Sơ đồ tư duy Bài toán dân số (dễ nhớ, ngắn gọn)

Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 8, chúng tôi biên soạn bài viết sơ đồ tư duy bài toán dân số dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, .... Hi vọng qua Sơ đồ tư duy Bài toán dân số sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của văn bản Bài toán dân số.

Sơ đồ tư duy bài toán dân số - mẫu 1

Sơ đồ tư duy Bài toán dân số

I. Tác giả

- Theo Thái An, Báo Giáo dục và Thời đại, chủ nhật, số 28, 1995.

1. Thể loại

Văn bản nhật dụng.

2. Xuất xứ 

- Đây là văn bản nhật dụng được trích trong “Báo giáo dục và thời đại” Chủ nhật, số 28, 1995.

3. Tóm tắt

Bài toán dân số được đặt ra từ thời cổ đại với câu chuyện cổ về việc kén rể của nhà vua thông thái. Bài toán nhà vua đưa ra là từ một hạt thóc thực hiện cấp số nhân trên 64 ô của bàn cờ, số thóc được tính ra đủ mức bao phủ hết bề mặt trái đất này. Theo tính toán và thống kê thực tế, hiện tại dân số đã mon men tới ô thứ 34 của bàn cờ. Tác giả cảnh tỉnh con đường “tồn tại hay không tồn tại” của chính loài người.

4. Bố cục

Bố cục: 3 phần. 

- Phần 1 (từ đầu … sáng mắt ra): Bài toán dân số được đặt ra từ thời cổ đại.

- Phần 2 (tiếp … sang ô thứ 34 của bàn cờ): Tốc độ gia tăng nhanh chóng dân số thế giới.

- Phần 3 (còn lại): Tìm kiếm lời lời giải cho bài toán dân số.

5. Giá trị nội dung

- Từ câu chuyện về một bài toán cổ về cấp số nhân, tác giả đưa ra các con số buộc người đọc phải liên tưởng và suy ngẫm về sự gia tăng dân số đáng lo ngại của thế giới, nhất là ở những nước chậm phát triển.

6. Giá trị nghệ thuật

- Phương pháp thuyết minh, sử dụng và kết hợp các phương pháp so sánh, nêu số liệu, phân tích.

- Lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục.

III. Dàn ý tác phẩm

1. Nêu vấn đề dân số và kế hoạch hoá gia đình. 

- Đưa ra hai giả thuyết về bài toán dân số: được đặt ra từ thời cổ đại hay vài chục năm gần đây.

- Trình bày quan điểm người viết:

+ Lúc đầu: không tin.

+ Sau đó: “sáng mắt ra”.

⇒ Bài toán dân số và kế hoạch hoá gia đình được đặt ra từ thời cổ đại.

⇒ Cách đặt vấn đề bất ngờ, hấp dẫn ⇒ Khẳng định tác giả nhận thức vấn đề rất rõ và sâu sắc.

2. Từ bài toán cổ đến bài toán dân số.

- Bài toán cổ: Số thóc tăng theo cấp số nhân, nhiều vô kể ⇒ Không khó nhưng không thực hiện được.

⇒ Dẫn ra câu chuyện nhằm so sánh với sự gia tăng dân số của loài người.

⇒ Đánh giá: một con số kinh khủng ⇒ Thái độ bất ngờ, lo lắng.

- Đưa ra câu chuyện về dân số: Ban đầu thế giới có hai người, đến 1995 thế giới có 5,63 tỉ người và đạt đến ô thứ 30 trên bàn cờ.

⇒ Thuyết minh bằng số liệu và cách so sánh ⇒ Dân số tăng rất nhanh.

- Đưa ra câu chuyện về khả năng sinh con của người phụ nữ:

+ Tỉ lệ sinh con (tự nhiên) ở các nước châu Phi, châu Á là rất lớn.

+ Châu Phi có tỉ lệ sinh con ở người phụ nữ lớn hơn châu Á.

⇒ Tác giả muốn giải thích sự gia tăng dân số liên quan chặt chẽ và trực tiếp đến tỉ lệ sinh con tự nhiên của người phụ nữ.

⇒ Cái gốc của vấn đề chính là việc kế hoạch hoá gia đình.

3. Lời đề nghị của tác giả.

- Đừng để cho mỗi con người trên trái đất này chỉ còn diện tích một hạt thóc.

- Muốn có đất sống phải sinh hạn chế sự gia tăng dân số.

⇒ Lời đề nghị ngắn gọn nhưng xác đáng: Cảnh báo và kêu gọi mọi người giảm thiểu sự gia tăng dân số.

IV. Bài phân tích

         Quá khứ với hiện tại, hôm qua và hôm nay nằm trong sự phát triển liên tục của thời gian, có sự kế thừa và nâng cấp. Đó là quy luật khách quan để tồn tại của con người. Bởi thế, nếu phủ nhận quá khứ, thì đó là một sai lầm tai hại. Tuy nhiên, chiếc cầu nối giữa hôm nay với hôm qua có hai hình thức: hoặc là những hồn ma (Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, Truyện Kiều của Nguyễn Du...) hoặc là lời tiên tri của các nhà thông thái. Nếu hình thức thứ nhất nặng về nhận thức cảm tính như một ám ảnh mơ hồ thì hình thức thứ hai lí tính hơn, khách quan hơn, nó gần như một quy luật. Bởi thế, cách tiếp nhận nó cũng không giống nhau.

       Ở hình thức thứ nhất, đó là giao tiếp tức thời dưới dạng giấc mơ, còn hình thức thứ hai lại tự con người phát hiện dưới dạng những văn bản ngầm có khi từ những vật vô tri, có khi từ ý nghĩa ngụ ngôn của những câu chuyện kể. Sự trùng hợp ngẫu nhiên từ những vật vô tri hay những câu chuyện kể ấy, phải thông qua những trải nghiệm, hoặc những thao tác tư duy rất hiện đại của con người mới phát hiện ra đó là chân lí vĩnh hằng. Cảm nhận của tác giả bài văn chính là từ góc nhìn không ngờ, bất chợt ấy.

      Tâm trạng nửa tin nửa ngờ ở đây là có thật. Bởi làm sao câu chuyện dân số của hôm nay (vài chục năm nay) lai có liên quan đến một câu chuyện kén rể của hàng "dăm bảy ngàn năm về trước" ? "Tôi không tin...", "ai mà tin"..., một cách nói ngập ngừng khi con người ta đến gần một vầng hào quang trí tuệ. Câu chuyện làm cho tác giả bài văn "sáng mắt ra" không khác câu chuyện ngày xưa Cri-xtốp Cô-lông tìm ra châu Mỹ không phải là không có căn cứ. Chỉ có điều căn cứ ấy không từ những mệnh đề lí thuyết trừu tượng của tư duy. Sự liên tưởng, do vậy thật là lí thú. Lập luận thật bất ngờ và giàu sức thuyết phục, về cơ bản là hai câu chuyện có một cấu trúc vận động giống nhau và kèm theo sau đó là những tư liệu tham khảo để người đọc tự hoàn thành công đoạn cuối cùng: Biến khả năng thành hiện thực. Hiện thực ấy lại là một hậu quả khôn lường.

       Hai câu chuyện song trùng giữa một bài toán cổ và một bài toán hôm nay: vấn đề dân số. Cái dich của hai câu chuyện giống nhau dù hai đề tài khác nhau: hành trình của con người đi tìm hạnh phúc. Ở câu chuyện thứ nhất: để làm rể nhà thông thái, các chàng trai phải có một tiềm lực khổng lồ đủ số thóc rải vào 64 ô trên bàn cờ tướng. Yêu cầu đó tưởng như chẳng có gì là khó, "ai cũng tưởng có gì mà không đủ", nhưng rốt cục, ai cũng ngớ người ra (để rải đủ 64 ô, chàng trai trúng tuyển phải có đủ một lượng thóc phú kín bề mặt trái đất). Đúng là câu đố của một "nhà thông thái" ! Nhưng vấn đề có tính chất toán học kia chẳng có ý nghĩa bao nhiêu nếu nó không liên tưởng đến một bài toán khác, bài toán vể dân số của loài người.

      Bài toán về dân số của loài người vừa giống lại vừa khác câu chuyện kén rể của người xưa. Điểm giống nhau là tốc độ gia tăng của cấp số nhân có công bội là 2, còn sự khác nhau là ở chiều hướng của sự gia tăng ấy, ở câu chuyện thứ nhất: càng tăng nhanh càng tốt, còn ở câu chuyện thứ hai: càng chậm càng hay. Vấn đề là ở chỗ: cả hai cái đích trên đây đều khó. Bài toán vể dân số loài người không dễ hơn việc được làm rể nhà thông thái bởi tính chất lưỡng phân, bởi mâu thuẫn khó dung hoà giữa tốc độ phát triển tự nhiên và ý chí con người kìm nén nó.

    Dường như, do phát triển theo khuynh hướng tự nhiên và đã có kiềm chế, dân số loài người từ một cặp vợ chồng (một chàng A-đam, một nàng Ê-va - theo Kinh Thánh), đến năm 1995 đã lên tới 5,63 tỉ người, nghĩa là đã đạt đến ô thứ 30 trên bàn cờ tướng. Đó là hiểm hoạ. Ây là chưa kể nguy cơ bùng nổ dân số có thể diễn ra bất cứ lúc nào, nhất là với các nước chậm phát triển ở hai khu vực châu Á và châu Phi. Từ 3,7 con đến 2 con cho mỗi cặp vợ chồng Việt Nam là một chỉ tiêu phấn đấu đã "rất khó khăn". Ở các nước châu Phi, từ 5,8 con đến 2 con, khó khăn càng trở nên gấp bội.

     Nếu phần thân bài là những thao tác tư duy tính toán thì phần kết bài vẫn là những số liệu băn khoăn. Đất chật, người đông, tự nó sẽ huỷ diệt. Khi đất dành cho mỗi con người chỉ còn là diện tích một hạt thóc (ô thứ 64 trên bàn cờ tướng), trái đất chác sẽ nổ tung mà ngòi nổ chính là sự gia tăng dân số mà con người không tự kiềm chế được. Đừng để xảy ra thảm hoạ, đó là lời cảnh báo cho cả loài người, không loại trừ một ai. Nó nghiêm khắc và răn đe như một định mệnh.

     Về bản chất, đây là một bài văn nghị luận. Nhưng cách thuyết phục của nó không thiên về lí thuyết, lập luận cũng đơn giản nhẹ nhàng nhưng sức cảm hoá của bài văn lại không nhỏ. Từ những con số khách quan im lặng - có khi từ ngàn năm, lần đầu tiên nó dược đánh thức để nói với chúng ta những điều hộ trọng về sự còn mất của chính chúng ta, vấn đề "tồn tại hay không tồn tại" như bi kịch Ham-lét của Sếch-xpia thời Phục hưng đặt ra trong một hoàn cảnh khác, về một vấn để khác cũng quan trọng không kém về con người và sự sống của con người với quy mô toàn nhân loại.

Sơ đồ tư duy bài toán dân số - mẫu 2

Sơ đồ tư duy Bài toán dân số dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài toán dân số - mẫu 3

Sơ đồ tư duy Bài toán dân số dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài toán dân số - mẫu 4

Sơ đồ tư duy Bài toán dân số dễ nhớ, ngắn gọn

Xem thêm sơ đồ tư duy của các tác phẩm, văn bản lớp 8 hay, chi tiết khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:


Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học