ngủ say, Bà góa kể cho Bà lão nghe mọi chuyện về con bò vàng bị lạc và chỉ cho Bà lão chiếc đuôi bò còn treo trên gác bếp. Sớm hôm sau tỉnh dậy, trước lúc chia tay, Bà lão nói với hai mẹ con Bà góa: Ta không phải đến đây để hỏi chuyện mất bò, đó chẳng qua chỉ là việc thử lòng người mà thôi, cảm ơn hai mẹ con Bà có tấm lòng nhân hậu, đêm nay trước khi đi ngủ Bà nhớ rắc trấu xung quanh nhà cho cẩn thận và trong lúc nguy nan hãy thả vỏ trấu xuống nước sẽ làm được việc có ích. Nói xong bà lão biến mất. Mãi đến lúc đó, mẹ con Bà góa mới bàng hoàng hiểu ra sự việc. Tối đến, trước khi đi ngủ, hai mẹ con cẩn thận làm theo lời dặn của bà lão ăn mày. Đến nửa đêm, sấm chớp nổi lên ầm ầm, mưa như trút nước, mặt đất rung chuyển và sụt xuống, nước ngập mênh mông thành hồ, cả vùng duy nhất chỉ có nhà của mẹ con Bà góa là còn nguyên vẹn nhô lên giữa mặt nước. Thấy dân bản chết đuối nhiều quá, nhớ lời dặn của bà lão, mẹ con Bà góa ném vỏ trấu xuống nước, tức thì vỏ trấu hóa thành những chiếc thuyền độc mộc, hai mẹ con vội vã chia làm hai ngả đi cứu giúp dân bản. Kể từ đó thuyền độc mộc trở thành phương tiện chính trên sông nước của người dân vùng Hồ.
Nằm ở độ cao 150m so với mực nước biển, hồ Ba Bể được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi sen lẫn sa thạch cổ với độ cao trên 1.000m và các cánh rừng già nguyên sinh, nước hồ trong xanh, quanh năm mát mẻ, toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc, in đậm bóng núi, lồng lộng mây trời, nhìn giống như một chiếc gương khổng lồ phản chiếu những dãy núi uốn lượn vòng cung ẩn hiện trên mặt hồ, điều đặc biệt là các loài cây cỏ ở đây không phải mọc ra từ những lớp đất màu mỡ mà mọc lên từ đá. Có thể quý khách trước đó sẽ không thể nghĩ rằng sau những dãy núi đá vôi sừng sững kia lại có một hồ nước trong xanh, thơ mộng trầm mặc, mênh mang giữa đại ngàn và mê hoặc lòng người đến như vậy.
Hàng năm từ ngày 10 đến 13 tháng giêng Ba Bể tưng bừng diễn ra ngày hội xuân; hội xuân được tổ chức khi mùa màng kết thúc dân bản được nghỉ ngơi để du xuân, du khách từ phương xa tới sẽ được vui chung ngày hội với bà con dân tộc nơi đây, quý khách sẽ được xem điệu múa khèn của các chàng trai người Mông gọi bạn tình, được nghe làn điệu Sli, lượn của các thiếu nữ Tày, được nghe dân tộc Sán Chay hát dân ca, được tham gia các trò diễn như tung còn, bịt mắt bắt dê, xem chọi bò, thi đua thuyền độc mộc trên hồ v.v.. Còn một điều đặc biệt mà không thể không nhắc đến khi tham quan hồ Ba Bể đó là những con thuyền độc mộc – Đây là nét đặc trưng riêng của hồ Ba Bể, được nhân dân trong vùng khoét từ thân cây gỗ, duy nhất trên thuyền chỉ có một mái chèo, nhìn người chèo thuyền ta như đang được xem một nghệ sĩ biểu diễn; thuyền Độc Mộc trước đây là phương tiện đi lại duy nhất của cư dân lòng hồ và sông Năng, người ta dùng Độc Mộc để chài lưới, đi lấy củi, các em nhỏ thì dùng làm phương tiện để đi học. Ngày nay do phát triển du lịch nên hồ có thêm một phương tiện nữa là thuyền máy để đưa du khách đi tham quan thông tuyến từ hồ ra sông Năng.
Xung quanh hồ là các bản nhà sàn của người Tày, sau một ngày dạo chơi trên hồ du khách có thể dừng chân và nghỉ ngơi ở chốn này, sống trong không khí ấm áp đượm tình mến khách của bà con dân bản, nhà sàn ở đây to rộng và thoáng mát quý khách sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống của người dân miền núi Ba Bể, nhấp những chén rượu ngô thơm mùi nếp, các tiết mục đặc sắc của đội văn nghệ thôn Pác Ngòi chắc hẳn sẽ ngất ngây lòng du khách.
Ngoài các điểm tham quan chính trong khu vực lòng Hồ, quý khách có thể đi thuyền tham quan các điểm du lịch khác trong khu vực Vườn quốc gia Ba Bể như: Động Puông, thác Đầu Đẳng trên tuyến sông Năng, tham quan động Hua Mạ, thác Bạc, hang Thẳm Phầy (nằm cách hồ 7km về phía Tây Bắc) hoặc vòng qua phía Tây Nam tham quan Đồn Đèn - nơi có khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ, tham quan các vườn trồng hoa Ly, khoai Lệ Phố, tham quan các bản làng người Mông, người Dao ở trên đỉnh núi hay cùng người dân địa phương khám phá hành trình “săn mây trên đỉnh núi Hoa” … Đến Ba Bể với khí hậu trong lành mát mẻ, với các cảnh vật được thiên nhiên ưu đãi, du khách có thể tham gia vào nhiều loại hình du lịch: Leo núi dã ngoại, tham quan vãn cảnh hồ, tìm hiểu đời sống văn hoá dân tộc, nghiên cứu khoa học và du lịch nghỉ dưỡng…
Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên hồ Ba Bể có những nét rất riêng biệt so với các hồ Caxtơ trên thế giới. Vì vậy, tháng 03 năm 1995 Hội nghị quốc tế về Hồ trên thế giới được tổ chức tại Mỹ đã xếp hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất trên thế giới cần phải được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản Asean và năm 2012 được công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt và là khu Ram Sa thứ 3 của Việt Nam. Với không khí mát mẻ quanh năm của núi rừng và sông nước, du khách có thể tham quan Hồ Ba Bể bất cứ thời gian nào trong năm. Đến Hồ Ba Bể, du khách không chỉ được tham quan, trải nghiệm về vẻ đẹp thiên nhiên vốn có nơi đây mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản truyền thống, được hòa mình, được khám phá về bản sắc văn hóa của dân tộc địa phương nơi đây.
Dàn ý Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
a. Mở bài
– Hồ Ba Bể là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất nước ta.
– Hiện nay, hồ đang là điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách.
b. Thân bài
* Vị trí lịch sử, nguồn gốc của hồ Ba Bể:
– Ba Bể là một hồ nước ngọt ở Bắc Kạn.
– Hồ được hình thành cách đây hơn 2000 năm.
– Hồ nằm trên lưng chừng vùng núi đá vôi.
– Hồ nằm ở độ cao khoảng 145 mét so với mặt nước biển.
– Năm 1995, hồ Ba Bể được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tổ chức tại Mĩ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt của thế giới cần được bảo vệ.
– Đây là một hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam.
* Đặc điểm của hồ Ba Bể:
– Hồ có diện tích mặt nước là 650ha. Chiều dài gần 8km, có thắt nút ở giữa hồ.
– Hồ được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi có nhiều hang động và những suối ngầm.
– Độ sâu trung bình là từ 20 mét đôn 25 mét. – Vào mùa cạn thì nước có chiều sâu khoảng từ 5 mét đến 10 mét.
– Có hai đảo nhỏ nổi lên giữa hồ là đảo An Mã (đảo giống như con ngựa đóng cương đang lội nước) và đảo Bà Góa. (Truyện Sự tích hồ Ba Bể là cách giải thích của nhân dân ta về nguồn gốc của hồ Ba Bể.)
– Ngày mồng 5 tháng giông hằng năm, trên đảo An Mã có hội “lồng tồng” (lễ xuống đồng của người dân tộc sống trong vùng.)
c. Kết bài
– Hồ Ba Bể được công nhận là một trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam.
– Đây là nơi thu hút rất nhiều khách du lịch trong cũng như ngoài nước.
– Em tự hào về cảnh đẹp của quê hương, đất nước mình.
Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh - mẫu 2
Về thăm đô cũ Đinh Lê
Non xanh nước biếc bốn bề như tranh”
Những du khách từng đặt chân tới Ninh Bình, không ai là không một dịp tò mò mà đến thăm Tràng An cổ – trái tim của kinh đô Hoa Lư. Cũng như bao người khác, tôi cùng những người bạn của mình đã được dịp đến tận mắt chiêm ngưỡng khu danh lam thắng cảnh này để rồi phải xuýt xoa trước vẻ đẹp của nó.
Xuôi một chặng đường dài vô tận, qua con đường hai bên là trận cờ lau gắn liền với những chiến tích lịch sử oai hùng, con người trở về nơi đất tổ linh thiêng – Tràng An Cổ. Đất Ninh Bình là nơi sinh ra một vị vua tài giỏi, người có công lao tạo lập một triều đại độc lập và tự chủ trong lịch sử dân tộc – Đinh Bộ Lĩnh, một anh hùng hào kiệt dẹp loạn mười hai sứ quân khai sinh ra nước Việt vào năm 968 và trở thành người đầu tiên xưng ngôi hoàng đế, lập ra một đất nước độc lập tự chủ . Mỗi thắng cảnh Tràng An Cổ lại gắn liền với một sự kiện, một mạch nối với triều đại Đinh Tiên Hoàng. Tràng An Cổ – nơi đây lắng đọng biết bao những góc khuất lịch sử. Nhờ sự sắp xếp tài tình của mẹ thiên nhiên , nhờ tấm lòng rộng lớn của tạo hóa đã ban tặng những tinh túy quý báu nhất trong mảnh đất địa linh kiệt.Nâng niu trân trọng những dấu ấn lịch sử ấy hành trình khám phá Tràng An Cổ được thiết kế theo dấu chân xưa của vua Đinh,theo hướng Nam là hướng xuất binh của Đinh Bộ Lĩnh xưa kia.Có lẽ vậy mà nhiều khi cái nhìn về Tràng An Cổ cũng khác đi. Nó không chỉ còn là những dấu tích sót lại hay là món quà tinh túy nhất của thiên nhiên ban tặng, không chỉ còn là bức tranh sơn thủy hữu tình mà nơi đây hiện ra như một cuốn sổ vàng. Lật từng trang sách, ta thấy hiện ra từng trang sử oanh liệt hào hùng.
Chúng tôi, những đứa con được trở về với cội nguồn, linh hồn đất Việt – nơi vua Đinh từng ở, được cảm nhận không khí linh thiêng thực sự là một trải nghiệm khó quên. Thắng cảnh Tràng An Cổ nằm cách Tràng An không xa nhưng quy mô nhỏ hơn và mang đậm dấu ấn lịch sử của triều đại vua Lê nơi Ninh Bình. Bước xuống xe, từ xa chúng tôi đã thấy lấp ló chiếc biển khu di tích Tràng An Cổ. Rời xa nơi thành phố náo nức chật chội, chúng tôi được trải nghiệm bầu không khí trong lành yên bình cùng sự tâm linh, cùng nhau trải nghiệm và lắng nghe những câu chuyện, những sự tích kì bí cùng nhau tìm về nơi cội nguồn linh thiêng của mỗi con người đất Việt.
Đi dần vào sâu bên trong Tràng An Cổ, mọi người được lắng nghe những thanh âm của thiên nhiên nơi cố đô Hoa Lư. Bước lên những bậc thang đá, các du khách lên đến ngôi phụ đại tôn thờ vua Đinh Tiên Hoàng cùng công thần khai quốc triều Đinh Thái tể định quốc công Nguyễn Bặc cùng những đại thần tướng sĩ triều Đinh. Ngôi phủ tựa như một viên ngọc lọt giữa hàm rồng. Ai đi về thăm cũng có cơ hội được dâng lên nén hương bày tỏ tấm lòng của con dân đất Việt. Khi bước vào không gian đền, ta được ngắm nhìn những cổ vật thiêng liêng từ thời vua Đinh Bộ Lĩnh.
Tục truyền rằng, xưa Đinh Bộ Lĩnh cùng các trọng thần, tướng lĩnh đã ngự tại đây,trước khi xuất binh hay làm lễ tế cờ, thắng trận trở về bao giờ cũng làm lễ tạ ơn. Vì vậy trên cửa phủ có treo bức đại tự : Khai môn kiến hỉ (Cửa cầu gặp may). Thế nên đến đây, tất cả được cùng nhau bái lạy, chắp tay thành khẩn tỏ lòng mình cầu may mắn, hạnh phúc, ấm no, sung túc đủ đầy. Không chỉ vậy ta còn được bày tỏ lòng kính trọng đối với những bậc trung thần thời Đinh đã từng hy sinh thân mình để giúp dân giúp nước. Mọi người như được đắm mình trong không khí lịch sử bi tráng một thời.Sâu trong tẩm điện là cung thờ hoàng đế Đinh Tiên Hoàng. Năm xưa chính tại tổng Hoa Lư này, người đã xưng là Vạn Thắng vương thu nạp nghĩa binh dẹp loạn mười hai sứ quân, khai sinh ra nước Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình với mong muốn thiên hạ thái bình, nhân dân an lành. Ra khỏi đền, tiếp tục đi lên những bậc thang đá là đến Giếng Giải Oan – nơi thoát lên của những linh hồn oan ức được cứu rỗi siêu sinh mà giải thoát. Đây cũng là một trong những tín ngưỡng của dân gian ta.
Vì vậy cửa hang Đại tôn lập ban thờ Thập Bát Long thần là như thế.Khi gặp phải khó khăn, cử hành việc lớn thì con người tìm về với nơi đây thành tâm cầu khẩn để được phù hộ và giải cứu rất linh ứng.
Kết thúc trải nghiệm ngôi đền, mọi người sẽ có cơ hội được du ngoạn trên sông. Xuôi theo dòng Sào Khê lịch sử, ta được dịp lắng nghe tiếng giới thiệu say sưa của cô hướng dẫn viên về những trang sử vàng quê hương theo nhịp mái chèo đưa hòa cùng non nước hữu tình. Dòng Sào Khê lịch sử chảy dọc qua cố đô Hoa Lư theo hướng Tây Bắc – Đông Nam đước chúng tôi qua hang Luồn. Tại đây, ta được chiêm ngưỡng những dấu ấn lịch sử chạm khắc trực tiếp lên đá. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử mà những dấu ấn đó vẫn còn nguyên vẹn và trở thành dấu ấn văn hóa chỉ có thể tìm thấy ở Tràng An Cổ lưu truyền hậu thế. Du khách tham quan còn được lách mình dưới những dãy núi đá vôi lấp lánh. Vì thế về với mảnh đất Ninh Bình, Tràng An Cổ không chỉ đưa ta về với những câu chuyện lịch sử hào hùng mà còn là hành trình khám phá cái đẹp của non nước vùng đất cố đô. Dọc theo hai bờ sông là những ngôi làng cổ trải dài 2km mang tên là làng Tràng An cổ cùng những thung lũng với những cái tên kì lạ như thung Gieo Lớn, thung Gieo Nhỏ, thung Nắc Nẻ,…Không chỉ thế, ta còn được ngắm nhìn những dãy núi đá dưới nắng như núi Trạng Nguyên, núi Hòn Sách. Khung cảnh hai bên bờ thật thơ mộng và yên bình, vì vậy về đây, lòng người cũng như được lắng lại sau những bon chen bộn bề nơi cuộc sống ngày thường. Mọi người được lướt đi dưới những con cầu, lắng nghe tiếng hát của cô hướng dẫn viên, cùng nhau hòa mình vào giai điệu của non nước lịch sử.
Hiện nay, Tràng An Cổ được bảo tồn và gìn giữ để vẫn mang trong mình nét cổ kính, thiêng liêng nhưng bên cạnh đó Tràng An Cổ cũng đang dần thay đổi. Những công trình khai quật và phục hồi đang được tiến hành để giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm hơn cũng như có được cái nhìn toàn cảnh hơn nữa về Tràng An Cổ thiêng liêng gắn bó với triều đại nhà Đinh lẫy lừng một thời.
Tràng An cổ từ lâu đã trở thành một điểm đến không thể thiếu trong hành trình tìm về với những giá trị văn hóa cổ truyền của đất nước. Bởi vậy, Tràng An cổ chính là niềm tự hào của mỗi người dân đất Ninh Bình nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung đối với bạn bè quốc tế, những người có dịp được đến và hòa cùng một nhịp với đời sống văn hóa phong phú nơi đây.
Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh - mẫu 3
Khu du lịch Tam Chúc (Ba Sao Hà Nam) được mệnh danh là 'Vịnh Hạ Long trên cạn', nơi khoác trên mình vẻ ngút ngàn và đẹp như cõi mộng, nơi mà du khách đến sẽ cảm nhận được sự thuần khiết, thanh bình và yên ả đến lạ thường.
Quần thể khu du lịch Tam Chúc tọa lạc trên mảnh đất Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam. Nơi đây được Thủ tướng công nhận là Khu du lịch quốc gia theo Quyết định số 201/QĐ-TTG ngày 22/01/2013. Đặc biệt, Chùa Tam Chúc sẽ là nơi đăng cai Đại lễ Vesak năm 2019 (Đại hội Phật giáo thế giới) tổ chức vào tháng 5/2019 và cũng là thời điểm Chùa được khánh thành giai đoạn I.
Chùa Tam Chúc có tổng diện tích gần 5.000ha, bao gồm hồ nước: 1.000ha, núi đá rừng tự nhiên: 3.000ha, các thung lũng: 1.000ha. Đây là ngôi chùa vô cùng đặc biệt với cảnh quan hùng vĩ: Tiền lục nhạn, hậu thất tinh (tiền lục nhạn nghĩa là mặt trước chùa có 6 quả núi giữa lòng hồ, tương truyền rằng đây là 6 quả chuông của nhà trời đưa xuống; hậu thất tinh là đằng sau có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh sáng vào ban đêm).
Ngôi chùa được thi công bởi rất nhiều những người thợ thủ công lành nghề của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Năm 2000, khi khảo sát làm thủy lợi lòng hồ Tam Chúc, công nhân xây dựng đã phát hiện ra rất nhiều dấu tích các hiện vật liên quan đến chùa Tam Chúc xưa. Từ các hiện vật khảo cổ, bước đầu có thể kết luận rằng chùa Tam Chúc đã có niên đại trên 1000 năm.
Trải qua rất nhiều năm tháng, giờ chỉ còn lại những di tích cột gỗ, cột đá, xà đá còn vùi lấp ở nền móng cũ, trong đó có những cột gỗ có đường kính trên 1m, những xà đá, cột đá rất lớn mà chúng ta chưa thể hiểu được ông cha ta trước kia dựng chùa bằng cách nào với kích thước lớn như vậy.
Ngôi chùa Tam Chúc được xây dựng lại có tới 12.000 bức tranh đá miêu tả các sự tích của Đức Phật, được những người Hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa ở Indonesia sau đó đưa sang Việt Nam.
Chùa Tam Chúc đang thiết lập một vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn. Hiện tại đang dựng được khoảng 36 cột kinh do các nghệ nhân lành nghề Việt Nam tạc và dựng. Đây sẽ là vườn cột kinh lớn nhất thế giới khi hoàn thành.
Trên trục thần đạo Chùa Tam Chúc gồm: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan, Phòng họp Quốc tế. Những ngôi điện, các pho tượng Phật tại chùa Tam Chúc có diện tích, kích thước rất lớn.
Chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh đang được thi công bởi những nghệ nhân Ấn Độ giáo và sẽ sớm hoàn thành trong năm 2018.
Điện Tam Thế có chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m², giúp cho 5.000 Phật tử có thể hành lễ cùng một lúc. Bên dưới Điện Tam Thế là Điện Pháp chủ với pho tượng bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn.
Phòng họp Quốc tế nổi trên mặt hồ, có diện tích sàn 10.000m², có sức chứa 3.500 chỗ ngồi và Cổng Tam Quan đang trong quá trình thi công. Dự tính, thời gian hoàn thành quần thể chùa vào năm 2048. Từ khi khởi công đến khi hoàn thành là 50 năm.
Quần thể khu du lịch Tam Chúc, Ba Sao thực sự là một điểm đến tâm linh hấp dẫn, bởi nơi đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa nghìn năm tuổi với vẻ hùng vĩ của non nước bao la. Đặc biệt, không khí trong lành và tiếng chim hót líu lo giữa núi rừng rộng lớn là điều mà bất kỳ du khách nào cũng sẽ không thể nào quên khi đặt chân đến mảnh đất này.
Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối Hà Nội và Hà Nam vô cùng thuận lợi. Chùa Tam Chúc cách chùa Bái Đính 30km và cách chùa Hương 4,5km tạo thành một quần thể “Tam giác vàng” du lịch tâm linh, nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch trong và ngoài nước. Với mục tiêu quản lý, khai thác hiệu quả các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái bền vững, trong thời gian không xa, khu du lịch Tam Chúc sẽ là điểm nhấn và được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Hà Nam.
Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh - mẫu 4
Cứ mỗi khi nhắc tới những địa điểm du lịch ở nước ta, người ta lại nghĩ đến Vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, Phan Thiết,... nhưng một trong những địa danh nổi tiếng ấy không thể thiếu động Phong Nha – di sản văn hóa thế giới. Sự kì ảo của động Phong Nha đã đem lại cho du khách cảm giác thích thú như được lạc vào thế giới thần tiên. Động Phong Nha là một quà tặng của thiên nhiên dành cho đất nước ta.
Động Phong Nha nằm trong vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, một vườn quốc gia tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50km về phía Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía Nam. Phong Nha – Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000ha. Vườn quốc gia bao gồm 300 hang động lớn nhỏ khác nhau. Điểm đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động và các sông ngầm, hệ thống động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ Thế giới. Các hang động ở đây với tổng chiều dài là khoảng hơn 80km nhưng các nhà thám hiểm Anh và Việt Nam mới chỉ tìm hiểu được 20km.
Vào tháng 4 năm 2009, một đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hoàng gia Anh đã phát hiện ra một hang động khác lớn hơn rất nhiều động Phong Nha nhưng động Phong Nha vẫn là hang động giữ nhiều kỉ lục về cái "nhất": hang nước dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất; bãi cát, đá rộng và đẹp nhất; hồ ngầm đẹp nhất; thạch nhũ tráng lệ và kì ảo nhất; dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam; hang khô rộng và đẹp nhất thế giới.
Trước đó, khi Phong Nha – Kẻ Bàng chưa phải là vườn quốc gia, khu vực này là khu vực bảo tồn thiên nhiên, từ ngày 9 tháng 8 năm 1986 được mở rộng thêm diện tích là 41132ha. Mãi đến ngày 12 tháng 12 năm 2001, thủ trướng chính phủ đã ra nghị quyết chuyển khu bảo tồn thiên nhiên này thành vườn đa quốc gia và có tên gọi như hiện nay.
Quá trình hình thành hang động là một quá trình khá lâu dài. Từ những kiến tạo địa chất xảy ra trong lòng dãy núi đá vôi Kẻ Bàng vào thời kì Đại cổ sinh đã làm thay đổi hoàn toàn về địa chất nơi đây. Sự tác động của nội lực bên trong lòng trái đất và ngoại lực đã tạo ra vẻ đẹp kì bí rất riêng của động Phong Nha. Hệ thống đứt gãy chằng chịt trên mặt đá vôi đã tạo điều kiện cho nước dễ thấm vào các khối đá vôi. Sự xâm thực đã gặm mòn, hòa tan, rửa trôi đá vôi trong hàng triệu năm. Qua đó nó đã tạo nên một hang động ăn sâu trong núi đá vôi.
Động Phong Nha bao gồm động khô và động nước, nổi bật nhất trong các động khô là động Tiên Sơn. Động Tiên Sơn có chiều dài 980m. Từ cửa động đi vào khoảng 400m có một vực sâu khoảng 10m và sau đó là động đá ngầm dài gần 500m khá nguy hiểm. Du khách đến tham quan, để đảm bảo an toàn chỉ được đi sâu vào 400m tính từ cửa động. Động Thiên Sơn là nơi có cảnh thạch nhũ và những phiến đá kì vĩ huyền ảo. Các âm thanh phát ra từ các phiến đá, khi được gõ vào vọng như tiếng cồng chiêng. Theo các nhà khoa học thuộc Hội hang động Hoàng gia Anh, động này được kiến tạo cách đây hàng chục triệu năm, khi một dòng nước chảy qua quả núi đã đục rỗng, bào mòn núi đá vôi Kẻ Bàng. Sau đó, do địa chất thay đổi, khối đá vôi đổ sụp, chặn dòng chảy và làm nên động khô Tiên Sơn. Còn hệ thống động nước nổi bật nhất là động Phong Nha. Tạo hóa đã dựng nên những khối thạch nhũ đủ màu sắc với những hình dạng khác nhau. Vẻ kì ảo ấy khiến ai đến tham qua cũng trầm trồ khen ngợi. Động Phong Nha dài 7729m. Hang có chiều dài dài nhất của động là 145m. Động Phong Nha còn được mệnh danh là Thủy Tề Tiên vì nơi đây những cột đá, thạch nhũ như mang một phong thái rất khác nhau. Tiếng nước vỗ vào đá vang vọng thật xa. Động Phong Nha đẹp như một bức tranh thủy mạc mà nhiều hang động khác phải ngưỡng mộ.
Động Phong Nha ngoài có giá trị về du lịch nó còn là một di chỉ khảo cổ. Những nhà thám hiểm và người dân nơi đây đã phát hiện ra nhiều chữ khắc trên đá của người xưa, gạch, tượng đá, tượng phật, mảnh gốm và nhiều bài vị tại đây. Ở động Phong Nha người ta đã phát hiện nhiều mảnh than và miệng bình gốm có tráng men của Chàm và các đồ gốm thô sơ khác. Động Phong Nha còn là nơi vua Hàm Nghi trú ngụ trong thời kì thực hiện chiếu Cần Vương kháng chiến chống Pháp.
Động Phong Nha – hang động tạo nên niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam. Nó là bằng chứng cho sự ưu đãi của thiên nhiên nước ta. Động Phong Nha đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ai đã từng đến động đều nhớ mãi sự kì diệu mà động mang lại từ vẻ đẹp thuần túy thiên nhiên.
Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh - mẫu 5
Nhắc đến quê hương Thái Bình chắc hẳn ai cũng sẽ nhớ đến quê hương năm tấn cùng những cánh đồng lúa chín mênh mông bát ngát. Tuy nhiên, quê hương Thái Bình thân yêu của em cũng có một di tích lịch sử rất nổi tiếng và mang nhiều giá trị vắn hóa, đó chính là chùa Keo.
Chùa Keo nằm ở địa phận tỉnh Vũ Thư ngày nay, chùa còn có tên chữ là chùa Thần Quang. Đây là một ngôi chùa cổ đã tồn tại hơn 400 năm. Chùa Keo được xây dựng vào khoảng năm 1630, đến năm 1632 thì hoàn thành. Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Lê.
Ngày nay chùa Keo Thái Bình gần như vẫn còn giữ được nguyên vẹn các công trình. Nhất là những công trình được tôn tạo thời Lê Trung Hưng như: Tam quan, chùa Phật, đền Thánh, gác chuông, hành lang…
Điều đặc biệt của chùa Keo là sự bố trí sắp đặt các giàn tượng pháp: lớp trên tòa Tam thế là nơi đặt tượng Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai; lớp thứ hai có Phật Di Đà, Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát đại Thế Trí; lớp thứ ba có Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu; lớp thứ tư có Văn Thù, Phổ Hiền, La Hán. Đến chùa Keo chúng ta được tận mắt nhìn thấy những cổ vật có giá trị hàng trăm năm như: đôi chân đèn thời Mạc, đồ gốm thời Lê, thuyền rồng Long Đình, Phật Đình, nhang án thời Lê, tất cả đều được sơn son thếp vàng bóng nhoáng.
Không chỉ đặc sắc về mặt tượng pháp, hay những đồ cổ thâm niên hàng trăm năm mà chùa Keo còn đẹp và giá trị bởi kiến trúc của nó kỳ công vào bậc nhất so với các chùa nổi tiếng ở nước ta. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ lim. Dưới bàn tay điêu khắc tinh xảo của các nghệ nhân thời Hậu Lê, họ đã làm nên vẻ đẹp hết sức độc đáo của chùa Keo.
Điểm nhấn trong 107 gian chùa còn lại là gác chuông. Gác chuông chùa Keo cao 11,04m, thiết kế ba tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ, gắn kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong, dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác chuông ngày nay còn là biểu tượng du lịch của tỉnh Thái Bình.
Một trong những độc đáo của chùa Keo khiến du khách không thể quên được đó là cách bài trí ngoại cảnh. Trong vườn chùa có rất nhiều cây xanh và hoa quý. Quần thể chùa soi bóng xuống ba mặt hồ hình chữ nhật ở phía trước và hai bên. Xung quanh hồ những cây cổ thụ lớn xum xuê xanh tốt quanh năm làm tăng thêm vẻ cổ kính, thâm nghiêm.
Dân gian có câu:
“Dù cho cha đánh mẹ treo
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm”.
Mỗi năm ở chùa Keo diễn ra hai mùa lễ hội. Lễ hội mùa xuân được bắt đầu từ ngày mồng 4 tháng giêng. Sau những ngày Tết sum vầy bên gia đình, dân làng khắp nơi của tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận nô nức trẩy hội chùa Keo. Đến chùa Keo trong lễ hội mùa xuân du khách sẽ được xem lễ dâng hương tại đền Thánh, lễ rước kiệu… Và đặc biệt là du khách được đắm mình trong những trò chơi dân gian, những làn dân ca Bắc bộ…
Lễ hội chùa Keo mùa thu được tổ chức vào các ngày 13, 14, 15 tháng chín âm lịch hằng năm. Đây là mùa lễ chính, nhằm tưởng nhớ Thiền sư Không Lộ, người sáng lập nên chùa Keo. Ngoài những trò chơi dân gian, lễ rước kiệu, cúng Thánh, nhân dân còn cung tiến hương, hoa, trà quả và tham gia cuộc thi diễn xướng với nhiều đề tài sinh động.
Đến chùa Keo du khách còn được nghe kể về những truyền thuyết ly kỳ như: Tương truyền rằng từ khi đắc đạo, Thiền sư Không Lộ có khả năng bay trên không, đi trên mặt nước và thuần phục được rắn hổ mang. Truyền thuyết còn kể rằng trước khi viên tịch, ngài hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Thánh tượng này nay còn lưu giữ trong hậu cung quanh năm khóa kín cửa.
Chùa Keo nằm ở chân đê sông Hồng, giữa vùng đồng bằng không bóng núi non, chùa Keo với Gác Chuông như một hoa sen vươn lên giữa biển lúa xanh rờn được vun bón bởi phù sa sông Hồng do nước sông Trà Lý bồi đắp. Đây là một trong những di sản quý giá minh chứng cho văn hoá và truyền thống của dân tộc.
Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh - mẫu 6
Nhắc đến danh lam thắng cảnh, những chốn có non nước hữu tình trên đất nước Việt nam ta khó lòng không nhắc đến vịnh Hạ Long. Cái tên ấy ai là người Việt nam cũng biết đến. Nó không chỉ đẹp trong hiện tại hay tương lai mà nó còn đẹp từ thời xưa trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: "Con gà, con cóc quê hương cũng biến Hạ Long thành thắng cảnh". Mới đây vịnh Hạ Long còn được UNESCO công nhận là một trong bảy kì quan đẹp nhất thế giới. Vậy không biết rằng Hạ Long có những gì mà lại được tôn vinh đến như vậy?
Vịnh Hạ Long còn có truyền thuyết đó là Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc dựng thành bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ tan, chặn đứng bước tiến của ngoại bang.
Sau khi giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, Rồng Mẹ và Rồng Con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến để muôn đời bảo vệ con dân Đại Việt. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay, với bãi cát dài trên 15 km).
Lại có truyền thuyết khác nói rằng vào thời kỳ nọ khi đất nước có giặc ngoại xâm, một con rồng đã bay theo dọc sông xuôi về phía biển và hạ cánh xuống ở vùng ven biển Đông Bắc làm thành bức tường thành chắn bước tiến của thủy quân giặc. Chỗ rồng đáp xuống che chở cho đất nước được gọi là Hạ Long.
Trước hết về vị trí của vịnh Hạ Long thì nó nằm ở vùng Ðông Bắc Việt Nam, vịnh Hạ Long là một phần vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Ðồn. Phía tây nam Vịnh giáp đảo Cát Bà, phía đông là biển, phần còn lại giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, được giới hạn từ 106o58′ – 107o22′ kinh độ Ðông và 20o45′ – 20o50′ vĩ độ Bắc với tổng diện tích 1553 km2.
Tiếp nữa là về đảo ở đây thì có 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Đảo nơi đây gồm có hai dạng đó là đảo đá vôi và đảo phiến thạch tập trung ở Bái tử long và vịnh Hạ Long. Ở đây thì chúng ta thấy được hàng loạt những hang động đẹp và nổi tiếng. Vùng Di sản thiên nhiên được thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với 3 đỉnh là đảo Ðầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam), đảo Cống Tây (phía đông) vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng năm 1962.
Đến với Hạ Long thì người ta không thể nào rời mắt khỏi những cảnh vật nơi đây. Nào là núi, nào là nước với những hang động thật sự hấp dẫn người ta muốn đi tới tận cùng để tìm thấy cái hữu hạn trong cái vô hạn của trời nước, núi non ấy. chúng ta cứ ngỡ rằng ngọn núi kia giống như những người khổng lồ vậy, ngồi trong thuyền mà ngước lên để đo tầm cao của những ngọn núi ấy thật sự là mỏi mắt. Đến đây ta mới biết hết thế nào là sự hùng vĩ, thế nào là sự hữu tình giữa nước và non. Làn nước biển mặn mà vị xa xăm của muối. Hang động với những nhũ đá như sắp rơi xuống nhưng thật chất lại là không rơi. Nó cứ tua tủa như muôn ngàn giọt ngọc dạng lỏng lấp lánh dính vào nhau nhưng không rơi xuống.
Con người nơi đây cũng thật sự là rất đáng yêu đáng quý. Họ không những mến khách mà còn như một người hướng dẫn viên du lịch vừa nói giới thiệu tả cảnh vừa vững tay chèo đẩy lái đến nơi khách muốn qua. Những con người ở đây nồng nhiệt mỗi khi có khách đến và khi khách đi thì để lại những ấn tượng khó phai về những con người miền non nước hữu tình với những tình cảm mặn mà như là muối biển vậy.
Qua đây ta thấy vịnh Hạ Long rất xứng đáng là một trong bảy kì quan của thế giới. Nếu những ai đã được đặt chân đến đây thì chắc hẳn rất ấn tượng bởi cảnh đẹp và con người nơi đây. Còn những ai chưa đến thì hãy nhanh chóng đến mà tận hưởng những gì là tạo hóa ban tặng, những gì là mẹ thiên nhiên.
Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh - mẫu 7
Nằm ẩn mình giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp, Tràng An - Ninh Bình như một viên ngọc quý giữa lòng đất Việt. Nơi đây được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới vào năm 2010, thu hút du khách bởi vẻ đẹp độc đáo, kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên hùng vĩ và giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời.
Bước đến Tràng An, du khách như lạc vào một thế giới khác, nơi mà thiên nhiên ban tặng cho con người những cảnh quan tuyệt đẹp. Núi đá vôi nhô lên từ lòng nước, tạo thành những hang động kỳ bí, những thung lũng thơ mộng và những con sông uốn lượn. Từng nhũ đá, măng đá rủ xuống lấp lánh dưới ánh sáng như những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo do bàn tay tạo hóa tạo nên.
Hệ thống hang động tại Tràng An vô cùng phong phú, với hơn 200 hang động lớn nhỏ, mỗi hang động mang một vẻ đẹp riêng biệt. Nổi tiếng nhất phải kể đến hang Sửng Sốt với những nhũ đá, măng đá lấp lánh muôn hình vạn trạng, hay hang Tối với không gian huyền bí, tĩnh lặng. Du khách có thể chèo thuyền kayak hoặc thuyền ba lá len lỏi qua những khe đá, khám phá vẻ đẹp ẩn sâu bên trong lòng núi.
Tràng An không chỉ đẹp bởi thiên nhiên mà còn bởi giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời. Nơi đây từng là kinh đô Hoa Lư của hai triều đại Đinh - Lê vào thế kỷ thứ 10. Du khách có thể tham quan các di tích lịch sử như đền vua Đinh Tiên Hoàng, đền vua Lê Đại Hành, hay chùa Bái Đính - ngôi chùa lớn nhất Việt Nam với kiến trúc độc đáo và nhiều kỷ lục được xác lập.
Đến với Tràng An, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp mà còn có cơ hội tham gia nhiều hoạt động du lịch thú vị. Du khách có thể chèo thuyền kayak hoặc thuyền ba lá khám phá các hang động, leo núi, trekking, hay thưởng thức ẩm thực địa phương.
Tràng An là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch thiên nhiên và khám phá. Nơi đây hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên và những kỷ niệm đẹp đẽ. Mỗi du khách khi đến với Tràng An hãy chung tay góp sức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên nơi đây để di sản quý giá này mãi được lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh - mẫu 8
“Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ
Bình minh Thành Cổ cỏ mềm theo gió đung đưa.
Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ
Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ…”
Nói đến Quảng Trị ta không thể không nhắc đến thành cổ Quảng Trị, danh lam thắng cảnh cũng như di tích lịch sử và là nơi tưởng niệm về những anh hùng liệt sĩ của “một thời máu đổ”.
Thành cổ Quảng Trị tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, là di tích Quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Thành được xây dựng bằng đất dưới triều vua Gia Long, ban đầu thành cổ Quảng Trị nằm ở phường Tiền Kiên (Triệu Thành – Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (tức vị trí ngày nay, thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị).
Không chỉ ghi lại dấu tích về một sự kiện đẫm máu mà bi thương của dân tộc, mà thành Cổ Quảng Trị còn mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là hơn 2.000 m, cao hơn 4 m, dưới chân dày hơn 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài nhô hẳn ra ngoài. Thành được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian.
Thành trổ bốn cửa chính ở các phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Kiến trúc của mỗi cổng thành xây bằng gạch, gồm hai tầng: tầng dưới là phần nền với bộ phận chính là cổng thành xây vòm cuốn theo kỹ thuật “bốn viên kê dọc, nêm giữa, đội khuôn”; tầng trên là một vọng lâu có kiến trúc độc đáo theo lối vọng lâu xây bằng gạch, mái cong, lợp ngói âm dương.
Nội thành có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho việc ở và làm việc của các cơ quan công đường thuộc bộ máy hành chính của tỉnh Quảng Trị. Trong đó, Hành cung là công trình trọng yếu, là nơi để Vua ngự và thăng quan cho các quan cấp tỉnh ở Quảng Trị hay tổ chức các lễ tiết trong năm.
Ngoài những công trình được xây dựng dưới thời Nguyễn còn lại như Hành cung, Dinh Tuần phủ, dinh Án sát, ngục thất, khám đường…, Thành cổ lại có thêm nhà lao, toà mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoạn… khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ.
Có thể nói thành cổ Quảng Trị có ý nghĩa to lớn về mặt quân sự, cung cấp tư liệu nghiên cứu lịch sử về thời Nguyễn và là một trung tâm hành chính, chính trị và văn hóa của một địa phương qua nhiều thời kỳ lịch sử, đồng thời nơi đây còn có giá trị về lịch sự bởi thành chính là chứng nhân của một lịch sử đen tối, đầy biến động, bi thương của cả dân tộc, nó chứng kiến sự suy thoái và sụp đổ của nhà Nguyễn và chứng kiến tội ác của thực dân Pháp cũng như Đế quốc Mỹ, chính quyền Ngụy Sài Gòn đã bóc lột, hành hạ nhân dân ta qua hàng chục thập kỷ.
Như vậy, thành cổ Quảng Trị đã và đang chiếm giữ một vị trí quan trọng với người dân đất Quảng nói chung và người Việt Nam nói riêng. Những giá trị của nơi đây cần được bảo tồn, duy trì và phát huy, lưu truyền lại cho thế hệ nay và mai sau để những thế hệ ấy có cơ hội tìm hiểu, tiếp thu kiến thức về lịch sử nước nhà từ đó thêm trân trọng nền hòa bình của đất nước bởi nó đã được đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của ông cha ta và để có thêm động lực, có thêm lý do mục tiêu cố gắng học tập để cống hiến cho quê hương, đất nước.
Qua bao thăng trầm lịch sử, thành cổ Quảng Trị vẫn ở đó, nhưng người đã mãi ra đi không thể quay về. Là nhân chứng cho những tội ác của chủ nghĩa thực dân và đế quốc, cũng là nhân chứng cho những nỗi đau bi thương của cả dân tộc, mẹ mất con, con mất cha, vợ mất chồng. Nơi những người anh hùng đã nằm xuống vì sự tàn bạo của chiến tranh.
Qua bài thuyết minh về Thành cổ Quảng Trị, chúng ta sẽ phần nào thấu hiểu nổi đau của sự mất mát, sự khốc liệt của chiến tranh đã để lại. Đồng thời cũng đề cao ý chí chiến đấu của dân tộc ta, đánh đổi xương máu để giành lấy hòa bình.
Xem thêm các bài văn mẫu 9 Cánh diều hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:
- Soạn văn 9 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 9 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải lớp 9 Cánh diều (các môn học)
- Giải lớp 9 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 9 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Soạn văn 9 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 9 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 9 - Cánh diều
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 9 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 9 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 9 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 9 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 9 - Cánh diều
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - Cánh diều