Phân tích bài thơ Lão nông và các con (hay, ngắn gọn)



Đề bài: Phân tích bài thơ "Lão nông và các con" của La Phông-ten

Bài giảng: Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông Ten - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

   Lao động là vẻ vang. Lao động là nghĩa vụ. Lao động là cần thiết, … tục ngữ có câu: "Có làm thì mới có ăn – không dưng ai dễ đem phần đến cho." Có biết bao nhiêu câu nói về lao động mà lời hay ý đẹp. Cách đây trên ba thế kỉ, nhà thơ La Phông-ten đã học tập và kế thừa văn học dân gian Pháp và những nhà văn tiền bối viết về ngụ ngôn như Edốp, Babriux, Pheđrô,… để sáng tạo nên những bài thơ ngụ ngôn bất hủ như bài "Lão nông và các con". Bài thơ mượn lời cha dặn để nói về lao động và ca ngợi sức lao động sáng tạo. Tác giả không thuyết lý, mà đã sử dụng ngụ ngôn dưới hình thức thơ ca để chuyển tải một lời giáo huấn của cha đối với các con về giá trị của lao động.

   Bài thơ ngụ ngôn này cũng tạo nên một tình huống rất điển hình: Cha trước lúc qua đời gọi các con đến để dặn dò. Lời cha dặn trở thành lời trăng trối, (nói là giối giăng cũng được). Một không khí thiêng liêng. Chỉ có con bất hiếu mới không nghe lời cha trong giây phút trang nghiêm như vậy. Nếu chưa hiểu được tình huống này xem như thiếu tiền đề để cảm nhận bài thơ.

   Câu chuyện cha kể, cha dặn phút lâm chung cũng rất đơn giản mà cảm động. Mở đầu bài thơ là hai câu như một câu cách ngôn. Phải biết lao động, phải cần cù gắng sức, có thế mới được ấm no, dư dật:

"Hãy lao động cần cù gắng sức, 
Ấy chân lưng sung túc nhất đời."

   Cha là một phú nông, một nông dân giàu có. Nhờ cần cù, lao động mà có một gia sản: một số ruộng đất để lại cho các con. Trước lúc chết gọi các con lại không phải để chia gia tài mà là để dặn dò những điều thiết tha. Cha khuyên các con ruộng đất là gia tài, gia sản, không được bán đi. Nhà nông nếu bán ruộng đất đi chẳng khác nào tự chặt chân tay mình, triệt đường sinh sống.

   Điều thứ hai cha dặn, chắc là có nói thầm: có một kho vàng ông bà chôn dưới ruộng mà lâu nay cha tìm mãi vẫn chưa thấy:

"  Kho vàng chôn dưới chân kia,
Cha không biết chỗ. Kiên trì gắng công."

   Các con phải thay cha, gắng công tìm kiếm, nhớ kiên trì, bền bỉ. Cha dặn tiếp các con cần cù cày xới, không được bỏ hoang đất, mùa này qua mùa khác phải cần cù, chịu khó xốc ruộng lên. Đây là những câu thơ dịch khá hay:

"Xốc ruộng lên tháng tám sau mùa,
Tay cày, tay cuốc, tay bừa,
Xới qua xới lại, chẳng chừa chỗ không."

   Cha động viên các con và khẳng định. Đây là ý chính trong lời cha:

"Tìm khắc thấy: cuối cùng sẽ thắng"

   Có cả niềm tin cậy vào đàn con hiếu thảo đang đứng xung quanh cha phút lâm chung. Ba chữ "tìm khắc thấy" dịch đúng ý trong câu thơ tiếng Pháp, đầy ấn tượng mạnh mẽ vì đó là tấm lòng, là tình thương của cha.

   Bốn câu tiếp theo là hệ quả. Các con làm đúng theo lời cha dặn. Kho vàng chôn dưới đất (nghĩa đen) vẫn chưa tìm thấy nhưng nhờ cần cù, siêng năng cấy cày mà chỉ mùa sau, chỉ cuối năm đã tìm được một kho vàng đích thực "lúa tốt bời bời bội thu".

   Vàng tìm thấy là hoa lợi, là ngũ cốc, là lương thực, thực phẩm. Vàng ấy được tạo nên bằng công sức mồ hôi. Bởì vậy người đời gọi hạt gạo là hạt vàng, hạt ngọc là như thế. Do đó, câu chuyện cha dặn các con giữ đất và đào đất tìm vàng thực chất là lời dạy: giữ lấy ruộng vườn, cần cù chịu khó cấy cày chăm bón sẽ trở nên ấm no, giàu có.

   Bốn câu cuối là lời bàn, là lời bình luận của nhà thơ. Có 2 ý chính: một là khen ông bố (người phú nông) rất khôn ngoan. Câu thơ dịch sát nghĩa và hóm hỉnh (giấu mô: giấu ở đâu):

"Vàng với bạc giấu ở mô chằng thấy 
Rõ ràng ông bố ấy khôn ngoan"

   Hai câu cuối khẳng định một bài học, một chân lý. Câu thơ dịch sát nghĩa, rất hay.

   Câu thơ tiếng Pháp đại ý: Trước lúc chết, cha chỉ bảo các con: lao động ấy là kho vàng.

   Nhà thơ Tú Mỡ đã dịch thành:

"Trước khi từ giã trần gian,
Lấy câu "lao động là vàng" dạy con."

   Bài thơ ngụ ngôn "Lão nông và các con" là một bài thơ hay, hấp dẫn, hóm hỉnh, thấm thía. Chuyện kể là chuyện giấu vàng và tìm vàng. Mở đầu là 2 câu thơ nói lên một châm ngôn sống: Phải lao động và chịu khó làm ăn. Kết thúc bài thơ là một chân lý được đúc kết: lao động là một kho vàng, kho báu. Thật là giản dị mà ý nhị, sâu sắc. Nhà thơ Tú Mỡ đã dịch rất sáng tạo, rất hay bài thơ này.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 hay khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:




Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học