Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 33 Tập 2 - Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Tri thức ngữ văn trang 33, 34, 35, 36, 37 Tập 2 Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 11.

Cuộc đời và sự nghiệp văn học của Nguyễn Du

1. Nguyễn Du (1765-1820), đại thi hào dân tộc Việt Nam, tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Thân phụ của ông là Nguyễn Nghiễm (1708 – 1776), làm Tể tướng triều Lê, đồng thời là một học giả, nhà thơ. Thân mẫu của ông là bà Trần Thị Tần (1740 -- 1778 quê Kinh Bắc (nay thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). 10 tuổi mồ côi cha, 12 tuổi mồ côi mẹ, ông phải đến sống nhờ người anh khác mẹ là Nguyễn Khản. Năm 1783 Nguyễn Du đi thi, đỗ tam trường (tương đương Tú tài), làm một chức quan nhỏ dưới triều Lê; thời Tây Sơn, sống cuộc đời lưu lạc bần hàn; sau thời Tây Sơn, ông lại đu mời ra làm quan cho triều Nguyễn (lên đến chức Hữu Tham tri bộ Lễ, tương đương chức Thứ trưởng bây giờ). Sống trong một giai đoạn mà gia cảnh và lịch sử đa nước có nhiều biến đổi lớn lao, cuộc đời ông cũng lắm phen chìm nổi, đau thương buồn nhiều, vui ít. Ông qua đời ở tuổi 55 (ngày 16 tháng 9 năm 1820). Dù cuộc đổi khá ngắn ngủi, nhưng cũng nhờ từng sống nhiều nơi, chứng kiến, nếm trải nhiều cảnh đời dâu bể, lại có tài năng lớn, tâm hồn nhạy cảm thiên phú nên Nguyễn Du đã trở thành một đại thi hào dân tộc.

2. Sáng tác của Nguyễn Du gồm hai bộ phận: chữ Hán và chữ Nôm.

Sáng tác chữ Hán của ông gồm ba tập: Thanh Hiên thi tập, gồm 78 bài, được viết từ lúc còn chìm nổi lênh đênh đến khi làm quan ở Bắc Hà (1786 – 1804); Nam trung tạp ngâm, gồm 40 bài, được sáng tác trong giai đoạn làm quan ở Quảng Bình và Huế (từ năm 1805 đến năm 1813); Bắc hành tạp lục, gồm 131 bài, được sáng tác trên đường đi sứ Trung Quốc (từ năm 1813 đến năm 1814).

Sáng tác chữ Nôm của ông tiêu biểu là: Truyện Kiều (tức Kim Vân Kiều tân truyện hay Đoạn trường tân thanh), được sáng tác khi làm quan ở Huế hoặc có thể khởi thảo từ trước đó, khi còn ở quê nhà; Văn tế thập loại chúng sinh (thường gọi Văn chiêu hồn được sáng tác vào đầu thế kỉ XIX.

2.1. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du thường sâu sắc, thâm trầm, giàu chiêm nghiệm. Mỗi tập thơ đều có giá trị riêng, nhưng phong phú, sâu sắc và để lại nhiều dư vang trong lòng người đọc nhất vẫn là Bắc hành tạp lục. Trong 14 tháng đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du đã ghé thăm nhiều nơi, có dịp đến Kinh đô Bắc Kinh đồng thời ông cũng ngược dòng thời gian để tìm hiểu lịch sử, văn hoá Trung Hoa chiêm nghiệm các vấn đề về con người và đời sống. Những cảnh đời, những phận người trước biến thiên của lịch sử và những gì tai nghe, mắt thấy trên đường đi sú đã trở thành nguồn cảm hứng của tập thơ. Nguyễn Du chọn đứng về phía nhân dân cùng các văn nhân, trí thức lương thiện, khốn cùng như Tỷ Can, Khuất Nguyên Đỗ Phủ, Văn Thiên Tường, ông già hát rong ở thành Thái Bình, người chết đói bên vệ đường trong cuộc chạy loạn, bốn mẹ con ăn xin mà ông thấy dọc đường, người đẩy xe trên đường nắng rát ở Hà Nam,... Vượt lên trên những định kiến hẹp hòi phấn chia biên giới quốc gia, ông tìm thấy mối đồng cảm giữa mình với những người Trung Hoa khốn khổ ở tính người, ở kiếp người vất vả, khổ đau,...

2.2. Sáng tác chữ Nôm của Nguyễn Du không nhiều, nhưng các tác phẩm của ông đều kết tinh nhiều giá trị quan trọng. Văn chiêu hồn và Truyện Kiều đều là những tác phẩm bất hủ. Trong đó, Truyện Kiều được xem là “khúc Nam âm tuyệt xướng” (từ dùng của Đào Nguyên Phổ).

Về nội dung, tư tưởng, Truyện Kiều đặt ra câu hỏi lớn về “phận đàn bà” và số phận con người nói chung. Đó là câu chuyện về cuộc đời khổ đau của một con người bị đem đi mua bán như món hàng, bị đánh đập, bị săn đuổi, bị sỉ nhục, đoạ đày,... mà không ai có thể cứu giúp, cuối cùng phải đi tìm cái chết. Tác phẩm là “tiếng kêu thương động đất trời” khi nhân cách và giá trị làm người bị chà đạp.

Về hình thức, với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nâng thể loại truyện thơ Nôm và ngôn ngữ văn chương của dân tộc lên một tầm cao mới. Nhiều nhân vật trong tác phẩm như Thuý Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, Hoạn Thư, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh,... được khắc hoạ với những nét tính cách điển hình, sinh động tựa con người đang sống giữa cuộc đời. Ngôn ngữ Truyện Kiều đạt đến mức điêu luyện, biến hoá linh hoạt cả khi kể chuyện, tả cảnh, tả tình,... khi nhân vật đối thoại hay độc thoại nội tâm,...

Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du mượn cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, nhà văn thời Minh – Thanh (Trung Quốc). Nhưng với việc bổ sung, thay đổi khá nhiều tình tiết, tăng cường hàm lượng trữ tình, sử dụng câu thơ lục bát để kể chuyện, tả cảnh, miêu tả nội tâm một cách tinh tế, điêu luyện,... Nguyễn Du đã sáng tạo nên một kiệt tác.

3. Những kiệt tác văn chương, nghệ thuật luôn có sức sống vượt thời gian. Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh và rất nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du suốt mấy trăm năm qua đã chứng minh điều này. Đó là những tác phẩm đã, đang và sẽ làm rung động trái tim bao thế hệ người đọc, mang lại cho họ những bài học sâu sắc về tình yêu thương, quý trọng con người, về nghị lực sống, tranh đấu và vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt, về tư tưởng nhân văn và ý thức sáng tạo của người nghệ sĩ…

* Điểm nhìn trong truyện thơ: Truyện thơ thường sử dụng điểm nhìn ngôi thứ ba toàn tri. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, truyện thơ cũng sử dụng điểm nhìn ngôi thứ ba hạn tri từ một số nhân vật như điểm nhìn của nhân vật “anh” trong Tiễn dặn người yêu (truyện thơ dân tộc Thái) hoặc điểm nhìn của nhân vật Thuý Kiều ở một số đoạn trong Truyện Kiều (Nguyễn Du).

* Nhân vật và đối thoại, độc thoại nội tâm: Nhân vật trong tác phẩm truyện thường được khắc họa không chỉ thông qua các chi tiết miêu tả ngoại hình, hành động mà còn qua ngôn ngữ giao tiếp và đời sống nội tâm của nhân vật, tức là thông qua đối thoại, độc thoại nội tâm.

* Bút pháp miêu tả nội tâm trong truyện thơ Nôm và "Truyện Kiều”: Việc miêu tả nội tâm của nhân vật trong truyện thơ Nôm bác học có thể thực hiện theo nhiều cách: bằng lời đối thoại, độc thoại của chính nhân vật bằng những dòng thơ miêu tả phong cảnh thiên nhiên, hay kể, tả về hành vi, cử chỉ của nhân vật; qua các dòng thơ mà người kể chuyện trực tiếp nhận xét, phân tích trạng thái tâm lí, cảm xúc của nhân vật,... Trong đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật Từ Hải trên đây, tâm lí của Từ Hải được miêu tả trước hết qua nhận xét trực tiếp của người kể chuyện (Từ công riêng hãy mười phân hồ đồ) và sau đó, qua độc thoại nội tâm của Từ Hải.

* Biện pháp tu từ đối: đặc điểm và tác dụng:

Đối là biện pháp tu từ đặt những từ ngữ có âm thanh và ý nghĩa tương phản hoặc tương hỗ vào vị trí cân xứng để tạo nên sự hài hoà về ý nghĩa, đồng thời làm nên nhạc điệu cho câu thơ, câu văn. Ví dụ:

Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Trong ví dụ trên, các từ trong hai vế “thành xây khói biếc” và “non phơi bóng vàng” tạo thành từng cặp tương ứng, cân xứng với nhau về nội dung giống nhau về từ loại (thành – non, xây – phơi, khói – bóng, biếc – vàng), trái nhau về thanh điệu bằng trắc (biếc – vàng) tạo nên vẻ đẹp hài hoà cho câu thơ.

Biện pháp tu từ đối được sử dụng trong thơ (đặc biệt là thể thơ Đường luật bát cú), trong văn xuôi ở cấp độ câu, đoạn văn hoặc văn bản. Ví dụ, biện pháp tu từ đổi trong hai câu 3 – 4 của bài Qua Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan):

Lom khom dưới núi tiều vài chú,

Lúc đác bên sông chợ mấy nhà.

Đây là biện pháp tu từ có tác dụng tạo sự cân xứng về ý nghĩa và nhạc điệu, tạo nên cái đẹp hài hoà theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam. Tác dụng này thể hiện rất rõ trong hai dòng thơ trên.

Ngoài ra, biện pháp này còn có tác dụng giúp miêu tả sự việc, cảnh vật một cách cô đúc, khái quát mà không cần liệt kê, kể lể dài dòng.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác: