Kiến thức trọng tâm tác giả tác phẩm Ngữ văn 7 đầy đủ

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức các tác phẩm Ngữ văn lớp 7, VietJack biên soạn bản tổng hợp kiến thức trọng tâm tác giả tác phẩm Ngữ văn 7 đầy đủ về nội dung tác phẩm, đôi nét về tác giả, bố cục, tóm tắt, dàn ý, sơ đồ tư duy, ...

Tác giả - Tác phẩm: Cổng trường mở ra

A. Nội dung tác phẩm

Văn bản ghi lại tâm trạng đầy cảm xúc của người mẹ trong đêm chuẩn bị cho con trước ngày khai trường vào lớp Một. Trái ngược với cảm xúc của người con đầy háo hức, mong chờ thì người mẹ lại trằn trọc không ngủ được, vừa nghĩ đến tâm trạng của con lại vừa sống lại tuổi thơ đến trường của bản thân. Đó cũng là tình cảm, niềm tin và khát vọng của người mẹ đối với tương lai của đứa con. “Cổng trường mở ra” còn là một câu chuyện về chính ngày đầu tiên đi học của mẹ trong kí ức, cùng với đó là sự đề cao vai trò của trường học trong sự nghiệp giáo dục.

B. Đôi nét về tác phẩm

1. Tác giả

- Lý Lan sinh năm 1957 quê ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tám năm đầu đời Lý Lan sống ở quê mẹ, sau khi mẹ mất thì gia đình về Chợ Lớn định cư.

- Là một phụ nữ đa tài, vừa là giáo viên, nhà văn và dịch giả nổi tiếng

- Các tác phẩm chính: Chàng nghệ sĩ (1978), Cỏ hát (1983)…

- Phong cách nghệ thuật: dịu dàng, đằm thắm và dạt dào cảm xúc trên từng trang viết.

2. Tác phẩm

a, Hoàn cảnh sáng tác

- Trích từ Báo Yêu trẻ, số 166, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01/09/2000

b, Bố cục

- Gồm 2 phần

Phần 1: Từ đầu… “ngày đầu năm học”: Tâm trạng của hai mẹ con trong đêm trước ngày khi giảng

Phần 2: Còn lại: Cảm nghĩ của mẹ về vai trò của nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ em.

c, Phương thức biểu đạt

- Văn bản sử dụng phương thức biểu cảm ghi lại chân thực cảm xúc của người mẹ trong đêm trước ngày khai trường của con.

d, Ngôi kể

- Ngôi thứ nhất trong vai người Mẹ.

e, Ý nghĩa nhan đề 

- “Cổng trường mở ra” mang ý nghĩa của sự khởi đầu cho một chặng đường học sinh bắt đầu trong cuộc đời mỗi con người. Cổng trường rộng mở hay cũng chính là tương lai đang mở ra với nhân vật khi trên hành trình tiếp nhận tri thức.

f, Giá trị nội dung

- Văn bản là những suy tư đầy xúc cảm của người mẹ trước ngày con vào lớp Một- một bước ngoặt to lớn của con. Qua đó đã thể hiện tình cảm yêu thương sâu sắc của mẹ. Đồng thời văn bản cũng nhấn mạnh vai trò to lớn của nhà trường trong việc giáo dục con người.

g, Giá trị nghệ thuật

- Miêu tả diễn biến tâm trạng đặc sắc qua việc sử dụng từ ngữ nhẹ nhàng, kín đáo thể hiện tâm tư nội tâm thầm kín của mẹ.

C. Đọc hiểu văn bản

1. Tâm trạng của người mẹ trong đêm trước ngày con khai trường

- Những tình cảm dịu dàng mẹ dành cho con thật ấm áp:

 + Trìu mến quan sát con làm những việc trước tối hôm đến trường (giúp mẹ thu dọn đồ chơi, háo hức chờ đợi ngày mai thức dậy cho kịp giờ…)

+ Vỗ về cho con ngủ, xem lại những thứ đã chuẩn bị cho con trong ngày đầu tiên đến trường.

- Hồi tưởng lại những kỉ niệm không thể nào quên của bản thân trong ngày đầu tiên đến trường

- Không thể tập trung làm bất cứ việc gì hôm đấy, mẹ trằn trọc… không ngủ được.

=>Tình yêu thương con dạt dào vô bờ bến từ tấm lòng của người mẹ, luôn suy nghĩ và lo lắng cho con. Sự quan tâm của  phụ huynh với con trong việc học tập.

2.Tâm trạng của con

-  Hồn nhiên, vô tư

- Háo hức chờ ngày khai trường với những sự mới mẻ và mong đợi, cậu cứ nghĩ đây là một chuyến đi chơi xa

- Giúp mẹ dọn đồ chơi

- Giấc ngủ đến dễ dàng

=> Trái ngược với tâm trạng đầy suy tư của người mẹ, cậu bé đã đón nhận ngày khai trường với một cảm xúc hoàn toàn vô tư và thoải mái. Sự mong chờ một cánh cửa mới mẻ sắp đón chờ mình là tinh thần khát khao tìm hiểu và học tập trong mỗi con người.

3.Vai trò của nhà trường trong giáo dục thế hệ trẻ

- Từ câu chuyện về ngày khai trường ở Nhật, người mẹ bày tỏ suy nghĩ nghĩ về vai trò của nhà trường với việc giáo dục thế hệ trẻ: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước vào cánh cổng trường là cả thế giới diệu kỳ sẽ mở ra.” 

- Nhà trường là nơi ươm mầm, dẫn dắt những bước trưởng thành của mỗi con người.

=> Khẳng định vai trò to lớn của nhà trường đối với mỗi con người và niềm tin vào sự nghiệp giáo dục

D. Sơ đồ tư duy

1

Tác giả - Tác phẩm: Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

A. Nội dung tác phẩm

Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất thuộc mảng đề tài tổng kết những kinh nghiệm phong phú của dân gian về tự nhiên, chăn nuôi, trồng trọt. Qua những câu tục ngữ này, ta thấy rõ thái độ quan tâm đến công việc làm ăn và sự quý trọng lao động của cha ông ta từ xưa. 

B. Đôi nét về tác phẩm

1. Tục ngữ 

- Khái niệm: Tục ngữ là những câu nói dân gian, ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động, sản xuất, xã hội), được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày. Tục ngữ là một thể loại văn học dân gian.

2. Tác phẩm

a, Bố cục: 2 nhóm 

- 4 câu đầu: Tục ngữ về thiên nhiên 

- 4 câu sau: Tục ngữ về lao động sản xuất 

b, Giá trị nội dung

- Các câu tục ngữ đã phản ánh, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu nhân dân trong việc quan sát các hiện tượng thiên nhiên và trong lao động sản xuất. 

c, Giá trị nghệ thuật

- Ngắn gọn.

- Thường có nhịp điệu, gieo vần, nhất là vần lưng. 

- Các vế đối xứng nhau, cả về hình thức và nội dung.

- Lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh, ví von so sánh sinh động. 

C. Đọc hiểu văn bản

Câu tục ngữ 1: 

“Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối.”

- Nghĩa là tháng năm đêm ngắn, tháng mười ngày ngắn. Suy ra tháng năm ngày dài, tháng mười đêm dài.

- Cơ sở thực tiễn là dựa trên quan sát, trải nghiệm thực tế.

- Áp dụng kinh nghiệm này, người ta chú ý phân bố thời gian biểu làm việc cho phù hợp. Chú ý khẩn trương khi làm việc, bố trí giấc ngủ hợp lí...

- Câu tục ngữ giúp con người có ý thức về thời gian làm việc theo mùa vụ.

Câu tục ngữ 2: 

“Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa.”

- Nghĩa là khi trời nhiều (mau, dày) sao sẽ nắng, khi trời không có hoặc ít (vắng) sao thì mưa.

- Đây là kinh nghiệm để đoán mưa nắng, liên quan trực tiếp đến công việc sản xuất nông nghiệp và mùa màng. Do ít mây nên nhìn thấy nhiều sao, nhiều mây nên nhìn thấy ít sao.

- Nhìn sao có thể đoán trước được thời tiết để sắp xếp công việc.

Câu tục ngữ 3: 

“Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ.”

- Nghĩa là khi có ráng mỡ gà, sẽ có mưa bão lớn. Vì vậy phải chú ý chống bão cho nhà cửa.

Câu tục ngữ nhắc nhở ý thức phòng chống bão lụt.

Câu tục ngữ 4: 

“Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt.”

- Vào tháng bảy, nếu thấy kiến di chuyển (bò) thì khả năng sắp có mưa lớn và lụt lội xảy ra.

- Kiến là loại côn trùng nhạy cảm. Khi sắp có mưa lụt, chúng thường di chuyển tổ lên chỗ cao, vì vậy chúng bò ra khỏi tổ. (Trước trận mưa rào, Trần Đăng Khoa quan sát thấy: kiến/ hành quân/ đầy đường.)

- Câu tục ngữ được đúc kết từ quan sát thực tế, nó nhắc nhở về ý thức phòng chống bão lụt, loại thiên tai thường gặp ở nước ta.

Câu tục ngữ 5: 

“Tấc đất tấc vàng”

- Đất được coi quý ngang vàng.

- Đất thường tính bằng đơn vị mẫu, sào, thước (diện tích). Tính tấc là muốn tính đơn vị nhỏ nhất (diện tích hay thể tích). Vàng là kim loại tính đếm bằng chỉ, bằng cây (dùng cân tiểu li để cân đong). Đất quý ngang vàng (Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu).

- Đất quý như vàng vì đất nuôi sống con người, tiềm năng của đất là vô hạn, khai thác mãi không bao giờ vơi cạn.

- Người ta sử dụng câu tục ngữ này để đề cao giá trị của đất, phê phán việc lãng phí đất (bỏ ruộng hoang, sử dụng đất không hiệu quả).

Câu tục ngữ 6: 

“Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền.”

- Câu này nói về giá trị kinh tế khi khai thác ao, vườn, ruộng. Cũng có thể nói về sự công phu, khó khăn của việc khai thác các giá trị kinh tế ở các nơi đó. Ruộng thì phổ biến, chỉ để cấy lúa hay trồng cây lương thực, hoa màu. Vườn thì trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ. Ao thả cá, thả rau muống,... Kĩ thuật canh tác rất khác nhau. Người xưa đã tổng kết về giá trị kinh tế, cũng có thể kèm theo đó là độ khó của kĩ thuật.

- Áp dụng câu tục ngữ để khai thác tốt điều kiện tự nhiên, làm ra nhiều của cải vật chất.

Câu tục ngữ 7: 

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.”

- Câu tục ngữ nói về vai trò của các yếu tố trong sản xuất nông nghiệp (trồng lúa nước) của nhân dân ta.

- Yếu tố nước phải là yếu tố quan trọng hàng đầu, nếu bị úng, hay bị hạn, mùa vụ có thể bị thất thu hoàn toàn. Sau đó là vai trò quan trọng của phân bón. Yếu tố cần cù, tích cực chỉ đóng vai trò thứ ba. Giống đóng vai trò thứ tư. Tuy nhiên, nếu ba yếu tố trên ngang nhau, ai có giống tốt, giống mới thì người đó sẽ thu hoạch được nhiều hơn.

- Câu tục ngữ nhắc nhở người làm ruộng phải đầu tư vào tất cả các khâu, nhưng cũng phải chú ý ưu tiên, không tràn lan, nhất là khi khả năng đầu tư có hạn.

Câu tục ngữ 8: 

“Nhất thì, nhì thục.”

- Câu tục ngữ nêu vai trò của thời vụ (kịp thời) là hàng đầu. Sau đó mới là yếu tố làm đất kĩ, cẩn thận. Thời vụ liên quan đến thời tiết, nắng mưa. Nếu sớm quá, muộn quá, cây trồng sẽ bị ảnh hưởng và có khi không cho sản phẩm.

- Câu tục ngữ nhắc nhở vấn đề thời vụ và việc chuẩn bị đất kĩ trong canh tác.

D. Sơ đồ tư duy

Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

Tác giả - Tác phẩm: Tục ngữ về con người và xã hội

A. Nội dung tác phẩm

Tục ngữ về con người và xã hội rất phong phú. Nó cung cấp những bài học bổ ích,vô giá trong kinh nghiệm ứng xử của con người đối với cộng đồng. Đây là kinh nghiệm giúp con người ứng xử với nhau khôn ngoan, mèm dẻo, trọn nghĩa vẹn tình đồng thời giúp họ tuân theo đúng lề luật mà xã hội đặt ra. 

B. Đôi nét về tác phẩm

1. Thể loại: Tục ngữ 

2. Tác phẩm

a, Bố cục: 3 nhóm 

- Nhóm 1: Câu 1, 2, 3: Tục ngữ về phẩm chất, giá trị con người.

- Nhóm 2: Câu 4, 5, 6: Tục ngữ về học tập, tu dưỡng. 

- Nhóm 3: Câu 7, 8, 9: Tục ngữ về quan hệ ứng xử.

b, Giá trị nội dung

- Tôn vinh giá trị con người. 

- Đưa ra nhận xét, lời khuyên về những phẩm chất và lối sống mà con người cần phải có. 

c, Giá trị nghệ thuật

- Giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ.

- Ngắn gọn, hàm súc, có vần, có nhịp. 

C. Đọc hiểu văn bản

Câu tục ngữ 1: 

“Một mặt người bằng mười mặt của.”

- Khẳng định giá trị của con người quý giá gấp bội lần so với của cải. 

- Câu tục ngữ tương tự: Người sống hơn đống vàng; Còn người, còn của. 

- Áp dụng trong nhiều trường hợp: 

+ phê phán, phản bác lại những kẻ coi trọng của cải hơn con ngưòi; 

+ an ủi, động viên những người bị mất mát, thiệt hại về của cải, chỉ cho họ thấy rằng của cải chỉ có giá trị nhất định, con người mới là đáng quý vì thế không nên quá tiếc nuối, đau buồn.

Câu tục ngữ 2: 

“Cái răng, cái tóc là góc con người.”

- Sự khẳng định răng và tóc là hai bộ phận rất quan trọng thể hiện sức khỏe, nét đẹp hình thức của con người → nhắc nhở phải gìn giữ, chăm sóc hai bộ phận quan trọng này.

-  Nghĩa sâu xa, thâm thúy hơn: răng, tóc là những bộ phận bề ngoài, thuộc về hình thức, có thể trông thấy được. Từ những nét bề ngoài ấy, có thể nhìn được cả “góc con người”, nghĩa là bước đầu đánh giá được tính tình bên trong của một con người (ví dụ: cẩn thận hay cẩu thả, cầu kì hay xuề xòa, sạch sẽ hay không?..) Với cách hiểu này, câu tục ngữ được áp dụng như một lời khuyên trong những trường hợp muốn đánh giá một con người kiểu như Trông mặt mà bắt hình dong vậy.

Câu tục ngữ 3: 

“Đói cho sạch, rách cho thơm.”

- Nghĩa đen khuyên ta dù đói cũng phải ăn uống sạch sẽ, dù quần áo rách cũng phải giữ gìn cho thơm tho. 

- Nghĩa bóng, chính là nghĩa được tổng kết, nâng tầm lên từ nghĩa đen, từ những hiện tượng được nhắc đến trực tiếp trong văn bản: Con người dù nghèo khổ, thiếu thốn cũng phải sống trong sạch, gìn giữ phẩm cách của mình.

⇒ Lời tự răn mình cũng như răn người khác phải biết vượt lên hoàn cảnh khó khăn để giữ gìn phẩm chất, nhân cách của mình như loài hoa sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Câu tục ngữ 4: 

“Học ăn, học nói, học gói, học mở.”

- Nêu ra những điều con người phải học: ăn, nói, gói, mở. Suy rộng ra, đây là lời khuyên con người phải học để biết cách làm mọi việc (gói, mở), biết cách giao tiếp (ăn, nói) trong cuộc sống.

- Là lời khẳng định rằng mỗi hành vi, cử chỉ đều nói lên tư cách, phẩm chất của con người. Do đó, trong cuộc sống, chúng ta phải học cách giao tiếp, ứng xử, học cách làm việc… để trở thành người có văn hóa. Điều này là cần thiết cho tất cả mọi người.

Câu tục ngữ 5: 

“Không thầy đố mày làm nên.”

- Khẳng định vai trò to lớn của người thầy trong việc dạy chúng ta nên người, gây dựng sự nghiệp. 

- Là lời thách thức đối với những ai tự đề cao mình, coi thường công lao dạy dỗ của thầy cô. 

- Nhắc nhở mỗi người phải biết kính trọng những người thầy đã dạy ta từ những tri thức ban đầu, đặt nền móng cho sự nghiệp của chúng ta. 

- Được sử dụng trong trường hợp phê phán một ai đó có thái độ coi thường thầy cô giáo, đồng thời khuyên răn họ cách ứng xử đúng đắn theo truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.

Câu tục ngữ 6: 

“Học thầy không tày học bạn.”

- Đề cao vai trò của việc học tập bạn bè, có khi học bạn còn hiệu quả hơn học thầy.

- Như một lời khuyên cho mỗi người cần phải biết học hỏi, tôn trọng những điều hay từ ngay những người bạn, những người xung quanh ta, không nên học một cách máy móc, cứng nhắc, chỉ theo sách vở hay theo lời thầy dạy mà không chịu mở mang, học hỏi.

Câu tục ngữ 7: 

“Thương người như thể thương thân.”

- Khuyên nhủ con người hãy thương yêu người khác như thương yêu chính bản thân mình. 

- Là truyền thống nhân ái mà nhân dân ta luôn hướng tới và gìn giữ. 

Câu tục ngữ 8: 

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.”

- Khi được hưởng một thành quả nào đó, chúng ta phải ghi nhớ, biết ơn công lao của người đã gây dựng nên nó.

- Là bài học về thái độ sống chung thủy, có trước có sau, biết ơn những người đã giúp đỡ ta trong cuộc sống. Khi làm được điều đó, chúng ta sẽ là những con người có nhân cách, trọng tình nghĩa, xứng đáng nhận sự yêu thương và giúp đỡ của mọi người.

- Áp dụng để khuyên răn mỗi người trong cách đối xử với thầy cô, bố mẹ…

Câu tục ngữ 9: 

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

- Là lời khẳng định sức mạnh của sự đoàn kết. Mỗi con người nếu tách rời tập thể thì sẽ bị cô lập, không thể vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống. 

D. Sơ đồ tư duy

Tục ngữ về con người và xã hội

Xem thêm các loạt bài Để học tốt Ngữ văn lớp 7 hay khác:

Lời giải bài tập lớp 7 sách mới:


Giải bài tập lớp 7 sách mới các môn học