Soạn bài Gió lạnh đầu mùa (trang 67, 73, 74) - Kết nối tri thức

Với soạn bài Gió lạnh đầu mùa trang 67, 68, 69, 70, 71, 72, 73, 74 Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 6.

Bài giảng: Gió lạnh đầu mùa - Bộ sách kết nối tri thức - Cô Trương San (Giáo viên VietJack)

* Trước khi đọc

Câu 1 (trang 67 sgk Ngữ văn lớp 6 Tập 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống):

- Kể về sự giúp đỡ, chia sẻ của bản thân: 

+ Ủng hộ sách vở, quần áo cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, lũ lụt, … 

+ Được bạn cùng lớp đèo về nhà khi trên đường xe của em bị hỏng, 

Câu 2 (trang 67 sgk Ngữ văn lớp 6 Tập 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống):

- Đọc nhan đề “Gió lạnh đầu mùa”, em dự đoán nhà văn sẽ kể về thời tiết giá lạnh, khắc nhiệt và sự chia sẻ, giúp đỡ mà con người dành cho nhau. 

* Đọc văn bản

Gợi ý trả lời câu hỏi trong bài đọc: 

1. Theo dõi: Chú ý những cảm nhận của Sơn về thời tiết và cảnh vật.  

- Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. 

- Trời không u ám, toàn một màu trắng đục.

- Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét. 

- Sơn thấy lạnh. 

2. Dự đoán: Chiếc áo bông cũ có xuất hiện ở phần tiếp theo của truyện không?  

- Chiếc áo có thể xuất hiện ở phần tiếp theo của truyện. 

3. Theo dõi: Chú ý các chi tiết miêu tả ngoại hình của các bạn nhỏ ở ngoài chợ. 

- Các bạn nhỏ ở ngoài chợ ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo màu nâu bạc đã vá nhiều chỗ. 

- Môi chúng tím lại và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau. 

4. Theo dõi: Dáng vẻ bề ngoài của bé Hiên được miêu tả như thế nào? 

- Hiên đứng co ro bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. 

5. Theo dõi: Chú ý những chi tiết miêu tả suy nghĩ, cảm xúc của Sơn. 

- Sơn nhớ là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. 

- Sơn thấy động lòng thương như thương em Duyên ngày trước vẫn chơi cùng với Hiên. 

- Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, mang cho Hiên cái áo bông cũ. 

- Sơn đứng lặng yên đợi, lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui. 

6. Theo dõi: Chú ý lời đối thoại giữa vú già với Sơn, giữa hai chị em Sơn. 

- Cuộc đối thoại giữa vú già với Sơn: Rồi vú già nhìn rõ vào mặt Sơn hỏi: … bảo cái Hiên trả lại thì không việc gì. 

- Cuộc đối thoại giữa chị em Sơn: Lan trách em: … có lẽ mợ không mắng đâu. 

7. Dự đoán: Theo em, mẹ Sơn có phạt hai chị em Sơn không? Điều gì khiến em suy đoán như vậy? 

- Mẹ Sơn có thể sẽ phạt 2 chị em, vì không hỏi ý kiến mẹ mà tự tiện lấy áo cho người khác. Hơn nữa đó lại là chiếc áo của em Duyên đã mất từ năm lên 4 tuổi mẹ giữ lại làm kỉ niệm. 

- Mẹ Sơn không phạt 2 chị em vì dù sao chiếc áo bông cũ đó chị em Sơn cũng mặc không vừa nên không dùng đến. Hơn nữa mẹ Sơn lại là người hay thương và giúp đỡ những người nghèo khổ. 

8. Đối chiếu: Em có đoán đúng những gì xảy ra trong phần kết của câu chuyện này không? 

- Em không đoán đúng những gì xảy ra trong phần kết của câu chuyện. 

- Em dự đoán đúng những gì xảy ra trong phần kết. 

* Sau khi đọc

Nội dung chính: 

Sơn và Lan là hai chị em sinh ra trong một gia đình khá giả. Không giống như những đứa trẻ có điều kiện khác, hai chị em Sơn, Lan luôn hòa đồng, gần gũi với những đứa trẻ nghèo cùng phố huyện. Vào một ngày trời chuyển lạnh, hai chị em mặc áo ấm ra chợ chơi thấy Hiên – cô bé hàng xóm đang co ro bên cột quán với manh áo mong manh, rách tả tơi. Thấy vậy, hai chị em bèn đem tặng Hiên chiếc áo bông cũ. Chính chiếc áo bông ấy đã thắp sáng tình yêu thương, sưởi ấm cho Hiên cũng như những đứa trẻ nghèo nơi đây qua mùa đông giá rét. Câu chuyện đã để lại dư âm trong lòng độc giả, khiến độc giả vừa thấm thía nỗi khổ đau, bất hạnh, hoàn cảnh éo le của những con người nghèo khổ, vừa cảm nhận sâu sắc tình người ấm nồng, cao quý, thiêng liêng; từ đó thêm trân trọng cuộc sống này hơn.

Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc: 

Câu 1 (trang 73 sgk Ngữ văn lớp 6 Tập 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống):

- Câu chuyện được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ ba. Người kể chuyện giấu mặt, không xuất hiện và xưng tên. 

Câu 2 (trang 73 sgk Ngữ văn lớp 6 Tập 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống):

- Một số chi tiết hình ảnh miêu tả thái độ của chị em Sơn với các bạn nhỏ: 

+ Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với những đứa trẻ nhà nghèo chứ không kiêu kì và khinh khỉnh như các em họ của Sơn. 

+ Sơn nhận thấy các bạn nhỏ ở ngoài chợ ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo màu nâu bạc đã vá nhiều chỗ. Môi chúng tím lại và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau. 

+ Chị Lan giơ tay vẫy cái Hiên lại chơi cùng. 

+ Sơn lại gần cái Hiên và thấy nó chỉ có một manh áo rách tả tơi,… 

+ Sơn nhớ là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. 

+ Sơn thấy động lòng thương như thương em Duyên ngày trước vẫn chơi cùng với Hiên. 

+ Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, mang cho Hiên cái áo bông cũ. 

+ Chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. 

+ Sơn đứng lặng yên đợi, lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui. 

→ Các chi tiết này gợi ra cuộc sống sung túc của chị em Sơn và cuộc sống nghèo khổ của các bạn nhỏ nơi xóm chợ trong truyện. Qua đó người đọc cảm nhận được tình cảm trong sáng của trẻ thơ và tâm hồn, tấm lòng nhân hậu của chị em Sơn. 

Câu 3 (trang 73 sgk Ngữ văn lớp 6 Tập 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống):

- Khi nghe mẹ và vú già nói chuyện: “Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá” và hiểu nỗi lòng của mẹ: “Sơn thấy mẹ hơi rơm rớm nước mắt”. 

- Khi nhớ ra cảnh sống nghèo khổ của gia đình Hiên: “Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên,…” 

→ Những ý nghĩ ấy cho thấy Sơn là một cậu bé sống rất tình cảm, giàu lòng trắc ẩn, biết quan tâm và yêu thương người thân, bạn bè. 

Câu 4 (trang 73 sgk Ngữ văn lớp 6 Tập 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống):

- Khi cùng chị Lan mang chiếc áo bông cũ cho Hiên: “Sơn đứng lặng yên đợi, lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.”

→ Chúng ta cảm nhận được niềm vui khi chia sẻ, giúp đỡ người khác và hạnh phúc ngọt ngào, ấm áp của sự trao tặng yêu thương. 

Câu 5 (trang 73 sgk Ngữ văn lớp 6 Tập 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống):

- Hành động vội vã đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông cũ không làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn vì: Nhà văn miêu tả đúng với đặc điểm của một em nhỏ thơ ngây : Sơn sợ bị mẹ mắng và có lẽ lúc đó em mới hiểu mẹ rất quý chiếc áo bông cũ ấy…. 

→ lối miêu tả tự nhiên, chân thực của Thạch Lam khi khắc họa nhân vật trẻ em. 

Câu 6 (trang 73 sgk Ngữ văn lớp 6 Tập 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống):

- Cách ứng xử của mẹ Hiên và mẹ Sơn trong phần kết truyện: 

+ Mẹ Hiên mang trả mẹ Sơn chiếc áo bông → Cách cư xử đúng đắn, tự trọng của một người mẹ nghèo khổ. 

+ Mẹ Sơn không cho bé Hiên chiếc áo bông cũ mà lại cho mẹ Hiên vay tiền để may áo mới cho con. → Cách cư xử nhân hậu, tế nhị của một người mẹ có điều kiện, sống khá giả hơn. 

+ Mẹ Sơn không trách mắng các con mà ôm các con vào lòng và nói: “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?” → Với các con, mẹ Sơn cư xử vừa nghiệm khắc vừa ấm áp, yêu thương. Củ chỉ và lời nói của bà giúp các con hiểu rằng: không nên tự tiện lấy áo của mẹ đem cho (mà cần phải xin phép mẹ) nhưng mẹ vui vì các con biết chia sẻ, giúp đỡ người khác…. 

Câu 7 (trang 73 sgk Ngữ văn lớp 6 Tập 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống):

- Em thích các đoạn văn này vì chúng giúp em hiểu về thiên nhiên, hình dung được khung cảnh diễn ra câu chuyện và giúp em cảm nhận về đặc điểm nhân vật Sơn. 

- Một số đoạn văn miêu tả thiên nhiên, những đổi thay của đất trời khi mùa đông đến : 

+ Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy … như sắt lại vì rét. 

+ Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh ….nhịp guốc của hai chị em. 

→ Thạch Lam đã nắm bắt, tái hiện được sự đổi thay của thời tiết, cảnh vật lúc giao mùa; đồng thời thể hiện được tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của nhân vật Sơn. 

Câu 8 (trang 74 sgk Ngữ văn lớp 6 Tập 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống):

- So sánh điểm giống và khác nhau giữa hai nhân vật: cô bé bán diêm (Cô bé bán diêm) và bé Hiên (Gió lạnh đầu mùa) 

+ Điểm giống: Cả hai đều là những em nhỏ cùng lứa tuổi. Hoàn cảnh sống khó khăn, nhà nghèo, đều phải mặc những manh áo rách tả tơi, không có đủ áo ấm để mặc trong mùa đông giá rét. 

+ Điểm khác: Cô bé bán diêm phải sống trong sự thiếu thốn tình thương của người cha, không được chăm sóc, yêu thương; sống giữa sự thờ ơ, vô cảm của những người xung quanh, kết cục em phải chịu cảnh chết đói, chết rét ngay trong đêm giao thừa. Còn cô bé Hiên mặc dù nhà nghèo, không có đủ áo ấm để mặc trong mùa đông nhưng vẫn được bạn bè sẻ chia, yêu thương, giúp đỡ. Cuối truyện, mẹ Sơn còn cho mẹ bé Hiên mượn tiền để may áo cho em. 

* Viết kết nối với đọc 

Bài tập (trang 74 sgk Ngữ văn lớp 6 Tập 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống):

Có nhiều nhân vật trẻ em xuất hiện trong truyện “Gió lạnh đầu mùa”. Hãy viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) trình bày cảm nhận về một nhân vật mà em thấy thú vị. 

Đoạn văn tham khảo:

Truyện “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam có rất nhiều nhân vật trẻ em, trong đó để lại ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là nhân vật Sơn. Sơn ở nhà với mẹ, với chị Lan, với vú già và cả em nhỏ… Ngủ dậy thấy lạnh, Sơn “kéo chăn lên đắp cho em” đang ngủ. Khi mẹ giơ cái áo bông cánh cũ của em Duyên – đã chết năm lên bốn tuổi – “Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá”. Những cử chỉ ấy, những cảm xúc ấy cho thấy Sơn có một tâm hồn rất đẹp, rất trong sáng, còn bé nhỏ đã biết quan tâm săn sóc đến mọi người xung quanh. Em rất yêu mẹ, vâng lời mẹ, lễ phép với vú già, biết tôn trọng chị. Không chỉ vậy em còn sống với bạn bè rất có tình người. Trong lúc mấy đứa em họ của Sơn thì “kiêu kì và khinh khỉnh” với các bạn, trái lại Sơn và chị Lan rất chan hòa với chúng. Vì thế khi mới thấy chị em Sơn đến cùng chơi đánh khăng, đánh đáo, chúng nó “lộ vẻ vui mừng”. Gặp bạn, buổi sớm trong gió lạnh đầu mùa, cái nhìn của Sơn đối với bạn nhỏ, những thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc,… là cái nhìn yêu thương, cảm thông với cảnh nghèo của bạn. Tình thương và sự quan tâm của Sơn đối với bạn còn được thể hiện bằng những cử chỉ, hành động cụ thể. Thấy cái Hiên, đứa con gái bên hàng xóm, bạn chơi với Lan và Duyên vì nhà quá nghèo, không có đủ áo ấm để mặc. Sơn đã “động lòng thương”, nói thầm với chị Lan về lấy chiếc áo bông cũ của em Duyên đem cho cái Hiên mặc khi gió lạnh đầu mùa đã thổi về. Sơn thấy lòng mình “ấm áp vui vui” khi đứng lặng yên chờ chị Lan chạy về lấy áo. Tấm lòng của Sơn đối với bạn nhỏ rất chân thành. Tinh cảm nhường cơm sẻ áo cho bạn rất mãnh liệt! Mặc dù đó là chiếc áo bông của em Duyên, kỉ vật thiêng liêng của mẹ, mặc dù sau đó mẹ cái Hiên đã đem áo đến trả cho mẹ Sơn, nhưng nhờ thế mà mẹ em đã biết cảnh ngộ mẹ cái Hiên, cho mẹ cái Hiên vay năm hào đem về mua áo cho con. Sơn và chị Lan đã “cúi đầu lặng im” nhận lỗi. Hai chị em Lan và Sơn đã được dạy bảo, được sống trong lòng mẹ, được mẹ yêu thương nên Sơn và chị mới biết thương bạn như vậy. Sơn là một trong những gương mặt tuổi thơ trong truyện Thạch Lam rất đáng yêu, đáng mến. Thạch Lam đôn hậu, tinh tế nên văn ông mới đậm đà và cho ta nhiều nhã thú như vậy. Trong gió lạnh đầu mùa mà lòng Sơn và mỗi bạn đọc chúng ta sao thấy ấm áp đến lạ kì !  

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 6 Kết nối tri thức với cuộc sống hay nhất, ngắn gọn khác:


Các loạt bài lớp 6 Kết nối tri thức khác