Sang thu - Ngữ văn lớp 9

Tải xuống

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Ngữ văn lớp 9, VietJack biên soạn tài liệu tác giả, tác phẩm Sang thu trình bày đầy đủ, chi tiết về bố cục, tóm tắt, dàn ý, đôi nét về tác giả, thể loại, dàn ý đọc hiểu văn bản, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích mẫu về tác phẩm. Hi vọng qua loạt bài này sẽ giúp bạn dễ dàng soạn bài Sang thu.

Bài giảng: Sang thu - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

A. Nội dung tác phẩm

Đất trời từ cuối hạ sang thu có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt. Nhà thơ đã cảm nhận hình ảnh mùa thu bằng sự cảm nhận tinh tế, qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm.

B. Đôi nét về tác phẩm

1. Tác giả

- Hữu Thỉnh tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm: 1942

- Quê: Tam Dương - Vĩnh Phúc.

- Năm 1963 ông nhập ngũ và bắt đầu sáng tác thơ.

- Ông tham gia Ban chấp hành hội nhà văn khóa III, IV, V.

- Từ năm 2000 là Tổng thư kí Hội Nhà văn VN.

- Từ năm 2005 ông là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

- Năm 2010, ông là Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

2. Tác phẩm

a, Hoàn cảnh sáng tác

- Bài thơ được sáng tác năm 1977 - hai năm sau ngày đất nước hòa bình, in trong tập “Từ chiến hào đến thành phố”.

b. Thể thơ: năm chữ

c. Phương thức biểu đạt

- Biểu cảm, miêu tả.

d. Bố cục

3 phần:

- Tín hiệu giao mùa (khổ 1).

- Sự chuyển biến của đất trời vào thu (khổ 2).

- Suy ngẫm và triết lí (khổ 3).

e. Ý nghĩa nhan đề

- “Sang thu” là một nhan đề lãng mạn, giàu sức gợi. Là “Sang thu” chứ không phải “Thu sang”. Dường như ngay từ nhan đề tác giả đã muốn nhấn mạnh sự chuyển biến: đất trời sang thu, đời người cũng sang thu.

+ Với nhan đề “Sang thu”, tác giả Hữu Thỉnh đã ghi lại bước đi rất khẽ của thời gian, ghi lại những chuyển biến của đất trời trong khoảnh khắc giao mùa cuối hạ đầu thu. Từ đó ta còn cảm nhận về một tâm hồn yêu thiên nhiên, một hồn thơ rất đỗi nhạy cảm, tinh tế của Hữu Thỉnh.

+ Nhan đề còn gửi gắm những suy tư, triết lí của tác giả về con người khi bước vào tuổi trung niên - mùa thu của cuộc đời.

g. Giá trị nội dung

- Bài thơ ghi lại bước đi rất nhẹ, rất khẽ của thời gian trong khoảnh khắc giao mùa và Hữu Thỉnh cũng khéo léo gửi gắm những suy tư về con người, cuộc đời sau mỗi vần thơ.

h. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ năm chữ.

- Nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca.

- Nhiều hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm với những so sánh và ẩn dụ sáng tạo.

C. Đọc hiểu văn bản

1. Tín hiệu giao mùa (khổ 1)

- Trong khổ thơ đầu trong bài “Sang thu”, tác giả Hữu Thỉnh đã ghi lại những cảm nhận tinh tế, tín hiệu thu sang nơi làng quê ngõ xóm:

- “Bỗng” là giây phút bất chợt bắt gặp mà không hẹn trước, nhà thơ “bỗng’ nhận ra những đặc trưng rất riêng của mùa thu: “Bỗng nhận ra hương ổi / Phả vào trong gió se / Sương chùng chình qua ngõ”. Hương ổi, gió se và hạt sương sớm là những tín hiệu báo thu sang.

+ Đó là “hương ổi” chín thơm, một hương vị đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ, hương thơm phưng phức lan tỏa trong không gian.

+ Đó còn là ngọn “gió se” mang theo hơi lạnh man mác của mùa thu, xua tan đi cái nắng hè oi bức, ngột ngạt. Từ “phả” được dùng rất hay, dường như gió đưa hương đâu đây khiến hương ổi thêm nồng nàn phả vào đất trời và hồn người Gợi được cái hương thơm dìu dịu, nhè nhẹ vương vấn, hẳn Hữu Thỉnh phải có một cái tình quê nồng nàn lắm!

+ Khoảnh khắc cuối hạ sang thu còn được nhận ra bởi làn sương sớm: “Sương chùng chình qua ngõ”. Hạt sương thu nhỏ li ti giăng mắc trên cành cây, kẽ lá trên ngõ xóm đường thôn. Phép nhân hóa trong từ láy tượng hình “chùng chình” khiến ta cảm nhận sương thu như cố ý chậm lại, quấn quýt, vấn vương.

- Khoảnh khắc giao mùa vốn mơ hồ, khó nắm bắt. Từ “hình như” chỉ cảm giác mong manh chưa rõ ràng, vừa gợi ra cái bâng khuâng, ngỡ ngàng trước sự giao thoa của tạo vật. Giống như là một sự hoài nghi, nhưng thực ra là một lời thông báo rất nhẹ nhàng, ý vị.

- Hữu Thỉnh đã mở rộng mọi giác quan để cảm nhận khoảnh khắc giao mùa thật nhanh, thật nhẹ nhàng của thiên nhiên.

- Phải chăng đó chính là sự tinh tế của một tâm hồn nghệ sĩ với lòng yêu thiên nhiên, yêu cảnh sắc chốn làng quê Bắc bộ?

2. Sự chuyển biến của đất trời vào thu (khổ 2)

- Khổ thứ hai trong bài Sang thu, tác giả Hữu Thỉnh đã ghi lại những chuyển biến của đất trời sang thu trong không gian dài, rộng.

- Ta nhận ra sự vận động tương phản qua ý thơ: “Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã”

+ Đã qua rồi mùa hạ cuồn cuộn bão dông, sang thu, dòng sông “được lúc dềnh dàng” trở lại vẻ êm đềm, hiền hòa như vốn có. Trái lại, những cánh chim “bắt đầu vội vã” bay về phương nam tránh rét khi cảm nhận được làn gió se se lành lạnh. Phép nhân hóa cùng với từ láy “dềnh dàng” ,“vội vã” đã thổi hồn cho cảnh vật, diễn tả sinh động sự chuyển biến của vạn vật. 

+ Hữu Thỉnh cũng vô cùng tinh tế khi diễn tả trạng thái của vạn vật qua từ ngữ “được lúc” và “bắt đầu”.   Phải chăng “được lúc” là thời điểm mà dòng sông như chờ đợi sẵn, còn “bắt đầu” lại diễn tả trạng thái không đợi trước của những cánh chim trời?

=> Bức tranh thu không còn mong manh, mơ hồ bởi những tín hiệu nữa, mà nó ngày càng trở nên rõ nét, sinh động.

- Đặc biệt ấn tượng trong bức tranh thu là hình ảnh thơ: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Bằng nghệ thuật nhân hóa, ta có liên tưởng thú vị: đám mây mỏng như một dải lụa mềm mại vắt ngang trên bầu trời. Những ngày cuối và đầu thu dường như có ranh giới rất rõ rệt. Đám mây “vắt nửa mình” sang thu bởi còn vương vấn cái nắng ấm của mùa hạ, nửa như còn muốn ở lại mùa hạ, nửa đã chạm cửa ngõ mùa thu.

- Không gian từ hạ sang thu cũng có chuyển biến rõ rệt nhưng cũng không dễ gì nắm bắt. Đọc những vần thơ ấy ta mới thấy hết được ở tác giả chút suy tư trầm lắng trước không gian đất trời và một cảm xúc say sưa, tâm hồn giao cảm tinh tế với thiên nhiên.

3. Suy ngẫm và triết lí (khổ 3)

Trong khổ cuối bài thơ “Sang thu”, nhà thơ Hữu Thỉnh đã cảm nhận tiết trời sang thu bằng những suy tư, tâm tưởng của mình. 

- Vẫn là những thi liệu của mùa hạ: nắng, mưa, sấm nhưng tất cả không còn gay gắt mà dường như dịu êm hơn: “Vẫn còn bao nhiêu nắng / Đã vơi dần cơn mưa”

+ “Vẫn còn”, “vơi dần” là những từ chỉ mức độ giảm dần. Dường như nắng cuối hạ vẫn còn nhưng đã nhạt dần bởi gió se đã đến; những cơn mưa mùa hạ cũng vơi dần, không còn ào ạt như trước, khoảnh khắc mùa thu trở nên đậm nét hơn.

- Bằng tâm hồn nhạy cảm tinh tế yêu thiên nhiên, tác giả Hữu Thỉnh đã nhận ra vẻ thư thái, chầm chậm, không vội vã, không hối hả trong cảnh vật.

- Giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể, tả, là sự cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ chiêm nghiệm. Từ mùa thu của đất trời, tác giả nghĩ đến mùa thu của cuộc đời.

- “Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi” - hai câu thơ vừa mang nghĩa tả thực vừa mang nghĩa ẩn dụ gợi lên nhiều liên tưởng, suy ngẫm.

+ Sang thu, sấm thưa và nhỏ dần, không đủ sức lay động hàng cây đã qua bao mùa thay lá.

+ Không chỉ thế, hai câu thơ còn gửi gắm triết lý về con người, cuộc đời. “Sấm” ẩn dụ những vang động, tác động bất ngờ của ngoại cảnh; “hàng cây đứng tuổi” ẩn dụ cho con người từng trải vượt qua khó khăn của cuộc đời. Không còn là tuổi trẻ với những dại dột, những khát khao bỏng cháy; bước vào mùa thu của cuộc đời con người trầm tư, chín chắn hơn và không còn quá bất ngờ trước những biến cố cuộc đời. Đó cũng chính là tâm sự, là suy tư sâu lắng mà nhà thơ muốn gửi gắm.

- Đất trời sang thu khiến lòng người cũng bâng khuâng gợi bao suy nghĩ về đời người lúc sang thu. Thơ Hữu Thỉnh là vậy, một hồn thơ tinh tế và giàu triết lí, suy tư.

D. Sơ đồ tư duy

SANG THU

E. Bài văn phân tích

Hữu Thỉnh là thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, thơ ông thường chứa đựng cảm xúc tha thiết, chân thành và rất giàu chất suy tư, triết lý. Sang thu cũng là một tác phẩm như vậy. Bài thơ được khơi nguồn cảm xúc từ khoảnh khắc giao mùa nhưng đằng sau đó còn là cảm xúc của tác giả về đời người lúc sang thu.

Tính chất suy tư, triết lí trong thơ Hữu Thỉnh được thể hiện ngay từ nhan đề bài thơ. Sang thu không chỉ là khoảnh khắc giao mùa của đất trời khi hè đã qua và mùa thu đang cựa mình đi tới. Mà sang thu còn ẩn dụ về cuộc đời con người. Đây là thời điểm con người đã sang thu, đã trải qua biết bao sóng gió, bởi vậy cũng trở nên vững vàng hơn trước mọi cơn giông bão của cuộc đời.

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Tín hiệu đầu tiên mà tác giả cảm nhận được chính là hương ổi, một mùi hương thật dung dị, đậm chất thôn quê. Hương ổi thật chủ động, tự nhiên “phả vào trong gió se”. Với động từ “phả” tác giả đã miêu tả được hương thơm đậm đà như sánh lại, quyện lại và ùa vào gió se đầu thu. Sau sự cảm nhận về thính giác, tác giả tiếp tục cảm nhận mùa thu bằng thị giác với những đám sương chùng chình đi qua ngõ. Nghệ thuật nhân hóa cùng từ láy “chùng chình” đã làm cho làn sương trở nên sinh động, có hồn. Câu thơ như gợi ra trước mắt người đọc hình ảnh những hạt sương li ti, bé nhỏ, giăng mắc với nhau tạo thành màn sương mỏng nhẹ. Dáng đi của nó cũng thật chậm rãi, thong thả trước cửa ngưỡng mùa thu, như còn đang lưu luyến, bịn rịn với mùa hè.

Trong giờ phút giao mùa ấy, lòng nhà thơ như đắm chìm vào không gian bàng bạc chất thu. Đó là cảm giác bất ngờ khi gặp tín hiệu thu về “bỗng” – là sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng, một niềm vui, một thoáng xúc động trước những khoảnh khắc thu thật thu, con người thoát khỏi bộn bề cuộc sống để hòa mình vào thiên nhiên. Và tiếp đến là những mong manh cảm xúc, một chút bối rối tự hỏi mình “hình như”. Tình thái từ thể hiện rõ sự bâng khuâng, xao xuyến trong lòng thi nhân khi nhận ra những tín hiệu mùa thu. Hữu Thỉnh quả là người có giác quan vô cùng nhạy cảm thì ông mới có những cảm nhận tinh tế đến vậy về phút giao mùa.

Sang đến khổ thơ thứ hai, bức tranh mùa thu đã có những chuyển biến rõ ràng, đậm nét hơn:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Từ không gian ngõ vườn nhỏ bé, Hữu Thỉnh vươn ngòi bút của mình đến không gian rộng lớn hơn, không gian bầu trời, sông nước. Dòng sông hiền hòa, thong thả chảy không còn cuồn cuộn, đỏ ngầu như những ngày nước lũ mùa hè. Đối lập với hình ảnh dòng sông là hình ảnh những cánh chim vội vã. Dường như những cơn gió se lạnh đã đâu đó len lỏi trong không gian bởi vậy những loài chim phải vội vã bay về phương nam tránh rét. Cách ông dùng từ cũng hết sức tinh tế: “bắt đầu”, chỉ mới là bắt đầu chứ chưa hẳn là vội vã bởi thu cũng chỉ mới chớm sang thôi. Mọi sự vật hiện tượng chuyển động thật thong thả, khẽ khàng bởi vậy chỉ có những tâm hồn tinh tế mới nhận thấy được.

Hai câu thơ sau là một điểm nhấn, tạo nên sự độc đáo cho bức tranh mùa thu: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Đây là trường liên tưởng hết sức mới mẻ, độc đáo, gợi ra khung cảnh một làn mây mỏng nhẹ, đang uyển chuyển cựa mình chuyển bước sang thu. Đồng thời cũng có thấy tâm trạng lưu luyến, bịn rịn của đám mây: nửa lưu luyến mùa hạ, nửa háo hức nghiêng mình hẳn sang thu. Ở đoạn này tác giả tỏ ra hết sức tài tình khi mượn cái hữu hình của đám mây để gợi ra cái vô hình của không gian, ranh giới giao mùa. Thể hiện trường liên tưởng thú vị này không chỉ là cảm nhận bằng thị giác mà còn được cảm nhận chính bằng tâm hồn tinh tế nhạy cảm và lòng yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ.

Bức tranh mùa thu dường như được hoàn chỉnh, rõ nét hơn qua hai câu thơ tiếp theo: “Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa”. Mùa thu hiện ra rõ nét hơn qua sự thay đổi của các hiện tượng thiên nhiên: mưa, sấm – vốn là những dấu hiệu đặc trưng của mùa hạ, nay cũng “vơi dần”, “bớt bất ngờ”, mùa thu ngày một đậm nét hơn. Sau những cảm nhận ấy, lắng lại là những suy tư chiêm nghiệm của tác giả về con người về cuộc đời:

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

Câu thơ trước hết mang ý nghĩa tả thực: sang thu những cơn mưa lớn kèm sấm đã vơi dần, bớt dần, đồng thời trải qua một mùa hè đầy giông bão những hàng cây đã không còn giật mình bởi những tiếng sấm mùa hạ nữa. Nhưng bên cạnh đó, câu thơ còn mang ý nghĩa biểu tượng: “sấm” là những vang động, những biến cố mà con người đã trải qua trong cuộc đời; “hàng cây đứng tuổi” là những con người trưởng thành đã từng trải qua bao thăng trầm, biến cố. Từ ý nghĩa đó nhà thơ gửi gắm suy tư, chiêm nghiệm của mình: khi con người đã trải qua những giông bão của cuộc đời sẽ bình tĩnh hơn trước những bất thường, những tác động của ngoại cảnh. Câu thơ chất chứa biết bao suy tư, chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời, về con người.

Hữu Thỉnh sử dụng thể thơ năm chữ tài hoa, giàu nhịp điệu. Bài thơ có nhịp điệu chậm, nhẹ nhàng, sâu lắng như chính bước đi chậm rãi của thời gian trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu. Lớp ngôn từ giản dị, giàu giá trị tạo hình: phả, vắt, chùng chình, dềnh dàng, vội vã, … diễn tả tinh tế những dấu hiệu mùa thu. Ngoài ra ông còn có những trường liên tưởng bất ngờ, độc đáo làm tứ thơ sinh động, hấp dẫn hơn. Hình ảnh thơ có chọn lọc, đặc sắc mang nét đặc trưng của thời tiết lúc giao mùa: hạ – thu.

Tác phẩm đã đem đến cho thi ca Việt Nam một bức tranh phong cảnh sang thu thật đặc biệt, ý nghĩa. Đồng thời qua bài thơ ta còn thấy được những cảm nhận tinh tế của tác giả trong việc tái hiện khoảnh khắc chuyển mùa từ hạ sang thu với sự giao thoa của nhiều lớp nghĩa: đất trời khi sang thu, đời sống sang thu và đời người sang thu.

Tải xuống

Xem thêm các bài soạn về tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 9 đầy đủ, chi tiết hay khác:

Xem thêm các loạt bài Để học tốt Ngữ văn 9 hay khác:


Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học