Tiếng Việt 3 VNEN Bài 10A: Không quên cội nguồn

(Trang 77 Ngữ Văn 3 VNEN tập 1) 1. Hát một bài hát về quê hương

Trả lời:

Bài hát: Quê hương (Giáp Văn Thạch - Đỗ Trung Quân) - Như Loan

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Quê hương là đêm trăng tỏ

Hoa cau rụng trắng ngoài thềm


Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay


Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông


Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Quê hương là đêm trăng tỏ

Hoa cau rụng trắng ngoài thềm


Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người

(Trang 77, 78 Ngữ Văn 3 VNEN tập 1) 2-3-4-5. Đọc, giải thích và luyện đọc

Giọng quê hương

1. Thuyên và Đồng rời quê hương đã mấy năm. Một hôm hai anh rủ nhau đi chơi thật xa, nhưng đến giữa trưa thì lạc mất đường về. Hai người phải ghé vào quán gần đấy để hỏi đường, luôn tiện để ăn cho đỡ đói. Cùng ăn trong quán ấy có ba thanh niên. Họ chuyện trò luôn miệng. Bầu không khí trong quán vui vẻ lạ thường.

2. Lúc đứng lên trả tiền, Thuyên mới biết mình quên chiếc ví ở nhà. Hỏi Đồng, Đồng cũng không mang tiền theo. Hai người đang lúng túng, chợt một trong ba thanh niên bước đến lại gần, nói:

- Xin hai anh vui lòng cho tôi được trả tiền.

Thuyên ngạc nhiên nhìn anh thanh niên. Trên gương mặt đôn hậu, cặp mắt ánh lên vẻ thành thực, dễ mến. Thuyên bối rối:

- Xin lỗi. Tôi quả thật chưa nhớ ra anh là…

Người thanh niên không để Thuyên kịp dứt lời:

- Dạ, không ! Bây giờ tôi mới được biết hai anh. Tôi muốn làm quen…

3. Ngừng một lát như để nén nỗi xúc động, anh thanh niên nói tiếp:

- Hai anh đã cho tôi nghe lại giọng nói của mẹ tôi xưa…

Bất ngờ trước tình cảm của người bạn mới, Thuyên chỉ biết nói:

- Cảm ơn anh…

Anh thanh niên xua tay:

- Tôi phải cảm ơn hai anh mới phải.

Rồi người ấy nghẹn ngào:

- Mẹ tôi là người miền Trung…. Bà qua đời đã hơn tám năm rồi.

Nói đến đây, người trẻ tuổi lẳng lặng cúi đầu, đôi môi mím chặt để lộ vẻ đau thương. Còn Thuyên, Đồng thì bùi ngùi nhớ quê hương, yên lặng nhìn nhau, mắt rớm lệ.

Theo THANH TỊNH

(Trang 78 Ngữ Văn 3 VNEN tập 1) 6. Chọn ý trả lời đúng. Nói với thầy cô về ý kiến của nhóm em

Câu chuyện Giọng quê hương nói về điều gì?

a. Ca ngợi lòng tốt

b. Ca ngợi tình yêu quê hương

c. Ca ngợi tình bạn

Trả lời:

Câu chuyện Giọng quê hương nói về:

Đáp án: b. Ca ngợi tình yêu quê hương.

(Trang 78 Ngữ Văn 3 VNEN tập 1) 1. Đọc đoạn 1 và 2, trả lời các câu hỏi sau:

a. Thuyên và Đồng cùng ăn trong quán với những ai?

b. Chuyện gì xảy ra làm Thuyên và Đồng ngạc nhiên?

Trả lời:

Đọc đoạn 1 và 2 em thấy:

a. Thuyên và Đồng cùng ăn trong quán với ba thanh niên.

b. Thuyên và Đồng ngạc nhiên vì một trong ba thanh niên xin trả giúp tiền ăn khi Thuyên quên mang ví, còn Đồng thì không mang tiền.

(Trang 78 Ngữ Văn 3 VNEN tập 1) 2. Đọc đoạn 3, trả lời câu hỏi sau:

a. Vì sao anh thanh niên cảm ơn Thuyên và Đồng?

b. Những chi tiết nào nói lên tình cảm tha thiết của các nhân vật đối với quê hương?

Trả lời:

Đọc đoạn 2, 3 em thấy:

a. Anh thanh niên cảm ơn Thuyên và Đồng vì họ đã cho anh nghe giọng nói của quê hương, khiến anh nhớ đến người mẹ đã qua đời ở miền Trung.

b. Những chi tiết nói lên tình cảm đối với quê hương của các nhân vật:

- Người trẻ tuổi lẳng lặng cúi đầu, đôi môi mím chặt lộ vẻ đau thương.

- Thuyên và Đồng bùi ngùi nhớ quê hương, mắt rớm lệ.

(Trang 78 Ngữ Văn 3 VNEN tập 1) 3. Nói với các bạn trong nhóm về quê em theo gợi ý dưới đây:

+ Quê em ở đâu?

+ Ở đó có những người thân nào của em?

+ Mỗi khi về quê, em thường chơi với ai?

+ Em thích nhất điều gì ở quê?

Trả lời:

- Quê em ở Làng Chuông, Xã Phương Trung, Huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội.

- Ở đó đó có ông, bà, bố, mẹ, anh, chị em.

- Mỗi khi về quê em thường chơi với ông, bà, bố, mẹ.

- Em thích nhất cánh đồng lúa ở quê em. Cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát có đàn cò trắng bay lượn.

(Trang 79 Ngữ Văn 3 VNEN tập 1) Hỏi người thân xem ở quê em có cảnh đẹp gì, có đặc sản gì hoặc có lễ hội nào?

Trả lời:

Muốn ăn cơm trắng cá trê

Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”

Quê hương của chiếc nón lá là làng Chuông- quê em. Nón làng Chuông giúp người nông dân che nắng che mưa, là vật dụng thân thương của cuộc sống thường nhật. Nón theo bà đi chợ, theo mẹ ra đồng, theo cha đi cày. Nón theo cô dâu về nhà chồng, theo tài tử giai nhân trẩy hội, theo các đấng nam nhi xông pha chiến trận. Nón làng Chuông cũng theo nghệ sĩ lên sân khấu, theo người trí thức đi triển lãm...Nón thay chiếc quạt từ tay bà, tay mẹ đưa con vào giấc ngủ, nón thay chiếc rổ giúp chị, giúp mẹ đựng nắm rau, quả khế, chùm hoa. Nón là đồ chơi của trẻ con khi đợi mẹ làm đồng, đợi cha bắt cá, là vật hữu dụng khi trẻ con chơi bán đồ hàng, chơi bắn trận giả, chơi trồng nụ trồng hoa….Mẹ dùng nón để quạt mát sau những bó lúa vừa gặt, cô dùng nón để quạt bếp nấu cơm, chị dùng nón làm duyên trong những buổi hẹn hò...Chiếc nón từng là kỷ vật thời ấu thơ của bao nhiêu đứa trẻ, là kỉ niệm thời thanh xuân của bao cô gái chàng trai, là kí ức đẹp của bao nhiêu mối tình… Chiếc nón đã góp một phần không nhỏ trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt.

Xem thêm các bài Soạn Tiếng Việt 3 chương trình VNEN hay khác:

Đã có lời giải bài tập lớp 3 sách mới:


Giải bài tập lớp 3 các môn học