Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (trang 33) - Cánh diều

Với soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội trang 33, 34, 35, 36, 37 Ngữ văn lớp 10 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

Soạn bài: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội - Cô Huỳnh Phượng (Giáo viên VietJack)

1. Định hướng

a) Nghị luận về một vấn đề xã hội có thể bàn luận về một tư tưởng, đạo lí,... nhưng cũng có thể nghị luận về một hiện tượng có thực trong đời sống con người, sự việc,...) hoặc một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. 

- Vấn đề xã hội đưa ra bàn luận có thể là hiện tượng tích cực, cũng có thể là hiện tượng tiêu cực hoặc có cả hai. 

- Như thế đòi hỏi người viết cần thể hiện được quan điểm của mình, từ đó phân tích, biểu dương cái tốt, cái đẹp và lên án, phê phán cái sai, vạch trần cái xấu, cái ác,..., nêu lên hướng khắc phục, giúp người đọc hiểu và làm theo cái đúng, có nhận thức và hành động tích cực,...

* Tìm hiểu bài mẫu: Khi ta thay đổi thế giới sẽ đổi thay

Câu hỏi (trang 34 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1)

- Đoạn trích nêu lên hiện tượng gì của đời sống? 

- Nhận biết luận điểm và cách triển khai luận điểm. 

- Nhận biết các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ trong văn bản. 

- Quan điểm và thái độ của người viết về vấn đề nêu lên là gì? 

Trả lời

- Đoạn trích nêu lên hiện tượng: Đổ lỗi, nói dối, không có trách nhiệm với hành động của mình.

- Luận điểm và cách triển khai luận điểm:

+ Đổ lỗi là cách hành xử mà nhiều người mắc phải.

+ Cần thay đổi, tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

- Các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ trong văn bản:

+ Giải thích: thế nào là đổ lỗi

+ Phân tích: Cách hành xử không đúng

+ Chứng minh: Câu chuyện của bản thân tác giả

+ Bác bỏ: Những lí do khiến người ta đổ lỗi cho người khác.

- Quan điểm và thái độ của người viết về vấn đề nêu lên: Phê phán, không ủng hộ việc đổ lỗi, quy tội cho người khác, không chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

b) Để viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội các em cần chú ý:

- Tìm hiểu đề (đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu của đề bài, xác định các thao tác lập luận, xác định phạm vi dẫn chứng của bài viết); xem lại các tác phẩm đã học liên quan đến vấn đề xã hội đặt ra của đề bài, ...

- Xác định các luận điểm, luận cứ trong bài viết, lựa chọn các dẫn chứng tiêu biểu cho mỗi luận cứ.

- Triển khai bài viết đảm bảo sáng rõ ý kiến và hệ thống luận điểm; cấu trúc chặt chẽ; sử dụng các bằng chứng thuyết phục - chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ.

- Liên hệ, mở rộng, so sánh với thực tiễn đời sống và suy nghĩ của bản thân.

2. Thực hành

Bài tập (trang 35 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Chọn một trong hai đề văn sau để thực hành kĩ năng viết: 

Đề 1: Suy nghĩ về những tấm gương vượt qua số phận của chính mình.

Đề 2: Viết bài văn nghị luận bàn về sức mạnh của ý chi con người trong cuộc sống nhân học các đoạn trích “Hê-ra-clét đi tìm tảo vàng” và “Chiến thắng Mtao Mxây”.

Xem thêm Top 50 bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội

a) Chuẩn bị (ví dụ với đề 1) 

Đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu của đề:

- Về nội dung: nêu lên suy nghĩ về hiện tượng những con người vượt qua số phận cần ca ngợi, biểu dương.

- Về thao tác nghị luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.

- Về phạm vi dẫn chứng: có thể lấy bằng chứng từ những con người và sự việc trong đời sống, từ các tác phẩm văn học hay những tấm gương từ sách, báo và phương tiện thông tin đại chúng, ...

b) Tìm ý và lập dàn ý 

- Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Thế nào là vượt qua số phận của chính mình?

→ “Số phận” là những điều đã được an bài từ trước theo quy luật của thiên mệnh hay là cách chúng ta thường nói về những khó khăn trở ngại trong cuộc đời? Nếu hiểu “số phận” gắn với những lời thở than, trách móc thì cụm từ này thiên nhiều về hàm ý nói về những rào cản, những “ranh giới” trong cuộc sống. “Những người không chịu thua số phận” là những người có bản lĩnh và nghị lực để vượt qua những ranh giới ấy. 

+ Để vượt qua được số phận cần đến những phẩm chất gì?

→ Dũng cảm, kiên trì, bền bỉ, có lòng quyết tâm và ý chí sắt đá.

+ Tại sao những phẩm chất ấy lại có thể tạo nên sức mạnh, giúp con người vượt qua được số phận của chính mình?

→ Những phẩm chất ấy có thể tạo nên sức mạnh, chúng hợp lại tạo nên cho chúng ta một tinh thần tốt, suy nghĩ thông suốt, không dễ bị khuất phục bởi những khó khăn thường xuyên xảy đến, giúp con người có đủ sức bền để có thể vượt lên, đạt tới đích đến cuối cùng.

+ Những tấm gương vượt qua số phận được thể hiện cụ thể như thế nào?

→ Những tấm gương vượt qua số phận: Nguyễn Sơn Lâm – chinh phục Phan xi păng bằng nạng gỗ; Cô gái “xương thủy tinh” Nguyễn Phương Anh; Nick Vujicic; Stephen Hawking – "ông hoàng vật lý", nhà bác học huyền thoại, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Lược sử thời gian"; …

+ Có thể rút ra bài học gì từ những tấm gương vượt qua số phận ấy?

→ Rút ra bài học: Trong hoàn cảnh đầy đủ tiện nghi sung túc, được sống trong sự yêu thương, quan tâm của cha mẹ, xã hội thì không ít học sinh, thanh niên tự đánh mất mình, lao vào tệ nạn xã hội, lối sống vô nghĩa ăn chơi, hưởng thụ, không biết cố gắng phấn đấu, để trở thành người có ích cho xã hội, đất nước.

- Trách nhiệm của chúng ta: Giúp đỡ, yêu thương, tương trợ lẫn nhau

- Lập dàn ý bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý tìm được thành ba phần theo gợi ý sau đây:

Mở bài

Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần bàn luận (vẻ đẹp của những con người vượt qua số phận của chính mình).

Thân bài

Lần lượt triển khai vấn đề nêu ở mở bài theo một trình tự nhất định. Tham khảo gợi ý sau đây: 

+ Giới thiệu khái quát một số tấm gương vượt qua số phận tiêu biểu; từ đó, rút ra vẻ đẹp chung: họ đều vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc sống bằng sức mạnh của ý chí, nghị lực con người. 

+ Giải thích khái niệm ý chí, nghị lực và sức mạnh của phẩm chất tinh thần: 

• Ý chí, nghị lực là phẩm chất tinh thần của một con người, một cộng đồng, dân tộc, thể hiện quyết tâm rất cao, không lùi bước trước khó khăn, gian khổ nhằm đạt bằng được mục đích đã đề ra. 

• Nêu lên những biểu hiện cụ thể của ý chí, nghị lực: Ý chí của con người được thể hiện qua suy nghĩ, tình cảm và đặc biệt qua các hành động, việc làm.

• Lí giải vì sao ý chí, nghị lực có thể trở thành sức mạnh giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách tưởng như không thể vượt qua. 

+ Chứng minh: Nêu lên và phân tích các ví dụ trong cuộc sống và trong văn học về những con người đã vượt qua số phận, đã chiến thắng nhờ có ý chí mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực của cuộc sống xưa và nay (trong lịch sử dụng nước, giữ nước trong cuộc sống lao động, chiến đấu; trong hoạt động văn hoá, thể thao; trong nghiên cứu, học tập,... Cũng có thể lấy ví dụ về những nhân vật trong các tác phẩm văn học để phân tích và làm sáng tỏ sức mạnh của ý chí, nghị lực trong cuộc sống).

+ Bình luận: 

• Đề cao vai trò của ý chí, nghị lực trong cuộc sống và phê phán những biểu hiện thiếu ý chí, nghị lực (nản chí, ngại khó, yếu đuối,...). 

+ Liên hệ và nêu lên phương hướng rèn luyện bản thân để có sức mạnh ý chí, nghị lực trong cuộc sống.

Kết bài

Khẳng định và đánh giá khái quát lại vấn đề đã bàn luận: sự cần thiết phải có ý chí, nghị lực trong cuộc sống.

c) Viết

* Bài viết mẫu tham khảo: 

Trong cuộc sống, có những con người không may mắn khi chào đời. Tạo hóa đã thật bất công với họ. Trong số ấy không ít người chấp nhận số phận, thở ngắn than dài ngậm ngùi cho qua ngày tháng. Nhưng, vẫn có rất nhiều người trong số họ đã ko chấp nhập sự bằng lòng, họ đã dũng cảm và bền bỉ vượt lên sự an bài của tạo hóa. Thật đáng quý!

Lá xanh tươi rồi cũng sẽ về với cội, cuộc sống con người hối hả rồi cũng sẽ lắng vào dòng cát bụi thời gian. Nên lá kia đâu thể mãi màu xanh tháng năm. Nên tuổi đời con người đâu thể “Hai lần thắm lại”. Cho nên là người thì phải sống một cuộc đời có ý nghĩa. Phải có ý chí, nghị lực để vượt lên hoàn cảnh, vượt lên những khó khăn, gian nan phía trước. Giống như anh Nguyễn Ngọc Ký, anh Hoa Xuân Tứ, anh Đỗ Trọng Khôi… họ đều là những người không may mắn nhưng họ vẫn tự mình vươn lên. Họ là “những người không chịu thua số phận”, là những tấm gương sáng cho tất cả chúng ta học tập.

 “Số phận” ở đây được hiểu là những nỗi khốn khổ về hoàn cảnh hoặc bất hạnh (tàn tật, khiếm khuyết,…) về thể xác của một ai đó. Xưa nay, số phận thường được nhiều người coi là sự an bài của ông trời, do trời định đoạt “Ngẫm hay muôn sự tại trời” (Nguyễn Du, “Truyện Kiều”) nên người có số phận bất hạnh thường có tâm lí cam chịu, trời phạt đành chịu…“Những người không chịu thua số phận” là những con người có ý chí, nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Họ không đầu hàng trước số phận mà mạnh mẽ vươn lên để sống một cuộc sống có ích và ý nghĩa.

Những con người không chịu thua số phận là những con người có nhận thức đúng đắn về số phận, họ nhận ra rằng số phận nằm trong tay mỗi con người và họ quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình và người thân, để trở thành người có ích….Họ là những người có nhiều đóng góp cho xã hội, họ tự phục vụ mình, làm ra của cải nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, cho xã hội, cống hiến cho xã hội…Họ là những tấm gương sáng, tấm gương vươn lên trên nỗi bất hạnh của mình để cất lên những tiếng ca ca ngợi cuộc đời, nhen lên niềm tin lẽ sống cho mọi người…

Nếu như chim mang tiếng hót cho đời thêm vui, nếu như hoa mang vẻ đẹp cho đời thêm sắc, thì nghị lực, không chịu thua số phận đã mang lại cho họ những điều đáng quý. “Không chịu thua số phận” giúp họ có tinh thần, quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để sống có ích, sống có cống hiến cho xã hội, giảm bớt gánh nặng cho gia đình… “Tàn” nhưng không “phế”, bằng khả năng của mình họ đã có nhiều thành công và khẳng định được mình trong xã hội. Hơn hết, họ là những tấm gương sáng để lại trong chúng ta bài học sâu sắc về nghị lực và ý chí vươn lên. Chính những tấm gương về họ dạy cho chúng ta phải biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để thực hiện hoài bão ước mơ. Không ai khác, họ là thần tượng của mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày hôm nay. Không đao to búa lớn, chính cuộc đời họ - “những người không chịu thua số phận” là thông điệp cao cả về lối sống có ích. Làm thơ, viết văn, dạy học… bằng những công việc thầm lặng, họ đã cống hiến cho xã hội như cây xanh làm đẹp cho đời, điểm tô cho cuộc sống. Họ là bài học lớn cho thể hệ trẻ hôm nay, trong hoàn cảnh đầy đủ tiện nghi sung túc, được sống trong sự yêu thương, quan tâm của cha mẹ, xã hội thì không ít học sinh, thanh niên tự đánh mất mình, lao vào tệ nạn xã hội, lối sống vô nghĩa ăn chơi, hưởng thụ, không biết cố gắng phấn đấu, để trở thành người cho ích cho xã hội, đất nước.

Hiểu vậy, biết để mỗi người trong chúng ta, nhất là thế hệ trẻ càng phải hiểu mình phải sống ra sao, sống thế nào cho xứng với chân giá trị làm người. Soi vào những tấm gương cao cả ấy để không ngừng hoàn thiện bản thân. Con đừơng dẫn đến thành công không bằng phẳng bao giờ. Vậy nên, càng phải thấm rằng: “Trên đường dẫn đến thành công không có vết chân của kẻ lười biếng” . Trên vạn dặm, hãy biết chọn một dặm đường và đi cho đến. Để một lúc nào đó quay lại nhìn lại ta hiểu rằng, cuộc đời này đã có gương mặt của ta. 

       Tương lai đang đợi chờ ta phía trước. Để có một tương lai rạng rỡ, mỗi chúng ta hãy sống nhiệt tình và trọn vẹn với hiện tai . Dẫu những ngày ta đang sống còn gian khổ, khó khăn đến mức nào thì cũng hãy vững tin mà sống. Bạn hãy tự đi trên đôi bàn chân của chính mình , chắc chắn bạn sẽ tới cái đích mà bạn muốn!

Trên đây chỉ trích dẫn một phần sơ đồ tóm tắt gợi ý được trình bày dưới dạng sơ đồ tư duy, giúp các em dễ dàng trong việc ghi nhớ kiến thức; kết hợp với dàn bài chi tiết và bài văn mẫu. Hi vọng, bài văn nghị luận nêu suy nghĩ của mình về những con người, những tấm gương vượt lên số phận, học tập thành công (như anh Nguyễn Ngọc Kí bị hỏng tay, dùng chân viết chữ; anh Hoa Xuân Tứ bị cụt tay, dùng vai viết chữ; anh Đỗ Trọng Khơi bị bại liệt đã tự học, trở thành nhà thơ; anh Trần Văn Thước bị tai nạn lao động, liệt toàn thân đã tự học, trở thành nhà văn,…) sẽ giúp ích cho quá trình dạy và học của quý thầy cô giáo và các em học sinh, giúp những tiết học Văn sinh động và hiệu quả hơn. Mời thầy cô và các em cùng tham khảo.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Đọc lại bài văn đã viết. Đối chiếu với các yêu cầu đã nêu ở các bước chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý) để kiểm tra và chỉnh sửa theo gợi ý sau: 

Nội dung kiểm tra

Yêu cầu cụ thể

Bố cục ba phần

- Mở bài: Đã giới thiệu được vấn đề xã hội cần bàn luận chưa? 

- Thân bài: 

+ Có giới thiệu được khái quát một số tấm gương vượt qua số phận tiêu biểu hay không? + Có giải thích được khái niệm ý chí, nghị lực và lí giải vì sao ý chí, nghị lực tạo nên sức mạnh không? 

+ Đã phân tích, chứng minh được sức mạnh ý chí, nghị lực thể hiện qua các nhân vật đã nêu ở phần khái quát để làm sáng tỏ hệ thống luận điểm chưa? 

+ Có nêu được ý kiến bình luận vấn đề và liên hệ, phát biểu được suy nghĩ riêng của người viết không? 

- Kết bài: Có khái quát được ý nghĩa của vấn đề không?

Các lỗi còn mắc

- Lỗi về ý: thiếu ý, lặp ý, lạc ý. 

- Lỗi về trình bày, chính tả, dùng từ và diễn đạt.

Đánh giá chung

- Bài viết đáp ứng yêu cầu đạt mức độ nào?

- Em thấy hứng thú hoặc khó khăn nhất khi thực hiện phần nào trong tiến trình thực hành viết?

Bài giảng: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội - Cánh diều - Cô Hoàng Hồng (Giáo viên VietJack)

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội

- Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội hay nhất:

- Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội ngắn nhất:

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:


Giải bài tập lớp 10 Cánh diều khác