Top 30 Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam

Tổng hợp trên 30 bài Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Đề bài: Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam.

Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam: Chèo

 Chèo là nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống xuất hiện từ lâu đời và mang bản sắc dân tộc đậm đà nhất của dân tộc Việt Nam. Chèo là một loại kịch hát dân gian có tính chất tổng hợp, sản phẩm của sinh hoạt xã hội nông nghiệp cổ truyền vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Việc vận dụng tục ngữ, ca dao trong lời thoại của nhân vật chèo có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật sân khấu chèo.

     Qua khảo sát một số kịch bản chèo truyền thống trong cuốn Tuyển tập Chèo cổ của GS. Hà Văn Cầu, chúng tôi nhận thấy không thể lấy khía cạnh văn học để nghiên cứu các câu ca dao, tục ngữ trong chèo. Qua thống kê, khảo sát có thể thấy số câu tục ngữ được cải biên được sử dụng nhiều hơn số câu tục ngữ nguyên dạng và có những câu tục ngữ được sử dụng ở những tác phẩm khác nhau, trong lời thoại của nhiều nhân vật khác nhau sẽ mang mục đích khác nhau. Điều này có liên quan đến nội dung từng kịch bản và theo từng phong cách riêng của tác giả nên cách vận dụng những câu tục ngữ truyền thống rất đa dạng.

     Chèo đã sử dụng một cách tài tình tục ngữ, thành ngữ vốn là những kinh nghiệm được đúc kết từ trong lao động sản suất, trong đời sống xã hội, … để đưa trực tiếp vào lời thoại của nhân vật. Chẳng hạn như trong vở chèo Kim Nham, câu tục ngữ “lòng chim dạ cá” được sử dụng trong lời nhân vật Xúy Vân ý chỉ lòng dạ mình đã đổi thay, đã trót say giăng hoa ở ngoài:

Xúy Vân:

Tôi Xúy Vân quỳ xuống thềm hoa

Nguyện thiên địa quỷ thần soi xét

Tôi có ở ra lòng chim dạ cá

Say giăng hoa không sợ thế gian cười

Khi thác thời thi thể trôi nổi

Hình hài mặc cá sông vùi lấp

(Kim Nham)

     Bên cạnh việc sử dụng nguyên dạng các câu tục ngữ dân gian, chèo truyền thống cũng đã cải biến, thêm lời và đổi ý khi đưa những câu tục ngữ trong dân gian vào lời thoại nhân vật. Có những câu tục ngữ được chèo tiếp thu cả lời lẫn ý nhưng vẫn có sự sửa đổi đôi chút. Chẳng hạn như đoạn lính hầu mắng Lưu Bình: “Anh này chỉ nói láo. Quần trứng sáo, áo nước dưa khăn gói gió đưa bạn tôi không đáng mà dám bảo là bạn quan tôi à!” (Lưu Bình – Dương Lễ)

     So với câu tục ngữ gốc “Quần trứng sao, áo hoa tiên” nhằm để chỉ những người nhàn hạ trong xã hội xưa, khi được vận dụng vào lời thoại của nhân vật lính hầu đã có sự thêm bớt thành câu có vần vè hơn “quần trứng sáo, áo nước dưa khăn gói gió đưa …” ám chỉ rằng lúc này Lưu Bình đang gặp khó khăn và ăn mặc như thường dân nên chỉ bằng vai với anh lính hầu thôi.

     Chèo thường đề cao một khía cạnh đạo đức nào đó của nhân vật vậy nên có một số câu tục ngữ quen thuộc thường xuất hiện nhiều trong chèo như câu “xuất giá tòng phu phu tử tòng phụ” được sử dụng nhiều trong các kịch bản quen thuộc. Ngoài ra, chèo truyền thống còn xây dựng nên những mô hình nhân vật nữ chính như nhân vật Thị Kính, Thị Phương, Châu Long,… mang ý đồ giáo huấn phụ nữ về những chuẩn mực của luân lý tam tòng tứ đức.

     Chèo cũng đưa một số câu tục ngữ có khía cạnh đạo đức hay một số tục ngữ mang tính khẳng định triết lý, tư tưởng nào đó, … Không chỉ sử dụng các câu tục ngữ thuần Việt, các tác giả chèo truyền thống còn đưa các câu tục ngữ Hán Việt vào lời thoại của nhân vật như “ác giả ác báo” (Quan Âm Thị Kính), “Bần tiện bất năng di” (Chu Mãi Thần), … Đây cũng là một cách để tạo nên sự kết hợp giữa tính dân gian và tính bác học trong Chèo.

     Ngoài vận dụng tục ngữ thì chèo truyền thống cũng đưa những câu ca dao vào lời thoại nhân vật, có thể dùng nguyên văn hoặc sử đổi một số từ của câu ca dao khi đưa vào lời thoại. Ví dụ Châu Long đã mượn nguyên lời ca dao để bộc lộ tâm trạng của mình:

Vì chàng thiếp phải long đong

Những như thân thiếp cũng xong một bề

     Hay lời Thị Mầu trong điệu hát sắp đã được sửa đổi một vài từ trong câu ca dao:

Trúc xinh trúc mọc đầu đình

Em xinh em đứng một mình chẳng xinh

     Một trong những giá trị độc đáo của văn học chèo chính là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố dân gian và yếu tố bác học làm cho chèo có tính chất bác học mà vẫn đậm đà tính chất dân gian. Việc sử dụng ca dao, tục ngữ đưa vào lời thoại của các nhân vật đã góp phần quan trọng tạo nên tính dân gian trong chèo, giúp chèo giữ được cái chất của mình đồng thời kết thừa và tiếp tục truyền thống dân tộc.

Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam: Chèo - mẫu 2

Chèo là nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống xuất hiện từ lâu đời và mang bản sắc dân tộc đậm đà nhất của dân tộc Việt Nam. Chèo là một loại kịch hát dân gian có tính chất tổng hợp, sản phẩm của sinh hoạt xã hội nông nghiệp cổ truyền vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Trong quá trình ra đời, hình thành và phát triển, chèo đã không ngừng kế thừa và biến đổi, tích hợp vào nó nhiều chất liệu và yếu tố văn hóa mới để cho chèo ngày càng phong phú và hoàn thiện hơn.

Do hoàn cảnh lịch sử, cụ thể là về điều kiện kinh tế xã hội của nước ta thời thực dân Pháp thống trị, nghệ thuật chèo ở đầu thế kỉ XX đã rơi vào tình trạng bế tắc và có nguy cơ mai một. Nhiều làng quê nghèo đói đến mức chỉ có thể làm cúng bái tế Thành hoàng làng mà thôi, còn về phần lễ hội thì hầu như không mở được. Đó là tình trạng của các gánh hát chèo ngày càng không được đón mời như trước đó. Hoàn cảnh lịch sử xã hội đưa đẩy khiến cho một số nghệ sĩ chèo dân gian đã mạnh dạn đưa phường gánh ra chốn thành thị nhưng cũng không được đón chào bởi thị hiếu khán giả đô thị không ưa chuộng lối hát và diễn của chèo sân đình. Mặt khác, lúc này văn hóa Pháp cũng du nhập vào Việt Nam theo những người Pháp, cùng với chính sách đồng hóa dưới chiêu bài “khai hóa văn minh” của thực dân Pháp khiến cho môi trường văn hóa ở các đô thị biến đổi. Trong điều kiện mới của sự tiếp biến văn hóa mà trong đó có mặt tiêu cực nhiều hơn mặt tích cực, chèo muốn tồn tại ở các đô thị nhất là ở Hà Nội - nơi có đông khán giả xem diễn trò thì phải chấp nhận một cuộc cách tân.

Kịch bản chèo tân thời, nhất là những kịch bản tiêu biểu của Nguyễn Đình Nghị là những cách tân so với những kịch bản chèo cổ truyền thống, chịu chi phối bởi nhu cầu mới của khán giả đô thị và chịu ảnh hưởng khá lớn về mặt kịch nghệ của sân khấu Pháp. Điều này được thể hiện trước hết ở những yếu tố liên quan tới yêu cầu đổi mới kịch bản chèo và quan trọng hơn cả là những đổi mới ngay trong những thành tố tạo lên kịch bản chèo.

Nếu như trước đây trong chèo chèo chỉ giới hạn ở một số đề tài dân gian, lịch sử thì trong giai đoạn chèo tân thời cụ thể là trong 60 kịch bản chèo của Nguyễn Đình Nghị thì nội dung đề tài được ông sử dụng một cách đa dạng hơn từ các đề tài dã sử, lịch sử dân gian cho đến những đề tài phản ánh hiện thực, phản ánh cuộc sống đương đại. Bên cạnh, việc đa dạng hóa đề tài là sự thay đổi về nhân vật trung tâm của chèo tân thời lại có sự đa dạng hơn về các loại người, các loại thành phần xã hội với các thân phận khác nhau, và họ đã biết đấu tranh để giành lấy số phận của mình. Chèo tân thời còn xây dựng và làm gia tăng hơn tính xung đột trong các mối quan hệ của nhân vật, đồng thời còn sử dụng các làn điệu, “chèo hóa” các làn điệu dân ca, các yếu tố mỹ thuật, múa....trên cơ sở tả ý, tả thần đã đem lại những hiệu quả rõ rệt. Chèo tân thời - Nguyễn Đình Nghị đã đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch 81 sử chèo, làm cho sân khấu chèo chuyển từ sân khấu dân gian bước sang sân khấu chuyên nghiệp. Thành công của chèo tân thời đã có những tác động hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp tới các khuynh hướng sân khấu chèo Việt Nam. Lịch sử ngày hôm nay đã phần nào minh chứng rằng: “Nguyễn Đình Nghị là chiếc cầu nối giữa chèo cổ và chèo hiện đại”.

Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam: Chèo - mẫu 3

Chèo từ lâu đã là một loại hình nghệ thuật dân gian đại diện cho tiếng nói của những người dân bình thường trong xã hội xưa, là tấm gương phản chiếu cuộc sống con người dưới chế độ phong kiến. Khác với Tuồng – bộ môn nghệ thuật mà các tích truyện chủ yếu xoay quanh các bậc nam tử hán – Chèo lại vô cùng ưu ái khắc họa những người phụ nữ thời xưa – tầng lớp chịu nhiều khổ đau trong xã hội. Điều này là do khi Tuồng tập trung vào những đề tài tầm quốc gia đại sự – nơi dường như chỉ dành cho đàn ông theo quan niệm xưa – thì Chèo lại miêu tả cuộc sống làng xóm, gia đình nơi những người phụ nữ luôn hiện hữu trong xã hội cũ. Chính vì vậy, những vở Chèo kinh điển thường xoay quanh cuộc sống vất vả, bất công của người phụ nữ dưới xiềng xích của xã hội, nổi bật như vở ‘Quan Âm Thị Kính’, ‘Trương Viên’, ‘Kim Nham’… Trong đó trích đoạn “Xúy Vân giả dại” là một trích đoạn tiêu biểu mà đã được đưa vào chương trình học trung học phổ thông. “Xúy Vân giả dại” là trích đoạn thể hiện tập trung được bi kịch tình yêu và nội tâm đầy mâu thuẫn của nhân vật Xúy Vân một cách đặc sắc. Sự sáng tạo của dân gian trong lớp trò “Xuý Vân giả dại” đã phả hơi thờ nhân văn vào tác phẩm, vào nhân vật. Hình tượng Xúy Vân vừa mang nét đẹp của người phụ nữ truyền thống lại vừa phá cách mang lại tư tưởng mới mẻ, vượt ra khỏi phong tục lễ giáo lạc hậu.

Giáo sư Trần Bàng đã khẳng định trong “Chèo – một hiện tượng sân khấu của dân tộc”: “Tích trò của Chèo dành cho cuộc đời của những con người bình thường, ca ngợi những tấm gương cao cả trong tình bạn, tình yêu chung thủy, lòng hiếu thảo, lòng khao khát tự do trong tình yêu và cuộc sống. Giữ vị trí trung tâm trong các tích Chèo là số phận người phụ nữ, tầng lớp chịu nhiều đau khổ nhất dưới chế độ phong kiến.” Đặt trong hoàn cảnh xã hội đương thời, quan điểm này vừa chứa tính nhân đạo, vừa mang lại tư tương tiến bộ. Chèo không chỉ ca ngợi trân trọng những con người là hiện thân cho đạo đức xã hội như Thị Kính, Thị Phương… nhưng mặt khác với nhân vật Thị Mầu, Xúy Vân chèo còn thể hiện sự cảm thông. Đối với chèo, những nhân vật được hình thành là do hoàn cảnh xã hội, do khát vọng theo đuổi hạnh phúc cá nhân.

Nói đến nhân vật chèo, giáo sư Hà Văn Cầu cho rằng “mỗi nhân vật chủ đề mang một khát vọng hoặc một niềm tin mãnh liệt và luôn luôn tích cực thể hiện khát vọng và niềm tin ấy của mình. Cho dù búa rìu sấm sét họ cũng không thay đổi mục đích phấn đấu của họ” [1, tr 167].  Các nhân vật khi xuất hiện lập tức giới thiệu cho khán giả đặc điểm, tính chất của mình. Sự ổn định trong tính cách là đặc điểm chung của các loại hình nghệ thuật sân khâu dân gian, có sự phân biệt rạch ròi yêu ghét, tốt xấu. Ở Chèo, các nhân vật nữ được chia ra làm 3 nhóm bao gồm nữ chính, nữ lệch và nữ pha. Nữ chính (chín) thì thường có cuộc đời lận đận và bất công dưới chế độ nam quyền và xã hội phong kiến xưa, nhân vật Đào Chính vẫn giữ được những phẩm chất cao đẹo: công dung ngôn hạnh, nhân hậu, luôn cam chịu và sẵn lòng hi sinh vì chồng con. Nhân vật có kết thúc có hậu, qua đó thể hiện vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ và chân lí ở hiền gặp lành. Ngược lại với sự chuẩn mực của Đào Chính, nữ Lệch ngang nhiên đối mặt với những lễ giáo phong kiến hà khắc, phá cách, táo báo, dám lên tiếng cho số phận. Nữ Pha là sự kết hợp giữa hai nhân vật trên: có lúc chịu khổ đau mà vẫn nhẫn nhục chịu đựng nhưng đến cuối cùng sẽ phá cách táo bạo, thoát ra khỏi những khuôn mẫu ràng buộc của phong kiến.

Trên thực tế không phải các nhân vật đều tuân theo quy luật định hình về tính cách, chèo đã xây dựng các nhân vật có tính phức tạp và chiều sâu. Điển hình là nhân vật Xúy Vân, hình tượng của Xúy Vân từ cô gái ngoan ngoãn “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trở thành một nữ lệch phá các, mang tư tưởng mới. Qua đó ta thấy được quá trình biến đổi trong tâm lí và tâm trạng của nhân vật. Nhân vật Xúy Vân không chỉ chuyển tải thông điệp về người phụ nữ đẹp trong xã hội xưa mà còn để lại cho người đọc nhiều suy nghĩ về tiếng nói đề cao khát vọng chính đáng trong cuộc đời.

Cụ thể vở kịch Kim Nham kể về một người học trò có quê tại Nam Định. Với mong muốn theo nghiệp đèn sách, anh đã lên Tràng An (Hà Nội) xin trọ học, và được Huyện Tể gả con gái của mình là Xuý Vân cho. Xuý Vân là một cô gái thơm thảo, thuỳ mị và đảm đang với một ước mơ tha thiết về một hạnh phúc gia đình giản đơn “chồng cầy vợ cấy”. Thế nhưng ngay sau khi kết tóc xe tơ, Xuý Vân bị nhà chồng thờ ơ và Kim Nham thì quay lại Tràng An để tiếp tục “dùi mài kinh sử” suốt mấy năm liền, để lại nàng trong sự cô đơn tột cùng. Tuy lúc đầu Xuý Vân nhất quyết không từ bỏ lòng chung thuỷ, chống lại những cám dỗ và quyết tâm chờ đợi Kim Nham suốt mấy năm ròng, chàng chưa đỗ đạt được làm quan và tiếp tục học hành không trở về nhà. Sống trong cảnh “chăn đơn gối lẻ” kéo dài như vậy, Xuý Vân cảm thấy ước nguyện cả đời của nàng về một mái ấm gia đình dần dần biến mất và tuổi thanh xuân như bị phí hoài. Vậy nên khi Trần Phương – một gã nhà giàu nổi tiếng phong tình ở Đông Ngàn – gặp nàng và trao cho nàng lời hứa về hạnh phúc mà cô đã ao ước bao lâu nay, Xuý Vân đã theo lời hắn giả dại để thoát khỏi Kim Nham. Xúy Vân giả điên, Kim Nham chạy chữa không được đành phải trả tự do cho nàng. Thế nhưng rồi Trần Phương bội hứa khiến Xuý Vân trở nên đau khổ và tủi nhục đến mức không dám trở về nhà. Từ chốn giả điên thì giờ nàng đã trở nên điên thật. Kim Nham sau mãi sau một thời gian dài mới đỗ đạt, được bổ làm quan. Nhận ra vợ cũ điên dại phải đi ăn xin, Kim Nham đã bỏ nén bạc vào nắm cơm sai người đem cho. Thấy trong nắm cơm có bạc, Xuý Vân đã ngộ ra về số phận trớ trêu của cô mà từ đó xấu hổ nhảy xuống sông tự vẫn.

Không giống như nhiều người con gái trong thế giới nhân vật của chèo cổ, Xúy Vân vốn xuất thân trong gia đình có cha là “Huyện tể, Nhà cự phú quốc gia vô địch”. Cái nguồn gốc xuất thân ấy dễ khiến ta liên tưởng đến sự giàu sang, bề thế, đến phép nhà nền nếp gia phong. Xuý Vân, một đào pha trứ danh, một nhân vật “nổi loạn”, nhưng trước hết lai là hiện thân của chữ Tòng trong đạo đức quan Nho giáo tam tòng. Vân cũng giống như bao người phụ nữ trong xã hội phong kiến “tại gia” đã “tòng phụ”. Xúy Vân là một cô gái xinh đẹp, đảm đang và nàng lúc nào cũng mang trong mình khát khao hạnh phúc. Nhưng trong chế độ phong kiến xưa, Xúy Vân nói riêng mà những người con gái sống dưới chế độ ấy nói chung đều không có cái quyền tự định liệu cho hạnh phúc, lựa chọn cho mình tình yêu cũng như đối tượng mà mình cảm mến, mọi chuyện tình yêu, hôn nhân đều do cha mẹ sắp đặt theo quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Cuộc hôn nhân của Xúy Vân với Kim Nham đều do một tay của cha mẹ nàng sắp xếp, mà sự sắp đặt này cũng không hề được định liệu sẵn mà hết sức vội vàng, và điều tất yếu là giữa hai người không hề có tình yêu. Ở giai đoạn này, Xúy Vân hoàn toàn là hình mẫu cho vẻ đẹp của người phụ nữ thời xưa – một cô thôn nữ xinh đẹp, nết na, kết duyên với chàng Kim theo sự sắp xếp của cha mẹ. Nàng ý thức phận làm vợ phải nâng khăn sửa áo cho chồng giống như bao người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Và nếu cứ chấp nhận cuộc sống như thế thì cuộc đời Xúy Vân cũng chẳng khác gì các cô gái khi đã lấy chồng gánh trên vai nhiều trách nhiệm và phải biết hy sinh để làm tròn bổn phận.

Thiếp xin về tần tảo sớm khuya

Trực phòng không là phận nữ nhi

Khuyên chàng sẽ gắng công đèn sách

Xúy Vân mang trong mình khao khát về một hạnh phúc giản dị, một gia đình ấm áp. Vì luôn ấp ủ những khát khao hạnh phúc nên khi mới về nhà chồng nàng cũng muốn làm một người con dâu ngoan của bố mẹ chồng, một người vợ tốt của Kim Nham, điều này được thể hiện ra ngay lời hát múa của Xúy Vân khi giả dại, nàng mua điệu quay tơ, dệt cửi, vớt bèo, khâu vá…rất sinh động và khéo léo. Những công việc lao động mà Xúy Vân làm hàng ngày chứng tỏ cô hay lam hay làm, đảm đang khéo léo, đẹp người, đẹp nết. Là một cô gái lao động nên ước mong của Xúy Vân thật nhỏ bé, bình thường, cụ thể. Đó là một gia đình có vợ chồng đầm ấm, chồng cày vợ cấy, đến mùa lúa chín thì chồng đi gặt, vợ mang cơm:

“Chờ cho lúa chín bông vàng

Để anh đi gặt, để nàng mang cơm”.

Nhân duyên của Kim Nham, Xúy Vân ràng buộc, gắn bó, dắt díu với nhau nhưng những ước mơ, ao ước của họ hoàn toàn khác xa nhau, vì vậy mà khó có thể dung hợp, cuộc sống vợ chồng cũng khó có thể hạnh phúc. Tâm trạng ấm ức, bế tắc, cô đơn của Xúy Vân được thể hiện qua hình ảnh: “Con cá rô nằm giữa vũng chân trâu – để cho năm bảy cần câu châu vào” Hình ảnh gợi bóng gió về một không gian nhỏ hẹp, và đầy bất trắc. Đó cũng chính là tình cảnh thực tại của Xúy Vân. Sau mỗi lời bộc bạch lại là điệp ngữ: “Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên” cho thấy nỗi cô đơn và khát khao hạnh phúc của nàng không thể chia sẻ được bất cứ ai, láng giềng không, mà ngay cả với cha mẹ – người yêu thương và hiểu nàng nhất thì cũng không thể thấu hiểu được nỗi lòng của nàng.

Xúy Vân ước mơ một hạnh phúc giản dị “chồng cày vợ cấy”, còn chồng nàng – chàng Kim Nham lại mơ ước hạnh phúc là con đường học vấn công danh. Họ không gặp nhau trong mơ ước. Sự xô đẩy của số phận và sự xuất hiện của những nhân vật mới như Mụ

Quán, Trần Phương, đặc biệt là Trần Phương – đã không cho nàng tuân theo những phạm trù đạo đức đó nữa. Hay nói khác đi, Xuý Vân đã bị bật ra khỏi cái quỹ đạo của đạo đức quan phong kiến, lễ giáo phong kiến. Từ đây, cuộc đời của Xuý Vân đã ngoặt sang một bến bờ mới, phụ Kim Nham mà say đắm Trần Phương. Vì không thể chịu đựng được nên nàng từ giả dại sang phát điên vì tình, có thể nói hoàn cảnh của người phụ nữ này vô cùng éo le, tuy đáng trách khi bỏ Kim Nham theo Trần Phương nhưng nàng cũng vô cùng đáng thương vì tin tưởng người khác một cách đầy dại khờ. Xúy Vân đã tự hát về mình : “Tôi không trăng gió nhưng gặp người gió trăng”, nàng không phải người lẳng lơ, nhưng nàng lại không hề có tình yêu với chồng của mình là Kim Nham, Trần Phương là người đầu tiên nàng yêu, hơn nữa còn yêu say đắm. Xúy Vân đã đi trên con đường phá bỏ những ràng buộc của đạo đức quan, của dư luận xã hội. Xuý Vân cũng như những người phụ nữ bình dị khác chỉ đòi hỏi quyền yêu và được yêu. Ta vừa cảm thông cho Xúy Vân, vừa lo lắng cho nàng vì ta biết rõ điều gì sẽ chờ nàng ở phía trước. Kim Nham đã trả lại tự do cho Xúy Vân. Xúy Vân mừng rỡ chạy theo người tình.

Tác giả dân gian đã phê phán Xuý Vân “phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương”. Nhưng với cái nhìn cảm thông thì sẽ thấy Xuý Vân đến với Trần Phương là một hành động mạnh mẽ, dám vì tình yêu. Chính cái ước mơ chính đáng và tình cảnh bế tắc, cô đơn giữa gia đình nhà chồng đã đẩy Xuý Vân đến sự lựa chọn tự do nhưng đầy bi kịch. Đó là con đường đi tìm hạnh phúc trong tình yêu và gia đình, cái hạnh phúc không có chỗ trong xã hội mà nàng sống. Bi kịch của nàng cũng từ đây mà ra. Nguyện vọng giải phóng để theo đuổi khát vọng tình yêu hạnh phúc gần kề lại phải trả giá bằng hành động giả điên đã gợi lên trong lòng ta bao nỗi chua xót. Những câu hát ngược của Xúy Vân minh chứng cho trạng thái tâm lí khác của nhân vật được bộc lộ. Những câu nói ngược, đầy những phi lí, nghịch dị khơi gợi về một thực trạng nội tâm xáo trộn, bất ổn, đầy trớ trêu. Bi kịch tiếp theo trong cuộc đời của Xúy Vân là bị Trần Phương phụ bạc, Xúy Vân đã điên thật. Điên vì sự đời đảo điên. “Con cá rô nằm giữa vũng chân trâu/ Để cho năm bảy cái cần câu châu vào”. Xúy Vân đáng thương biết bao, từ chỗ là người đàn bà có phẩm hạnh, có gia đình, giờ đây nàng đã mất tất cả, chẳng có ai cảm thông và chia sẻ nổi với nàng. Khi Xúy Vân đến Tràng An, tình cờ gặp lại Kim Nham, nhận nắm cơm do lòng thương hai mà ngư ̣ ời chồng cũ đã bố thí cho, Xúy Vân đau đớn quá. Nàng đã tìm đến cái chết. Những thứ nghịch lý ngang trái đó thể hiện cuộc đời Xúy Vân chỉ toàn những bất hạnh khổ đau. Nỗi cô đơn và hoàn cảnh đẩy đưa đã dẫn đến kết cục đau đớn.

Tóm lại, chèo Kim Nham là một tác phẩm có ý nghĩa vượt thời gian. Sự lựa chọn tự do của Xúy Vân đã cho thấy, chừng nào người phụ nữ còn muốn vượt ra ngoài khuôn khổ, tự do lựa chọn tình yêu, thì chừng đó còn phải chấp nhận những trái đắng của số phận, và có thể phải nhận lấy cả cái chết. Những thông điệp như thế còn quá nhiều ý nghĩa đối với những phụ nữ hiện đại trong cuộc sống hôm nay.

Dàn ý Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam

* Viết tiêu đề:

Cần diễn đạt một cách ngắn gọn, nêu rõ vấn đề văn học dân gian sẽ được giải quyết và phạm vi của nghiên cứu.

* Viết phần mở đầu:

- Nêu lí do lựa chọn vấn đề văn học dân gian.

- Nêu mục đích nghiên cứu.

- Trình bày các câu hỏi nghiên cứu.

- Mô tả cách thức đã triển khai tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề văn học dân gian như: các phương pháp đã sử dụng, công cụ tìm kiếm, tra cứu tư liệu, các cách thức quan sát, khảo sát,…

* Viết phần nội dung:

- Trình bày lần lượt các kết quả nghiên cứu văn học dân gian có liên quan đến các câu hỏi nghiên cứu đã được xác định trước đó. Kết quả có thể được trình bày lần lượt theo mức độ quan trọng của nội dung.

- Nội dung báo cáo được thể hiện dưới dạng các đoạn văn, mỗi đoạn cần nêu rõ luận điểm và luận cứ. Tuỳ thuộc vào nội dung mà mỗi đoạn có sự kết hợp ở các mức độ khác nhau giữa lí lẽ và dẫn chứng, mô tả và bình luận, phân tích và đánh giá. Phần nội dung có thể trình bày theo các đề mục, thậm chí các chương (nếu là báo cáo lớn, có nhiều nội dung). Mỗi đề mục nhỏ hoặc chương cần có tiêu đề để định hướng cho người viết tập trung vào nội dung cần phải trình bày cũng như giúp người đọc có nhận thức tổng quan về vấn đề sẽ được diễn giải sau đó.

* Viết phần kết luận:

- Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu.

- Khái quát các kết quả quan trọng đã đạt được.

- Nêu hướng hoặc vấn đề nghiên cứu liên quan trong tương lai.

* Trình bày phần tài liệu tham khảo:

- Trình bày những tài liệu đã tham khảo trong quá trình khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc giải quyết vấn đề nghiên cứu. Việc đánh số tài liệu tham khảo cần gắn kết chặt chẽ với các trích dẫn trong báo cáo để giúp người đọc có thể xác định, kiểm tra nội dung trích dẫn, đồng thời đảm bảo tính khách quan, trung thực của người viết. Có thể sử dụng các phần mềm hoặc các công cụ trên máy tính để sắp xếp, định dạng danh mục các tài liệu tham khảo.

- Các tài liệu tham khảo được trình bày theo các nhóm ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Ở mỗi nhóm, sắp xếp tài liệu theo Alphabet tên hoặc họ của tác giả hoặc tác giả đứng đầu. Mỗi tài liệu (sách, giáo trình,...) cần nêu rõ các thông tin: Tác giả, năm xuất bản tài liệu, tên tài liệu, nhà xuất bản, địa điểm xuất bản. Với những bài báo trên các tạp chí, cần nêu thêm tên tạp chí và số của các trang có bài báo.

* Trình bày phụ lục

Phụ lục là phần nêu các minh chứng cụ thể của nghiên cứu, giúp người đọc hiểu rõ hơn về nội dung, cách thức mà người viết đã thực hiện. Có các dạng minh chứng cơ bản sau:

- Văn bản

- Hình ảnh, video về các buổi diễn xướng thể loại văn học dân gian.

- Các phiếu khảo sát, quan sát, bảng hỏi, phiếu phỏng vấn, biên bản phỏng vấn nhà nghiên cứu văn học dân gian,…

Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam: Văn học dân gian - mẫu 1

Văn học dân gian nảy sinh và tồn tại như một bộ phận hợp thành của sinh hoạt nhân dân. Mối liên hệ này có thể ví như mối liên hệ của một sinh thế với môi trường sống của nó. Đây vốn cũng là một đặc tính của folklore thời cổ được duy trì khá bền vững trong văn học dân gian truyền thống. Vì mỗi thể loại văn học dân gian gắn chủ yếu với một mảng sinh hoạt cụ thể và phạm vi sinh hoạt đó là “hệ sinh thái” của nó, là bầu không khí cần cho sự hô hấp của nó, và vì mỗi lĩnh vực sinh hoạt truyền thống cũng không thể thiếu được yếu tố văn học dân gian của nó, cho nên người ta cũng chỉ thật sự hiểu được sáng tác dân gian khi nó đang “sống” cuộc sống tự nhiên của nó và khi chính họ cũng giao hoà được với cơ cấu sinh hoạt – xã hội ấy. Xuân Diệu đã có một nhận xét rất tinh tế: “Cái hay, cái sâu sắc của ca dao, cái hồn của ca dao chỉ lộ ra được hết khi ta sống với nó, khi ca dao làm thành không khí ta thở, ca dao quyện làm một với nét mặt những nhà cửa, chòm xóm, làng mạc, khi ca dao cất lên rất trữ tình một cách hồn nhiên, ca dao đã thành một cái điệu của tâm hồn cảnh vật và tâm hồn người;..”.

Đặc trưng “gắn liền với sinh hoạt nhân dân” của văn học dân gian không chỉ nói lên mối liên hệ hữu cơ của nó với sinh hoạt mà còn nói lên vai trò và tác dụng thực tế của nó trong sinh hoạt nhân dân. Các thể loại văn học dân gian được sáng tác, được sử dụng không chỉ nhằm mục đích thẩm mĩ đơn thuần mà còn nhằm những mục đích ích dụng thiết thực nào đó. Người ta gọi đó là chức năng thực hành – sinh hoạt của văn học dân gian. Chức năng này biểu lộ rõ khi tác phẩm văn học dân gian được sử dụng. Chẳng hạn: Hát ru không chỉ là khúc tâm tình của người mẹ, nó được hát lên (không nhất thiết chỉ bởi người mẹ) đơn giản cốt để ru trẻ ngủ; Hò lao động cất lên đượm ý vị trữ tình, để biểu hiện một nỗi niềm, một cảm nghĩ của chủ thể bài ca, của những người tham gia diễn xướng, song hò lên cũng là để cầm trịch nhịp điệu lao động, điều hoà sự phối hợp các thao tác lao động; Hò đưa linh là những áng dân ca được sáng tác để mở lối thoát cho nỗi buồn tử biệt và biểu đạt những triết luận về kiếp người;... nhưng trong sử dụng, nó còn là một phương tiện để điều hành tang lễ,... Một số thể loại như thần thoại, sử thi, truyện cổ tích,... thoạt tiên, đã nảy sinh và tồn tại như một yếu tố thích hợp của nghi lễ. Về sau, khi những nghi lễ này biến đổi hoặc mất đi, chúng mới tách ra và có cuộc sống độc lập. Tuy vậy, dấu vết của mối liên hệ nguyên thuỷ kia vẫn chưa mất hẳn ở chức năng thực hành - sinh hoạt của chúng. Chẳng hạn, chức năng giáo huấn của truyện cổ tích bắt nguồn từ vai trò của các thể loại truyện kế nói trên trong nghi lễ thành định thời cố, tức là nghi lễ thừa nhận người con trai đã thành “người lớn” (sau này là 18 tuổi), trong buổi lễ, anh ta được dạy bảo những điều thuộc pho hiểu biết được bảo tồn nghiêm ngặt của thị tộc.

Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam: Văn học dân gian - mẫu 2

Thánh Gióng - một trong những truyền thuyết tiêu biểu của văn học dân gian Việt Nam. Câu chuyện xảy ra vào thời Hùng Vương thứ sáu, kể về việc Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân. Nổi bật trong tác phẩm là nhân vật Thánh Gióng.

Vào đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức nhưng mãi vẫn chưa có nổi một mụn con. Một hôm, bà lão đi ra đồng trông thấy một vết chân rất to liền đặt bàn chân mình lên ướm thử, không ngờ về nhà liền mang thai.

Và sự ra đời và lớn lên kỳ lạ đó của Gióng được thể hiện qua các chi tiết:

1. Mười hai tháng sau, bà sinh ra được một cậu con trai. Cậu bé lên ba tuổi mà vẫn không biết nói biết cười.

2. Lúc bấy giờ, giặc Ân đến xâm lược nước ta, nhà vua muốn tìm người tài đánh giặc cứu nước. Sứ giả đi đến làng Gióng thì kì lạ thay, cậu bé bỗng cất tiếng nói: “Mẹ mời sứ giả vào đây”. Cậu bảo sứ giả về tâu với vua sắm cho một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt để đánh giặc.

Từ sau hôm đó, cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo mặc mấy cũng không vừa. Giặc đến, vừa lúc sứ giả mang ngựa sắt, roi sắt và áo giáp sắt đến, cậu bé vươn vai biến thành tráng sĩ đánh tan quân giặc.

Tráng sĩ đánh giặc xong cởi bỏ áo giáp sắt, cưỡi ngựa bay lên trời. Vua nhớ công ơn tôn là Phù Đổng Thiên Vương và cho lập đền thờ tại quê nhà.

Nhân vật Thánh Gióng được xây dựng trong truyền thuyết với tư cách là một người anh hùng chống ngoại xâm. Có thể thấy, hình ảnh một con người oai phong, lẫm liệt, tràn đầy sức mạnh. Đúng với sự ra đời kì lạ đã dự báo trước về cuộc đời của một con người phi thường, chàng Gióng chính là biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Chi tiết Thánh Gióng trở về với cõi bất tử. Đó cũng chính là lòng tôn kính mà nhân dân ta dành cho một con người có công với đất nước. Để tưởng nhớ công ơn, vua Hùng đã phong là Phù Đổng Thiên Vương, và lập đền thờ ở quê nhà, nay là làng Phù Đổng, tục gọi là làng Gióng. Câu chuyện ở cuối tác phẩm về những dấu tích còn lại ngày nay: những bụi tre ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun mới vàng óng như thế, những vết chân ngựa thành những ao hồ liên tiếp, ngựa thét ra lửa thiêu cháy một làng gọi là làng Cháy… Với những dấu tích này cho thấy được niềm tin bất diệt của nhân dân vào sức mạnh thần kì của dân tộc.

Như vậy, hình tượng nhân vật Thánh Gióng trong truyền thuyết cùng tên hiện lên với nhiều ý nghĩa. Thánh Gióng chính là biểu tượng cho vẻ đẹp của người anh hùng dân tộc với trách nhiệm cứu nước cứu dân.

Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam: Tuồng

Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Tuồng được khởi xướng thời nhà Tiền Lê và có sự giao thoa, tiếp thu cách biểu diễn và hóa trang của hí kịch bên Trung Hoa. Tuy nhiên, lối hát tuồng du nhập vào nước ta khi nào thì hiện tại vẫn chưa xác định thời gian cụ thể. Sân khấu tuồng là một phần không thể thiếu trong việc tạo nên những vở kịch tuồng đặc sắc.

Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương. Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật Tuồng. Có thể nói Tuồng là sân khấu của những người anh hùng… Tuồng cũng được biểu diễn ở sân đình, trong các lễ hội Kỳ Yên ở các đình làng, đôi khi cũng có tư nhân mướn đoàn hát tuồng về biểu diễn tại nhà thì thường có thêm cái trống lèo hoặc thẻ tre để khi có tới cao trào hoặc diễn viên có những câu hát hay thì đánh tưởng thưởng hoặc ném thẻ để tính tiền thưởng khi vãn tuồng.

Trên sân khấu Tuồng, tất cả bắt đầu từ người diễn viên. Cùng với người diễn viên, cảnh tượng mới dần hiện lên; địa điểm thời gian mới được xác định. Với một câu hát, một điệu múa, người nghệ sỹ dựng lên một trời tưởng tượng; lúc là biển cả mênh mông, khi là núi rừng bát ngát; vừa là triều đình, thoắt đã là bãi chiến trờng. Các nghệ nhân biểu diễn phải hóa trang hoặc mang mặc nạ thể hiện đặc trưng nhân vật như: trung, gian, nịnh, hề, tướng,… và phải nói lối (hình thức ca – nói), cách đi đứng, ra bộ phải chuẩn xác cho từng thể loại nhân vật. Thông qua sự biểu hiện của người nghệ sỹ, khán giả không chỉ nhận biết được những thay đổi về không gian, thời gian mà còn thấy những xung đột giằng xé trong nội tâm nhân vật.

Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam: Hát kể sử thi

Hát kể sử thi là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đã có từ lâu đời của cộng đồng người Ê đê, được tồn tại bằng hình thức truyền miệng từ đời này qua đời khác.Nội dung của hát kể sử thi chủ yếu ca ngợi các anh hùng dân tộc, tôn vinh những người có công tạo lập buôn làng, những người anh hùng có công bảo vệ cộng đồng thoát khỏi sự diệt vong, áp bức và sự xâm chiếm của các thế lực khác; đề cao sự sáng tạo, mưu trí tài giỏi, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn, nêu cao chính nghĩa, phản kháng những điều trái với đạo lý, luật tục; ca ngợi cái đẹp về sức mạnh hình thể lẫn tâm hồn, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, mong muốn chinh phục thiên nhiên để cuộc sống tốt đẹp hơn; miêu tả cuộc sống sinh hoạt, lao động bình thường giản dị của buôn làng…

Ngôn ngữ hát kể của sử thi Êđê là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời và nhạc. Về phần lời, sử thi Ê đê đều thể hiện một hình thức ngôn ngữ đặc biệt là lời nói vần (klei duê). Trong khi diễn xướng người nghệ nhân còn vận dụng các làn điệu dân ca của dân tộc mình, như: Ay ray, kưưt, mmuin… để tạo nên nhịp điệu vừa có chất thơ vừa có chất nhạc. Trong hình thức ngôn ngữ đó, các câu chữ như một móc xích nối các câu vần với nhau. Chính đây cũng là một yếu tố quan trọng khiến nghệ nhân có thể thuộc được cả những tác phẩm dài hàng vạn câu.

Trong sử thi thường nhắc nhiều về những cánh rừng bạt ngàn, rõ nét nhất là cảnh buôn làng giàu có của các tù trưởng, những người hùng nổi tiếng khắp vùng như Đăm Săn, Khing Ju… Trong trí tưởng tượng của người kể, những cánh rừng đi săn bắn, nơi làm rẫy và bến nước đều ở hướng đông. Đây là hướng mỗi buổi sáng thức dậy và đi lên rẫy đều nhìn thấy mặt trời ló trên đỉnh núi, họ quan niệm đây là sự sống, sự sinh sôi, nẩy nở khi tiếp nhận ánh sáng của nữ thần mặt trời mỗi ngày. Ánh mặt trời là sự báo ứng của những điều tốt lành, là sự hy vọng trở thành hiện thực.

Ví dụ như trong sử thi Khing Ju có đoạn kể: “Đến sáng hôm sau, khi mặt trời lên khỏi ngọn núi, Prong Mưng Dăng lấy nước trong bầu rửa mặt. Sau đó, vít cần rượu và tiếp tục uống. Càng uống nước trong ché càng đầy, có lúc nước tràn ra ngoài”. Đây là điều tốt lành báo ứng cho Prong Mưng Dăng dắt bà đỡ đẻ về gấp cho em gái mình H’Ling kịp sinh con, trong khi Prong Mưng Dăng đang mải mê tỏ tình với H’Bia Ling Pang.

Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam: Ca trù

Ngày 1 tháng 10 năm 2009, Ca trù được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Sau hơn 10 năm được ghi danh, Việt Nam vẫn đang nỗ lực vực dậy loại hình nghệ thuật này. Ca trù thực tế đã có bước khởi sắc nhất định cả về số lượng, chất lượng và đang không ngừng tìm tòi con đường thu hút thêm khán giả nhằm lan tỏa hơn nữa giá trị tới cộng đồng.

Âm nhạc là phương thức kỳ diệu nuôi dưỡng đời sống tinh thần của con người, còn Ca trù giống như chất liệu sắc nét nhất để lưu dấu tâm hồn bao thế hệ người Việt Nam. Từ thể loại thanh nhạc truyền thống độc đáo và thanh lịch, Ca trù ngày nay đã trở thành di sản đáng tự hào của Việt Nam và thế giới.

Ca trù, còn gọi nôm na là hát cô đầu / hát nhà trò là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ XV, từng là loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.

Xuất hiện sơ khai vào đầu thế kỷ XI, bắt đầu thịnh hành trong nước từ thế kỷ XV nhưng đến nửa cuối thế kỷ XX, Ca trù mới được thế giới biết đến lần đầu tiên qua tiếng hát của nghệ nhân Quách Thị Hồ (1909 – 2001). Ca trù thu hút sự chú ý và dần dần được nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ nước ngoài theo học, tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu tại nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Ca trù có quá trình phát triển gắn liền với những thăng trầm biến cố của lịch sử, cho tới nay đã đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, có sức ảnh hưởng quan trọng trong nền nghệ thuật Việt Nam và thế giới. Sự hòa trộn giữa tính dân gian với tính hàn lâm trong nội dung và giai điệu của Ca trù đã tạo nên nét độc đáo riêng có. Chính vì vậy, Ca trù khá kén người nghe và việc quảng bá, đạo tạo nghệ nhân kế tục cũng gặp nhiều khó khăn. Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại này dường như chưa thể thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp. Ngày 23 tháng 2 năm 2020, nhằm ngày giỗ tổ nghiệp Ca trù, Google lần đầu tiên tôn vinh loại hình nghệ thuật truyền thống này bằng biểu tượng đặc biệt thay thế tạm thời trên trang chủ, như một sự nhắc nhở đối với thế hệ trẻ ngày nay cần phải hành động mạnh mẽ hơn để bảo tồn di sản này.

Về đặc điểm nghệ thuật, Ca trù có 5 không gian trình diễn chính: hát cửa đình (hát thờ), hát cửa quyền (hát cung đình hay hát chúc hỗ), hát tại gia (hát nhà tơ), hát thi và hát ca quán (hát chơi). Mỗi không gian có một lối hát và cách thức trình diễn riêng. Ca trù xưa được tổ chức chặt chẽ thành phường, giáo phường, do trùm phường và quản giáp cai quản. Ca trù có qui định về sự truyền nghề, cách học đàn, học hát, việc cho phép đào nương vào nghề (lễ mở xiêm áo), việc chọn đào nương đi hát thi… Tham gia biểu diễn Ca trù có ít nhất 3 người: một nữ ca sĩ gọi là “đào nương” hay “ca nương” hát theo lối nói và gõ phách lấy nhịp (phách là một nhạc cụ làm bằng gỗ hoặc tre, được gõ bằng 2 que); một nam nhạc công gọi là “kép” đệm đàn đáy cho người hát (đàn đáy là một loại đàn cổ, dài, có 3 sợi dây tơ và 10 phím đàn); một người điểm trống chầu gọi là “quan viên”. Trong đó, ca nương là một trong 3 thành phần quan trọng. Để trở thành một người ca nương được mọi người công nhận, người nghệ sỹ phải trải qua quá trình học hỏi, luyện tập, trau dồi và vượt qua rất nhiều thử thách.

Ca trù đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài, được biểu diễn trong không gian văn hóa đa dạng gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Nổi bật lên trong nghệ thuật biểu diễn chính là ý thức về bản sắc và sự tính sáng tạo trong kế thừa nghệ thuật, được các tổ chức giáo phường chuyển giao giữa các thế hệ. Chính mối liên hệ mật thiết cũng tạo nên nét đặc trưng của hoạt động biểu diễn Ca trù, tạo nên dấu ấn và quy mô nghệ thuật có vị thế riêng, tô thắm đời sống văn hóa Việt Nam.

Không gian nghệ thuật riêng, nhạc cụ riêng và thể thơ riêng làm nên nét đặc sắc của Ca trù. Các nghệ nhân dân gian chia Ca trù thành rất nhiều thể thức và giai điệu phong phú khác nhau. Hát đòi hỏi kỹ thuật phải được luyện tập tinh tế, công phu. Thể hát nói với hình thức thơ chữ Nôm đã ra đời từ Ca trù, làm phong phú và tươi sáng dòng văn học Nôm, phản ánh đời sống tinh thần hết sức sinh động, đa chiều, tinh tế của người Việt qua hàng thế kỷ. Về mặt âm thanh, nhạc cụ trình diễn trong Ca trù gắn liền với đàn đáy, phách và trống, tạo nên đặc trưng nổi bật với ấn tượng vừa mộc mạc vừa ma mị của mỗi tác phẩm nghệ thuật. Ba người ngồi trong một không gian tương đối nhỏ, với giọng hát, tiếng đàn, nhịp trống, tỏa ra ý vị tao nhã mà mê hoặc lòng người, đưa người nghe vào miền suy tưởng sâu xa đắm chìm trong cảm xúc.

Bên cạnh việc gìn giữ những giá trị nghệ thuật cốt lõi, Ca trù ngày nay có những biến đổi và phát triển nhất định nhằm thích ứng với nhịp sống hiện đại, bằng cách lan tỏa và hòa trộn chất liệu riêng vào trong những thể nhạc khác hoặc những loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh. Ngoài việc duy trì và trau chuốt những điệu ca cổ, Ca trù còn làm mới nội dung như trong các bài ca ngợi quê hương, đất nước với ca từ hiện đại hơn. Những nét đặc trưng của Ca trù cũng được nhiều nhạc sĩ như Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Phú Quang đưa vào các sáng tác của mình tạo ra âm hưởng đương đại rất độc đáo.

Mặc dù tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng tới nền nghệ thuật âm nhạc nói chung, nhưng bản thân Ca trù vẫn cần được bảo vệ hơn nữa để di sản này phát huy vai trò tích cực về lâu dài. Sự hiện diện của Ca trù gắn liền với việc đầu tư và phát triển loại hình nghệ thuật này tại các câu lạc bộ và mở rộng đa dạng các hình thức biểu diễn. Ca trù cho đến ngày nay, đang hồi sinh và vẫn đầy sức lôi cuốn, việc làm thế nào để khẳng định vị thế của di sản này trong xã hội hiện đại, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và phương thức hành động của những thế hệ sau này, để Ca trù không chỉ là nghệ thuật thanh âm truyền đời, mà còn là tiếng lòng dân tộc kết nối niềm tự hào đến mai sau.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 10 hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:


Giải bài tập lớp 10 Kết nối tri thức khác