Soạn bài Chí Phèo (trang 23) - ngắn nhất Kết nối tri thức

Soạn bài Chí Phèo trang 23 → trang 35 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.

* Trước khi đọc

Câu hỏi 1 (trang 23 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Thế nào là định kiến xã hội. Các định kiến xã hội có thể ảnh hưởng đến cá nhân và cộng đồng như thế nào?

Trả lời:

- Định kiến xã hội là những thái độ bao hàm sự đánh giá một chiều và sự đánh giá đó là tiêu cực đối với cá nhân khác hoặc nhóm khác tuỳ theo sự quy thuộc xã hội riêng của họ.

- Các định kiến xã hội có thể làm thay đổi cuộc sống, số phận của một con người, đẩy họ vào đường cùng. Đối với cộng đồng, định kiến xã hội sẽ hình thành một lối sống kém văn minh, sẽ khiến cho cộng đồng bị thụt lùi về suy nghĩ cũng như cách sống.

Câu hỏi 2 (trang 23 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Có thể bạn đã từng nghe thấy người ta gọi tính cách hay cách ứng xử của một ai đó là “Chí Phèo”. Cách gọi ấy đã hàm ẩn sự đánh giá như thế nào đối với tính cách hay cách ứng xử này?

Trả lời:

Cách gọi “Chí Phèo” đã hàm ẩn tính cách và cách ứng xử của một người say rượu, chửi đổng và chuyên đi rạch mặt ăn vạ.

* Đọc văn bản

Gợi ý trả lời câu hỏi trong bài đọc

1. Chú ý sự luân phiên của các điểm nhìn (điểm nhìn của người kể chuyện và nhân vật, điểm nhìn bên ngoài và bên trong).

Đoạn văn có sự thay đổi linh hoạt về điểm nhìn:

- Điểm nhìn của người kể chuyện:

+ Hắn vừa đi vừa chửi … cả làng Vũ Đại

+ Không ai lên tiếng cả … không ai biết …

- Điểm nhìn của dân làng Vũ Đại: Chắc nó trừ mình ra

- Điểm nhìn bên ngoài:

+ Hắn vừa đi vừa chửi … Không ai lên tiếng cả

+ Đã thế, hắn … không ai ra điều

+ Phải đấy … không ai biết.

- Điểm nhìn bên trong:

+ Tức thật … Tức chết đi được mất

+ Mẹ kiếp … nông nỗi này.

2. Vì sao Chí Phèo lại khiến dân làng Vũ Đại e sợ khi hắn mới từ nhà tù trở về làng?

Chí Phèo lại khiến dân làng Vũ Đại e sợ khi hắn mới từ nhà tù trở về làng vì:

- Trông như thằng săng đá.

- Cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm.

- Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế.

3. Người kể chuyện có hoàn toàn miêu tả cảnh Chí Phèo gây sự với người nhà bá Kiến chỉ từ điểm nhìn của mình?

Người kể chuyện có hoàn toàn miêu tả cảnh Chí Phèo gây sự với người nhà bá Kiến chỉ từ điểm nhìn của mình vì có sự tham gia của điểm nhìn nhân vật (suy nghĩ của Chí Phèo).

4. Chú ý những chi tiết miêu tả cách “ứng phó” của bá Kiến đối với Chí Phèo và người nhà của mình.

Chi tiết miêu tả cách “ứng phó” của bá Kiến đối với Chí Phèo và người nhà của mình:

- Với Chí Phèo:

+ Hỏi thăm: Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế? Về bao giờ thế?

+ Mời vào nhà uống nước: Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.

- Với người nhà:

+ Quát mấy bà vợ: Các bà đi vào trong nhà; đàn bà chỉ biết lôi thôi, biết gì?

+ Nháy mắt con một cái, quát: Lí Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người nhà đun nước mau lên.

5. Những cảm giác, ấn tượng gì đánh dấu thời điểm bắt đầu diễn ra sự thay đổi bên trong con người Chí Phèo?

Những cảm giác, ấn tượng đánh dấu thời điểm bắt đầu diễn ra sự thay đổi bên trong con người Chí Phèo:

- Mở mắt thì trời đã sáng lâu

- Mặt trời chắc đã cao, nắng bên ngoài rực rỡ

- Tiếng chim ríu rít

- Bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài

- Lòng mơ hồ buồn, hắn hơi rùng mình, hắn sợ rượu

- Thấy tiếng chim hót vui vẻ, thấy tiếng người đi chợ

- …

6. Điều gì ám ảnh Chí Phèo nhất khi nghĩ về cuộc đời của mình?

Chí Phèo trông thấy tuổi già của hắn, hắn ám ảnh nhất là sự cô độc khi nghĩ về cuộc đời mình.

7. Lòng trắc ẩn của thị Nở dành cho Chí Phèo được thể hiện qua ý nghĩ và hành động nào?

Lòng trắc ẩn của thị Nở dành cho Chí Phèo được thể hiện qua ý nghĩ và hành động:

- Thị nghĩ cái thằng liều lĩnh ấy kể ra cũng đáng thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình.

- Giá thử đêm qua không có thị thì hắn chết.

- Thị thấy như yêu hắn: đó là cái lòng yêu của một người làm ơn, nhưng cũng có cả lòng yêu của một người chịu ơn.

- Thị nghĩ bỏ hắn lúc này thì cũng bạc, dù sao cũng ăn nằm với nhau như vợ chồng.

- Thị muốn gặp Chí Phèo, phải cho hắn ăn gì mới được.

- Thị nấu cháo hành cho Chí.

8. Người kể chuyện đặt điểm nhìn ở đâu khi miêu tả những cảm xúc của Chí Phèo lúc đón nhận bát cháo hành của thị Nở?

Người kể chuyện đặt điểm nhìn bên trong khi miêu tả những cảm xúc của Chí Phèo lúc đón nhận bát cháo hành của thị Nở:

- Hắn thấy ngạc nhiên, bâng khuâng.

- Hắn thấy vừa vui vừa buồn, và giống như thấy ăn năn.

- Hắn nhận ra những người suốt đời không ăn cháo hành, không biết rằng cháo rất ngon.

=> Miêu tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật.

9. Lời kể và điểm nhìn của người kể chuyện thể hiện thái độ như thế nào đối với Chí Phèo?

Thể hiện thái độ cảm thông và thương xót đối với Chí Phèo.

10. Lí do bà cô thị Nở dứt khoát không cho cháu mình đến với Chí Phèo có thỏa đáng không?

Lí do bà cô thị Nở dứt khoát không cho cháu mình đến với Chí Phèo:

- Bà nhục cho cha ông nhà bà

- Bà thấy chua xót, uất ức, đổ cái uất ức lên cháu à

- Bà thấy cháu mình đĩ

- Bà thấy ai đời ngoài ba mươi còn đi lấy chồng

- Ai lại đi lấy thằng rạch mặt ăn vạ

=> Những lí do bà cô đưa ra không thỏa đáng vì những định kiến xã hội.

11. Tại sao tâm trí của Chí Phèo lúc này lại bị ám ảnh bởi hơi cháo hành?

Vì Thị Nở nghe lời bà cô đã từ chối tình cảm của Chí khiến cho Chí Phèo đang trên con đường hoàn lương lại bị đẩy xuống hố sâu tuyệt vọng.

12. Việc Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến có phải hoàn toàn do hắn đã say như nhận xét trước đó của người kể chuyện không?

Việc Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến không phải hoàn toàn do hắn đã say như nhận xét trước đó của người kể chuyện bởi vì chính Bá Kiến là người đã đẩy hắn vào tù, biến hắn từ người nông dân canh điền chất phác, lương thiện trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

13. Đây có phải là những lời của một kẻ say không?

- “Tao không đến xin năm hào”

- “Tao đã bảo tao không đòi tiền”

- “Tao muốn làm người lương thiện”

- “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ có một cách … biết không!... Chỉ còn một cách là … cái này! Biết không! ...”

=> Đây là nỗi lòng in sâu trong tâm trí của Chí Phèo không phải là lời của một kẻ say.

14. Người kể chuyện có đưa ra lời bình luận hay đánh giá nào của mình về sự việc xảy ra ở làng Vũ Đại không?

Người kể chuyện không đưa ra lời bình luận hay đánh giá nào của mình về sự việc xảy ra ở làng Vũ Đại.

15. Ý nghĩa của hình ảnh cái lò gạch cũ là gì?

+ Gợi ra vòng luẩn quẩn của bi kịch Chí Phèo, bi kịch của những kiếp người khốn khổ bị áp bức, chà đạp và tước đi quyền được sống, được hạnh phúc.

+ “Bi kịch Chí Phèo” không phải là bi kịch của một cá nhân riêng biệt mà là một hiện tượng phổ biến mang tính quy luật trong xã hội xưa.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Chí Phèo là một kiệt tác của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Qua truyện ngắn này, Nam Cao khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Qua đó, nhà văn kết án đanh thép xã hội tàn bạo ấy, đồng thời thể hiện niềm thương cảm, lòng nhân đạo đối với số phận những người nông dân.

Soạn bài Chí Phèo | Ngắn nhất Soạn văn 11 Kết nối tri thức

Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:

Câu 1 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Tóm tắt cốt truyện Chí Phèo theo trình tự thời gian cuộc đời nhân vật. Hãy đánh giá hiệu quả của việc phá vỡ trình tự này trong mạch trần thuật của tác phẩm.

Trả lời:

- Tóm tắt: Truyện kể về cuộc đời nhân vật Chí Phèo, một đứa trẻ bị bỏ rơi vô thừa nhận. Chí Phèo được người làng nhặt về nuôi, đến năm 20 tuổi làm canh điều cho nhà Bá Kiến. Vì ghen tuông, Bá Kiến đẩy Chí Phèo vào tù. Sau bảy tám năm ở tù về, từ một người hiền lành, lương thiện, Chí thành con quỹ dữ làm tay sai cho Bá Kiến. Hắn chìm ngập trong men rượu và gây bao tội ác cho dân làng. Sau khi gặp thị Nở, bản chất lương thiện trong Chí trỗi dậy. Chí mong muốn thị giúp mình trở lại cuộc sống bình thường nhưng không được vì bị thị Nở cự tuyệt. Quá đau đớn, phẫn uất và tuyệt vọng, trong cơn say, Chí Phèo tìm đến nhà Bá Kiến, giết hắn và tự kết liễu đời mình. Qua số phận bi thảm của Chí Phèo, Nam Cao lên án sâu sắc xã hội tàn bạo chà đạp nhân phẩm con người, vạch ra mối mâu thuẫn gay gắt không thể điều hòa ở nông thôn Việt Nam đương thời và tình trạng tha hóa phổ biến trong xã hội. Đồng thời Nam Cao thể hiện tư tưởng nhân đạo tốt đẹp, niềm tin vào bản chất lương thiện của con người.

Câu 2 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Phân loại điểm nhìn trần thuật trong đoạn mở đầu theo các bình diện: điểm nhìn của người kể chuyện/ điểm nhìn của nhân vật (Chí Phèo, dân làng Vũ Đại); điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong. Nhận xét về tương quan và sự dịch chuyển giữa các điểm nhìn này, qua đó, chỉ ra những nét đặc sắc trong cách Nam Cao mở đầu câu chuyện.

Trả lời:

* Phân loại điểm nhìn:

- Điểm nhìn của người kể chuyện:

+ Hắn vừa đi vừa chửi … cả làng Vũ Đại

+ Không ai lên tiếng cả … không ai biết …

- Điểm nhìn của dân làng Vũ Đại: Chắc nó trừ mình ra

- Điểm nhìn bên ngoài:

+ Hắn vừa đi vừa chửi … Không ai lên tiếng cả

+ Đã thế, hắn … không ai ra điều

+ Phải đấy … không ai biết.

- Điểm nhìn bên trong:

+ Tức thật … Tức chết đi được mất

+ Mẹ kiếp … nông nỗi này.

- Nhận xét: Điểm nhìn được nhà văn sử dụng linh hoạt, có sự luân chuyển, giúp cho người đọc có cái nhìn đa chiều về khung cảnh mở đầu và cảm xúc của Chí Phèo với tiếng chửi của hắn.

- Cách mở đầu truyện ngắn: Cách mở đầu thật độc đáo, ấn tượng, thu hút sự chú ý của người đọc: giới thiệu trực tiếp nhân vật và mở đầu không theo trình tự thời gian mà đi thẳng vào giữa truyện.

Câu 3 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo vào buổi sáng sau cuộc gặp gỡ với thị Nở đêm trước. Theo bạn, nhân tố nào quyết định đối với quá trình hồi sinh nhân tính của nhân vật? Vì sao?

Trả lời:

* Diễn biến tâm trạng Chí Phèo vào buổi sáng sau cuộc gặp gỡ với thị Nở đêm trước:

- Sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, lần đầu tiên Chí Phèo thực sự “tỉnh”

+ Chợt nhận ra ở trong cái lều ẩm thấp của Chí sẽ thấy “chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng”

+ Bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài.

+ Tỉnh để cảm thấy miệng đắng và “lòng mơ hồ buồn”

+ Cảm thấy “sợ rượu dấu hiệu của sự thức tỉnh rõ ràng nhất

+ Cảm nhận những thanh âm của cuộc sống: âm thanh của tiếng chim hót, tiếng người cười nói…

+ Hắn đủ tỉnhh để nhận thức hoàn cảnh của mình, để thấy mình cô độc

Cuộc gặp với Thị Nở đã giúp Chí Phèo thực sự tỉnh táo sau những cơn say triền miên, khiến Chí Phèo có những suy nghĩ về sự cô độc, về cuộc đời.

- Là niềm vui, hi vọng, ước mơ quay trở về làm người lương thiện của mình

+ Niềm hi vọng của thời trẻ quay trở lại: mong muốn một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải; nuôi lợn…

+ Khi thấy bát cháo hành của Thị Nở, Chí Phèo ngạc nhiên và thấy “mắt mình như ươn ướt Xúc động vì lần đầu tiên có người chăm sóc

+ Thấy Thị Nở có duyên, cảm thấy vừa vui vừa buồn

+ Hắn muốn làm nũng với Thị, thấy lòng thành trẻ con

+ Chí Phèo thèm lương thiện: Tình yêu của Thị Nở làm hắn nghĩ bản thân có cầu nối để trở về

+ Tình yêu với Thị Nở khiến hắn đủ hi vọng và mong ước có một gia đình: “Hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui”

Gặp Thị Nở, Chí Phèo đã trải qua những cảm xúc chưa hề có trong đời, mang đến niềm vui, niềm hi vọng và mong ước trở về làm người lương thiện trỗi dậy

* Nhân tố mang tính quyết định đối với qua trình hồi sinh nhân tính của Chí Phèo là Bát cháo hành của Nở vì bát cháo hành thể hiện tình yêu thương chân thành của Thị Nở dành cho Chí phèo có hương vị của hạnh phúc, của tình yêu muộn màng.

Câu 4 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Phân tích phản ứng tâm lí và hành động của Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối chung sống. Người kể chuyện có đưa ra những phán đoán đáng tin cậy để người đọc hiểu được tâm lí và hành động của nhân vật không?

Trả lời:

* Phản ứng tâm lí và hành động của Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối chung sống:

- Chí Phèo thất vọng và đau đớn:

+ “Ngẩn người”, “ngẩng mặt”: Thái độ biểu thị sự hiểu ra, nhận thức được tình cảnh của mình đáng thương

+ Hồi tưởng về tình yêu đã trải qua cùng Thị Nở khi thoáng thấy hương cháo hành.

+ Hành động: Nắm lấy tay Thị Mong muốn níu kéo hạnh phúc

+ Hắn tìm đến rượu rồi “ôm mặt khóc rưng rức

Mong muốn trở về làm người lương thiện không còn nữa, Chí đau đớn, tuyệt vọng khi tình yêu của mình không trọn vẹn.

- Cảm giác phẫn uất tuyệt vọng đến tột cùng:

+ Mong muốn quay trở lại làm người lương thiện không thể thực hiện được, niềm phẫn uất trong Chí đẩy lên cao khi bị Nở từ chối tình cảm.

+ Hắn quyết định đến nhà thị Nở “để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó”.

+ Nhưng “hắn không rẽ vào nhà thị Nở mà thẳng đường đến nhà Bá Kiến" và nói thẳng với Bá Kiến: niềm phẫn uất đã khiến Chí Phèo xác định đúng kẻ thù của mình

* Tác giả không đưa ra những phán đoán đáng tin cậy để người đọc có thể hiểu được tâm lí và hành động của nhân vật.

Câu 5 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Người kể chuyện bộc lộ thái độ như thế nào đối với Chí Phèo và thị Nở qua hệ thống điểm nhìn và lời kể?

Trả lời:

Thái độ của người kể chuyện với nhân vật:

- Lên án gay gắt những thế lực tàn bạo, chế độ phong kiến bạo thủ đã gây nên tấn bi kịch đau thương cho những người không có tiếng nói.

- Thể hiện niềm cảm thông sâu sắc với những số phận bị đày đọa, lăng nhục, bị cự tuyệt quyền làm người.

- …

Câu 6 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Nhận xét về điểm nhìn và giọng điệu nhân vật trần thuật ở đoạn kết truyện ngắn khi Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến lần cuối và phản ứng của dân làng Vũ Đại về cái chết của hai nhân vật này. Theo bạn, cái chết của Chí Phèo có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

- Điểm nhìn: Có sự thay đổi, đan xen giữa điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của người dân làng Vũ Đại.

- Giọng điệu: tự nhiên, gần gũi, sử dụng khẩu ngữ quần chúng một cách triệt để, mang hơi thở đời sống, giọng văn hoá đời sống.

- Ý nghĩa cái chết của Chí Phèo:

+ Là lời tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy người nông dân vào con đường bần cùng hóa, lưu manh hóa, đẩy họ tới cái chết bi thảm.

+ Thể hiện quan niệm hiện thực nhạy bén của Nam Cao: tình trạng xung đột giai cấp ở nông thôn Việt Nam hết sức gay gắt, quyết liệt, không thể xoa dịu được, chỉ có thể được giải quyết bằng những biện pháp quyết liệt.

+ Đó là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân thức tỉnh về quyền sống, tuy tự phát, liều lĩnh, tuyệt vọng nhưng không phải là hành động lưu manh.

+ …

Câu 7 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): So sánh và nhận xét đoạn kết của hai truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao) và Vợ nhặt (Kim Lân).

Trả lời:

* Đoạn kết truyện Vợ nhặt: Trong bữa cơm ngày đói, người vợ nhặt kể về việc phá kho thóc Nhật của người dân miền ngược. Hiện lên trong tâm trí anh Tràng là hình ảnh đoàn người đói và lá cờ đỏ.

* Đoạn kết truyện Chí Phèo: Cái chết của Chí Phèo, Bá Kiến và hình ảnh cái lò gạch cũ hiện lên trong tâm trí của thị Nở với suy nghĩ “Nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi thì làm thế nào”?

* So sánh:

- Giống nhau:

+ Đều mở ra một cuộc đời mới

+ Đều thể hiện được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn.

- Khác nhau:

+ Truyện ngắn Vợ nhặt: Hình ảnh đoàn người đói và lá cờ đỏ gợi mở về một tương lai tươi sáng cho tất cả các nhân vật, đánh thức một điều gì đó thật mới mẻ và giúp Tràng bắt đầu bước gần hơn với con đường cách mạng.

= > Chỉ có đi theo cách mạng, đứng lên đấu tranh chống lại cái bạo tàn, áp bức mới có thể bảo vệ được hạnh phúc và sự bình yên của những người thân yêu.

+ Truyện ngắn Chí Phèo: Nếu Thị Nở có con với Chí Phèo, số phận của đứa trẻ sẽ lặp lại những đau khổ, bất hạnh của bố mẹ.

= > Gợi liên tưởng về cái vòng luẩn quẩn của bi kịch Chí Phèo: Chí Phèo chết đi nhưng bi kịch Chí Phèo vẫn còn đó, áp bức, bạo tàn vẫn còn thì vẫn còn những cảnh đời khốn cùng như Chí.

= > Mở ra bi kịch mới.

Câu 8 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Hệ thống hóa những nét đáng chú ý trong nghệ thuật kể chuyện của Nam Cao ở truyện ngắn này trên các phương diện: người kể chuyện, điểm nhìn và lời trần thuật.

Trả lời:

- Người kể chuyện: Người kể chuyện ở ngôi thứ ba – người kể chuyện toàn tri, thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật.

- Điểm nhìn: Điểm nhìn có sự thay đổi linh hoạt, luân phiên điểm nhìn của người kể chuyện/ điểm nhìn của nhân vật; điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong.

- Lời trần thuật: kể truyện linh hoạt tự nhiên phóng túng mà vẫn nhất quán, chặt chẽ, đảo lộn trình tự thời gian, mạch tự sự có những đoạn hồi tưởng, liên tưởng tạt ngang, tưởng như lỏng lẻo mà thực sự rất tự nhiên, hợp lý, hấp dẫn.

Kết nối đọc – viết

Bài tập (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về chi tiết bát cháo hành của thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo.

Đoạn văn tham khảo:

Bát cháo hành của thị Nở dành cho Chí là biểu hiện của tình người. Bấy lâu nay Chí bị mọi người xa lánh, bị coi là con quỷ dữ của làng Vũ Đại nên ai cũng sợ, cũng tránh mặt mỗi khi hắn đi qua, không một ai quan tâm đến sự tồn tại và có mặt của Chí. Chính vì vậy hành động ân cần, chân thành của thị qua bát cháo hành khiến cho hắn ngạc nhiên và cảm động bởi đây là lần đầu tiên hắn được người khác cho, được săn sóc bởi tay một người đàn bà. Giọt nước mắt của phần người trong Chí đã tan chảy, trái tim tưởng chừng như sắt đá đã bắt đầu sống dậy để cảm nhận hương vị cháo hành, hương vị cuộc sống, tình yêu bình dị mà lần đầu tiên hắn được hưởng. Nhờ có bát cháo hành mà thị Nở và Chí Phèo được sống đúng nghĩa làm người, sống đúng bản năng và phẩm chất của mình bấy lâu bị khuất lấp, bị lãng quên nay trỗi dậy mãnh liệt. Bát cháo hành và tình cảm chân thành của thị cho Chí niềm tin, hy vọng, khao khát muốn trở lại làm người lương thiện và sống một cuộc đời tử tế. Tuy nhiên bát cháo hành cũng là sự tuyệt vọng của Chí khi hắn bi thị Nở từ chối, bị cự tuyệt quyền làm người. Trong giây phút đau đớn nhất hương cháo hành “thoang thoảng”, thoáng chốc hiện ra khiến cho Chí Phèo chìm sâu hơn vào nỗi tuyệt vọng. Hắn đã ở bên kia cái dốc cuộc đời nhưng đây mới là lần đầu tiên được ăn cháo hành, dù cho là bởi đôi bàn tay của người đàn bà xấu xí ma chê quỷ hờn nhưng dẫu sao vẫn có còn hơn không, dù muộn nhưng vẫn có ý nghĩa đối với cuộc đời hắn. Không có gì bình thường, bình dị như hơi cháo hành đến vậy, bát cháo hành qua cái nhìn và tấm lòng nhân đạo của Nam Cao trở thành một nhát dao cứa rớm máu tâm hồn đã bị tổn thương chai sần nơi Chí để giờ đây hắn chìm đắm trong tuyệt vọng và cái chết. Viết được như vậy chỉ có ngòi bút tài hoa của thiên tài mới làm được điều đó.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Kết nối tri thức ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:


Giải bài tập lớp 11 Kết nối tri thức khác