Top 10 Cách ứng xử của con người với tự nhiên được phản ánh trong tác phẩm văn học

Tổng hợp trên 10 Cách ứng xử của con người với tự nhiên được phản ánh trong tác phẩm văn học hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Đề bài: Đoàn Thanh niên trường bạn tổ chức buổi nói chuyện với đề tài Cách ứng xử của con người với tự nhiên được phản ánh trong tác phẩm văn học. Bạn hãy chuẩn bị bài nói của mình để tham gia buổi nói chuyện ấy.

Cách ứng xử của con người với tự nhiên được phản ánh trong tác phẩm văn học - mẫu 1

Xin chào tất cả các bạn.

Các bạn thân mến! Từ bao đời nay, thiên nhiên là nguồn sống vô tận của con người: cơm, gạo, thịt, cá, cây trái, nhà để ở, nước để uống, quần áo để mặc, khí trời để thở… đều do thiên nhiên cung cấp. Con người càng lúc càng văn minh, càng tiến bộ đã tự mình tạo nên nhiều sản phẩm. Muốn làm được những điều ấy, con người rất cần sự giúp đỡ của thiên nhiên, từ đó ta lại càng thấy sự ích lợi của thiên nhiên nhiều hơn.

Xưa kia con người cần mặt trời chỉ để sưởi ấm và chiếu sáng nay con người cần mặt trời để làm nguồn năng lượng quan trọng trong sản xuất và đời sống. Rừng xanh giờ đây không chỉ là nguồn lâm sản dồi dào với những cây gỗ quý, những cây thuốc chữa bệnh mà còn là nguồn điều hòa lũ lụt, là lá phổi khổng lồ để cho con người hít thở. Những dòng thác gầm réo, những con suối trong mát, những dòng sông cuồn cuộn chảy không chỉ là một bức tranh phong cảnh mà còn là con đường giao lưu, nguồn thủy sản, hơn thế nó còn là nguồn cung cấp điện năng khổng lồ. Hơn nữa, thiên nhiên còn rất cần cho đời sống tinh thần của con người. Sau những ngày tháng làm việc vất vả cực nhọc trong phòng làm việc, trong nhà máy, ở trong thành phố chật hẹp đầy khói bụi, con người đến với thiên nhiên sẽ cảm thấy vô cùng sảng khoái, thiên nhiên sẽ giúp con người tái tạo lại sức khỏe, niềm vui sống và nhiệt tình lao động. Đôi khi được nhìn ngắm màu xanh của lá, nghe tiếng suối róc rách bên rừng, vui đùa trên bãi biển cũng đã khiến cho tâm hồn con người lấy được sự thư thái và thanh thản. Nhìn đóa hoa nở, ngắm cảnh chân trời, con người cũng có thể cảm nhận một niềm vui lớn quên hết những phiền muộn ưu tư.

Chính thiên nhiên đã làm cho tâm hồn con người trở nên cao rộng mênh mông như trời như biển. Vẻ đẹp của thiên nhiên còn đem đến cho con người khát vọng suy nghĩ về cái đẹp và sáng tạo nên cái đẹp cho mình. Cái đẹp của một cảnh bình minh, một cảnh hoàng hôn… làm xao xuyến bao nghệ sĩ để tạo nên thơ, ca, nhạc, họa. Nhà khoa học từ thiên nhiên mà rút ra những quy luật của sự sống để từ đó mà sáng tạo nên những công trình phục vụ cho cuộc sống con người.

Trên đây là phần trình bày của tôi về đề tài Cách ứng xử của con người với tự nhiên được phản ánh trong tác phẩm văn học. Xin được lắng nghe và nhận được sự góp ý của tất cả mọi người.

Cách ứng xử của con người với tự nhiên được phản ánh trong tác phẩm văn học - mẫu 2

Nguyễn Huy Thiệp viết nhiều truyện ngắn về đề tài đi săn như:  “Sói trả thù”, “Trái tim hổ”, “Con thú lớn nhất” hay “Muối của rừng”. Tuy nhiên tác giả không đơn thuần chỉ kể chuyện đi săn mà thông qua đó còn gửi gắm những vấn đề nhân sinh rất phổ quát.  Đó là một cuộc đấu tranh không ngừng giữa cái thiện với cái ác, giữa con người và thế giới tự nhiên. Ở “Muối của rừng”, con người xuất hiện trong một cuộc đi săn, dưới sự cứu rỗi của cái đẹp đã xóa dần những tấm màn ảo tưởng, những định kiến mà họ tự dựng lên và tin vào trước đó. Cuối cùng con người đối mặt với chính mình – dù trần trụi, lạnh lùng nhưng vô cùng đẹp đẽ với thứ duy nhất còn lại chính là thiên lương thuần khiết.

Trong cảm quan hậu văn học hậu hiện đại, con người không còn là một lát cắt nguyên phiến với những mặt tốt đẹp đáng ngợi ca. Thế giới tâm hồn người luôn tiềm ẩn những điều kỳ lạ, những góc tối khuất lấp cần khám phá.  Điều đó đòi hỏi nhà văn phải đi sâu khai thác các khía cạnh nội tâm để khắc họa tính chất đa nguyên của con người. Nhưng dù khai thác con người ở mức độ nào, nhà văn vẫn phải hướng đến bản chất của con người là “tổng hòa các quan hệ xã hội” và phải luôn có sự hài hòa giữa thực thể sinh học – xã hội.  Ở “Muối của rừng”, Nguyễn Huy Thiệp đã nhìn con người như một phần khăng khít của đời sống tự nhiên, và cũng chính ông ngầm chỉ ra rằng tự nhiên như một phẩm chất của con người, như bản chất Người.

Bằng trí tưởng tượng huy hoàng Nguyễn Huy Thiệp đã đưa người đọc bước vào một cuộc hành trình đầy chất thơ. Đó là một sớm xuân: “Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng vừa tình cảm”.  Khung cảnh thanh bình ấy lại chính là dịp để nhân vật ông Diểu “bắt đầu cuộc đi săn”. Nhân vật đi vào rừng mang theo bao hệ lụy trần thế ám ảnh. Ông nhìn thiên nhiên cũng như cách ông đánh giá về cuộc đời. Ông tự gán những suy nghĩ cay đắng về con người cho loài vật: “Cái thằng bố ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn” hay “bởi giống cái bao giờ cũng dễ phân tâm”.  Ở đây tác giả đã cố tình tạo ra tình huống nhân vật bị nhầm lẫn giữa những bản thể, giữa con người và loài vật để hợp lí hóa cho sự thay đổi tâm trạng và các hành động kế tiếp.

Từng cung bậc của tâm trạng của ông Diểu có sự thay đổi. Bắt đầu từ lúc tiếp cận đàn khỉ “không buồn, không vui, không lo lắng cũng không tính toán” đến “mỉm cười và chăm chú nhìn”. Rồi và cuối cùng là “niềm vui nhen lên từ khi ở nhà ra đi trong ông vơi đi một nữa”. Ông quyết định bắn hạ con khỉ đực với “một tiếng súng dữ dội”. Ông Diểu làm điều ác và tại thời điểm đó ông vẫn hài lòng với kết quả dù có chút “run lên” như “người vừa mới làm xong việc nặng”.

Nhưng khi nhìn đôi mắt con khỉ đực, người đàn ông ấy bổng dấy lên một niềm “thương hại” và “mủi lòng”. Hành động “tránh nhìn vào đôi mắt” con vật như là một điềm báo hiệu về xung đột bắt đầu nảy sinh trong quá trình chinh phục và chiếm đoạt của con người. Để từ cái điềm báo ấy, ông Diểu chuyển từ tâm trạng hài lòng khi làm điều ác sang trạng thái hoảng loạn, bối rối. Ông tìm cách “hái lá đắp cho con khỉ” hay loay hoay “cởi chiếc quần lót” – mảnh giáp cuối cùng trên cơ thể để băng bó cho nó. Trải qua một hành trình vất vả, chứng kiến và suy nghiệm nhiều thứ, đặc biệt là hình ảnh con khỉ con rơi xuống vực sâu thăm thẳm và con khỉ cái cứ kiên trì lẽo đẽo theo ông đi xuyên rừng, người đàn ông ấy chợt cảm thấy “cay cay sống mũi” và thức nhận “một nỗi buồn tê tái đến tận đáy lòng”.  Những tâm trạng và hành động không nhất quán ấy biểu hiện cho một sự giằng xé nội tâm giữa tham vọng và tình thương, giữa khả năng của một ông già và sức mạnh của thiên nhiên, giữa phần “con” và phần “người” cũng chính là cái ác và tính thiện trong nhân vật.

Tâm trạng ông Diểu, từ khi đi qua một chặng đường dài vào rừng săn thú cho tới khi cay đắng hiểu ra rằng “hóa ra ở đời trách nhiệm đè lên từng sinh vật quả thật nặng nề” thể hiện một sự thức tỉnh của lương tâm con người. Như Bielinsky đã nói: “Người cao thượng không phải là người không bao giờ đê tiện. Người cao thượng là người biết mình có những lúc đê tiện”. Nhân vật sau một hành trình dài chợt nhận ra mình đang làm điều ác và quyết định buông bỏ tất cả . Nhận thức được cái ác có nghĩa là đã chiến thắng được cái ác. Để rồi sau đó trí tưởng tượng của tác giả lại tiếp tục tung hoành đẩy nhân vật “cất cánh” trong một kết thúc đầy nhân văn. Ông Diểu quyết định “phóng sinh” cho con khỉ.  Dù cho con người tham vọng ban đầu tưởng như đã chiếm ưu thế, nhưng người đàn ông ấy vẫn biết “mủi lòng” trước những sinh linh, thức nhận những giá trị của yêu thương khi chứng kiến tình cảm của giống loài – ở đây là loài khỉ cũng không hề xa lạ với con người. Ông trở về cùng hai bàn tay trắng và con người trần truồng với phần người trỗi dậy và thắng thế.  Khi đó ông bắt gặp loài hoa tử huyền, biểu tượng của hạnh phúc, của cái thiện và những trận mưa bụi mùa xuân đã che chở cho thân thể ông suốt quảng đường về. Hình ảnh hoa tử huyền đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng, tô đậm thêm ý nghĩa về giá trị khởi nguyên, giá trị cội nguồn và ý niệm về con người hướng thiện.

Con người ra đi với ý định huỷ hoại thiên nhiên, hủy hoại cuộc sống, khi trở về lại trong tâm thế hòa vào lòng thiên nhiên, vào lòng cuộc sống: “Mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi. Chỉ một lát sau, bóng ông đã nhòa vào màn mưa.” Ông Diểu trở lại hình hài ban đầu của con người tưởng như chưa từng phạm tội và trong sạch trước cuộc đời. Đúng như những hình ảnh rất đẹp của nhà phê bình PGS- TS Nguyễn Thị Minh Thái khi viết về “Muối của rừng”: “Ra khỏi rừng, được chính cuộc đi săn tẩy rửa, chỉ mang theo“tấm thân rày đã nhẹ nhàng”, với độc trọi cảm giác “phóng sinh” trong trẻo, lâng lâng đốn ngộ". Nhân vật “Muối của rừng” cuối cùng đã thực hiện “khúc ca khải hoàn” của cái thiện trong một cuộc đấu tranh khốc liệt, dằng xé.

“Muối của rừng” đã đưa ra một vấn đề nhân sinh phổ quát đó là mâu thuẫn giữa cái ác và cái thiện trong mỗi một con người. Con người trong thời đại nào cũng thế, luôn luôn tồn tại cuộc đấu tranh giữa phần bản năng sinh vật đê tiện thấp hèn và phẩm chất người cao quý. Đó không chỉ là câu chuyện của trí tưởng tượng mà còn là câu chuyện muôn đời. Đó là triết lý nhân sinh về lẽ sống, lẽ làm người trong cuộc đấu tranh bền bĩ và dai dẳng cho việc hoàn thiện nhân cách con người.

Nguồn gốc của mọi tội lỗi, của những điều ác suy cho cùng cũng do con người đang bị mất niềm tin vào các giá trị. Họ trở nên tách rời nhau, tách rời với tình yêu và cội nguồn của sự sống. Từ đó con người luôn có cảm giác sợ hãi và thiếu an toàn. Cũng từ nỗi sợ hãi, con người trở nên tham lam với khát vọng muốn sở hữu, muốn chiếm đoạt (những thứ như vật chất, sự ca tụng, sự quan tâm của người khác…) để làm mình có giá trị hơn. Con người trong hành trình mải miết tìm cách khỏa lấp nỗi sợ đó đã quên đi tính thiện luôn ẩn chứa bên trong của mình. Chúng ta để nỗi sợ lấn át tiếng gọi của trái tim, của thiên lương thuần khiết và cứ thế chạy theo trò chơi cuộc đời. Ranh giới giữa cái thiện và cái ác trở nên rất mong manh và nhiều thách thức hơn bao giờ hết. Nếu con người chỉ sơ sẩy bước chệch chân đã lao ngay vào hố sâu thăm thẳm của cái ác mà khó lòng thoát ra được. Lúc ấy chỉ có cái đẹp xuất hiện mới đủ sức cứu rỗi và nâng đỡ con người thoát khỏi vòng bủa vây của cái ác. Nhân vật “Muối của rừng” đã may mắn có được điều đó.

Đọc “Muối của rừng” để thấy truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không phải chỉ có cái ác, cái xấu xa, cái ti tiện. Bức tranh về số phận con người trong những tác phẩm của ông không chỉ toàn màu đen. Ở đó vẫn ngời sáng những nhân cách đẹp, những tâm hồn thuần khiết, sáng trong tựa suối nguồn. Vì vậy mà người đọc vẫn cảm thấy tin yêu cuộc đời, tin vào thiên lương, vào con người bản nguyên thuần phác. Lẽ dĩ nhiên, với nhiều hình ảnh biểu tượng, những tầng tầng lớp nghĩa ẩn dấu đằng sau mỗi câu chữ sẽ là một mạch nguồn vô tận cho nhiều độc giả có cách tiếp nhận “Muối của rừng” theo nhiều hướng khác nhau. Tất cả tùy thuộc vào sự kiếm tìm, lý giải của người đọc trước một “đề án mở” về con người mà nhà văn đã cố tình “để ngỏ”. Gấp sách lại, người viết cũng mong sao một lần được gặp loài hoa trắng muốt, bé li ti như hạt muối của rừng – để biết rằng mình đã tìm thấy cái thiện – thứ mà suốt đời này con người vẫn luôn theo đuổi và tìm kiếm.

Cách ứng xử của con người với tự nhiên được phản ánh trong tác phẩm văn học - mẫu 3

“Muối của rừng” kể về cuộc đi săn vào một ngày xuân rất đẹp của ông Diểu. Ông Diểu nhắm bắn một con khỉ đực, và từ đó nhiều sự việc liên tiếp xảy ra với ông Diểu, khiến ông Diễu thay đổi nhận thức của mình về thế gới tự nhiên và với chính mình. Kết thúc tác phẩm là hình ảnh hoa tử huyền và ông Diểu ra về trong làn mưa xuân, một hình ảnh tuyệt đẹp. Câu chuyện thực sự đã “thanh lọc” tâm hồn con người, gợi cho con người những suy nghĩ, những trăn trở về cuộc sống bề bộn hiện nay.

Trước hết, đó là mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Ông Diểu, với khẩu súng hai nòng rất đẹp của mình đã vô tình làm tổn hại đến thiên nhiên. Với vốn tri thức phong phú của ông về thế giới tự nhiên và thế giới ngoài xã hội, ông Diểu đã áp đặt những suy nghĩ của mình lên tự nhiên. Ông nhìn thấy hành động hy sinh của con khỉ cái là “giả dối”, “ngu ngốc”. Con khỉ đực hiện lên trong ông như một con người xấu xí và đê tiện. Song, ở gần cuối tác phẩm, bước chuyển biến trong suy nghĩ của ông Diểu về hai con vật ẩn chứa điều nhà văn muốn truyền tải. Hình ảnh “cái bộ ba ấy cứ lầm lũi đi xuyên rừng” thật ấn tượng. “Cái bộ ba ấy” là ai, phải chăng Nguyễn Huy Thiệp đã hã tầm ông Diểu ngang bằng với loài khỉ, hay chính loài khỉ đã được nâng lên ngang hàng với con người? Giữa con người với thiên nhiên không còn khoảng cách, con người trở về với bản thể của mình. Người đọc cảm nhận được điều đó, và tự nhìn lại những hành động của mình với thiên nhiên, tự vấn xem phải chăng bản thân ta đang ngộ nhận về giá trị của chính mình?

Đọc truyện “Muối của rừng”, tôi có cảm giác như bản thân đang ở giữa một thế giới tràn đầy tình thương, một thế giới mà nơi cái thiện đã chiến thắng cái ác. Thế giới ấy chính là thế giới tâm hồn của ông Diểu khi rời khỏi khu rừng, tắm mình trong làn mưa xuân “dịu dàng mà mau hạt”. Khi “bóng ông nhòa dần trong làn mưa” cũng là lúc trái tim và tâm hồn của ông Diểu cũng như bạn đọc được thanh lọc, gột rửa những bụi bặm, những toan tính trong cuộc sống bề bộn này. Thế giới tâm hồn con người thanh sạch và đẹp đẽ hơn nhờ “làn mưa xuân” ấy – làn mưa xuân của tâm tưởng, làn mưa xuân đem đến sự thư thái trong tâm hồn. Con người hoàn thành hành trình trở về với bản chất tốt đẹp nhất, trở về nguồn cội.

Theo một cách hiểu khác, “Muối của rừng” còn đem đến cho ta một suy nghĩ về tình người, tình cảm trong đời sống. Con khỉ cái hành động có khác chi loài người, vậy mà tuyệt đẹp! Con khỉ cái cũng có lúc hoảng sợ “Đôi mắt nó đầy kinh hoàng. Nó vứt phịch con khỉ đực xuống đất, chạy biến đi”, song chính tình người, tình yêu với con khỉ đực đã lôi kéo nó trở lại. Cả ông Diểu cũng thế. Khi ông lột mảnh giáp cuối cùng trên người để băng bó cho con khỉ đột, cũng chính là lúc tình người trong ông và trong lòng bạn đọc trỗi dậy. Ta thấy hình ảnh ấy thật đẹp vì chính trong tim ta tình người đã được khơi dậy và lan tỏa.

Viết về cái xấu xa, cái tiêu cực nhưng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp vẫn luôn lấp lánh chất nhân văn bởi niềm tin vào khát khao hướng thiện, niềm tin vào nhân tính con người trong xã hội đầy khủng hoảng sau chiến tranh và những năm đầu đổi mới. Đó là sức hút của văn NHT, như Nguyễn Khải từng phát biểu: “Văn chương có quyền, nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”.

Nguyễn Huy Thiệp: “Muối của rừng là cuộc đi săn tìm lẽ sống, lẽ đời. Nó là cuộc đi săn tìm danh vọng và lợi lộc. Tất cả đều trò khỉ. Cuộc sống là những trò khỉ. Cuối cùng mình trần thân trụi cả, tất cả đều về với cát bụi. Cuộc sống là cuộc đi săn tìm thói xấu trong bản thân ta để tự mình trục độc, tự mình thoát thân từ khỉ thành người.”

Cùng với sự phát triển của nền văn minh, nhân loại ngày càng phải đối mặt với những hiểm họa to lớn từ môi trường sinh thái. Nó đe dọa sự sống của con người và tất cả các sinh vật tồn tại trên trái đất này. Đứng trước những hiểm họa ấy, văn chương cũng phải có trách nhiệm lên tiếng. Tác phẩm văn học chủ đề sinh thái cảnh báo hiểm họa môi trường, hướng tới tương lai phát triển bền vững của nhân loại.

Tác phẩm hình thành trong con người nhân sinh quan tiến bộ của chủ nghĩa nhân văn sinh thái: Tư tưởng coi trọng tự nhiên, đối xử bình đẳng với tự nhiên trên tinh thần bè bạn, lối sống hòa hợp với thiên nhiên thay cho chinh phục và chiếm đoạt thiên nhiên; con người phải biết đồng cảm với tự nhiên bị chà đạp, bị thương tổn. Quay về với thiên nhiên, con người sẽ trở về bản tính thiện vốn có.

Phản ánh cuộc đấu tranh của con người bên trong con người để vươn tới cái cao cả, cái tốt đẹp, tác phẩm thể hiện niềm tin vào tương lai tốt đẹp hơn khi con người ý thức được quyền sống của tự nhiên, quyền sống của muôn loài. Hành trình từ chỗ nhận thức về quyền sống của con người đến quyền sống của thiên nhiên là bước tiến dài trong lịch sử phát triển văn hóa nhân loại.

Cách ứng xử của con người với tự nhiên được phản ánh trong tác phẩm văn học - mẫu 4

Nguyễn Huy Thiệp nhà văn mang đến những làn sóng mới trên văn đàng Việt Nam với những thể văn đa dạng và cách viết mang tính “không trùng lặp”. Trong Muối của Rừng, Nguyễn Huy Thiệp đào sâu mỗi quan hệ giữa thiên nhiên và con người. Đặc biệt ông chọn thiên nhiên làm bối cảnh cho câu chuyện như một cách ấn dụ: Thiên nhiên là sự đối lập với thế giới hiện nay mang đậm nền văn minh. Mở ra cuốn sách Muối của Rừng người đọc sẽ theo dấu chân của ông Diều thực hiện cuộc đi săn của mình cùng với một khẩu súng trong tay. Cuộc đi săn này ông Diều đã đặt mục tiêu của nòng súng của mình vào bầy khi và từ đó những nhận thức trong đầu ông được “khai sáng” sau chuyến đi này.

Ông Diều là một nhân vật truyện nhưng lại mang tính đại diện cho con người ở thế giới thật. Ban đầu đến với chuyến đi săn, ông Diều mang theo mình sự tự tin về khẩu súng của mình và sự vọng tưởng rằng: Mình sẽ làm chủ thiên nhiên và thiên nhiên sẽ chịu khuất phục trước vũ khí hiện đại. Điều này hoàn toàn đúng khi con người nói chung và ông Diều nói riêng vẫn giữ vững một niềm tin về sự chiếm lĩnh của con người trước mẹ thiên nhiên. Nhưng kết cục để lại cho ông Diều sau cuộc đi săn không phải là thành phẩm mà là dáng hình trần truồng đi về trong cơn mưa xuân.

Phát súng đầu tiên của ông Diều làm một con khỉ đực bị thương và khiến cả bầy khỉ sợ kèm theo biểu cảm hỗn loạn. Bầy khỉ bắt đầu chạy trốn bỏ vào sâu trong rừng. Một phản ứng khiến ông Diều hả hê, thích thú và càng làm tăng thêm sự tự tin của ông. Trước giờ khi con người bắt đầu "va chạm” với thiên nhiên thì điều đầu tiên thiên nhiên mà điền hình là bảy khi trong câu chuyện luôn là sợ hãi và chạy trốn.

Thế nhưng càng đi sâu vào từng trang sách, con người càng ngỡ ra một chân lí muôn thời rằng: Kẻ chiếm lĩnh, kẻ mạnh luôn là thiên nhiên. Trái ngược với phản ứng ban đầu và sự lấn tới của ông Diều thì bảy khi bắt đầu đáp trả mạnh mẽ hơn - đánh trả. Dù đứng trước một vũ khí hiện đại của ông Diều thì bảy khỉ không hề hoảng sợ mà có những hành động tấn công lại ông. Đặc biệt là cuộc đánh nhau giữa con khỉ đực và ông Diều. Đối mặt với phản ứng ngược này ông Diều chỉ có thể lựa chọn nhượng bộ, thỏa hiệp. Thậm chí những suy nghĩ và hành động của ông càng minh chứng cho việc ông đàn trút bỏ dần “lớp áo xã hội" đề khoác lại "tấm áo thiên nhiên". 

Con người nhận ra thế giới tự nhiên cũng tồn tại các mối quan hệ trong xã hội trong đó ấn chứa cả trách nhiệm, tình yêu thương, sự hi sinh, thù hận, ghen ghét và tha thứ. Con khỉ cái dám đi theo con khi Đực đến cùng ngay cả khi con khi đực đã bị ông Diều bắt giữ. Mõi tình giữa loài vật ấy khiến ông Diều bắt đầu trăn trở và cuối cùng lựa chọn phóng sinh con khi đực- con vật khiến ông chật vật đề bắt. Kết thúc tác phãm, con người mà cụ thể là ông Diều là kẻ thua cuộc, kẻ thất bại trong cuộc chiến với thiên nhiên nhưng ông không tay trắng mà nhận lại bài học nhân tính. Bởi thiên nhiên sẽ luôn dạy cho con người sự tự giác ngộ về nhân tính dù thiên nhiên không biết nói.

Từ xã hội nguyên thủy đi lên xã hội hiện đại, quãng đường ãy tỉ lệ thuận với khoảng cách giữa thiên nhiên và con người. Chia tay thế giới tự nhiên, con người tìm đến sự hoa lệ của những ánh đèn nhân tạo và những tòa nhà chọc trời, khép thế giới của mình trong hai chữ “đô thị”, điều này làm cho con người cảm thấy mình khác biệt, cao cấp hơn, mạnh mẽ hơn. Nhưng cuộc chia tay ấy đã làm cho con người ngày càng muốn trở về với thiên nhiên, càng muốn thấu hiều, hòa mình vào vòng tay của mẹ thiên nhiên. 

Một tác phẩm hoàn hảo để con người nhận thức và nhận thức lại vị thế của mình trên bàn cân: con người - thiên nhiên. Một tác phẩm gióng hồi chuông cảnh tỉnh về giá trị chân chính của thiên nhiên - đánh thức nhân tính. Một tác phẩm nhắn nhủ con người phải luôn bảo vệ, nâng niu, chở che cho thiên nhiên. 

Cách ứng xử của con người với tự nhiên được phản ánh trong tác phẩm văn học - mẫu 5

Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn có rất nhiều những đóng góp trong công cuộc đổi mới nền văn xuôi Việt Nam đương đại. Ông có một kho tàng những truyện ngắn hấp dẫn đề cập đến nhiều vấn đề của đời sống và thiên nhiên. Một trong số đó là truyện ngắn “Muối của rừng” sáng tác năm 1986. Tác phẩm là sự đấu tranh của cái thiện và cái ác, để rồi lòng trắc ẩn và lương thiện hiện lên thật đẹp đẽ

Tác phẩm nói về quá trình đi săn của ông Diểu theo trình tự thời gian từ lúc ông lên núi săn mồi đến lúc trở về. Ông Diểu đã nhắm trúng và bắn con khỉ đực. Nhưng khi khỉ bố ngã xuống đất, cả đàn khỉ hỗn loạn chạy đi thì ông Diểu lại lo lắng và sợ hãi. Đây là lúc lương tâm của ông trỗi dậy, ông thấy như mình đang làm điều ác. Hình ảnh con khỉ cái quay lại cứu khỉ đực, ông coi đó là một điều giả dối rồi dọa khỉ cái chạy đi. Nhưng khỉ cái bỏ đi rồi lại chạy về cứu khỉ đực. Chính việc nhìn thấy con khỉ nhỏ rơi xuống vực khiến cho lương tâm ông trỗi dậy nhiều hơn. Ông tái mặt rồi kinh hoàng trước sự việc vừa xảy ra. Sau đó ông lại vô tình gặp lại con khỉ đực mà mình đã bắn. Lần này nhìn thấy con khỉ bị thương trong ông lại dâng lên sự thương lại. Từ một người đi săn với lòng ác bắn con mồi, nhưng giờ đây lương tâm và lòng trắc ẩn của một con người khiến ông quyết định cứu con khỉ. Ông kiếm lá đắp lên miệng vết thương cho nó, lại lấy chiếc quần duy nhất trên cơ thể để băng bó vết thương cho nó và mang con khỉ xuống núi. Nguyễn Huy Thiệp đã miêu tả rất chân thật cái đau đớn, cái khổ sở của con vật trước tác động của con người. Nhưng chúng vẫn có tình cảm, mong được con người cứu giúp. Nếu như ở phần đầu của truyện, ta như thấy được hình ảnh của một con người độc ác, chỉ mang trong mình suy nghĩ đi săn mồi, phá hủy thiên nhiên. Thì bây giờ ông Diểu không màng lấy nguy hiểm mang con khỉ xuống núi, ông đau lòng khi nhìn nó bị xây xước khắp người. 

Hình ảnh đẹp nhất truyện có lẽ là khi ông Diểu may mắn gặp được hoa tử huyền. Đó là loài cứ ba chục năm mới nở một lần, khi rừng kết muối là điềm báo của đất nước thanh bình. Khi con người có lòng trắc ẩn, biết làm việc thiện việc tốt thì sẽ gặp được may mắn. Đây có lẽ là thông điệp mà nhà văn muốn gửi tới người đọc. Nhan đề “Muối và rừng” như tượng trưng một biểu tượng thiêng liêng, một khát khao hướng thiện. Con người sẽ luôn tồn tại những góc khuất cần đào bới, nếu ngay từ đầu ông Diểu là người đang tàn phá thiên nhiên, thì về ông lại là người đang cứu chúng, ông được trở về với bản chất của con người tốt đẹp vốn có của mình. Tác giả đã mang đến những ngôn từ đặc sắc, những câu văn ấn tượng cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa con người và thiên nhiên. Thiên nhiên chính là bức tranh phản chiếu thái độ sống của con người. Khi con người biết bảo vệ, biết dành tình yêu cho thiên nhiên, thì thiên nhiên sẽ mang lại rất nhiều tài nguyên cho con người. 

Bức tranh thiên nhiên, lòng trắc ẩn của con người đã được Nguyễn Huy Thiệp thể hiện rất sâu sắc và chân thực qua truyện ngắn “Muối của rừng”. Qua đó thấy được tệ nạn săn bắn thú rừng ở Việt Nam và lời kêu gọi con người bảo vệ thiên nhiên.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:


Giải bài tập lớp 11 Chân trời sáng tạo khác