SBT Ngữ văn 12 Kết nối tri thức Bài tập 8 trang 6

Với giải sách bài tập Văn 12 Bài tập 8 trang 6 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.

Bài tập 8 trang 6 SBT Ngữ văn 12 Tập 2: Đọc lại văn bản Vọng nguyệt (Ngắm trăng) trong SGK Ngữ văn 12, tập hai (tr. 37) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 6 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Tra từ điển và giải thích nghĩa của yếu tố vọng (trong nhan đề bài thơ). Hãy tìm một số từ ghép Hán Việt có chứa yếu tố vọng (nêu khoảng ba từ cho mỗi nghĩa chính của yếu tố này).

Trả lời:

Vọng trong Hán ngữ có một số nét nghĩa chính sau đây:

a. ngày rằm, trăng đêm rằm; nhìn xa, trông xa; như trong các từ ngữ: sóc vọng (ngày mùng một và ngày rằm trong một tháng âm lịch; sóc: ngày mùng một âm lịch, trăng ngày mùng một), vọng nhật, viễn vọng,...

b. trông chờ, mong mỏi, trông đợi; như trong các từ ngữ: vọng phu, đồng vọng, hi vọng, kì vọng,...

c. ngưỡng mộ, được người khác ngưỡng mộ; như trong các từ: vọng cổ, vọng ngoại, ngưỡng vọng, vọng tộc,...

Câu 2 trang 6 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Nhan đề bài thơ (Vọng nguyệt), ngoài cách dịch phổ biến là Ngắm trăng, còn có một cách dịch khác là Ngóng trăng (xem thêm: Nhiều tác giả, Văn bản tác phẩm Hán Nôm trong nhà trường, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2018, tr. 242). Hãy so sánh hai cách dịch trên và nêu ý kiến của bạn.

Trả lời:

Ngoài hai cách dịch (cách hiểu) như câu hỏi đã đề cập, còn có thể hiểu vọng nguyệt nghĩa là trăng rằm, trăng đêm rằm.

- Cách dịch (phổ biến) là ngắm trăng đã hiểu vọng theo nghĩa nhìn, ngắm, trông xa (thiên về chỉ hoạt động của thị giác); gần tương ứng với cách diễn đạt khán nguyệt, lãm nguyệt, đối nguyệt, trong Hán văn. Lúc này, trăng (khách thể) và người (chủ thể) được “đặt” trong quan hệ trực tiếp, không có sự cách bức. Cách dịch ngóng trăng hay trông trăng đã hiểu từ vọng theo nghĩa trông chờ, ngóng đợi (thiên về chỉ hoạt động của tâm trạng); theo đó có thể gợi một tình huống quan hệ đặc biệt giữa người và trăng: quan hệ tri âm tri kỉ, trong hoàn cảnh cách bức giữa thế giới tự do và thế giới mất tự do (Hồ Chí Minh:“Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt”,...).

- Có thể chấp nhận cả hai cách dịch (cách hiểu) trên. Tuỳ thuộc vào cảm nhận vẻ đẹp của bài thơ, bạn có thể bày tỏ quan điểm riêng, thể hiện sự đồng tình của mình với một trong hai cách dịch (cách hiểu và lí giải) trên.

Câu 3 trang 6 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đối trong hai câu sau của bài thơ.

Trả lời:

a. Đối thanh điệu:

T (hướng) – B (tiền) – B (minh)

B (tòng) – T (khích) – B (thi)

Đối không chuẩn về thanh điệu: chữ thứ sáu câu 3 đúng luật phải là thanh trắc; trường hợp này có thể xác định là chủ động phá luật để chú trọng hơn đến ý (minh nguyệt – trăng sáng là một cụm từ khó thay đổi, có kết cấu khá vững chắc).

b. Đối từ loại: Danh từ – nhân (người) // danh từ – nguyệt (trăng); động từ – hướng (hướng ra) // động từ – tòng (theo tới); động từ – khán (ngắm) // động từ – khán (ngắm); tính từ – minh nguyệt (trăng sáng) // danh từ – thi gia (nhà thơ).

Các cặp từ loại trong hai câu thơ đối khá chuẩn (chấp nhận tính từ có thể đối với danh từ). Tuy vậy, có hai cặp từ lặp lại trong một ngữ cảnh hẹp, cho thấy dụng ý nhấn mạnh của tác giả: song tiền (ngoài cửa sổ) – song khích (khe cửa sổ) đều nhấn mạnh sự ngăn cách; khán (ngắm – người ngắm trăng) – khán (ngắm – trăng ngắm người) thể hiện sự giao hoà không cách biệt giữa người và trăng, khi cùng vượt qua sự cách bức.

c. Đối cú pháp: Cấu trúc cú pháp của hai câu thơ giống nhau, có thể sơ đồ hoá theo mô hình Chủ ngữ – Vị ngữ 1 – Trạng ngữ – Vị ngữ 2 – Bổ ngữ.

Cú pháp đối thống nhất, chặt chẽ; thể hiện hai sự vận động ngược chiều nhưng hướng về nhau (đồng hướng) của chủ thể và khách thể.

d. Đối ý: Đối về ý là hệ quả của các biểu hiện đối về từ loại và cú pháp. Logic ý của cặp câu thơ đồng thời là cách cấu tứ đặc biệt của cặp câu: Người chủ động vượt qua cách bức để tìm trăng (câu 3); Trăng chủ động vượt qua cách bức đã tìm người (câu 4).

Nhờ logic đối ở trên: vật ngăn cách (song: cửa sổ) trở thành nơi gặp gỡ; tù nhân (câu 3) biến thành thi nhân (câu 4). Chủ thể ở câu này chuyển hoá thành đối tượng (khách thể) ở câu kia.

Câu 4 trang 6 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Sự hoán đổi giữa chủ thể ngắm (khán) và khách thể (đối tượng của động thái ngắm) trong hai câu sau đã thể hiện sự chuyển hoá vị thế của nhân vật trữ tình như thế nào?

Trả lời:

- Con người (chủ thể) ở câu 3 có vị thế là tù nhân, bị giam cầm trong không gian chật chội, đầy bóng tối; hoàn toàn cách bức với thế giới tự do của ánh sáng, của vẻ đẹp đêm trăng rằm. Bằng tinh thần, con người ấy đã thực hiện cuộc “vượt ngục” đặc biệt; song sắt nhà tù không ngăn cản được ý chí và tâm hồn yêu thiên nhiên, khao khát tự do. Trăng (đối tượng của sự ngắm) ở câu 3 tồn tại với tư cách khách thể, tự nhiên, tĩnh tại.

- Đến câu 4, trăng trở thành chủ thể; từ thế giới thiên nhiên tự do, chủ động tìm đến con người trong ngục tối gông xiềng: vẻ đẹp của vầng trăng là vẻ đẹp nhân tính; trăng chỉ đẹp, chỉ có ý nghĩa trong mối quan hệ với con người có tâm hồn; con người ấy lại đang trong tình huống bị giam cầm. Người tù, vốn là chủ thể ở câu 3, vì có trăng tìm đến, nên đã chuyển hoá tự nhiên thành nhà thơ (đối tượng tâm hồn mà trăng chủ động tìm tới).

- Sự chuyển hoá vị thế của nhân vật trữ tình, từ tù nhân hoá thành thi nhân, từ mất tự do đến hoàn toàn tự do về tinh thần,... là một sự vận động, một sự chuyển hoá nội tại. Sự chuyển hoá ấy được tác giả thể hiện một cách hết sức tự nhiên, thông qua việc sử dụng hiệu quả thủ pháp nghệ thuật đối. Tứ thơ hết sức chân thực, giản dị nhưng đầy dư vị, để lại ấn tượng, cảm xúc mạnh mẽ.

Câu 5 trang 6 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Bạn cảm nhận như thế nào về đời sống tâm hồn của nhà thơ được thể hiện trong tác phẩm Vọng nguyệt?

Trả lời:

- Tình yêu thiên nhiên, yêu tự do tha thiết; người tù đồng thời là thi nhân có tâm hồn trong sáng, tinh tế, lãng mạn.

- Tinh thần chủ động, tự tại với tâm thế lạc quan; điều đó thể hiện đời sống nội tâm sâu sắc, thanh cao. Bản lĩnh và cách hoá giải hoàn cảnh, thông qua việc thực hiện một cuộc vượt ngục đặc biệt về tinh thần để lại nhiều ý vị nhân sinh sâu sắc,...

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 6: Hồ Chí Minh văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 12 Kết nối tri thức khác