SBT Ngữ văn 7 Bài tập 1 trang 41 Kết nối tri thức

Bài tập 1. trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc lợi văn bản Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt trong SGK (tr. 107 - 109) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trong hai đoạn văn đầu của văn bản, tác giả muốn khẳng định điều gì? Em có đồng ý với quan điểm của tác giả không?

Trả lời:

Trong hai đoạn văn đầu của văn bản Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt, tác giả muốn khẳng định ai cũng chuộng mùa xuân. Đây là ý kiến riêng của tác giả. Có thể có nhiều người đồng tình với ông, nhưng cũng có người có ý kiến khác do những trải nghiệm riêng của họ. Nếu khí hậu nơi em sống không chia thành bốn mùa rõ rệt xuân, hạ, thu, đông thì ấn tượng về mùa xuân có thể không đậm nét. Cũng có người không thích mùa xuân mà thích mùa khác trong năm. Em có thể nêu ý kiến riêng của mình. Từ đây, ta có thể thấy, tuỳ bút thể hiện những cảm xúc, suy nghĩ rất riêng của người viết.

Câu 2 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Em cảm nhận được điều gì về không gian mùa xuân miền Bắc qua các chi tiết mưa riêu riêu, gió lành lạnh, tiếng trống chèo, cái rét ngọt ngào, mùi hương man mác? Hãy chia sẻ về không gian mùa xuân ở quê em.

Trả lời:

Các chi tiết đó cho thấy không gian mùa xuân rất đặc trưng của miền Bắc. Nếu em sống ở miền Bắc, em sẽ nhận thấy chỉ cần vài nét chấm phá, tác giả đã miêu tả những đặc điểm khí hậu, văn hoá ở vùng này vào mùa xuân. Mùa xuân trời vẫn lạnh, có mưa phùn, có những loài hoa xuân. Đặc biệt, mùa xuân miền Bắc còn là mùa của các lễ hội. Sân khấu chèo truyền thống thường được tổ chức trong các lễ hội đó. Nếu em sống ở các vùng miền khác, không gian mùa xuân quê em có thể không hoàn toàn giống như những gì tác giả miêu tả. Em hãy miêu tả ngắn gọn một vài nét về không gian mùa xuân ở quê mình (thời tiết, hoa trái, bầu trời, cảnh sinh hoạt,...).

Câu 3 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Những chi tiết như những vệt xanh tươi hiện ở trên trời, những làn sáng hồng hồng báo hiệu điều gì về sự chuyển đổi của thời gian và không gian? Từ đó, nêu nhận xét của em về khả năng cảm nhận thế giới bên ngoài của nhà văn.

Trả lời:

Em chú ý: Tác giả miêu tả những vệt xanh, những làn sáng chứ không phải cả bầu trời xanh hay ánh nắng rõ rệt trong không gian. Điều này cho thấy những ngày đông u ám đang dần qua, đã có những tín hiệu cho thấy tiết trời dần ấm áp, bầu trời dần quang đãng, không gian dần tươi sáng. Tác giả đã rất tinh tế khi cảm nhận thế giới xung quanh, từ những thay đổi nhỏ.

Câu 4 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Theo em, vì sao tác giả lại viết là mùa xuân thần thánh?

Trả lời:

Từ thần thánh gợi cho em điều gì? Phải chăng là sự biến hoá kì diệu? Vậy có thể hiểu mùa xuân thần thánh là mùa đem đến sự biến hoá, đổi thay kì diệu cho con người và đất trời. Em có thể nêu những suy đoán riêng của mình để giải thích vì sao tác giả lại viết là mùa xuân thần thánh.

Câu 5 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Những biến đổi trong tâm hồn khi mùa xuân đến được tác giả diễn tả như thế nào?

Trả lời:

Em hãy nhận xét về cách tác giả diễn tả những thay đổi trong tâm trạng và cảm giác của mình khi mùa xuân đến. Ví dụ: Nhựa sống ở trong người căng lên như máu cũng căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái lá nhỏ tí ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh - câu văn này tác giả dùng biện pháp tu từ so sánh để diễn tả cảm giác (mang tính trừu tượng, không nhìn thấy được) bằng những chi tiết cụ thể như lộc của loài nai, mầm non của cây cối, lá nhỏ tí ti, cặp uyên ương,... Từ đó, tác giả cho người đọc cảm nhận được sức sống, sự nảy sinh những cảm giác, những khát khao tình tứ của lòng người.

Câu 6 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Bầu trời đêm tháng Giêng hiện lên như thế nào? Theo em, vì sao tác giả gọi trăng tháng Giêng là trăng non?

Trả lời:

Em hãy nêu những từ ngữ miêu tả bầu trời đêm tháng Giêng (ví dụ như đêm xanh biêng biếc, trời sáng lung linh như ngọc,...). Bầu trời trong đêm trăng sáng nhẹ, rất nên thơ. Trong văn bản có chi tiết “Cuối tháng Giêng.. :. Thường thì trăng cuối tháng không còn được gọi là trăng non. Trăng non là trăng đầu tháng (âm lịch). Tuy nhiên, đối với tác giả, tháng Giêng là tháng mở đầu một năm, do vậy trăng tháng Giêng được coi là trăng non do ý nghĩa khởi đầu của nó (tìm đọc trọn vẹn bài tuỳ bút Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt để hiểu điều này).

Câu 7 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Hãy giải thích nhan đề bài tuỳ bút.

Trả lời:

Bài tuỳ bút có nhan đề Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt. Em hãy chú ý những cụm từ trăng non, rét ngọt, soi chiếu nội dung của đoạn trích được học trong SGK để thấy tác giả miêu tả tháng Giêng của miền Bắc với những yếu tố đặc trưng của thời tiết, không gian. Đặc biệt, em hãy suy nghĩ về nghĩa của từ và đọc lại phần giới thiệu tác giả, tác phẩm (SGK, tr. 109) để hiểu những gì tác giả viết trong bài tuỳ bút được tái hiện qua kí ức của người con xa quê.

Câu 8 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Chỉ ra những biện pháp tu từ được sử dụng ở những cụm từ in đậm trong câu văn dưới đây và nêu tác dụng của chúng:

Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con, ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.

Trả lời:

Những cụm từ in đậm trong câu văn có sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ. Lưu ý: trong câu này, biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng nhiều lần, tạo nên sự trùng điệp khiến cho câu văn có nhịp điệu, thể hiện cảm xúc tha thiết, dạt dào. Ngoài ra, những cụm từ đó còn sử dụng biện pháp tu từ nhân hoá, làm cho các sự vật như non, nước, bướm, hoa, trăng, gió trở nên sinh động, có hồn.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 7 Kết nối tri thức khác