Lý thuyết GDQP 12 Bài 8: Công tác phòng không nhân dân
Lý thuyết GDQP 12 Bài 8: Công tác phòng không nhân dân
I. Sự hình thành và phát triển công tác phòng không nhân dân
1. Khái niệm chung về phòng không nhân dân
- Công tác phòng không nhân dân:
+ Là tổng hợp các biện pháp và hoạt động của quần chúng nhân dân nhằm đối phó với các cuộc tiến công hoả lực bằng đường không của địch.
+ Chủ yếu do đông đảo quần chúng nhân dân tiến hành.
Diễn tập công tác phòng không nhân dân
+ Được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành thống nhất tập trung của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
+ Được tổ chức, chuẩn bị chu đáo, luyện tập, diễn tập thuần thục trong thời bình và sẵn sàng chuẩn bị đối phó với chiến tranh có thể bất ngờ xảy ra.
+ Coi các hoạt động sơ tán, phòng tránh khắc phục hậu quả để giảm bớt tổn thất đến mức thấp nhất là chính, đồng thời phát động toàn dân bắn máy bay địch, bắt giặc lái cùng các lực lượng phòng không hình thành một hệ thống hoả lực phòng không rộng khắp, vững chắc đánh thẳng tiến công hoả lực bằng đường không của địch.
+ Mục đích: bảo đảm an toàn cho nhân dân, bảo đảm lực lượng chiến đấu, bảo vệ các mục tiêu quan trọng của đất nước, giảm thiệt hại về người và tài sản do tiến công đường không của địch gây ra, giữ vững sản xuất đời sống, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2. Sự hình thành và phát triển của công tác phòng không nhân dân
a) Âm mưu của địch tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc (1964 - 1972)
- Đế quốc Mĩ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại trên miền Bắc (1964 - 1972), đó là các cuộc tiến công hoả lực liên tục dài ngày bằng bom đạn của máy bay, pháo hạm.
Máy bay B52 của Mĩ đang ném bom miền Bắc Việt Nam (1972)
- Mục đích của Mĩ:
+ Phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng
+ Làm lung lay quyết tâm đánh Mĩ của nhân dân Việt Nam
+ Ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn (miền Bắc) cho tiền tuyến lớn (miền Nam).
b) Những chủ trương, biện pháp tiến hành công tác phòng không nhân dân của ta trong thời kì chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ
- Nhận rõ âm mưu của địch, với nghệ thuật chiến tranh nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức vận dụng kết hợp cả 2 hình thức :
+ Chủ động sơ tán, phòng tránh bảo toàn và giữ vững, phát triển tiềm lực đất nước;
+ Kiên quyết đánh trả tiêu diệt lực lượng tiến công đường không của địch.
- Sơ tán, phòng tránh và đánh trả đều mang tính chủ động tích cực và kiên quyết được liên kết chặt chẽ với nhau nhằm đạt mục đích chung đánh thắng chiến tranh phá hoại của không quân Mĩ.
- Ngày 20/5/1963, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra chỉ thị đầu tiên về công tác phòng không nhân dân trên toàn miền Bắc.
- Ngày 25/7/1963, Chính phủ ra Nghị định số 112/CP về việc tổ chức công tác phòng không nhân dân.
- Tháng 01/1964, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức hội nghị phòng không nhân dân toàn miền Bắc lần thứ nhất. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cụ thể của công tác phòng không nhân dân.
- Tháng 06/1964, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu chống lại mọi âm mưu khiêu khích, phá hoại miền Bắc”.
- Ngày 24/6/1964, Chính phủ ra Nghị quyết số 100/CP về công tác phòng không nhân dân.
- Ngày 23/12/1964, Chính phủ ra Nghị quyết số 184/CP thành lập Uỷ ban phòng không nhân dân Trung ương.
- Kết quả: quân dân miền Bắc đã đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ.
Máy bay B52 của Mĩ bị bắn rơi tại Hà Nội
c) Yêu cầu, nhiệm vụ công tác phòng không nhân dân trong tình hình mới
- Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ có nhiều đặc điểm mới và khác so với các cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng trước đây.
+ Là cuộc chiến tranh xảy ra với vũ khí công nghệ cao.
+ Thời gian chiến tranh diễn ra có thể ngắn hơn, nhưng mức độ khốc liệt, tàn phá sẽ lớn hơn nhiều.
- Ngày 01/7/2002, Thủ tướng Chính phủ kí ban hành Nghị định số 65/2002/NĐ-CP về công tác phòng không nhân dân. Đây là cơ sở pháp lí để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, nhằm tăng cường xây dựng thế trận quốc phòng về phòng không nhân dân.
II. Một số vấn đề cơ bản về công tác phòng không nhân dân trong tình hình mới
1. Xu hướng phát triển của tiến công hoả lực
a. Phát triển về vũ khí trang bị:
- Đa năng, tầm xa, tác chiến điển tử mạnh.
- Tàng hình, hệ thống điều khiển hiện đại.
- Độ chính xác cao, sức công phá mạnh.
b. Phát triển về lực lượng:
- Tinh gọn, đa năng, cơ động, hiệu quả.
- Tính tổng thể cao.
- Cơ cấu hợp lý, cân đối.
- Có khả năng độc lập tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
c. Phát triển về nghệ thuật tác chiến:
- Tiến công hoả lực đường không hiện nay có thể tiến công từ xa, ngoài phạm vi biên giới, vùng trời, vùng biển của một quốc gia, ngoài phạm vi sát thương của hoả lực phòng không đối phương, không phải trực tiếp tiếp xúc với các lực lượng đánh trả nên tránh được thương vong về sinh lực, đây là vấn đề nhạy cảm đối với dư luận trong nước.
- Tiến công hoả lực hiện nay không phụ thuộc nhiều vào không gian, thời gian tiến hành, tiến công có thể ban ngày, ban đêm, vào bất kì lúc nào, không phụ thuộc nhiều vào không gian và thời gian của mục tiêu định tiến công.
- Tiến công hoả lực không cần đưa quân đi chiếm đất, nhưng áp đặt được mục đích chính trị, đạt được mục tiêu chiến lược lại hạn chế được dư luận trong và ngoài nước lên án.
2. Phương thức tiến hành tiến công hoả lực đối với nước ta
a. Tiến công từ xa “phi tiếp xúc”
b. Đánh đêm bay thấp, sử dụng phương tiện tàng hình, tác chiến điện tử mạnh, đánh từng đợt lớn kết hợp đánh nhỏ lẻ liên tục ngày đêm
Địch không chỉ tiến công từ xa, mà buộc phải đột nhập vào các khu vực mục tiêu và các nguyên nhân sau:
- Tiến công từ xa khó đánh được các mục tiêu di động, cơ động.
- Một số lớn mục tiêu, địch nắm không chắc các thông tin cần thiết để đặt chương trình cho tên lửa hành trình.
- Số lượng tên lửa hành trình có hạn, lại không thể đánh được tất cả các loại mục tiêu.
c. Sử dụng vũ khí chính xác công nghệ cao đánh vào các mục tiêu trọng yếu
- Chia đợt và các mục tiêu đánh :
+ Đợt 1: đánh các lực lượng phòng không, không quân, các trung tâm thông tin, viễn thông.
+ Đợt 2 : đánh các sở chỉ huy, trung tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giao thông chiến lược, trung tâm kinh tế, tiềm lực quốc phòng.
+ Đợt 3: đánh vào các mục tiêu quân sự như khu vực bố trí các tập đoàn quân chiến lược, chiến dịch, không loại trừ địch đánh vào các trung tâm đông dân cư, đánh đòn tâm lí gây hoang mang, hoảng loạn, dao động sợ hãi trong nhân dân.
- Thủ đoạn hoạt động :
+ Tổ chức trinh sát nắm chắc các mục tiêu định tiến công và tình hình các mặt, nghi binh chiến lược, chiến dịch chiến thuật, tác chiến điện tử mạnh, rộng rãi, sử dụng phương tiện tiến công tàng hình, đột nhập độ cao thấp, ban đêm để tạo bất ngờ, đặc biệt là đợt đầu tiên.
+ Sử dụng tổng hợp các loại phương tiện trang bị, vũ khí có tính năng tác dụng khác nhau, tiển cộng đồng thời từ nhiều hướng, nhiều độ cao, đánh vào nhiều mục tiêu cùng một lúc. Đánh ác liệt từng đợt lớn kết hợp với đánh nhỏ lẻ liên tục ngày đêm 24/24 giờ, đánh vào khu đông dân cư, vào lực lượng vũ trang gây tâm lí hoang mang, sợ chiến đấu lâu dài hi sinh gian khổ.
+ Sử dụng hệ thống chỉ huy, tình báo, thông tin hiện đại tổ chức điều hành, nắm chắc tình hình các mặt, phản ứng kịp thời, linh hoạt. Đặc biệt sử dụng máy bay trinh sát báo động sớm cùng máy bay tiêm kích khống chế làm chủ bầu trời, khống chế hoạt động của không quân.
+ Kết hợp tiến công hoả lực với các hoạt động bạo loạn lật đổ, tình báo, ngoại giao, kinh tế,...
3. Đặc điểm, yêu cầu công tác phòng không nhân dân
a. Đặc điểm:
- Công tác phòng không nhân dân được tiến hành trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, có ưu thế vượt trội về phương tiện trang bị, gây khó khăn cho công tác phòng tránh, cơ động, sơ tán, phân tán, đặc biệt đối với các mục tiêu cố định và ít kiên cố.
- Công tác phòng không nhân dân được tiến hành trong điều kiện vừa phải đối phó với địch trên không, vừa phải sẵn sàng đối phó với địch mặt đất, mặt nước và bọn phản động nội địa gây bạo loạn, gây cháy nổ, phá hoại.
- Công tác phòng không nhân dân được tiến hành trong tình hình đổi mới của đất nước:
+ Nhiệm vụ phòng không nhân dân gắn liền với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
+ Hệ thống mục tiêu cần phải tổ chức phòng tránh đa dạng về chủng loại, phức tạp về yêu cầu bảo vệ, có nhiều khu vực mục tiêu kinh tế, quốc phòng có quy mô và tầm quan trọng chiến lược, kể cả trên bờ và trên biển, đảo.
+ Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi công tác phòng không nhân dân cũng phải đổi mới cho phù hợp.
- Công tác phòng không nhân dân là một bộ phận quan trọng của thế trận chiến tranh nhân dân trên mặt trận đất đối không, nên phải có sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng vũ trang, lực lượng phòng không ba thứ quân, trên cơ sở nòng cốt là lực lượng bộ đội phòng không và không quân của Quân chủng Phòng không - Không quân, các quân khu, quân đoàn.
b. Yêu cầu công tác phòng không nhân dân:
- Kết hợp chặt chẽ kinh tế xã hội với quốc phòng, an ninh. Kết hợp Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của các ngành, các cấp với phương châm cơ bản là: “Toàn dân - toàn diện - tích cực chủ động - kết hợp giữa thời bình và | thời chiến”.
- Phải được chuẩn bị từ thời bình, để chủ động đề phòng và xử lí khi có tình huống xảy ra.
- Lấy “phòng” và “tránh” là chính; đồng thời phải chuẩn bị đầy đủ mọi mặt để sẵn sàng xử lí mọi tình huống.
+ Phòng tránh gồm : bí mật sơ tán, phân tán, phòng tránh tại chỗ bằng công sự, hầm hào, ngụy trang nghi binh.
+ Chuẩn bị từ trước để xử lí như : kế hoạch sơ tán, phòng tránh, công tác tổ chức chỉ đạo đến các tổ đội khắc phục hậu quả.
- Kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chuyên môn và bán chuyên môn của quần chúng, giữa hiện đại và thô sơ, kế thừa và phát huy vận dụng sáng tạo kinh nghiệm trong chiến tranh giải phóng trước đây.
- Hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng phòng không ba thứ quân để cung cấp tin tức và giúp đỡ kĩ thuật, huấn luyện chuyên môn cho phòng không nhân dân. Hiệp đồng giữa các ngành chặt chẽ thống nhất theo kế hoạch chung.
Hoạt động diễn tập công tác phòng không nhân dân
4. Nội dung công tác phòng không nhân dân.
a. Tuyên truyền giáo dục về công tác phòng không nhân dân
- Nâng cao nhận thức về nghĩa vụ công tác phòng không nhân dân của mọi công dân trong toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên.
- Học tập các kiến thức phòng không phổ thông về tổ chức sử dụng các phương tiện vũ khí bộ binh đánh địch ; về tổ chức thông báo, báo động ; về tổ chức sơ tán, phòng tránh ; về tổ chức khắc phục hậu quả, cứu thương, cứu sập, phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo thông tin liên lạc, đảm bảo giao thông vận chuyển,...
- Huấn luyện kĩ thuật, chuyên môn nghiệp vụ cho các tổ, đội chuyên trách.
b. Tổ chức trinh sát, thông báo, báo động, quan sát nắm được hoạt động đánh phá của địch, đánh dấu các vị trí bom, đạn chưa nổ
* Yêu cầu
- Hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng phòng không quốc gia với các nguồn tình báo, màng trinh sát của lực lượng phòng không ba thứ quân, để xây dựng hệ thống trinh sát, thông báo, báo động hoàn chỉnh, thống nhất trên từng khu vực phòng thủ, đảm bảo phát hiện, thông báo tình hình địch kịp thời trong mọi tình huống.
- Triệt để tận dụng các yếu tố địa hình có lợi như điểm cao đột xuất, cửa sống, cửa biển, các đảo gần bờ... để bố trí các đài quan sát phòng không.
- Kết hợp chặt chẽ giữa hiện đại và thô sơ, tận dụng mạng thông tin liên lạc dân sự, hệ thống phát thanh, truyền thanh, truyền hình để thông báo, báo động phòng không.
* Nội dung
- Tổ chức các đài quan sát bằng mắt để trinh sát phát hiện địch, thông báo cho lực lượng phòng tránh và đánh trả.
- Tổ chức thu tin tức tình báo trên không từ sở chỉ huy cấp trên, sở chỉ huy các đơn vị hiệp đồng, từ các trạm ra đa ở gần và từ các đài quan sát bằng mặt của các đơn vị bạn có trên địa bàn tác chiến.
- Tổ chức mạng thông tin thông báo, báo động trong nhân dân và định kì tổ chức luyện tập.
- Xác định các quy chế, quyền hạn, thứ tự ưu tiên thông tin, thông báo, báo động phòng không trên từng địa bàn và quyền ra lệnh tình trạng khẩn cấp và thông báo tin tức theo quy định của Bộ Quốc phòng. Thông báo tin tức về phòng không là Chủ nhiệm phòng không các cấp.
- Các đài quan sát phòng không được trang bị khí tài quang học như kính chỉ huy TZK, ống nhòm, phương tiện thông tin liên lạc bằng vô tuyến, hữu tuyến điện, kể cả các phương tiện thô sơ như : còi, keng, ánh sáng, tiếng súng,...
c. Tổ chức nguỵ trang, sơ tán, phòng tránh:
* Yêu cầu chung:
- Đảm bảo an toàn ở nơi sơ tán, phân tán;
- Đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống nhân dân;
- Không tạo ra mục tiêu mới ở khu vực sơ tán;
- Không gây hoang mang, rối loạn xã hội ở nơi sơ tán;
- Phải có kế hoạch từ thời bình và bổ sung, điều chỉnh kịp thời khi tình hình thay đổi.
* Nội dung sơ tán, phân tán
- Sơ tán đến khi ổn định mới trở lại : người già, trẻ em, những người không tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Các xí nghiệp, cơ quan, nhà máy rời đi nhưng vẫn đảm bảo hoạt động bình thường đặc biệt là kho tàng, tài liệu, chất cháy nổ..
- Sơ tán tại chỗ trong tình huống khẩn cấp : được thực hiện đối với lực lượng phải ở lại bám trụ trên địa bàn, khi phát hiện địch có khả năng đánh lớn, để duy trì sản xuất đảm bảo cho nhu cầu quốc phòng và nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân. Phải thực hiện phân tán, giãn dân tại chỗ để giảm mật độ người, tài sản, phương tiện ở các trọng điểm đánh phá.
- Tổ chức phòng tránh tại chỗ.
Yêu cầu
+ Tận dụng lợi thế địa hình tự nhiên để tổ chức phòng tránh kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống hầm hào, công trình phòng tránh với công trình chiến đấu;
+ Kết hợp kinh tế với quốc phòng trong tổ chức xây dựng công trình phòng tránh ;
+ Kết hợp chặt chẽ giữa thô sơ và hiện đại trong tổ chức ngụy trang, xây dựng công trình phòng tránh;
+ Cần có giải pháp đồng bộ phòng chống tác chiến điện tử và vũ khí công nghệ cao của địch. Kết hợp chặt chẽ công tác tổ chức với các biện pháp kĩ thuật và chiến thuật, kết hợp thô sơ và hiện đại.
Nội dung
+ Cải tạo hệ thống hang động để cất giấu tài sản, cơ sở vật chất kĩ thuật, kho tàng...;
+ Xây dựng các công trình ngầm để phòng tránh ;
+ Xây dựng hệ thống hầm, hào trú ẩn ở các gia đình, cơ quan, xí nghiệp cơ sở kinh tế và ở các khu vực công cộng ;
+ Nguy trang các mục tiêu bảo vệ và ngụy trang chống trinh sát của địch.
+ Khống chế ánh sáng các mục tiêu và khu vực mục tiêu không thành quy luật.
+ Xây dựng công trình bảo vệ
+ Phòng gian, giữ bí mật.
d. Tổ chức đánh trả và phục vụ chiến đấu
- Cách đánh :
+ Dựa vào thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và thế trận chiến tranh nhân dân, tạo thành thế trận phòng không vững mạnh, rộng khắp và có trọng điểm.
+ Đánh rộng khắp mọi nơi, mọi lúc, mọi điều kiện với trang bị có trong tay cả hiện đại, chưa hiện đại và thô sơ để đánh địch. Phát động toàn dân và huy động mọi lực lượng, phương tiện tham gia đánh địch, toàn dân bắn máy
bay, toàn dân vây bắt giặc lái…
e. Tổ chức khắc phục hậu quả
* Yêu cầu
- Sử dụng các tổ chức, lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất kĩ thuật tại chỗ có sẵn ở các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở kinh tế, địa phương.
- Công tác tổ chức phải chặt chẽ, kết hợp giữa các lực lượng chuyên nghiệp và không chuyên trong đó có các tổ, đội chuyên trách làm lực lượng nòng cốt, chuẩn bị đầy đủ phương tiện chuyên dùng được huấn luyện và luyện tập thường xuyên.
- Phải tích cực chủ động kịp thời để giảm bớt thiệt hại, nhanh chóng ổn định đời sống xã hội với phương châm : sử dụng lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất tại chỗ là chính.
* Nội dung khắc phục hậu quả
- Tổ chức cứu thương bao gồm : tự cứu ở từng gia đình, cá nhân và tổ chức các tuyển cấp cứu, các đội cấp cứu từ cơ sở trở lên.
- Tổ chức lực lượng cứu sập ở các cấp tỉnh, thành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, cơ quan, xí nghiệp, cơ sở kinh tế.
- Tổ chức cứu hoả ; cứu hộ trên sông, biển.
- Tổ chức khôi phục đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc...
- Tổ chức lực lượng chôn cất nạn nhân chiến tranh, làm sạch môi trường, phòng chống dịch bệnh, ổn định đời sống xã hội.
5. Tổ chức chỉ đạo công tác phòng không nhân dân ở các cấp.
- Ngày 06/01/2003, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác phòng không nhân dân Trung ương do đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ cử một đồng chí Thứ trưởng làm uỷ viên.
- Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân Trung ương có cơ quan thường trực đặt tại Bộ Quốc phòng.
- Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân địa phương do Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban, Trưởng các ban, ngành của địa phương là uỷ viên.
Trắc nghiệm GDQP 12 Bài 8: Công tác phòng không nhân dân
Câu 1. Công tác phòng không nhân dân ở Việt Nam chủ yếu do lực lượng nào tiến hành?
A. Đông đảo quần chúng nhân dân.
B. Quân đội nhân dân Việt Nam.
C. Bộ đội chủ lực Việt Nam.
D. Quân chủng phòng không không quân.
Trả lời:
Đáp án: A
Câu 2. Hoạt động chính trong công tác phòng không nhân dân ở Việt Nam là gì?
A. Chống trả quân địch quyết liệt để tránh tổn thất, hi sinh.
B. Sơ tán, phòng tránh khắc phục hậu quả để giảm bớt tổn thất.
C. Chỉ tập trung vào bắt giặc lái và bắn phá máy bay của địch.
D. Đánh trả tốt, quyết liệt; tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh.
Trả lời:
Đáp án: B
Câu 3. Nội dung nào dưới đây không phản ánh đúng mục đích của công tác phòng không nhân dân ở Việt Nam?
A. Đảm bảo an toàn cho nhân dân, đảm bảo lực lượng chiến đấu.
B. Bảo vệ các mục tiêu quan trọng của đất nước, giảm thiệt hại về người và của.
C. Giữ vững sản xuất đời sống, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
D. Đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược Việt Nam của các thế lực thù địch.
Trả lời:
Đáp án: D
Câu 4. Công tác phòng không nhân dân được hiểu là: tổng hợp các biện pháp và hoạt động của
A. quần chúng nhân dân nhằm đối phó với các cuộc tiến công bằng đường không của địch.
B. quân đội nhân dân Việt Nam để đối phó với cuộc tập kích bằng máy bay B52của địch.
C. quân chủng phòng không không quân để đối phó với các cuộc tập kích của địch.
D. bộ đội chủ lực Việt Nam nhằm đối phó với cuộc tiến công bằng đường không của địch.
Trả lời:
Đáp án: A
Câu 5. Đế quốc Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất vào khoảng thời gian nào?
A. Năm 1968.
B. Năm 1964 – 1968.
C. Năm 1972.
D. Năm 1969 – 1973.
Trả lời:
Đáp án: B
Câu 6. Đế quốc Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ hai vào khoảng thời gian nào?
A. Năm 1968.
B. Năm 1964 – 1968.
C. Năm 1972.
D. Năm 1969 – 1973.
Trả lời:
Đáp án: C
Câu 7. Nội dung nào không phản ánh đúng mục đích của Mĩ trong hai lần tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam?
A. Cứu nguy cho các chiến lược chiến tranh đang thực hiện ở miền Nam Việt Nam.
B. Uy hiếp tinh thần, làm lung lay ý chí chống Mĩ của quân dân hai miền Nam – Bắc.
C. Ngăn chặn, cắt đứt sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.
D. Giành được thắng lợi quyết định, buộc Việt Nam kí kết Hiệp định Pari do Mĩ đưa ra.
Trả lời:
Đáp án: D
Câu 8. Chiến thắng nào của quân dân Việt Nam được đề cập đến trong đoạn trích dưới đây: “12 ngày đêm chiến đấu và chiến thắng trên bầu trời miền Bắc cuối năm 1972 là một chiến dịch phòng không đạt tới mức tiêu diệt cao nhất, oanh liệt nhất, trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc cũng như trong sự nghiệp chống Mĩ, cứu nước của nhân dân ta” ?
A. Trận “Điện Biên Phủ trên không”.
B. Chiến thắng Vạn Tường (Quảng Ngãi).
C. Trận tiến công Khe Sanh (Quảng Trị).
D. Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972.
Trả lời:
Đáp án: A
Câu 9. Đảng và nhà nước Việt Nam đã có chủ trương gì để đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của Mĩ (1964 – 1972)?
A. Sơ tán nhân dân; bảo vệ các mục tiêu trọng điểm của đất nước, giữ vững sản xuất.
B. Kiên quyết đánh trả và tiêu diệt các lực lượng tiến công bằng đường không của địch.
C. Chủ động thực hiện việc sơ tán, phòng tránh kết hợp với đánh trả quyết liệt.
D. Chỉ tập trung vào việc bảo toàn lực lượng, kiên nhẫn chờ thời cơ để đánh trả địch.
Trả lời:
Đáp án: C
Câu 10. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị định 112/CP về việc tổ chức công tác phòng không nhân dân vàothời gian nào?
A. 20/5/1963.
B. 25/7/1963.
C. Tháng 1/1964.
D. Tháng 6/1964.
Trả lời:
Đáp án: B
Xem thêm các bài Lý thuyết Giáo dục quốc phòng lớp 12 hay khác:
- Lý thuyết GDQP 12 Bài 6: Các tư thế, động tác cơ bản vận động trên chiến trường
- Lý thuyết GDQP 12 Bài 7: Lợi dụng địa hình, địa vật
- Lý thuyết GDQP 12 Bài 9: Trách nhiệm của học sinh với nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc
- Lý thuyết GDQP 12 Bài 1: Đội ngũ đơn vị
- Lý thuyết GDQP 12 Bài 2: Một số hiểu biết về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)