5+ Kể lại bài thơ Lượm (điểm cao)

Kể lại nội dung bài thơ Lượm của Tố Hữu gồm dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu hay nhất, ngắn gọn được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 7.

Kể lại bài thơ Lượm – mẫu 1

Chiến tranh đã qua đi từ lâu nhưng mỗi lần nhìn hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ bao nhiêu kí ức về chú bé Lượm lại ùa về trong tôi. Lượm là chú bé đáng yêu, hồn nhiên mà cũng đầy dũng cảm tôi đã tình cờ gặp ở Hà Nội.

Tôi còn nhớ hôm ấy là vào một buổi chiều cuối thu, những năm đó cả nước đang sục sôi chiến đấu chống lại các cuộc tiến đánh của thực dân Pháp. Già trẻ lớn bé không phân biệt tuổi tác mỗi người đều ý thức được trách nhiệm của mình, chiến đấu anh dũng. Tôi đang trên đường đến nơi họp thì bỗng va phải một chú bé cũng đang đi vội vàng theo hướng ngược lại. Cú va đã khiến chú bé ngã và bị xước một ít ở chân. Chú bé nhanh chóng đứng dậy và nói:

   - Xin lỗi chú, cháu đi nhanh quá nên không để ý.

Thật là một chú bé đáng yêu và lễ phép. Tôi đưa đứa trẻ ngồi vào phía góc hè. Hai chú cháu ngồi nói chuyện, hỏi han chú bé tôi được biết chú bé tên Lượm làm nhiệm vụ liên lạc. Đến lúc này tôi mới để ý kĩ: chú bé người nhỏ nhắn, cái trán rộng và đôi mắt sáng, tinh anh thể hiện sự thông minh. Lượm đội chiếc ca lô lệch về một bên trông thật đáng yêu, tinh nghịch, ngộ nghĩnh. Bên sườn là chiếc xắc dùng để đựng các văn kiện giấy tờ. Sau một hồi nói chuyện tôi và Lượm trở nên thân thiết hơn. Chú bé thật hồn nhiên kể về công việc của mình:

   - Cháu làm liên lạc đã được vài năm rồi. Làm liên lạc ở đồn Mang Ca cháu được mọi người yêu quý, cưng chiều, lại được đi nhiều nơi nên thích hơn ở nhà cơ chú ạ.

Rồi cậu nở nụ cười giòn tan, đôi má ửng đỏ như quả bồ quân khiến tôi không thể không quý mến chú bé đáng yêu này. Cứ như vậy tôi cùng Lượm nói chuyện và chia sẻ với nhau rất nhiều điều. Bỗng cả hai chú cháu chợt nhớ ra nhiệm vụ của mình nên tôi và Lượm tạm biệt nhau rồi đi. Lượm như chú chim nhỏ, vết thương mới đó mà đã lành, chú bé nhảy nhót như chim chích, tôi chờ cậu bé khuất hẳn rồi mới vội vàng đến cuộc họp. Bẵng đi một thời gian bận bịu với nhiệm vụ, tôi không còn chú ý nhiều đến tin tức của Lượm nữa. Nhưng hôm ấy vào một buổi chiều khi đang ngồi đọc báo tôi bất ngờ nhận được tin dữ Lượm đã hi sinh. Tin đó như sét đánh ngang tai, tôi không thể và không dám tin vào những điều mà mình vừa nghe.

Tôi được đồng đội kể lại rằng trên đường đi làm nhiệm vụ, trong một trận càn quét lớn của địch, Lượm vẫn anh dũng băng qua quãng đồng vắng vẻ nhằm đem văn kiện kịp thời cho quân ta. Nhưng do một phút sơ sẩy không để ý mà trúng vào vùng địch xả súng nhiều, Lượm đã anh dũng hi sinh. Khi mất, đôi bàn tay nhỏ nhắn của em vẫn năm chắc bông lúa và cái xắc vẫn giữ chặt bên mình. Sự ra đi của Lượm là một mất mát lớn với tôi với tất cả những người yêu quý chú bé.

Cho đến tận bây giờ khi bất chợt nhớ về Lượm tim tôi vẫn nhói đau. Lượm quả là một cậu bé dũng cảm, gan dạ. Sự hi sinh anh dũng của cậu và rất nhiều người như Lượm đã mang lại hòa bình, độc lập cho đất nước. Giá không có những cuộc chiến tranh kia, em đã được sống trong một gia đình yên ấm, được đi học như bao bạn nhỏ khác. Lượm là tấm gương anh dũng để mỗi thế hệ sau răn mình, học tập thật tốt báo đáp thế hệ trước và xây dựng đất nước giàu mạnh.

Dàn ý Kể lại bài thơ Lượm

1. Mở bài: Giới thiệu về câu chuyện mà em chọn kể (Lượm hoặc Đêm nay Bác không ngủ) và xác định ngôi kể (ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba).

2. Thân bài:

a. Kể lần lượt các chi tiết, các sự kiện diễn ra trong câu chuyện:

Ví dụ: Với chuyện Lượm, ta lần lượt kể:

- Chi tiết người chú gặp Lượm.

- Ấn tượng của người chú về hình dáng và tính cách Lượm.

- Chi tiết Lượm đi chuyển thư.

- Lượm hi sinh,...

b. Suy nghĩ của người kể và con người Lượm hoặc về Hồ Chí Minh.

3. Kết bài: Tưởng tượng về kết thúc của câu chuyện (VD: Sau ngày giải phóng, người chú về thăm mộ Lượm.)

Kể lại bài thơ Lượm – mẫu 2

Năm 1946, thực dân Pháp trở mặt xâm lược nước ta một lần nữa. Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, động viên nhân dân quyết hi sinh để bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do chúng ta đã phải đổ bao xương máu mới giành lại được. Từ Hà Nội, tôi trở về quê hương, đúng lúc gặp giặc Pháp tấn công vào Huế. Không khí những ngày đó thật sôi sục. Người dân xứ Huế không phân biệt già trẻ, gái trai, đồng lòng đánh giặc, bảo vệ quê hương.

Đang rảo bước trên đường Hàng Bè, tôi chợt nghe tiếng gọi vô cùng quen thuộc: "Ôi chú Lành! Chú về hồi nào vậy?". Tôi ngẩng lên nhìn. Một chú bé loắt choắt, da sạm nắng, trên đầu là chiếc mũ ca nô đội lệch, trông mới tinh nghịch làm sao. Cháu cười, phô hàm răng trắng đều, sải bước thật nhanh về phía tôi, hai tay dang rộng, chiếc xắc cốt nhún nhảy trên lưng theo nhịp bước.

Ồ! Lượm! Đứa cháu bé bỏng của tôi! Xa cháu chưa lâu mà tôi thấy cháu khác trước nhiều quá! Cháu chững chạc hẳn lên, trông như một anh bộ đội thực thụ. Tôi ôm chặt Lượm vào lòng, vội vã hỏi thăm về những người thân. Cháu vui vẻ khoe:

   - Cháu làm liên lạc. Ở với các chú bộ đội trong đồn Mang Cá, cháu được các chú ấy dạy chữ, dạy hát, dạy bắn súng, dạy cách làm việc... Vui lắm chú à!

Lượm hào hứng kể rồi cười thích thú, mắt sáng ngời, đôi má ứng đỏ như trái bồ quân chín. Tôi cũng vui lây trước niềm vui trẻ thơ, hồn nhiên của Lượm. Cháu giơ tay lên mũ, đứng nghiêm chào tôi: "Thôi, chào đồng chí!" kèm theo nụ cười tinh nghịch. Tôi đứng lặng nhìn theo bóng cháu đang thoăn thoắt nhảy chân sáo trên đường. Tiếng huýt sáo vui vẻ của Lượm vẫn còn văng vẳng bên tai. Tôi rất vui vì Lượm đã trở thành đồng đội của tôi, một đồng đội tí hon.

Ngày tháng trôi qua, hai chú cháu tôi chiến đấu trên hai mặt trận khác nhau. Vào một ngày hè tháng sáu, tôi bàng hoàng khi nhận được tin Lượm đã hi sinh trong một trận tấn công đồn giặc. Giữa lúc cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, Lượm nhận nhiệm vụ chuyển thư thượng khẩn ra mặt trận. Trong lửa đạn mịt mù, cháu lao lên như một mũi tên, không sợ hiểm nguy, quyết trao tận tay người chỉ huy trận đánh lệnh của cấp trên. Một viên đạn thù đã bắn vào cháu. Lượm ngã xuống trên quê hương, giữa đồng lúa thơm mùi sữa lên đòng. Lượm đã hi sinh ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Cháu ra đi mãi mãi, để lại niềm thương cảm khôn nguôi trong lòng tôi...

Mỗi khi nghĩ đến Lượm, trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh một chú bé loắt choắt, vai đeo chiếc xắc cốt đựng tài liệu, đầu đội lệch chiếc mũ ca lô, miệng huýt sáo vang, vừa đi vừa nhảy chân sáo trên con đường chan hòa ánh nắng.

Kể lại bài thơ Lượm – mẫu 3

Gặp gỡ, chia li, vĩnh biệt là những điều thường xuyên diễn ra trong chiến tranh. Cùng với đó nỗi buồn thương, tiếc nuối, đau xót cũng là cảm giác thường thấy. Từ thuở niên thiếu tôi đã tham gia hoạt động cách mạng. Tôi được nghe không ít những câu chuyện, được chứng kiến không biết bao nhiêu tấm gương anh hùng hi sinh vì đất nước. Thế nhưng suốt đời này sẽ không bao giờ tôi quên câu chuyện về Lượm, chú bé giao liên dũng cảm chưa kịp sống trọn tuổi đời thanh xuân đã ngã xuống cho đất nước được đứng lên.

Tôi và Lượm tình cờ gặp nhau trong một lần chú đi làm công tác liên lạc. Tôi còn nhớ những năm tháng ấy, cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong thời kì sục sôi, thực dân Pháp đem quân càn quét khắp nơi trong đó trọng điểm là vùng Thừa Thiên, mảnh đất xứ Huế vốn dịu dàng, mộng mơ nay bị đạn bom kẻ tàn phá đau thương, đổ máu. Tôi vâng lệnh Đảng trở về quê hương cùng đồng bào Thừa Thiên chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trên đường trở về, đi qua Hàng Bè, tôi tình cờ gặp Lượm - chú giao liên nhỏ bé. Ban đầu gặp chú bé tôi vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục. Giao liên là một công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm, chỉ cần một chút bất cẩn cũng có thể hi sinh tính mạng, vì thế nó đòi hỏi sự dũng cảm, gan dạ, nhanh trí. Vậy mà một chú bé mới chừng mười một, mười hai, cái tuổi hồn nhiên, vô tư còn đang tung tăng cắp sách đến trường đã xung phong làm cán bộ giao liên. Tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bản chất anh hùng của người dân xứ Huế đã sớm ăn sâu vào máu thịt của con người nơi đây, trong đó có cả những đứa trẻ còn chưa kịp trưởng thành như Lượm.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh Lượm chú bé giao liên hồn nhiên, vui vẻ trong lần đầu tiên gặp gỡ. Chú bé có dáng người nhỏ bé, loắt choắt nhưng đôi chân của chú thoăn thoắt tỏ rõ sự hoạt bát, nhanh nhẹn. Tôi ấn tượng nhất với sự hồn nhiên, tinh nghịch của chú, cái đầu lúc nào cũng nghênh nghênh cùng chiếc mũ ca nô đội lệch. Nét hồn nhiên đúng với lứa tuổi của cậu bé thật đáng yêu, đáng quý. Đặc biệt, Lượm còn rất hồn nhiên, vui vẻ, lạc quan yêu đời, nụ cười luôn nở trên môi, miệng thì huýt sáo vang cho nên mọi người thường gọi chú là con chim chích nhảy trên đường vàng. Ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ, chú bé đã để lại trong tôi những ấn tượng thật sâu sắc.

Dù rất ấn tượng và quý mến chú bé nhưng do sự khẩn thiết của cuộc chiến, tôi và Lượm không có nhiều thời gian để trò chuyện cùng nhau. Tôi chỉ kịp hỏi cậu bé một câu:

   - Cháu đi liên lạc có sợ nguy hiểm không?

    Chú bé không trực tiếp trả lời câu hỏi của tôi, nhưng câu nói vừa ngây thơ, vừa quả quyết mà chú bé thốt lên khiến tôi vô cùng bất ngờ và cảm động:

   - Dạ thưa chú, cháu đi liên lạc vui lắm chú à, ở đồn mang cá thích hơn ở nhà ạ.

Tôi trân trọng và cảm phục tinh thần kiên cường bất khuất của chú bé. Câu nói tưởng chừng ngây thơ, hồn nhiên nhưng tiếng “vui”, tiếng “thích” được thốt ra kia không đơn giản là niềm vui con trẻ mà nó còn chứa đựng niềm tự hào, niềm hạnh phúc khi được gánh vác trên vai nhiệm vụ cao cả mà tổ quốc giao phó. Nói rồi, chú bé cười híp mí, chào tạm biệt tôi rồi lên đường làm nhiệm vụ.

Lượm để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi ngay từ lần đầu gặp gỡ, tôi luôn mong muốn có một dịp hai chú cháu gặp lại để có thể nói với nhau bao điều còn dang dở. Nhưng tôi không ngờ, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gặp chú bé. Vào một buổi chiều tháng sáu đổ lửa, tôi bỗng nhận được lá thư báo tin Lượm đã hi sinh. Tôi đau đớn, nghẹn ngào, xót xa. Đã từng chứng kiến bao sự hi sinh của anh em, đồng đội tôi nhưng sự ra đi của Lượm khiến tôi buốt lòng, nhức nhối, thư kể lại rằng: Hôm ấy, cũng như bao hôm nào, Lượm được giao nhiệm vụ đi mang đi một bức thư “thượng khẩn”. Cầm bao thư trên tay, chú bé vẫn hồn nhiên, tinh nghịch tung tăng huýt sáo. Mặc cho bom rơi, đạn nổ, cậu bé dũng cảm vẫn thoăn thoắt băng qua mọi nẻo đường mưa bom, mọi mặt trận máu lửa. Đến một cánh đồng quê vắng vẻ, lúa đương thì trổ bông, mọi sự nguy hiểm dường như không còn thì bỗng chốc, một tiếng “đoàng” kinh hãi vang lên, chơp đỏ lóe sáng, một dòng máu tươi đổ xuống. Thôi rồi Lượm ơi, thế là chú đã mãi mãi ra đi. Lượm ngã xuống, tay nắm chặt bông lúa, hương lúa thơm làm mát dịu một linh hồn nhỏ bé mà quả cảm. Hồn chú bay lên tươi mát cùng trời xanh, chú đã ngã xuống cho tổ quốc được đứng lên. Linh hồn của Lượm hòa cùng hồn thiêng của đất nước, chú ra đi, nhưng là đi vào cõi bất tử bởi tuổi trẻ ấy, thanh xuân ấy còn sống mãi cùng thời gian. Cho đến bây giời, nụ cười, ánh mắt, dáng vẻ, và cả tiếng sáo tinh nghịch của chú bé vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi.

Tổ quốc ta luôn tự hào bởi có được những người anh hùng trẻ tuổi như Lượm. Lượm đã viết lên một bản anh hùng ca bất tử cho chính cuộc đời mình khi còn ở tuổi niên thiếu. Tôi đem câu chuyện về Lượm để lan tỏa khắp nơi, truyền cho thế hệ trẻ niềm tin, động lực để bước cho ngày mai.

Kể lại bài thơ Lượm – mẫu 4

"Bỗng loè chớp đỏ,
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ,
 Một dòng máu tươi!"

Giọng đọc của cô sáng nay cứ vang vọng bên tai tôi, đưa tôi chìm vào giấc ngủ...

Tôi đang ở giữa cánh đồng cùng lũ trẻ con gần nhà bà ngoại. Trên tay chúng tôi là những chiếc diều với hình thù ngộ nghĩnh. Bây giờ đang là buổi sáng. Bầu trời hôm nay không xanh trong như mấy hôm trước mà pha chút sắc trắng của những chòm mây bồng bềnh. Nắng rải đầy khắp cánh đồng. Màu nắng với màu lúa chín quyện vào nhau tạo nên sắc vàng rực rỡ của ngày mùa. Đang mải miết chạy theo những cánh diều trên con đường nhỏ hẹp ven ruộng, tôi thấy một chú bé chạc tuổi chúng tôi đang tung tăng trên đường, ngược hướng với chúng tôi. Chú không đi chơi thả diều như chúng tôi. Tôi cũng không thấy chú giống vẻ đi chơi. Chú ta mặc một bộ quần áo như các chiến sĩ vệ quốc tôi từng thấy trong tranh ảnh, đầu đội chiếc mũ ca lô hơi chếch về một bên. Tới gần, tôi mới để ý vẻ mặt vui tươi, hồn nhiên của người bạn đặc biệt này. Một đứa trong nhóm tụi tôi cất tiếng:

- Cậu đi đâu đó?

Cậu bạn dừng chân đáp lời:

- Tớ đi công việc. Còn các cậu?

Tôi bèn nói:

- Nhìn thế này còn hỏi? Bọn tớ đang chơi thả diều.

Chú bé gương mặt nghĩ ngợi rồi mỉm cười:

- Thế à? Vui thế nhỉ?

- Tớ thấy cậu quen lắm! - Tôi liền nói khi trong đầu cứ mang mang mình từng gặp người này ở đâu đó.

- Tớ là Lượm. Tớ thường đi qua cánh đồng này. - Cậu bạn đáp.

"Lượm? Chú bé Lượm mà tôi đã học trên lớp ư? Thật diệu kì!" - Tôi ngạc nhiên nghĩ.

- Thôi! Các cậu chơi vui nhé! Tớ phải đi rồi! - Cậu bạn vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi.

Tôi dõi theo bóng dáng chú Lượm. Đúng là Lượm rồi! Đôi chân chú thoăn thoắt, vừa đi vừa huýt sáo vang. Bóng chiếc mũ ca lo của cậu dần khuất sau đám lúa vàng. Tôi vẫn ngẩn người nhìn theo. Bỗng trên vòm trời xanh xen trắng kia xuất hiện những chiếc máy bay khổng lồ. Như biết trước chuyện gì sẽ xảy đến, tôi chạy lao về phía Lượm, gọi theo mãi nhưng chẳng thấy cậu dừng. Từ trên cao, chiếc máy bay thả bom xuống cánh đồng. Một tiếng nổ dữ dội vang lên. Chiếc mũ ca lô của chú bé Lượm tinh nghịch ban nãy biến mất. Tôi chỉ thấy trên cánh đồng là hình ảnh Lượm đang nằm. Những giọt máu đỏ tươi khẽ chảy trên những lá lúa vàng. Miệng chú vẫn vẻ vui tươi. Tôi cố chạy thật nhanh đến bên cậu. Nhưng chạy mãi, chạy mãi vẫn không tới.

"Ai xôi lạc, bánh khúc đi..." - Tiếng rao lớn dưới lòng đường làm tôi chợt tỉnh giấc. Dưới ánh mờ của chiếc đèn ngủ, tôi liếc nhìn chiếc đồng hồ. 11 giờ đêm! Thì ra tôi vừa nằm mơ. Một giấc mơ diệu kì! Một cuộc gặp thoáng qua nhưng đầy ấn tượng. Hình ảnh Lượm trong bài giảng của cô quả thực ấn tượng mạnh với tôi.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 7 được xem nhiều nhất chọn lọc hay khác:

Lời giải bài tập lớp 7 sách mới:


Giải bài tập lớp 7 sách mới các môn học