Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ (Tìm hiểu cấu tứ và hình ảnh của tác phẩm) - ngắn nhất Kết nối tri thức
Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ (Tìm hiểu cấu tứ và hình ảnh của tác phẩm) trang 66, 67, 68, 69, 70, 71 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.
Từng nhiều lần thực hành viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ, bạn hẳn đã quen với một số thao tác viết cơ bản do kiểu bài đòi hỏi. Lần này, với việc xác định trọng tâm là tìm hiểu cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ, bạn sẽ phải tìm hiểu sâu hơn về các khái niệm liên quan đã được giới thiệu ở phần Tri thức ngữ văn. Khi nói về hình ảnh, cần phải làm nổi bật được tính chất của hệ thống hình ảnh cũng như cách tổ chức chúng theo sự chi phối của tứ thơ. Dĩ nhiên, những yếu tố đặc sắc khác của tác phẩm cũng cần được đề cập, tùy mạch viết của bài nghị luận.
* Yêu cầu
- Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ (tác giả, vị trí của bài thơ; lý do lựa chọn bài thơ;…).
- Xác định rõ trọng tâm vấn đề được bàn luận trong bài viết (cấu tứ độc đáo của bài thơ và sự chi phối của nó đến hệ thống hình ảnh).
- Xem xét vấn đề một cách toàn diện theo từng khía cạnh cụ thể với những lí lẽ, bằng chứng xác đáng.
- Đánh giá được nét đặc sắc về cấu tứ và hình ảnh của bài thơ cũng như giá trị của chúng trong việc thể hiện những khám phá mới về con người và cuộc sống.
* Phân tích bài viết tham khảo
Bài thơ “Tĩnh dạ tứ” của Lý Bạch
1. Giới thiệu về bài thơ.
“Tĩnh dạ tứ” thuộc đề tài “nguyệt dạ tư hương” mà ta gặp trong thơ Đường.
2. Nêu khái quát cấu tứ của bài thơ và định hướng phân tích, đánh giá.
Đêm yên tĩnh trên đường lữ khách, tình quê hương ngổn ngang muôn lối; nhà thơ chớp lấy một cảm giác sai lạc, tức cảnh sinh tình, viết một bài thơ tuyệt diệu.
3. Phân tích, đánh giá từng phần của bài thơ.
Phân tích theo bố cục của bài thơ.
4. Chú ý làm rõ tính khái quát của hình ảnh, chi tiết.
- Ánh trăng vào tận phòng cho biết đêm sâu, nhân thấy ánh trăng rọi sáng đầu giường rõ ràng là người không ngủ.
- Nhà thơ ngẩng đầu ngắm trăng sáng vì thấy trăng như thấy “cố tri”.
- Nhà thơ gặp lại trăng như gặp lại người quen, thấy trăng mà sinh ra nỗi nhớ.
- Ánh trăng làm xót xa lòng người, nỗi nhớ quê nhà trĩu nặng đã khiến mái đầu cúi xuống.
- Chủ đề của bài thơ “tư hương” nhưng lại dành đến ba câu tả trăng, đến câu tâm niệm “tư cố hương” thì liền dừng lại.
5. Đánh giá chung.
- Lấy cái vô tình nói tình thì tất tình hiện ra, lấy cái vô ý tả ý thì ý chân thật.
- Ở đây “lấy cái vô tình” là dùng đến ba câu để tả trăng. “Lấy cái vô ý” tức là động tác “cử đầu” và “đê đầu” đều như phản xạ tự nhiên, “vô ý”, do sự “điều khiển” tự nhiên gần như vô thức.
6. Kết luận.
Tĩnh dạ tứ có tính chất tự nhiên, chân thực, đầy hàm ý.
* Trả lời câu hỏi bài mẫu
Câu 1 (trang 69 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Bài thơ đã được giới thiệu như thế nào?
Trả lời:
Bài thơ được giới thiệu bằng cách giải thích nhan đề.
Câu 2 (trang 69 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Xác định trình tự, logic triển khai hệ thống ý trong bài viết.
Trả lời:
- Giới thiệu bài thơ.
- Nêu khái quát cấu tứ của bài thơ.
- Phân tích, đánh giá từng phần của bài thơ.
- Làm rõ tính khái quát của hình ảnh, chi tiết.
- Đánh giá chung.
- Kết luận.
Câu 3 (trang 69 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Cấu tứ và tính chất khái quát của hình ảnh trong bài thơ đã được người viết đề cập ở đoạn nào, câu nào?
Trả lời:
- Cấu tứ và tính chất khái quát của hình ảnh trong bài thơ được đề cập đến ở đoạn văn thứ hai.
- Câu văn khái quát: Đêm yên tĩnh trên đường lữ khách, tình quê hương ngổn ngang muôn lối; nhà thơ chớp lấy một cảm giác sai lạc (thố giác), tức cảnh sinh tình, viết nên một bài thơ tuyệt diệu.
* Thực hành viết
1. Chuẩn bị viết
- Cần chọn viết về những tác phẩm thơ có cấu tứ độc đáo và có hệ thống hình ảnh phong phú được xây dựng theo sự chi phối của tứ thơ, ngoài giá trị tạo hình còn gợi mở những tầng nghĩa sâu xa khác.
- Có thể viết về những bài thơ đã được tìm hiểu trong chính bài học này hoặc thuộc danh mục gợi ý tham khảo của thầy, cô.
2. Tìm ý, lập dàn ý
Đề bài: Viết bài văn nghị luận về văn bản “Tràng giang” – Huy Cận.
Tìm ý
Có thể tự đặt ra các câu hỏi xếp theo nhóm như sau để tìm ý:
Yêu cầu chung đối với việc bàn luận về tác phẩm thơ
- Bài thơ của ai, được sáng tác trong hoàn cảnh nào, xuất bản ở đâu, từng được đón nhận ra sao?
- Vấn đề chính sẽ bàn trong bài viết là gì? Những phương diện nào của bài thơ sẽ được đề cập?
- Ở từng phương diện nói trên, giá trị của bài thơ đã được thể hiện ra sao? Câu thơ, chi tiết, hình ảnh nào chứng tỏ điều đó? Có những kết quả nghiên cứu, phê bình nào đáng chú ý về vấn đề sẽ được triển khai ở bài viết?
- Bài thơ đã tác động đến bạn như thế nào? Qua khám phá tác phẩm cụ thể này, bạn tích lũy được kinh nghiệm gì về việc đọc một văn bản thơ nói chung?
Tìm hiểu, đánh giá cấu tứ của bài thơ
- Bài thơ đã hình thành và hoàn thiện dựa trên ý tưởng cơ bản nào? Điều gì đã làm cho ý tưởng ấy được thể hiện một cách sinh động?
- Có thể nêu nhận định khái quát gì về cấu tứ của bài thơ? Nhận định này có gì khác biệt so với những nhận định từng có và đã bao quát hết mọi yếu tố cấu thành của bài thơ chưa?
- Với cách cấu tứ đã nêu, bài thơ thể hiện được phát hiện riêng gì của nhà thơ về thế giới và con người?
Tìm hiểu, phân tích hệ thống hình ảnh trong bài thơ
- Bài thơ có những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó có thể gợi cho người đọc ấn tượng, liên tưởng gì?
- Có thể nhìn nhận như thế nào về logic kết nối các hình ảnh trong bài thơ với nhau? Cái tứ của bài thơ đã chi phối điều này ra sao?
- Theo mạch triển khai của bài thơ, giữa các hình ảnh có sự vận động phát triển nào đáng chú ý?
- Có thể nói gì về những hàm nghĩa của các hình ảnh trong bài thơ? Sự chuyển hóa về ý nghĩa của các hình ảnh đã được thể hiện ra sao?
Lập dàn ý
Mở bài: Giới thiệu chung về bài thơ và xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết.
Thân bài: Cần triển khai các ý:
- Cảm giác chung mà cấu tứ cùng những hình ảnh và cách diễn tả khác lạ trong bài thơ đã gợi cho người đọc.
- Sự khác biệt của bài thơ này so với các bài thơ khác trên phương diện xây dựng hệ thống hình ảnh và tạo sự kết nối giữa các bộ phận cấu tạo trong bài thơ (thực hiện những so sánh cần thiết để chỉ ra được sự khác biệt).
- Những khả năng hiểu (cắt nghĩa) khác nhau đối với một số yếu tố, hình ảnh trong bài thơ 9 (cần nêu cụ thể).
- Điều được làm sáng tỏ qua việc đọc thăm dò và thử nghiệm các cách đọc khác nhau đối với bài thơ.
- Sự gợi mở về cách nhìn mới đối với thế giới và con người được đề xuất từ mạch ngầm văn bản bài thơ.
Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa của nó đối với việc đem lại cách nhìn, cách đọc mới cho đọc giả.
3. Viết
- Dựa vào dàn ý đã lập để thực hiện bài viết. Khi cần, có thể đảo trật tự ý đã có hoặc bổ sung ý mới nảy sinh trong quá trình viết.
- Chú ý nêu những cách nhìn nhận khác nhau (nếu có) về cấu tứ của bài thơ trước khi trình bày ý kiến riêng. Có thể vẽ sơ đồ cấu tứ của bài thơ để người đọc dễ nhận biết.
- Khi nêu hàm nghĩa của các hình ảnh, chi tiết trong bài thơ, cần tránh cách diễn đạt mang tính khẳng định một chiều (vì hình ảnh thơ vốn đa nghĩa, có thể gợi những cách cảm nhận, lý giải khác nhau), nên dùng những từ thể hiện thái độ thận trọng khi nhận xét, bày tỏ cảm nhận riêng như phải chăng, có thể hiểu (nghĩ) là,…
Bài viết tham khảo
Huy Cận được mệnh danh là nhà thơ cả vạn lí sầu. Trước cách mạng hồn thơ ông mang nỗi sầu bi của thời đại. Tác phẩm Tràng giang là một bài thơ tiêu biểu cho nỗi buồn miên man của nhà thơ trước cuộc đời, trước thời đại. Ẩn sau nỗi buồn ấy còn là lời tâm sự, lòng yêu nước kín đáo.
Nhan đề của bài thơ gồm hai vần “ang” đây là âm mở, gợi nên sự mênh mông, rộng lớn. Không gian dòng sông hiện ra không chỉ là một con sông bình thường mà nó còn là con sông lớn mang tầm vóc vũ trụ. Không chỉ vậy, sử dụng từ Hán Việt còn khiến cho bài thơ mang âm hưởng cổ kính, mang tính khái quát.
Không phải bất cứ tác phẩm nào cũng có lời đề từ, khi đề từ xuất hiện nó thường là một gợi dẫn có ý nghĩa bao quát toàn bộ nội dung tác phẩm. Trước khi bắt đầu bài thơ Tràng giang là lời đề từ do chính Huy Cận sáng tác:
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài
Câu thơ đề tự gợi ra không gian vũ trụ rộng lớn, bát ngát mở ra cả chiều rộng và chiều cao. Trước không gian ấy con người cảm thấy bơ vơ, lạc lòng, đây cũng là cảm xúc của biết bao thế hệ thi nhân xưa nay. Câu thơ đề từ đã khơi mạch cảm xúc chung của bài thơ.
Bài thơ mở đầu bằng khổ thơ thấm đượm nỗi buồn:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Những con sóng lăn tăn gợn theo chiều gió thổi, không gian ấy hoàn toàn yên tĩnh. Nhưng ở đây không chỉ có thiên nhiên mà ẩn khuất còn có tâm trạng của con người “buồn điệp điệp”, nỗi buồn không còn vô hình mà hữu hình qua từ láy “điệp điệp”. Nỗi buồn ấy tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau, nó tuy nhẹ nhàng mà thấm đẫm, mà lan tỏa trong lòng con người. Nổi bật trong không gian đó là hình ảnh con thuyền xuôi mái, lênh đênh, phiêu dạt. Giữa dòng tràng giang con thuyền trở nên bé nhỏ, đơn côi tựa như chính hình ảnh con người. Từ “xuôi mái” cho thấy trạng thái buông xuôi, phó mặc cho dòng nước xô đẩy. Đó phải chăng cũng chính là tâm trạng của những con người Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Thuyền cứ trôi, cứ về để lại nỗi buồn mênh mang, vô hạn cho người ở lại – nước. Và hiển hiện trong hiện thực đó chính là những cành củi khô đơn độc, lẻ loi. Đảo ngữ “củi” được đảo lên đầu câu nhấn mạnh sự vô nghĩa, tầm thường, không chỉ vậy đó còn là cảnh củi khô không còn sức sống lạc trôi giữa dòng đời vô định. Hình ảnh “củi khô” ẩn dụ cho những kiếp người nhỏ bé, bơ vơ giữa sự mênh mông của dòng đời. Đồng thời còn ẩn dụ cho cái tôi lạc loài, bơ vơ trong Thơ mới.
Huy Cận di chuyển điểm nhìn về gần hơn với những bãi, những cồn ở ngay trước mắt mình. “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu” là một hình ảnh rất thực ở bãi giữa sông Hồng, kết hợp với hai từ láy “lơ thơ” “đìu hiu” gợi nên sự thưa thớt, vắng vẻ, hiu quạnh. Trong không gian ấy tác giả cố gắng đi tìm hơi ấm cuộc sống, là tiếng chợ xa, nhưng “đâu” có thể tìm thấy được, không gian là sự tĩnh lặng đến tuyệt đối. Nỗi buồn càng được tô đậm hơn nữa khi không gian được mở rộng đến vô cùng, nắng xuống chiều lên, sông dài – trời rộng, kết hợp với từ “sâu chót vót” đã mở rộng không gian ra cả ba phía: rộng, cao, sâu. Khắc họa nỗi cô đơn, sự nhỏ bé đến cực điểm của con người trước không gian vũ trụ.
Đôi mắt Huy Cận lại tìm kiếm, lại hướng ra vô cùng và thu lại chỉ có:
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cần gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Những cánh bèo lênh đênh, vô định nối tiếp nhau chảy trôi, sự chảy trôi không mục đích, không phương hướng, cũng như những kiếp người nhỏ bé, đơn độc lúc bấy giờ. Không gian sông nước mênh mông không có lấy một chuyến đò qua sông. Đò ấy không đơn thuần là phương tiện trung chuyển con người mà nó còn là phương tiện kết nối tình cảm. Nhưng tất cả đã bị phủ định một cách tuyệt đối: không một, không cầu, không còn một chút tình đời, tình người nào còn tồn tại ở đây nữa.
Khổ thơ cuối cùng vẽ ra bức tranh không gian nhiều tầng bậc, ông hướng mắt lên cao: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa”. Bầu trời với những đám mây lớn được phản chiếu dưới ánh mặt trời trở nên hùng vĩ, tráng lệ hơn. Động từ “đùn” cho thấy những đám mây ùn ùn kéo về, dựng lên những dãy núi tráng lệ. Và giữa lưng chừng trời là cánh chim nhỏ bé, đơn độc, cảm tưởng như nó đã bị không gian nuốt chửng. Trước cảnh thiên nhiên cô tịch, lặng lẽ, nỗi nhớ quê hương trong ông bỗng da diết, cồn cào:
Lòng quê dờn dợn vợi con nước
Không khói hoàng hôn cùng nhớ nhà.
Câu thơ làm ta bất giác nhớ đến câu thơ của Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. Cũng đều là nỗi bi ai, là nỗi nhớ quê khắc khoải nhưng Huy Cận đã có cách thể hiện thật mới, thật lạ. Lòng quê “dờn dợn” tức cứ tăng, cứ mạnh mãi lên, dường như sóng lòng đang trải ra cùng sóng nước. Nỗi nhớ quê hương luôn thường trực, dai dẳng. Đây cũng là biểu hiện kín đáo của lòng yêu nước.
Tác phẩm là sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên mênh mông và quạnh hiu, hoang vắng. Qua đó còn cho ta thấy một cái tôi bơ vơ lạc lõng, một nỗi buồn vô tận giữa đất trời. Nhưng đồng thời bài thơ cùng thể hiện lòng yêu nước kín đáo mà vô cùng sâu lắng.
4. Chỉnh sửa, hoàn thiện
- Đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để thực hiện những sửa chữa, bổ sung cần thiết.
- Đặc biệt, cần xem lại những đoạn viết về cấu tứ của bài thơ, đảm bảo đã diễn đạt đúng cách hiểu của mình đối với vấn đề này.
- Soát lại các đoạn văn bản được trích dẫn nhằm xác nhận đã ghi đúng theo bản gốc.
- Khắc phục các lỗi về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp (nếu có). Chú ý viết tách khối các câu, khổ, đoạn thơ được trích dẫn để tạo hiệu quả tích cực về mặt thị giác.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Kết nối tri thức ngắn nhất, hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:
- Soạn văn 11 Kết nối tri thức (hay nhất)
- Soạn văn 11 Kết nối tri thức (ngắn nhất)
- Soạn Chuyên đề Văn 11 Kết nối tri thức
- Giải lớp 11 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 11 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 11 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 11 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 11 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 11 - KNTT
- Giải Tiếng Anh 11 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Friends Global
- Giải sgk Vật Lí 11 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 11 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 11 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 11 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 11 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 11 - KNTT
- Giải sgk Tin học 11 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 11 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 11 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 11 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 11 - KNTT