Ôn tập cuối học kì 2 - Tiếng Việt lớp 4 Chân trời sáng tạo

Lời giải Tiếng Việt lớp 4 Ôn tập cuối học kì 2 sách Chân trời sáng tạo giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 2.

Đọc: Chiều thu quê em trang 132, 133

1.  Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi:

Bài thơ: Chiều thu quê em

Nắng chiều mỏng manh sợi chỉ 

Chuồn kim khâu lá trong vườn 

Hoa chuối rơi như tàn lửa 

Đất trời được ướp bằng hương

 

Con chim giấu chiều trong cánh 

Để rơi tiếng hót khi nào 

Hoàng hôn say về chạng vạng 

Lục bình líu ríu cầu ao

 

Dòng sông mát lành tuổi nhỏ 

Nước tung toé ướt tiếng cười 

Con bò mải mê gặm cỏ 

Cánh diều ca hát rong chơi

 

Lúa bả vai nhau chạy miết 

Dừa cầm gió lọt kẽ tay 

Mây trốn đâu rồi chẳng biết

Chiều lo đến tím mặt mày!

Không gian lặn vào ngòi bút 

Bé ngồi phác hoạ mùa thu 

Quê hương hiện lên đậm nét 

Buổi chiều rung động tâm tư.

Trương Nam Hương

Câu 1 trang 132 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đọc thành tiếng đoạn từ đầu đến "rong chơi" và trả lời câu hỏi: Những hình ảnh nào gợi tả vẻ đẹp thanh bình của khu vườn?

Trả lời:

Nắng chiều mỏng manh; Chuồn kim khâu lá trong vườn; hoa chuối rơi như tàn lửa

Câu 2 trang 132 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đọc thành tiếng đoạn từ đầu đến "rong chơi" và trả lời câu hỏi: Theo em, hai câu thơ "Dòng sông mát lành tuổi nhỏ/ Nước tung tóe ướt tiếng cười" muốn nói điều gì?

Trả lời:

Hình ảnh dòng sông mát lành luôn gắn liền với những đứa trẻ vui đùa bên sông, vừa cười vừa tát nước tung tóe.

Câu 3 trang 133 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đọc thành tiếng đoạn từ "Dòng sông" đến hết và trả lời câu hỏi: Cảnh vật buổi chiều mùa thu hiện lên như thế nào trong bài thơ?

Trả lời:

Những đứa trẻ vui đùa bên dòng sông; bò mải mê gặm cỏ; cánh diều ca hát rong chơi; lúa đung đưa; dừa trong gió; bầu trời tím.

Câu 4 trang 133 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đọc thành tiếng đoạn từ "Dòng sông" đến hết và trả lời câu hỏi: Theo em, vì sao bé phác họa được đậm nét bức tranh quê hương mùa thu?

Trả lời:

Trong không gian buổi chiều mùa thu đậm nét, bé "rung động tâm tư" với vẻ đẹp của buổi chiều vì vậy đã phác họa được đậm nét bức tranh quê hương mùa thu.

2. Trao đổi với bạn về một hình ảnh so sánh hoặc nhân hóa có trong bài thơ mà em thích.

Trả lời:

Hình ảnh so sánh: Nắng chiều - sợi chỉ; hoa chuối - tàn lửa.

Hình ảnh nhân hóa: Chuồn kim khâu lá trong vườn; con chim giấu chiều trong cánh; hoàng hôn say về chạng vạng; lục bình líu ríu cầu ao; cánh diều ca hát rong chơi; lúa bá vai nhau chạy miết; dừa cầm gió lọt kẽ tay; mây trốn đâu rồi chẳng biết; chiều lo đến tím mặt mày.

Nghe viết: Đất lành chim đậu trang 133

Câu 1 trang 133 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Nghe viết

Đất lành chim đậu

(SGK Tiếng Việt 4 tập 2 chân trời bài Ôn tập cuối năm học)

Trả lời: Học sinh nghe giáo viên đọc và viết bài Đất lành chim đậu.

Câu 2 trang 133 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Viết 3 - 4 câu nói về một hoạt động góp phần xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp trong đó có giới thiệu tên trường.

Trả lời:

Hưởng ứng ngày tết trồng cây, em và các bạn trong lớp 4A trường Lý Thái Tổ đã tham gia buổi trồng cây và lao động vệ sinh trường lớp vào chủ nhật tuần qua. Em được phân công nhiệm vụ trồng một cây xanh ở góc sân trường. Sau khi dùng cuốc, xeng đào một hố nhỏ, em nhẹ nhàng vùi gốc cây vào trong hố. Em rất vui vì đã góp phần giúp sân trường trở nên xanh - sạch - đẹp.

Nói: Cùng bạn tranh luận, bày tỏ ý kiến của em về câu nói: Sức khỏe là vốn quý của con người trang 134

Đề bài trang 134 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Cùng bạn tranh luận, bày tỏ ý kiến của em về câu nói: Sức khỏe là vốn quý của con người.

Tham khảo:

Đồng ý: Con người làm được nhiều việc khi có sức khỏe; Cuộc sống sẽ rất vui vẻ, hạnh phúc nếu mọi người xung quanh ta đều khỏe mạnh; ...

Không đồng ý: Có nhiều thứ quý hơn sức khỏe; Có thể ăn nhiều và tập luyện thể thao để có sức khỏe;...

Luyện từ và câu: Đọc đoạn văn sau và thực hiện yêu cầu trang 134, 135

Câu 1 trang 134 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đọc đoạn văn sau và thực hiện yêu cầu:

Mỗi buổi sáng sớm, tôi thường ra vườn, cảm nhận mùi hương ngai ngái của cây trái. Trong sự tĩnh lặng của ban mai, tôi nghe được cả tiếng lá xào xạc. Nhưng chỉ một lúc sau, giữa những vòm xanh, chim chóc bắt đầu cất tiếng hót líu lo. Nhờ bản hoà ca tuyệt diệu, khu vườn trở nên náo nhiệt hắn lên. Bằng trí tưởng tượng phong phú, tôi có cảm giác mình đang lạc vào trong một khu vườn cổ tích.

Duyên Anh

a. Xác định chủ ngữ, vị ngữ và trạng ngữ trong mỗi câu.

b. Cho biết trạng ngữ trong mỗi câu thuộc loại nào.

Trả lời:

a. 

Mỗi buổi sáng sớm/, tôi / thường ra vườn, cảm nhận mùi hương ngai ngái của cây trái.

          TN                   CN                                    VN

Trong sự tĩnh lặng của ban mai/, tôi / nghe được cả tiếng lá xào xạc. 

                 TN                              CN                   VN

Nhưng chỉ một lúc sau/, giữa những vòm xanh,/ chim chóc/ bắt đầu cất tiếng hót líu lo.

                TN1                              TN2                      CN                       VN

Nhờ bản hoà ca tuyệt diệu,/ khu vườn /trở nên náo nhiệt hắn lên.

              TN                              CN                       VN

Bằng trí tưởng tượng phong phú,/ tôi / có cảm giác mình đang lạc vào trong một khu vườn cổ tích.

             TN                                     CN                                        VN

b.

Mỗi buổi sáng sớm: Trạng ngữ chỉ thời gian

Trong sự tĩnh lặng của ban mai: Trạng ngữ chỉ thời gian

Nhưng chỉ một lúc sau: Trạng ngữ chỉ thời gian

Giữa những vòm xanh: Trạng ngữ chỉ nơi chốn

Nhờ bản hòa ca tuyệt diệu: Trạng ngữ chỉ nguyên nhân

Bằng trí tưởng tượng phong phú: Trạng ngữ chỉ phương tiện

Câu 2 trang 134 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Thay ... trong đoạn văn sau bằng một từ ngữ phù hợp trong khung:

vang lừng, biếc, róc rách, mới, non

Chiền chiện vừa sắm một cây đàn ... . Nó bay lên cao dạo một bản nhạc ... báo hiệu mùa xuân đã đến. Những mầm non nghe tiếng nhạc của chiền chiện đứng dậy. Suối ... chảy. Cùng với chiền chiện, tiếng hát của sáo sậu vang lên trong suốt: 

Mùa xuân! Mầm...! Chồi...!

Theo Võ Quảng 

Trả lời:

Chiền chiện vừa sắm một cây đàn mới . Nó bay lên cao dạo một bản nhạc vang lừng báo hiệu mùa xuân đã đến. Những mầm non nghe tiếng nhạc của chiền chiện đứng dậy. Suối róc rách chảy. Cùng với chiền chiện, tiếng hát của sáo sậu vang lên trong suốt: 

Mùa xuân! Mầm non! Chồi biếc!

Câu 3 trang 135 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Viết đoạn văn ngắn nêu lí do em thích một bài đọc đã học ở lớp Bốn, trong đoạn văn:

a. Có sử dụng dấu ngoặc kép.

b. Có ít nhất một câu sử dụng trạng ngữ.

Trả lời:

Trong số các bài đọc đã được học ở lớp bốn, em thích nhất là bài đọc "Thành phố nối hai châu lục". Bằng cách kể chuyện vô cùng hấp dẫn, tác giả đã cho em thấy nét đẹp vô cùng độc đáo ở I-xtan-bun. Đó là nét đẹp hòa quyện giữa cổ kính và hiện đại, giữa, náo nhiệt và trầm lặng, giữa châu Á và châu Âu. Hình ảnh đường phố I-xtan-bun cũng được hiện lên với những thánh đường lừng lững, cung điện tráng lệ, trung tâm mua sắm tấp nập. Bên cạnh đó, hình ảnh con người cũng không kém phần thú vị như các nghệ sĩ đường phố với đủ thể loại nhạc cụ. Bài đọc đã dẫn em đi du lịch tại một thành phố thật tuyệt vời.

Viết: Trong thế giới loài vật có nhiều loài rất thông minh trang 135

Đề bài trang 135 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Trong thế giới loài vật có nhiều loài rất thông minh: chó biết giữ nhà, cá heo biết làm xiếc, bồ câu biết đưa thư,... Viết bài văn tả một con vật hoặc loài vật thông minh mà em biết

Trả lời:

Cuối tuần vừa rồi, em được mẹ dẫn đi tham quan sở thú. Ở đó có nhiều con vật đáng yêu và thân thiện. Nhưng em ấn tượng nhất là chú cá heo với khả năng làm xiếc vô cùng điêu luyện.

Chú cá heo ấy là một con cá heo đực trưởng thành với dáng vẻ khá to lớn, đặc biệt là khi ở cạnh người huấn luyện của mình. Theo giới thiệu, thì chú ta dài đến hơn 3m và nặng hơn 100kg. Toàn thân chú cá là một lớp da trơn bóng màu xám lạnh như xi măng. Hay vây trước và vây trên lưng chú có hình như cái mái chèo nhỏ. Đặc biệt, bộ phận này không phải là chiếc vây như những chú cả ở ao hồ, mà cũng là một bộ phận cơ thể có da thịt bao quanh. Đầu chú cá heo khá thon dài, với cái dô hơi bướng. Hai con mắt đen và tròn xoe như hai viên trân châu, lúc nào cũng long lanh đáng yêu vô cùng. Mõm của cá heo khá dài, chừng một gang tay với hàm răng sắc nhọn nằm đều ở hai hàm. Đó là một trong các đặc điểm ngoại hình rõ nét nhất cho biết đây là loài thú ăn thịt. Cá heo sẽ ăn các loại cá và mực ở trong biển có kích thước nhỏ hơn nó. Chính hàm răng đó giúp cá heo dễ dàng nhai các loại thức ăn được thưởng cho sau khi biểu diễn một cách nhanh chóng, Từ phần ngực cá heo, cơ thể chú thon dần về đuôi như giọt nước. Cùng với hai chiếc vây ở trước, chiếc đuôi cũng có vai trò như mái chèo giúp cá heo bơi nhanh như lướt trong nước vậy.

Cá heo là một loài rất thông minh và thân thiện với con người. Do đó, không khó để huấn luyện chúng biểu diễn xiếc trong các sở thú. Theo hiệu lệnh của huấn luyện viên, chú cá heo bật nhảy lên khỏi mặt nước đề chào các khán giả của mình. Sau đó nó lần lượt biểu diễn tiết mục nhảy qua vòng tròn, rồi dùng mũi đỡ bóng. Chú còn có thể bật nhảy lên rất cao để đón chú cá nhỏ được tung lên. Kĩ năng bơi lội và bật nhảy theo hiệu lệnh của chú cá heo khiến mọi người phải trầm trồ. Mỗi lần thực hiện thành công một nhiệm vụ, chú sẽ liền bơi về sát huấn luyện viên để vòi quà. Em thích nhất là dáng vẻ chú ta ngại ngùng, lấy hai vây che mặt tỏ vẻ xấu hổ khi được mọi người khen ngợi. Khi được lại gần và cho chú cá heo ăn cá. Em đã rất thích thú khi được vuốt ve phần trán dô của chú. Lúc sắp được ăn, chú ngoan ngoãn há to miệng để em thả cá vào. Chờ em rút tay lại và được hướng dẫn viên vỗ lên vây, chú mới khép miệng lại để nhai. Thật là thông minh.

Em yêu thích chú cá heo lắm. Vì chú vừa thông minh lại đáng yêu và thân thiện với mọi người. Em mong rằng chú sẽ luôn khỏe mạnh và được nhiều người yêu mến như lúc này.

Xem thêm lời giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 4 hay khác: