Soạn bài (Nói và nghe trang 75) Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (ý thức trách nhiệm với cộng đồng của học sinh) - ngắn nhất Kết nối tri thức

Soạn bài Nói và nghe: Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (ý thức trách nhiệm với cộng đồng của học sinh) trang 75, 76 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 8 dễ dàng hơn.

Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (ý thức trách nhiệm với cộng đồng của học sinh)

Trước những vấn đề của cuộc sống, không phải mọi người đều nhận thức giống nhau. Do vậy, chúng ta cần biết tổ chức thảo luận. Việc thảo luận đòi hỏi chúng ta phải nắm được nội dung chính mà nhóm đã trao đổi, trình bày lại được các nội dung đó để hiểu sâu hơn về vấn đề và nâng cao khả năng nói. Cũng qua thảo luận, ta mới thấy được trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, đất nước, từ đó biết hành động một cách đúng đắn.

1. Trước khi thảo luận

- Từng thành viên trong lớp cần nêu vấn đề theo góc nhìn của mình, tập thể lớp trao đổi, thống nhất chọn một vấn đề trong đời sống phù hợp với tuổi, được nhiều người quan tâm làm đề tài cho cuộc thảo luận. Có thể xem lại các đề tài đã gợi ý ở phần Viết, hoặc tham khảo thêm một số đề tài sau để lựa chọn:

+ Học sinh có cần quan tâm đến những vấn đề lớn lao của đất nước?

+ Học sinh có trách nhiệm như thế nào với vấn đề trật tự an toàn giao thông?

+ Học sinh cần làm gì để góp phần giữ gìn tiếng nói của dân tộc?

- Sau khi thống nhất đề tài, mỗi cá nhân tự tìm hiểu, tham khảo thêm những tài liệu có liên quan, ghi chép nhanh các ý nảy sinh trong quá trình suy nghĩ để chuẩn bị phát biểu ý kiến thảo luận.

- Lớp cử một người điều hành thảo luận đảm nhận sắp xếp, giới thiệu tuần tự các ý kiến, định hướng vào trọng tâm đề tài, kiểm soát thời gian phát biểu ý kiến của từng người; tổ chức đánh giá, tổng kết cuộc thảo luận.

- Cử một thư kí ghi chép các ý kiến trong cuộc thảo luận.

2. Thảo luận

- Người điều hành nhắc lại đề tài, nêu định hướng và mục đích thảo luận.

- Theo định hướng của người điều hành, các thành viên trong lớp lần lượt phát biểu ý kiến. Ý kiến cần tập trung vào trọng tâm vấn đề, phân tích từng khía cạnh, có lí lẽ và bằng chứng để thuyết phục người nghe.

- Người phát biểu sau có thể bàn luận về vấn đề theo góc nhìn riêng, tán thành hay phản đối ý kiến của người phát biểu trước, trên cơ sở đó, khẳng định quan điểm của mình.

- Các thành viên tham gia thảo luận cần nắm được nội dung chính mà nhóm đã trao đổi và trình bày lại được nội dung các ý kiến đó.

- Thư kí ghi chép các ý kiến, người điều hành dựa vào đó tổng hợp, kết luận về vấn đề. Tùy thực tế cuộc thảo luận, người điều hành có thể khẳng định sự đồng thuận của các ý kiến hoặc khái quát các nhóm ý kiến khác nhau. Mục đích cuối cùng là để mọi người hiểu sâu sắc hơn về bản chất vấn đề và có thái độ, hành động phù hợp.

Bài nói mẫu tham khảo:

Hàng triệu lớp thanh niên ưu tú của dân tộc đã xung phong đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần đến, không ngại hy sinh, gian khổ làm nên những thành tích cách mạng to lớn trong chiến tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong hoà bình xây dựng và phát triển đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng lớp bụi thời gian không thể phủ mờ những cống hiến, hy sinh của bao thế hệ thanh niên quyết tâm “Ba sẵn sàng” để bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ thanh niên hiện nay đang được sống trong hòa bình và một môi trường đảm bảo cho sự phát triển toàn diện có đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của mình cần phải làm gì cho Tổ quốc đàng hoàng hơn, to đẹp hơn hay không?

Trong mọi thời kỳ, với mỗi quốc gia, thanh niên bao giờ cũng có vai trò hết sức to lớn, họ là sức sống hiện tại và tương lai của dân tộc. Bác Hồ đã chỉ rõ: Một dân tộc muốn hồi sinh, trước hết phải hồi sinh thanh niên, nếu thanh niên không chịu giác ngộ, không đủ nghị lực, không còn sức sống, không được tổ chức lại, chỉ chìm đắm trong rượu cồn và thuốc phiện thì dân tộc có nguy cơ bị diệt vong. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) Đảng ta cũng đã khẳng định: Vấn đề thanh niên phải đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước ta bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng và rèn luyện thế hệ thanh niên.

Năm 2000, năm đầu tiên của thế kỷ XXI, Đảng, Chính phủ đã đồng ý đặt tên là “Năm Thanh niên”, chúng ta đã gửi “Thông điệp Tháng Ba” đến bạn bè trên toàn thế giới. Trong những năm qua, chúng ta đã mở rộng quan hệ bè bạn và hợp tác với hàng trăm tổ chức thanh niên, sinh viên thế giới. Chúng ta đã chủ động đề xuất và tổ chức thành công các hoạt động giao lưu với thanh niên các nước có đường biên giới chung với Việt Nam, tiếp tục củng cố mối quan hệ truyền thống với Đoàn thanh niên Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cu Ba, Liên bang Nga; đã tích cực tham gia các hoạt động tại Festival thanh niên, sinh viên thế giới. Vị thế và ảnh hưởng của thanh niên Việt Nam còn được thể hiện ở nhiều cuộc thi thế giới và khu vực về toán học, vật lý, thể thao. Hiện tại, hàng chục vạn lao động Việt Nam mà chủ yếu là thanh niên đang đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế trong nước và thế giới với sự thông minh sáng tạo, đức tính cần cù chăm chỉ trong lao động và nghiên cứu khoa học.

Nếu như trong kháng chiến, phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” và khẩu hiệu “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” đã được lịch sử dân tộc ghi nhận, bạn bè thế giới ngợi ca, thì ngày nay, các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Học vì ngày mai lập nghiệp”, “Thanh niên tình nguyện”, “Hiến máu nhân đạo” đã và đang thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia.

Trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, một thế hệ thanh niên mới đã ra đời và từng bước trưởng thành. Có thể nói ít có thời kỳ nào mà tuổi trẻ Việt Nam lại có cơ hội và vai trò to lớn đến thế trong tiến trình đổi mới và hội nhập. Số đông thanh niên là lực lượng đi đầu, thổi bùng lên ngọn lửa tình nguyện vì cộng đồng và không cam chịu đói nghèo. Các mùa hè tình nguyện đã làm xanh nhiều góc phố bộn bề và bản làng xa xôi. Hàng chục ngàn trí thức trẻ tình nguyện lên đường về nông thôn, miền núi. Nhiều chương trình, dự án lớn, đậm chất thanh niên ra đời như: xây dựng các Cung đường Thanh niên xung phong trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại; xoá hàng ngàn cầu khỉ thay thế bằng cầu nông thôn mới ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; tình nguyện đi lập nghiệp tại đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ với những công trình hiện đại như đóng mới tàu cao tốc Bạch Long, xây dựng trạm điện sức gió, xây dựng công viên tuổi trẻ Sông Hồng trên đảo xa, xây dựng các Làng thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh và biên giới…Bên cạnh đội hình Thanh niên xung phong lập nghiệp và hoạt động chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, còn có hàng ngàn doanh nghiệp trẻ đang hăng hái, trăn trở góp phần tạo dựng nên “Thương hiệu Việt” và nhiều bạn trẻ khác đang “khởi nghiệp” bằng chính bàn tay, khối óc dám nghĩ, dám làm và biết làm của mình. Như vậy là phần đông thanh niên thời đại ngày nay vẫn tiếp bước tinh thần “Ba sẵn sàng” của các thế hệ cha anh, tự ý thức được trách nhiệm của mình với đất nước với những đóng góp không nhỏ.

Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm đến thế hệ thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với đất nước. Những cơ chế chính sách chủ yếu tập trung đáp ứng các nhu cầu thiết yếu và cơ bản của thanh niên về học tập, sao cho thanh niên Việt Nam không còn tụt hậu so với thanh niên thế giới về khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý và hoà nhập nhanh vào kinh tế thị trường, kinh tế tri thức; về định hướng nghề nghiệp và việc làm, sao cho chuyển đổi được nhận thức toàn xã hội không còn coi cánh cổng trường đại học là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên, để xã hôị ta “giảm thầy tăng thợ giỏi”; về nâng cao trình độ thẩm mỹ, lối sống, thể lực và nâng cao tâm hồn cốt cách cho thanh niên Việt Nam…

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mặt trái của kinh tế thị trường đang làm biến đổi nhiều mặt đời sống xã hội, đã xuất hiện ngày càng gia tăng những lối sống thực dụng, ích kỷ và buông thả, thiếu ý thức rèn luyện, non kém về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, sống thụ động, thờ ơ, ngại tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, vi phạm pháp luật, tin vào những điều mê tín dị đoan… trong một bộ phận không nhỏ thanh niên và trong xã hội. Chính vì thế, cần nâng cao vai trò của Đoàn trong việc định hướng tư tưởng và hành động của thanh niên, phát động nhiều chiến dịch thiết thực thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia, giúp thanh niên nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xứng đáng là thế hệ thanh niên mới tiếp nối truyền thống tự hào của cha anh.

3. Đánh giá

Sau khi thảo luận, cả lớp cần tập trung trao đổi về một số khía cạnh:

- Vấn đề đời sống được thảo thực sự có ý nghĩa không, có tác động gì đến nhận thức của bản thân?

- Các ý kiến phát biểu đã tập trung vào trọng tâm của vấn đề chưa, có tác dụng làm sáng tỏ vấn đề như thế nào?

- Các thành viên tương tác với nhau ở mức độ nào, có thể hiện thái độ tôn trọng, học hỏi nhau trong thảo luận không?

- Người điều hành và thư kí đã thể hiện đúng vai trò của mình chưa?

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 Kết nối tri thức ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:


Giải bài tập lớp 8 Kết nối tri thức khác