Top 50 bài văn mẫu Viết bài tập làm văn số 3 lớp 9 (hay, ngắn gọn)



Phần dưới tổng hợp trên 50 bài văn mẫu, dàn ý Viết bài tập làm văn số 3: Văn tự sự lớp 9 gồm các bài văn mẫu hay nhất giúp các sĩ tử học tốt môn Văn lớp 9 và đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Văn.

Dàn ý Kể về một lần em trót xem nhật ký của bạn

I/ Mở bài:

– Ai cũng đã từng mắc sai lầm.

– Với tôi, đó là một lần trót xem trộm nhật kí của bạn.

II/ Thân bài:

– Kể lại tình huống dẫn đến việc xem trộm nhật kí của bạn: Đến nhà bạn học nhóm; cầm hộ bạn cặp sách vô tình nhìn thấy quyển nhật kí của bạn.

– Kể lại cuộc đấu tranh nội tâm: Có nên xem hay không? Bao biện cho bản thân: Xem để hiểu thêm về bạn, sự tò mò đã chiến thắng, quyết định cầm quyển nhật kí rồi mở ra xem (kể đan xen với miêu tả nội tâm bằng ngôn ngữ độc thoại).

– Kể lại một số nội dung được ghi trong nhật kí: Hoàn cảnh khó khăn hiện tại của gia đình bạn? Suy nghĩ của bạn về tình bạn, tình thầy trò?…

– Kể lại tâm trạng: Hiểu bạn, vỡ lẽ ra nhiều điều, tự trách bản thân mình, ân hận vì hành động vội vàng, thiếu văn minh của mình, thấy xấu hổ, thầm xin lỗi bạn (kể đan xen với bộc lộ nội tâm qua ngôn ngữ độc thoại).

III/3. Kết bài:

– Tìm cảm với người bạn sau sự việc ấy.

– Rút ra bài học ứng xử cho bản thân.

Kể về một lần em trót xem nhật ký của bạn (dàn ý + 6 mẫu)

Kể về một lần em trót xem nhật ký của bạn

Tuấn là bạn thân nhất của tôi. Chúng tôi chơi với nhau từ hồi còn bé xíu, có chuyện gì cũng kể cho nhau nghe, vui buồn cùng chia sẻ. Ngỡ tưởng hai đứa chẳng có gì phải giấu nhau vậy mà chỉ vì quyển nhật kí của Tuấn và sự dại dột của tôi mà đã có chuyện xảy ra.

Hôm ấy như nhiều lần khác, Tuấn mời tôi đến nhà nó chơi. Lên đến phòng, Tuấn bảo: "Uyên cứ tự nhiên nhé, mình xuống nhà cắt trái cây rồi lên ngay!". Trong lúc chờ Tuấn xuống nhà làm chút việc, tôi lại gần tủ sách của Tuấn tìm truyện đọc. Bất chợt, đôi mắt đang dò dẫm của tôi dừng lại ở gáy cuốn sổ có dòng chữ: "My diary". Hình như là nhật kí của Tuấn thì phải - tôi nghĩ thầm - mình đọc thử chút để xem bấy lâu nay mình có nghĩ nhầm về thằng bạn thân không! Tôi nhanh tay rút lấy quyển sổ. Tôi khẽ đóng cánh cửa phòng Tuấn rồi mở cuốn nhật kí ra đọc.

Ngay trang đầu tiên, Tuấn đã viết: "Hôm nay mình thấy Uyên hơi quá đáng khi trêu Hoàng Sơn với Thuỳ Dương. Mình nghĩ làm vậy hai bạn ấy sẽ ngượng lắm. Tội cho hai bạn ấy quá! Mai mình sẽ bảo Uyên bỏ cái trò này''. Ô! Thế hóa ra Tuấn không đồng tình với mình à! Thế mà lúc ở lớp nó lại hùa vào làm mình cứ tưởng nó thích thú lắm. Tôi giở sang mấy trang sau, toàn nhận xét về tôi cả. Khi thì "mình không thích thái độ của Uyên với bọn thằng Bình, thằng Dương tí nào cả, ít ra cũng phải nhắc bài cho nó để điểm nó đỡ kém chứ. Mình biết tối hôm qua Bình phải đi học thêm đến tối mịt mới về nên nhắc bài cho nó đỡ tội", rồi thì "mình nghĩ Uyên nên sửa cái tính ấy đi thì hơn, có thế mới hòa nhập được với mọi người chứ". Ôi trời ơi! Và còn cả thế này nữa "không biết phải nói với Uyên thế nào nhỉ? Mình nghĩ là mình thích Tiểu Nguyệt rồi hay sao ý. Nó mà biết thì nó cười thối mũi mình ra ý chứ". Đang căng ra đọc những dòng nhận xét về mình, tôi bỗng nghe tiếng lạch cạch ngoài cửa, tôi cất vội quyển sổ vào giá sách rồi ngồi trên giường đung đưa chân, mặt cười hớn hở. Tuấn đặt đĩa bánh lên giường rụt rè:

- Uyên ơi, tớ có chuyện này muốn nói với cậu. Chuyện tế nhị ấy mà, tớ nghĩ tớ đã...

Tôi cắt ngang:

- Thích Tiểu Nguyệt rồi chứ gì?

Tuấn sững người. Tôi chột dạ: "Thôi chết! Nó mà biết mình đọc trộm nhật ký thì coi như xong". Tôi vội lảng sang chuyện khác:

- Thôi, đã là chuyện tế nhị thì không nên ép mình phải nói. Mấy cuốn truyện này cậu mua ở đâu mà hay thế!

Tuấn trả lời tôi nhát gừng và suốt cả buổi chiều hôm ây, giữa tôi và Tuấn như có một đám mây u ám, ngờ vực chen vào giữa. Cậu ta luôn tỏ thái độ nghi ngờ, đề phòng. Còn tôi thì phấp phỏng lo âu, chỉ sợ bạn biết được sự thật. Mà tính nó thì dễ tự ái lắm. Chuyện này mà lộ ra thì nó sẽ không thèm nhìn mặt tôi nữa. Nghĩ vậy nên tôi suy nghĩ trước khi nói để tránh những câu hỏi vặn vẹo của nó về việc tôi đã làm gì trên phòng nó lúc trước.

Khi tôi rời nhà Tuấn về, trời đã gần tối. Tôi cũng chợt thấy lòng mình u ám khác lạ. Tôi chưa làm những việc như thế này bao giờ: Đọc trộm nhật kí cúa người khác, xấu hổ quá đi thôi. Mà lại là đứa bạn thân của mình. Chuyện này mà lan ra thì sẽ chẳng còn ai tin tôi nữa, mọi người sẽ nghĩ tôi là kẻ chuyên lục lọi chuyện đời tư của người khác, lấy đó làm trò vui cho mình. Cả tối hôm đó, tôi như người mất hồn, cứ đi đi lại lại lẩm bẩm, suy nghĩ vẩn vơ, học bài cũng chẳng vào đầu chữ nào. Chuyện buổi sáng cứ ám ảnh tôi suốt cả tối. Mãi đến lúc đi ngủ, tôi mới tĩnh tâm lại và nghĩ cách giải quyết: "Nếu mình không đọc nhật kí của Tuấn thì có lẽ giờ này đã yên giấc rồi. Càng nghĩ lại càng thấy xấu hổ. Mình cứ tưởng là bạn bè thì không có gì phải giấu nhau. Nhưng mình cũng cần phải tôn trọng sự riêng tư của người khác chứ. Mình làm thế là sai rồi. Nhưng cũng nhờ đọc nhật kí của Tuấn mà mình biết mình có những khuyết điểm gì phải sửa, chắc Tuấn ngại nói thẳng. Song nếu nói hết sự thật thì Tuấn sẽ giận mình lắm, còn không nói thì lương tâm cắn rứt. Thôi vậy, không thể làm việc gì trái với lương tâm được. Mai mình sẽ nói với Tuấn vậy. Giờ phải ngủ lấy tinh thần cái đã". Và cuối cùng tôi thiếp đi, trong lòng còn lo ngại về thái độ của Tuấn khi nhận lời thú tội của tôi nhưng tôi cũng thấy thanh thản, nhẹ nhõm hẳn.

Hôm sau gặp Tuấn, tôi đã nói ra hết sự thật. Trái với tưởng tượng của tôi, Tuấn đã tha thứ, hai chúng tôi lại thân nhau như xưa. Tôi cũng nhận ra một bài học rằng: Giữa hai người bạn, chữ tín là điều bảo đảm cho tình bạn được lâu bền. Một lần tôi trộm nhật ký là quá đủ, tôi sẽ không bao giờ lặp lại điều đáng xấu hổ đó nữa.

Dàn ý Kể lại cuộc gặp gỡ với người lính lái xe

1. Mở bài:

Trong cuộc sống, có những người ta chỉ gặp một lần, chỉ trò chuyện chốc lát nhưng cũng đã để lại nhiều dấu ấn, tác động sâu sắc đến cuộc sống chúng ta. Thật may mắn và tình cờ, tôi đã được gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Cuộc gặp gỡ và trò chuyện ấy đã tác động rất nhiều đến suy nghĩ và tình cảm của tôi.

2. Thân bài:

- Kể lại tình huống được gặp gỡ, trò chuyện với người lính lái xe (Nhà trường tổ chức cho lớp đi thăm nghĩa trang Trường Sơn ngày 27-7. Ở đó, tôi được biết người quản trang chính là người lính Trường Sơn năm xưa…)

- Miêu tả người lính đó (ngoại hình, tuổi tác, …)

- Kể lại diễn biến cuộc gặp gỡ và trò chuyện:

- Tôi hỏi bác về những năm tháng chống Mỹ khi bác lái xe trên tuyến đường Trường Sơn.

- Người lính kể lại những gian khổ mà bác và đồng đội phải chịu đựng: Sự khốc liệt của chiến tranh, bom đạn của kẻ thù là xe bị vỡ kính, mất đèn, không mui.

- Người lính kể về tinh thần dũng cảm, về tư thế hiên ngang, niềm lạc quan sôi nổi của tuổi trẻ trước bom đạn kẻ thù, trước khó khăn, gian khổ -> Những suy nghĩ của bản thân (xen miêu tả nội tâm + Nghị luận)

3. Kết bài:

- Chia tay người lính lái xe.

- Suy nghĩ về cuộc gặp gỡ, trò chuyện:

- Những câu chuyện người lính kể cho tôi nghe tác động rất nhiều đến suy nghĩ và tình cảm của tôi.

- Tôi khâm phục và tự hào về thế hệ cha ông anh dũng, kiên cường đánh giặc và làm nên chiến thắng vẻ vang.

- Tôi thấm thía hơn giá trị thiêng liêng của chủ quyền tự do, độc lập mà dân tộc ta đã đổ bao xương máu mới giành được.

- Liên hệ với bản thân: phấn đấu học tập, tu dưỡng.

Kể lại cuộc gặp gỡ với người lính lái xe

   Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam sắp đến gần, nhà trường vui mừng thông báo đến chúng tôi năm nay sẽ được gặp gỡ, giao lưu với đoàn cựu chiến binh. Điều ấy làm ai cũng hết sức háo hức, vui sướng, được nghe các bác kể về chuyện diệt Mỹ là điều tuyệt vời nhất. Và trong buổi gặp ngày hôm ấy, tôi đặc biệt ấn tượng với một chú đầu đã bạc, trên ngực đầy những huân chương, gương mặt đã già nhưng vẫn đậm chất ngang tàng, trẻ trung. Qua lời giới thiệu tôi đươc biết chú chính là một trong những người lính lái xe trong đoàn xe không kính xuất hiện trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

   Thật khó lòng có thể tưởng tượng được, người lính trẻ trung, ngang tàng, tinh nghịch năm xưa giờ ai nấy cũng đĩnh đạc, oai nghiêm đến như vậy. Chú có dáng người cao, hơi đậm người, dù đã lớn tuổi nhưng giọng nói vẫn rất khỏe và vang. Có lẽ chính trong những năm kháng chiến trường kì đã tôi rèn sức khỏe cho người lính. Bên ngoài vẻ già dặn, từng trải ta vẫn thấy nét gì đó rất đáng yêu, hóm hỉnh của người lính năm xưa. Sau những lời giới thiệu, chú kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời người lính vận tải trên tuyến đường Trường Sơn ngày đêm bị Mỹ ném bom ác liệt.

   Vào những năm đó, tuyến đường Trường Sơn là tuyến đường trọng điểm nên thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom, những con đường bị quần nát, cây cối hai bên đường trơ trụi,… chúng quyết tiêu diệt chúng ta cho bằng được. Tuy nhiên, chúng càng ném bom, tinh thần của những người lính càng được nâng cao, ai cũng mang trong mình quyết tâm lớn, hi sinh tất cả vì miền Nam ruột thịt. Bởi vậy, hàng ngày, hàng đêm các đoàn xe vẫn anh dũng tiến về phía trước, mặc mưa bom, bão đạn để tiếp tế cho miền Nam.

   - Các cháu có lẽ không thể tưởng tượng hết những khó khăn, gian khó mà thế hệ chú đã phải trải qua. Đó là những năm tháng tuy nguy hiểm, ác liệt mà anh dũng hào hùng. Cũng bởi những chiếc xe phải đi trong những cơn mưa bom bão đạn như vậy nên hầu hết các xe vận tải không còn xe nào có kính, những chiếc xe bị biến dạng nghiêm trọng, mui xe xước chằng chịt vì va quệt, những chiếc xe không có đèn mà vẫn băng băng trong đêm tối, đường rừng Trường Sơn với biết bao nguy hiểm.

   - Đường tối, lại không có xe, vậy các chú làm thế nào để có thể đi được ạ?

   - Cháu có câu hỏi thật hay. Các cháu biết không, các chú đi bằng trái tim, bằng ý chí quyết tâm. Lúc ấy trái tim nhiệt huyết sẽ soi sáng con đường chú đi, chính vì vậy dù đêm tối cũng không thể ngăn cản những nhịp bánh xe lăn. Không chỉ vậy, đi trên những chiếc xe không kính cũng là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Những đêm trên đường vận chuyển lương thực, vũ khí với tốc độ di chuyển nhanh gió và sao như ùa cả vào buồng lái. Gió mạnh táp thẳng vào mặt khiến ai nấy đều đỏ ửng cả mặt mũi. Nhưng không chỉ có vậy, những hôm quang trời, đường khô, bụi cuốn tung lên, phả vào trong xe khiến khuôn mặt ai cũng được tráng một lớp phấn trắng xóa, tóc bạc chẳng khác người già. Các chú nhìn nhau, thích thú cười ha ha. Những ngày mưa ngồi trong cabin mà chẳng khác ngồi ngoài trời, mưa xối thẳng vào buồng lái. Nhưng các chú không ai dừng bước, vẫn tiến lên phía trước, gió lùa chẳng mấy chốc mà quần áo sẽ khô.

   Từ phía xa vọng lên tiếng hỏi:

   - Thưa chú, vậy những năm tháng oanh liệt, hào hùng ấy điều gì làm chú ấn tượng mãi không quên?

   - Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh có lẽ tình cảm đồng chí, đồng đội là điều khiến chú không thể nào quên. Nó là nguồn sức mạnh tinh thần và nguồn động viên to lớn khiến các chú có thể luôn vững vàng tay lái, tiến lên phía trước. Những đoàn xe ngược xuôi nối đuôi nhau ra chiến trường, tình cờ gặp gỡ các chú sẽ bắt tay nhau qua những ô cửa kính vỡ. Cái bắt tay vội vã mà ấm áp, đã truyền lửa, truyền thêm sức mạnh cho các chú. Trong những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi, các chú quần tụ lại với nhau, nấu một bữa cơm giữa rừng, chỉ có cơm trắng, rau rừng đạm bạc nhưng thật ngon biết bao, bởi nó ấm áp tình người, tình đồng chí, đồng đội. Sau những bữa cơm vội vã, các chú lại nhanh chóng lên đường cho kịp thời gian. Những năm tháng đó tuy gian khổ, luôn phải đối mặt với nguy hiểm và cái chết sẵn sàng ập xuống bất cứ lúc nào nhưng đó cũng là những năm tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Các chú được sống trong tình đồng đội, luôn được quan tâm sẻ chia, hơn hết được phấn đấu vì mục đích, lí tưởng cao đẹp vì miền Nam độc lập, thống nhất đất nước.

   Buổi lễ kết thúc, trong lòng ai cũng dâng lên cảm xúc tự hào và biết ơn sâu sắc với thế hệ trước. Nếu không có sự hi sinh của các chú thì ngày hôm nay sẽ không có cuộc sống hòa bình, hạnh phúc cho chúng tôi. Bởi vậy, là một học sinh, tôi luôn tự nhủ phải luôn luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng, xây dựng đất nước, báo đáp công ơn thế hệ đi trước.

Dàn ý Kể lại kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và Thầy Cô giáo cũ

1) Mở bài:

- Không khí tưng bừng đón chào ngày 20 - 11 ở trong trường lớp, ngoài xã hội.

- Bản thân mình: nghĩ về thầy cô giáo và bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm vui buồn cùng thầy cô, trong đó có một kỉ niệm không thể nào quên.

2) Thân bài:

- Giới thiệu về kỉ niệm (câu chuyện):

   + Đó là kỉ niệm gì,buồn hay vui,xảy ra trong hoàn cảnh nào,thời gian nào?...

- Kể lại hoàn cảnh, tình huống diễn ra câu chuyện (kết hợp nghị luận và miêu tả nội tâm):

   + Kỉ niệm đó liên quan đến thầy(cô) giáo nào?

   + Đó là người thầy(cô) như thế nào?

   + Diện mạo, tính tình, công việc hằng ngày của thầy (cô).

   + Tình cảm,thái độ của học sinh đối với thầy cô.

- Diễn biến của câu chuyện:

   + Câu chuyện khởi đầu rồi diễn biến như thế nào? Đâu là đỉnh điểm của câu chuyện?...

   + Tình cảm, thái độ, cách ứng xử của thầy (cô) và những người trong cuộc, người chứng kiến sự việc.

- Câu chuyện kết thúc như thế nào? Suy nghĩ sau câu chuyện:Câu chuyện đã để lại cho em những nhận thức sâu sắc trong tình cảm, tâm hồn,trong suy nghĩ: tấm lòng, vai trò to lớn của thầy (cô), lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến của bản thân đối với thầy (cô).

3) Kết bài:

- Câu chuyện là kỉ niệm, là bài học đẹp và đáng nhớ trong hành trang vào đời của tuổi học trò.

Kể lại kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và Thầy Cô giáo cũ

Tuổi học trò hồn nhiên, ngây ngô mà cũng vô cùng đáng yêu với những kỉ niệm thơ ngộ. Học tập dưới mái trường này đã được bốn năm, tôi làm sao có thể nhớ hết những kỉ niệm đẹp đẽ ấy. Nhưng có lẽ trong những kỉ niệm đó tôi nhớ nhất là kỉ niệm với thầy giáo chủ nhiệm của tôi – một kỉ niệm đã dạy cho tôi bài học quý báu mà suốt đời này tôi sẽ không bao giờ quên.

Chuyện xảy ra cách đây không lâu, khi ấy tôi học lớp 8, cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi nghỉ vì sinh em bé, bởi vậy lớp chúng tôi đã thay một thầy giáo vào làm chủ nhiệm. Thầy Hòa dạy Hóa, là giáo viên nổi tiếng nghiêm khắc ở trường. Thầy dạy bất cứ lớp nào cũng đều khiến các bạn sợ hãi. Nhưng tôi lại chẳng hề lo lắng, bởi theo như mọi người nhận xét tôi là đứa nghịch ngợm có số má ở trường. Ngày thầy vào lớp tôi sẽ trêu thầy một phen xem danh tiếng nghiêm khắc của thầy thực chất đến đâu.

Ngày đầu thầy đến lớp nhận công tác chủ nhiệm, tôi đã đến thật sớm, bôi nhọ nồi vào chiếc ghế da màu đen của thầy, khiến cho quần áo thầy bị vấy bẩn. Thầy bước vào lớp, điểm tĩnh, tự tin giới thiệu về bản thân. Và thầy ngồi vào chiếc ghế “tử thần” mà tôi đã bày trò trước đó. Khi thầy đứng dậy cả lớp được một phen ôm bụng mà cười, chiếc quần màu sữa của thầy phía sau đã vằn vện những vết nhọ nồi. Trò đùa tai quái của tôi đã khiến thầy tối sầm mặt, và đi ra khỏi lớp. Hôm đó trong lớp ai cũng biết chỉ có tôi mới dám làm trò đó, nhưng không đứa nào hé răng. Rồi cứ thế cho đến các tiết học sau đó tôi đều bày trò để chọc giận thầy, khi thì lau bảng đẫm nước để thầy không thể viết; khi thì không làm bài tập. Nhưng .... ngày hôm đó đã thay đổi suy nghĩ của tôi hoàn toàn.

Hôm đó trời mưa rất lớn, tan học tôi không đợi tạnh mà đi về ngay. Trên đường về tôi không may bị một chiếc xe máy đâm vào rồi bỏ chạy, tôi bị thương không nặng, nhưng có lẽ do sợ nên tôi bị choáng. Lúc đó đường vắng tanh không một bóng người. Khi tôi cảm thấy đau đớn và tuyệt vọng nhất thì khuôn mặt nghiêm nghị của thầy Hòa xuất hiện. Thầy lo lắng vội vã đưa tôi đến trạm xá của xã và đó cũng là lúc tôi ngất lịm trên tay thầy.

Tôi vào viện có lẽ khoảng 30 phút sau thì tỉnh, lúc này thầy đang ngồi cạnh tôi, tay chống cằm lim dim ngủ. Có lẽ ở chân vết thương nặng, nên khi nhấc mình tôi thấy đau nhói, nên đành nằm im. Đến lúc này tôi mới nhìn kĩ khuôn mặt thầy, khuôn mặt già và khắc khổ, những nếp nhằn đã lằn rõ so với cái tuổi 32 của thầy. Mái tóc thầy đã pha bạc nhiều, ướt nhẹp đi vì có lẽ khi bế tôi chiếc mũ của áo mưa đã bị tuột ra, những giọt nước vẫn thi thoảng nhỏ xuống. Nhìn thầy tôi không kìm nổi xúc động và tự trách bản thân về những hành động nông nổi của mình trước đây.

Sau khi ra viện, nghe các bạn kể tôi mới biết gia cảnh của thầy rất đáng thương. Nhà chỉ có mình thầy nuôi đứa con thơ, vợ thầy mất vì căn bệnh ung thư quái ác. Thầy suy sụp mất nửa năm, xin nghỉ để ở nhà. Sau đó thầy lấy lại nghị lực, tiếp tục sống và nuôi con. Có lẽ vì cú sốc quá lớn ấy khiến thầy già hẳn đi, và phải mang trên mình khuôn mặt nghiêm khắc như vậy. Tôi thương thầy quá, và càng ân hận hơn, tự trách bản thân mình nhiều hơn.

Thấy động thầy mở choàng mắt quay sang nhìn tôi. Nhìn thầy tôi thấy ấm áp và thân thương lạ thường. Thầy hỏi tôi bằng giọng vô cùng ấm, khắc hẳn với khi giảng bài trên lớp:

- Con thấy trong người thế nào? Mưa to nên bố mẹ con đang trên đường tới. Chắc lát nữa sẽ tới nơi thôi.

Tôi chưa kịp trả lời thầy đã dồn hỏi tiếp:

Con đói không? Thầy mua gì cho con ăn nghe.

Bất giác tôi thấy hai sống mũi cay cay. Một đứa con trai nghịch ngợm như tôi bỗng mềm lòng và xúc động vô cùng trước sự tận tâm của thầy. Nếu hôm nay không có thầy đưa đến bệnh viện thì không biết giờ này tôi sẽ ra sao. Tôi thầm cảm ơn thầy, thầm cảm ơn về sự vị tha thầy giành cho tôi. Tôi mở miệng lí nhí:

- Con cảm ơn và xin lỗi thầy trong suốt thời gian qua.... Tôi ngập ngừng không nói hết câu nước mắt đã tràn bờ mi, thấm đẫm xuống mặt.

Thầy nhẹ nhàng xoa đầu tôi, thầy không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến. Nhưng cũng chỉ cần ánh mắt đó thôi tôi đã hiểu được tấm lòng thầy, sự quan tâm mà thầy dành cho tôi.

Sau lần ấy, tôi đã thay đổi hẳn. Không còn là một cậu trò ngộ ngược, quậy phá, mà tôi tập trung học hành và đặc biệt là môn hóa của thầy. Trước sự thay đổi quá dỗi bất ngờ của tôi ai cũng cảm thấy kinh ngạc, chỉ riêng tôi và thầy Hòa mới hiểu được điều ấy.

Giờ đây tôi đang là học sinh trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Hóa. Tôi thầm cảm ơn sự tận tụy, tận tâm mà thầy dành cho tôi. Trong cuộc đời chúng ta ai cũng đôi ba lần vấp ngã, sai lầm, quan trọng là chúng ta biết nhận ra và vượt qua nó. Tôi thầm cảm ơn thầy Hòa, người đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ, để có lối sống đúng đắn và tích cực hơn.

Tổng hợp các bài văn mẫu Viết bài tập làm văn số 3 lớp 9 hay khác:

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 hay khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:




Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học