Top 30 Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học
Tổng hợp trên 30 bài văn Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học (mẫu 1)
- Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học (mẫu 2)
- Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học (mẫu 3)
- Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học (mẫu 4)
- Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học (mẫu 5)
- Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học (mẫu 6)
- Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học (mẫu 7)
- Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học (mẫu 8)
- Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học (mẫu 9)
- Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học (mẫu 10)
Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học - mẫu 1
Chào cô và các bạn, mình là Minh Trang, hôm nay mình sẽ thuyết trình bài nói về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Vợ chồng A Phủ, mọi người lắng nghe cùng mình nhé!
Vợ chồng A Phủ được đánh giá là truyện ngắn đặc sắc và tiêu biểu nhất của Tô Hoài viết về đời sống của người dân miền núi phía Bắc. Giá trị của truyện không chỉ ở nội dung thể hiện được cảnh sống khốn cùng của người dân miền núi bị áp bức, vùng lên phản kháng mãnh liệt mà còn ở những yếu tố nghệ thuật được sử dụng một cách khéo léo trong văn bản.
Về nội dung, tác phẩm có hai khía cạnh chính là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Ở giá trị hiện thực, tác phẩm đã phản ánh một cách chân thực số phận của người dân nghèo miền Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến tàn bạo. Sự vạch trần của Tô Hoài giúp người đọc thấy rõ sự tàn bạo, độc ác của bọn chúa đất áp bức mà tiêu biểu là cha con nhà thống lí Pá Tra. Chúng đã bóc lột, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần người dân lao động nghèo, miền núi. Bên cạnh đó, thông qua cuộc đời của Mị và A Phủ, Tô Hoài đã diễn tả thật sinh động quá trình thức tỉnh vươn lên tìm ánh sáng cách mạng của người dân nghèo Tây Bắc.
Tác phẩm còn cho thấy giá trị nhân đạo và tấm lòng của nhà văn Tô Hoài qua cái nhìn cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ cả về tinh thần lẫn thể xác của những người lao động nghèo khổ như Mị, A Phủ. Nhà văn phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp đáng quý ở Mị, A Phủ. Đó là vẻ đẹp khỏe khoắn, cần cù, yêu tự do và đặc biệt là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt ở họ. Tiếng nói tố cáo ách thống trị phong kiến miền núi bạo tàn, lạc hậu đã chà đạp và bóc lột con người đến xương tủy cũng được nêu cao, thể hiện mạnh mẽ trong văn bản. Nhà văn còn đưa ra lối thoát cho nhân vật bằng cách hướng những con người lao động nghèo khổ đang bị chà đạp, dồn nén đến con đường tươi sáng là tự giải phóng mình, tìm đến cách mạng và cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù.
Bên cạnh những giá trị hiện thực và nhân đạo ấy, nghệ thuật được sử dụng trong văn bản cũng là một yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Nghệ thuật miêu tả phong tục tập quán của Tô Hoài rất đặc sắc với những nét riêng (cảnh xử kiện, không khí lễ hội mùa xuân, những trò chơi dân gian, tục cướp vợ, cảnh cắt máu ăn thề...). Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên miền núi với những chi tiết, hình ảnh thấm đượm chất thơ. Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, sinh động, hấp dẫn. Truyện có kết cấu, bố cục chặt chẽ, hợp lý; dẫn dắt những tình tiết đan xen, kết hợp một cách khéo léo, tạo sức lôi cuốn. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng rất thành công, mỗi nhân vật được sử dụng một bút pháp riêng để khắc họa tính dù họ đều có chung số phận và hoàn cảnh sống. Cách miêu tả ngoại hình, tâm lý cũng được thể hiện một cách tinh tế, với dòng kí ức chập chờn, những suy nghĩ thầm lặng để khắc họa nỗi đau khổ và sức sống của Mị, còn A Phủ thì tả ngoại hình, hành động và những mẩu đối thoại ngắn để thấy tính cách giản đơn. Ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản tinh tế, mang đậm màu sắc miền núi. Giọng điệu trần thuật có sự pha trộn giữa giọng người kể với giọng nhân vật nên tạo ra chất trữ tình.
Có thể thấy Vợ chồng A Phủ đã trở thành tác phẩm tiêu biểu viết về người dân miền núi phía Bắc trong thời kỳ cách mạng của nhà văn Tô Hoài. Truyện đã thể hiện được cuộc sống khổ cực, bị đẩy đến đường cùng của người dân và cho thấy sức phản kháng mãnh liệt của họ bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật thành công, ngôn ngữ sinh động mang đậm màu sắc miền núi, hình ảnh giàu chất thơ.
Bài thuyết trình về giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của mình đến đây là kết thúc, cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Mọi người hãy đưa ra góp ý và nhận xét cho mình nhé!
Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học - mẫu 2
Xin chào tất cả các bạn. Các bạn thân mến, khi nói đến tình mẫu tử trong thơ, tôi nghĩ ngay đến bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư. Nỗi nhớ mẹ của chủ thể trữ tình trong bài thơ không phải là sự đau đớn, buồn thương da diết, nhưng lại cho thấy được tâm trạng hồi tưởng rất thật về hình ảnh người mẹ.
Chủ đề trong bài thơ Nắng mới là nỗi nhớ mẹ của chủ thể trữ tình. Người mẹ được hiện lên trong nỗi nhớ với những hình ảnh gần gũi, giản dị mà lại đẹp đẽ có phần lấp lánh: Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội/ Áo đỏ người đưa trước giậu phơi; Nét cười đen nhánh sau tay áo/ Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa. Tôi đã bắt gặp nhiều hình ảnh người mẹ trong thơ văn. Nhưng đây là lần đầu tiên, tôi thấy hình ảnh người mẹ hiện lên một cách nhẹ nhàng, không khắc khổ, lam lũ. Không phải vì chủ thể trữ tình trong bài thơ này không nhớ mẹ, không yêu thương mẹ. Tình cảm ấy được thể hiện qua những từ ngữ như: não nùng, chập chờn, nhớ, chửa xóa mờ. Mới chỉ là những hình ảnh đẹp đẽ nhưng giản thị thôi đã khiến con người ta phải não nùng, chập chờn thì những hình ảnh khắc khổ, lam lũ sẽ khiến con người ta phải cảm thương đến nhường nào!
Sự chập chờn trong nỗi nhớ cho thấy đây là một nỗi nhớ thường trực, rất khó nguôi ngoai, hết kỉ niệm này, lại đến kỉ niệm khác hiện về. Không chỉ thể hiện nỗi nhớ của người con qua từ ngữ, nhà thơ Lưu Trọng Lư còn thể hiện nỗi nhớ ấy qua cách ngắt nhịp ở khổ thơ đầu. Cách ngắt nhịp chủ yếu của cả khổ thơ là 2/2/3 hoặc 2/5 thì lại xuất hiện một câu thơ được ngắt theo nhịp 3/4 như sự xen vào, như một sự chập chờn. Ở đây, ta thấy được hình thức nghệ thuật trong bài thơ đã góp phần thể hiện chủ đề của nó.
Như vậy, có thể thấy bài thơ Nắng trưa là một bài thơ hay, hay cả về nội dung lẫn hình thức. Đọc xong bài thơ, tôi cũng bỗng nghĩ đến mẹ mình, muốn đỡ đần mẹ để hình ảnh của mẹ luôn là sự vui tươi, nhẹ nhàng, đẹp đẽ, thanh thoát
Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học - mẫu 3
Kính thưa thầy/cô và các bạn, em tên là…Sau đây em xin đại diện cho nhóm A trình bày bài nói về giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm “Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông.
Tình cảm gia đình là thứ tình cảm thiêng liêng đối với mỗi người, là chỗ dựa tinh thần giúp con người vượt qua bao sóng gió, thử thách trong cuộc đời. Đã có biết bao bài thơ, câu truyện hay ca ngợi tình cảm gia đình, một trong số đó là bài thơ “Những cánh buồm” (Hoàng Trung Thông). Bài thơ viết về tình cảm cha con thiêng liêng bằng lời kể giản dị, chân thành, đã để lại cho người đọc nhiều cảm xúc.
Bài thơ được viết năm 1963, in trong tập thơ cùng tên. Bằng thể thơ tự do, kết hợp với các yếu tố tự sự và miêu tả, bài thơ là lời kể lại của người cha về câu chuyện ước mơ của hai thế hệ, đọng lại trên trang thơ những cảm xúc dạt dào, những suy tư, hoài bão xa xăm.
Mở đầu bài thơ là cảnh hai cha con dạo chơi trên biển: “Hai cha con bước đi trên cát/ Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh”. Không gian ở đây khoáng đạt, rực rỡ với sắc màu của biển xanh và mặt trời chiếu rọi. Bóng cha và bóng con in trên nền cát mịn. Tác giả khéo léo sử dụng biện pháp đối lập giữa bóng cha - bóng con:
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch.
Dài – trơn, lênh khênh - chắc nịch làm nổi bật cái già nua vì thời gian của thế hệ trước như đối lập với cái vững chãi, tự tin của cả thế hệ con cháu. Cha dắt con đi hay chính quá khứ dìu bước cho hiện tại, lớp trước nâng bước cho lớp sau. Hình ảnh con người hòa nhập, chan hòa với thiên nhiên. Người cha chỉ dẫn cho con bước đi trong một thế giới tràn ngập màu hồng của một chân trời tương lai đang mở rộng. Ánh mai hồng đang nhẹ nhàng chiếu sáng mở đầu cho một ngày mới. Phải chăng trong tầm mắt nhà thơ, người con đang được thừa hưởng những gì cao quý, đẹp nhất của người cha và trong lòng chợt lóe lên những tia mơ ước đầu tiên về tương lai qua câu hỏi ở phần trò chuyện tiếp theo bài thơ.
Tiếp đó là cuộc trò chuyện của hai cha con. Người con hỏi cha:
“Cha ơi!
.. không thấy người ở đó?”
“Cha mượn cho con buồm trắng nhé,
Để con đi…” Đây là câu hỏi ngây thơ, hồn nhiên thể hiện người con mong muốn mở rộng kiến thức, khát khao được đi nhiều nơi. Đứng trước câu hỏi hồn nhiên của con, người cha nhẹ nhàng đáp:
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa
…
Những nơi đó cha chưa hề đi đến”.
Người cha trầm ngâm, nhẹ nhàng mỉm cười giảng giải cho con những điều con thắc mắc, từng bước nâng đỡ ước mơ con. Người cha có phần tiếc nuối xa xăm về ước mơ dang dở chưa thực hiện được. Trong cuộc nói chuyện giữa hai cha con, tác giả sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “Ánh nắng chảy đầy vai” làm tăng sức hấp dẫn, thú vị cho câu thơ, giúp người đọc hình dung cụ thể về khung cảnh đẹp đẽ trên biển, và hình ảnh ẩn dụ cánh buồm. Cánh buồm chính là biểu tượng của ước mơ, khát vọng được đi xa, được mở rộng hiểu biết của người con. Dấu chấm lửng cuối lời của con “Để con đi…” mang nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là khát vọng vươn cao vươn xa của người con mà đó còn là sự tiếp nối của thế hệ sau với thế hệ trước. Qua đây người đọc thấy được tình cảm yêu thương, trìu mến của người cha dành cho con và khao khát được khám phá những điều chưa biết của người con. Ta còn cảm nhận được sự yêu thương, tin cậy của con đối với cha.
Phần cuối bài chính là uớc mơ của con gợi ước mơ của người cha khi còn nhỏ:
Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.
Người cha đã gặp lại những ước mơ, hoài bão của mình thời thơ ấu trong chính ước mơ của đứa con hôm nay. Người cha tự hào khi thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ đẹp như ước mơ của mình thời thơ ấu. Câu thơ: Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con cuối bài còn cho thấy đó là sự tiếp nối của thế hệ trẻ thực hiện ước mơ của thế hệ đi trước khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia.
Tác giả như hoá thân vào hình ảnh người cha nói ra những suy nghĩ, thể hiện tình cảm cha con và đã gieo vào lòng các bạn trẻ - những thế hệ sau này một khát vọng, ước mơ khám phá, chinh phục những vùng đất mới. Và người đọc cũng thấy rõ tâm tư cảu tác giả: trân trọng tình cảm cha con thiêng liêng trong cuộc đời, trân trọng những ước mơ tuổi thơ.
Qua bài thơ “Những cánh buồm”, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã “thổi”cho “cánh buồm” của mỗi người yêu thơ một phần nào đó hơi gió cuộc sống mà mai sau chúng ta sẽ càng phồng vượt xa trong chân trời mới đang mở rộng. Hi vọng rằng sẽ có thật nhiều, thật nhiều cánh buồm no gió lao đi trên biển, khơi quê hương Việt Nam dấu yêu. Mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu dự định ma mình đã đề ra để có cuộc sống tươi đẹp hơn.
Bài nói của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của thầy/cô và các bạn để bài nói được hoàn thiện hơn.
Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học - mẫu 4
Chào cô và các bạn, mình là …, hôm nay mình sẽ thuyết trình bài nói về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Vợ chồng A Phủ, mọi người lắng nghe cùng mình nhé!
Vợ chồng A Phủ được đánh giá là truyện ngắn đặc sắc và tiêu biểu nhất của Tô Hoài viết về đời sống của người dân miền núi phía Bắc. Giá trị của truyện không chỉ ở nội dung thể hiện được cảnh sống khốn cùng của người dân miền núi bị áp bức, vùng lên phản kháng mãnh liệt mà còn ở những yếu tố nghệ thuật được sử dụng một cách khéo léo trong văn bản.
Về nội dung, tác phẩm có hai khía cạnh chính là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Ở giá trị hiện thực, tác phẩm đã phản ánh một cách chân thực số phận của người dân nghèo miền Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến tàn bạo. Sự vạch trần của Tô Hoài giúp người đọc thấy rõ sự tàn bạo, độc ác của bọn chúa đất áp bức mà tiêu biểu là cha con nhà thống lí Pá Tra. Chúng đã bóc lột, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần người dân lao động nghèo, miền núi. Bên cạnh đó, thông qua cuộc đời của Mị và A Phủ, Tô Hoài đã diễn tả thật sinh động quá trình thức tỉnh vươn lên tìm ánh sáng cách mạng của người dân nghèo Tây Bắc.
Tác phẩm còn cho thấy giá trị nhân đạo và tấm lòng của nhà văn Tô Hoài qua cái nhìn cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ cả về tinh thần lẫn thể xác của những người lao động nghèo khổ như Mị, A Phủ. Nhà văn phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp đáng quý ở Mị, A Phủ. Đó là vẻ đẹp khỏe khoắn, cần cù, yêu tự do và đặc biệt là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt ở họ. Tiếng nói tố cáo ách thống trị phong kiến miền núi bạo tàn, lạc hậu đã chà đạp và bóc lột con người đến xương tủy cũng được nêu cao, thể hiện mạnh mẽ trong văn bản. Nhà văn còn đưa ra lối thoát cho nhân vật bằng cách hướng những con người lao động nghèo khổ đang bị chà đạp, dồn nén đến con đường tươi sáng là tự giải phóng mình, tìm đến cách mạng và cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù.
Bên cạnh những giá trị hiện thực và nhân đạo ấy, nghệ thuật được sử dụng trong văn bản cũng là một yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Nghệ thuật miêu tả phong tục tập quán của Tô Hoài rất đặc sắc với những nét riêng (cảnh xử kiện, không khí lễ hội mùa xuân, những trò chơi dân gian, tục cướp vợ, cảnh cắt máu ăn thề...). Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên miền núi với những chi tiết, hình ảnh thấm đượm chất thơ. Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, sinh động, hấp dẫn. Truyện có kết cấu, bố cục chặt chẽ, hợp lý; dẫn dắt những tình tiết đan xen, kết hợp một cách khéo léo, tạo sức lôi cuốn. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng rất thành công, mỗi nhân vật được sử dụng một bút pháp riêng để khắc họa tính dù họ đều có chung số phận và hoàn cảnh sống. Cách miêu tả ngoại hình, tâm lý cũng được thể hiện một cách tinh tế, với dòng kí ức chập chờn, những suy nghĩ thầm lặng để khắc họa nỗi đau khổ và sức sống của Mị, còn A Phủ thì tả ngoại hình, hành động và những mẩu đối thoại ngắn để thấy tính cách giản đơn. Ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản tinh tế, mang đậm màu sắc miền núi. Giọng điệu trần thuật có sự pha trộn giữa giọng người kể với giọng nhân vật nên tạo ra chất trữ tình.
Có thể thấy Vợ chồng A Phủ đã trở thành tác phẩm tiêu biểu viết về người dân miền núi phía Bắc trong thời kỳ cách mạng của nhà văn Tô Hoài. Truyện đã thể hiện được cuộc sống khổ cực, bị đẩy đến đường cùng của người dân và cho thấy sức phản kháng mãnh liệt của họ bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật thành công, ngôn ngữ sinh động mang đậm màu sắc miền núi, hình ảnh giàu chất thơ.
Bài thuyết trình về giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của mình đến đây là kết thúc, cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Mọi người hãy đưa ra góp ý và nhận xét cho mình nhé!
Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học - mẫu 5
Xin chào tất cả các bạn. Các bạn thân mến, mùa thu từ lâu đã trở thành tất yếu trong cảm hứng sáng tác của các thi nhân, ta bắt gặp “Sang thu” của Hữu Thỉnh, “Tiếng thu” – Lưu Trọng Lư hay tiêu biểu là chùm thơ thu ông hoàng thơ Bắc Bộ - Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến - một cây bút trưởng thành từ những va vấp với đời cùng tâm hồn nhạy cảm, sâu sắc trước bức tranh thiên nhiên mùa thu đã mang đến cho độc giả bao cảm xúc bâng khuâng, vấn vương trước sự chuyển biến của khung cảnh thiên nhiên đất trời mùa lá rụng. Bằng sự sáng tạo, tâm hồn nhạy cảm trước sự vật, sự tinh tế trong cách sử dụng từ ngữ, tác giả đã vẽ nên một bức tranh thu mang đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ thật quen thuộc và cũng thật mới lạ.
Câu cá mùa thu với chủ đề về thiên nhiên và con người mùa thu kết hợp cùng cảm hứng chủ đạo là những cảm xúc, những rung động tâm hồn và nỗi niềm tác giả trước cảnh vật thiên nhiên xen yếu tố hiện thực cuộc sống. Bên cạnh đó, là những nét độc đáo trong nghệ thuật, cách sử dụng từ ngữ sáng tạo, hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa để làm nổi bật lên chủ thể trữ tình được nói đến trong bài – mùa thu và tâm trạng nhân vật trữ tình trước thời cuộc.
Nếu Xuân Diệu lấy sắc “mơ phai” của lá để báo hiệu thu tới, Hữu Thỉnh cảm nhận qua thu qua “hương ổi” “Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se”. Thì Nguyễn Khuyến lại đắm mình trong cảnh thu với “ao thu lạnh lẽo nước trong veo. Tác giả sử dụng những hình ảnh quen thuộc của Bắc Bộ để hòa mình với thiên nhiên thu, cảm xúc con người cũng chững lại.
"Thu điếu" được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, hình tượng và biểu cảm. Cảnh thu, trời thu xinh đẹp của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngọn bút thần tình của Nguyễn Khuyến.
Hai câu đầu nói về ao thu và chiếc thuyền câu. Nước ao "trong veo" toả hơi thu "lạnh lẽo". Sương khói mùa thu như bao trùm cảnh vật. Nước ao thu đã trong lại trong thêm, khí thu lành lạnh lại trở nên"lạnh lẽo". Trên mặt nước hiện lên thấp thoáng một chiếc thuyền câu rất bé nhỏ -"bé tẻo teo". Cái ao và chiếc thuyền câu là hình ảnh trung tâm của bài thơ, cũng là hình ảnh bình dị, thân thuộc, đáng yêu của quê nhà. Theo Xuân Diệu cho biết vùng đồng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam có cơ man nào là ao, nhiều ao cho nên ao nhỏ, ao nhỏ thì thuyền câu cũng theo đó mà "bé tẻo teo":
"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo".
Các từ ngữ: "lạnh lẽo", "trong veo","bé tẻo teo" gợi tả đường nét, dáng hình, màu sắc của cảnh vật, sắc nước mùa thu; âm vang lời thơ như tiếng thu, hồn thu vọng về.
Hai câu thơ tiếp theo trong phần thực là những nét vẽ tài hoạ làm rõ thêm cái hồn của cảnh thu:
"Sóng biếc theo làn hơi gợn tí, Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo".
Màu"biếc" của sóng hoà hợp với sắc "vàng" của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Nghệ thuật đối trong phần thực rất điêu luyện, "lá vàng" với "sóng biếc", tốc độ "vèo" của lá bay tương ứng với mức độ "tí" của sóng gợn. Nhà thơ Tản Đà đã hết lời ca ngợi chữ "vèo" trong thơ của Nguyễn Khuyến. Ông đã nói một đời thơ của mình may ra mới có được một câu thơ vừa ý trong bài "Cảm thu, tiễn thu", "Vèo trông lá rụng đầy sân".
Hai câu luận mở rộng không gian miêu tả. Bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời "xanh ngắt" với những tầng mây "lơ lửng" trôi theo chiều gió nhẹ. Trong chùm thơ thu, Nguyễn Khuyến nhận diện sắc trời thu là "xanh ngắt":
"Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
(Thu vịnh)
"Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt".
(Thu ẩm)
"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt".
(Thu điếu)
"Xanh ngắt" là xanh mà có chiều sâu. Trời thu không mây (mây xám), mà xanh ngắt một màu thăm thẳm. Xanh ngắt đã gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá. Thế rồi, ông lơ đãng đưa mắt nhìn về bốn phía làng quê. Hình như người dân quê đã ra đồng hết. Xóm thôn vắng lặng, vắng teo. Mọi con đường quanh co, hun hút, không một bóng người qua lại:
"Ngõ trúc quanh co khách vắng teo".
Cảnh vật êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt. Người câu cá như đang chìm trong giấc mộng mùa thu. Tất cả cảnh vật từ mặt nước "ao thu lạnh lẽo" đến "chiếc thuyền câu bé tẻo teo", từ "sống biếc" đến "lá vàng", từ "tầng mây lơ lửng đến "ngõ trúc quanh co" hiện lên với đường nét, màu sắc, âm thanh,... có khi thoáng chút bâng khuâng, man mác, nhưng rất gần gũi, thân thiết với mỗi con người Việt Nam. Phong cảnh thiên nhiên của mùa thu quê hương sao đáng yêu thế!
Cái ý vị của bài thơ "Thu điếu" là ở hai câu kết:
"Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo".
"Tựa gối ôm cần" là tư thế của người câu cá cũng là một tâm thế nhàn của nhà thơ đã thoát vòng danh lợi. Cái âm thanh "cá đâu đớp động", nhất là từ "đâu" gợi lên sự mơ hồ, xa vắng và chợt tỉnh. Người câu cá ở đây chính là nhà thơ, một ông quan to triều Nguyễn, yêu nước thương dân nhưng bất lực trước thời cuộc, không cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp đã cáo bệnh, từ quan. Đằng sau câu chữ hiện lên một nhà nho thanh bạch trốn đời đi ở ẩn. Đang ôm cần đi câu cá nhưng tâm hồn nhà thơ đang đắm chìm trong giấc mộng mùa thu, bỗng chợt tỉnh trở về thực tại khi "Cá đâu đớp động dưới chân bèo". Cho nên cảnh vật ao thu, trời thu êm đềm, vắng lặng như chính nỗi lòng của nhà thơ vậy - buồn cô đơn và trống vắng.
Âm thanh tiếng cá "đớp động dưới chân bèo" đã làm nổi bật khung cảnh tịch mịch của chiếc ao thu. Cảnh vật như luôn luôn quấn quýt với tình người. Thiên nhiên đối với Nguyễn Khuyến như một bầu bạn tri kỉ. Ông đã trang trải tình cảm, gửi gắm tâm hồn, tìm lời an ủi ở thiên nhiên, ở sắc "vàng" của lá thu, ở màu "xanh ngắt" của bầu trời thu, ở làn "sóng biếc" trên mặt ao thu "lạnh lẽo"...
Thật vậy, "Thu điếu" là một bài thơ tả cảnh ngụ tình rất đặc sắc của Nguyễn Khuyến. Cảnh sắc mùa thu quê hương được miêu tả bằng những gam màu đậm nhạt, những nét vẽ xa gần, tinh tế gợi cảm. Âm thanh của tiếng lá rơi đưa "vèo" trong làn gió thu, tiếng cá "đớp động" chân bèo - đó là tiếng thu dân dã, thân thuộc của đồng quê đã khơi gợi trong lòng chúng ta bao hoài niệm đẹp về quê hương đất nước.
Nghệ thuật gieo vần của Nguyễn Khuyến rất độc đáo. Vần "eo" đi vào bài thơ rất tự nhiên thoải mái, để lại ấn tượng khó quên cho người đọc; âm hưởng của những vần thơ như cuốn hút chúng ta: trong veo - bé tẻo teo - đưa vèo - vắng teo - chân bèo. Thi sĩ Xuân Diệu đã từng viết: "Cái thú vị của bài "Thu điếu" ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi"...
Thơ là sự cách điệu tâm hồn. Nguyễn Khuyến yêu thiên nhiên mùa thu, yêu cảnh sắc đồng quê với tất cả tình quê nồng hậu. Ông là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Đọc"Thu điếu","Thu vịnh","Thu ẩm", chúng ta yêu thêm mùa thu quê hương, yêu thêm xóm thôn đồng nội, đất nước. Với Nguyễn Khuyến, tả mùa thu, yêu mùa thu đẹp cũng là yêu quê hương đất nước. Nguyễn Khuyến là nhà thơ kiệt xuất đã chiếm một địa vị vẻ vang trong nền thơ ca cổ điển Việt Nam.
Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học - mẫu 6
Chào thầy/ cô và các bạn. Mình là A, hôm nay mình sẽ thuyết trình về vấn đề giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân. Cả lớp mình cùng lắng nghe nhé!
Tử tù Huấn Cao là người cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Trước khi chịu án chém, ông bị đưa đến giam tại một nhà tù. Biết trong danh sách có ông Huấn Cao, người nổi tiếng viết chữ đẹp, viên quản ngục đã cho người quét dọn phòng giam nơi Huấn Cao và những người tử tù sẽ ở. Trong những ngày Huấn Cao ở tù, viên quản ngục đã biệt đãi ông và những người đồng chí của ông. Sở nguyện của viên quản ngục là xin được chữ viết của Huấn Cao. Lúc đầu, Huấn Cao tỏ ý khinh miệt, nhưng khi hiểu được tấm lòng viên quản ngục, ông quyết định cho chữ vào cái đêm trước khi bị xử chém. Trong đêm đó, ông Huấn Cao tay viết như rồng bay phượng múa trên tấm lụa bạch còn viên quán ngục và thầy thơ lại thì khúm núm đứng bên cạnh. Sau khi cho chữ, Huấn Cao khuyên viên quản ngục về quê để giữ cho "thiên lương" trong sáng. Viên quản ngục nghe lời khuyên của ông một cách kính cẩn "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".
Chữ người tử tù là truyện ngắn đặc sắc kết tinh được tài năng và tầm vóc tư tưởng của nhà văn của Nguyễn Tuân. Thành công của tác phẩm không chỉ ở việc nhà văn đã xây dựng thành công tình huống truyện độc đáo mà còn bởi những nét đặc sắc về nội dung cũng như nghệ thuật.
Đầu tiên là nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo. Huấn Cao - một tử tù và viên quản ngục tình cờ gặp nhau và trở thành tri âm tri kỉ trong một hoàn cảnh đặc biệt: nhà lao nơi quản ngục làm việc. Tình huống độc đáo này đã làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng Huấn Cao, làm sáng tỏ tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục đồng thời thể hiện sâu sắc chủ đề tác phẩm: ca ngợi cái đẹp, cái thiện có thể chiến thắng cái xấu cái ác ngay ở nơi bóng tối bao trùm, nơi cái ác ngự trị.
Có thể nói, trong truyện ngắn này, nhà văn Nguyễn Tuân đã rất sáng tạo, không kém phần kì công khi xây dựng thành công khung cảnh cho chữ. Đó là cảnh xưa nay chưa từng thấy, cảnh cho chữ diễn ra trong chính ngục thất, nơi Huấn Cao bị giam giữ nhưng được miêu tả hết sức thiêng liêng, cổ kính làm cho cảnh cho chữ tạo ấn tượng sâu sắc hơn cả. Đoạn văn miêu tả cảnh cho chữ đã thể hiện được tài năng bậc thầy của Nguyễn Tuân không chỉ trong việc xây dựng tình huống mà còn ở việc lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, bút pháp đối lập trong tạo dựng cảnh. Thủ pháp đối lập cùng ngôn ngữ tinh tế đã làm cho cảnh cho chữ hiện lên đầy đủ với vẻ đẹp trang trọng, uy nghi, rực rỡ.
Cuối cùng là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Chữ người tử tù xoay quanh hai nhân vật chính là Huấn Cao và viên quản ngục, tuy không miêu tả quá nhiều nhưng nhà văn lại chọn lọc được những khoảnh khắc đắt giá, khi nhân vật bộc lộ được những phẩm chất, vẻ đẹp đặc biệt. Huấn Cao được miêu tả với những nét tính cách ấn tượng, đó là người anh hùng ngang tàng, kiêu bạc có tài năng hơn người nhưng cũng là người nghệ sĩ có tâm trong sáng. Viên quản ngục là đại diện của triều đình phong kiến nhưng ở ông lại có biệt nhỡn liên tài, có thiên lương trong sáng, đáng quý có thể lay động lòng người.
Qua Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân không chỉ tái hiện một câu chuyện đặc sắc mà còn thể hiện được thái độ trân trọng đối với người tài, cái tài, đồng thời thể hiện quan niệm và tư duy nghệ thuật đầy sâu sắc: cái tài phải gắn liền với cái tâm, cái đẹp phải đi đôi với cái thiện và thiên lương cao quý.
Bài nói của mình đến đây là kết thúc. Cảm ơn thầy/ cô và các bạn đã chú ý lắng nghe và mình rất mong sẽ nhận được lời góp ý, nhận xét của cả lớp để bài nói được hoàn thiện hơn.
Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học - mẫu 7
Xin chào cô và các bạn, em tên là Hà Nhi. Trong tiết thực hành Nói và nghe ngày hôm nay, em xin được giới thiệu, đánh giá tác phẩm "Chiếc lá đầu tiên". Em mong cô và các bạn sẽ chú ý theo dõi bài trình bày của em.
Các bạn thân mến, không phải ngẫu nhiên nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm được mệnh danh là "nhà thơ của học sinh". Các tác phẩm của ông thường viết về kỉ niệm tuổi trẻ, tình yêu với giọng điệu tươi vui, sôi nổi. Ông được biết đến nhiều nhất với bài thơ "Chiếc lá đầu tiên" in trong tập "Xúc xắc mùa thu" năm 1992. Bài thơ ra đời năm 1971 nhưng phải đến mười năm sau mới được hoàn thiện.
Tác phẩm là kỉ niệm da diết của nhân vật trữ tình về một thời học sinh tươi đẹp. Bài thơ này gồm tám khổ. Hai khổ thơ đầu là cảm xúc tiếc nuối về thuở ấu thơ của nhân vật trữ tình. Chủ thể trữ tình hỏi nhưng không cần người trả lời "Em thấy không, tất cả đã xa rồi". Hỏi "em" nhưng có thể là hỏi chính mình. Câu thơ khẳng định tất cả đã qua đi, thời gian vẫn cứ chảy trôi không ngừng "Trong tiếng thời gian rất khẽ". Thời ấu thơ qua đi, không một lần ngoảnh lại "Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế" khiến nhân vật trữ tình ngỡ ngàng, luyến tiếc.
Ở khổ thơ thứ hai, cảm xúc nhân vật trữ tình như trôi về mùa hạ năm ấy, về lần đầu biết yêu. Tác giả sử dụng các hình ảnh quen thuộc, gắn liền với tuổi học trò như "hoa súng", "chùm phượng", "tiếng ve" để làm sống lại những kỉ niệm thuở cắp sách tới trường. Tuy nhiên, kỉ niệm ấy không hề tươi vui, rộn rã khi hè về mà chất chứa sự chia li, xa cách. Bởi khi phượng đỏ, ve kêu cũng là lúc học sinh phải rời xa mái trường. Chính vì thế, nhân vật trữ tình mới thấy tiếng ve thật "vô tâm". Khoảnh khắc chia xa cũng là lúc tình yêu chớm nở, là lúc con người ta biết yêu thương, trân trọng những tháng ngày ngồi trên giảng đường "Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu".
Bốn khổ thơ tiếp theo, nhân vật trữ tình bộc lộ nỗi nhớ thương da diết đối với mái trường, thầy cô năm xưa. Phép điệp từ "nhớ" ở khổ 4, từ "cứ" ở khổ 6; điệp ngữ "nỗi nhớ" ở khổ 4; điệp cấu trúc "muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu" ở khổ 3; "những chuyện năm nao, những chuyện năm nào" ở khổ 6 đã diễn tả ấn tượng sâu đậm về tuổi học trò. Đồng thời, nhấn mạnh vào nỗi xúc động, trào dâng của nhân vật trữ tình khi nghĩ về mái trường xưa. Nỗi nhớ về trường, lớp dâng trào trong tâm tưởng của nhân vật tôi "Bạn có nhớ trường nhớ lớp, nhớ tên tôi". Cuộc trò chuyện tươi vui giữa học sinh và cảm xúc về không khí lớp học được thể hiện rõ nhất ở khổ thứ năm. Đến với khổ sáu, nhân vật trữ tình bày tỏ niềm mong ước "Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm" khi chứng kiến sự trôi chảy của thời gian.
Đến hai khổ thơ cuối, nhân vật bộc lộ sự tiếc nuối về một thuở đã qua. Chủ thể trữ tình khẳng định "Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên/ Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ". Câu thơ mang vẻ luyến tiếc của nhân vật về những tháng ngày nô đùa, nghịch ngợm khi đi học. Để rồi khi chia xa, "chỉ lo ngoảnh lại', "không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên".
Có thể nói, các biện pháp nghệ thuật như nhân hóa "Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế", "Con ve tiên tri vô tâm báo trước,..., phép điệp "cứ", "Nỗi nhớ"...., cùng hình ảnh trong sáng, quen thuộc, từ ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm đã góp phần thể hiện nội dung của tác phẩm. Bài thơ đã đưa người đọc trở về với thời "áo trắng tung bay" trên sân trường với những cảm xúc về lần đầu biết yêu.
Bài trình bày của em đến đây là kết thúc, em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học - mẫu 8
Em xin chào cô và các bạn. Sau đây, em sẽ trình bày về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm "Tây Tiến".
Có thể nói, "Tây Tiến" là bài thơ đặc sắc nhất của nhà thơ Quang Dũng. Thi phẩm được sáng tác vào năm 1948, khi Quang Dũng đang nhận nhiệm vụ ở Phù Lưu Chanh. Suốt một thời gian dài, bài thơ ít được nhắc đến vì bị coi là còn rơi rớt chất lãng mạn tiểu tư sản. Chỉ đến khi đổi mới, bài thơ mới được khôi phục vị trí xứng đáng trong nền thơ hiện đại. Bài thơ gồm 4 đoạn và được liên kết bởi nỗi nhớ da diết của nhà thơ Quang Dũng về đồng đội, về những năm tháng chiến đấu, gắn bó cùng đoàn quân Tây Tiến.
Khổ đầu tiên là nỗi nhớ về những chặng đường hành quân giữa khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, nên thơ. Hai dòng thơ đầu, nhà thơ trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ về đoàn quân Tây Tiến "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi". Từ láy "chơi vơi" đã diễn tả nỗi nhớ khó nắm bắt, khó diễn tả bằng lời. Cũng trong khổ thơ này, bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hiện lên thật dữ dội, hùng vĩ thông qua các hình ảnh, từ ngữ như "sương lấp đoàn quân mỏi", "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm", "Heo hút cồn mây súng ngửi trời", "ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống", "thác gầm thét", "cọp trêu người". Không phải lúc nào thiên nhiên cũng đáng sợ, dữ dội như thế. Có lúc, Tây Bắc hiện lên thật đẹp và trữ tình với hình ảnh "hoa về trong đêm hơi" và "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi".
Những kỉ niệm của đêm liên hoan và hình ảnh huyền ảo, thơ mộng của thiên nhiên được tác giả thổ lộ trong khổ thơ thứ hai. Sau những giờ chiến đấu căng thẳng, những người lính cùng nhau vui liên hoan. Tiếng khèn vang lên đầy say sưa, "e ấp" khiến lòng người cũng say đắm, si mê. Đặc biệt, khung cảnh sông nước, con người vùng Tây Bắc hiện lên thật thơ mộng trữ tình với "dáng người trên độc mộc" và "dòng nước lũ hoa đong đưa".
Không chỉ nhớ về đêm liên hoan, nhà thơ còn nhớ về người lính Tây Tiến. Họ mang vẻ đẹp vô cùng bi tráng. Những cơn sốt rét rừng khiến đầu họ trọc lốc. Mặc dù sống và chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn nhưng người lính vẫn mạnh mẽ, kiên trung "Quân xanh màu lá dữ oai hùm". Kết thúc bài thơ, Quang Dũng thể hiện nỗi nhớ sâu lắng với lời thề gắn bó cùng đoàn quân Tây Tiến. Cả đoàn quân Tây Tiến cùng chung một lí tưởng, tự nguyện chiến đấu, xả thân cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Câu thơ "Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi" vừa diễn tả sự hi sinh của những người lính vừa khẳng định tình cảm dành cho đồng đội, dành cho Tây Tiến của tác giả.
Với biện pháp tu từ độc đáo như nhân hóa, ẩn dụ cùng từ ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm, lời thơ giàu nhịp điệu, nhà thơ Quang Dũng đã thể hiện tình cảm yêu thương, mong nhớ đối với đồng đội. Đọc bài thơ, chúng ta càng thêm cảm phục tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của người lính cụ Hồ phải không nào?
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học - mẫu 9
Chào cô và các bạn, em xin tự giới thiệu em là Minh Hoa. Hôm nay, em xin được giới thiệu đến cô và các bạn truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan" của nhà văn Thạch Lam. Đây là tác phẩm độc đáo cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Kính mong cô và các bạn cùng lắng nghe.
Khi đọc về tác phẩm, nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận xét rằng: "Cái bóng cây đã có hoa thơm ở đây, dưới ngòi bút Thạch Lam cũng đóng một vai nhân vật. Nhân vật cây - cỏ - hoa ấy đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm lành". Quả đúng là như vậy, thưởng thức truyện ngắn của ông, độc giả được trở về với quê hương thanh bình, với tình cảm gia đình thân thương, gắn bó. Những điều ấy được khúc xạ, soi chiếu qua cảm nhận của nhân vật Thanh.
Khi vừa trở về nhà, bước chân vào khu vườn của bà, Thanh xúc động không thể nói thành lời. Anh cảm thấy "mát hẳn người", cảm thấy "Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa". Có lẽ, không gian khu vườn chính là hiện thân của bà, của tình yêu thương. Ở nơi ấy, anh được che chở, yêu thương. Đó là điều mà thế giới ngoài kia không có được.
Chắc chắn khi chúng ta gặp lại người thân yêu sau thời gian dài xa cách, chúng ta sẽ rất vui sướng phải không nào? Anh Thanh trong câu chuyện cũng như vậy. Thanh cảm động, mừng rỡ khi gặp lại bà. Chi tiết Thanh đi bên bà, "người thẳng, mạnh, cạnh bà cụ gầy còng" thật đặc biệt. Dường như có sự đối lập ở đây. Tuy nhiên, khoảng cách ấy không khiến anh trở nên xa cách mà thấy thật nhỏ bé khi bên cạnh bà. Cảm nhận được tình yêu thương của bà, Thanh vô cùng xúc động, "gần ứa nước mắt". Nhìn về cây hoàng lan trong vườn, những kí ức thuở thơ ấu hiện về trong tâm trí anh. Thanh cảm thấy lòng mình tươi mát, hạnh phúc biết bao.
Về lần này, tâm hồn anh cũng được tưới tắm bởi tình yêu chớm nở với Nga. Nghe thấy điệu cười quen thuộc, anh chưa thể nhớ ra. Chỉ đến khi nhìn thấy bóng hoàng lan, anh mới nhận ra cô bé Nga ngày trước. Đi bên cạnh Nga trong vườn, Thanh cũng ngại ngùng, e ấp, anh cảm nhận được mùi hoàng lan thoang thoảng trong làn tóc Nga. Đứng trước câu hỏi của Nga, anh bối rối không nói, chỉ vít cành lan cho Nga hái hoa. Vào buổi tối cuối cùng ở lại quê, cảm xúc thương yêu dâng trào trong tâm trí anh. Thanh cầm tay Nga, để yên trong tay mình và cảm thấy "có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây".
Trong buổi sáng lên tỉnh, Thanh cảm thấy bâng khuâng, lưu luyến. Anh nghĩ đến căn nhà nơi có hình bóng bà thân quen. Anh biết Nga vẫn sẽ chờ, sẽ mong anh như trước.
Nghệ thuật viết truyện của Thanh Lam đằm thắm mà tinh tế, tất cả như lắng sâu vào bên trong. Thạch Lam luôn đi sâu vào nội tâm, tìm vào cảm giác của nhân vật. Chính bởi vậy, trang văn của ông nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu sắc. Tác giả đã khiến người đọc gác lại những bộn bề, lo toan để tìm về gia đình thân thuộc. Từ đó, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng, yêu quý gia đình hơn.
Bài thuyết trình của em đến đây là hết. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học - mẫu 10
Xin chào cô và các bạn. Khi nhắc đến tình mẫu tử trong thơ, em liền nghĩ ngay đến bài thơ "Nắng mới". Tác giả Lưu Trọng Lư khiến em vô cùng xúc động trước tình cảm yêu thương mà ông dành cho mẹ. Cảm xúc chủ đạo của văn bản là nỗi nhớ mẹ tha thiết.
Mỗi lần nhìn thấy nắng mới hắt qua song cửa, những kí ức ngày thơ lại hiện về trong tâm trí của nhân vật trữ tình. "Tôi" mang một nỗi u hoài, nhớ lại những ngày xưa. Từ láy "chập chờn" thể hiện những hình ảnh quá khứ cứ hiện dần lên trong tâm trí, lúc ẩn, lúc hiện.
Đến khổ thứ hai, nhân vật trữ tình bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ mẹ. Thật khác với hình ảnh nắng mới hiu hắt, ảm đạm hắt qua song cửa. Nắng mới ở khổ hai lại hân hoan, "reo" vui ở ngoài nội. Hình ảnh người mẹ hiện lên đầy nhẹ nhàng, gắn liền với "màu áo đỏ" và lưng giậu. Vì còn mẹ nên trong tâm trí của đứa trẻ lên mười, không khí đồng nội mới tươi vui, ngập tràn sức sống đến như thế.
Đến khổ thơ thứ ba, hình ảnh người mẹ đã hiện rõ nét hơn qua cảm nhận của nhân vật trữ tình. Câu thơ "Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ" như một lời khẳng định chắc nịch về việc hình dáng mẹ vẫn in sâu trong trí nhớ của nhân vật tôi. Mẹ hiện lên với nét cười duyên dáng. Nắng trưa hè khiến hàm răng đen tỏa sáng lấp lánh. Mẹ mang vẻ đẹp dịu dàng, tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Với ngôn từ giản dị, mộc mạc, giàu sức gợi hình, gợi cảm cùng giọng điệu tha thiết, dạt dào, chan chứa tình yêu thương, nhà thơ Lưu Trọng Lư muốn bày tỏ tình yêu thương vô bờ đối với mẹ. Qua bài thơ, ông còn muốn gửi đến người đọc thông điệp về tình mẫu tử thiêng liêng, sâu sắc.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 10 hay khác:
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội
- Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch
- Giới thiệu, đánh giá nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch
- Viết bài luận về bản thân
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:
- Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo (hay nhất)
- Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo (ngắn nhất)
- Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo (siêu ngắn)
- Giải Chuyên đề học tập Văn 10 Chân trời sáng tạo
- Giải lớp 10 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 10 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 10 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 10 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 10 (ngắn nhất) - CTST
- Soạn văn 10 (siêu ngắn) - CTST
- Giải Toán 10 - CTST
- Giải Tiếng Anh 10 Global Success
- Giải Tiếng Anh 10 Friends Global
- Giải sgk Tiếng Anh 10 iLearn Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 10 Explore New Worlds
- Giải sgk Vật lí 10 - CTST
- Giải sgk Hóa học 10 - CTST
- Giải sgk Sinh học 10 - CTST
- Giải sgk Địa lí 10 - CTST
- Giải sgk Lịch sử 10 - CTST
- Giải sgk Kinh tế và Pháp luật 10 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 10 - CTST