Top 30 Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi: Con cái có nên tham gia thảo luận

Tổng hợp trên 30 bài văn Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi: Con cái có nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình? hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi: Con cái có nên tham gia thảo luận - mẫu 1

Xin chào cô và các bạn, em tên là …. Sau đây, em sẽ thay mặt nhóm Ngôi sao lên thuyết trình về vấn đề: "Con cái có nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình?". Mời cô và các bạn lắng nghe!

Các bạn nghĩ sao về việc con cái thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình? Sau một thời gian bàn luận vô cùng sôi nổi, nhóm mình đồng tình với ý kiến trên. Chúng ta không thể phủ nhận rằng, việc con cái tham gia trao đổi, bàn bạc với bố mẹ sẽ giúp mọi người có thể thấu hiểu nhau từ đó, tìm được tiếng nói chung và có sự thống nhất cao độ. Khi bố mẹ để con cái đưa ra ý kiến của mình đồng nghĩa với việc họ đang tôn trọng và lắng nghe con. Con cái bởi vậy cũng hiểu thêm được tâm tư, nguyện vọng của bố mẹ để có những sự điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Gia đình vì thế trở nên đoàn kết, gắn bó hơn.

Trong quá trình thảo luận không tránh khỏi những xung đột, mâu thuẫn. Có thể khoảng cách thế hệ khiến những bất đồng trở nên trầm trọng nhưng mỗi người cần bình tĩnh, nhường nhịn người khác. Để làm được điều này, bố mẹ cần khoan dung còn con cái phải suy nghĩ chín chắn, thấu đáo trước những lời khuyên chân thành của cha mẹ. Mong rằng, mọi thành viên trong gia đình sẽ ngày càng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau để đi qua mọi khó khăn, thử thách.

Bài thuyết trình của nhóm em đến đây là kết thúc. Em rất mong nhận được sự góp ý từ cô và các bạn!

Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi: Con cái có nên tham gia thảo luận - mẫu 2

Em chào cô và toàn thể các bạn học sinh lớp 7C. Em xin tự giới thiệu, em là Hồng Anh. Trong tiết Nói và nghe hôm nay, em thay mặt cho nhóm 3 thuyết trình về: "Con cái có nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình?".

Trước khi thuyết trình, mình có một câu hỏi nhỏ như sau: Không biết mọi người từng nghe đến câu nói này chưa "Gia đình là nơi không ai bỏ rơi ai và yêu thương ai đó vô điều kiện"? Các bạn ạ, gia đình luôn dang tay đón chào chúng ta trở về sau những chuyến đi xa. Ở đó có vòng tay ấm áp của ông bà, bố mẹ, có những lời quan tâm, chia sẻ từ các anh chị em. Gia đình luôn là nơi yêu thương chúng ta vô điều kiện. Để gia đình được êm ấm, hạnh phúc thì tất cả thành viên cần đùm bọc, chăm sóc và bảo vệ nhau. Vậy, các bạn có suy nghĩ gì về việc "Con cái có nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình?".

Theo quan điểm của nhóm 3, chúng mình cho rằng con cái không nên tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề chung của gia đình. Bởi:

Thứ nhất, con cái còn non trẻ và chưa đi nhiều, biết nhiều nên không thể dày dặn kinh nghiệm sống như cha mẹ. Đôi khi chúng ta thường có cái nhìn một chiều và chưa sáng suốt. Điều này dễ làm chúng ta đưa ra các quan điểm không toàn diện, đúng đắn. Do đó, con trẻ cần lắng nghe các quyết định của cha mẹ.

Không biết ở phía dưới có ai đã từng suy nghĩ khác với cha mẹ hay chưa? Chắc hẳn, nhiều lúc bàn luận về một chuyện nào đó, mọi người sẽ có các quan điểm khác nhau. Vì thế, khoảng cách thế hệ cũng là một rào cản to lớn. Mình từng nghe đến một câu nói này "Cách ba năm đã là một thế hệ". Chính bởi khoảng cách ấy, cha mẹ và con cái sẽ có sự khác biệt trong tư tưởng. Phụ huynh thường có xu hướng bảo lưu và giữ gìn truyền thống. Ngược lại, chúng ta dễ dàng tiếp nhận những giá trị hiện đại. Vậy nên, trong quá trình thảo luận, cha mẹ và con cái khó tìm được tiếng nói chung, dẫn đến bất đồng về quan điểm sống. Từ đó, mọi vấn đề chung trong gia đình không thể giải quyết hợp tình, hợp lý.

Để gia đình luôn tràn ngập tình yêu và sự hạnh phúc, mỗi cá nhân cần bao dung, lắng nghe và thấu hiểu nhau hơn. Đừng vì cái tôi quá cao mà gạt bỏ lời khuyên chân thành của người khác. Hãy trân trọng từng giây phút được sống bên mái ấm thân thương, bạn nhé!

Bài thuyết trình của nhóm em đến đây là kết thúc. Em rất mong sẽ nhận được ý kiến đóng góp để bài thuyết trình thêm hoàn thiện hơn. Em xin cảm ơn.
 

Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi: Con cái có nên tham gia thảo luận - mẫu 3

Chào cô và các bạn. Em tên là Ngọc Vy. Hôm nay, em sẽ thay mặt cho nhóm 5 trình bày quan điểm về vấn đề "Con cái có nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình?". Mời cô cùng mọi người theo dõi, lắng nghe.

Các bạn ơi, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 của nước ta có đề cập "Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng". Gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục mỗi con người. Gia đình hòa thuận, êm ấm thì xã hội sẽ luôn tươi đẹp, văn minh. Vậy, đứng trước vấn đề: "Con cái có nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình?", các bạn có suy nghĩ như thế nào?

Sau khi cùng nhau thảo luận, tất cả thành viên của mình đồng tình với vấn đề trên. Nếu con cái tham gia thảo luận thì cha mẹ sẽ hiểu rõ hơn những tâm tư, nguyện vọng từ các con. Khi mọi người chia sẻ ý kiến, quan điểm của bản thân kịp thời, chúng ta sẽ tránh được mâu thuẫn, bất đồng. Cứ như vậy, mọi người đều biết cách lắng nghe, thấu hiểu nhau nhiều hơn. Gia đình vì thế cũng trở nên gắn kết, bền chặt, khó tách rời.

Bên cạnh đó, việc tham gia thảo luận còn giúp con cái dễ dàng nắm bắt tình hình cụ thể của gia đình. Chúng ta có thể biết được gia đình mình đang gặp trục trặc gì, có khó khăn nào bủa vây hay không. Từ đây, ta sẽ luôn ý thức, trách nhiệm hơn trong việc xây dựng và bảo vệ tổ ấm thân thương ấy.

Như nhóm mình đã khẳng định ngay từ đầu: con cái nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề trong gia đình. Tuy nhiên, chúng ta đóng góp ý kiến, quan điểm dựa trên sự tôn trọng phụ huynh. Mỗi người cần nhìn nhận toàn diện, sáng suốt về mọi chuyện xảy ra.

Hi vọng rằng các bạn sẽ luôn có những giây phút vui vẻ, hạnh phúc bên người thân của mình.

Trên đây là phần trình bày của nhóm em. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi: Con cái có nên tham gia thảo luận - mẫu 4

Chào cô và các bạn. Em tên là Khánh Huyền. Trong tiết học ngày hôm nay, em sẽ đại diện cho nhóm 2 trình bày những ý kiến, quan điểm về việc: "Con cái có nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình?".

Cô và các bạn thân mến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt". Gia đình là tế bào của xã hội, là ngôi trường đầu tiên của mỗi người. Gia đình có ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành, phát triển nhân cách từng cá nhân. Vậy, theo các bạn, đối với các vấn đề chung của gia đình thì những người con như chúng ta có nên tham gia thảo luận, quyết định hay không? Sau đây, nhóm mình sẽ đưa ra các quan điểm xoay quanh vấn đề này.

Nhóm 2 đồng tình với việc con cái nên tham gia thảo luận, quyết định vấn đề chung trong gia đình. Khi mọi người bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của bản thân, các thành viên dễ dàng cảm nhận và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng từ đối phương. Từ đây, gia đình ngày càng gắn kết và hòa thuận hơn. Con cái có thể thoải mái chia sẻ với bố mẹ những ước mơ, mong muốn của mình. Ngược lại, các bậc phụ huynh cũng dễ dàng hơn trong việc thấu hiểu và yêu thương trẻ.

Thử tưởng tượng mà xem, bỗng một ngày, bạn biết đến các vấn đề chung trong gia đình mình từ lời nói của những người khác, lúc ấy bạn sẽ cảm thấy ra sao? Chắc chắn là có sự hụt hẫng pha chút buồn tủi đúng không nào? Như vậy, việc con cái tham gia thảo luận còn giúp nắm bắt tình hình cụ thể của gia đình mình. Chúng ta có thể biết được bố mẹ đang gặp khó khăn như thế nào, có vấn đề gì xảy ra hay không. Từ đây, mọi người sẽ đồng lòng, đồng sức, động viên nhau vượt qua những trở ngại và bước tiếp trên con đường phía trước.

Gia đình mãi là tổ ấm yêu thương của mỗi người. Chúng ta cần biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Lắng nghe, thấu hiểu giúp mọi thành viên xích lại, gắn kết hơn. Hãy để ngọn lửa hạnh phúc mãi rực cháy trong mỗi ngôi nhà, bạn nhé!

Phần trình bày của nhóm em đến đây là kết thúc. Em xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong sẽ nhận được lời nhận xét, đóng góp từ tất cả mọi người.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 7 hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 7 hay khác:


Giải bài tập lớp 7 Chân trời sáng tạo khác