SBT Ngữ văn 9 Cánh diều Bài tập viết trang 18, 19 Tập 1

Với giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài tập viết trang 18, 19 Tập 1 sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 9 dễ dàng làm bài tập trong SBT Văn 9.

Câu 1 trang 18 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Yêu cầu kĩ năng phân tích tác phẩm văn học ở Bài 2 có gì khác so với yêu cầu viết phân tích ở Bài 1? Để viết được bài văn theo yêu cầu này, cần chú ý những gì?

Trả lời:

- Cũng là kĩ năng phân tích tác phẩm văn học nhưng ở Bài 1, đối tượng phân tích là một tác phẩm trọn vẹn (bài thơ) còn ở Bài 2 là phân tích một đoạn trích từ một tác phẩm dài. Phân tích một đoạn trích có nhiều điểm giống phân tích một tác phẩm trọn vẹn, nhưng cũng có những yêu cầu khác nên HS cần luyện tập cả hai.

- Để viết bài văn theo yêu cầu này chúng ta cần lưu ý:

+ Đọc kĩ đoạn trích, chú ý đặc điểm thể loại truyện thơ Nôm đã học và xác định rõ vị trí đoạn trích trong tác phẩm.

+ Xác định nội dung và các yếu tố hình thức nổi bật. Chỉ ra mối quan hệ giữa hình thức và nội dung; từ đó, làm rõ giá trị của các yếu tố hình thức trong việc thể hiện nội dung, chủ đề của tác phẩm.

+ Xác định luận đề và các luận điểm trong bài viết, lựa chọn bằng chứng từ đoạn trích cho mỗi luận điểm.

+ Suy nghĩ, nhận xét về ý nghĩa và sự tác động của các tác phẩm đối với người đọc cũng như bản thân em.

Câu 2 trang 18 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Phát triển các ý đã nêu trong mục b) Tìm ý và lập dàn ý (SGK, trang 46) của bài tập “Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)” bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

– Nội dung chính của đoạn trích là gì?

– Nghệ thuật của đoạn trích có gì đặc sắc?

– Các yếu tố hình thức nghệ thuật ấy đã làm nổi bật nội dung của đoạn trích như thế nào?

Qua đoạn trích, Nguyễn Du đã thể hiện được tấm lòng (chữ tâm) và tài năng (chữ tài) như thế nào?

Trả lời:

– Nội dung chính của đoạn trích tập trung tái hiện diễn biến tâm trạng của Thuý Kiều khi bị giam cầm ở lầu Ngưng Bích.

– Đoạn trích thể hiện rất rõ bút pháp tả cảnh ngụ tình đúng như Nguyễn Du từng viết: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”. Tác giả đã sử dụng nhiều từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ... miêu tả bức tranh ngoại cảnh nhằm diễn tả diễn biến tâm trạng (nội tâm) của Thuý Kiều.

– Các yếu tố hình thức nghệ thuật nêu trên đã góp phần khắc hoạ diễn biến tâm trạng của Thuý Kiều từ buồn bã, nhớ nhung đến lo lắng, sợ hãi,... theo bút pháp tả cảnh ngụ tình đã nêu.

– Qua đoạn trích, Nguyễn Du đã thể hiện được tấm lòng (chữ tâm) và tài năng (chữ tài):

+ Thể hiện sự thấu hiểu tâm trạng Thuý Kiều trong tình huống bi kịch; thông cảm sâu sắc với con người trong hoàn cảnh khó khăn, bi đát,... (chữ tâm).

+ Sử dụng xuất sắc nghệ thuật miêu tả nội tâm với nhiều từ ngữ, hình ảnh ước lệ, tượng trưng, các biện pháp tu từ,... để thể hiện rất hiệu quả diễn biến tâm trạng của nhân vật Thuý Kiều (chữ tài).

Câu 3 trang 19 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Viết kết bài cho đề văn: Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du).

Trả lời:

Tham khảo:

Có thể nói, "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là một trong những đoạn trích miêu tả tinh tế, xúc động nhất về tâm trạng đau khổ, xót xa của nàng Kiều khi bị cuốn vào cơn giông tố khủng khiếp của cuộc đời. Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, lấy khung cảnh tự nhiên để làm nổi bật lên tâm cảnh trĩu nặng, thấm đượm cảm xúc của con người cùng với những hình ảnh ẩn dụ đặc sắc, đại thi hào Nguyễn Du đã đưa người đọc về thế giới nội tâm đầy giằng xé, đau khổ của Thúy Kiều. Qua đoạn trích ta cũng thấy được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà thơ khi hướng sự đồng cảm, nỗi lòng xót xa đến những số phận bất hạnh trong cuộc đời.

Câu 4 trang 19 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Hãy viết đoạn văn phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du).

Trả lời:

Tham khảo:

Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn trích thể hiện rõ nhất tâm trạng đau khổ của Thúy Kiều khi bị cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã của số phận. Đặc biệt, trong tám câu thơ cuối của đoạn trích, tác giả Nguyễn Du đã làm nổi bật được nỗi cô đơn cùng nỗi âu lo và dự cảm không lành về tương lai sóng gió của nàng Kiều. Nhà thơ đã rất khéo léo khi sử dụng điệp ngữ "buồn trông" để làm cho âm hưởng câu thơ trở nên lắng đọng, trầm buồn, qua đó gợi ra dòng suy nghĩ miên man, nỗi buồn như giăng kín trong tâm hồn cô đơn, lạc lõng của Kiều.  Hình ảnh cánh buồm thấp thoáng giữa không gian rộng lớn gợi ấn tượng về sự lạc lõng, mờ mịt cũng chính như hoàn cảnh của Thúy Kiều đang bơ vơ nơi đất khách. Cánh hoa nổi trôi gợi ấn tượng về số phận chìm nổi, long đong vô định không biết đi đâu, về đâu. Hình ảnh ngọn cỏ, chân mây, mặt đất dường như cũng thấm đượm tâm trạng của con người mà trở nên "rầu rầu", héo úa, mịt mờ. "Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi", câu thơ kết mở ra âm thanh dữ dội, đó cũng tựa như những sóng gió, tai họa khủng khiếp sắp sửa giáng xuống cuộc đời của nàng Kiều. Qua bút pháp tả cảnh ngụ tình cùng tài năng miêu tả tâm lí xuất sắc, nhà thơ Nguyễn Du đã khắc họa thành công tâm trạng cô đơn, nỗi lo âu, sợ hãi của Thúy Kiều trước tương lai sóng gió.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 2: Truyện thơ Nôm hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 9 Cánh diều hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 9 Cánh diều khác