Top 20 Thuyết minh về một phong trào xã hội diễn ra trong lịch sử nước nhà

Tổng hợp trên 20 bài văn thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội: một phong trào xã hội diễn ra trong lịch sử nước nhà hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Văn bản thuyết minh về một phong trào xã hội diễn ra trong lịch sử nước nhà - mẫu 1

Nằm trong số những di tích lịch sử nổi tiếng của nước ta đó là Bến Nhà Rồng nơi Bác Hồ vĩ đại của chúng ta ra đi tìm đường cứu nước qua các nước phương Tây. Nơi đây chứa đựng những hình ảnh lịch sử của đất nước.

Bến Nhà Rồng hiện nay nằm ở đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Xưa kia nơi đây là thương cảng lớn thu hút rất nhiều tàu bè qua lại, do Công ty Vận tải Pháp là Messageries Maritimes xây dựng vào năm 1863. Ngôi nhà xây dựng vào thời từ 1862 đến năm 1863 mới hoàn thành, ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc phương Tây với trên nóc gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng, tên gọi Bến Nhà Rồng cùng được xuất phát từ chính đặc điểm này.

Sau thời gian kháng chiến của nhân dân, thực dân Pháp thất bại thì Bến Nhà Rồng được chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý và sửa hai con rồng lại với tư thế quay ra. Sau năm 1975 Bến Nhà Rồng được chuyển giao cho nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam trực tiếp quản lý.

Bến cảng vị trí giữa quận 1 và quận 4, vị trí thuận lợi và phía trước là bến Bạch Đằng. Buổi tối khi thành phố lên đèn nhìn từ xa bạn sẽ thấy bên càng nổi bật nhất với nhiều ánh đèn trang trí lung linh và huyền ảo. Bến cảng thiết kế theo kiến trúc Đông Tây kết hợp,các kiến trúc xưa đều còn nguyên vẹn cho đến hôm nay.

Đối với những người Việt Nam Bến Nhà Rồng là một kỷ niệm mang giá trị lịch sử, vào năm 1911 chàng trai trẻ có tên Nguyễn Tất Thành bước xuống con tàu Latouche Treville ra đi bốn phương để tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam đang trong tình cảnh bị nô lệ, lầm than. Hiện nay, nơi này cũng lưu giữ nhiều giá trị hiện vật có giá trị, về cuộc đời cũng như sự nghiệp của Người, qua đó người xem sẽ hiểu hơn về một trong những con người anh hùng dân tộc, vĩ đại. Bảo tàng cũng là nơi thu hút hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm và khám phá thêm về Người.

Ngày nay, Bến Nhà Rồng là địa chỉ quen thuộc vẫn đang tiếp đón nhiều thế hệ con cháu đến thắp nhang, tìm hiểu về lịch sử và cuộc đời của Người, đồng thời tỏ lòng tôn kính, yêu mến vị lãnh tụ của dân tộc.

Bến Nhà Rồng luôn là một chứng tích lịch sử không chỉ là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước mà còn thể hiện sự ngoan cường, tinh thần bất khuất của cả dân tộc Việt Nam.

Văn bản thuyết minh về một phong trào xã hội diễn ra trong lịch sử nước nhà - mẫu 2

Nghệ An vốn từ ngàn đời nay vẫn nổi danh là vùng đất của những người con hiếu học và tài năng, trong thế kỷ XX đầy biến động của đất nước vùng đất xứ Nghệ lại trở thành cái nôi của Cách mạng là khởi thủy của phong trào cách mạng vô sản với cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đồng thời miền đất này cũng là nơi sinh ra những người con ưu tú, có nhiều đóng góp to lớn cho Tổ quốc với một loạt các cái tên nổi tiếng như: Phan Bội Châu, Nguyễn Xuân Ôn, Đặng Thái Thân, Phan Đình Phùng; các lãnh đạo Cộng sản như: Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Duy Trinh…

Và trong số đó nổi bật và sáng hơn cả chính là vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, người đã có công lãnh đạo Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi bằng cả cuộc đời mình. Chính vì thế khi về với Nghệ An, hầu hết những người con tứ xứ đều mong muốn được một lần ghé thăm khu di tích Kim Liên, thường gọi chung là làng Sen, nơi gắn bó với tuổi thơ của Hồ Chủ tịch để tìm chút hoài niệm và tỏ lòng thành kính với người anh hùng bậc nhất của dân tộc.

Làng Sen là tên thường gọi, còn tên chính thức của ngôi làng mà Bác sinh sống khi ấu thơ là làng Kim Liên, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là quê cha của Bác. Ngôi làng cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 16 km về phía Tây, nằm gần hai ngọn núi Chung và núi Đại Huệ. Quy mô của khu di tích nằm trong khoảng 205 ha, với các điểm di tích cách nhau từ 2-10km. Làng Sen hiện nay được xem là một trong 4 khu di tích quan trọng bậc nhất trong gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, được thủ tướng chính phủ xếp vào một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt, cần giữ gìn và bảo tồn chặt chẽ.

Sở dĩ được gọi là làng Sen bởi nơi đây ngoài khung cảnh quen thuộc như bến nước, gốc đa, sân đình, lũy tre làng như bất cứ làng quê nào ở Việt Nam, thì làng Sen còn đặc biệt nổi bật với những hồ Sen, đầm Sen dày đặc, không chỉ là sinh kế gắn liền với cuộc sống của con người nơi đây. Mà còn trở thành một dạng cảnh quan đặc biệt, với những bông sen hồng bung nở khi vào mùa, tỏa hương thơm thoang thoảng cả một vùng, khí tiết thanh bình như chốn ở của tiên của phật.

Đối với những du khách từ xa tới, đi du lịch vừa muốn được ngắm sen nở, vừa muốn tham quan cụm di tích gắn liền với Bác, thì nên cân nhắc thời gian đi. Xét theo mùa sen nở rộ thì thời điểm tháng 5 ngay vừa lúc giữa mùa hạ, chính là lúc hoa nở nhiều và đẹp nhất. Khi di chuyển đến làng Sen chúng ta sẽ không phải mất nhiều thì giờ tìm kiếm đầm sen bởi nó nằm ở ngay đầu làng, nếu đi đúng dịp thì đó quả thực là một khung cảnh tuyệt vời, đủ nét nên thơ trữ tình, khiến du khách không khỏi trầm trồ, thán phục.

Đi qua hồ Sen là tới giếng Cốc, là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng, thuở thơ ấu cậu bé Nguyễn Sinh Cung cũng từng nhiều lần vâng lệnh cha đi gánh nước về sinh hoạt, đồng thời cũng là nơi thuở nhỏ Bác vui chơi đùa nghịch với bạn bè cùng trang lứa. Đi một đoạn không xa nước, ta thấy thấp thoáng sau lũy tre già xanh mát ấy chính là ngôi nhà đơn sơ, giản dị của gia đình Bác, nơi Bác từng có khoảng thời gian 5 năm gắn bó. Phía trước căn nhà là một lối đi nhỏ hai bên được trang trí bằng hàng râm bụt cắt tỉa gọn gàng, mùa nào cũng cho những đóa hoa đỏ hồng rực rỡ, đầy sức sống.

Tiến vào trong sân một không gian làng quê, cổ kính lập tức hiện ra trước mắt ta với một gian nhà 5 gian lợp mái tranh, vách nứa của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ngôi nhà này vốn là món quà thưởng do dân làng Sen dựng lên bằng tiền công quỹ, để mừng cụ đỗ đạt, mang lại vinh dự cho làng, với tấm lòng trân trọng, mến mộ tài năng thân phụ của Bác. Ngôi nhà được cụ phó bảng dành ra hai gian, một gian đặt bàn thờ người vợ mất sớm là bà Hoàng Thị Loan, gian còn lại để tiếp khách khứa.

Một gian dành cho bà Nguyễn Thị Thanh – con gái cả của cụ, một gian để cụ đặt án thư dạy học cho các con, và kê thêm một chiếc phản gỗ lớn để cụ nghỉ ngơi, cũng như là nơi quây quần bà con trong những buổi uống trà nói chuyện. Gian cuối cùng là nơi ở của Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung, tức hai con trai của cụ phó bảng. Ngoài 5 gian nhà chính thì bên cạnh còn một gian nhà ngang, ấy là nơi nấu nướng.

Tuy là người đỗ đạt, có vai vế thế nhưng nếp sống và nếp sinh hoạt của cả nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc hết sức giản dị đơn sơ, từ cái bàn thờ làm bằng liếp tre, trên có mảnh chiếu nhỏ, bát hương với đôi nến và một tấm bài vị bằng gỗ, cho đến những chiếc chõng tre, chum vại mộc mạc được dân làng yêu mến biếu tặng. Tất cả đều bộc lộ một nếp sống đơn sơ, giản dị, gắn bó với làng quê của cả gia đình người lãnh tụ vĩ đại. Và cũng có lẽ rằng sự gắn bó và am hiểu nhân dân ấy đã sớm rèn rũa cho Bác một đức tính cần kiệm, liêm khiết, một lòng vì nhân dân phục vụ.

Ngoài hồ sen và gian nhà của Bác, thì mộ của cụ Hoàng Thị Loan, mẹ ruột Bác cũng là một trong những điểm đáng chú ý của cụm di tích Kim Liên. Ngôi mộ nằm trên lưng núi Động Tranh, thuộc dãy núi Đại Huệ, được xây dựng từ ngày 19 tháng 5 năm 1984 đến ngày 16 tháng 5 năm 1985. Với phần mái che cách điệu trông giống hình chiếc khung cửi, vật vẫn gắn bó với bà thuở sinh thời, làm kế sinh nhai để bà nuôi các con thơ, bên trên phần mộ hiện nay được phủ bởi hoa giấy, trông rất nhẹ nhàng, yên bình.

Khu di tích làng Sen (Kim Liên) là một trong những khu di tích quan trọng, mỗi năm hấp dẫn hàng triệu lượt du khách về thăm không chỉ bởi vẻ đẹp sự yên bình của làng Sen. Mà nơi đâu còn in dấu những ký ức đầu đời của vị lãnh tụ kính yêu, vĩ đại bậc nhất của dân tộc, cho những người con đất Việt được một chút lòng tưởng nhớ, thương yêu về người cha già của dân tộc dựa trên những chứng tích còn sót lại từ văn thư, đồ dùng, tất cả đều có hơi thở của Hồ Chí Minh.

Văn bản thuyết minh về một phong trào xã hội diễn ra trong lịch sử nước nhà - mẫu 3

Nếu ai đã đến trung tâm Sài Gòn, hãy một lần ghé thăm dinh Độc Lập, hay còn gọi là dinh Thống Nhất một công trình tọa lạc trên mảnh đất rộng 15ha ngay giữa trung tâm thành phố. Công trình in đậm dấu ấn thời gian và lịch sửa nhưng cũng rất nên thơ và lãng mạn…. Sau khi chiếm đóng được luc tỉnh Nam Kỳ, ngày 23/02/1868 viên thống đốc Nam Kỳ đã cho xây dựng Dinh Thống Đốc Nam Kỳ mới tại Sài Gòn. Ngày nay toà nhà nằm ở cuối đường Lê Duẩn, trong khuôn viên rộng 12ha được bao bọc bởi bốn trục đường Nguyễn Thị Minh Khai – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Du và Huyền Trân Công Chúa, thuộc địa bàn quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Dinh có nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ như: dinh Norodom (1889 – 1954), dinh Thủ tướng (9-1954 – 10-1956), dinh Độc Lập (10-1956 – 10-1976) và ngày nay là Hội trường Thống Nhất. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của nước nhà.

Toàn thể bình diện của Dinh làm thành hình chữ CÁT có nghĩa là tốt lành, may mắn; Tâm của Dinh là phòng Trình quốc thư; Lầu thượng là Tứ phương vô sự lầu hình chữ KHẨU để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận. Hình chữ KHẨU có cột cờ chính giữa sổ dọc tạo thành hình chữ TRUNG như nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên. Nét gạch ngang được tạo bởi mái hiên lầu tứ phương, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành hình chữ TAM. Theo quan niệm dân chủ hữu tam:” Viết nhân, Viết minh, Viết võ”, ý mong muốn một đất nước hưng thịnh thì phải có những con người hội đủ 3 yếu tố Nhân, Minh, Võ. Ba nét gạch ngang này được nối liền nét sổ dọc tạo thành hình chữ VƯƠNG, trên có kỳ đài làm thành nét chấm tạo thành hình chữ CHỦ tượng trưng cho chủ quyền đất nước. Mặt trước của dinh thự toàn bộ bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi.

Kể từ khi hoàn thành thì đây luôn được chính quyền Sài Gòn chọn đặt các cơ quan đầu não, là nơi chứng kiếnsự can thiệp quân sự của nước ngoài gây chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam, là nơi ra đời nhiều chính sách phản lại nhân dân của Tổng thống Việt Nam cộng hòa NguyễnVăn Thiệu. Nhưng điều gì phải đến đã đến. Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 10h45 ngày 30/4/1975 xe tăng mang số hiệu 843 của quân giải phóng thuộc Ðại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 230, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Ðộc lập, tiếp đó xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào Dinh….

11h30 cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận – Ðại đội trưởng chỉ huy xe 843 đã hạ lá cờ 3 sọc xuống, kéo lá cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên. Cờ phấp phới tung bay trên nóc Dinh, kết thúc 30 năm chiến tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc Việt Nam. Cũng chính vào giờ phút này, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài gòn đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh : Nhân dân 2 miền Nam – Bắc đã xum họp một nhà. Tinh thần và ý chí của nhân dân Việt Nam là độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà đã toàn thắng.

Tháng 11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước đã diễn ra tại đây. Dinh Độc Lập trở thành Hội Trường Thống Nhất. Với những ý nghĩa lịch sử trọng đại đó, năm 1976 Dinh đã được Nhà nước đặc cách công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Dinh Ðộc lập (Quyết định số 77A/VHQÐ ngày 25/6/1976).

Ngày nay Dinh Độc Lập là nơi hội họp của Chính Phủ, nơi tiếp đón các Nguyên thủ Quốc gia, và là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia được đông đảo du khách trong nước và ngoài nước đến tham quan.

Văn bản thuyết minh về một phong trào xã hội diễn ra trong lịch sử nước nhà - mẫu 4

Phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh là một sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy chỉ tồn tại trong vòng 7 tháng và còn sơ khai, nhưng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ. Quốc tế Cộng sản đã nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao phong trào.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đầu năm 1930 phong trào đấu tranh của Nhân dân bùng lên mạnh mẽ khắp cả nước. Phong trào đấu tranh đặc biệt mạnh mẽ từ Ngày Quốc tế Lao động 01 - 5 - 1930, lần đầu tiên công nông và dân chúng tỏ rõ dấu hiệu đoàn kết với vô sản thế giới và biểu dương lực lượng của mình. Mặc dù cách xa nhau cả ngàn cây số, ba cuộc biểu tình của nông dân diễn ra ở Tiền Hải (Thái Bình), Bến Thủy (Nghệ An) và Chợ Mới (Long Xuyên) đều do Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương và phát động. Từ thành phố cho đến nông thôn, khắp cả nước xuất hiện nhiều truyền đơn, cờ Đảng, mít tinh, bãi công, biểu tình, tuần hành thị uy. Một phong trào nông dân rộng lớn chưa hề thấy, đã diễn ra trên 25 tỉnh thành trong cả nước.

Ngày 01/8/1930, công nhân Vinh - Bến Thủy tổng bãi công, đánh dấu thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt đã đến. Hòa nhịp với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ - Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ kéo đến các huyện đường Can Lộc, Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc…

Tháng 9/1930, phong trào công - nông phát triển tới đỉnh cao; quần chúng đã vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương. Đặc biệt, cuộc đấu tranh của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12/9/1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh - Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và phong kiến tay sai. Thực dân Pháp cho máy bay tới ném bom, làm 217 người chết, 125 người bị thương, càng làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân vùng lên như bão táp, bộ máy chính quyền của thực dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã. Các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô Viết.

Chính quyền Xô Viết đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách đem lại lợi ích chính đáng cho Nhân dân như: Ban bố quyền tự do dân chủ, tổ chức cho Nhân dân tham gia các đoàn thể cách mạng, trừng trị bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh; chia lại công điền, công thổ cho nông dân, thực hiện giảm tô, xóa nợ, thủ tiêu các thứ thuế vô lý... Chính quyền Xô Viết tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của mình - thực sự là một chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao Xô Viết - Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp ở nước ta. Thành công có tính chiến lược của Đảng trong giai đoạn này là thực hiện công nông liên minh, một cuộc liên minh chiến đấu, không phải cuộc liên minh trên giấy tờ ở trong phòng họp, một cuộc liên minh của đa số đồng bào Việt Nam, làm cho đế quốc suy đến triển vọng mà kinh hoàng. Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của cao trào cách mạng 1930 - 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi sau này”.

Cao trào 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã để lại bài học lớn về sức lôi cuốn, tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân của Đảng ta thông qua đường lối, chủ trương, khẩu hiệu đấu tranh đúng đắn, đáp ứng được khát vọng cháy bỏng của Nhân dân. Quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản được thực hiện trọn vẹn, tuy Đảng còn rất trẻ. Đảng ta ngay từ đầu đã giúp Nhân dân cảm nhận được những lợi ích cơ bản và cấp bách của mình thông qua các chủ trương, khẩu hiệu đúng đắn là giành độc lập thoát khỏi ách nô lệ, giành ruộng đất, nhà máy về tay công nông, thực hiện những quyền dân sinh, dân chủ cơ bản đầu tiên...; từ đó khơi dậy và thúc đẩy động lực cách mạng trong Nhân dân.

Chín mươi năm trước, với khí thế tiến công hừng hực, nhân dân ta đã làm nên một cao trào cách mạng vô cùng mạnh mẽ, đó là cao trào cách mạng 1930 - 1931, mà với đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Thời gian tuy lùi xa, nhưng giá trị tinh thần và hào khí của Xô Viết - Nghệ Tĩnh vẫn luôn bất diệt.

Văn bản thuyết minh về một phong trào xã hội diễn ra trong lịch sử nước nhà - mẫu 5

Phong trào Đông Du là một phong trào cách mạng ở Việt Nam đầu thế kỷ XX với mục đích nhằm kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản) học tập, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ cho việc giành lại độc lập nước nhà. Lực lượng nòng cốt cổ động và thực hiện phong trào là Duy Tân hội và Phan Bội Châu.

Đầu thế kỷ 20, Pháp đã hầu như hoàn thành quá trình bình định Việt Nam, dẹp yên các cuộc nổi dậy đòi độc lập trong nước. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Đề Thám chỉ còn hoạt động ở diện hẹp (bị dập tắt vào năm 1913). Năm 1903, Phan Bội Châu, một sĩ phu yêu nước người Nghệ An, bắt đầu đi vào Nam ra Bắc để liên hệ và để thành lập một tổ chức cách mạng.

Đầu năm 1904, sau khi từ Nam Kỳ về, ngày 8 tháng 4 năm Giáp Thìn (1904), Phan Bội Châu cùng Kỳ Ngoại hầu Cường Để (cháu 5 đời của Hoàng Tử Cảnh) và hơn 20 đồng chí khác họp tại nhà riêng của Nguyễn Hàm (còn có tên là Nguyễn Thành, Nguyễn Tiểu La) tại Nam Thịnh sơn trang (Thăng Bình, Quảng Nam) lập ra một tổ chức bí mật có tên là Duy Tân hội. Kỳ Ngoại hầu Cường Để được mời làm Hội chủ để thu phục nhân tâm tập hợp sĩ phu yêu nước, tranh thủ sự đồng tình và giúp đỡ của nhiều người trong nước. Còn Phan Bội Châu, Nguyễn Hàm, Trình Hiền, Lê Võ, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân... đều là những hội viên trọng yếu, đảm nhận mọi hoạt động của hội.

Sau khi bàn bạc, hội nghị thành lập hội đã đề ra ba nhiệm trước mắt, đó là: Phát triển thế lực hội về người cũng như về tài chính, xúc tiến chuẩn bị bạo động và các công việc khác sau khi khởi phát bạo động, xác định phương châm ra nước ngoài cầu viện, và cách thức tiến hành. Ngày 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ (23/2/1905), Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ (một thành viên cũ của phong trào Cần Vương, làm người dẫn đường) xuống tàu thủy tại Hải Phòng, theo đường biển bí mật sang Quảng Đông, Hồng Kông, Thượng Hải rồi đi tới Yokohama, Nhật Bản. Đến nơi Phan Bội Châu gửi thư xin gặp Lương Khải Siêu, một nhà cách mạng người Trung Quốc. Trong cuộc bút đàm, Lương Khải Siêu khuyên Phan Bội Châu không tìm cách cầu ngoại viện (nhất là không nên đem quân đội Nhật vào nước) để lấy lại độc lập; mà nên chú trọng việc giáo dục và thức tỉnh nhân dân trong nước trước, khi có thời cơ tốt thì ai nấy đều đã sẵn sàng để làm cuộc nổi dậy...

Sau đó, Lương Khải Siêu còn giới thiệu Phan Bội Châu với hai nhân vật quan trọng của Đảng Tiến Bộ đang cầm quyền ở Nhật Bản, là Bá tước Okuma Shigenobu và Chính khách Inukai Tsuyoshi để xin chính phủ Nhật giúp đỡ Việt Nam đánh đuổi Pháp. Nhưng hai người này cho rằng thời điểm đó chưa thích hợp để Nhật có thể giúp đỡ về quân sự, chỉ khuyên Phan Bội Châu đưa Cường Để sang Nhật, viết sách báo để tranh thủ sự đồng tình của dư luận thế giới, đồng thời cổ động thanh niên sang Nhật học tập để chờ đợi thời cơ.

Sau khi bị Nhật Bản từ chối giúp đỡ binh lực cho hội, Phan Bội Châu đã chuyển hướng từ "cầu viện" sang "cầu học". Tháng 6 năm Ất Tỵ (1906), Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính mang một số sách "Việt Nam vong quốc sử" bí mật về nước. Phan Bội Châu cùng các thành viên nòng cốt trong hội Duy Tân, sau khi bàn bạc đã đề xướng việc lập các hội nông, công, thương, để vừa tập hợp đoàn kết lực lượng, vừa lấy đó làm cơ sở kêu gọi thanh niên xuất dương và là cơ quan tài chính giúp đỡ phong trào Đông Du.

Song song với các hoạt động trên, các thành viên của phong trào còn sáng tác nhiều thơ ca yêu nước như: "Hải ngoại huyết thư", "Việt Nam Quốc sử khảo", "Tân Việt Nam", "Sùng bái giai nhân" (Phan Bội Châu), "Viễn hải quy hồng" (Nguyễn Thượng Hiền), "Kính cáo toàn quốc" (Cường Để), v.v...gửi về nước tuyên truyền cổ động nhân dân hưởng ứng phong trào. Vì vậy, sau khi phát động, phong trào Đông Du đã được đông đảo người dân ở cả ba kỳ tham gia và ủng hộ, nhất là ở Nam Kỳ.

Ở Nam Kỳ, phong trào Đông Du đã nhận được sự giúp đỡ rất tích cực của tri phủ Trần Chánh Chiếu. Ông này đã lập ra khách sạn Nam Trung để làm nơi gặp gỡ của nhưng người yêu nước, lập Minh Tân công nghệ xã, để vừa chấn hưng công-thương-nghiệp, vừa để có tiền ủng hộ phong trào Đông Du. Ngoài ra, với vai trò là chủ bút tờ Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn, ông còn cho đăng báo những bài có tư tưởng chống Pháp. Nhiều nhân sĩ khác ở đây cũng tích cực tham gia và hết lòng lo cho sự nghiệp chung như Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn An Khương, Bùi Chí Nhuận, Đặng Minh Chương,....

Tháng 10 năm 1905, Phan Bội Châu trở lại Nhật Bản cùng với 3 thanh niên (Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Điền, Lê Khiết), sau đó lại có thêm 5 người nữa (trong đó có hai anh em Lương Ngọc Quyến, Lương Nhị Khanh và Nguyễn Văn Điến). Năm 1906, Cường Để qua Nhật, được bố trí vào học Trường Quân sự Tokyo (Đông Kinh Chấn Võ Học Hiệu) cùng với Lương Ngọc Quyến. Kể từ đó cho đến năm 1908, số học sinh sang Nhật du học lên tới khoảng 200 người, hầu hết đều vào học tại trường Đông Á Đồng Văn thư viện - một trường của Nhật tại tô giới của Nhật ở Thượng Hải (Trung Quốc), sinh hoạt chung trong một tổ chức có quy củ gọi là Cống hiến hội...

Tại trường Chấn Võ và Đông Á đồng Văn thư viện, lưu học sinh Việt Nam được phiên chế vào các ban ngành chuyên môn. Buổi sáng học văn hóa, buổi chiều học các tri thức quân sự và luyện tập ở thao trường. Để tăng cường quản lý học sinh, giữa năm 1907, Phan Bội Châu tổ chức Việt Nam Cống hiến hội (gọi tắt là Cống hiến hội), cử Cường Để làm Hội trưởng và ông (Phan Bội Châu) làm Tổng lý kiêm Giám đốc trực tiếp chỉ đạo tổ chức này. Hội có 4 bộ lớn, mỗi bộ có 3 đại biểu của Bắc - Trung - Nam. Ngoài ra, còn có cục Kiểm tra để giám sát nhân viên các bộ trên trong khi thừa hành nghiệp vụ; gồm các ủy viên Lương Nhập Nham, Trần Hữu Công và Nguyễn Diễn.

Lúc bấy giờ, các cuộc vận động duy tân ở trong nước của các tổ chức Duy Tân hội, phong trào Duy Tân (phát động năm 1906) và Đông Kinh nghĩa thục (thành lập tháng 3 năm 1907) đã tạo nên một không khí cách mạng về dân trí rất sôi nổi. Phong trào Đông Du cũng đã và đang lan rộng khắp Bắc, Trung, Nam; và việc học tập của lưu học sinh ở Nhật cũng đã ổn định và đang phát triển thuận lợi. Tháng 3 năm 1908, phong trào "cự sưu khất thuế" (tức phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ) nổi lên rầm rộ ở Quảng Nam, rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh khác. Bị thực dân Pháp đưa quân đàn áp, nhiều hội viên trong phong trào Duy Tân và Duy Tân hội bị bắt, trong số đó có Nguyễn Hàm, một yếu nhân của hội. Đang khi ấy ở Nam Kỳ, Trần Chánh Chiếu (một trong số người tích cực ủng hộ Phong trào Đông Du ở Nam Kỳ) lại cho đăng những bài có tư tưởng chống Pháp. Vì thiếu chứng cớ, chính quyền thực dân không thể kết án ông, nhưng kể từ đó nhiều người cùng hoạt động với ông, họ bí mật khủng bố.

Thêm một cái cớ nữa để thực dân ra sức đàn áp, đó là vào tháng 3 năm 1908, các phụ huynh của du học sinh ở Nam Kỳ lại gửi thư công khai theo đường bưu điện cho Phan Bội Châu nhắn là cử người về nhận tiền quyên góp. Hay tin, thực dân Pháp bèn bố trí người và bắt được Hoàng Quang Thành và Đặng Bỉnh Thành cùng với mọi giấy tờ, khi tàu vừa cặp bến Sài Gòn. Lập tức, các phụ huynh bị buộc phải gọi các con em đang du học tại Nhật về, các hội buôn có díu líu đến phong trào bị khám xét và những người có liên quan đều bị bắt bớ... Tháng 6 năm đó, lại xảy ra vụ Hà thành đầu độc khiến chính quyền thực dân càng ra sức đàn áp các phong trào và tổ chức cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, để làm tan rã phong trào Đông Du, Pháp còn ký với Nhật hiệp ước vào tháng 9 năm 1908. Theo đó, Pháp cho Nhật vào Việt Nam mua bán; đổi lại, Nhật sẽ không cho các nhà cách mạng và lưu học sinh Việt Nam ở Nhật nữa.

Sau khi cử cảnh sát đến trường Đông Á đồng văn thư viện để giải tán tất cả các học sinh người Việt, tháng 3 năm 1909, Cường Để và Phan Bội Châu cũng bị trục xuất. Đến đây, phong trào Đông Du mà Phan Bội Châu và Duy Tân hội đã dày công xây dựng hoàn toàn tan rã, kết thúc một hoạt động quan trọng của hội.

Phong trào Đông Du tuy không đạt được nhiều thành công như mong đợi nhưng các vị sĩ phu, thanh niên nước ta vẫn về nước. Họ chính là những người thắp lửa, dẫn đường cho phong trào cách mạng bùng nổ quyết liệt về sau. Thế nhưng, phong trào Đông Du thất bại để lại nhiều bài học đắt giá. Đầu tiên chủ trương bạo động tập hợp nhân dân đứng lên đấu tranh để giành lấy độc lập tự do của các vị lãnh đạo là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên tư tưởng nhờ sự trợ giúp của bọn tư bản hiếu chiến, tham lam là không đúng. Bởi bản chất chúng là quân chuyên đi xâm lược các nước khác, vẫn có ý định lăm le chiếm Việt Nam, coi như con mồi béo bở. Bởi vậy chỉ cần vài câu cầu cạnh liên kết của thực dân Pháp, chúng sẵn sàng bắt tay để đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam.

Chính vì vậy, bài học rút ra từ phong trào Đông Du  việc cầu sự giúp đỡ phải chọn mặt gửi vàng. Chọn đúng được đất nước mạnh nhưng ủng hộ phong trào yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Như vậy thì cuộc đấu tranh của quân dân Việt Nam mới có cơ hội được hỗ trợ mạnh mẽ và giành thắng lợi.

Phong trào Đông Du mặc dù chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, song được coi là một trong những phong trào yêu nước mạnh mẽ nhất của nhân dân ta đầu thế kỷ 20. Nhiều thanh niên du học của phong trào Đông Du sau này đã trở thành những hạt nhân của các phong trào cách mạng tiếp theo trong công cuộc giải phóng dân tộc. Phong trào cũng đã mở đường cho việc cứu nước là đi ra bên ngoài để học hỏi. Đồng thời thổi bùng ngọn lửa yêu nước chưa bao giờ nguôi của người dân nước ta.

Xem thêm các bài Soạn văn 11 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:


Giải bài tập lớp 11 Kết nối tri thức khác