SBT Ngữ văn 12 Kết nối tri thức Bài tập 9 trang 6
Với giải sách bài tập Văn 12 Bài tập 9 trang 6 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.
Bài tập 9 trang 6 SBT Ngữ văn 12 Tập 2: Đọc lại văn bản Cảnh khuya trong SGK Ngữ văn 12, tập hai (tr. 37) và trả lời các câu hỏi:
Trả lời:
– Bài thơ Cảnh khuya được in lại nhiều lần trong các tuyển tập thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung và tuyển tập thơ Hồ Chí Minh nói riêng; đồng thời cũng đã có nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu tìm hiểu, giới thiệu. Ví dụ: Thơ Hồ Chủ tịch, NXB Văn học, Hà Nội, 1967; Hồ Chí Minh – Thơ, NXB Văn học, Hà Nội, 1970; Nhiều tác giả, Vẻ đẹp thơ văn Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005; Lê Quang Hưng, Đến với tác phẩm văn chương, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007;... Sau đây là một số gợi ý thực hiện yêu cầu của câu hỏi, dựa trên sự tổng hợp từ các nguồn tài liệu hữu quan:
– Về hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Bài thơ được sáng tác năm 1947, năm thứ hai của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954). Trước đó, ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và quyết định chuyển Bộ chỉ huy kháng chiến lên núi rừng Việt Bắc. Năm 1947, nhằm tiêu diệt lực lượng chủ yếu của ta và cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, giặc Pháp tấn công lên Việt Bắc. Chiến dịch Việt Bắc do quân dân ta tiến hành, với hàng loạt chiến thắng trên khắp chiến trường đã làm thất bại ý đồ của địch. Bài thơ Cảnh khuya đã được Hồ Chí Minh viết trong những ngày tháng gian lao, thử thách của cả dân tộc, khi Người sống và trực tiếp chỉ đạo chiến dịch tại núi rừng Việt Bắc.
– Về thể thơ, cảm hứng sáng tác và nội dung tác phẩm: Bài thơ tiếng Việt, được viết theo thể tứ tuyệt Đường luật (tức theo phong cách cổ điển) nhưng có sử dụng bút pháp hiện đại. Cảm hứng sáng tác nảy sinh trong phút giây đặc biệt: Giữa cảnh khuya núi rừng Việt Bắc, thiên nhiên đất trời trong sáng, ánh trăng ngời vẻ thanh bình, nhân vật trữ tình mặc dù bận bịu với cuộc kháng chiến, bộn bề lo toan“nỗi nước nhà” nhưng tâm hồn vẫn an nhiên, luôn giao hoà với cảnh sắc tuyệt mĩ chốn lâm tuyền. Ở đây, giữa hình ảnh người chiến sĩ và hình ảnh bậc hiền triết thung dung, tự tại có sự thống nhất đẹp đẽ. Nội dung bài thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của thi nhân và tấm lòng của người cách mạng trước vận mệnh dân tộc; tứ thơ có sự thống nhất giữa tâm hồn cao khiết, tình yêu thiên nhiên tha thiết với lòng yêu nước chan chứa, nồng nàn.
Trả lời:
- Biện pháp tu từ so sánh: Câu 1, tác giả sử dụng từ so sánh “như để thể hiện sự đồng nhất giữa hai âm thanh, âm thanh của tự nhiên thanh khiết và âm thanh của tiếng hát trong trẻo, thiết tha. Tiếng suối trong được ví với tiếng hát xa là một liên tưởng mới lạ, giàu sức gợi; cả hai âm thanh vọng lại từ xa tạo ấn tượng đan xen giữa cái thực và cái mơ hồ, khó phân biệt.
- Biện pháp tu từ điệp ngữ: Câu 1 lặp hai từ tiếng nhấn mạnh sự so sánh, đồng nhất giữa tiếng suối và tiếng hát; câu 2 lặp lại từ lồng, thể hiện sự hài hoà, quấn quýt của hình ảnh thiên nhiên. Hai hình ảnh thực (trăng, cổ thụ) được soi chiếu lẫn nhau tạo vẻ đẹp hữu hình nhưng huyền ảo; từ bóng đã thống nhất các hình ảnh viễn cảnh (trăng) và cận cảnh (cổ thụ) gợi liên tưởng đến một bức tranh sống động (ánh sáng, màu sắc, đường nét) với vẻ đẹp hoa lệ (bóng lồng hoa). Câu 3 và câu 4 sử dụng điệp ngữ chưa ngủ theo lối đối nối tiếp (lặp lại từ ngữ cuối câu 3 ở đầu câu 4), nhấn mạnh cảm xúc, tâm trạng đồng thời lí giải nguyên nhân chưa ngủ của nhà thơ đồng thời là người chiến sĩ: say mê thưởng ngoạn cảnh đẹp đan quyện với thao thức, trăn trở vận nước. Yêu thiên nhiên và yêu nước thống nhất trong một trái tim và một khối óc.
Trả lời:
- Câu 1: đối giữa tiếng suối trong và tiếng hát xa, quan hệ giữa hai vế là đẳng lập, biểu thị bằng sự so sánh (dùng từ so sánh như) và biện pháp điệp từ (tiếng suối, tiếng hát), điệp cấu trúc (kết cấu chủ – vị). Tác dụng: tạo âm hưởng ngân nga, tha thiết.
- Câu 2: đối giữa trăng lồng cổ thụ và bóng lồng hoa, quan hệ giữa hai vế là đẳng lập, biểu thị bằng sự liệt kê (các hình ảnh nối tiếp nhau) và biện pháp điệp từ (trăng lồng, bóng lồng), điệp cấu trúc (kết cấu chủ – vị). Tác dụng: tạo ấn tượng hài hoà, quấn quýt.
- Câu 3: đối giữa cảnh khuya như vẽ và người chưa ngủ, quan hệ giữa hai vế vừa nối tiếp, vừa đối lập; biểu hiện của thủ pháp tiểu đối chủ yếu là về ý. Tác dụng: giải thích việc người chưa ngủ vì đắm say cùng vẻ đẹp như tranh vẽ của khung cảnh thiên nhiên (quan hệ nối tiếp); gợi suy nghĩ về một sự lạ so với lẽ thường (quan hệ đối lập); đáng lí, đêm khuya thanh tĩnh thì con người cũng phải bình yên chìm sâu vào giấc ngủ, nhưng ở đây người chưa ngủ hẳn còn là vì một lí do đặc biệt nào khác...
Nhìn chung, thủ pháp tiểu đối trong bài thơ được tác giả sử dụng tự nhiên, thuần thục. Điều đó đã góp phần biểu đạt một cách nhuần nhị nội dung và thi tứ của bài thơ.
Trả lời:
- Điểm tương đồng trong nghệ thuật miêu tả hình ảnh trăng giữa hai bài thơ Vọng nguyệt (Ngắm trăng) và Cảnh khuya:
+ Hình ảnh trăng hiện lên với vẻ đẹp ngời sáng, thanh bình (minh nguyệt: ánh trăng trong sáng; trăng lồng cổ thụ: ánh trăng vằng vặc chiếu sáng cây rừng).
+ Trăng xuất hiện trong đêm khuya tĩnh lặng, thanh vắng. Dường như chỉ còn nhân vật trữ tình (con người) đối diện với ánh trăng trong lặng lẽ.
+ Trăng gần gũi, hoà nhập, hướng về thế giới (tâm hồn) của con người: trăng “theo tới” hoặc “từ” khe cửa nhà ngục”ngắm nhà thơ; ánh trăng tràn ngập khung cảnh núi rừng, ẩn hiện trong bóng cây, bóng hoa,...
- Điểm khác biệt trong nghệ thuật miêu tả hình ảnh trăng giữa hai bài thơ:
+ Hoàn cảnh ngắm trăng: Ở bài Vọng nguyệt, người ngắm trăng trong ngục tù, “Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt” (Hồ Chí Minh). Ở bài Cảnh khuya, người ngắm trăng trong không gian núi rừng rộng lớn, khoáng đạt (tuy là ở thời điểm con người đang trong tâm sự”lo nỗi nước nhà”).
+ Hình ảnh trăng trong mối quan hệ với con người: Ở bài Vọng nguyệt, trăng và người bị ngăn cách bởi song cửa nhà lao, vì thế trăng và người cùng phải vượt qua cách bức để giao dung. Ở bài Cảnh khuya, trăng và người quyện hoà trong vẻ đẹp chan hoà của ánh sáng, màu sắc,...
+ Bút pháp miêu tả: Ở bài Vọng nguyệt, hình ảnh trăng mang tính biểu tượng, được nhân cách hoá (hay đồng nhất với con người). Ở bài Cảnh khuya, hình ảnh trăng được miêu tả với đường nét cụ thể, sinh động, lung linh, huyền ảo.
Tuy có những điểm khác biệt nhưng cả hai bài thơ cùng cho thấy tâm hồn nhạy cảm, tình yêu thiên nhiên tha thiết, phong thái tự tại trước mọi hoàn cảnh của nhân vật trữ tình. Trăng và tâm hồn con người cùng hiện lên với vẻ đẹp hoà hợp, hữu tình.
Trả lời:
- Nội dung, logic của hai câu thơ cuối có quan hệ nối tiếp, các lớp ý nghĩa đan xen tầng bậc:
+ Câu thơ thứ ba trước hết thể hiện sự đắm say của con người trước cảnh đẹp thiên nhiên; một lí do khiến người chưa ngủ hẳn là bởi bức tranh thiên nhiên nơi núi rừng Việt Bắc khiến tâm hồn người nghệ sĩ rung động, say mê. Nhà thơ sao nỡ ngủ khi mà tiếng suối, ánh trăng vẫn miệt mài chảy tràn thành tiếng hát; bóng trăng lồng tán cây rừng vẫn âm thầm dệt thêu vẻ gấm hoa;...
+ Câu thơ thứ tư bất ngờ lí giải lí do thực sự của việc“người chưa ngủ, cho thấy rõ một phương diện khác của tâm trạng nhân vật trữ tình: Tâm hồn rung động, đắm say trước vẻ đẹp thiên nhiên, tạo vật đột ngột được đồng nhất với trăn trở, suy tư của người chiến sĩ cách mạng đang ngẫm ngợi về vận mệnh dân tộc. Tình riêng và niềm chung hoà làm một tâm sự: “Lòng riêng riêng những bàn hoàn,/ Lo sao khôi phục giang san tiên rồng” (Hồ Chí Minh, Đi thuyền trên sông Đáy).
- Cụm từ “chưa ngủ” được nhắc lại trong câu thơ đã giải thích lí do không thể thuyết phục hơn: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Từ câu thơ thứ ba sang câu thơ thứ tư, ý thơ đã chuyển đổi nhưng mạch xúc cảm nối tiếp của hai câu thơ không bị ngắt; theo đó, sự “cắt nghĩa” mới về lí do chưa ngủ của nhân vật trữ tình – tác giả như một sự bổ sung hết sức tự nhiên, hợp lí để tạo thành một sự chuyển hoá, hoà hợp của hai tư cách, cũng đồng thời là hai tâm thế: người nghệ sĩ và người chiến sĩ.
- Tâm hồn thanh cao của người nghệ sĩ say đắm trước vẻ đẹp non sông gấm vóc lồng trong cốt cách cứng cỏi của người chiến sĩ đang bộn bề suy tư về vận mệnh dân tộc. Hai vẻ đẹp hài hoà trong hiện thân của một nhân cách. Tình yêu thiên nhiên hoà vào tình yêu đất nước.
Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 6: Hồ Chí Minh văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi hay khác:
Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
- Soạn văn 12 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 12 - KNTT
- Giải Tiếng Anh 12 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Friends Global
- Giải sgk Vật Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 12 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 12 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 12 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - KNTT
- Giải sgk Tin học 12 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 12 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 12 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 12 - KNTT