Top 30 Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống

Tổng hợp trên 30 bài Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 1

Với những ai đã từng đến thăm mảnh đất Hải Dương, không thể không biết đến di tích lịch sử Côn Sơn Kiếp Bạc, đây được coi là một trong số các di tích đặc biệt cấp quốc gia gắn liền với những sự kiện lịch sử đầy oai hùng của dân tộc Việt Nam ta.

Quần thể di tích Côn Sơn Kiếp Bạc tọa lạc tại xã Cộng Hòa, Chí Linh, tỉnh Hải Dương, gắn liền với các chiến công đánh thắng quân Nguyên Mông của dân tộc vào thế kỉ XIII, cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh xâm lược ở thế kỉ XV đồng thời gắn với các vị anh hùng dân tộc, danh nhân lớn như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo. Đến với quần thể Côn Sơn Kiếp Bạc, ta không chỉ được thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp nơi đây mà còn được tìm hiểu những kiến thức văn hóa lịch sử vô cùng hữu ích về chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc và các đền thờ (đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Hãn). Bên cạnh đó, nơi đây còn là quần thể di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng chống ngoại xâm và cũng là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc như: Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc: Pháp Loa, Huyền Quang… Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc. Trong dịp Lễ hội mùa thu năm 2012, Khu Di tích lịch sử – văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Chùa Côn Sơn có từ thời Đinh, năm Khai Hựu nguyên niên (1329), thời nhà Trần được Pháp Loa tôn tạo với quy mô lớn. Dấu vết của lần trùng tu này còn hiện diện đến nay. Nguyễn Trãi từng làm Đề cử ở nơi đây. Chùa Côn Sơn tên chữ là “Thiên Tư Phúc Tự”, nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét. Tiếp đến nhà Tổ là nơi thờ các vị tổ có công tu nghiệp đối với chùa: Điều ngư Trúc Lâm Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang. Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan được tôn tạo năm 1995, kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Sân chùa có 4 nhà bia. Chùa nằm dưới chân núi Côn Sơn. Tương truyền nơi đây là nơi hun gỗ làm than và đã từng diễn ra trận hoả công hun giặc, dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ X. Nên ngoài tên gọi Côn Sơn, núi còn có tên là Kỳ Lân hay núi Hun. Chùa “Thiên Tư Phúc Tự” trong dân gian quen gọi theo tên núi là chùa Côn Sơn hay còn gọi là Chùa Hun. Kiếp Bạc là tên ghép của hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Nơi đây là thung lũng trù phú, xung quanh có dãy núi Rồng bao bọc tạo. Vào thế kỷ 13, đây là nơi đóng quân và là phủ đệ của Trần Hưng Ðạo, người anh hùng dân tộc, người chỉ huy quân sự tối cao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Thiền sư Huyền Quang vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm – một thiền phái mang màu sắc dân tộc Việt Nam đã về tu ở chùa Côn Sơn. Tại Côn Sơn Huyền Quang cho lập đài Cửu phẩm liên hoa, biên tập kinh sách, làm giảng chủ thuyết pháp phát triển đạo phái không ngừng. Ngày 22 tháng 1 năm Giáp Tuất (1334) Thiền sư Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông đã cấp cho ruộng để thờ và cho xây tháp tổ sau chùa, đặc phong Tự Tháp “Huyền Quang tôn giả”. Ðền thờ Trần Hưng Đạo được dựng vào đầu thế kỷ 14, trên một khu đất ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc. Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: tượng Trần Hưng Ðạo, phu nhân, hai con gái, Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Ðẩu và 4 bài vị thờ bốn con trai. Hàng năm, hội đền được tổ chức vào ngày mất của Trần Hưng Ðạo (ngày 20 tháng 8 âm lịch). Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình trọng điểm nằm trong quần thể khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, kiến trúc theo truyền thống và rất độc đáo; với một nguồn lớn kinh phí cùng với những người có tâm đức, các Nghệ nhân và những người thợ khéo tay, cần mẫn lao động hơn 2.500 ngày để có được công trình hôm nay, thoả mãn cao nhất nhu cầu du lịch gắn với lịch sử và tâm linh của các thế hệ mai sau.

Tại gian tiền tế của đền Kiếp Bạc hiện còn trưng bày 2 đoạn xương ống chân voi. Tương truyền đây là con voi chiến của Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn trong khi ra trận bị sa lầy tại cánh đồng gần tỉnh Thái Bình, mặc dù quân sĩ dốc sức làm mọi cách để cứu voi khỏi bị sa lầy nhưng vẫn không cứu nổi, Trần Hưng Đạo đành phải bỏ voi lại để tiếp tục tiến quân ra chiến trường và có chỉ gươm xuống đất thề sẽ quay lại cứu voi khi thắng trận.Thắng trận trở về đến cánh đồng nơi voi bị sa lầy nhưng con voi đã chết vì bị chìm lún xuống bùn. Tương truyền 2 ống xương chân voi hiện đang đặt tại gian tiền tế đền Kiếp Bạc là xương của con voi trung thành của Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương.

Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc và lễ hội truyền thống liên quan mãi mãi xứng đáng là một trung tâm văn hoá lớn có vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, nhằm xây dựng và bồi dưỡng con người mới cho mọi thế hệ người Việt Nam hiện tại và tương lai.

Dàn ý Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống

1. Mở đầu: 

- Giới thiệu khái quát về một địa chỉ văn hóa nơi em đang sống: thành Cổ Loa và lễ hội Cổ Loa.

2. Nội dung chính

a. Khái quát một vài nét về Thành Cổ Loa:

- Vị trí: xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

- Lịch sử: được xây dựng dưới thời An Dương Vương.

b. Trình bày những nét nổi bật, độc đáo của lễ hội:

- Thời gian tổ chức: từ sáng sớm mùng 6 tết đến hết ngày 18 tháng Giêng hàng năm.

- Địa điểm tổ chức: Đền Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

- Phần lễ:

+ Lễ rước kiệu vào đền An Dương Vương.

+ Lễ rước thần.

- Phần hội:

+ Hoạt động diễn xướng.

+ Trò chơi dân gian.

- Trình bày những ý nghĩa của lễ hội Cổ Loa với đời sống, con người:

+ Là nơi con người thể hiện lòng thành kính với những người có công với đất nước.

+ Giáo dục nhân dân về truyền thống "uống nước nhớ nguồn".

+ Là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

+ Mang đến không khí nhộn nhịp, vui tươi cho người dân mỗi dịp Tết đến xuân về.

3. Kết bài: 

- Khẳng định lại giá trị văn hóa của lễ hội Cổ Loa.

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 2

Chùa Bái Đính từ lâu được biết đến là một khu du lịch với ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỉ lục nhất Việt Nam. Khu chùa tọa lạc tại địa chỉ xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Về lịch sử hình thành, Khu du lịch chùa Bái Đính được khởi lập đầu tiên là khu chùa cổ vào năm 1136. Trong lịch sử, Ninh Bình là nơi có những triều đại vua nối tiếp nhau như nhà Đinh, Nhà Tiền Lê và nhà Lý. Điểm chung là ba triều đại này luôn luôn tôn sùng đạo Phật nên có sự ra đời của những ngôi chùa cổ này. Đến năm 2003, khu quần thể chùa Bái Đính được xây dựng lại từ khu chùa cũ, nằm trên một sườn núi. Giáo sư Hoàng Đạo Kính chính là người thiết kế khu chùa mới này.

Quần thể chùa Bái Đính có diện tích khoảng 1700 ha, bao gồm khu Bái Đính cổ, khu Bái Đính mới và các khu vực khác như: công viên, Học viện Phật giáo, cảnh quan, đường giao thông … Khu chùa Bái Đính cổ nằm cách điện tam thế của khu Bái Đính mới khoảng 800 m về phía Nam. Chùa nằm trên đỉnh vùng rừng núi khá yên tĩnh. Tại khu này có nhà tiền đường, nơi thờ Phật, đền thờ thần Cao Sơn, đền thờ thánh Nguyễn,.... Khu di tích chùa Cổ cũng là nơi lưu giữ lại những kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của nhà Lý. Ngoài ra, ở khu chùa Cổ còn có giếng ngọc. Nằm ở chân núi Bái Đính, khu chùa mới Bái Đính là một quần thể nhiều công trình lớn như điện Tam thế, điện Quan Âm, tháp chuông, tượng phật,… cùng các công trình hạ tầng khác. Khu chùa mới nổi bật với kiến trúc hình khối và mang đậm dấu ấn của kiến trúc Việt Nam. Các chi tiết được trang trí trên chùa ở cũng là những chi tiết mang dấu ấn của các ngành nghề truyền thống dân tộc. Đây là một khu chùa với kiến thức phần kiến trúc thuần Việt, các trụ cột được thiết kế giả gỗ, tất cả các mái ngói của khu chùa đều được sử dụng là gạch Bát Tràng. Khu chùa có Tam quan với hai tượng Hộ Pháp, tiếp đến là tháp chuông ba tầng mái. Dưới tháp chuông là một quả chuông đồng và một chiếc trống đồng lớn nặng 70 tấn nằm trên nền tháp. Chính điện là nơi thờ Phật, đây còn là nơi lưu giữ vô tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam, tượng Phật Di Lặc ở đây cũng là bức tượng được trung tâm kỉ lục Việt Nam công nhận là tượng lớn nhất Việt Nam với khối lượng 80 tấn, cao 10m. An vị trên ngọn đồi của chùa Bái Đính Chùa còn có bảo tháp cao 100 m và nhiều khu kiến trúc độc đáo khác...

Đây không phải chỉ là một địa điểm du lịch thu hút bởi kiến trúc và rất nhiều những những kỉ lục được lập mà còn là một khu du lịch với rất nhiều những sự kiện văn hóa khác nhau. Nơi đây đã từng thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước trong đại lễ phật đản lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam và là nơi đón tiếp rất nhiều nguyên thủ quốc gia về thăm. Đây cũng là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 6….

Lễ hội chùa Bái Đính thường diễn ra vào mùa xuân, khai mạc vào ngày mùng 6 tết cho kéo dài hết tháng 3. Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ thường là những nghi thức như thắp hương thờ Phật, rước kiệu… Phần hội Chùa Bái Đính gồm những trò chơi dân gian có từ lâu đời và một số hoạt động khác như thăm thú cảnh chùa, thưởng thức một số nghệ thuật dân gian cổ như hát chèo, hát xẩm. Ngoài ra, du khách đến với lễ hội chùa Bái Đính còn có cơ hội thưởng thức những hoạt động sân khấu hóa do nhà hát chèo Ninh Bình tổ chức. Đây là lễ hội lớn và được đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia.

Quần thể chùa Bái Đính là một địa điểm mang nhiều ý nghĩa về lịch sử và văn hóa trọng điểm của dân tộc, cần được quảng bá để ngày càng nhiều du khách hơn nữa biết đến.

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 3

Nhắc đến danh lam thắng cảnh, những chốn có non nước hữu tình trên đất nước Việt nam ta khó lòng không nhắc đến vịnh Hạ Long. Cái tên ấy ai là người Việt nam cũng biết đến. Nó không chỉ đẹp trong hiện tại hay tương lai mà nó còn đẹp từ thời xưa trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: "Con gà, con cóc quê hương cũng biến Hạ Long thành thắng cảnh". Mới đây vịnh Hạ Long còn được UNESCO công nhận là một trong bảy kì quan đẹp nhất thế giới. Vậy không biết rằng Hạ Long có những gì mà lại được tôn vinh đến như vậy?

Vịnh Hạ Long còn có truyền thuyết đó là Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc dựng thành bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ tan, chặn đứng bước tiến của ngoại bang.

Sau khi giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, Rồng Mẹ và Rồng Con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến để muôn đời bảo vệ con dân Đại Việt. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay, với bãi cát dài trên 15 km).

Lại có truyền thuyết khác nói rằng vào thời kỳ nọ khi đất nước có giặc ngoại xâm, một con rồng đã bay theo dọc sông xuôi về phía biển và hạ cánh xuống ở vùng ven biển Đông Bắc làm thành bức tường thành chắn bước tiến của thủy quân giặc. Chỗ rồng đáp xuống che chở cho đất nước được gọi là Hạ Long.

Tiếp nữa là về đảo ở đây thì có 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Đảo nơi đây gồm có hai dạng đó là đảo đá vôi và đảo phiến thạch tập trung ở Bái tử long và Vịnh Hạ Long. Ở đây thì chúng ta thấy được hàng loạt những hang động đẹp và nổi tiếng. Vùng Di sản thiên nhiên được thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với 3 đỉnh là đảo Ðầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam), đảo Cống Tây (phía đông) vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng năm 1962.

Đến với Hạ Long thì người ta không thể nào rời mắt khỏi những cảnh vật nơi đây. Nào là núi, nào là nước với những hang động thật sự hấp dẫn người ta muốn đi tới tận cùng để tìm thấy cái hữu hạn trong cái vô hạn của trời nước, núi non ấy. chúng ta cứ ngỡ rằng ngọn núi kia giống như những người khổng lồ vậy, ngồi trong thuyền mà ngước lên để đo tầm cao của những ngọn núi ấy thật sự là mỏi mắt. Đến đây ta mới biết hết thế nào là sự hùng vĩ, thế nào là sự hữu tình giữa nước và non. Làn nước biển mặn mà vị xa xăm của muối. Hang động với những nhũ đá như sắp rơi xuống nhưng thật chất lại là không rơi. Nó cứ tua tủa như muôn ngàn giọt ngọc dạng lỏng lấp lánh dính vào nhau nhưng không rơi xuống.

Con người nơi đây cũng thật sự là rất đáng yêu đáng quý. Họ không những mến khách mà còn như một người hướng dẫn viên du lịch vừa nói giới thiệu tả cảnh vừa vững tay chèo đẩy lái đến nơi khách muốn qua. Những con người ở đây nồng nhiệt mỗi khi có khách đến và khi khách đi thì để lại những ấn tượng khó phai về những con người miền non nước hữu tình với những tình cảm mặn mà như là muối biển vậy.

Qua đây ta thấy vịnh Hạ Long rất xứng đáng là một trong bảy kì quan của thế giới. Nếu những ai đã được đặt chân đến đây thì chắc hẳn rất ấn tượng bởi cảnh đẹp và con người nơi đây. Còn những ai chưa đến thì hãy nhanh chóng đến mà tận hưởng những gì là tạo hóa ban tặng, những gì là mẹ thiên nhiên.

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 4

Nơi em đang sống hiện nay là huyện Đông Anh xinh đẹp với di tích thành Cổ Loa nổi tiếng đã trở thành địa điểm tham quan du lịch đặc biệt cho du khách có dịp ghé thăm Đông Anh.

Cô và các bạn thân mến, Thành Cổ Loa là một trong những địa chỉ văn hóa không thể bỏ qua khi ghé thăm Hà Nội. Thành được xây dựng dưới thời An Dương Vương. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dù thành Cổ Loa đã chịu không ít tác động của thời gian cũng như con người nhưng những giá trị của nó vẫn nguyên vẹn.

Để tưởng nhớ công ơn vua Hùng và những người có công với đất nước, vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, người dân vùng Bát Xã đều cùng nhau tổ chức Lễ hội Cổ Loa. Lễ hội được chia thành hai phần chính bao gồm phần lễ và phần hội.

Phần lễ lại được chia thành lễ rước kiệu vào đền An Dương Vương và lễ rước thần. Cả hai nghi lễ đều được tổ chức vào sáng sớm mùng 6 tháng Giêng. Trong lễ rước kiệu vào đền An Dương Vương, dân làng làm cuộc tế xong mới tiến hành dâng lễ lên ban thờ An Dương Vương.

Phần lễ rước thần được coi là hoạt động đáng để chờ đợi nhất của Lễ hội Đền Cổ Loa. Tại lễ này, các thanh niên trai tráng trong làng mặc áo đỏ, đầu quấn khăn cùng màu khiêng long đình có bài vị của nhà vua.

Kết thúc phần lễ, người dân và khách du lịch sẽ được đắm chìm trong không gian nghệ thuật của các tiết mục biểu diễn. Đó có thể là khúc hát du dương, chan chứa tâm tình của làn điệu quan họ hay sự biến hóa khôn lường, tài tình của các nghệ nhân múa rối nước. Ngoài ra, còn vô số các trò chơi dân gian nổi bật như trò chơi cờ người, đấu vật, bắn nỏ,...

Có thể nói, Lễ hội Cổ Loa không chỉ mang đến không khí, tươi vui nhộn nhịp của mùa xuân mà còn là dịp để thế hệ mai sau tri ân, tưởng nhớ những người có công với đất nước, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Lễ hội Cổ Loa sẽ luôn là nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

Phần thuyết trình của em đến đây là kết thúc! Em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe!

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 5

Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội ( Thuộc tỉnh Hà Tây cũ).

Lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng, khai hội vào ngày mùng 6 tháng giêng. Phần quan trọng nhất vào tập trung nhiều nhất của hội diễn ra từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch. Lễ hội bao gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Mỗi phần đều mang những nét đặc sắc riêng, đều gợi cho con người ta cảm giác đúng nghĩa về sự linh thiêng nơi đất Phật.

Khác nơi những địa điểm khác, phần lễ được thực hiện khá đơn giản, bao gồm cả phần chuẩn bị. Không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn bằng mùi hương khói nghi ngút khắp tất cả đền, chùa, đình, miếu trước một ngày diễn ra lễ hội.

Trong ngày lễ hội, có phần lễ dâng hương trong các chùa, kèm theo một vài phần rất đặc sắc mà chỉ ở nơi đây mới xuất hiện. Khi cúng, có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Họ múa rất dẻo và đẹp mắt qua những động tác ít thấy ở mọi nơi. Ngoài ra, lễ cũng rất đơn giản, chỉ cần tùy tâm: Hương, hoa, đèn, nến, hoa quả, thức ăn chay,....

Thêm một điều đặc biệt nữa về phần lễ chùa Hương khi nơi đây nghiêng về chút “thiền”. Dù vậy thì ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo: bà chúa Thượng Ngổn (Đền Cửa Vòng), ngũ hổ và tín thần (Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả, đình Quân),... Tất cả hòa quyện với đất trời thiên nhiên mang lại cảm giác tâm linh và vô cùng thanh tịnh cho người tham quan.

Tuy đơn giản nhưng ta lại thấy được toàn bộ những nét đặc trưng trong tôn giáo ở Việt Nam. Ảnh hưởng sâu sắc bởi Nho giáo của Khổng Tử, Đạo Phật hay sùng bái tự nhiên. Tính chất tôn giáo ấy không hề cao xa vời vợi mà thậm chí vô cùng gần gũi khi gắn với tình yêu nam nữ, sự gắn kết cộng đồng,...

Từ phần lễ, chắc những ai may mắn được trải qua chắc đều thấu hiểu cảm giác khi cả tâm hồn và thể xác đều được đắm chìm vào sự hòa quyện tâm linh. Từng nhành cây, ngọn cỏ, những mái đình, ngôi chùa và cả mùi hương thoang thoảng, gây cũng chính là nơi Bồ Tát đã chọn tĩnh tâm tu dưỡng hay sao?

Đối với các làng, người ta cũng tổ chức lễ rước thần từ đền ra đình trong những ngày này. Bao đời nay vẫn vậy, ông già bà cả của làng thành tâm tiễn thần, theo sau là trai thanh gái lịch phù kiêu và dàn nhạc bát âm kế cạnh.

Phần này cũng được chia làm hai việc chính: Rước lễ và rước văn. Lễ là vậy. còn văn sẽ được “rước” khi người làng dinh kiệu tới nhà soạn văn tế, thường là các ông cụ cao tuổi. Trong khi bản văn tế ấy được trịnh trọng đọc, các bô lão của làng sẽ theo hướng dẫn mà làm lễ tế rước các vị thần.

Lễ hội này không dành riêng cho ai cả, ai ai cũng sẽ thấy được sự hoan hỉ phần mình, từ là các thanh niên trẻ trung trai tráng cho đến các bậc cao niên và phụ lão. Bao trùm lên bâu không khí sự nồng nhiệt, thành kính và đôi chút chú trang nghiêm.

Phần tiếp theo cũng quan trọng không kém chính là “hội”. Ta sẽ thấy đoàn người đi “hội” trải dài ở khắp nơi. Những triền núi cao, núi thấp cho đến cả những rừng cây, rừng hoa mơ phủ trắng,..đâu đâu cũng thấy bóng dáng người. Hương Sơn cả năm chắc cũng chỉ có dịp này mới thấy đông đúc đến vậy. Kẻ đi ra, người đi vào, kẻ đi lên, người đi xuống bồng bềnh vào những đám mây nhẹ.

Người lạ muôn phương những tưởng sẽ lạnh lùng lướt qua nhau, thế nhưng ở nơi đất Phật này, có lẽ con người cũng trở nên hiền hòa, tràn ngập niềm tin và yêu thương nhau hơn. Họ gặp nhau, quen hay không quen cũng vui vẻ chào nhau bằng một lời chào: "Nam mô a di đà Phật" nhẹ nhàng, đằm thắm và ấm áp…

Tấp nập như những người tham gia trẩy hội, những con thuyền ở đây cũng được dịp ra vào náo nhiệt, có khi lên tới hàng trăm chiếc. Thử tưởng tượng xem, làm sao có thể nói lên được hết nỗi vui thích khi được ngồi trên sông thưởng ngoạn vãng cảnh nơi non tiên cõi Phật.

Trẩy hội chùa Hương là một lựa chọn tuyệt vời khi muốn giải tỏa mong ước được hòa hợp giữa giấc mơ và hiện thực. Đây là sự kết hợp tuyệt vời giữa thực là nền tảng, mơ là uất vọng . Nó xây dựng trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà con người Việt Nam chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận hành động và trao truyền.

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 6

Xin chào cô và các bạn. Em là Huyền My. Trong tiết học ngày hôm nay, em xin được thuyết trình về một địa chỉ văn hóa tại nơi em đang sinh sống. Nơi mà em muốn giới thiệu chính là chùa Bổ Đà.

Nhắc tới mảnh đất bên bờ sông Cầu - huyện Việt Yên, ai cũng sẽ nghĩ tới Di tích chùa Bổ Đà - một ngôi chùa cổ kính, linh thiêng. Theo tương truyền, chùa có từ thời nhà Lý (thế kỉ XI). Chùa tọa lạc tại xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Có thể nói, chùa Bổ Đà là một ngôi chùa tiêu biểu khi vẫn giữ được những nét kiến trúc truyền thống cổ xưa. Khác với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc nước ta, chùa Bổ Đà được xây dựng theo lối kiến trúc "nội thông ngoại bế".

Chùa Bổ Đà có năm hạng mục: chùa Tứ n, vườn tháp, am Tam Đức, chùa Cao, ao Miếu. Đầu tiên, chùa chính Tứ n được coi là khu nội tự, xây dựng ở thời vua Lê Hiển Tông. Tên gọi của chùa mang hàm nghĩa răn dạy các tăng môn phật tử phải biết báo đáp bốn (tứ) ơn (ân): ân trời đất, ân đất nước, ân thầy và ân cha mẹ. Tiếp đến là am Tam Đức. Đặt tên am là "Tam Đức", các tổ tu mong muốn tăng ni tu hành ở đây sẽ thông tuệ ba (tam) đức tính: trí đức, đoạn đức và ân đức. Chùa Cao thì có sự khác biệt hơn so với chùa Tứ n và am Tam Đức. Nơi đây được xây dựng sớm hơn, từ thời nhà Lý. Chùa còn được người dân gọi bằng cái tên Quán m hay chùa ông Bổ. Khu ao Miếu là nơi thờ các vị thần tướng và tướng quân. Cuối cùng, vườn tháp của chùa Bổ Đà có diện tích gần 8.000 m2.

Bên cạnh nét kiến trúc cổ xưa, độc đáo, chùa còn nổi tiếng với bộ mộc bản cổ. Gần 2000 mộc bản làm bằng chất liệu gỗ thị có niên đại từ thời vua Lê vẫn được bảo quản vẹn nguyên. Tháng 12/2017, mộc bản tại chùa được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia.

Ngày nay, lễ hội chùa Bổ Đà thường được tổ chức vào tháng hai âm lịch, mang đến không khí nhộn nhịp, vui tươi cho người dân. Bên cạnh đó, Bổ Đà đã trở thành chốn về quen thuộc của các bậc tu hành. Đây cũng là nơi mà con người thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, Đức Phật. Chùa Bổ Đà sẽ mãi là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Mong rằng, nếu có thời gian rảnh rỗi, cô và các bạn hãy tới ghé thăm chùa Bổ Đà để có thể tự mình khám phá nét đẹp nơi đây.

Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 7

Chào cô và các bạn. Tên em là Thục Anh. Hôm nay, em xin được thuyết trình về lễ hội Đền Hùng.

Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba". Mỗi dịp 10/3 âm lịch hàng năm, nhân dân ta đều hướng về mảnh đất linh thiêng Phú Thọ. Lễ hội Đền Hùng bắt đầu diễn ra từ ngày mùng một đến ngày mùng mười tháng ba âm lịch. Trong đó, việc tế lễ được tổ chức vô cùng trọng thể vào ngày 10/3. Khi đó, đại diện cơ quan Chính phủ nhà nước sẽ bắt đầu lễ dâng hương tại đền Thượng. Các đền thờ khác cũng được người dân tới thăm và dâng hương lễ. Thường thường, đồ tế lễ sẽ bao gồm mâm ngũ quả cùng bánh chưng, bánh giầy. Truyền thống này đã được lưu truyền từ rất lâu, nhằm nhắc lại "Sự tích bánh chưng, bánh giầy", đồng thời tỏ lòng biết ơn tới các vị vua Hùng.

Lễ hội Đền Hùng còn có phần hội hết sức đặc sắc. Rất nhiều hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức trong khoảng thời gian lễ hội diễn ra. Bạn có thể bắt gặp những đoàn người mặc trang phục cổ và rước kiệu truyền thống. Hoặc bạn có thể ghé thăm không gian tổ chức hát Xoan, đánh trống đồng, thi giã bánh giầy, thi gói bánh chưng,...

Có thể nói, lễ hội Đền Hùng chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Lễ hội nhắc nhở chúng ta về cội nguồn lịch sử tốt đẹp của dân tộc. Mong rằng, là một người con đất Việt, mỗi người cần tự ý thức về trách nhiệm bản thân trong việc tiếp nối, lưu truyền những truyền thống quý báu như vậy.

Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 8

Xin chào cô và các bạn. Em là Minh Tú. Trong tiết học ngày hôm nay, em xin được thuyết trình về Di tích lịch sử văn hóa Hoàng Thành Thăng Long.

Như mọi người đã biết, xưa kia, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La. Trong "Chiếu dời đô", nhà vua đã khẳng định nơi đây là "khu vực giữa trời đất, có được thế rồng cuộn, hổ ngồi". Chính vì thế, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hầu hết các triều đại đều chọn Thăng Long làm kinh đô.

Bên trong Hoàng Thành gồm các khu di tích nhỏ hơn như cột cờ Hà Nội, cửa Bắc, di tích khảo cổ, điện Kính Thiên, Đoan Môn, Hậu Lâu, nhà Cách mạng D67. Các di tích cột cờ Hà Nội, cửa Bắc, di tích khảo cổ, điện Kính Thiên, Đoan Môn, Hậu Lâu đều mang đậm kiến trúc độc đáo, tiêu biểu của thời kì phong kiến. Đặc biệt, nhà Cách mạng D67 nằm ở vị trí hầm ngầm, dưới lòng đất. Đây chính là nơi Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương họp bàn để đưa ra những chiến lược, quyết sách mang tính lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Ngày nay, khu Di tích lịch sử văn hóa Hoàng Thành Thăng Long không còn vẹn nguyên như Cố đô Huế. Thế nhưng, nơi đây đã để lại rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của cả một dân tộc. Vào tháng 12 năm 2022, các chuyên gia đã tiến hành khai quật khu di tích này. Diện tích khai quật rơi vào khoảng 19.000m2. Sau một khoảng thời gian, các chuyên gia đã phát hiện ra rất nhiều dấu vết cùng hàng triệu hiện vật của từng thời kì. Đây là những minh chứng rõ ràng, xác đáng cho sự phát triển rực rỡ ở kinh thành Thăng Long. Từ đây, chúng ta càng thêm tự hào về lịch sử của cha ông, dân tộc.

Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe, theo dõi.

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 9

Hòa chung với không gian lễ hội mùa xuân trên cả nước. Lễ hội đền Gióng cũng là một trong những lễ hội được người dân Hà Nội mong chờ nhất trong năm. Đây là là dịp để người dân khắp nơi bày tỏ lòng thành kính với Thánh Gióng – một trong bốn vị “Tứ bất tử” của tín ngưỡng Việt Nam.

Quần thể khu di tích đền Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. bao gồm 6 công trình: đền Hạ (tức đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (tức đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia.

Trong đó, đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và tổ chức lễ hội với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như lễ mộc dục; lễ rước; lễ dâng hương; lễ hóa voi và ngựa…

Hội Gióng đền Sóc Sơn là một lễ hội lớn hàng năm với sự tham gia của nhiều làng lân cận trong vùng và được người dân chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ khoảng 2-3 tuần trước ngày khai hội, những thôn tham gia lễ hội đã bắt đầu rục rịch các công việc chuẩn bị.

Mở đầu lễ hội, cây giò hoa tre được rước vào đền Thượng và thực hiện nghi lễ tiến. Sau khi làm lễ xong, giò hoa tre được rước xuống đền Trình. Tại đây diễn ra trò cướp lộc với mong muốn được nhiều may mắn trong năm cho mỗi người dự lễ.

Sang ngày mùng 7 chính hội (ngày thánh hóa theo truyền thuyết). Một trong những tục độc đáo của lễ hội đền Sóc là tục chém tướng của thôn Yên Tàng, gồm có phần rước đồng thời diễn tả lại việc Thánh Gióng chém 3 tướng giặc Ân cuối cùng ở chân núi Vệ Linh trước khi bay về trời.

Có thể nói, hội Gióng không chỉ đơn thuần là lễ hội truyền thống mà còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Lễ hội tái hiện sinh động trận đấu hùng tráng giữa Thánh Gióng và giặc Ân, đồng thời tôn vinh lòng dũng cảm và ý chí kiên định của nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến giữ nước. Thông qua lễ hội, người dân cũng thể hiện lòng biết ơn theo đạo lý uống nước nhớ nguồn và nâng cao nhận thức về tinh thần bảo vệ Tổ quốc.

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 10

Chùa Bái Đính, một biểu tượng văn hóa và tôn giáo từ lâu đã chiếm vị trí quan trọng trong lòng người Việt. Nằm tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, đây không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn là niềm tự hào về sự kỳ diệu của kiến trúc và lịch sử.

Lịch sử chùa Bái Đính bắt đầu từ năm 1136, khi nó được xây dựng dưới triều đại của nhà Đinh. Tại Ninh Bình, qua những triều đại như Đinh, Tiền Lê và Lý, đạo Phật luôn được tôn vinh và khu chùa cổ này là minh chứng cho sự hòa quyện giữa tôn giáo và văn hóa. Năm 2003, khu di tích chùa Bái Đính được xây dựng lại dưới sự lãnh đạo của giáo sư Hoàng Đạo Kính, mang lại một diện mạo mới cho nơi này.

Quần thể chùa Bái Đính trải rộng trên khoảng 1700 ha, bao gồm cả khu vực cổ và mới. Khu vực cổ bao gồm các công trình như nhà tiền đường, đền thờ thần Cao Sơn và đền thờ thánh Nguyễn, giữ lại những dấu ấn rõ ràng của triều đại Lý. Trong khi đó, khu vực mới thu hút sự chú ý bởi kiến trúc độc đáo, được xây dựng với sự sáng tạo và công phu. Tam quan với hai tượng Hộ Pháp, tháp chuông ba tầng mái, cùng với các tượng Phật lớn, tất cả tạo nên một không gian linh thiêng và trang nghiêm.

Chùa Bái Đính không chỉ là điểm đến du lịch thu hút bởi kiến trúc và kỉ lục, mà còn là trung tâm của nhiều sự kiện văn hóa quan trọng. Đây là nơi diễn ra lễ Phật đản lớn nhất Việt Nam, thu hút sự quan tâm của người dân cả trong và ngoài nước, cũng như là địa điểm được chọn cho các sự kiện quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới. Lễ hội chùa Bái Đính, diễn ra vào mùa xuân, không chỉ là nơi để tôn vinh Phật pháp mà còn là cơ hội để du khách khám phá văn hóa truyền thống và thưởng ngoạn các biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.

Như vậy, quần thể chùa Bái Đính không chỉ là một điểm đến du lịch, mà còn là biểu tượng của sự phồn thịnh về văn hóa và tôn giáo của dân tộc Việt Nam. Việc quảng bá và bảo tồn địa điểm này không chỉ giúp tăng cường nguồn thu du lịch mà còn góp phần vào việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử cho thế hệ mai sau.

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 11

Nơi mà tôi đang sinh sống hiện nay là huyện Đông Anh, một vùng đất xinh đẹp nổi tiếng với di tích lịch sử hùng vĩ - Thành Cổ Loa. Thành Cổ Loa không chỉ là một địa điểm du lịch thông thường mà còn là biểu tượng của sự kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Đó là nơi gắn liền với nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam và có ý nghĩa lịch sử sâu sắc.

Thành Cổ Loa được xây dựng dưới thời vua An Dương Vương, và qua hàng nghìn năm lịch sử, dù đã trải qua biến cố của thời gian và sự tác động của con người, nhưng vẻ đẹp và giá trị văn hóa của nó vẫn được gìn giữ và truyền lại qua thế hệ.

Một sự kiện đặc biệt không thể không nhắc đến khi nói về Thành Cổ Loa là Lễ hội Cổ Loa, diễn ra hàng năm vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Đây là dịp mà người dân vùng Bát Xã, nơi có Thành Cổ Loa, cùng nhau tổ chức để tưởng nhớ công ơn của vua Hùng và những người anh hùng đã góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.

Lễ hội được tổ chức thành hai phần chính: phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm lễ rước kiệu vào đền An Dương Vương và lễ rước thần. Trong lễ rước kiệu, dân làng thường chuẩn bị các nghi lễ trang trọng và dâng lễ lên ban thờ An Dương Vương, thể hiện lòng thành kính và tri ân đối với những vị vua đã từng thống nhất và bảo vệ đất nước.

Phần lễ rước thần là một trong những hoạt động đặc sắc nhất của Lễ hội Cổ Loa. Các thanh niên trong làng mặc áo đỏ, đầu quấn khăn cùng màu và mang theo long đình, biểu tượng của nhà vua, đi qua làng làm nghi lễ và tạo nên một không khí trang trọng và truyền thống.

Sau phần lễ, mọi người sẽ được tham gia vào phần hội với nhiều hoạt động văn hóa và giải trí, bao gồm cả những tiết mục biểu diễn nghệ thuật, những trò chơi dân gian và các hoạt động tương tác. Đây không chỉ là một lễ hội mà còn là dịp để thể hiện lòng kính trọng và tri ân đối với các bậc tiền bối và truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Tóm lại, Lễ hội Cổ Loa không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là biểu tượng của sự kiêu hãnh và tự hào dân tộc. Nó góp phần làm nên bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú của đất nước Việt Nam, và sẽ luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của người dân Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua việc tìm hiểu về Lễ hội Cổ Loa, quý vị và các bạn sẽ cảm nhận được sự đặc biệt và ý nghĩa sâu sắc của nền văn hóa Việt Nam. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe!

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 12

Khi nhắc đến vẻ đẹp thiên nhiên tươi đẹp của đất nước Việt Nam, không thể không nhắc đến vịnh Hạ Long - một trong những điểm du lịch nổi tiếng và đầy ý nghĩa. Vịnh Hạ Long không chỉ là một điểm du lịch đẹp ở hiện tại và tương lai, mà còn là một biểu tượng của vẻ đẹp từ xa xưa được ghi lại trong câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Con gà, con cóc quê hương cũng biến Hạ Long thành thắng cảnh". Sự vinh dự của vịnh Hạ Long được thể hiện qua việc UNESCO công nhận nó là một trong bảy kỳ quan đẹp nhất thế giới.

Vịnh Hạ Long không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời mà còn là nơi gắn liền với những truyền thuyết huyền bí và ý nghĩa sâu sắc. Một trong những truyền thuyết phổ biến nhất là câu chuyện về Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ và đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp bảo vệ dân tộc. Đàn Rồng đã phun lửa thiêu cháy thuyền giặc và tạo ra bức tường đá ngăn chặn sự xâm nhập của kẻ thù, từ đó bảo vệ cho vùng đất này yên bình.

Ngoài ra, còn có truyền thuyết khác kể về một con rồng đã bay xuống vùng biển Đông Bắc và hạ cánh để bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm. Nơi rồng đáp xuống được gọi là Hạ Long, tượng trưng cho sự bảo vệ và sức mạnh của dân tộc.

Không chỉ có những câu chuyện truyền thuyết đầy màu sắc, vịnh Hạ Long còn nổi tiếng với cảnh quan đa dạng và phong phú. Với hơn 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hàng trăm đảo mang tên và cả những đảo chưa được đặt tên, vùng này là một kho báu về đa dạng sinh học và cảnh quan tự nhiên.

Cảnh vật ở vịnh Hạ Long thật sự là một điều kỳ diệu không thể diễn tả bằng lời. Núi non, biển cả và những hang động hùng vĩ tạo nên một bức tranh tuyệt vời của sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Đến đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn những cảnh đẹp mà còn được trải nghiệm sự ấm áp và nồng nhiệt từ những người dân hiếu khách, chu đáo của vùng đất này.

Tóm lại, vịnh Hạ Long không chỉ là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là một biểu tượng của sức mạnh và vẻ đẹp tự nhiên của Việt Nam. Ai đã từng đặt chân đến đây đều không thể quên được những trải nghiệm đầy ý nghĩa và khó quên. Và đối với những ai chưa có cơ hội trải nghiệm, hãy đến và khám phá vẻ đẹp kỳ diệu của vịnh Hạ Long - một phần không thể thiếu của văn hóa và thiên nhiên Việt Nam.

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 13

Mảnh đất Hải Dương không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên tươi đẹp mà còn là nơi ghi dấu những trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam. Trong số những điểm đến không thể không kể đến, quần thể di tích Côn Sơn Kiếp Bạc nổi bật với sức hút lịch sử và văn hóa không thể phủ nhận.

Nằm tại xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, quần thể di tích Côn Sơn Kiếp Bạc là chứng nhân sống động về những trận đánh lịch sử quyết liệt của dân tộc Việt Nam. Từ việc đánh bại quân Nguyên Mông vào thế kỷ XIII cho đến cuộc kháng chiến chống lại giặc Minh ở thế kỷ XV, nơi đây đậm chất anh hùng và oai vệ.

Không chỉ là một địa điểm du lịch, quần thể này còn là kho tàng kiến thức về văn hóa lịch sử. Chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc là hai điểm nhấn không thể bỏ qua. Chùa Côn Sơn, hay còn gọi là chùa Hun, được xây dựng từ thời kỳ nhà Đinh, mang đậm dấu ấn của thiền phái Trúc Lâm. Đền Kiếp Bạc, nơi mà Trần Hưng Đạo từng đóng quân và là phủ đệ, cũng là nơi tôn vinh các danh nhân lớn lao của dân tộc như Nguyễn Trãi.

Công trình kiến trúc của chùa Côn Sơn rất ấn tượng với những đường nét cổ kính. Tam quan, nhà Tổ, và những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét, tất cả đều là những biểu tượng văn hóa đặc trưng của dân tộc. Đền Kiếp Bạc không chỉ là nơi tưởng nhớ về những chiến công anh dũng mà còn là nơi lưu giữ những câu chuyện huyền thoại, như câu chuyện về con voi trung thành của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa tại khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc không chỉ là dịp để nhớ lại quá khứ rực rỡ mà còn là cơ hội để hình thành và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau. Đây thực sự là một trung tâm văn hóa quan trọng, đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc giáo dục và bồi dưỡng tâm hồn cho người Việt Nam.

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 14

Truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của con người Việt Nam có từ nghìn xưa trở thành đạo lý và lẽ sống của các dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc nhưng ở đời nào, triều đại nào nhân dân ta đều không hề quên tổ chức lễ hội Đền Hùng. Đây là một lễ hội lớn mang tính quốc gia để tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Như vậy phong tục giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành truyền thống văn hoá lâu đời ở nước ta. Đó là ngày hội toàn quốc, toàn dân và trong tâm thức dân gian Việt Nam nó mang tính thiêng liêng cao cả nhất. Vì thế mà lễ hội được tổ chức long trọng hàng năm với nghi thức đại lễ quốc gia, với sự hành hương "trở về cội nguồn dân tộc" của hàng chục vạn người từ khắp các nơi trong nước và kiều bào sống ở nước ngoài.

Khu di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc đẹp trên núi Nghĩa Lĩnh, tức núi Hùng, thuộc xã Huy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Khởi thủy các ngôi đền này đều được làm bằng đá để thờ các vị thần núi và các vị vua Hùng. Và từ đó đến nay, trải qua mấy nghìn năm lịch sử, qua các triều đại, các ngôi đền đều được nhân dân địa phương trông coi, sửa chữa, tôn tạo hoặc xây dựng để chống lại sự phong hoá của thời gian và do các cuộc chiến tranh tàn phá. Để có được những ngôi đền với diện mạo bề thế khang trang như ngày nay là kỳ tích và công sức của bao thế hệ con cháu duy tu bảo dưỡng. Các di tích này từ lâu đã trở thành một di sản văn hóa quý giá và là bảo tàng lịch sử của dân tộc ta.

Mỗi công trình kiến trúc của di tích đền Hùng đều hàm chứa nội dung huyền thoại hòa lẫn hiện thực, theo dòng lịch sử chảy trôi, làm cho người đi hội hôm nay như thấy quá khứ và hiện tại quyện vào nhau. Khí thiêng sông núi như tôn thêm cho ngày hội non sông thêm rạng rỡ. Từ cổng tiền lớn (Đai môn) dưới chân núi, bức đại tự phía trên mang dòng chữ "Cao sơn cảnh hàng" (Núi cao đường lớn) vui vẻ chào đón mọi người. Vượt 225 ác xi măng, khách tới đền Hạ, nơi bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm con trai. Có lẽ đây là sự tích về nguồn gốc của người Việt Nam được cùng sinh ra một bọc. Vì vậy mà trong ngôn ngữ của ta, dân gian vẫn dùng hai tiếng "đồng bào" (cùng một bọc) cho đến tận ngày nay. Khi Âu Cơ sinh bọc trăm trứng thì Lạc Long Quân dẫn 50 người về xuôi còn Âu Cơ dẫn 49 con lên ngược, để lại người con trưởng làm vua, xưng là Hùng Vương, định đô ở Phong Châu. Vượt 168 bậc nữa là tới đền Trung. Tương truyền nơi đền Trung là chỗ xưa kia các vua Hùng thường họp bàn việc nước với các quan đại thần trong triều. Đây cũng là nơi nghỉ ngơi thoải mái của các vua Hùng cùng các tướng lĩnh sau những cuộc viễn du săn bắn dài ngày. Nơi đền Trung còn liên quan đến sự tích "bánh chưng, bánh dày" và cuộc thi cổ do vua Hùng Vương thứ 6 tổ chức nhằm mục đích tìm người nối ngôi. Lang Liêu là con trai út vì lòng hiếu thảo đã chế ra được hai loại bánh từ gạo nếp thơm là bánh chưng và bánh dày. Lại vượt 102 bậc nữa là tới đền Thượng. Tục truyền rằng ở thời Hùng Vương, các vua Hùng thường cùng các vị tướng soái hay tổ chức tế trời trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, để cầu khấn trời phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân chúng được ấm no hạnh phúc. Cũng tại khu vực đền Thượng, vua Hùng Vương thứ 6 đã lập bàn thờ Thánh Gióng để tưởng niệm người anh hùng làng Phù Đổng. Và sự tích Thục Phán dựng hai cột đá thề, khi được vua Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi cho và hứa tiếp tục sự nghiệp của các vua Hùng. Cạnh đền có ngôi mộ nhỏ, cổ kính được gọi là mộ Tổ. Đây chính là phần mộ của Hùng Vương thứ 6, dân gian dựa vào lời dặn của nhà vua lúc băng hà rằng: "Hãy chôn ta trên núi Cả, để đứng trên núi cao ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu muôn đời về sau". Từ đền Thượng, phóng tầm mắt về phía trước, khách chiêm ngưỡng 99 ngọn núi lớn nhỏ, hình bầy voi quỳ hướng về núi Mẹ – Nghĩa Lĩnh – uy nghiêm – riêng một con quay lưng lại, "ăn ở ra lòng riêng tư", đã bị mất đầu mãi mãi phải xa lìa bầy đàn, nguồn cội. Bài học bằng đá cho tới nay vẫn có giá trị nhắc nhở hậu thế về lòng hiếu nghĩa ở đời.

Trở xuống đền Hạ, chếch về phía Đông Nam là đền Giếng. Tục truyền rằng ở thời Hùng Vương thứ 18, có hai nàng công chúa tên là Tiên Dung và Ngọc Hoa, theo vua cha đi kinh lý qua đây thường hay đến giếng nước trong vắt trốn này để soi gương chải tóc. Cả hai nàng công chúa đều đẹp người, đẹp nết đã có công dạy dân trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm, phát triển buôn bán trao đổi, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho muôn dân trăm họ. Nên để tưởng nhớ ơn hai vị công chúa, nhân dân đã xây dựng ngôi đền Giếng để thờ tự cúng lễ.

Lễ hội đền Hùng là dịp giỗ tổ thiêng liêng. Bởi vì trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt đều tự hào là dòng giống Lạc Hồng, con Rồng cháu Tiên. Để rồi cứ mỗi độ xuân về người Việt lại nô nức hành hương về đất Tổ để tưởng nhớ công lao to lớn trong sự nghiệp mở nước và dựng nước, khai sáng nền văn minh Lạc Việt và lập nên nước Văn Lang cổ đại.

Hội đền Hùng kéo dài từ mùng 8 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch, mà mùng 10 là chính hội. Cũng như mọi lễ hội khác ở đồng bằng Bắc Bộ, ở lễ hội đền Hùng gồm có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần tế lễ được cử hành rất trọng thể mang tính quốc lễ. Lễ vật dâng cúng là "lễ tam sinh" (1 lợn, 1 dê và 1 bò), bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu, nhạc khí là trống đồng cổ. Sau khi một hồi trống đồng vang lên, các vị chức sắc vào tế lễ dưới sự điều khiển của chủ lễ. Tiếp theo đến các cụ bô lão của làng xã sở tại quanh đền Hùng vào tế lễ. Sau cùng là nhân dân và du khách hành hương vào tế lễ trong các đền thờ, tưởng niệm các vua Hừng. Sau phần lễ là đến phần hội. Ở lễ hội đền Hùng năm nào cũng tổ chức cuộc thi kiệu của các làng xung quanh. Với sự xuất hiện của các đám rước linh đình mà không khí lễ hội trở nên tưng bừng náo nhiệt hơn. Các cỗ kiệu của các làng phải tập trung trước vài ngày thì mới kịp cuộc thi. Nếu như cỗ kiệu nào đoạt giải nhất của kỳ thi năm nay, thì đến kỳ hội sang năm được thay mặt các cỗ kiệu còn lại, rước lên đền Thượng để triều đình cử hành quốc lễ. Vì vậy, cỗ kiệu nào đoạt giải nhất thì đó là niềm tự hào và vinh dự lớn lao của dân làng ấy. Bởi họ cho rằng, đã được các vua Hùng cùng các vị thần linh phù hộ cho nhiều may mắn, nhân khang, vật thịnh… Tuy nhiên, để có được đám rước các cỗ kiệu đẹp lộng lẫy phải chuẩn bị rất công phu và chu đáo từ trước. Những khó khăn vất vả của dân làng đã thôi thúc họ vượt qua được để đến với cái linh thiêng cao thượng và hướng về Tổ tiên giống nòi. Đó là đời sống tâm linh của dân chúng, được biểu hiện rõ nét qua một hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian cổ truyền mang tính cộng cảm với cộng mệnh sâu sắc. Sinh hoạt văn hóa dân gian này đã thành nhu cầu không thể thiếu được đối với các cộng đồng làng xã cư trú quanh đền Hùng.

Mỗi một đám rước kiệu có 3 cỗ kiệu đi liền nhau. Được sơn son thiếp vàng, chạm trổ rất tinh xảo. Sự bày biện trang trí trên cỗ kiệu cũng rất khéo léo và đẹp mắt. Cỗ kiệu đi đầu bày hương hoa, đèn nhang, trầu cau, chén nước và bầu rượu. Cỗ kiệu thứ 2 có đặt hương án, bài vị của Thánh, có lọng và quạt với nhiều sắc màu trang hoàng tôn nghiêm. Cỗ thứ 3 rước bánh chưng và bánh dày, 1 cái thủ lợn luộc để nguyên, đi sau 3 cỗ kiệu này là các vị quan chức và bô lão trong làng. Các vị chức sắc thì mặc áo thụng theo kiểu các bá quan triều đình, còn các cụ bô lão cũng mặc áo thụng đỏ, hoặc mặc quần trắng, áo the, đầu đội khăn xếp. Trong hội đền Hùng, nhân ngày giỗ Tổ có tiến hành nghi lễ hát thờ (tục gọi là hát Xoan). Đây là một lễ thức rất quan trọng và độc đáo. Dân gian truyền rằng hát Xoan xưa kia gọi là hát Xuân và điệu múa hát Xoan có từ thời Hùng Vương và được lưu truyền rộng rãi trong dân cư của các làng xã quanh vùng. Điệu múa hát Xoan này được nhiều người ưa thích, đặc biệt là bà Lan Xuân, vợ của vua Lý Thần Tông. Bà đã cảm nhận được âm hưởng dân ca đặc biệt và độc đáo của nó, nên bà đã cho sưu tầm và cải biên thành điệu hát thờ tại một số đền, đình làng thờ các vua Hùng.

Ở đền Hạ có hát ca trù (gọi là hát nhà tơ, hát ả đào). Đây cũng là loại hát thờ trước cửa đình trong dịp hội làng, do phường hát Do Nghĩa trình diễn. Ngoài sân đền Hạ, ở nơi thoáng đãng có đu tiên. Mỗi bàn đu có hai cô tiên (cô gái Mường trẻ mặc đẹp) ngồi. Đu quay được là do các cô luân phiên lấy chân đạp đất. Đu tiên là trò chơi đẹp mắt, nhịp nhàng của phụ nữ. Xung quanh khu vực dưới chân núi Hùng là các trò diễn và trò chơi dân gian cổ truyền, diễn ra rất sôi động, được nhiều người tham dự như trò chơi ném côn, chơi đu, đầu vật, chọi gà,… Những trò đánh cờ người và tổ tôm điếm được các cụ cao niên tâm đắc. Còn các đám trai gái tụm năm, tụm ba trên các đồi đó trổ tài hát ví, hát trống quân hoặc hát đối đáp giao duyên…Tối đến có tổ chức hát chèo, hát tuồng ở các bãi rộng ngay cửa đền Hạ hoặc đền Giếng… Không khí ngày hội vừa trang nghiêm phấn khởi, vừa hào hứng sôi nổi đã làm rung động tâm khảm trái tim bao người đến dự hội.

Lễ hội Đền Hùng là phong tục đẹp trong truyền thống của người dân đất Việt. Và từ rất lâu đời trong tâm thức dân gian, vùng đất Tổ đã trở thành "Thánh địa linh thiêng" của cả nước, nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc. Trải qua bao thời đại lịch sử tuy có lúc thịnh, lúc suy nhưng lễ hội đền Hùng vẫn được tổ chức. Điều này đã thể hiện rõ bản lĩnh phi thường và nền văn hiến rực rỡ, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Người dân hành hương về đất Tổ không hề có sự phân biệt tôn giáo, chỉ cần là người Việt Nam thì trong tâm khảm họ đều có quyền tự hào là con cháu muôn đời của vua Hùng. Bởi vậy, hễ ai là người Việt Nam nếu có sẵn tâm thành và lòng ham muốn hành hương về đất Tổ thì tự mình có thể thực hiện ước nguyện chính đáng đó một cách dễ dàng và thuận tiện.

Hội đền Hùng hay giỗ tổ Hùng Vương là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng. Người đến hội mang theo lòng ngưỡng mộ sâu đậm về quê cha đất tổ, một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam cho dù họ sống ở bất cứ phương trời nào.

Thuyết trình về một địa chỉ văn hoá ở nơi em đang sống - mẫu 15

Hôm nay, tôi sẽ giới thiệu với các bạn về di tích lịch sử văn hóa Hoàng Thành Thăng Long – một trong những địa điểm chứa đựng cả giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của cả một dân tộc.

Di tích xuất hiện từ thời Lý, sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ đã quyết định rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội). Người ta nói rằng, vào ngày hôm ấy có một đám mây như hình rồng xuất hiện trên bầu trời, vì vậy Lý Thái Tổ đã quyết định lấy tên kinh đô mới là Thăng Long. Từ đó, Hoàng Thành Thăng Long chính thức trở thành kinh đô của một nhà nước độc lập, thống nhất.

Kiến trúc của toàn thành khi đó được xây dựng theo mô hình “tam trùng thành quách” gồm: thành nhỏ nhất ở trong gọi là Tử Cấm thành, nơi dành cho vua, hoàng hậu, phi tần và mỹ nữ. Tiếp đến là Hoàng Thành, nơi làm việc, họp bàn việc nước của nhà vua và quan lại. La Thành là vòng ngoài cùng, nơi các tầng lớp nhân dân, quan lại hoạt động, sinh sống, sản xuất hay còn được gọi là khu Kinh Thành.

Trải qua hơn 1000 năm, kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử của các triều đại, những cuộc chiến tranh khốc liệt cũng như những thời kì huy hoàng của lịch sử dân tộc. Năm 1835, nhà Nguyễn đã cho xây dựng những tòa thành cổ hình vuông ở trung tâm Hoàng Thành. Tên các cổng thành lần lượt là Cửa Bắc, Cửa Nam, Cửa Đông… Ngoài ra, còn có khu thành cũ như Cửa Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu.

Năm 2010, nước ta vinh dự tổ chức kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tại đây, các nhà khoa học học đã phát hiện thêm dưới lòng đất nhiều công trình kiến trúc, di tích, di khảo quý giá về Hoàng thành Thăng Long. Điều đó càng khẳng định nơi đây thực sự là trung tâm của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Như vậy, di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với người dân Việt Nam. Nó là tượng trưng cho cả một thời đại lịch sử lâu dài của dân tộc, để con cháu giờ có cơ hội được nhìn lại, cảm thấy tự hào, tự tôn về lịch sử dân tộc mình.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 10 hay khác:

Đã có lời giải bài tập lớp 10 sách mới:


Giải bài tập lớp 10 Cánh diều khác