Sơ đồ tư duy Sài Gòn tôi yêu (dễ nhớ, hay nhất)

Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 7, chúng tôi biên soạn bài viết Sơ đồ tư duy Sài Gòn tôi yêu dễ nhớ, hay nhất với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, .... Hi vọng qua Sơ đồ tư duy Sài Gòn tôi yêu sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của bài Sài Gòn tôi yêu.

Sơ đồ tư duy Sài Gòn tôi yêu - mẫu 1

A. Sơ đồ tư duy Sài Gòn tôi yêu

Sơ đồ tư duy Sài Gòn tôi yêu dễ nhớ, hay nhất

B. Tìm hiểu bài Sài Gòn tôi yêu

I. Tác giả

- Minh Hương quê ở Quảng Nam, vào sinh sống ở Sài Gòn từ trước năm 1945.

- Thường viết về các thể loại: bút kí, tùy bút, tạp văn, phóng sự….

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: Tùy bút

2. Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ

- “Sài Gòn tôi yêu” được tác giả Minh Hương sáng tác tháng 12 năm 1990, in trong tập “Nhớ Sài Gòn” (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1994).

3. Bố cục: 3 phần

- Phần 1: (Từ đầu đến… tông chi họ hàng): Ấn tượng chung và tình yêu Sài Gòn của tác giả.

- Phần 2: (Tiếp đó đến… hơn trăm triệu): Cảm nhận và bàn về phong cách sống của người Sài Gòn.

- Phần 3: (Còn lại): Khẳng định tình yêu Sài Gòn của tác giả.

4. Giá trị nội dung

Sài Gòn là thành phố trẻ trung, năng động, có nét hấp dẫn riêng về thiên nhiên và khí hậu. Người Sài Gòn có phong cách cởi mở, bộc trực, chân tình và trọng đạo nghĩa. Bài văn thể hiện tình cảm sâu đậm của tác giả với Sài Gòn qua sự gắn bó lâu bền, am hiểu tường tận và cảm nhận tinh tế.

5. Giá trị nghệ thuật

- Điệp từ, điệp cấu trúc.

- Bài tùy bút dùng nhiều phương thức biểu đạt: miêu tả, tự sự, thuyết minh, biểu cảm, phương thức biểu cảm trực tiếp và gián tiếp.

III. Dàn ý phân tích tác phẩm 

1. Ấn tượng chung và tình yêu Sài Gòn của tác giả

- Thời tiết Sài Gòn đa dạng, dễ thay đổi:

+ Nắng sớm, gió lộng buổi chiều, cơm mưa nhiệt đới ào ào và mau dứt.

+ Thời tiết thay đổi đột ngột: trời đang ui ui buồn bã, bỗng nhiên trong vắt lại như thủy tinh.

⇒ Những nét đặc trưng, riêng biệt độc đáo, hấp dẫn của Sài Gòn.

- Nhịp sống của thành phố Sài Gòn đa dạng, nhộn nhịp:

+ Ban ngày thành phố náo động, dập dìu xe cộ.

+ Buổi sáng tĩnh lặng với không khí mát dịu, thanh sạch, đêm khuya thưa thớt tiếng ồn.

- Tác giả bộc lộ tình yêu tha thiết, nồng nhiệt với thành phố Sài Gòn:

+ Tình yêu sâu sắc, nồng nhiệt, tác giả khẳng định “tôi yêu Sài Gòn da diết” mọi không gian, thời điểm, từ thiên nhiên đến con người.

+ Thể hiện tình yêu trực tiếp và gián tiếp, điệp từ “yêu” được lặp lại 6 lần mở ra không gian, cảnh vật, nét riêng của thành phố.

+ Niềm yêu thương dành cho thành phố trẻ đang trên đà phát triển.

2. Phong cách sống của con người Sài Gòn

- Ăn nói tự nhiên, nhiều lúc hề hà, dễ dãi, phần đông ít dàn dựng, tính toán, bộc trực

- Hình ảnh các cô gái Sài Gòn:

+ Tóc: buông thõng trên lưng hoặc tết bím.

+ Áo bà ba trắng, quần đen rộng.

+ Mang giày bố trắng, xăng đan đa hay guốc vuông trơn.

+ Khỏe khoắn, mạnh dạn, đơn sơ, hồn hậu.

+ Nụ cười tươi tắn và ít nhiều thơ ngây.

- Bất khuất, sẵn sàng vào khó khăn, nguy hiểm và thậm chí hi sinh cả tính mạng trong giai đoạn 1945 – 1975.

- Thái độ và tình cảm của tác giả: qua cách kể, cách tả có thể nhận thấy tình yêu, lòng quý trọng và biết ơn với mảnh đất, với con người Sài Gòn.

3. Khẳng định tình yêu của tác giả đối với Sài Gòn

- Khẳng định tình yêu da diết, dai dẳng của tác giả đối với Sài Gòn.

- Mong ước của tác giả: mọi người đều yêu mến Sài Gòn như tác giả.

IV. Bài phân tích

Nhà văn Minh Hương là một con người luôn tha thiết và gắn bó với Sài Gòn - một thành phố trẻ trung, năng động cùng với con người cởi mở, bộc trực và đầy ắp tình thương. Minh Hương luôn gửi gắm tình cảm của mình vào những tác phẩm trong đó phải kể đến bài “Sài Gòn tôi yêu”.

Mở đầu bài tùy bút tác giả bộc lộ tình yêu nồng cháy của mình với thành phố mang tên Bác. Để thể hiện tình yêu của mình tác giả sử dụng điệp từ “tôi yêu” ở đầu mỗi câu văn được nhắc đi nhắc lại như một khúc ca tình yêu, như để người đọc thể hiện tình yêu sôi sục, rộn rã của nhà văn. Đầu tiên là những cảm nhận hết sức tinh tế của tác giả về Sài Gòn: “Sài Gòn cứ trẻ hoài như một cây tơ đương độ nõn nà, trên đà thay da, đổi thịt, miễn là cư dân ngày nay và cả ngày mai biết cách tưới tiêu, chăm bón, trân trọng giữ gìn cái đô thị ngọc ngà này”. Một sự liên tưởng khá đặc sắc và thú vị, ví mảnh đất Sài Gòn có da có thịt giống như con người. Điệp từ “tôi yêu” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhằm nhấn mạnh tình yêu tha thiết của tác giả dành cho mảnh đất Sài Gòn. Minh Hương yêu tất cả mọi thứ của Sài Gòn. Nơi đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhà văn, dường như hình ảnh của nó đã ăn sâu vào trong kí ức. “Tôi yêu cả đêm khuya thưa thớt tiếng ồn. Tôi yêu phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm. Yêu cả cái tĩnh lặng của buổi sáng tinh sương với làn không khí mát dịu, thanh sạch trên một số đường còn nhiều cây xanh che chở…”. Ở vùng đất này, tác giả không chỉ yêu quý mảnh đất Sài Gòn mà ông còn yêu cả con người đất Nam đôn hậu nhiệt tình, mọi người luôn sống chan hòa với nhau, tấm lòng đẹp và cao cả. Con gái đất Sài Gòn được tác giả miêu tả làm say lòng người với vẻ đẹp rất tự nhiên, dễ thương: tóc buông thõng trên vai, trên lưng, có khi tết bím. Nếu như những cô gái Hà Nội e ấp, đoan trang có chút gì phong kiến thì các cô gái Sài Gòn đẹp ở mái tóc dài đen ánh chiếc nón vải xinh xinh. Dáng đi khỏe khoắn tự tin nhưng vẫn duyên dáng đầy quyến rũ. “Tôi yêu trong nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào, vào buổi chiều lộng gió nhớ thương, dưới những cây mưa nhiệt đới bất ngờ. Tôi yêu thời tiết trái chứng với trời đang ui ui buồn bã bỗng nhiên trong vắt lại như thủy tinh”. Tác giả đã khéo léo sử dụng thành công biện pháp nghệ thuật điệp ngữ “tôi”. Đại từ nhân xưng “tôi” được lặp đi lặp lại, mở đầu mỗi câu văn thể hiện tình yêu nồng cháy của nhà văn Minh Hương đối với Sài Gòn. Đó không phải là một tình yêu mờ nhạt mà một thứ tình cảm đậm sâu cháy bỏng, ông yêu mọi thứ thuộc về mảnh đất Sài Gòn từ những điều nhỏ nhất, từ những thứ đáng yêu đến những thứ khó chịu. Tính từ “da diết” cho ta thấy tình yêu Minh Hương dành cho Sài Gòn to lớn tới nhường nào. Sự quan sát tinh tế của nhà văn được thể hiện rõ trong đoạn văn này. Ông cảm nhận Sài Gòn từ sáng sớm đến đêm khuya. Xuyên suốt một ngày không lúc nào ông ngừng yêu Sài Gòn. Ông yêu cả những lúc giờ cao điểm, đường đầy xe cộ, yêu cả lúc thời tiết thay đổi nhanh, liên tục, yêu không khí, yêu nắng, yêu cả những buổi chiều lộng gió nơi đây. Tất cả vẽ lên một Sài Gòn dưới ngòi bút chan chứa tình yêu sâu thẳm của tác giả.

Tiếp theo đó là những dòng văn tác giả bình luận về con người Sài Gòn. Ông không chỉ yêu mảnh đất này bởi không khí, nắng, gió mà hơn hết đó chính là bởi con người nơi đây. Người bốn phương tứ xứ hội tụ về đây làm ăn. Sài Gòn bao dung như người mẹ dang cánh tay nhân từ đón nhận những đứa con từ mọi phương trời về đây. Những người Sài Gòn có một tâm hồn đẹp, mang những nét riêng, màu sắc riêng, đa phong cách từ mọi nơi. Họ ăn nói tự nhiên, nhiều lúc hề hà, dễ dãi. Phần đông ít dàn dựng, tính toán, người Sài Gòn cũng như phần lớn người lục tỉnh đều rất chân thành, bộc trực. Theo nhà văn Minh Hương phong cách ấy đã được kết tinh, trải nghiệm trong một thời gian dài của cuộc sống, được thử thách trong cam go của lịch sử. Nhắc đến con người Sài Gòn không thể không nhắc tới những cô gái Sài Gòn - những nét chấm phá rực rỡ tô điểm cho nét đẹp của Sài Gòn. Các cô gái mang nét đẹp đơn sơ, đôn hậu, nền nã, lễ phép, duyên dáng, vừa giữ được phong cách truyền thống của dân tộc mà còn mang nét hiện đại. Qua đó thể hiện sự trân trọng, yêu mến của tác giả với những cô gái Sài Gòn nói riêng và con người Sài Gòn nói chung. Chính Minh Hương cũng viết: “Yêu Sài Gòn và yêu cả con người ở đây”. Ông đặt hết trái tim mình vào thành phố mang tên Bác, hòn ngọc Viễn Đông.

Với giọng văn hóm hỉnh, chân thành thể hiện một cách viết độc đáo, sắc sảo, tác phẩm là lời bày tỏ tình cảm của nhà văn dành cho thành phố Sài Gòn. Nơi đây từng là nơi tác giả gắn bó rất lâu dài hơn nửa cuộc đời vì thế tình cảm mà nhà văn dành cho nơi đây giống như tình cảm dành cho quê hương thứ hai của ông vậy!

V. Một số lời bình về tác phẩm

1.

Sài Gòn không có màu cờ in xuống mặt hồ như Hà Nội. Nhưng Sài Gòn có sông Bến Nghé với bến Bạch Đằng lộng gió là một trong những hình ảnh sinh động của thành phố bên sông. Nơi ấy những ngày qua, màu cờ cách mạng bay phần phật trên đỉnh cao của các con tàu mang những tên đẹp và oai hùng của sông nước Việt Nam. Một ngọn cờ in xuống lòng sông Bến Nghé, làm ta chợt nhớ ngày nào Bác Tôn, người cộng sản Việt Nam đầu tiên kéo lá cờ búa liềm trên một con tàu ở biển Hắc Hải...

Cách đây 65 năm, Sài Gòn thay mặt cả nước tiễn đưa Bác Hồ đi tìm đường cứu nước. Thủ đô Hà Nội thay mặt cả nước đón Bác về và tiễn Bác đi xa.

Từ 8 giờ 20 phút, ngày 27 – 6 – 1976, thành phố Sài Gòn – Gia Định lại chính thức được mang tên Bác Hồ, theo quyết định của kì họp Quốc hội lịch sử. Hồ Chí Minh, danh xưng đẹp và cao quí ấy, Quốc hội đã dành cho miền Nam “đi trước về sau”, dành cho Sài Gòn – Gia Định, miền đất đã góp phần làm nên đại thắng trong chiến dịch lịch sử mang tên Người. Từ nay, mỗi chúng ta đều có quyền tự hào về thành phố Sài Gòn lịch sử - Thành phố Hồ Chí Minh của một thời đại mới!

(Theo Trần Thanh Phương, trong Sài Gòn tầng cao Sài Gòn tầng thấp, NXB Thanh niên, Hà Nội. 2000)

Sơ đồ tư duy Sài Gòn tôi yêu - mẫu 2

Sơ đồ tư duy Sài Gòn tôi yêu

Xem thêm sơ đồ tư duy của các tác phẩm, văn bản lớp 7 hay, chi tiết khác:

Lời giải bài tập lớp 7 sách mới:


Giải bài tập lớp 7 sách mới các môn học