5+ Tìm hiểu và giới thiệu về một lễ hội ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Tìm hiểu và giới thiệu về một lễ hội ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Tìm hiểu và giới thiệu về một lễ hội ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ - mẫu 1

Là dân tộc có truyền thống văn hóa phong phú với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang đậm bản sắc tộc người, trong đó Lễ hội Gầu tào là một trong những nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông rất cần được giữ gìn và phát huy. Đây là Lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông. “Gầu Tào” tiếng Mông nghĩa là “chơi ngoài trời” hay "Hội chơi đồi hay hội, chơi núi mùa xuân". Lễ hội thường được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 4 Tết Âm lịch, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội Gầu Tào gồm có phần Lễ và phần Hội. Để bắt đầu lễ hội Gầu Tào, đầu tiên là phải chọn được ngày đẹp, đốn một cây nêu về dựng ở bãi đất trống. Thường thì sẽ dựng trước khoảng một tuần để báo cho bà con biết địa điểm sẽ tổ chức lễ hội. Khi tổ chức lễ hội thứ nhất phải chọn được người đứng ra tổ chức. Tiếp theo phải chọn được cây nêu với tiêu chuẩn không bị cụt ngọn, khi chặt phải đổ về hướng mặt trời mọc, có độ dài khoảng 7 mét, sau đó treo đèn thật đẹp để bà con biết nơi tổ chức Hội. Trước khi dựng cây nêu, phải nhờ già làng trưởng bản đến cúng, chuẩn bị gà, rượu để cúng cảm tạ trời đất, sau đó buộc lên ngọn cây nêu một chai rượu hoặc nước, một bó lúa hoặc ngô tượng chưng cho sự sung túc, một tấm vải đỏ tượng chưng cho sự may mắn và bắt đầu dựng cây nêu. Sau khi cúng và dựng xong cây nêu là đến phần Hội. Các thanh niên trai tráng trong bản sẽ cùng nhau thi leo lên cây nêu này, ai leo giỏi lấy được chai rượu, bó lúa và tấm vải đỏ buộc trên ngọn cây nêu nghĩa là hái được lộc trời cho cả năm mạnh khoẻ, sung túc. Chính vì thế, tất cả thanh niên trong các bản Mông đều rất háo hức tham gia hoạt động này.

Tìm hiểu và giới thiệu về một lễ hội ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ - mẫu 2

Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên không chỉ được biết đến là mảnh đất ghi dấu chiến thắng lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà còn được mệnh danh là xứ sở của hoa ban – loài hoa sinh ra từ tình yêu, là biểu tượng của núi rừng và con người Tây Bắc. Lễ hội hoa ban được tổ chức vào tháng 3 tại Điện Biên chính là dịp để tôn vinh vẻ đẹp cũng như giá trị của loài hoa này trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Tây Bắc.

Sự tích về hoa ban gắn liền với chuyện tình bi thương nhưng sâu nặng trong câu chuyện cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Chuyện kể rằng: Thuở xa xưa, có một người con gái Thái xinh đẹp tên là Ban, đem lòng yêu chàng trai nghèo cùng bản nhưng bị cha mẹ cấm cản và ép gả cho con nhà tạo mường giàu có. Buồn bã và đau khổ, nàng chạy vào rừng tìm người yêu nhưng gọi khản cả tiếng mà không thấy bóng dáng chàng đâu. Sau khi vượt qua một dãy núi cao, nàng đã kiệt sức và ngã gục bên một tảng đá. Nơi nàng nằm xuống mọc lên một cây hoa có búp trắng muốt như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu sau, loài hoa ấy đã mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban. Từ bao đời nay, hoa ban đã đi vào đời sống văn hóa – tâm linh của nhân dân vùng Tây Bắc.

Lễ hội hoa ban chứa đựng những nét đẹp văn hóa tâm linh đặc trưng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với các nghi thức thỉnh bái “Then” – vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái “nàng Ban” – một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thuỷ chung; thỉnh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông… phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và phù hộ cho cuộc sống của dân bản luôn đầm ấm, yên vui.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 4 hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 4 hay khác: