Top 30 Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử

Tổng hợp trên 30 bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 1

Lý Công Uẩn người làng cổ Pháp thuộc Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay ở làng Đình Bảng vẫn còn có lăng và đền thờ các vua nhà Lý.

Tục truyền rằng Công uẩn không có cha; mẹ là Phạm Thị đi chơi chùa Tiên Sơn (làng Tiên Sơn, phủ Từ Sơn) , đêm về nằm mộng thấy "đi lại" với thần nhân, rồi có thai đẻ ra đứa con trai. Lên ba tuổi, đứa bé càng khôi ngô tuấn tú; gia đình đem cho nhà sư ở chùa cổ Pháp tên là Lý Khánh Văn làm con nuôi. Lý Công uẩn được học hành chữ Nho, kinh Phật và võ nghệ từ nhỏ, lớn lên dưới mái chùa, trở thành một tài trai văn võ siêu quần.

Ngoài 20 tuổi, Lý Công uẩn đã làm võ tướng dưới triều vua Lê Đại Hành, từng lập công to trong trận Chi Lăng (981) đại phá quân Tống xâm lược, chém đầu tướng giặc Hầu Nhân Bảo. Về sau, ông giữ chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ, nắm trong tay toàn bộ binh quyền. Đức trọng tài cao, ông được quần thần và tướng sĩ rất kính phục. Năm 1005, Lê Đại Hành băng hà. Ngôi vua được truyền cho Lê Long Việt. Chỉ 3 ngày sau, Lê Long Đĩnh giết anh, giành lấy ngai vàng. Lê Long Đĩnh là một tên vua vô cùng bạo ngược khác nào Kiệt, Trụ ngày xưa. Hắn hoang dâm vô độ, nên mắc bệnh không ngồi được; đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Vua Ngọa Triều. Cuối năm 1009, Lê Ngọa Triều chết. Năm đó, Lý Công uẩn đã 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã oán giận nhà Tiền Lê lắm rồi; quân thần và tầng lớp tăng lữ suy tôn ông lên ngôi báu, mở đầu triều đại nhà Lý (1010- 1225).

Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế vào đầu xuân 1010, tức là vua Lý Thái Tổ nhà Lý. Nhà vua trị vì được 19 năm, thọ 55 tuổi, băng hà năm 1028.

Dàn ý Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử

1. Mở bài

- Nêu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà văn bản sẽ thuật lại.

- Nêu lí do hay hoàn cảnh người viết thu thập tư liệu liên quan.

2. Thân bài

a. Gợi lại bối cảnh, câu chuyện, dấu tích liên quan đến nhân vật/sự kiện.

- Câu chuyện, huyền thoại liên quan

- Dấu tích liên quan

b. Thuật lại nội dung, diễn biến của sự việc có thật liên quan đến nhân vật/sự kiện lịch sử.

- Bắt đầu - diễn biến - kết thúc.

- Sử dụng được một số bằng chứng (tư liệu, trích dẫn… ), kết hợp kể chuyện, miêu tả.

c. Ý nghĩa, tác động của sự việc đối với đời sống hoặc đối với nhận thức về nhân vật/sự kiện.

3. Kết bài

Khẳng định ý nghĩa của sự việc hoặc nêu cảm nhận của người viết về sự việc.

Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của người là một tấm gương sáng ngời cho mỗi người dân Việt Nam noi theo. Và những câu chuyện về Người cũng luôn để lại bài học giá trị cho chúng ta.

Truyện kể rằng trong những năm tháng sống ở Việt Bắc, mỗi lần đi công tác, Bác đều có hai đồng chí đi cùng. Sợ Bác mệt, hai đồng chí đã bày tỏ ý muốn mang ba lô giúp Bác. Nhưng Bác không đồng ý. Bác nói:

– Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân đều ra cho cả ba người.

Hai đồng chí đành làm theo lời Bác, đem chia vật dụng vào ba chiếc ba lô. Bác hỏi lại:

– Các chú đã chia đều rồi chứ?

Hai đồng chí trả lời:

– Thưa Bác, rồi ạ!

Sau đó, cả ba cùng lên đường. Qua một chặng, lúc nghỉ, Bác đến chỗ các đồng chí và xách chiếc ba lô lên. Bác hỏi:

– Tại sao ba lô của các chú nặng mà của Bác lại nhẹ?

Bác liền mở ra xem thì thấy bên trong ba lô của mình chỉ có chăn màn.

Bác tỏ ra không hài lòng, rồi nói:

– Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.

Sau đó, Bác lại yêu cầu hai đồng chí chia đều vật dụng vào ba chiếc ba lô mới chịu tiếp tục lên đường.

Câu chuyện nhỏ nhưng để lại bài học lớn. Có thể thấy, Bác là một người yêu lao động. Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ những việc lớn như cứu nước đến việc nhỏ như trồng cây trong vườn. Việc gì có thể tự làm, Bác đều tự mình hoàn thành. Cách sống của Bác giúp cho mỗi người nhận ra giá trị của lao động, cũng như có ý thức tự giác học tập và làm việc hơn.

Quả thật, những câu chuyện về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật ý nghĩa. Từ đó, chúng ta luôn nhận ra được nhiều bài học bổ ích cho bản thân.

Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 3

Khi Trần Quốc Tuấn còn nhỏ, thân phụ ông với vua Trần Thái Tông, vốn là hai anh em trở nên bất hòa. Năm 1251, trước khi qua đời, Trần Liễu trăng trối với con trai rằng: "Con hãy vì cha mà lấy thiên hạ. Nếu không, nơi chín suối, cha không thể nhắm mắt!". Trần Quốc Tuấn tuy gật đầu, nhưng ông không cho đó là điều phải mà luôn tìm mọi cách xóa bỏ mọi hiềm khích trong hoàng tộc.

Cuối năm 1284, giặc Nguyên - Mông sắp kéo đại binh sang xâm lược nước ta, Trần Quốc Tuấn được vua Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh. Từ Vạn Kiếp, Vương kéo quân mã về Thăng Long để cùng Triều đình bàn kế chống giặc.

Một hôm, Trần Quốc Tuấn mời Thái sư Thượng tướng quân Trần Quang Khải xuống chiếc thuyền đóng tại Đông Bộ Đầu để đàm đạo. Trần Quốc Tuấn đã dùng nước thơm tắm cho Trần Quang Khải. Vừa dội nước thơm lên người Thái sư, vị Tiết chế Quốc công nói:

Thật hạnh ngộ, tôi được tắm hầu Thái sư.

Diễm phúc biết bao, tôi được Quốc công tắm cho.

Từ đó, mối tị hiềm giữa hai người được xóa bỏ hẳn.

Lúc bấy giờ thế giặc mạnh lắm, ta nên "đánh" hay nên "hòa"? Trần Quốc Tuấn đã xin Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông mời các bô lão cao tuổi nhất, danh vọng nhất về Thăng Long để bàn kế giữ nước. Tại điện Diên Hồng tiếng hô "Quyết chiến! Quyết chiến!" của các bô lão rung chuyển Kinh thành.

Trần Quốc Tuấn viết "Hịch tướng sĩ" và "Binh thư yếu lược". Tướng sĩ hăm hở luyện tập cung tên, giáo mác, chiến mã. Hàng vạn hùng binh thích vào cánh tay hai chữ "Sát Thát".. Mùa hè năm 1285, 50 vạn quân xâm lược Nguyên - Mông bị đánh tơi tả. Toa Đô bị quân ta chém đầu. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng tránh mũi tên tẩm thuốc độc mới thoát chết!

Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 4

Vào năm 1946, anh trai của Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã từ Nghệ An ra Hà Nội để thăm Bác. Ban đầu, cụ Nguyễn Sinh Khiêm đibộ từ Nam Đàn ra ga Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu quãng đường chừng 70 cây số. Lúc cụ lấy vé, ai cũng tưởng cụ là Bác Hồ cải trang để vi hành. Lúc đó các cán bộ ở huyện Quỳnh Lưu cũng tưởng như vậy và cảm thấy xúc động.

Ra đến ga Hàng Cỏ, vừa bước qua khỏi cổng ga thì đồng bào ở đây lại nhanh chóng vây kín lấy cụ, khẳng định đây là Cụ Hồ cải trang để vi hành. Cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã đính chính: "Thưa bà con, tôi là một người dân xứ Nghệ, ra thăm Thủ đô, không phải Cụ Hồ". Nhưng đồng bào không tin, mỗi lúc kéo đến một đông. Lúc này, một chiến sĩ công an phát hiện thấy tình hình lạ đã gọi điện báo cáo lãnh đạo Nha Công an Trung ương. Nội dung báo cáo nêu rõ: "Có một cụ già nói giọng Nghệ Tĩnh, có râu, khuôn mặt rất giống Bác Hồ, nhân dân tin là Bác Hồ nên vây kín chưa đi được. Nhiều khả năng đây là người anh ruột của Bác'.

Lúc ấy, đồng chí Lê Giản - Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương nghe báo cáo liền cử người và xe ra ga Hàng Cỏ để đón người khách. Có lẽ vì muốn tránh đám đông nên cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã đồng ý lên xe. Khi đồng chí Lê Giản mạnh dạn thưa chuyện: "Thưa bác, bác ra thăm Hồ Chủ tịch mà không thông báo trước để chúng cháu cho xe đón đỡ vất vả", cụ Nguyễn Sinh Khiêm trả lời ngay: "Ông làm chức trách Nhà nước mà ăn nói buồn cười. Lẽ đời thì em thăm anh, chứ anh nào thấy em làm to lại ra thăm. Tôi ra đây là thăm Thủ đô nước Việt Nam mới xem thế nào, chứ không phải thăm em làm Chủ tịch nước.".

Khi biết người anh Nguyễn Sinh Khiêm ra Hà Nội, Bác Hồ lặng đi, xúc động. Vì hoàn cảnh lúc đó Bác Hồ chưa thể gặp anh mình ngày, đã nhờ người tiếp anh trai và mua rượu. Đến đêm, trời mưa, Bác Hồ hóa trang mặc áo the, đội ô đi cùng hai đồng chí đến phòng làm việc của đồng chí Lê Giản ở phố Trần Hưng Đạo có cửa ra vào phía phố Dã Tượng, bác Hồ cởi áo thera, vào gặp anh trai. Vừa thấy anh trai, Bác Hồ chạy đến ôm lấy anh khẽ kêu lên: "Anh Cả!". Cụ Nguyễn Sinh Khiêm cũng ôm lấy Bác Hồ rồi nghẹn ngào thốt lên: "Chú râu đã dài thế này à?". Rồi hai anh em ôm nhau khóc. Người thư kí nhẹ nhàng khép cửa lại rồi nhè nhẹ lui ra...

Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 5

Quốc ca thể hiện khí thế , tinh thần của một dân tộc, một đất nước. Mỗi người dân Việt Nam đều tự hào hát vang Quốc ca trong mỗi sự kiện quan trọng, qua đó thấy được niềm tự hào dân tộc. Hôm nay, tôi sẽ kể cho mọi người nghe về sự ra đời của bài hát Tiến quân ca hay chính là Quốc ca của nước Việt Nam ta.

Tuổi thanh niên là tuổi của ước mơ, của hoài bão khát vọng. Ấy vậy mà tôi lúc ấy không còn khát vọng, ước mơ của tuổi thanh niên, buồn chán và thất vọng bủa vây cuộc đời tôi. Đúng lúc tuyệt vọng nhất tôi gặp được Vũ Quý thông qua người bạn thân Ph.D. Khi gặp Vũ Quý tôi mong muốn được tham gia chiến khu cùng các anh em cầm súng giết giặc. Nhưng có lẽ Vũ Quý theo dõi sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của tôi nên giao cho tôi sáng tác nghệ thuật để cổ vũ tinh thần cho quân đội cách mạng.

Khi bắt tay viết bài hát Tiến quân ca, tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào; tôi chưa được ra chiến khu, và cũng chưa từng gặp chiến sĩ cách mạng trong khóa quân chính ấy. Nhưng tại căn gác nhỏ ở phố Nguyễn Thượng Hiền, tôi lại hình dung đó là chiến khu, là khu rừng nào đó trên Việt Bắc, và cứ thế lời ca ra đời, con chữ tự nhiên hiện ra dưới ngòi bút. Tại căn gác nhỏ đó Ph.D đã chứng kiến sự ra đời của Tiến quân ca, và Vũ Quý là người đầu tiên biết đến bài hát này.

Bài hát Tiến quân ca ra đời được chào đón rất nồng nhiệt. Bài hát được công bố lần đầu trong ngày 17-8-1945, khi diễn ra cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Tại đây bài hát Tiến quân ca được hàng ngàn người hoà nhịp cất cao tiếng hát trước Quảng trường Nhà hát Lớn. Tại buổi hôm đó bài hát đã nổ ra như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Xung quanh tôi hang ngàn giọng hát cất vang theo những đoạn sôi nổi. Trong một lúc những tờ truyền đơn in Tiến quân ca được phát cho từng người trong hàng ngũ các công chức dự mít tinh. Lúc này anh bạn Ph.D của tôi đã buông lá cờ đỏ sao vàng trên kia xuống và cướp loa phóng thanh hát vang Tiến quân ca. Con người trầm lặng ấy đã có sức hát hấp dẫn hang vạn quần chúng ngày hôm đó, cũng là người hát trước quần chúng lần đầu tiên và cũng là một lần duy nhất. Lần thứ hai bài hát Tiến quân ca của tôi xuất hiện là trong cuộc mít tinh vào ngày 19-8, hàng ngàn người và các em thiếu nhi cùng cất lời ca, thét lên tiếng căm thù vào mặt bọn đế quốc với sự hào hùng chiến thắng của cách mạng.

Bài hát Tiến quân ca của tôi đã ra đời như thế đấy. Sau đó, bài hát được chọn làm Quốc ca Việt Nam cho đến ngày nay. Bài hát là niềm tự hào không phải của riêng tôi mà là của cả dân tộc Việt Nam.

Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 6

Có một câu nói mà con người của muôn thời đại đều cần phải khắc ghi, đó là nếu đánh mất và bỏ mặc quá khứ, bạn không bao giờ có hiện tại và tương lai. Hay một cách ngắn gọn, nó đằm mình trong câu tục ngữ truyền thống bao đời của dân tộc ta “Uống nước nhớ nguồn”. Chính vì thế, hàng năm, vẫn có những lễ hội truyền thống để nhắc nhở con cháu đời đời về nguồn cội vĩnh hằng của cha ông, lễ hội đền hùng chính là mang ý nghĩa thiêng liêng ấy.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 trở thành ngày lễ trọng đại của dân tộc. Tôi cũng đã có dịp may mắn một lần được hành hương về đất Tổ, phong cảnh, những câu chuyện lịch sử về các vị vua Hùng – những người đã dựng xây đất nước đã in sâu trong tâm trí tôi.

Lễ hội đền Hùng là dịp những đứa con ở khắp nơi trên tổ quốc cùng trở về Phú Thọ quê tổ để cùng thể hiện lòng thờ kính thiêng liêng dành cho nguồn cội lịch sử của dân tộc ta, để tri ân các vị vua Hùng đã có công dựng nước để con cháu sau này đời đời được sống trên mảnh đất giàu truyền thống và mang những nét đẹp tâm hồn riêng. Hàng năm, cứ vào dịp này, những người con đất Việt từ khắp nơi trên tổ quốc, thậm chí cả kiều bào ta sinh sống công tác ở nước ngoài cũng luôn lắng lòng để tưởng nhớ về lễ hội truyền thống của dân tộc.Chính vì mang trong nó không chỉ tính nghi lễ mà còn bao chứa cả lớp trầm tích văn hóa lịch sử ngàn đời cùng đạo lí dân tộc sâu sắc, mà ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương được xem là ngày quốc lễ của dân tộc ta.

Giỗ Tổ bao gồm có 2 phần riêng biệt đó là phần lễ và phần hội. Lễ Rước Kiệu với các đền, chùa trên núi, các vị lãnh đạo của đất nước dâng hương lên vua Hùng tổ chức tại đền Thượng. Các nghi thức tổ chức, dâng hương sẽ được tổ chức long trọng, thành kính và sẽ được báo chí, phát thanh truyền hình đưa tin. Đồng bào trong cả nước được dâng lễ trong các đền, chùa, với sự thành kính và cầu mong yên bình, làm ăn thành công.

Bên cạnh đó phải nhắc đến lễ Dâng Hương các đền, chùa trên núi. Lễ hội còn giúp người dân tham gia sinh hoạt văn hoá cổ xưa. Người dân sẽ được xem các trò chơi như đấu vật, chọi gà, rước kiệu, đánh cờ người…. Còn có sân khấu riêng của các đoàn nghệ thuật: chèo, kịch nói, hát quan họ,… Các nghệ sĩ, nghệ nhân từ nhiều nơi về đây để trình diễn những làn điệu hát xoan mượt mà, đặc sắc mang đến cho cho lễ hội đền Hùng đặc trưng riêng của Đất Tổ.

Những người đến đây không chỉ là xem lễ hội mà còn thể hiện sự tâm linh, thành kính với quê hương đất Tổ, ai cũng biết đây là nơi gốc gác linh thiêng,cội nguồn của dân tộc. Hàng năm, cứ đến mùng 10 tháng 3, người dân và du khách tham gia trẩy hội đền Hùng, đây là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Lễ hội rất linh thiêng và thể hiện sự biết ơn công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng.

Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 7

Mạc Đĩnh Chi (1272 - 1346), tự gọi là Tiết Phu, xuất thân từ thôn Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là một nhân vật lịch sử đầy sáng tài và đáng kính trọng.

Tài năng vượt trội của Mạc Đĩnh Chi đã nhanh chóng được nhận biết. Với khả năng viết văn xuất sắc và sự thông minh, ông được vua Trần Ích Tắc của Chiêu Quốc nhận làm môn đồ, đồng thời được học tập và được chu cấp. Vào tháng 3 năm Giáp Thìn (1304), vua Trần Anh Tông đã tổ chức kỳ thi Thái học sinh để tìm kiếm tài năng. Trong kỳ thi này, chỉ có bốn mươi bốn thí sinh đỗ, và Mạc Đĩnh Chi là một trong số họ. Ông đạt danh hiệu Trạng nguyên và được bổ nhiệm làm Nội thư gia. Tuy nhiên, ông bị kỳ thị về ngoại hình vì thân hình thấp bé, nhưng Mạc Đĩnh Chi không để bản thân mình bị đánh bại. Ông đã viết bài phú "Ngọc tỉnh liên phú" để tự mình tôn vinh. Vua Trần Anh Tông đọc và không tiết lời khen ngợi ông.

Mạc Đĩnh Chi sau đó được giao nhiệm vụ đi sứ sang Trung Quốc. Tại đây, nhà Nguyên đã cố tình coi thường ông dựa vào ngoại hình. Tuy nhiên, Mạc Đĩnh Chi đã dùng sự thông minh của mình để xử lý tình huống. Trong một buổi gặp quan Tể tướng, ông nhận lầm một bức tranh thêu treo trên tường là con chim sẻ vàng đậu trên cành trúc. Mạc Đĩnh Chi đã giả vờ nhận lầm và nhảy tới chụp bắt con chim ấy, khiến toàn bộ quan đại thần nhà Nguyên cười đùa và cho rằng ông là người quê mùa. Tuy nhiên, ông đã tự tay kéo bức tranh xuống và xé nát nó. Khi mọi người tò mò hỏi lý do, ông giải thích: "Tôi biết rằng các vị cổ nhân chỉ vẽ tranh về mai - tước, chưa bao giờ vẽ tranh về trúc - tước. Vì trúc là biểu tượng của mẫu người quân tử, trong khi chim sẻ là biểu tượng của bọn tiểu nhân. Bức tranh thêu này lại miêu tả con chim sẻ vàng đậu trên cành trúc, tức là đang đặt tiểu nhân lên trên quân tử. Tôi lo sợ rằng làm như vậy sẽ làm đạo đức của tiểu nhân mạnh mẽ hơn, trong khi đạo đức của quân tử sẽ bị suy yếu. Vì thế, tôi xin phép thánh triều cho phép tôi phá bức tranh này." Lúc này, tất cả đều phải khâm phục tài năng và tư duy của ông.

Một sự kiện khác cho thấy sự tài năng của Mạc Đĩnh Chi là khi ông viết bài thơ minh khi tham gia vào một cuộc chầu đầu năm của triều đình Nguyên. Hoàng đế của triều đình Nguyên đọc bài thơ và đã khen ngợi ông rất cao. Từ đó, danh tiếng của Mạc Đĩnh Chi càng lớn lên, và ông được coi là "Lưỡng quốc trạng nguyên."

Có thể khẳng định rằng Mạc Đĩnh Chi là một tài năng vượt trội và đã có những đóng góp lớn cho đất nước trong lịch sử.

Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 8

Trong hành trình lịch sử của đất nước Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến sự nảy sinh của nhiều anh hùng tài năng. Trong số họ, Trần Quốc Toản nổi lên như một biểu tượng đáng ngưỡng mộ và kính phục.

Trần Quốc Toản, hiệu là Hoài Văn hầu, thuộc dòng dõi Trần danh tiếng. Mặc dù không rõ năm sinh và năm mất, nhưng tên tuổi ông đã đi vào lịch sử với những thành tựu đáng tự hào.

Vào năm 1282, vua Trần Nhân Tông đã tổ chức Hội nghị quan trọng tại bến Bình Than, quy tụ các vương hầu và tướng lĩnh để thảo luận về chiến lược đối phó với quân giặc Mông - Nguyên. Do tuổi trẻ, Trần Quốc Toản không được tham dự sự kiện quan trọng này. Tuy nhiên, lòng tự trọng và tinh thần yêu nước không bao giờ rời xa ông. Ông đã biểu tượng hóa tinh thần quyết tâm bằng việc nắm một quả cam và bóp nát nó trong tay.

Không chấp nhận thất bại, Trần Quốc Toản đã huy động hơn nghìn gia nô và những người thân thiết để thu thập vũ khí và xây dựng chiến thuyền. Trên cờ, ông viết sáu chữ vàng: "phá cường địch, báo hoàng ân" (Phá giặc mạnh, đền ơn vua). Những lời kêu gọi và lá cờ của ông đã lan tỏa khắp nơi, truyền đi thông điệp về lòng dũng cảm và lòng yêu nước.

Năm 1285, quân Mông - Nguyên xâm lược nước ta, và lá cờ với sáu chữ vàng của Hoài Văn hầu trở nên phổ biến trên các mặt trận chiến đấu. Trần Quốc Toản đã trực tiếp lãnh đạo quân đội và góp phần quan trọng trong việc đánh bại quân địch tại các trận Hàm Tử, Tây Kết và Chương Dương. Cuối cùng, quân giặc đã phải rút lui khỏi Thăng Long và quay về Kinh Bắc (Bắc Ninh) để tìm đường thoát khỏi nước ta. Mất đi một tài năng quân lãnh, Trần Quốc Toản đã trở thành nguồn động viên lớn lao cho tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân Việt Nam.

Sau khi hy sinh, vua Trần đã tỏ lòng thương tiếc bằng việc cử hành tang lễ và viết văn tế riêng cho Trần Quốc Toản, trao tặng danh hiệu Hoài Văn Vương.

Trần Quốc Toản không chỉ xuất sắc về tài năng mà còn mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp như dũng cảm, kiên cường và nghị lực. Ông đã trở thành một biểu tượng sáng ngời về ý chí và tình yêu đối với quê hương, để lại di sản cho các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 9

Trong những thời kỳ đau thương của chiến tranh, nhiều con người dũng cảm của Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ và chiến đấu cho sự độc lập của đất nước. Một huyền thoại của vùng Đất Đỏ là Võ Thị Sáu, một nữ anh hùng vĩ đại.

Võ Thị Sáu sinh năm 1933 và ra đi vào năm 1952. Nguyên quán của cô chỉ ghi rõ là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ nhỏ, cô đã chứng tỏ tinh thần yêu nước và tham gia vào cuộc cách mạng cùng với anh trai. Cô gia nhập đội công an xung phong và đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ liên lạc và tiếp tế. Trong thời gian này, Võ Thị Sáu tham gia vào nhiều trận chiến để bảo vệ quê hương. Cô không chỉ tham gia vào những trận đánh quyết liệt, mà còn phát hiện và ngăn chặn những kế hoạch của kẻ thù, giúp đội công an thoát khỏi nguy hiểm và thậm chí tấn công địch.

Một ngày nọ, cô nhận nhiệm vụ quan trọng mang lựu đạn để thực hiện một phục kích nhằm tiêu diệt tên cai Tòng, một kẻ Việt gian bán nước đang hoạt động trong xã của mình. Mặc dù lựu đạn đã nổ, nhưng tên Tòng chỉ bị thương và không chết. Tuy nhiên, vụ tấn công này đã gây ám ảnh cho bọn lính địch và khiến họ không dám truy lùng Việt Minh như trước đây. Vào một lần thực hiện nhiệm vụ khác, Võ Thị Sáu bị bắt. Cô đã trải qua nhiều phiên thẩm vấn và bị giam giữ tại các nhà tù khác nhau, bao gồm Đất Đỏ, Bà Rịa và Chí Hòa. Trong một phiên tòa đầy tranh đấu, dù cô vẫn chưa tròn mười tám tuổi, luật sư biện hộ đã cố gắng cứu chị thoát khỏi án tử hình. Tuy nhiên, tòa án vẫn tuyên án tử hình cho Võ Thị Sáu. Cô và một số tù nhân cách mạng khác đã bị chuyển đến nhà tù Côn Đảo, nơi thực dân Pháp đã tiến hành hành quyết cô một cách lén lút.

Vào năm 1993, Nhà nước đã truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Võ Thị Sáu. Cô trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và kiên trì, ghi dấu trong lịch sử vĩ đại của đất nước.

Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 10

Dân tộc Việt Nam đã trải qua những năm tháng chiến tranh. Rất nhiều vị anh hùng đã góp phần làm nên lịch sử của dân tộc. Một trong số đó phải kể đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn. Ông sinh năm 1911, mất năm 2013. Quê tại làng An Xá, nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước, nên từ nhỏ đã được giáo dục về lòng căm thù giặc và tình yêu quê hương, đất nước.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, giao cho nắm giữ trọng trách quan trọng. Chuyện kể rằng cuối năm 1954, Ban Thường vụ T.Ư quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Trước khi ra mặt trận, Bác Hồ có hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?”. Đại tướng trả lời: “Thưa Bác, chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề gì quan trọng, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị!”. Bác bảo: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh!”.

Nhờ có sự tin tưởng tuyệt đối của Bác Hồ đã củng cố quyết tâm thực hiện phương châm tác chiến phải “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng. Kết quả là chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vẻ vang.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được coi là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông đã trở thành tấm gương sáng ngời để thế hệ sau noi theo.

Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 11

Có thể khẳng định rằng, Hai Bà Trưng được biết đến là những vị nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Vào đầu thế kỉ I, nước ta bị nhà Hán đô hộ. Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định nổi tiếng tham lam, tàn bạo. Hai chị em là Trưng Trắc, Trưng Nhị sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, nên sớm có lòng căm thù giặc. Bấy giờ, Trưng Trắc cùng chồng của mình là Thi Sách đã liên kết với các thủ lĩnh khác để chuẩn bị cho cùng nổi dậy. Ngay lúc này, Thi Sách lại bị Tô Định bắt và giết hại. Hai Bà Trưng quyết tâm khởi nghĩa để đền nợ nước, trả thù nhà.

Diễn biến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng gồm có hai giai đoạn. Lần một vào năm 40, cuộc khởi nghĩa thu hút được hào kiệt khắp nơi về gia nhập. Nghĩa quân đã nhanh chóng đánh bại được quân nhà Hán, làm chủ Mê Linh, rồi tiến về Cổ Loa và Lụy Châu. Quan thái thú Tô Định bỏ thành, chạy trốn về Nam Hải (Quảng Đông, Trung Quốc). Quân Hán ở các quận huyện khác cũng gặp thất bại. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn.

Đến năm 42, nhà Hán tiếp tục trở lại xâm lược, cử Mã Viện chỉ đạo cánh quân xâm lược này gồm có hai vạn quân tinh nhuệ, hai nghìn xe thuyền và nhiều dân phu. Chúng tấn công quân ta ở Hợp Phố, nhân dân ở Hợp Phố đã anh dũng chống trả nhưng vẫn gặp thất bại. Sau khi chiếm được Hợp Phố, Mã Viện đã chia quân thành hai đạo thủy bộ tiến Lục Đầu và gặp nhau tại Lẵng Bạc. Sau khi nhận được tin tức, Hai Bà Trưng kéo quân từ Mê Linh về nghênh chiến với địch tại Lãng Bạc. Quân ta giữ vững được Cổ Loa và Mê Linh nhưng Mã Viện tiếp tục đuổi theo buộc quân ta phải lùi về Cẩm Khê. Tháng 3 năm 43, Hai Bà Trưng hy sinh ở Cẩm Khê. Cuộc kháng chiến vẫn kéo dài đến tháng 11 năm 43 sau đó mới bị dập tắt. Dù thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vẫn có ý nghĩa to lớn.

Có thể khẳng định rằng, Hai Bà Trưng chính là tấm gương về sự dũng cảm, tấm lòng yêu nước để thế hệ sau noi theo.

Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 12

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, có nhiều tấm gương anh hùng. Người mà em thấy ấn tượng nhất đó chính là anh Phan Đình Giót.

Phan Đình Giót sinh ở làng Vĩnh Yên (nay là thôn 8), xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình rất nghèo.

Mùa đông năm 1953, đơn vị được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng hành quân gần 500 người, vượt qua nhiều đèo dốc, mang vác nặng nhưng anh vẫn kiên trì, giúp đồng đội về tới đích.

Chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954, đơn vị của anh nổ súng tiêu diệt địch ở Him Lam.

Bộ đội đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín thì bị thương vào đùi nhưng vẫn xung phong đánh tiếp quả thứ mười. Quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa. Bộ đội bị thương vong nhiều.

Sau đó, Phan Đình Giót đánh liên tiếp hai quả bộc phá nữa, phá hàng rào cuối cùng, mở thông đường để quân đội lên đánh lô cốt đầu cầu. Quân Pháp hoang mang, vận dụng thời cơ, anh vọt tiến công lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Trong đợt xung phong này, anh bị thương vào vai và đùi, mất máu rất nhiều.

Bất ngờ, hỏa điểm lô cốt số 3 của lính Pháp bắn mạnh. Lực lượng xung kích Việt Nam bị ùn lại, Phan Đình Giót bò đến lô cốt số 3 với ý nghĩ là dập tắt ngay lô cốt này. Phan Đình Giót đã dùng sức (khi đã bị thương, mất máu) nâng tiểu liên bắn vào lỗ châu mai, miệng hô to: "Quyết hy sinh… vì Đảng… vì dân"

Rồi sau đó, Phan Đình Giót lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai. Do thi thể Phan Đình Giót đã lấp kín lỗ châu mai, quân Pháp bên trong bị vướng không bắn ra được nữa, quân Việt Nam chớp cơ hội xung phong tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam vào ngày 13 tháng 3 năm 1954, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phan Đình Giót đã hy sinh lúc 22 giờ 30 phút ngày 13/3/1954 ở tuổi 34. Anh là một trong 16 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tuyên dương thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tinh thần quả cảm hy sinh vì tổ quốc, độc lập dân tộc của anh Phan Đình Giót sẽ luôn là tấm gương sáng mãi về sau.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 7 hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 7 hay khác:


Giải bài tập lớp 7 Cánh diều khác