Top 30 Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội
Tổng hợp trên 30 bài trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 1)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 2)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 3)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 4)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 5)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 6)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 7)
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 1
Em chào cô và các bạn. Tên em là ... Trong tiết học ngày hôm nay, em xin trình bày bài nói thuyết phục người khác từ bỏ thói quen xả rác, chất thải không đúng nơi quy định.
Các bạn thân mến, Bộ Tài nguyên và Môi trường từng đưa ra một thống kê như sau "Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp". Đây đều là những con số biết nói, phản ánh chân thực hiện trạng xả rác, chất thải không đúng nơi, đúng chỗ.
Dù là thành phố hay nông thôn, miền ngược hay miền xuôi, việc người dân ngang nhiên vứt rác khắp mọi nơi đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Cứ chỗ nào thuận tiện là họ sẵn sàng xả rác ở đó, miễn sao nhà cửa của mình luôn sạch bóng. Chính kiểu tư duy chỉ biết nghĩ về mình như này đã làm môi trường ngày càng ô nhiễm.
Có thể nói, thói quen xả rác, chất thải không đúng nơi quy định mang đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trước hết, nó gây ảnh hưởng xấu tới các môi trường như đất, nước, không khí. Một số loài động vật, thực vật bị đe dọa sự sống, làm mất cân bằng đa dạng sinh học và tác động nặng nề đến tự nhiên. Tiếp đó, chúng ta phải đối mặt với các căn bệnh nguy hiểm: ung thư, tổn thương gan,... Tất cả những điều này đều bắt nguồn từ việc xả thải không đúng chỗ, khiến môi trường ô nhiễm nặng nề.
Nếu chúng ta có thể từ bỏ được thói quen xấu này thì không gian sống sẽ trở nên trong lành, xanh - sạch - đẹp. Con người cũng tránh khỏi mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa,... Cuối cùng, cuộc sống sẽ ngày càng tươi đẹp, văn minh hơn.
Để từ bỏ thói quen, mỗi người cần tự nâng cao ý thức về việc bảo vệ môi trường. Đồng thời, rèn cho bản thân thói quen phân loại và tái chế rác thải. Hãy chung tay, gắn kết với cộng đồng để giữ gìn nơi ở của chính mình.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý theo dõi, lắng nghe.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 2
Em chào cô và các bạn. Em là …. Hôm nay, trong tiết thực hành Nói và nghe, em xin được trình bày bài nói thuyết phục người khác từ bỏ quan niệm xem văn chương là phù phiếm. Kính mời cô và các bạn theo dõi, lắng nghe.
Trước hết, mình sẽ giải thích thế nào là phù phiếm. Theo mình, phù phiếm nghĩa là viển vông, xa rời thực tế và không thiết thực. Vậy, nói "văn chương là phù phiếm" có hoàn toàn đúng hay không? Như mọi người đã biết, thông qua những sáng tác của mình, các tác giả không chỉ phản ánh xã hội, cuộc sống và còn khéo léo gửi gắm bài học, thông điệp ý nghĩa. Ví như đọc truyện cổ tích, ta hiểu hơn về lẽ sống "ở hiền gặp lành", "ác giả ác bảo". Hay như đọc các sáng tác trong thời kì chống Pháp, Mĩ, độc giả sẽ có cái nhìn chân thực, cụ thể về hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ.
Nhà phê bình Hoài Thanh từng khẳng định "Cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần" hay nhà văn Peter Handke cũng nhấn mạnh "Văn chương bảo vệ tâm hồn". Có thể nói, văn chương đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống con người. Việc chúng ta coi văn chương là thứ viển vông sẽ mang đến nhiều tác hại. Trước hết, nó khiến con người đánh mất và hoàn toàn phủ nhận chức năng nhận thức, giáo dục của văn học. Tiếp đến, nếu không có văn chương, chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi, nghèo nàn về tâm hồn và tinh thần. Đồng thời, mất đi cái nhìn toàn diện về cuộc sống xung quanh.
Từ bỏ quan niệm "xem văn chương là phù phiếm", con người sẽ thu nhận được nhiều thứ tốt đẹp. Chúng ta có cơ hội trải nghiệm cuộc sống, khám phá vô vàn điều mới lạ thông qua các tác phẩm văn học. Nhờ văn chương, chúng ta hiểu hơn về số phận, tâm hồn con người. Không chỉ vậy, văn chương còn hướng mỗi cá nhân tới cái thiện, cái đẹp; đem lại niềm vui trong sáng, thánh thiện.
Để từ bỏ được quan niệm này, chúng ta cần nhanh chóng thay đổi suy nghĩ, nhận thức về văn học nghệ thuật. Hãy tự tìm đọc một số tác phẩm để có cảm hứng, hứng thú. Từ đó, ghi lại những điều bản thân thấy ấn tượng. Mỗi người nên nuôi dưỡng cho mình một tâm hồn, tấm lòng biết cảm nhận cái hay, cái đẹp.
Bài trình bày của em đến đây là hết. Em rất mong sẽ nhận được ý kiến đóng góp từ mọi người để bài nói thêm hoàn thiện. Cảm ơn cả lớp đã lắng nghe.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 3
Xin kính chào thầy cô và các bạn, tôi là…, học sinh lớp…, trường… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến của mình về thói ích kỉ trong cuộc sống.
Như chúng ta đã biết, mỗi con người sinh ra là một cá thể khác biệt, có những nét tính cách khác nhau. Chúng ta phải hoàn thiện bản thân từng ngày để trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên có nhiều đức tính khiến cho bản thân mình trở nên đáng trách, một trong số đó chính là tính ích kỉ.
Vậy tính ích kỉ là gì? Ích kỷ có thể hiểu là chỉ sống cho bản thân mình, lo cho bản thân mình, còn người khác thì mặc kệ, không quan tâm. Những người sống ích kỷ thường chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, thua thiệt như thế nào.
Biểu hiện của tính ích kỷ trong mỗi con người rất rõ nét. Họ sẽ luôn sống trong tư thế không chịu mở lòng, làm việc gì cũng phải tính toán hơn thua với người khác, nếu thấy lợi về mình thì mới làm còn ngược lại thì thôi. Ích kỉ là một lối sống tiêu cực, không chỉ bào mòn bản chất của chính mình mà còn ảnh hưởng đến xã hội.
Những người chỉ lo đến mình, khư khư giữ lấy lợi ích của riêng mình luôn phải sống trong cái vỏ bọc mà họ tạo ra, rất kín đáo. Chúng ta không thể chui vào đó được, vì hàng rào rất chắc chắn, họ sẽ ít mở lòng, ít hòa đồng và hơn hết là khi nào thấy có lợi ích thì mới làm.
Trong một lớp học, sự ích kỷ biểu hiện rất rõ nét. Khi mình học giỏi hơn bạn, nhưng bạn hỏi về bài toán thì lại bảo không biết, chưa làm được. Đây là một hành động không nên. Và chúng ta nên hạn chế, đừng để nó xảy ra trong cuộc sống của mình. Vì làm như thế chúng ta sẽ bị họ xa lánh, bị bạn bè nói này nói nọ. Bản thân bạn càng ngày càng có thêm thói quen xấu.
Lòng ích kỷ còn có biểu hiện khác, không kém phần sắc nét. Những người có sẵn tính ích kỷ trong người thường né tránh những việc khó khăn, thử thách. Họ sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, vì ngại khó khăn gian khổ, chỉ muốn được hưởng thụ quyền lợi. Có thể họ làm được lần đầu tiên nhưng sẽ không có lần thứ 2 và thứ 3 vì mọi người đã biết tính cách của bạn xấu xa như thế nào.
Một người luôn mơ ước có cái này cái kia, thành ông này ông nọ nhưng lại ngại khó khăn, gian khổ, luôn toan tính để đạt được mọi việc bằng thủ đoạn thì chẳng mấy chốc lâu đài cát ấy sụp đổ.
Hậu quả của tính ích kỉ thật khó lường. Bị mọi người xa lánh, và chính bản thân mình cũng không bao giờ có thể phát triển được. Vì ích kỷ nên khi bạn gặp khó khăn thì chỉ một mình bạn vượt qua, không có bạn bè, không có ai bên cạnh. Bạn gieo nhân nào thì gặp quả đấy. Đó chính là luật nhân quả mà bạn phải biết để có thể hoàn thiện bản thân mình từng ngày.
Nếu xã hội có rất nhiều người như vậy thì chắc chắn rằng xã hội đó sẽ không bao giờ phát triển được.
Bởi vậy để có thể mang lại một xã hội tốt đẹp cũng như giúp bạn có thể hoàn thiện mình hơn thì hãy vứt bỏ tính ích kỉ, không ngừng rèn luyện bản thân bằng cách giúp đỡ mọi người, quan tâm đến mọi người. Như thế bạn đang tự xây dựng một con người tốt đẹp cho mình.
Trên đây là phần trình bày của tôi, xin chân thành cảm ơn quý thầy cô và các bạn đã lắng nghe.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 4
Mỗi người có những ước mơ, khát vọng và hoài bão khác nhau. Để thực hiện được ước mơ đó đòi hỏi con người phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Tuy nhiên, cũng có nhiều người sống với thói quen trì hoãn công việc của bản thân và của tập thể, điều này mang đến nhiều tác hại to lớn đối với con người.
Công việc là những mục tiêu, dự định, hành động đặt ra trước mắt mà chúng ta cần thực hiện. Còn trì hoãn là kéo dài, làm gián đoạn tiến độ công việc. Thói quen trì hoãn công việc đang là một trong những thói quen chưa tốt của con người trong việc thực hiện những mục tiêu công việc. Thói quen này khiến cho công việc không được hoàn thành đúng tiến độ, kết quả công việc không cao và dễ dẫn đến thất bại. Thói quen trì hoãn có thể mang đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống của con người, trước hết nó hình thành tâm lý ỷ lại, lười biếng, không phát huy được sự cố gắng, nỗ lực, kĩ năng giải quyết, xử lý mọi việc cũng bị giảm sút đáng kể. Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và kết quả của công việc, trì hoãn khiến ta không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn. Việc trì hoãn còn khiến cho con người bỏ lỡ những cơ hội, những điều kiện tốt để phát triển và khẳng định giá trị của bản thân. Thói quen trì hoãn công việc còn làm nảy sinh tính bê trễ, thiếu kỉ luật, trách nhiệm với bản thân cũng như với công việc được giao. Trì hoãn là thói quen không tốt làm chúng ta cần nhận thức và thay đổi nếu như muốn phát triển và hoàn thiện bản thân, đừng tạo điều kiện cho sự lười biếng và những suy nghĩ thiếu quyết đoán phát triển, đừng để thói quen trì hoãn trở thành vật cản đường trong hành trình đến với thành công.
Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, thời gian trôi đi thì không lấy lại được, hãy sống hết mình, làm việc thật chăm chỉ, hoàn thành công việc thật tốt để thu về nhiều thành quả cho bản thân cũng như cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 5
Xin kính chào thầy cô và các bạn, tôi là…, học sinh lớp…, trường… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến của mình về thói quen vứt rác bừa bãi trong cuộc sống.
Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường chính là thói quen xấu vứt rác bừa bãi. Vậy chúng ta có suy nghĩ về hiện tượng này và làm cách nào để ngăn chặn thói quen vứt rác bừa bãi?
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu được rác thải là gì? Rác thải hay chất thải là bất kể những thứ gì con người vứt đi, không sử dụng nữa và thải ra ngoài môi trường như vỏ lon, túi nilon, bao bì, thức ăn thừa... Có rất nhiều loại rác thải nào là rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải nông nghiệp, rác thải xây dựng, y tế, chúng ta có thể bắt gặp rác ở bất kì đâu xung quanh môi trường sống. Vậy hiện tượng vứt rác bừa bãi chính là vứt rác không đúng nơi quy định, không đúng chỗ, gây nên ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, vứt rác bừa bãi trở thành một thói quen xấu. Chúng ta có thể bắt gặp hiện tượng ở những nơi công cộng như là bệnh viện, nhà trường, các danh lam thắng cảnh không khó để bắt gặp những đống rác, những túi rác vứt bừa bãi. Ngồi bên hồ, dù là hồ đẹp nổi tiếng, nhiều người cũng tiện tay vứt rác xuống nào là chai nước vừa uống xong, hay khẩu trang, vỏ kẹo bánh. Trên đường phố, vẫn còn những cá nhân không cần để ý tới ai, nếu có rác tiện cứ thế là xả rác ra. Ngay cả ở cơ quan, trường học, công viên- những nơi có nội quy, quy định chặt chẽ vậy mà cũng có rác vứt lung tung. Hoặc bãi biển- nơi mọi người vui chơi, ngụp lặn trong dòng nước mát lành lại nổi lềnh bềnh những túi nilon, bỏ bim bim... Không chỉ ở đô thị, khu du lịch, thăm quan mà ở các vùng nông thôn vỏ thuốc sâu sau khi dùng xong, ngang nhiên vứt ra mương máng, trên bờ ruộng, thậm cả chai lọ thủy tinh vứt ngổn ngang ở đường đi, ở ruộng đồng hay ven đầm hồ. Tóm lại, ở bất cứ đâu chúng ta cũng rất dễ dàng thấy người dân vứt rác lung tung. Đây là một thói quen xấu, một thực trạng đáng buồn trong cuộc sống chúng ta hiện nay.
Chính những hành động vứt rác bừa bãi của con người sẽ gây nên hậu quả khôn lường. Trước hết, vứt rác không đúng nơi quy định sẽ làm mất đi vẻ đẹp mĩ quan đồng thời gây nên hiện tượng ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước và không khí của con người. Chắc hẳn chúng ta đã từng xem các phóng sự, đọc nhiều bài báo viết về dòng sông Tô Lịch ở Hà Nội với hình ảnh đầy rác thải, nước đen ngòm. Thì thoạt nhìn chúng ta còn ngỡ đó không phải là dòng sông mà lầm tưởng đó nơi con người chứa rác thải. Thực tế đó khiến chúng ta thấy thật đáng buồn cho ý thức của con người đã biến một dòng sông mất đi vẻ đẹp vốn có của nó, để thay vào đó là hình ảnh dòng sông đầy rác thải và gây ô nhiễm môi trường sống. Hoặc ở một số vùng nông thôn vẫn còn hiện tượng một số người còn chưa có ý thức đến mức mang xác súc vật chết như chó, mèo, chuột, gia cầm như gà, vịt ném xuống hồ, ao, sông rạch và ra đường.
Thứ hai, việc vứt rác bừa bãi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, gây ra nhiều dịch bệnh nhất là các bệnh truyền nhiễm. Những bãi rác cũng là nơi trú ẩn của nhiều loài ruồi, muỗi, sinh vật kí sinh, tiềm tàng khả năng lây bệnh cho con người.
Thứ ba, việc vứt rác bừa bãi nếu không được quán triệt sẽ gây nên một thói quen xấu cho thế hệ tương lai. Có rất nhiều người nhất là các bạn trẻ có thói quen ăn xong một que kem hay một chiếc kẹo, người ta vứt que, vứt giấy xuống đất. Uống xong một lon nước ngọt hay một chai nước suối, vứt lon, vứt chai ngay tại chỗ vừa ngồi mặc dù thùng rác để cách đó rất gần. Tuy vậy, họ vẫn thản nhiên, vô tư không có gì áy náy. Thậm chí khi ăn xong một tép kẹo cao su, họ cũng không mang đến thùng rác mà vo tròn rồi trét lên ghế đá và cứ thế bỏ đi chỗ khác. Hơn nữa, việc vứt rác thải xả bừa bãi ở nơi công cộng gây khó khăn cho nhân viên vệ sinh trong việc thu gom và xử lí gây tốn nhiều tiền của nhà nước.
Hiện tượng vứt rác bừa bãi là một thực trạng đáng buồn ở trường học. Ở trong lớp học, học sinh khi dùng xong đồ ăn thường bỏ rác vào ngăn bàn học dù bất kì lớp học nào cũng đều có thùng rác. Tuy nhiên, sự thản nhiên xả rác quen thuộc đến nỗi nhiều khi trẻ em cho rằng đó là điều đương nhiên và không có gì đáng chê trách. Một hiện tượng khác cũng rất hay xuất hiện ở trường học đó là học sinh thường vứt rác qua cửa sổ phòng học nếu sát bên cạnh là vườn hoa, sân thể dục. Bạn có thể tìm bất cứ góc khuất cạnh cửa sổ nào đó, vườn hoa hay sân cỏ đầy túi sữa, túi nilon được thả xuống. Có thể nói rằng vứt rác bừa bãi không chỉ là thói quen xấu mà còn gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường và đời sống con người. Đây là hành động sai, chúng ta cần lên án và phê phán để hạn chế chấm dứt tình trạng vứt rác bừa bãi.
Hành động vứt rác bừa bãi bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của chính bản thân con người. Họ không hiểu hết những hậu quả mà xả rác bừa bãi gây ra, đồng thời ỷ lại vào những người có nhiệm vụ dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Và nhiều người thì lại nghĩ nơi công cộng không phải là trách nhiệm của bản thân mình. Một số khác thì chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, không muốn nhà mình, nơi mình ở bị bẩn nên cứ vứt rác, đổ rác không đúng nơi quy định. Nguyên nhân tiếp theo phải kể đến là do lượng thùng rác ở nơi công cộng Việt Nam chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu xả rác vô cùng lớn của người dân khiến cho rác thải vứt bừa bãi. Bên cạnh đó, việc xử lí vi phạm đổ rác thải bừa bãi còn nhẹ, chưa thường xuyên nên người dân không nghiêm túc chấp hành. Trong các nguyên nhân đã nêu trên, thì ý thức con người là nguyên nhân quan trọng nhất, mỗi người cần phải thay đổi nhận thức, cách nghĩ sống có trách nhiệm thì mới góp phần loại bỏ được thói quen xả rác bừa bãi như hiện nay.
Để ngăn ngừa thói quen vứt rác bừa bãi thì chúng ta cần có những giải pháp thiết thực, hữu hiệu cụ thể . Trước tiên là mỗi người hãy tự nâng cao ý thức về hành vi của mình, bỏ rác đúng nơi quy định, đồng thời nhắc nhở nếu thấy người nào có ý định xả rác bừa bãi. Và các tổ chức, cơ quan chính quyền cần có các biện pháp tuyên truyền cho mọi người hiểu về hậu quả của xả rác bừa bãi cũng như ô nhiễm môi trường, thường xuyên vận động người dân tham gia các chiến dịch bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh làng xóm. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần đầu tư xây dựng những khu xử lí rác thải tân tiến, hiện đại, có đội thu gom để rác không còn tập trung một chỗ. Đồng thời, khi xử lí rác thải nên được phân loại để tái chế, làm phân bón cho cây xanh, hạn chế tối đa việc thải ra môi trường. Đối với những hộ chăn nuôi, làm hầm bi ô gas là một cách hữu ích để tận dụng chất thải động vật, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường. Và ở mỗi nơi công cộng cần có những biển báo đổ rác thải, bố trí thùng rác hợp lí cũng như có những hình phạt thích đáng với những trường hợp xả rác bừa bãi.
Còn đối với cá nhân từng học sinh để khắc phục cũng như phòng ngừa việc xả rác trong trường học thì việc cần thiết hiện nay là cần tăng cường ý thức, trách nhiệm của mỗi học sinh, giáo viên trong nhà trường về việc vứt rác đúng nơi quy định kể cả những thứ nhỏ nhất.
Có thể khẳng định rằng, việc vứt rác bừa bãi ra đường, khu dân cư và nơi công cộng không chỉ là việc của một cá nhân mà nó còn ảnh hưởng đến môi trường, đến chất lượng cuộc sống của tất cả chúng ta. Vì thế, cá nhân hãy hãy hành động dù là nhỏ để hạn chế rác thải cũng như để trở thành người có ích cho đất nước, cho xã hội.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 6
Bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, cốt cách, tình cảm, lý trí, sức mạnh của dân tộc, tạo nên chất keo kết nối các cộng đồng người gắn bó, đoàn kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những động lực to lớn đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia dân tộc.
Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành, phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn, tâm lý… của một dân tộc, được thường xuyên hun đúc, bổ sung và lan tỏa trong lịch sử dân tộc, trở thành tài sản tinh thần đặc sắc, tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng và để phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng nhân loại.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực còn có mặt tiêu cực của nó đó là nguy cơ xói mòn, phai nhạt và biến dạng hệ thống giá trị trong bản sắc văn hóa dân tộc, sự ru nhập của lối sống tư sản, suy giảm thuần phong mĩ tục, sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Thanh niên là lực lượng xung kích, sáng tạo có vai trò quan trọng to lớn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, họ là lực lượng trực tiếp tham gia bảo vệ, giữ gìn, bổ sung, phát triển và quảng bá những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc thực hiện nội dung, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, để phát huy vai trò của thanh niên với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay chúng ta phải thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:
Những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được xây dựng và ghi nhận bởi những chiến công hi sinh thầm lặng của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Nó là kết tinh những gì là tinh túy nhất của dân tộc để rồi chính những giá trị đó lại lung linh tỏa sáng, soi sáng con đường chúng ta đi. Không chỉ bây giờ mà mãi mãi về sau những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc sẽ là hành trang, động lực để cho thanh niên Việt Nam chúng ta tiến vào kỷ nguyên mới tô thắm nên truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 7
Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường.........
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Đó là đôi câu đối thân quen khi nói về những nét đặc trưng nhất trong ngày Tết nguyên đán của người Việt từ bao đời nay. Trong đó, chiếc bánh chưng xanh đã trở thành biểu tượng ẩm thực truyền thống mỗi dịp Tết của cả dân tộc và được bạn bè khắp năm châu biết đến. Bánh chưng không chỉ là món ăn mà còn là mang rất nhiều ý nghĩa đậm chất dân tộc ngày tết. Cùng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của những món bánh này bạn nhé!
Trong tâm thức người Việt, chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé không còn đơn thuần là món ăn mà đã trở thành nét đẹp của con người Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh. Là một món ăn truyền thống của người Việt, bánh chưng được ví như linh hồn của bữa cơm ngày trọng đại, đặc biệt là ngày tết. Bánh chưng được người Việt sáng tạo ra gắn liền với sự tích bánh chưng bánh giầy. Theo truyền thuyết, bánh chưng bánh dầy có từ thời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân. Vua muốn truyền ngôi cho con, nhân dịp đầu xuân, mới hội các con mà bảo rằng: “Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ dâng cúng tổ tiên có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”.
Lang Liêu – người con trai thứ sáu của vua Hùng bỗng nằm mơ thấy Thần Đèn bảo: “Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”. Lang Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh thật tốt, thịt lợn (heo) ba rọi dày thật tươi. Đến hẹn, các lang (con vua) đều đem cỗ tới, đủ cả sơn hào hải vị. Lang Liêu chỉ có bánh Dầy bánh Chưng. Vua lấy làm lạ hỏi, ông đem thần mộng tâu lên. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Liêu, tức đời vua Hùng Vương thứ bảy. Từ đó, cứ đến Tết nguyên đán hay các đám cưới, thờ cúng, lễ hội... dân gian bắt chước làm bánh chưng, bánh dầy sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất.
Chính vì vậy bánh chưng Tết đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ từ rất lâu, để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Bên cạnh đó, chiếc bánh chưng xanh còn gợi cho ta nhớ đến niềm mơ ước an cư lạc nghiệp của con người: nhân nhụy vàng, thịt mỡ chín… là màu mỡ của lúa chín đồng quê, của đời sống chăn nuôi an vui xóm làng.
Cùng với truyền thuyết xa xưa ấy, chiếc bánh chưng gói ghém trong đó là cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, và là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi. Bên ngoài là chiếc lá dong gói bánh có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn cội rễ của dân tộc: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn…
Bánh chưng tết cũng thể hiện được chữ hiếu của người con với cha mẹ,chính vì thế mà phong tục dùng bánh chưng làm quà biếu dâng lên cha mẹ cũng từ đây mà có. Đi cùng với bánh chưng bánh dày, trong ngày tết bày mâm ngũ quả thể hiện ngũ hành tương sinh tương khắc.
Trong ngày tết cổ truyền hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thật là đẹp và ý nghĩa với tất cả chúng ta. Một cái tết sẽ không là chọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng, cuộc sống dù có bộn bề và nhiều lo toàn nhưng chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên chắc chắn phải có.
Hơn nữa, bánh chưng Tết còn có ý nghĩa lớn về mặt dinh dưỡng. Với các nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng như gạo nếp, đỗ xanh và thịt heo bánh chưng cung cấp cho chúng ta rất nhiều vi chất và vitamin bổ dưỡng cho cơ thể để chống chọi với cái lạnh mùa Đông ngày Tết. Cụ thể như đỗ xanh chứa chất thanh nhiệt giải độc giảm các hiện tương sưng tấy làm bánh chưng có vị thanh giúp cân bằng với độ béo của thịt và đồ nếp. Bên cạnh đó gạo nếp cung cấp lượng tinh bột lớn đồng thời có là một thực phẩm rất tốt cho gan.
Thông thường các gia đình Việt có thói quen gói bánh vào ngày 27 và 28 đây là khoảng thời gian kết thúc công việc sau cả 1 năm vất vả để chuẩn bị mọi thứ cho ngày tết. Đây chính là dịp để ông bà bố mẹ và con cháu xum vầy trước không khí rạo rực của mùa xuân, bánh chưng có ý nghĩa không chỉ về mặt dinh dưỡng mà nó chính là nét đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc ta.
Ngày xưa, bánh chưng chỉ có mặt mỗi dịp tết đến xuân về. Nhưng ngày nay, bất cứ lúc nào cũng có thể nhìn thấy hình ảnh chiếc bánh chưng. Cứ đến dịp lễ hội hoặc ngày trọng đại như cưới hỏi, bánh chưng có thể được đem vào thực đơn của mâm cơm gia đình.
Bánh chưng đã trở thành một nét văn hóa, một món ăn truyền thống và lâu đời ở Việt Nam. Nét độc đáo này đã góp phần làm đẹp hình ảnh Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Dù ai xa quê cũng mong được về nhà bên nồi bánh chưng mỗi dịp giao thừa đón năm mới.
Trên đây là bài trình bày của tôi về một sản phẩm văn hóa đặc chưng của đất nước, cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.
Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 10 hay khác:
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm
- Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch
- Giới thiệu, đánh giá nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch
- Viết bài luận về bản thân
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ với các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:
- Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo (hay nhất)
- Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo (ngắn nhất)
- Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo (siêu ngắn)
- Giải Chuyên đề học tập Văn 10 Chân trời sáng tạo
- Giải lớp 10 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 10 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 10 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 10 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 10 (ngắn nhất) - CTST
- Soạn văn 10 (siêu ngắn) - CTST
- Giải Toán 10 - CTST
- Giải Tiếng Anh 10 Global Success
- Giải Tiếng Anh 10 Friends Global
- Giải sgk Tiếng Anh 10 iLearn Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 10 Explore New Worlds
- Giải sgk Vật lí 10 - CTST
- Giải sgk Hóa học 10 - CTST
- Giải sgk Sinh học 10 - CTST
- Giải sgk Địa lí 10 - CTST
- Giải sgk Lịch sử 10 - CTST
- Giải sgk Kinh tế và Pháp luật 10 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 10 - CTST