Sơ đồ tư duy Quê hương (dễ nhớ, ngắn gọn)

Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 8, chúng tôi biên soạn bài viết sơ đồ tư duy bài thơ Quê hương dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, .... Hi vọng qua Sơ đồ tư duy Quê hương sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của bài thơ Quê hương.

Bài giảng: Quê hương - Cô Phạm Lan Anh (Giáo viên VietJack)

Sơ đồ tư duy bài thơ Quê hương - mẫu 1

Sơ đồ tư duy Quê hương dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy Quê hương dễ nhớ, ngắn gọn

I. Tác giả

- Tế Hanh (1921- 2009), tên khai sinh là Trần Tế Hanh

- Quê quán: sinh ra tại một làng chài ven biển tỉnh Quảng Ngãi

- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác

+ Ông có mặt trong phong trào Thơ mới ở chặng cuối với những bài thơ mang nỗi buồn và tình yêu quê hương

+ Sau năm 1945, Tế Hanh sáng tác phục vụ cách mạng và kháng chiến

+ Ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật

- Phong cách sáng tác: thơ ông chân thực với cách diễn đạt bằng ngôn ngữ giản dị, tự nhiên và rất giàu hình ảnh, bình dị mà tha thiết.

II. Tìm hiểu chung về tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ được Tế Hanh viết năm 1939, khi ông 18 tuổi đang học Trung học tại Huế. Tế Hanh yêu tha thiết quê hương mình, cái làng chài ven biển, con sông Trà Bồng uốn khúc bao quanh. Khi xa quê, hình ảnh ấy luôn thường trực trong nỗi nhớ của ông. Bài thơ cất lên giai điệu ngọt ngào, trong trẻo, thiết tha từ chính làng quê và nỗi nhớ ấy.

2. Thể thơ: thơ 8 chữ

3. Xuất xứ

Bài thơ được rút trong tập “Nghẹn ngào” (1939) và sau đó được in trong tập “Hoa niên” (1945).

4. Bố cục

- 2 câu đầu: Giới thiệu chung về làng quê.

- 6 câu tiếp: Cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi đánh cá.

- 8 câu tiếp: Cảnh thuyền cá về bến.

- 4 câu tiếp: Nỗi nhớ làng chài, nhớ quê hương.

5. Giá trị nội dung

Bài thơ đã vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển. Trong đó nổi bật lên hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và cảnh sinh hoạt lao động chài lưới. Qua đó cho thấy thấy tình cảm quê hương trong sáng, tha thiết của nhà thơ.

6.Giá trị nghệ thuật

- Ngôn ngữ bình dị mà gợi cảm, giọng thơ khỏe khoắn hào hùng

- Hình ảnh thơ phong phú, giàu ý nghĩa

- Nhiều phép tu từ được sử dụng đạt hiệu quả nghệ thuật

III. Dàn ý phân tích tác phẩm

1. Giới thiệu về làng quê (2 câu thơ đầu)

- Làm nghề chài lưới “Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”.

- Giới thiệu nghề truyền thống và vị trí địa lí của làng.

 ⇒ Là một làng chài ven biển bình dị, mộc mạc.

2. Cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi đánh cá (6 câu tiếp)

-  Thời tiết thuận lợi, nét vẽ mang màu sắc hứng khởi, cảm xúc lãng mạn tràn ngập, gợi không khí hào hứng trước khi ra khơi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng.
-Vẻ đẹp khỏe mạnh, tràn trề sức sống của người dân lao động.
-  Chiếc thuyền … con tuấn mã: để chỉ khí thế hăng hái, sự mạnh mẽ, kiên cường, vẻ đẹp kiêu hùng của người dân, họ luôn có vẻ hiên ngang, kiêu hãnh, lòng quyết tâm.
- Sử dụng động từ mạnh phăng để thể hiện sức mạnh và tầm vóc của con người trong lao động, trường giang tức là con sông dài, rộng lớn, thế nhưng khi vào thơ của Tế Hanh thì nó lại trở thành bệ phóng cho tầm vóc kỳ vĩ của con người.
- Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng/Rướn thân trắng bao la thâu góp gió:
+ Vẽ mảnh hồn làng, mảnh hồn quê hương bằng cánh buồm trắng, lấy cái trừu tượng đem so với cái hữu hình, cánh buồm theo ngư dân đi đánh cá, nó mang theo nỗi nhớ, nỗi mong chờ tha thiết của những người ở lại, là lời nhắc nhở, gợi nhớ của quê hương.
+ Cánh buồm mang tính biểu tượng, cũng cố gắng góp công góp sức trong công cuộc lao động của người ngư dân qua cách thể hiện tình cảm, sự ủng hộ của quê hương qua hình ảnh cánh buồm rướn thân trắng bao la thâu góp gió.
⇒  Sự đoàn kết trong công cuộc lao động của người dân làng chài, gắn bó với nhau không chỉ trong hoạt động mà còn là trong tâm hồn, đến mức cả một vật vốn vô tri cũng cảm nhận được mà chúng tay góp sức tạo thành quả.

3. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về

* Không khí trở về:

-Cảnh dân làng đón thuyền trở về trong không khí vui mừng náo nhiệt, hạnh phúc trước những thành quả đạt được sau tròn một ngày lao động mệt mỏi cật lực.
-Thể hiện sự ấm no, yên vui trong khung cảnh đông vui ồn ào, tấp nập.
-Truyền thống ân tình, ân nghĩa họ thầm biết ơn mẹ thiên nhiên đã nuôi dưỡng và ban cho những con cá tươi ngon thân bạc trắng, đã lặng lẽ, bao dung tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân được lao động, đánh bắt.

 * Hình ảnh người dân chài:

- Hình tượng người ngư dân đậm phong vị biển cả với vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần lam lũ vất vả trong công cuộc mưu sinh.
- Hình tượng con thuyền được nhân hóa như có giác quan, biết nghe biết cảm nhận vị muối của quê hương thấm dần vào từng thớ vỏ, đang lặng lẽ ngẫm nghĩ về những chuyến khơi xa, những lần vượt muôn trùng sóng biển đầy kỷ niệm gắn bó.

⇒ Bức tranh về một làng chài đầy ắp niềm vui, gợi tả một cuộc sống bình yên, no ấm.
⇒ Có thể thấy rằng Tế Hanh là một nhà thơ rất tinh tế và nhạy cảm, tầm mắt của ông không chỉ dừng ở con người mà nó còn nằm ở cả sự vật ông dành tình cảm yêu thương trân trọng cho con người quê hương, cũng dành ánh mắt thông cảm, thấu hiểu, thậm chí là vẽ lên vẻ đẹp tâm hồn cho từng sự vật.

4. Nỗi nhớ quê hương da diết

- Nỗi nhớ quê hương thiết tha của tác giả được bộc lộ rõ nét:

   + Màu xanh của nước

   + Màu bạc của cá

   + Màu vôi của cánh buồm

   + Hình ảnh con thuyền

   + Mùi mặn mòi của biển

⇒ Những hình ảnh, màu sắc bình dị, thân thuộc và đặc trưng

⇒ Nỗi nhớ quê hương chân thành da diết và sự gắn bó sâu nặng với quê hương

IV. Bài phân tích

Quê hương luôn là đề tài không bao giờ cạn kiệt đối với các thi sĩ. Mỗi người có một cách nhìn, cách cảm nhận riêng, đặc trưng về quê hương của mình. Chúng ta bắt gặp những bài thơ viết về quê hương của Đỗ Trung Quân, Giang Nam, …. Trong đó sự nhẹ nhàng, mộc mạc của bài Quê hương tác giả Tế Hanh khiến người đọc xốn xang khi nhớ về nơi đã chôn rau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mình.

Tế Hanh – một tác giả có mặt trong phong trào Thơ mới và sau cách mạng vẫn tiếp tục sáng tác dồi dào. Bài thơ Quê hương được Tế Hanh viết năm 1939, khi nhà thơ vừa tròn mười tám tuổi, đang học Trung học tại Huế; nỗi nhớ làng chài, quê hương thân yêu ở Bình Dương, Quảng Ngãi đã tỏa rộng và thấm sâu vào bài thơ.

Quê hương là hai tiếng thân thương, được tác giả dùng làm nhan đề của bài thơ. Mở đầu bài thơ bằng sự mộc mạc, chân thành mà sâu sắc:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông

Hai câu thơ như một lời kể tâm tình rất đỗi bình dị nhưng đã khiến người đọc hình dung được mảnh đất mà tác giả đáng sống là một vùng một biển, làm nghề chài lưới. Một ngôi làng giản dị, chân chất. Hình ảnh nước, biển rất đặc trưng cho một vùng quê làng biển. Có lẽ những điều bình dị đó khiến cho tác giả vẫn luôn mong ngóng, nhớ nhung khi xa quê hương.

Những câu thơ tiếp theo là hồi tưởng lại một nét đẹp của quê hương: cảnh làng chài ra khơi đánh cá. Kỷ niệm về quê hương như được lọc qua ánh sáng tâm hồn. Một bình minh đẹp ra khơi có gió nhẹ, có ánh mai hồng, có những chàng trai cường tráng, khỏe mạnh bơi thuyền đánh cá. Cảnh đẹp, sáng trong, giọng thơ nhẹ nhàng thể hiện khung cảnh và niềm vui của làng chài trong buổi xa khơi:

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Một loạt từ ngữ liệt kê khung cảnh, không gian thanh bình, tươi đẹp của cảnh biển vào buổi sáng. Gió nhẹ, sớm mai hồng là những gì còn neo giữ trong lòng của tác giả khi nhớ về quê hương. Và một hoạt động vẫn diễn ra đầu ngày là bơi thuyền đi đánh cá được tác giả vẽ nên rất nhẹ nhàng nhưng khỏe khoắn:

Chiếc thuyền hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

Nếu những câu thơ trên nhẹ nhàng, tinh tế bao nhiêu thì hai câu thơ này càng mạnh mẽ, quyết liệt và khỏe khoắn bấy nhiêu. Với hai động từ hăng, phăng kết hợp với phép so sánh độc đáo khiến cho bức tranh đi đánh cá trở nên giàu chất tạo hình, giàu đường nét. Một loạt hình ảnh ẩn dụ, so sánh nói về con thuyền, mái chèo và cánh buồm. Tác giả ví chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã tạo nên một hình ảnh khỏe khoắn, trẻ trung diễn tả khí thế hăng hái, phấn khởi lên đường. Chữ hăng dùng rất hay, rất đích đáng. Nó liên kết với các từ ngữ: dân trai trángtuấn mã hợp thành tính hệ thông, tạo nên một vẻ đẹp của văn chương. Có người lầm tưởng là chữ băng rồi bình giảng là băng băng lướt sóng. Mái chèo như những lưỡi kiếm khổng lồ chém xuống nước, phăng xuống nước một cách mạnh mẽ, đưa con thuyền vượt trường giang. Sau hình ảnh chiếc thuyền, mái chèo là hình ảnh cánh buồm giương, to như mảnh hồn làng. Giương nghĩa là căng lên để đón gió ra khơi. So sánh cánh buồm to như mảnh hồn làng là hay, đặc sắc. Cánh buồm to biểu tượng cho hình bóng và sức sống quê hương. Nó tượng trưng cho sức mạnh lao động sáng tạo, ước mơ về ấm no, hạnh phúc của quê nhà. Nó còn tiêu biểu cho chí khí và khát vọng chinh phục biển khơi của đoàn trai tráng bơi thuyền đi đánh cá. Câu thơ Rướn thân trắng bao la thâu góp gió là một câu thơ đậm đà ý vị mang cảm hứng lao động và cảm hứng vũ trụ. Ba chữ rướn thân trắng gợi tả một cuộc đời trải qua nhiều mưa nắng, gắng sức quyết tâm lên đường. Cũng có thể hiểu thêm qua câu thơ này là bao nhiêu trìu mến thiêng liêng, bao nhiêu hy vọng mưu sinh của người dân chài đã được gửi gắm vào cánh buồm đầy gió. Dấu chấm lửng ở cuối đoạn thơ tạo cho ta ấn tượng của một không gian mở ra đến vô cùng, vô tận, giữa sóng nước mênh mông, hình ảnh con người trên chiếc tàu nhỏ bé không nhỏ nhoi đơn độc mà ngược lại thể hiện sự chủ động, làm chủ thiên nhiên của chính mình.

Cả đoạn thơ là khung cảnh quê hương và dân chài bơi thuyền ra đánh cá, thể hiện được một nhịp sống hối hả của những con người năng động, là sự phấn khởi, là niềm hi vọng, lạc quan trong ánh mắt từng ngư dân mong đợi một ngày mai làm việc với bao kết quả tốt đẹp:

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ


Khắp dân làng tấp nập đón ghe về


Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe


Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Những tính từ ồn ào, tấp nập toát lên không khí đông vui, hối hả đầy sôi động của cánh buồm đón ghe cá trở về. Người đọc như thực sự được sống trong không khí ấy, được nghe lời cảm tạ chân thành đất trời đã sóng yên, biển lặng để người dân chài trở về an toàn và cá đầy ghe, được nhìn thấy những con cá tươi ngon thân bạc trắng. Tế Hanh không miêu tả công việc đánh bắt cá như thế nào nhưng ta có thể tưởng tượng được đó là những giờ phút lao động không mệt mỏi để đạt được thành quả như mong đợi. Đó là thành quả mà công sức của người dân đạt được. Ta tưởng như ca dao, dân ca đã thấm sâu vào hồn thơ Tế Hanh:

Ơn trời mưa nắng phải thì,

Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.

Nhờ trời hạ kế sang đông

Làm nghề cày cấy, vun trồng tốt tươi….

Những câu thơ tiếp theo nhà thơ miêu tả vẻ đẹp của con người quê hương ông. Họ mang trong mình vẻ đẹp chỉ có người làng chài mới có:

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng, cái nắng của biển khơi, của sóng gió cuộc đời đã tôi rèn và làm nên nét rắn chắc của con người miền biển. Đó là màu nâu của đất đai, của quê hương dung dị, của tâm hồn mộc mạc, của những nhớ và thương vô ngần trong thơ Tế Hanh. Cả thân hình họ đượm vị biển khơi, nồng thở vị xa xăm Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ. Nhà thơ không chỉ thấy con thuyền nằm im trên bến mà còn thấy cả sự mệt mỏi của nó. Cũng như dân chài, con thuyền có vị mặn của nước biển, con thuyền như đang lắng nghe chất muối của đại dương, đang thấm trong từng thớ vỏ của nó. Thuyền trở nên có hồn hơn, nó không còn là một vật vô tri vô giác nữa mà đã trở thành người bạn của ngư dân. Không phải người con làng chài thì không thể viết hay như thế, tinh như thế, và cũng chỉ viết được những câu thơ như vậy khi tâm hồn Tế Hanh hoà vào cảnh vật cả hồn mình để lắng nghe. Ở đó là âm thanh của gió rít nhẹ trong ngày mới, là tiếng sóng vỗ triều lên, là tiếng ồn ào của chợ cá và là những âm thanh lắng đọng trong từng thớ gỗ con thuyền.

Và có lẽ những hình ảnh thân quen nơi làng quê ấy đã khiến cho Tế Hanh dù đi xa nhưng vẫn không thể nào quên, vẫn nhớ quê hương đau đáu:

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh cá bạc chiếc buồm vôi

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá.

Nhà thơ đã lớn lên trên quê hương ấy và ông đã đi xa nơi đó rồi chính vì thế mà lòng nhà thơ luôn tưởng nhớ đến. Đúng vậy Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. Một người con khi đi xa vì sự nghiệp không thể nào nguôi nỗi nhớ quê hương. Nhớ màu nước xanh, nhớ thân cá bạc, nhớ chiếc buồm vôi, nhớ cả cảnh những chiếc thuyền rẽ sóng ra khơi và nhà thơ cảm nhận được cái mùi nồng mặn xa xăm của biển.

Với thể thơ tám chữ, giọng thơ đằm thắm dào dạt, gợi cảm cùng những câu thơ nói về dòng sông, con thuyền, cánh buồm, khoang cá, chàng trai đánh cá, bến quê… và nỗi nhớ của đứa con xa quê rất hay, đậm đà biểu lộ một hồn thơ đẹp. Nghệ thuật phối sắc, sử dụng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, nhân hóa và chuyển đổi cảm giác khá thành công, tạo nên những vần thơ trữ tình chứa chan thi vị. Chất thơ của Tế Hanh bình dị như con người ông, bình dị như những người dân quê ông, khoẻ khoắn và sâu lắng. Từ đó toát lên bức tranh thiên nhiên tươi sáng, thơ mộng và hùng tráng từ đời sống lao động hàng ngày của người dân.

Thật vậy, bài thơ Quê hương của Tế Hanh không chỉ là riêng tình cảm của tác giả dành cho quê hương; mà bài thơ này còn nói hộ rất nhiều tấm lòng khác đang ở xa quê hương. Chúng ta càng trân trọng hơn nữa mảnh đất chân rau cắt rốn, yêu hơn nữa những điều bình dị nhưng thiêng liêng.

V. Một số lời bình về tác phẩm

1. Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thân tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không âm thanh như “mảnh hồn làng” trên “cánh buồm giương”, như tiếng hát của quê hương trên đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy mờ mờ, cái thế giới những tình cảm ta đã âm thầm trao cho cảnh vật, sự mỏi mệt say sưa của con thuyền lúc trở về bến, nỗi khổ đau chất chứa trên toa tàu nặng trĩu, những vui buồn sầu tủi của một con đường.

Nhưng Tế Hanh sở dĩ nhìn đời một cách sâu sắc như thế là vì người sẵn có một tâm hồn tha thiết.

(Hoài Thanh, Hoài Chân)

2. Tế Hanh có một tấm lòng yêu quê hương thật trong trẻo, đằm thắm. Bài thơ “Quê hương” có những hình ảnh tươi sáng, khỏe khoắn về cái làng quê miền biển yêu dấu của nhà thơ, từ “cánh buồm giương to như mảnh hồn làng” đến những dân chài “cả thân hình nồng thở vị xa xăm…” Thơ Tế Hanh ngay ở chặng đầu này đã mang đậm dấu ấn những vui buồn, thăng trầm của quê hương ông.

(Nguyễn Hoành Khung)

Sơ đồ tư duy bài thơ Quê hương - mẫu 2

Sơ đồ tư duy Quê hương

Sơ đồ tư duy bài thơ Quê hương - mẫu 3

Sơ đồ tư duy Quê hương

Sơ đồ tư duy bài thơ Quê hương - mẫu 4

Sơ đồ tư duy Quê hương

Sơ đồ tư duy bài thơ Quê hương - mẫu 5

Sơ đồ tư duy Quê hương

Sơ đồ tư duy bài thơ Quê hương - mẫu 6

Sơ đồ tư duy Quê hương

Xem thêm sơ đồ tư duy của các tác phẩm, văn bản lớp 8 hay, chi tiết khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:


Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học