Top 20 Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo
Tổng hợp trên 20 đoạn văn phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo (mẫu 1)
- Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo (mẫu 2)
- Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo (mẫu 3)
- Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo (mẫu 4)
- Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo (mẫu 5)
- Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo (mẫu 6)
Đề bài: Để tạo nên thành công của một tác phẩm truyện, việc tác giả chọn được điểm nhìn độc đáo về đối tượng miêu tả, thể hiện giữ vai trò rất quan trọng. Hãy chọn phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo.
Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo - mẫu 1
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó thì vẫn còn mãi. Vì thế, đề tài hậu chiến không còn xa lạ trong nền văn học Việt Nam. Là một nhà văn quân đội, tác giả Sương Nguyệt Minh đã đem đến cho bạn đọc cái nhìn chân thực, sắc nét về đề tài này qua truyện ngắn “Người ở bến sông Châu”. Đọc tác phẩm, ta có thể thấy được sự tìm tòi và sáng tạo của nhà văn về hình thức tổ chức điểm nhìn, người kể chuyện độc đáo.
Trước hết, tác giả đã đa dạng hóa, di chuyển điểm nhìn linh hoạt. Sương Nguyệt Minh mượn quan điểm, thái độ, cảm nhận của nhân vật Mai để kể chuyện. Tuy nhiên, đôi lúc, ông lại dịch chuyển điểm nhìn bên ngoài sang điểm nhìn bên trong (nhân vật Mai) và ngược lại. Nhờ đó, độc giả dễ dàng nhìn rõ cuộc đời và con người các nhân vật từ những góc độ, cự li khác nhau.
Lựa chọn nhiều điểm nhìn để kể đã giúp cho câu chuyện trở nên khách quan hơn. Qua lời kể của Mai, cuộc đời của dì Mây được tái hiện sâu sắc. Dì Mây là nữ y tá Trường Sơn. Ngày mà dì trở về cũng là ngày người yêu cô - chú San đi lấy vợ. Mặc dù vẫn còn yêu chú San nhưng dì Mây nhất quyết cự tuyệt đoạn tình cảm này. Hành động “bật dậy, chống nạng gỗ cộc cộc đi vào sân” bỏ mặc chú San ở lại đã thể hiện sự dứt khoát của dì Mây. Dì Mây nhận thiệt thòi về mình để chú San được hạnh phúc. Đêm đến “dì ngồi rất lâu trước ngọn đèn dầu tù mù. [...] Dì ngồi như tượng”. Thật ra, dì Mây đang cố gắng buông tay để vun vén cho đôi vợ chồng mới. Những ngày sau đó, dì Mây vẫn luôn nhớ về những kỉ niệm cũ với chú San. Mai cảm nhận rất rõ tâm trạng của dì Mây trong khoảng thời gian ấy “dì Mây buồn lắm, cứ tha thẩn đi ra đi vào, lúc tư lự ngắm trời nhìn nước, lúc lụi cụi cắm cơm”.
Qua lời kể của Mai, người đọc còn cảm nhận được những phẩm chất tốt đẹp của dì Mây. Trước tiên, dì Mây là người phụ nữ có tấm lòng chung thủy. Suốt một thời gian dài ở chiến trường, dì luôn nhớ mong chú San “Ngày ở Trường Sơn, trang nhật kí nào cũng viết tên anh”. Có lẽ, trong trái tim dì Mây chỉ có một người đó là chú San. Từ chiến trường trở về, dì Mây bị mất một chân do mảnh đạt phạt vào. Nhưng vượt lên trên khó khăn, dì luôn giúp đỡ mọi người. Những đêm mưa, dì Mây không quản khó khăn, tận tình đến nhà khám bệnh cho mọi người. Hơn nữa, dì còn sẵn sàng giúp vợ chú San vượt cạn. Ở trong hoàn cảnh đó, thật khó cho dì nhưng dì vẫn ân cần giúp đỡ. Đặc biệt, khi thím Ba mất, dì đã dành tất cả yêu thương để nhận nuôi thằng Cún như con đẻ của mình.
Bằng những điểm nhìn linh hoạt, tác giả đã giúp người đọc cảm nhận chân thực cuộc đời của dì Mây. Qua đó, khơi gợi cho người đọc sự cảm thông, trân trọng với số phận con người thời hậu chiến. Trong tác phẩm, đôi khi, tác giả sẽ trực tiếp là người dẫn chuyện chứ không phải là nhân vật Mai. Điều này giúp cho câu chuyện được kể rất linh hoạt, tự nhiên. Bước ra khỏi chiến tranh, hậu quả để lại cho con người không chỉ về thể xác mà cả tinh thần. Tác phẩm giúp người đọc cảm nhận rõ nỗi đau khổ, bất hạnh của con người. Từ ấy, gửi gắm bài học về lòng biết ơn đến các thế hệ đi trước đã dũng cảm hi sinh bảo vệ Tổ quốc.
Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo - mẫu 2
Thạch Lam (1910-1942) là thành viên của “Tự lực văn đoàn”. Ông thành công về truyện ngắn và bút kí qua các tác phẩm như: Gió đẩu mùa, Nắng trong vườn, Hà Nội 36 phố phường.. Tác phẩm của Thạch Lam có “cốt cách và phẩm chất văn học”, để lại “cái dư vị và cái nhã thú” cho người đọc. Đó là chữ nghĩa của Nguyễn Tuân trong Lời bạt cho Tuyển tập Thạch Lam.
Truyện ngắn Hai đứa trẻ in trong tập Tuyển tập Thạch Lam. Truyện ngắn này có những nét đặc sắc nghệ thuật tiêu biểu cho phong cách của Thạch Lam.
Có thể nói rằng những truyện ngắn: Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ và Dưới bóng hoàng lan là những truyện ngắn không có cốt truyện, mỗi truyện là một bài thơ trữ tình đượm buồn. Gió lạnh đầu mùa nói về chuyện cho áo và trả áo, cho vay tiền để mua áo ấm giữa ba đứa trẻ và hai người mẹ. Dưới bóng hoàng lan có bốn nhân vật: hai bà cháu, cô thôn nữ Nga và cây hoàng lan. Mái nhà xưa và bóng bà che mát tâm hồn đứa cháu; hương thơm và bóng hoàng lan ướp hương và ủ ấp cho một mối tình êm đẹp dịu ngọt chăng tơ… Còn truyện Hai đứa trẻ nói về một phố huyện nghèo và tâm trạng thao thức của hai chị em Liên và An khắc khoải đợi chờ một chuyến tàu đêm đi qua. Hình ảnh đoàn tàu và tiếng còi tàu đã trở thành một thói quen của cảm xúc và ước vọng. Tuy không có cốt truyện, nhưng Hai đứa trề có một hương vị thật là man mác. Đó là chất thơ.
Hai đứa trẻ có bao chi tiết nghệ thuật giàu sức gợi sâu xa, Thạch Lam và bâng khuâng. Cảnh phố huyện tối dần, ngoài đồng thì ếch nhái kêu ran; trong nhà thì tiếng muỗi vo ve. Liên ngổi yên lặng, đôi mắt bóng tối ngập đầy dần, tâm hồn thơ ngây thấm thìa cái buồn của buổi chiều quê. Bà cụ Thi hơi điên, nghiện rượu, tiếng cười khanh khách. Tiếng đàn bầu của bác Xẩm thì bần bật. Mẹ con chị Tí bán nước chè. Thằng cu khiên hai cái ghế trên lưng; mẹ nó đội cái chõng tre trên đầu… Thật là vất vả, cực nhọc và nghèo khổ. Những chi tiết ấy rất sống, rất hiện thực. Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thuộc khuynh hướng lãng mạn. Nhưng truyện của Thạch Lam, đặc biệt là truyện Hai đứa trẻ thì nội dung hiện thực – nhân đạo hòa quyện đầy ám ảnh và lay động.
Một nét đặc sắc nghệ thuật của Thạch Lam là tinh tế và sâu sắc trong phân tích thế giới nội tâm nhân vật, gợi tả xúc động những biến thái mơ hồ, mong manh trong lòng người. Những dòng viết về tâm trạng của nhân vật Liên với bao buồn vui lẫn lộn, nhiều xao xác bâng khuâng. Trời tối dần, Liên ngồi nhìn phố huyện, không hiểu sao chị thấy lòng buồn man mác. Ngồi đợi tàu trong màn đêm, dưới ngàn sao lấp lánh, và ánh sáng của những con đom đóm nhấp nháy, tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ không hiểu.
Tàu đến, Liên vội đánh thức em dậy, hai chị em nhìn đoàn xe vút qua, nhìn theo cái chấm nhỏ đèn xanh, xa mãi dần rồi khuất sau rặng tre. Liên cầm tay em, lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo. Liên nhớ lại tuổi thơ và ước vọng. Rồi Liên chìm dần trong giấc ngủ yên tĩnh của phố huyện về khuya tịch mịch và đầy bóng tối.
Truyện Hai đứa trẻ có một giọng điệu rất riêng, giọng điệu tâm tình thủ thỉ. Đó là tiếng nói của một con người, như Nguyễn Tuân nhận xét là “tính tình nhẹ nhàng tinh tế”, “vừa sống vừa lắng nghe chung quanh” với bao chuyện buồn vui đang xảy ra. Cái dây xà tích bằng bạc của Liên, Thạch Lam đã phát hiện ra thứ vật dụng mà chị quý mến và hãnh diện vì nó tỏ ra chị là người con gái lớn và đảm đang. Gánh phở bác Siêu là một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền mà hai chị em Liên không bao giờ mua được, vì thế hai chị em Liên chỉ biết ngửi thấy mùi phở thơm. Liên nhớ về Hà Nội là nhớ những kỉ niệm tuổi thơ, ngày bố còn đi làm, mẹ nhiều tiền, hai chị em được đi chơi Bờ Hồ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Phải chăng đó là những kí ức tuổi thơ êm đềm của Thạch Lam?
Thạch Lam sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật tương phản đối lập để làm nổi bật những cảnh đời lầm than nơi phố huyện. Phố huyện ngập đầy bóng tối. Chỉ có vài ngọn đèn le lói. Riêng ngọn đèn nơi chõng hàng chị Tí được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Càng về khuya, phố huyện càng im lìm tịch mịch. Đêm nào cũng có một chuyên tàu chạy qua phố huyện. Dù chỉ trong khoảnh khắc, nhưng con tàu đã mang đến một thế giới đầy ánh sáng và náo động. Làn khói bừng sáng. Các toa đèn sáng trưng. Đồng và kền lấp lánh. Các cửa kính sáng. Đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Tiếng xe rít lên. Tiếng hành khách ồn ào, khe khẽ. Tiếng còi rít lên. Đoàn tàu rầm rộ đi tới và vút qua, ánh sáng và bóng tôi, ồn ào náo động và tịch mịch; tương phản ấy đã làm nổi bật những cảnh ngộ nghịch trái, đồng thời đi sâu vào những tâm tình, tâm trạng, những cảm xúc, cảm giác đầy ám ảnh.
Một nét đặc sắc nữa về nghệ thuật của Thạch Lam là câu văn dưới ngòi bút của ông thanh nhẹ, trong sáng, giàu hình ảnh và gợi cảm. Ví dụ, cảnh phô huyện lúc chiều tà: Phương Tây, đỏ rực như lửa cháy (…). Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo giỏ nhẹ đưa vào… Đây là cảnh đầu đêm nơi phố huyện: Trời bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát. Đường phố và các con ngõ dần dần chứa đầy bóng tối… Nói về câu văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân nhận xét: “Bằng sáng tác văn học, Thạch Lam dã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra, và tươi đậm hơn”.
Sự đào thải và thanh lọc là vô cùng nghiêm khắc và nghiệt ngã đối với bất kì ai, sự vật nào, nhất là đối với văn chương nghệ thuật. Nhiều cây bút trong Tự lực văn đoàn đã bịdđộc giả ngày nay hờ hững! Riêng tác phẩm của Thạch Lam, hơn 60 năm sau vẫn được chúng ta yêu thích.
Cái đẹp trong văn chương Thạch Lam, trước hết là cái đẹp của tình người, cái đẹp của một trái tim nhân hậu. Là cái đẹp của chất thơ đậm hương đời và vị đời, là một cái đẹp của ngòi bút giàu bản sắc, là tính thần nhân đạo sáng bừng trang văn… Con người và văn chương của Thạch Lam đáng để ta trân trọng và mến mộ.
Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo - mẫu 3
Với giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, tha thiết, những áng thơ văn Tố Hữu để để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm lắng sâu. “Việt Bắc” là một bài thơ nổi tiếng tác giả viết năm 1954. Cảm xúc, hình ảnh, nghĩ suy trong tác phẩm mà nhà thơ gửi tới người đọc khiến cho ta càng thêm yêu mến và trân quý tâm hồn, tài năng Tố Hữu. Bức tranh tứ bình trong bài cũng là một nét đặc sắc đã lưu lại trong tâm trí người đọc nhiều ấn tượng.
Nỗi thơ thiết tha bồi hồi ấy đọng lại trong bức tranh tứ bình về con người và cảnh vật thiên nhiên Tây Bắc, trước hết đó là sự phác họa những nét cảnh mùa đông:
“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
Một mùa đông rực rỡ và ấm nồng nơi núi rừng Tây Bắc đã được nhà thơ phác họa một cách sinh động. Đó là mùa đất trời nơi đây tràn ngập sắc “đỏ”, “tươi” rực rỡ của hoa chuối rừng trên nền xanh trầm tĩnh của cỏ cây rừng lá, của ánh nắng ấm áp lửng lơ, tràn ngập khắp không gian khoáng đạt. Trên cái nền thơ mộng ấy, con người Việt Bắc xuất hiện với vẻ đẹp khỏe khoắn trong tư thế lao động: “dao gài thắt lưng”. Hai từ “nắng ánh” khiến lời thơ Tố Hữu như bừng sáng, góp phần làm nổi bật hơn vẻ đẹp của con người trong lao động, những con người đang trong tư thế vươn lên đỉnh đèo. Mùa đông trong thơ xưa thường diễn tả cái tiêu điều, hiu quạnh, những cơn gió lạnh và một bầu không khí man mác buồn. Đông Hồ từng viết:
“Em nhớ: một sáng ngày mùa đông
Gió bấc ào ào tiếng hãi hùng
Theo khe cửa sổ gió thổi rú
Chỉ nghe tiếng gió mà lạnh lùng”
Hay như nhà thơ Ngô Chi Lan từng bày tỏ:
“Lò sưởi bên mình ngọn lửa hồng
Giải buồn chén rượu lúc sầu đông
Tuyết đưa hơi lạnh xông rèm cửa
Gió phẩy mùa băng giải mặt sông”
Cái buồn, cái sầu ấy ta lại không bắt gặp ở mùa đông trong thơ Tố Hữu. Nhà thơ viết về mùa đông Tây Bắc lại thắm tươi và nồng ấm sắc màu, sức sống. Con người trong cảnh sắc ấy khỏe khoắn và chủ động.
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợ giang”
Đó là cặp câu thơ lục bát tiếp theo nhà thơ miêu tả về thiên nhiên và con người Việt Bắc khi xuân về. Sự dịu dàng, trong trẻo, tinh khôi của sắc trắng hoa mơ “nở trắng rừng” đã làm lòng người đọc biết bao xao xuyến. Trên nền cảnh ấy, con người hiện ra trong công việc của cuộc sống giản dị đời thường. Động từ “chuốt” đã tinh tế làm toát lên vẻ tài hoa, cần mẫn, khéo léo của con người lao động nơi đây. Sự thanh tao thơ mộng của đất trời, sự giản dị, khéo léo của con người cùng hòa điệu làm ý thơ Tố Hữu càng thêm nổi bật và ấn tượng.
Nhà thơ Bàng Bá Lân từng bày tỏ cảm nghĩ của mình qua những dòng thơ trong “Trưa hè”:
“Trời lơ lửng cao vút không buông gió
Đồng cỏ cào khô cánh lượt hồng
Êm đềm sóng lụa trên trên lúa
Nhạc ngựa đường xa lắc tiếng đồng
Quán cũ nằm lười trên sóng nắng
Bà hàng thừa khách ngủ thiu thiu
Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm
Đứng lặng trong mây một cánh diều”
Mùa hè với Bàng Bá Lân là vậy, bình yêu mà và cùng đáng nhớ. Còn với Tố Hữu, mùa hè Việt Bắc là:
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”
Sắc màu tươi sáng của rừng phách và âm thanh rộn rã của tiếng ve được nhà thơ tái hiện chân thực. Từ “đổ” trong câu thơ được xem như nhãn tự bộc lộ trọn vẹn ý nghĩ của nhà thơ. Phải chăng, nhà thơ đang muốn nói đến sự tương quan kỳ diệu của thanh âm và màu sắc đã khiến cho cảnh vật nơi đây như có linh hồn, có sự giao cảm mạnh mẽ. Người Việt Bắc hiện ra trong một vẻ gì đó thật lặng lẽ nhưng vẫn rất hiền hòa như một điểm nhấn lắng sâu giữa không khí sôi động của thiên nhiên đất trời mùa hạ.
Được nhắc đến cuối cùng, nhưng cách thể hiện của nhà thơ về mùa thu vẫn khiến người đọc không khỏi ấn tượng và lưu luyến. Một Việt Bắc trong trẻo. Một Việt Bắc thanh tịnh dưới ánh trăng. Đó là những gì ta cảm nhận được qua hai câu thơ:
“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
Trên cái nền hiền hòa của thiên nhiên ấy con người hiện ra với vẻ thắm thiết ân tình trong tiếng hát thân thương cũng là tiếng lòng thủy chung Cách mạng đượm tình sâu nghĩa thẳm.
Để có thể phác họa nên bức tranh tứ bình của cảnh sắc thiên nhiên và con người Việt Bắc sống động như vậy, nhà thơ đã vận dụng khéo léo đồng thời bút pháp cổ điển và hiện đại. Sự tinh tế và tài hoa ấy đã góp phần giúp cho bức tranh tứ bình trong “Việt Bắc” có một vị trí đặc biệt trong lòng người đọc bao thế hệ, góp phần làm đa dạng hơn những bài thơ, áng văn viết về “bức tranh tứ bình”.
Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo - mẫu 4
Nam Cao là một trong những cây bút hiện thực xuất sắc nhất của văn học hiện thực trước cách mạng. Các tác phẩm của ông sáng tác trên hai đề tài lớn là người trí thức và người nông dân, nhưng thành công hơn cả là khi ông viết về đề tài người nông dân. Viết về người nông dân, nhà văn có khuynh hướng khám phá, phát hiện những vẻ đẹp phẩm chất ẩn sâu trong con người họ. Truyện ngắn Lão Hạc là một tác phẩm như vậy.
Trước hết về nhân vật lão Hạc, lão có số phận bi thảm nhưng ẩn sau đó là những phẩm chất cao đẹp, đại diện cho người nông dân. Số phận lão Hạc cũng là số phận chung của biết bao người nông dân trước cách mạng. Vợ lão chết sớm, lão ở vậy gà trống nuôi con. Đứa con lớn lên vì không lấy được người mình yêu nên phẫn chí bỏ nhà ra đi. Lão ở vậy một mình với cậu Vàng – kỉ vật người con trai để lại. Nhưng cuộc đời lão càng ngày lại càng bi đát hơn, lão bị ốm, lão tiêu tốn nhiều tiền dành dụm cho con, bởi vậy lão đành bán cậu Vàng – người bạn đã ở bên giúp lão vơi bớt nỗi buồn khi phải xa con. Khi bán cậu Vàng lão vô cùng đau đớn, ân hận. Nỗi ân hận đó được thể hiện qua đoạn văn miêu tả đặc sắc: cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước, mặt đột nhiên co rúm lại, cái đầu ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít, hu hu khóc. Tình cảnh của lão thật đáng thương, lão luôn sống trong sự day dứt, dằn vặt bản thân.
Nhưng ẩn đằng đó chính là những phẩm chất cao đẹp của người nông dân lương thiện. Lão là một người giàu tình yêu thương, tình yêu thương đó được thể hiện ngay cả với một con vật: lão gọi chó là cậu Vàng, gọi nịnh như gọi một đứa trẻ, ông chăm sóc cậu Vàng chu đáo: cho ăn cơm trong bát như một nhà giàu, không chỉ vậy ông còn trò chuyện, mắng yêu cậu vàng, cậu Vàng làm lão bớt cô đơn, vơi đi nỗi nhớ con. Tình cảm sâu nặng của ông với cậu Vàng có nguồn gốc sâu xa từ tình yêu thương con của lão Hạc, con chó là kỉ vật thiêng liêng mà người con để lại cho ông trước khi đi đến đồn điền cao su.
Tình phụ tử ở lão Hạc cũng vô cùng sâu sắc, thiêng liêng. Vì cảnh nghèo không cưới được vợ cho con, lão vô cùng đau đớn, bởi vậy bao nhiêu tiền của làm được lão đều dành dụm cho con, lão chịu kham khổ, để người đời chửi mắng chứ nhất định không chịu tiêu lạm vào tiền của con. Sau khi bị bệnh nặng, lão chỉ ăn khoai, hết khoai lão ăn củ chuối, rồi ăn sung luộc, rau má, củ ráy, nghĩa là vớ được thứ gì lão ăn thứ ấy,… Và cuối cùng lão lo lắng sẽ tiêu hết tiền cho con nên lão đành chọn cái chết để bảo toàn tài sản cho con trai mình. Cái chết đau đớn của lão Hạc xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà lớn lao.
Mặc dù nghèo khổ nhưng lão luôn giữ lòng tự trọng. Lão không nhận bất cứ sự giúp đỡ của ai, ngay cả khi ông giáo đề nghị giúp, lão từ chối một cách hách dịch, bởi lão hiểu hoàn cảnh gia đình ông giáo cũng nghèo túng chẳng khác gì gia đình mình. Lòng tự trọng đó còn được thể hiện trong cách thức tìm đến cái chết của ông. Trước khi chết ông để lại tiền nhờ bà con lo ma chay, không muốn phiền hà đến hàng xóm. Lão chết bằng cách ăn bả chó, cái chết đau đớn, dữ dội như một lời tạ tội với cậu Vàng. Cái chết của lão Hạc chính là sự khẳng định cho sức sống bất diệt của nhân cách trong ông.
Ngoài nhân vật lão Hạc trong tác phẩm ta còn thấy nổi bật lên hình ảnh của một ông giáo nghèo, người bạn thân thiết của lão Hạc. Ông giáo có sự đồng cảm sâu sắc với cảnh ngộ đáng thương của lão Hạc: an ủi, động viên khi lão bán chó, chia sẻ nỗi buồn với lão Hạc, luôn tìm mọi cách làm cho lão khuây khỏa, lạc quan. Ông còn là người am hiểu tường tận nhất vẻ đẹp nhân cách của lão hạc: “Không cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Nghĩa khác ấy chính là con người có nhân cách cao đẹp nhưng lại phải chết vật vã, đau đớn và cái chết ấy lại càng làm sáng hơn nhân cách cao đẹp của lão.
Nghệ thuật kể chuyện xuất sắc: câu chuyện được kể bởi nhân vật tôi (ông giáo) người luôn bên cạnh lão Hạc, bởi vậy khiến câu chuyện trở nên chân thực, gần gũi, ngoài ra khiến mạch kể trở nên tự nhiên, linh hoạt, tạo điều kiện kết hợp tả, kể với bình luận một cách tự nhiên, sinh động. Giọng văn đa dạng, thay đổi linh hoạt. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bất ngờ, hợp lí, những bước ngoặt của truyện giúp bộc lộ rõ tính cách, phẩm chất của nhân vật. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn của văn bản: nhân vật được khắc họa qua diện mạo, ngôn ngữ đối thoại, diễn biến tâm trạng và qua lời nhận xét, bình luận của các nhân vật khác, bởi vậy chân dung nhân vật hiện lên chân thực, sinh động hơn.
Với nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, ngôn ngữ giản dị, lôi cuốn Nam Cao đã cho người đọc thấy chân dung số phận bất hạnh của người nông dân trước cách mạng, họ bị đẩy đến bước đường cùng phải tìm đến cái chết. Nhưng đằng sau đó còn là chân dung tinh thần đẹp đẽ: giàu tình yêu thương và nhân cách cao đẹp.
Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo - mẫu 5
Kim Lân tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, (1920-2007), quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và đã có sáng tác đăng báo trước Cách mạng tháng Tám 1945. Vốn gắn bó và am hiểu sâu sắc cuộc sống ở nông thôn. Kim Lân hầu như chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân. Truyện ngắn “Làng” được viết trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948. Nội dung chính: Tình yêu làng quê và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân phải dời làng đi tản cư đã được thể hiện chân thực, sâu sắc và cảm động ở nhân vật ông Hai trong truyện “Làng”. Nghệ thuật: Tác giả đã thành công trong việc xây dựng tình huống truyện, trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật.
Câu chuyện kể về ông Hai Thu, người làng Chợ Dầu. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, theo lời kêu gọi của cụ Hồ, toàn dân tham gia kháng chiến, kể cả hình thức tản cư. Do hoàn cảnh neo đơn, ông Hai đã cùng vợ con lên tản cư ở Bắc Ninh dù rất muốn ở lại làng chiến đấu. Ở nơi tản cư, tối nào ông cũng sang nhà bác Thứ bên cạnh để khoe về làng mình rằng làng ông có nhà cửa san sát, đường thôn ngõ xóm sạch sẽ. Ông khoe cái phòng thông tin, cái chòi phát thanh và phong trào kháng chiến của làng, khi kể về làng ông say mê, háo hức lạ thường. Ở đây, ngày nào ông cũng ra phòng thông tin để nghe tin tức kháng chiến, ông vui mừng trước những chiến thắng của quân dân ta. Nhưng rồi một hôm, ở quán nước nọ, ông nghe được câu chuyện của một bà dưới xuôi lên tản cư nói rằng làng Dầu của ông theo giặc. Ông vô cùng đau khổ, xấu hổ, cúi gầm mặt đi thẳng về nhà, suốt ngày chẳng dám đi đâu, chẳng dám nói chuyện với ai, chỉ nơm nớp lo mụ chủ nhà đuổi đi. Buồn khổ quá, ông tâm sự với đứa con út cho khuây khoả. Ông chớm có ý định về làng để xác minh sự thật nhưng lại tự mình phản đối vì nghĩ về làng là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ bởi làng ông đã theo Tây mất rồi. Thế rồi một hôm có ông chủ tịch dưới xã lên chơi cải chính tin làng ông theo giặc. Ông lão sung sướng mùa tay đi khoe khắp làng rằng nhà ông đã bị đốt nhẵn. Tối hôm ấy, ông lại sang nhà bác Thứ kể về làng mình.
Nhan đề tác phẩm chỉ có một từ duy nhất, đó là một danh từ chung “Làng”. Đặt tên truyện là Làng – tên gọi gần gũi, thân mật với bất kì ai đã mang lại tính khái quát cho tác phẩm: tình yêu làng, yêu nước không phải là tình cảm của riêng ông Hai mà còn là tình cảm chung của những người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp . Tên truyện đã thể hiện chủ đề tác phẩm. Về ngôi kể, truyện được kể theo ngôi thứ ba làm cho câu chuyện có tính khách quan và người kể giấu mình nhưng dường như lại có mặt ở khắp mọi nơi trong văn bản, người kể chuyện có thể biết hết mọi việc, mọi hành động, mọi tâm tư tình cảm của nhân vật. Về điểm nhìn trần thuật, truyện được trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn của ông Hai tạo sự chân thực, gần gũi cho câu chuyện vầ khiến tác phẩm dễ đi sâu miêu tả tâm lí nhân vật trong những tình huống khác nhau. Đặc biệt, điểm nhìn trần thuật làm nổi bật tâm trạng, tính cách nhân vật qua đối thoại, độc thoại, đấu tranh nội tâm qua cử chỉ và hành động.
Truyện Làng đã xây dựng được một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình cảm yêu làng, yêu nước ở người nông dân. Ông Hai trong truyện là người rất yêu cái làng chợ Dầu của mình, luôn hãnh diện khoe về làng, ấy thế mà ông lại phải nghe cái tin làng ông theo giặc, từ miệng những người tản cư dưới xuôi lên đó là: tình huống mụ chủ nhà có ý định đuổi gia đình ông lão đi và tình huống tin làng chợ Dầu theo Tây được cải chính. Tình huống ấy khiến ông đau xót, tủi hổ, day dứt trong sự xung đột giữa tình yêu làng quê và tình yêu nước, mà tình cảm nào cũng mãnh liệt, thiết tha. Đặt nhân vật vào tình huống gay gắt ấy, tác giả đã làm bộc lộ sâu sắc cả hai tình cảm nói trên ở nhân vật và cho thấy tình yêu nước, tinh thần kháng chiến lớn rộng bao trùm lên tình yêu làng, nó chi phối và thống nhất, mọi tình cảm khác trong con người Việt Nam thời kháng chiến.
Truyện khắc hoạ thành công nhân vật ông Hai, một người nông dân yêu làng, yêu nước tha thiết. Đặc biệt, việc đặt nhân vật vào tình huống cụ thể góp phần thể hiện tính cách, diễn biến tâm trạng nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật lúc đối thoại, lúc độc thoại mang đậm chất nông thôn, nhuần nhuỵ mà đặc sắc, gợi cảm. Ông Hai chính chân dung sống động, đẹp đẽ của người nông dân thời kỳ đầu kháng chiến.
Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo - mẫu 6
Trong nghệ thuật trần thuật, sáng tạo của nhà văn trước hết thể hiện ở cách “ứng xử” với câu chuyện để tạo ra sự đa dạng của các điểm nhìn nghệ thuật. Đọc “Vợ nhặt” – Kim Lân, ta thấy tác giả đã vận dụng khéo léo, lựa chọn thích hợp yếu tố điểm nhìn trong tác phẩm của mình để tạo nên sự hấp dẫn, sinh động, thành công, giá trị.
Viết “Vợ nhặt”, Kim Lân đã lựa chọn hình thức kể chuyện truyền thống –kể theo ngôi thứ 3. Đây là hình thức người kể chuyện giấu mặt, coi như đứng ở một vị trí nào đó trong không gian và thời gian, bao quát hết mọi diễn biến của câu chuyện đã xảy ra trọn vẹn và thuật lại với người đọc. Câu chuyện đời sống được diễn ra tự nhiên qua lời kể của người kể chuyện vô hình. Sự lựa chọn hình thức kể này giúp nhà văn mở rộng tối đa chân trời sáng tạo của mình. Cái được kể không bị bó hẹp.
Sự độc đáo trong điểm nhìn trần thuật của “Vợ nhặt” trước hết tạo nên bởi điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện. Điểm nhìn bên ngoài đã tạo ra tính khách quan tối đa cho trần thuật. Các sự kiện diễn ra tự nhiên như cuộc đời vốn thế, nó giúp nhà văn bao quát nhiều phương diện và góc độ của hiện thực cuộc sống. Người kể chuyện ẩn mình để câu chuyện được kể đạt mức độ khách quan cao nhất: cho phép người kể chuyện đứng từ bên ngoài quan sát truyện thuật lại sự việc bằng một cái nhìn khách quan, thâu tóm các sự kiện tình tiết, thúc đẩy diễn biến các tình tiết của truyện phát triển. Điểm trung tâm trong sơ đồ cốt truyện là sự kiện anh Tràng nhặt được vợ giữa bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 đang ở giai đoạn kinh hoàng nhất. Từ sự kiện quan trọng này, các nhân vật khác lần lượt bước vào tác phẩm để tạo thành một bức tranh đời sống trước mặt người đọc.
Mở đầu truyện, nhà văn Kim Lân miêu tả ngay vào cái không khí ảm đạm với màu sắc xanh xám của xác chết, bóng ma. Cái đói đã tràn về khắp các ngõ ngách. Không khí vẩn lên mùi xác chết. Trong hoàn cảnh ấy lại hiện lên một sự bất thường, đó là việc anh cu Tràng dẫn theo một người đàn bà lạ mặt về với nụ cười trên môi. Tràng được miêu tả với những đường nét thô kệch, với một sự đẽo gọt sơ sài của tạo hóa “hai con mất nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạch ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhính những ý nghĩ gì vừa lí thú vừa dữ tợn. Hắn có tật vừa đi vừa nói. Đã thế Tràng lại là một dân ngụ cư trôi dạt từ nơi đói khát, khổ sở nào đó để về cái vẻo đất dưới bến này tìm kế mưu sinh nuôi mẹ già đã ở độ tuổi gần đất xa trời. Trong quan niệm, trước đây ngụ cư là một lí lịch không được chấp nhận để người có mặt trong sinh hoạt nơi cộng đồng làng xã. Vậy mà Tràng lấy được vợ mà thậm chí là cho không chỉ sau hai lần gặp và bốn bát bánh đúc, một câu hò nữa đùa nữa thật “ muốn ăn cơm trắng với giò này, thì đẩy xe bò với anh, nì” . Đọc “Vợ nhăt” một tác giả đã viết:
“Biến bát bánh đúc thành lễ cưới thật rồi
Xin từ điển hãy thêm từ “vợ nhặt”
Ngòi bút Kim Lân tưởng như đùa như khóc
Đói quắt quay nhưng tha thiết con người”
Chữ “nhặt” trong “Vợ nhặt” không phải là “nhặt” như chúng ta đã nhầm tưởng. Nếu chỉ đọc nhan đề mà chưa tiếp cận với nội dung tác phẩm. Đây là một kết hợp từ rất đặc biệt. Nói như Kim Lân “nhặt tức là nhặt nhạnh, nhặt vu vơ”. Như vậy ‘nhặt” trong “Vợ nhặt” là một vật vì cái đói nó đã đẩy con người đến những tình huống bi hài kịch: mạng người trở nên rẻ rúm, có thể nhặt được như người ta nhặt bất cứ thứ gì. Phải đặt vào truyền thống của nhân vật “coi người ta là hoa đất”, coi việc dựng vợ gả chồng là đại sự, người đọc mới thấy đươc “vợ nhặt” theo kiểu bi đát như thế nào? Song người ta dắt nhau về không phải chỉ vì đói khổ, cần có một chốn nương thân, thẳm sâu trong câu chuyện là khao khát về một mái ấm gia đình, tình yêu thương đùm bọc “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của người dân lao động. Cái đói là ghê ghớm nhưng đằng sau cái đói Kim Lân muốn gửi gắm tới người đọc một thông điệp “Khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống”. Dù ở tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống, hi vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người. Đó chính là chiều sâu nhân bản của con người.
Nhìn từ bên ngoài, người kể chuyện lặng lẽ đứng vào một góc để quan sát và kể lại chuyện với sự kiện và con người như vốn có. Nhưng đằng sau những câu văn khách quan ấy lại ẩn chứa nỗi lòng đau đáu của Kim Lân như muốn chia sẻ với nhân vật của mình, thương cảm cho những số phận và đặc biệt càng thêm trân trọng những con người đó.
Nhưng có lẽ, điểm thú vị hơn là có sự di chuyển điểm nhìn trong tác phẩm: Từ người kể chuyện vào nhân vật , từ điểm nhìn bên ngoài sang điểm nhìn bên trong. Điểm nhìn tác giả đã hòa trộn vào điểm nhìn nhân vật, dịch chuyển từ bên ngoài vào bên trong để dễ dàng phát hiện ra những tâm tư ẩn kín trong tâm hồn nhân vật. Đọc tác phẩm “Vợ nhặt” người đọc nhận ra được tình mẹ lớn lao qua cái nhìn của tác giả. Lần đầu tiên Kim Lân để người đọc tiếp xúc với bà cụ Tứ qua dáng vẻ “lọng khọng đi vào ngõ. Bà lão vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng.”. Bà cụ trở về nhà, đến giữa sân thấy một người phụ nữ đang ngồi ở đầu giường con mình, bà ngạc nhiên đến sững sờ, bao nhiêu câu hỏi dồn về đầy băn khoăn “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ? Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Bà lão nhìn kỹ người đàn bà lẫn nữa, vẫn chưa nhận ra người nào”. Làm sao bà có thể ngờ được giữa cái cảnh đói quay, đói quắt nhà đã nghèo con mình lại còn xấu trai, ế vợ, tự dưng dẫn một người đàn bà xa lạ về làm vợ? “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình.” Mừng là từ nay con bà đã có vợ nhưng đằng sau sự vui mừng ấy là một nỗi buồn tủi. Đó là nỗi buồn của một người mẹ đã không tự lo liệu được chuyện lấy vợ cho con. Đó còn là cái tủi của một người mẹ đã để cho con mình lấy vợ theo cách: không cưới xin, không dặm hỏi. Đó là cái tủi của một người mẹ nghèo.
Càng xót xa tủi phận bà cụ Tứ càng thương con trai: “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt...” Dường như đây là những giọt nước mắt từ trái tim người mẹ đang run lên những nỗi đau đớn, xót xa , ai oán, tủi cực, thương cảm. Việc trọng đại nhất của đời con lẽ ra phải “ làm được dăm ba mâm cơm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo” nên điều đó cũng chỉ nằm trong mo ước của cụ mà thôi. Từ chỗ tủi phận mình, thương con trai, bà cụ lại càng thương con dâu. Bà lão nhìn người đàn bà lòng đầy thương xót, bà nhẹ nhàng nói với nàng dâu mới: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng.” Hai chữ “mừng lòng” chứ không phải là “vui lòng”, “bằng lòng”, thể hiện sự đón nhận người con dâu mới với tất cả sự chủ động, tự nguyện trong bối cảnh nhà sắp chết đói. Nó ẩn chứa biết bao sự thân thương, trìu mến, vị tha và nhân ái. Chỉ một câu nói ấy thôi đã trút đi gánh nặng thấp thỏm, lo âu của con trai bà. Câu nói ấy đã làm cho cuộc hôn nhân giữa Tràng và vợ nhặt không còn là chuyện nhặt nhau giữa đường, giữa chợ. Nó cũng bình đẳng đẹp đẽ như tất cả các cuộc hôn nhân mâm cao cỗ đầy xưa nay. Cách nói giản dị chan chứa tình người của bà cụ quê mùa ấy đã làm ấm lòng những số phận tội nghiệp.
Bà cụ Tứ khi biết con mình đã có vợ bà từ ngạc nhiên đến sững sờ, lo lắng cho tương lai hạnh phúc của các con song bà vẫn gieo vò các con lòng hi vọng, tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Sự biến đổi tâm trạng bà cụ Tứ thật phức tạp nhưng hợp với quy luật cuộc sống. Kim Lân đã nhập vào nội tâm nhân vật, sống với những vui buồn, thương cảm, lo âu của nhân vật bằng một trái tim nhân ái. Chính sự yêu thương, sự hiểu biêt sâu sắc, sự trân trọng phẩm chất người nông dân lao động không nghệ thuật “biện chứng” với tâm hồn của một nhà văn “một lòng đi về với đất, với người, với cuộc sống thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn” đã giúp Kim Lân xây dựng được một cuộc sống chân thật, cảm động về người mẹ nông dân Việt Nam nghèo khổ, cân cù, chịu thương, chịu khó, hi sinh tất cả vì con và lúc nào cũng hướng tới cái thiện, hướng tới tương lai.
Tràng tình cờ nói đùa thành thật, bỗng nhiên hắn có vợ . Lúc đầu Tràng thấy sợ vì thóc cao, gạo kém đến thế này, đến cái thân mình chưa chắc nuôi nổi không lại còn đèo bồng, sau hắn lại tặc lưỡi kệ. Có lẽ thẳm sâu trong tâm hồn nhân vật chính là niềm khao khát hạnh phúc về một mái ấm gia đình vị vậy mà Tràng đã dũng cảm vượt lên cái đói, cái chết mà “đèo bồng”. Hắn cười nụ, cười tủm tỉm một mình, ánh mắt long lanh khác thường. Gần 20 lần trong tác phẩm nhà văn đã miêu tả gương mặt Tràng vui vẻ khi có vợ “Tràng như quên hết những cảnh sống ê chề, tối tăm hàng ngày, quên cả cái đói khát đe dọa chỉ còn tình người giữa hắn và người đàn bà đi bên cạnh”. Lần đầu tiên có vợ, Kim Lân đã để cho nhân vật mình tự bộc lộ ra trạng thái của kẻ mới có vợ “hắn chợt thấy sờ sợ” “chính hắn cũng không hiểu vì sao hắn sợ”, hắn đi ra đi vào ngóng mẹ về, rồi hắn lại lén nhìn thị “Quái, sao nó buồn thế nhỉ?”. Sáng hôm sau Tràng thấy mình như bước ra từ một giấc mơ, trong người “êm ái lửng lờ”. Tràng thấy: “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.” Niềm vui ấy như tia nắng, như ánh bình minh đem sinh khi đến cho cuộc sống vốn đang ngập tràn sự chết chóc của cái đói.
Sự gia tăng điểm nhìn ở lũ trẻ và dân làng trước sự kiện nhặt được vợ của Tràng trước hoàn cảnh cái đói hoành hành, cái chết ập đến bất cứ lúc nào cũng có những suy nghĩ khác nhau. Lũ trẻ vốn vì cái đói mà bấy lâu nay cũng chẳng buồn cười đùa, nay cũng xớn xác trêu đùa Tràng “Chông vợ hài”. Còn những người khác “cũng có cái gì đó lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối của họ”, họ bàn tán về cô dâu mới, rồi họ lại lo lắng “biết có nuôi nổi nhau sống qua cái thì này không” rồi họ nín thinh. Tình huống truyện được soi chiếu từ nhiều góc độ khác nhau
Với sự dịch chuyển điểm nhìn từ ngoài vào trong, từ nhân vật này sang nhân vật khác, người trần thuật một mặt cố gắng tách mình ra khỏi diễn biến câu chuyện, mặt khác khi cần thiết thì lại hòa mình vào những nhân vật để khai thác triệt để, phô bày toàn bộ thế giới nội tâm con người. Việc thay đổi điểm nhìn tự sự như vậy sẽ tạo cho câu chuyện có tính khách quan hơn, mạch truyện theo đó mà biến hoá hơn, mở rộng khả năng bao quát, đánh giá của trần thuật, dễ dàng cuốn hút người đọc vào câu chuyện...
Không gian chủ yếu trong “Vợ nhặt” được Kim Lân miêu tả là không gian hẹp trong xóm ngụ cư, trong căn nhà nghèo bà cụ Tứ, quán nước cổng chợ tỉnh, nhà kho, dốc tỉnh (nơi gặp gỡ của Tràng và thị). Không gian làng xóm, lều chợ , con đường ngổn ngang xác chết. Có biết bao con đường, bao xác chết như vậy ở làng quê VN. Căn nhà của bà cụ Tứ ở là căn nhà nhỏ vắng teo, chỉ có tấm phên rách, mảnh vườn lổn nhổn cỏ dại, bát niêu, quần áo vứt bừa bộn. Đây là căn nhà điển hình cũng giống như bao căn nhà khác, gia đình khác ở các làng quê nghèo-> từ đó suy rộng ra không gian làng quê Việt Nam, nơi mà những con người nghèo khổ đang ngày ngày đối mặt với cái đói, cái chết cận kề. Hiện thực về nạn đói 1945 được đề cập gián tiếp đến trong tác phẩm. 2 triệu người VN đã chết trong nạn đói năm ấy, nhưng trong mỗi con người VN nói chung và bà cụ Tứ, Tràng , Thị nói riêng vẫn chan chứa tình yêu thương, hi vọng, tìm đường sống trong sự chết.
Thời gian trong tác phẩm là thời gian của quá khứ-hiện tại-tương lai theo trình tự tuyến tính. Quá khứ: đẩy xe gạo lên tỉnh, mỗi lần qua nhà kho lại thấy mấy chị con gái ngồi vêu ra ở đấy, hắn thường hò một câu cho đỡ nhọc, cũng chẳng chủ tâm chòng ghẹo cô nào, hắn quen Thị. Đến lần 2 , hắn đãi thị ăn 4 bát bánh đúc, lại tình cờ “nhặt” được thị về. Hiện tại: đưa nhau về nhà giữa cái cảnh cái đói tràn vào khắp nơi giống như bóng tối cuối ngày chuẩn bị che lấp khắp bầu trời, chẳng biết có thấy ánh sáng của ngày mai. Tương lai: đói khổ, khó khăn và hình ảnh lá cờ khởi nghĩa mang hi vọng cho người nông dân nghèo. “Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo kéo nhau ầm ầm đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm” , “nghe láng máng người ta nói họ là Việt Minh đấy”. Ánh sáng của cách mạng mặc dù chưa rõ ràng nhưng đã bắt đầu xuất hiện, đem đến viễn cảnh mới cho những con người may mắn còn sống sót qua cơn đói và đang đối mặt với cái chết từng ngày.
Tạo ra sự dịch chuyển điểm nhìn theo thời gian của nhà văn. Quá khứ, hiện tại xen lẫn nhau, điểm nhìn di chuyển, thay đổi theo từng thời điểm được kể. Vì vậy, điểm nhìn được gia tăng giúp người trần thuật tái hiện đây đủ các sự kiện được diễn ra trong cuộc đời nhân vật, giúp người đọc hiểu rõ gốc gác, ngọn ngành, xuất xứ của câu chuyện và hiểu sâu hơn về nhân vật.
Bằng sự di chuyển linh hoạt điểm nhìn, người kể chuyện trong “Vợ nhặt” – Kim Lân đã chứng tỏ được cái nhìn đa chiều, nhiều góc độ về cuộc sống và con người nghèo vùng nông thôn trong nạn đói 1945. Lời văn qua đó mà trở nên khách quan, có sức hấp dẫn người đọc. Điều đó cũng góp phần làm cho tư tưởng, chủ đề tác phẩm sinh động, gợi nhiều liên tưởng ở người đọc.
Việc tìm hiểu điểm nhìn của người kể chuyện trong “Vợ nhặt” góp phần không nhỏ vào việc khẳng định sự độc đáo, hấp dẫn trong nghệ thuật tự sự của tác phẩm: Khi thì là điểm nhìn bên ngoài, lúc lại là điểm nhìn bên trong có khi lại là phối hợp, di chuyển điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong. Với cách tổ chức điểm nhìn của người trần thuật như vậy, Kim Lân đã chứng tỏ được tài năng của mình trong việc kể chuyện, dẫn chuyện, và đặc biệt là khả năng thâm nhập sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật để phản ánh được cả những góc khuất của nó. Đọc truyện của ông, người đọc như được sống lại những năm gian khổ của đất nước nhưng không phải là những tang thương, xám xịt mà là trong những tình cảm yêu thương đáng quý, những hi vọng vào tương lai con người.
Xem thêm các bài Soạn văn 11 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:
- Soạn văn 11 Kết nối tri thức (hay nhất)
- Soạn văn 11 Kết nối tri thức (ngắn nhất)
- Soạn Chuyên đề Văn 11 Kết nối tri thức
- Giải lớp 11 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 11 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 11 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 11 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 11 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 11 - KNTT
- Giải Tiếng Anh 11 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Friends Global
- Giải sgk Vật Lí 11 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 11 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 11 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 11 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 11 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 11 - KNTT
- Giải sgk Tin học 11 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 11 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 11 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 11 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 11 - KNTT