SBT Ngữ văn 9 Cánh diều Người thứ bảy

Với giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Người thứ bảy trang 36 sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 9 dễ dàng làm bài tập trong SBT Văn 9.

Câu 1 trang 36 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Nội dung truyện Người thứ bảy có gì giống một văn bản bị kịch?

Trả lời:

Nội dung truyện Người thứ bảy giống một văn bản bi kịch ở chỗ: Đây là câu chuyện rất buồn về K, người bạn thân của nhân vật “tôi”, chết đuối vì bị con sóng thần cuốn trôi một cách tàn bạo; để lại một nỗi ám ảnh trong tâm hồn nhân vật “tôi” suốt mấy chục năm trời.

Câu 2 trang 36 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Xung đột nào trong văn bản thể hiện rõ tính chất bi kịch của câu chuyện?

Trả lời:

Xung đột thể hiện rõ tính chất bi kịch của câu chuyện là sự ám ảnh trong tâm hồn nhân vật: “tôi” (người đàn ông thứ bảy, người kể câu chuyện) luôn nghĩ cái chết của K một phần do sự yếu hèn của chính mình. Đấy chính là loại xung đột thứ hai của bi kịch: xung đột nằm trong chính nhân vật. Đó là cuộc đấu tranh giằng xé giữa vẻ đẹp khát vọng, những giá trị tích cực của nhân vật với phần bóng tối trong nội tâm nhân vật.

Câu 3 trang 36 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Phân tích sự chuyển biến tâm lí của nhân vật “tôi” trước và sau cái chết của K; từ đó, nhận xét về tính cách nhân vật “tôi”.

Trả lời:

– Trước khi xảy ra kết cục bi thảm do con sóng gây ra (cuốn phăng và nuốt chửng người bạn của mình), nhân vật “tôi” và K là một đôi bạn chân thành, có tình cảm thân thiết: “tôi thích ở bên cạnh K là vì cậu ấy có một trái tim rất ấm áp và chân thành”.

– Tâm lí của nhân vật “tôi” thay đổi hoàn toàn sau khi xảy ra cái chết của K:

+ Đầu tiên là sự bất ngờ đến hoang đường, khi con sóng thứ hai sắp ập đến cuốn “tôi” đi theo K thì “tôi” thấy: “Bên trong con sóng là K, cậu nhìn thẳng vào tôi và cười.”, “Đó không phải là nụ cười bình thường, mà là một nụ cười to, ngoác tận mang tai. Đôi mắt lạnh lẽo của cậu nhìn thẳng vào tôi.”.

+ Tiếp theo, toàn bộ phần (2) tái hiện tâm trạng do cú sốc tâm lí làm cuộc sống của “tôi” thay đổi hoàn toàn: “Tôi nghỉ học nhiều tuần, không ăn uống được gì, chỉ nằm trên giường và nhìn trần nhà. K luôn ở đó, bên trong con sóng, nhìn tôi và cười, tay giơ lên vẫy gọi. Tôi không thể xoá hình ảnh tang thương ấy ra khỏi tâm trí mình. Và khi tôi ngủ, hình ảnh ấy lại hiện lên ...”.

+ Sự ám ảnh giày vò khiến “tôi” phải chuyển đến một nơi khác và sau đó “tránh xa quê nhà mình gần như bốn mươi năm” không dám trở lại bãi biển quê nhà, “tôi không bao giờ đến hồ bơi nữa. Tôi cũng không đến những nơi có ao hồ hay sông suối. Tôi tránh xa mọi tàu thuyền và không đi máy bay để ra nước ngoài.”, luôn thấy “bàn tay lạnh lẽo của K, hình ảnh đen tối khi ấy không bao giờ rời khỏi tâm trí tôi”,...

Từ sự chuyển biến tâm lí trên, có thể thấy nhân vật “tôi” là người có cuộc sống nội tâm rất phong phú, đa cảm, luôn biết tự kiểm điểm, ăn năn, đau khổ trước lỗi lầm của mình,...; một con người biết trân trọng tình bạn, nặng tình, nặng nghĩa,...

Câu 4 trang 36 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Hình ảnh con sóng dữ dội và nụ cười của nhân vật K trong con sóng được nhắc lại nhiều lần có ý nghĩa và tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung truyện?

Trả lời:

Hình ảnh con sóng dữ dội và nụ cười của nhân vật K trong con sóng được nhắc lại nhiều lần diễn tả nỗi ám ảnh, sự dằn vặt trong tâm hồn nhân vật “tôi” về con sóng dữ và cái chết của K.

Câu 5 trang 36 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Truyện Người thứ bảy muốn gửi đến bạn đọc thông điệp gì? Đoạn kết của truyện có phải là nội dung thông điệp ấy không? Vì sao?

Trả lời:

– Truyện Người thứ bảy gửi gắm nhiều thông điệp và cũng có nhiều cách diễn đạt khác nhau về thông điệp ấy. Tuy nhiên, có thể thấy, thông điệp chính tập trung phần cuối truyện, điều mà nhân vật “tôi” nói với mọi người: Trong cuộc đời mỗi con người luôn có những nỗi sợ; cách tốt nhất là phải đối mặt với nỗi sợ, đừng đầu hàng trước nó. “Thứ đáng sợ nhất mà chúng ta làm khi ấy lại là quay lưng về phía nỗi sợ và nhắm mắt lại. Khi đó, chúng ta sẽ giữ lại thứ gì quý nhất đối với bản thân, giấu nó vào trong tim mình và đầu hàng trước một thứ khác.”.

- Sở dĩ coi đây là thông điệp chính vì toàn bộ câu chuyện đã tập trung thể hiện tư tưởng này. Nhân vật “tôi” chỉ vì sợ hãi trước con sóng lớn khủng khiếp mà đã không xả thân vì K: “Tôi tự nói với bản thân hãy chạy lại chỗ K, kéo cậu ấy đi ra khỏi chỗ đó. Đó là việc duy nhất cần phải làm. Tôi biết con sóng đang tới, còn K thì không Khi tôi nhận thức được hành động của bản thân, tôi đã chạy sang một con đường khác – chạy lên bờ đê, một mình. Thứ khiến tôi hành động như vậy, tôi chắc chắn, đó là nỗi sợ, nỗi sợ đã khiến giọng nói tôi tắt nghẹn và khiến chân tôi chạy đi thật ta”. Khi nhận ra được điều đó, nhân vật “tôi” đã thay đổi trước con sóng thứ hai: “Nó lao về phía tôi, xoá sạch sự hiện diện của bầu trời. Nhưng lần này tôi không chạy trốn. Tôi đứng đó, chân lún vào cát, để con sóng nhào đến mình.”. Nhưng khi ấy thì đã muộn, K đã bị con sóng đầu nuốt chửng, để lại cho nhân vật “tôi” sự ám ảnh mấy chục năm liền.

Câu 6 trang 36 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

SAO SÁNG LẤP LÁNH

Đó là năm 1972.

Tiểu đội trinh sát của tôi được bổ sung một lính mới, rất trẻ, vừa tròn mười tám tuổi. Cậu ta tên là Minh, người Hà Nội. Tuổi trẻ mà, chúng tôi quý nhau ngay như anh em ruột thịt. Một đêm mưa rừng, cánh lính trẻ chúng tôi mắc võng năm tán gẫu... Tôi lấy tấm hình vợ chưa cưới của mình ra cho đồng đội xem. Đến lượt Minh, cậu ta cầm tấm ảnh trên tay bỗng cười cười cất tiếng:

– Vợ chưa cưới của tiểu đội trưởng rất đẹp... Nhưng chưa đẹp bằng người yêu của em.

Cả tiểu đội nhao nhao:

Ảnh đâu?... Đưa ra đây xem nào!

Minh gãi đầu buồn bã:

– Các vị quên à?... Trước khi đi B, cấp trên chẳng thu hết các giấy tờ, tấm ảnh của người thân rồi còn gì.

– Sao mày không cố giấu lấy tấm hình của người yêu?

– Ngày đó không biết, nghe lời cấp trên mới ngốc chứ!

– Người yêu làm nghề gì?

– Học sinh trường múa Việt Nam.

– Trời!

Tất cả trầm trồ xuýt xoa. Bởi chắc chắn rằng học sinh trường múa phải đẹp hớp hồn. Có tiếng nói lại vang lên:

– Tên là gì?

– Tên là Hạnh.

– Làm quen... và yêu như thế nào, kể cho bọn tao nghe đi.

Minh lại cười cười:

– Ờ thì kể. Nhưng cấm mọi người được cười đấy.

Rồi cậu ta nhìn vào ngọn lửa bập bùng cất tiếng nói:

“Hồi còn đóng quân ở gần Hà Nội, có một hôm, tớ được tranh thủ về thăm nhà. Bước chân lên chuyến xe buýt Cầu Giấy – Bờ Hồ, tớ vô tình đứng sau một cô gái mặc áo hoa. Tò mò muốn xem cô có đẹp không, nên tớ cố len lên. Chưa kịp nhìn đã va phải cô ấy. Cô gái lườm rồi đứng tránh ra. Tớ ngượng quá, ấp úng:

– Xin lỗi!... Tôi không có tiền mua vé. Bạn có thể mua giùm tôi được không?

Cô gái nhìn nghi ngờ. Anh bán vé tiến lại. Cô lấy tiền mua hai chiếc vé. Rồi đưa cho tớ một chiếc nhưng không nói một lời. Tớ vẫn đứng như trời trồng, thỉnh thoảng lại nhìn trộm... Một cô gái mắt to và sáng lấp lánh như sao. Xe đỗ cạnh Bờ Hồ.

Cô gái bước xuống. Không hiểu sao tớ cũng bị bước theo như sắt gặp nam châm. Tớ đi sau cô khoảng mười lăm bước chân. Cô gái rẽ trái, tớ cũng rẽ trái. Cô rẽ phải tớ cũng rẽ phải. Bỗng cô gái quay lại, cất tiếng:

– Anh bộ đội... Tại sao anh lại đi theo em?

Tớ cười, gãi đầu, ấp úng:

− Tôi... tôi... muốn biết nhà... để trả tiền.

Cô gái cười giòn:

– Không... không phải trả tiền đâu.

Rồi cô chạy vụt vào sau một cái cổng sắt. Mặt tớ đỏ bừng, bước đi như người say rượu.

Chiều hôm sau, tớ quay lại để trả tiền vé xe buýt. Gặp cô gái, tớ liều lĩnh mời cô đi xem phim. Cô đã nhận lời... Và chúng tớ yêu nhau.”.

Đêm đó, khi cơn mưa rừng vừa tạnh, những người lính chúng tôi cứ nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu trời... mà không ngủ được.

Sáu tháng sau, một đêm tháng Mười, tôi và Minh được phái đi trinh sát cảng Cửa Việt. Sau ba tiếng đồng hồ tiếp cận mục tiêu, hai đứa rút ra ngoài. Ba giờ sáng, chúng tôi cố gắng băng ngang qua những đồi cát trắng mênh mông để trở về căn cứ. Bỗng một loạt pháo dàn từ biển bắn vào. Tôi bò xoài lăn mình trên cát để tránh. Sau loạt đạn, tôi chồm dậy cất tiếng gọi. Không có tiếng trả lời. Tôi vùng dậy chạy ngay đến chỗ Minh. Cậu ta nằm úp sấp. Một mảnh pháo đã cắm vào ổ bụng. Máu trào qua lớp áo. Tôi băng bó rồi cõng Minh đi thật nhanh. Máu từ vết thương trào ra thấm ướt lưng tôi rồi nhều xuống cát trắng. Bỗng Minh tỉnh lại, thều thào:

– Anh!... Để em xuống đi... Em không sống được nữa đâu.

Tôi khẽ đặt Minh nằm xuống đồi cát. Minh nhìn tôi, giọng đứt đoạn:

– Anh chôn em tại đây... Cố về đơn vị nhanh kẻo trời sáng.

Gió biển thổi vù vù. Người Minh lạnh toát. Tôi nắm lấy tay Minh, cuống cuồng:

_ Thế ... Thế... Em có nhắn gì cho Hạnh?

Minh cố cười:

– Chuyện... chuyện đó em tưởng tượng đấy! Em chưa được cô gái nào yêu cả. Cũng tại em mồ côi cha mẹ nên không còn người thân nào hết...

Nước mắt tôi trào ra. Bỗng Minh lại lên tiếng:

– Em có một lá thư... ở trong túi áo ngực. Bao giờ hoà bình, anh đem bỏ vào thùng thư hộ em...

Một cơn gió thổi đến. Người đồng đội của tôi theo gió ra đi. Tôi sờ túi áo ngực của Minh, thấy một mảnh giấy gấp làm tư. Tôi vội vã bấm đèn pin để đọc. Trong tờ giấy chỉ có mỗi một dòng chữ liêu xiêu: “Hạnh ơi!... Anh cô đơn lắm...”. Và kí tên.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi theo đoàn quân ào ạt tiến về giải phóng Sài Gòn. Năm giờ chiều, thành phố tràn ngập cờ hoa. Tôi thẫn thờ ra chợ mua một cái phong bì. Rồi bỏ lá thư bị vương máu vào trong. Bên ngoài bì thư tôi viết: Gửi Hạnh – Học sinh trường múa Việt Nam – Khu Cầu Giấy, Hà Nội.

Những người lính trong tiểu đội của tôi tin rằng... lá thư đó đã đến tay cô gái có đôi mắt như vì sao sáng lấp lánh.

(Nguyễn Thị Ấm, tailieu.vn)

a) Tóm tắt nội dung chính của truyện Sao sáng lấp lánh.

b) Chi tiết nào tạo nên sự bất ngờ nhất trong truyện ngắn Sao sáng lấp lánh?

c) Nhan đề Sao sáng lấp lánh liên quan đến nội dung truyện như thế nào?

d) Em có suy nghĩ gì về nhân vật Minh trong truyện ngắn trên?

Trả lời:

a) Nội dung chính: Tác phẩm là câu chuyện mà nhân vật tôi kể về cậu tiểu đội trưởng trẻ tuổi tên là Minh của mình. Trong lần đầu gặp gỡ Minh kể cho mọi người nghe về  Hạnh – cô người yêu xinh xắn với đôi mắt sáng lấp lánh như sao của mình. Câu chuyện tuyệt đẹp cho đến sáu tháng sau trong một đêm tháng Mười, Minh gặp nạn khi đi trinh sát  tại cảng Cửa Việt. “Tôi” đã rất đau buồn và tuyệt vọng.  Cho đến tận bấy giờ “tôi” mới biết Hạnh chỉ là tưởng tượng. Đến khi giải phóng Sài Gòn “tôi” đã gửi đi lá thư mà Minh viết cho cô gái có đôi mắt như vì sao lấp lánh.

b) Chi tiết tạo nên sự bất ngờ nhất trong truyện ngắn Sao sáng lấp lánh là mãi đến khi biết mình không sống được, Minh mới nói thật với nhân vật “tôi” rằng người yêu của Minh (Hạnh) là do mình tưởng tượng ra: “Chuyện... chuyện đó em tưởng tượng đấy! Em chưa được cô gái nào yêu cả. Cũng tại em mồ côi cha mẹ nên không còn người thân nào hết...”.

c) Nhan đề “Sao sáng lấp lánh” liên quan trực tiếp đến nội dung văn bản. gắn liền với sự kiện người lính trẻ tên Minh, trước khi hi sinh vì bom đạn địch trong một đêm đi trinh sát tại cảng Cửa Việt (Quảng Trị) vào những ngày nóng bỏng của cuộc chiến đấu (1972) đã trăng trối lại rằng câu chuyện tình yêu lãng mạn với Hạnh mà anh kể cho đồng đội nghe chỉ là tưởng tượng.

d) Nhân vật Minh là một người lính đã anh dũng ngã xuống chiến trường, khi tuổi còn rất trẻ, khi người yêu chỉ là trong tưởng tượng chứ không có thật (mà cứ làm như thật), đúng như nhà thơ Trần Đăng Khoa viết trong bài Lính đảo hát tình ca trên đảo:

Yêu em thuỷ chung hơn muối mặn

Dù thư tình chưa biết gửi cho ai.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 9: Bi kịch và truyện hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 9 Cánh diều hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 9 Cánh diều khác