10+ Giới thiệu về một danh lam thắng cảnh của Việt Nam (điểm cao)

Giới thiệu về một danh lam thắng cảnh của Việt Nam mà em yêu thích hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Giới thiệu về một danh lam thắng cảnh của Việt Nam mà em yêu thích - mẫu 1

Xin chào cô giáo và các bạn, em tên là Nguyễn Thị Hoa, học sinh lớp 9A, trường THCS An Thượng, hôm nay em xin giới thiệu về một danh lam thắng cảnh của Việt Nam mà em yêu thích.

Hồ Ba Bể nằm trên địa bàn xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cách Hà Nội hơn 200km về phía Bắc. Từ thành phố Bắc Kạn đi Hồ Ba Bể khoảng 70km về phía Tây Bắc. Hồ Ba Bể được hợp thành từ 03 hồ có tên là Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm; là nơi hội tụ của 3 dòng sông là Sông Năng, Tả Hàn và Nam Cường; hồ có chiều dài hơn 8km, nơi rộng nhất là 2km, diện tích mặt nước là 500 ha, độ sâu trung bình là 20m, nơi sâu nhất là 35m, chứa khoảng 90 triệu m3 nước; trên hồ có nhiều hòn đảo nhỏ xinh đẹp như Đảo Bà góa, đảo Phong Lan, đảo An Mạ, ao Tiên… đáy hồ không bằng phẳng mà có nhiều núi ngầm, nhiều loài thuỷ vật và cá nước ngọt sinh sống có những loài đặc biệt quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam như cá chép kính, cá dầm xanh, cá chiên... Hồ Ba Bể là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, là nơi lý tưởng cho du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Theo truyền thuyết: Hồ Ba Bể xưa kia vốn là vùng đất đai trù phú, dân cư đông đúc, mùa màng bội thu, muông thú đua nhau tụ họp, ca hát líu lo, cuộc sống rất đỗi thanh bình. Đầu xuân năm ấy dân làng mở hội lồng tồng để vui chơi ca hát; ở trên trời, thấy cảnh trần gian tấp nập vui vẻ, Bụt liền hóa phép để thử lòng dân. Trời về chiều, hội sắp tan, bỗng nhiên mọi người thấy một con bò lạ, lông vàng óng, rất đẹp xuất hiện, thấy bò không có chủ, nhân lúc đói bụng, đám người xấu trong bản bèn rủ nhau bắt bò vàng làm thịt, họ đốt một đống rơm to thui bò vàng, sau đó cả bản chia nhau ăn uống linh đình, chỉ vắng mẹ con Bà góa nghèo ở cuối bản vì không có quần áo đẹp đi dự hội, được chúng mang đến chia cho ít da và cái đuôi bò, bà lão mang treo trên gác bếp. Hôm sau, có một Bà già ăn mặc rách dưới đến bản xin ăn, Bà đi đến đâu những con rận và rệp rơi lả tả đến đó khiến ai nhìn thấy cũng lắc đầu và chạy xa, vào đến bản bà lão đi từng nhà hỏi có ai thấy con bò đẹp màu vàng của mình bị mất hôm qua đâu không, ai cũng trả lời rằng không biết, cứ thế bà lão đi khắp bản hỏi cho đến tối cũng không tìm được bò vàng, mệt quá bà xin dân bản cho mình nghỉ nhờ, nhưng ai cũng xua đuổi và không cho bà ở, đi mãi tới tận cuối bản, gặp hai mẹ con Bà góa nghèo, vốn tính thương người, Bà góa mời Bà lão về căn lều của mình nghỉ tạm qua đêm. Đêm ấy chờ con ngủ say, Bà góa kể cho Bà lão nghe mọi chuyện về con bò vàng bị lạc và chỉ cho Bà lão chiếc đuôi bò còn treo trên gác bếp. Sớm hôm sau tỉnh dậy, trước lúc chia tay, Bà lão nói với hai mẹ con Bà góa: Ta không phải đến đây để hỏi chuyện mất bò, đó chẳng qua chỉ là việc thử lòng người mà thôi, cảm ơn hai mẹ con Bà có tấm lòng nhân hậu, đêm nay trước khi đi ngủ Bà nhớ rắc trấu xung quanh nhà cho cẩn thận và trong lúc nguy nan hãy thả vỏ trấu xuống nước sẽ làm được việc có ích. Nói xong bà lão biến mất. Mãi đến lúc đó, mẹ con Bà góa mới bàng hoàng hiểu ra sự việc. Tối đến, trước khi đi ngủ, hai mẹ con cẩn thận làm theo lời dặn của bà lão ăn mày. Đến nửa đêm, sấm chớp nổi lên ầm ầm, mưa như trút nước, mặt đất rung chuyển và sụt xuống, nước ngập mênh mông thành hồ, cả vùng duy nhất chỉ có nhà của mẹ con Bà góa là còn nguyên vẹn nhô lên giữa mặt nước. Thấy dân bản chết đuối nhiều quá, nhớ lời dặn của bà lão, mẹ con Bà góa ném vỏ trấu xuống nước, tức thì vỏ trấu hóa thành những chiếc thuyền độc mộc, hai mẹ con vội vã chia làm hai ngả đi cứu giúp dân bản. Kể từ đó thuyền độc mộc trở thành phương tiện chính trên sông nước của người dân vùng Hồ.

Nằm ở độ cao 150m so với mực nước biển, hồ Ba Bể được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi sen lẫn sa thạch cổ với độ cao trên 1.000m và các cánh rừng già nguyên sinh, nước hồ trong xanh, quanh năm mát mẻ, toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc, in đậm bóng núi, lồng lộng mây trời, nhìn giống như một chiếc gương khổng lồ phản chiếu những dãy núi uốn lượn vòng cung ẩn hiện trên mặt hồ, điều đặc biệt là các loài cây cỏ ở đây không phải mọc ra từ những lớp đất màu mỡ mà mọc lên từ đá. Có thể quý khách trước đó sẽ không thể nghĩ rằng sau những dãy núi đá vôi sừng sững kia lại có một hồ nước trong xanh, thơ mộng trầm mặc, mênh mang giữa đại ngàn và mê hoặc lòng người đến như vậy.

Hàng năm từ ngày 10 đến 13 tháng giêng Ba Bể tưng bừng diễn ra ngày hội xuân; hội xuân được tổ chức khi mùa màng kết thúc dân bản được nghỉ ngơi để du xuân, du khách từ phương xa tới sẽ được vui chung ngày hội với bà con dân tộc nơi đây, quý khách sẽ được xem điệu múa khèn của các chàng trai người Mông gọi bạn tình, được nghe làn điệu Sli, lượn của các thiếu nữ Tày, được nghe dân tộc Sán Chay hát dân ca, được tham gia các trò diễn như tung còn, bịt mắt bắt dê, xem chọi bò, thi đua thuyền độc mộc trên hồ v.v.. Còn một điều đặc biệt mà không thể không nhắc đến khi tham quan hồ Ba Bể đó là những con thuyền độc mộc – Đây là nét đặc trưng riêng của hồ Ba Bể, được nhân dân trong vùng khoét từ thân cây gỗ, duy nhất trên thuyền chỉ có một mái chèo, nhìn người chèo thuyền ta như đang được xem một nghệ sĩ biểu diễn; thuyền Độc Mộc trước đây là phương tiện đi lại duy nhất của cư dân lòng hồ và sông Năng, người ta dùng Độc Mộc để chài lưới, đi lấy củi, các em nhỏ thì dùng làm phương tiện để đi học. Ngày nay do phát triển du lịch nên hồ có thêm một phương tiện nữa là thuyền máy để đưa du khách đi tham quan thông tuyến từ hồ ra sông Năng.

Xung quanh hồ là các bản nhà sàn của người Tày, sau một ngày dạo chơi trên hồ du khách có thể dừng chân và nghỉ ngơi ở chốn này, sống trong không khí ấm áp đượm tình mến khách của bà con dân bản, nhà sàn ở đây to rộng và thoáng mát quý khách sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống của người dân miền núi Ba Bể, nhấp những chén rượu ngô thơm mùi nếp, các tiết mục đặc sắc của đội văn nghệ thôn Pác Ngòi chắc hẳn sẽ ngất ngây lòng du khách.

Ngoài các điểm tham quan chính trong khu vực lòng Hồ, quý khách có thể đi thuyền tham quan các điểm du lịch khác trong khu vực Vườn quốc gia Ba Bể như: Động Puông, thác Đầu Đẳng trên tuyến sông Năng, tham quan động Hua Mạ, thác Bạc, hang Thẳm Phầy (nằm cách hồ 7km về phía Tây Bắc) hoặc vòng qua phía Tây Nam tham quan Đồn Đèn - nơi có khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ, tham quan các vườn trồng hoa Ly, khoai Lệ Phố, tham quan các bản làng người Mông, người Dao ở trên đỉnh núi hay cùng người dân địa phương khám phá hành trình “săn mây trên đỉnh núi Hoa” … Đến Ba Bể với khí hậu trong lành mát mẻ, với các cảnh vật được thiên nhiên ưu đãi, du khách có thể tham gia vào nhiều loại hình du lịch: Leo núi dã ngoại, tham quan vãn cảnh hồ, tìm hiểu đời sống văn hoá dân tộc, nghiên cứu khoa học và du lịch nghỉ dưỡng…

Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên hồ Ba Bể có những nét rất riêng biệt so với các hồ Caxtơ trên thế giới. Vì vậy, tháng 03 năm 1995 Hội nghị quốc tế về Hồ trên thế giới được tổ chức tại Mỹ đã xếp hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất trên thế giới cần phải được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản Asean và năm 2012 được công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt và là khu Ram Sa thứ 3 của Việt Nam. Với không khí mát mẻ quanh năm của núi rừng và sông nước, du khách có thể tham quan Hồ Ba Bể bất cứ thời gian nào trong năm. Đến Hồ Ba Bể, du khách không chỉ được tham quan, trải nghiệm về vẻ đẹp thiên nhiên vốn có nơi đây mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản truyền thống, được hòa mình, được khám phá về bản sắc văn hóa của dân tộc địa phương nơi đây.

10+ Giới thiệu về một danh lam thắng cảnh của Việt Nam (điểm cao)

Giới thiệu về một danh lam thắng cảnh của Việt Nam - mẫu 2

Xin chào thầy cô và các bạn. Hôm nay em sẽ giới thiệu tới mọi người về một danh lam em đã có dịp được đến thăm và vô cùng ấn tượng. Đó là chùa Cầu Hội An.

Nhắc đến phố cổ Hội An, không thể không nhắc đến công trình kiến trúc Chùa Cầu. Di tích Chùa Cầu với vẻ đẹp cổ kính đã đi vào trong thơ ca, nhạc họa, làm đắm say biết bao lòng người. Với người dân phố Hội, Chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Công trình như một mảnh ghép nối liền giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Ngày nay, chùa vẫn ở đó, uy nghi mà trầm mặc như nhân chứng cho lịch sử một thời vang bóng nhưng vẫn sáng mãi nơi phố Hội.

Nằm ở đoạn tiếp giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú, Chùa Cầu gây ấn tượng không chỉ bởi lối kiến trúc độc đáo mà còn những bí ẩn mà công trình này mang trong mình. Chùa Cầu – giống như tên gọi – là ngôi chùa nằm trên chiếc cầu bắc ngang qua con lạch nhỏ trong khu đô thị cổ Hội An. Công trình được xây dựng vào đầu thế kỷ 17 (khoảng năm 1617) bởi các thương nhân Nhật Bản.

Lúc ban đầu chỉ xây dựng chiếc cầu bắc ngang qua sông Hoài. Mãi đến năm 1653, người ta mới dựng thêm phần chùa. Khu vực này nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, và tên gọi chùa Cầu ra đời từ đó. Đây là công trình duy nhất có gốc tích từ xứ sở Phù Tang trong lịch sử. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu khi thăm Hội An thấy chùa Cầu đặc biệt nên đặt tên chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa “bạn phương xa đến”. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể được thấy 3 chữ Hán: “Lai Viễn Kiều” được chạm nổi trên một tấm bảng lớn trước cổng chùa.

Do người Nhật xây dựng, nhưng Chùa Cầu lại mang đậm nét kiến trúc đặc biệt của Việt Nam. Phần cầu dài 18 mét, uốn cong rất mền mại. Trụ móng cầu bằng cột đá đẽo vuông vức, rất vững chắc. Chùa Cầu là một kiến trúc liên hợp: CHÙA và CẦU. Chùa và cầu gắn nhau qua vách gỗ với bộ cửa chính thượng song hạ bản. Phần trên của cầu được thiết kế thành một ngôi chùa độc đáo. Chùa gồm có 7 gian. Trong đó 5 gian kết cấu gỗ theo kiểu trình chồng trụ đội, 2 gian đầu hồi uốn cong theo hình vỏ cua, mái lợp ngói âm dương – một nét đặc trưng của kiến trúc Việt Nam. Ở giữa là lối qua lại kiểu cầu vòng, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi nghỉ mát với bảy gian bằng gỗ. Toàn bộ chùa và phần trên cầu đều làm bằng gỗ, được sơn son và trạm trổ nhiều hoạ tiết tinh xảo trong kiến trúc Việt – điển hình là rồng, đồng thời điểm xuyết đôi chút phong cách Nhật Bản.

Lịch sử ra đời của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết tâm linh của người Nhật Bản. Người Nhật Bản cho rằng ở ngoài đại dương có một thủy quá tên gọi là Namazu. Mỗi khi di chuyển, đuôi của nó quẫy mạnh khiến trái đất rung chuyển, tạo nên những chấn động kinh hoàng và chỉ có thần Kashima, vị thần của sấm sét và kiếm đạo mới có đủ khả năng chế ngự con cá trê khổng lồ này. Người Nhật cho rằng con Namazu có đầu ở tận quê nhà Nhật Bản, đuôi ở Ấn Độ nhưng lưng của nó vắt qua khe ở Hội An mà cầu Nhật Bản bắc qua. Mỗi khi con thủy quái đó quẫy mình thì nước Nhật bị động đất và Hội An cũng không được yên ổn. Điều trùng hợp là khi sang Việt Nam buôn bán ở phố Hội, các thương gia người Nhật cũng thường xuyên phải đối phó với cảnh lụt lội.

Để được bình yên làm ăn buôn bán, với kinh nghiệm của mình, người Nhật khi qua định cư tại Hội An đã cố tìm thầy phong thủy giỏi để xem thế đất, cắm điểm xây dựng một chiếc cầu tại đây hình dáng như là một thanh kiếm đâm xuống ngay sống lưng con Namazu, khiến nó không thể quẫy đuôi gây ra động đất nữa.

Ngoài ra, người Nhật cũng tin rằng thần linh hầu (khỉ) và linh khuyển (chó) có khả năng trấn áp con thủy quái đó. Bởi thế, để khống chế con Mamazu, người Nhật đã thờ các Thần Khỉ và các Thần Chó trên hai đầu cầu để chế ngự con thuỷ quái đó. Điểm yểm chính thức là một bia đá cách cầu theo đường chim bay khoảng 1km về hướng tây-bắc. Bia đá nằm khuất sau cây đa trên đường Phan Châu Trinh cách nhà thờ Tin Lành 300 mét.

Trải qua thời gian, khi người Nhật dần vắng bóng ở Hội An, người Trung Hoa lập làng Minh Hương đã nhiều lần góp công trùng tu, sữa chữa công trình kiến trúc cổ này. Chùa được trùng tu vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986. Tuy có được thêm vào một vài họa tiết, linh vật thờ cúng theo tín ngưỡng của người trung Hoa nhưng về cơ bản, Chùa Cầu không có nhiều thay đổi.

Nhìn từ xa, Chùa Cầu Nằm vắt mình qua một nhánh nhỏ của dòng Thu Bồn quanh năm ôm ấp thành phố, nổi bật với đường cong của mái che mềm mại, uyển chuyển, tựa như cầu vồng, làm bừng sáng một góc phố cổ, cổ kính mà lại hiện đại, trầm mặc mà lại rất nhộn nhịp, đa màu sắc từ văn hóa cho tới kiến trúc và tôn giáo. Xung quanh Chùa Cầu được bao bọc bởi khu phố cổ nghìn năm lịch sử, phảng phất đâu đó nơi góc phố hàng cây chút buồn miên man nhưng vẫn chan chứa niềm tin và hi vọng về tương lai tươi sáng rực rỡ của người dân nơi đây, những con người không ngừng ước mơ và lạc quan về cuộc sống.

Lặng lẽ, cổ kính, trầm mặc giữa phồn hoa của phố Hội hiện đại, Chùa Cầu ẩn chứa trong mình chiều sâu triết lý. Nơi ấy biết bao lần đã chứng kiến sự đổi thay của lịch sử theo bao thăng trầm thời gian và hơn hết cả là ghi dấu sự giao thoa của những nền văn hóa độc đáo, tất cả đã khoác lên phố Hội nét đẹp hiếm có của ngày hôm nay.

Năm 1990, Chùa Cầu được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia. Không chỉ có ý nghĩa về tâm linh, cầu còn có vai trò khá quan trọng về giao thông. Đến nay, ngôi chùa dường như đã trở thành tài sản vô giá, chính thức được chọn là biểu tượng của Hội An.

Trên đây là phần thuyết trình của em về chùa Cầu ở Hội An. Rất cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe.

Giới thiệu về một danh lam thắng cảnh của Việt Nam - mẫu 3

Xin chào thầy cô và các bạn. Hôm nay em sẽ giới thiệu tới mọi người về một danh lam em đã có dịp được đến thăm và vô cùng ấn tượng. Đó là chùa Hương.

Nói về văn hóa tâm linh của người Việt không thể không nhắc đến những đền chùa cổ kính, linh thiêng mang nét đẹp đặc trưng, trầm lắng, nơi bày tỏ niềm thành kính, biết ơn với người xưa, với tín ngưỡng tôn giáo. Một trong những ngôi chùa cổ, nổi tiếng của nước ta phải kể đến chùa Hương - danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa và tín ngưỡng của Việt Nam.

Chùa Hương hay còn gọi là Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp, nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17 vào thời kỳ Đàng Trong - Đàng Ngoài, sau đó bị hủy hoại trong kháng chiến chống Pháp năm 1947, sau đó được phục dựng lại năm 1988 do Thượng Tọa Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hòa thượng Thích Thanh Chân.

Nơi đây gắn liền với với tín ngưỡng dân gian thờ Bà Chúa Ba, theo phật thoại xưa kể lại rằng người con gái thứ ba của vua Diệu Trang Vương nước Hương Lâm tên là Diệu Thiện chính là chúa Ba hiện thân của Bồ Tát Quan Thế m, trải qua nhiều thử thách, gian nan với chín năm tu hành bà đã đắc đạo thành Phật để cứu độ chúng sinh.

Dưới đôi bàn tay khéo léo của người xưa cùng với những nét đẹp tạo hóa mà thiên nhiên ban tặng, mà vẻ đẹp của chùa Hương mang một dấu ấn rất riêng, đưa ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến.

Khu vực chính là chùa Ngoài, còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên Trù. Chùa nằm không xa bến Trò nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào chùa thì xuống đò ở đấy mà lên bộ. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái.

Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương làm tháp chuông.Chùa Chính, tức chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên.

Ở lối xuống hang động có cổng lớn, trán cổng ghi bốn chữ “Hương Tích động môn”. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá. Vách động có năm chữ Hán“Nam thiên đệ nhất động” là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Ngoài ra động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá.

Lễ hội chùa Hương được tổ chức vào ngày mồng sáu tháng giêng, thường kéo dài đến hạ tuần tháng ba âm lịch. Vào dịp lễ, hàng triệu phật tử cùng du khách tứ phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương.

Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch.Đây là ngày lễ khai sơn của địa phương nhưng ngày nay nghi lễ khai sơn được hiểu theo nghĩa mở- mở cửa chùa. Lễ hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản.

Một ngày trước khi khai hội, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều được thắp hương nghi ngút.Ở trong chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ.

Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt. Về phần lễ có nghiêng về “thiền”. Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo.

Đền Cửa Vòng là “chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngàn, người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là “tì nữ tuý Hồng” của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần. Ta có thể thấy phần lễ là tổng hợp toàn thể hệ thống tín ngưỡng, gần như là tổng thể những tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam.

Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng. Lễ hội chùa Hương còn là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn.

Không chỉ có vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc, phong cảnh chùa cùng với nét đặc sắc của ngày lễ mà chùa Hương còn chứa đựng những giá trị sâu sắc về văn hóa tâm linh, lịch sử dân tộc và còn là giá trị sống của chuỗi phát triển con người từ xa xưa đến ngày nay, cần được bảo tồn, duy trì và gìn giữ di sản mà ông cha ta để lại.

Như vậy, với những giá trị đó, chùa Hương chính là niềm tự hào của người Hà Nội nói chung và người Việt Nam nói riêng, đến với chùa Hương là đến với không gian thanh tịnh, sống chậm lại để cảm nhận sự nhẹ nhõm trong tâm hồn, buông bỏ mọi áp lực, căng thẳng trong cuộc sống ngoài kia.

Trên đây là phần thuyết trình của em về chùa Hương. Rất cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe.

Giới thiệu về một danh lam thắng cảnh của Việt Nam - mẫu 4

Xin chào thầy cô và các bạn. Hôm nay em sẽ giới thiệu tới mọi người về một danh lam em đã có dịp được đến thăm và vô cùng ấn tượng. Đó là Bến Nhà Rồng.

“Thành phố Hồ Chí Minh quê ta đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói lưu danh đến muôn đời…”. Lời ca ngân, lên trong mỗi người niềm tự hào được là công dân của thành phố anh hùng mang trong mình bao dấu ấn lịch sử thiêng liêng suốt hành trình đấu tranh oai hùng của dân tộc để: “Việt Nam ta lại gọi tên mình”. Từ thành phố này, tại Bến Nhà Rồng, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước vì thế trong hơn sáu mươi tỉnh thành chỉ duy nhất nơi đây được vinh dự mang tên Bác kính yêu. Bến Nhà Rồng được xây dựng thành bảo tàng Hồ Chí Minh và là địa chỉ thân thương với nhân dân cả nước nói chung, nhân dân thành phố nói riêng.

Ngót một thế kỉ rưỡi (150 năm), trải qua bao biến cố thăng trầm, Bến Nhà Rồng vẫn sừng sững uy nghi tại số 1 đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh (xưa là đường Trịnh Minh Thế). Ngay một cửa ngõ thương cảng sầm uất nhất nước - cảng Sài Gòn. Bến Nhà Rồng nằm ngay trung tâm, trước mặt là bến Bạch Đằng lộng gió. Khi thành phố lên đèn cả khu vực lung linh huyền ảo góp phần tô điểm thành phố thêm lộng lẫy, xứng danh là “hòn ngọc của Viễn Đông”.

Bến Nhà Rồng hiện nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, là một chi nhánh nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Nơi đây, trước ngày 30/4/1975 là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng đế (Messageries Impériales) - một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Tòa nhà được xây dựng từ giữa năm 1862 đến cuối năm 1863 hoàn thành với lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ "lưỡng long chầu nguyệt", một kiểu trang trí quen thuộc của đền chùa Việt Nam. Với kiến trúc độc đáo đó nên Tổng Công ty Vận tải Hoàng Đế được gọi là Nhà Rồng và bến cảng mang tên Bến cảng Nhà Rồng. Năm 1955, sau khi thực dân Pháp thất bại, thương cảng Sài Gòn được chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam quản lí, họ đã tu sửa lại mái ngói ngôi nhà và thay thế hai con rồng cũ bằng hai con rồng mới với tư thế quay đầu ra ngoài. Với diện tích gần 1500m² xây dựng làm tòa nhà, diện tích còn lại là hoa viên tràn ngập màu xanh lá với không khí thoáng mát, khung cảnh thơ mộng bao gồm trên 400 gốc cây quý từ khắp mọi miền của đất nước hội tụ về đây khoe sắc tỏa hương. Ta bồi hồi khi ngắm gốc cây Tân Trào của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, gốc cây bồ đề của Tổng thống Ấn Độ.

Thời gian trôi qua càng ngày Bến Nhà Rồng càng trở thành địa chỉ được lưu giữ những sự kiện trọng, đại gắn liền với vận mệnh dân tộc. Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với hai bàn tay trắng đã bước xuống con tàu Latouche Treville trong cuộc hành trình “30 năm ấy chân không nghỉ”: Người đi khắp hóng cờ châu Mĩ, châu Phi Những đất tự do những trời nô lệ.

Với lịch sử thiêng liêng của Bến Nhà Rồng, nơi đây đã lưu truyền biết bao tư liệu, hiện vật quý giá giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ thiên tài, người cha già kính yêu của dân tộc - Hồ Chí Minh. Qua nhiều lần chỉnh lí về cơ bản bảo tàng xây dựng thành 12 phòng trưng bày khoảng 170 tư liệu, hình ảnh, hiện vật. Nếu ai đã từng đến với bảo tàng đều lặng người xúc động khi được nhìn tận mắt chứng kiến những kỉ vật về Người.

Bảo tàng là một trong những địa chỉ để nhân dân đến nghiên cứu, giao lưu, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Hằng năm, bảo tàng thu hút hàng triệu du khách trong nước và ngoài nước. Bến Nhà Rồng, bảo tàng Hồ Chí Minh đã vinh dự được chọn làm biểu tượng của thành phố nhân ngày kỉ niệm 300 năm Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày ngày lớp lớp các thế hệ con cháu vẫn đến cúi đầu trước tượng đài của Người thắp nén nhang để bày tỏ lòng thành kính và tri ân con người đẹp nhất mọi thời đại của dân tộc:

"Xin nguyện cùng

Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn."

Trên đây là phần thuyết trình của em về bến Nhà Rồng. Rất cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe.

Giới thiệu về một danh lam thắng cảnh của Việt Nam - mẫu 5

Xin chào thầy cô và các bạn. Hôm nay em sẽ giới thiệu tới mọi người về một danh lam em đã có dịp được đến thăm và vô cùng ấn tượng. Đó là hồ Tây.

Hồ Tây là hồ nước tự nhiên nằm ở phía Tây Bắc nội thành Hà Nội với diện tích khoảng 500ha, có đường vòng quanh hồ dài gần 20km. Ngành địa lý lịch sử đã chứng minh, Hồ Tây là hồ ngoại sinh, có dạng lòng chảo, là một đoạn của sông Hồng xưa trong quá trình ngưng đọng lại sau khi sông đổi dòng chảy. Hồ Tây trước đây còn có các tên gọi khác như Đầm Xác Cáo, Hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ. Mỗi tên gọi đều gắn với sự tích về nguồn cội của hồ Tây huyền thoại.

Sách Tây Hồ chí ghi rằng, Hồ Tây có từ thời Hùng Vương, bấy giờ nơi đây là một bến nằm giáp sông Hồng thuộc động Lâm Ấp, nên được gọi là bến Lâm Ấp thuộc thôn Long Đỗ. Ở vào thời Hai Bà Trưng, bến này thông với sông Hồng, bao bọc quanh hồ là rừng cây gồm nhiều loại thực vật chính như tre ngà, bàng, lim, lau sậy, gỗ tầm cùng một số loài thú quý hiếm sinh tồn.

Phía Tây hồ Tây ngày nay vẫn còn dấu vết nhiều làng cổ. Mỗi ngôi làng ở đây đều ít nhiều gắn với một huyền tích lịch sử. Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ “Bà huyện Thanh Quan”. Làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng. Làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh. Làng Thụy Khuê có chùa Bà Ðanh. Làng Nhật Tân với vườn hoa đào nổi tiếng. Có một nơi mà nhiều du khách muốn tới thăm là chùa Trấn Quốc. Chùa Trấn Quốc nằm trên bán đảo nhỏ giữa mênh mang sóng nước ngay bên đường Thanh Niên, con đường đẹp ngăn cách giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, có từ thế kỷ VI thời Lý Nam Đế. Hoà Thượng Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc cho biết: “Vào năm 541-548 khởi đầu được gọi là chùa Khai Quốc, chùa được xây dựng ngoài bãi sông Hồng, sau này vào đời Hậu Lê ( thế kỷ 17) thì chuyển vào đây. Trước đây nơi này được gọi là bãi cá vàng, mà vua chúa thời xưa du xuân,du thuỷ, sau đó các vị cao tăng về đây tu hành. Ngôi chùa tính đến nay có lịch sử 1440 năm. Cư dân sinh sống ở đây rất thưa thớt, họ sống chủ yếu bằng nghề săn bắt thú rừng, tôm, cua, cá và trồng tỉa cây cối. Bên cạnh đó thì bờ phía Đông có Nha Lâm Động (nay là phố Yên Ninh, Hòe Nhai), bờ phía Nam có Bình Sa Động (thời Lý đổi là Giáp Cơ Xá (nay thuộc quận Hoàn Kiếm).

Ở thủ đô Hà Nội, hồ Tây là khu vực có hệ thống di sản, di tích đậm đặc. Chỉ riêng khu vực quanh hồ Tây hiện còn có hơn 20 ngôi đình, đền, chùa được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng. Cứ mỗi khi xuân về, những di tích ấy thu hút hàng vạn khách thập phương trong và ngoài nước đến vãn cảnh, tham quan lễ chùa. Với lợi thế vị trí độc đáo, hồ Tây gần như bao trọn không gian văn hóa lịch sử gắn liền với nhiều truyền thuyết, các công trình nghệ thuật, kiến trúc, gắn với lịch sử ngàn năm thủ đô Hà Nội. Đây cũng là lý do mà nhiều du khách tới đây tìm hiểu khám phá hồ Tây. Với nhiều du khách, điều thích thú nhất là được tham quan hồ Tây bằng xe điện chạy quanh hồ. Ông Nguyễn Quang Lộc, nhà ở Quận Hai Bà Trưng cho biết: “Trước đây tôi chỉ nghe nói hồ Tây rộng, chứ chưa đi hết. Nhưng nay đi xe điện quanh hồ tôi biết thêm nhiều điều, hiểu thêm các làng nghề, các di tích, đình, chùa xung quanh hồ Tây”.

Ở thủ đô Hà Nội, hồ Tây là khu vực có hệ thống di sản, di tích đậm đặc. Chỉ riêng khu vực quanh hồ Tây hiện còn có hơn 20 ngôi đình, đền, chùa được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng. Cứ mỗi khi xuân về, những di tích ấy thu hút hàng vạn khách thập phương trong và ngoài nước đến vãn cảnh, tham quan lễ chùa. Với lợi thế vị trí độc đáo, hồ Tây gần như bao trọn không gian văn hóa lịch sử gắn liền với nhiều truyền thuyết, các công trình nghệ thuật, kiến trúc, gắn với lịch sử ngàn năm thủ đô Hà Nội. Đây cũng là lý do mà nhiều du khách tới đây tìm hiểu khám phá hồ Tây. Với nhiều du khách, điều thích thú nhất là được tham quan hồ Tây bằng xe điện chạy quanh hồ. Ông Nguyễn Quang Lộc, nhà ở Quận Hai Bà Trưng cho biết: “Trước đây tôi chỉ nghe nói hồ Tây rộng, chứ chưa đi hết. Nhưng nay đi xe điện quanh hồ tôi biết thêm nhiều điều, hiểu thêm các làng nghề, các di tích, đình, chùa xung quanh hồ Tây”.

Hồ Tây ngày nay còn là lá phổi xanh của thành phố. Hồ Tây không chỉ đẹp bởi mặt nước xanh mênh mông, mà còn là vẻ đẹp thơ mộng bởi sắc tím của hoa bằng lăng, vẻ rực rỡ của những cánh hoa phượng hồng mỗi độ hè về. Mặt nước hồ luôn phảng phất những làn gió mát, khiến tâm hồn con người thêm thư thái. Với không gian như thế, hồ Tây thực sự là nơi đến thư giãn của nhiều người Hà Nội.

Từ chốn rừng rậm, đầm lầy hoang hóa, qua công lao khai khẩn xây dựng của bao thế hệ, trong đó có sự đóng góp rất lớn của một số vương phi các triều đại, Hồ Tây đã trở thành một thắng cảnh văn hóa - du lịch nổi tiếng của Kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy chúng ta hãy chung ta cùng bảo tồn và phát triển thắng cảnh này.

Trên đây là phần thuyết trình của em về hồ Tây. Rất cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe.

Xem thêm các bài Soạn văn 9 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:


Giải bài tập lớp 9 Cánh diều khác