Top 20 Thuyết trình về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay
Tổng hợp trên 20 bài Thuyết trình về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Thuyết trình về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay (mẫu 1)
- Dàn ý Thuyết trình về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay
- Thuyết trình về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay (mẫu 2)
- Thuyết trình về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay (mẫu 3)
- Thuyết trình về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay (mẫu 4)
- Thuyết trình về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay (mẫu 5)
Thuyết trình về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay - mẫu 1
Môi trường là không gian, nơi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, cung cấp tài nguyên thiên nhiên phục vụ cuộc sống của con người. Hiện nay, những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ môi trường là những vấn đề được quan tâm nhiều nhất, đặc biệt là những giải pháp đưa đề ra nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường là mối nguy hại đe dọa đến sự sống của mọi loài trên Trái đất này và một trong những nguyên nhân tác động đến môi trường là sự gia tăng của rác thải nhựa. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đề xuất rất nhiều các giải pháp nhằm giảm tải rác thải nhựa nhưng trên hết để làm được điều đó thì cần phải có sự nỗ lực của toàn cầu.
Tiến sỹ Dương Thanh Nghị, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển đã nhận định: giảm thiểu rác thải nhựa sẽ mang lại lợi ích to lớn trong bảo vệ cảnh quan, phát triển du lịch và bảo vệ được nơi sinh sống của các loài sinh vật biển. Rác thải nhựa là những sản phẩm nhựa sau khi sử dụng sẽ được thải ra môi trường như: túi nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa hoặc các loại chất dẻo tổng hợp... đặc điểm của loại rác thải này là thời gian phân hủy cực kì lâu, có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn năm. Rác thải nhựa là một phần “mắt xích” tạo nên sự ô nhiễm môi trường, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu; tuy nhiên điều này lại ít được nhắc đến hoặc bị xem nhẹ. Chất thải nhựa hiện nay chủ yếu nằm trong chất thải rắn (CTR), việc quản lý chất thải nhựa không thể tách khỏi việc quản lý CTR và có thể thấy là chất thải nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay.
Theo thống kê, mỗi năm, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường - nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Tính từ năm 1969 đến nay, lượng nhựa tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự báo còn tăng nhanh theo cấp số nhân trong tương lai. Hiện nay, Trung Quốc và Indonesia đang là 2 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất ra đại dương với khối lượng lần lượt là 8,8 triệu tấn và 3,2 triệu tấn mỗi năm, chiếm tới 1/3 tổng lượng rác thải nhựa ở ngoài đại dương. Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia xả rác nhiều nhất trên thế giới, một con số cực kì đáng báo động. Theo số liệu từ đại diện FAO, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn nhựa, trong đó có khoảng 730.000 tấn bị thả ra biển.
Rác thải nhựa có thời gian phân huỷ rất lâu từ 100 - 1000 năm và trong quá trình phân huỷ đó chúng sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ. Những hạt vi nhựa (microplastic) này sẽ đi vào nguồn nước, đất, không khí, thức ăn… mà khi con người tiếp xúc, ăn phải những mảnh vi nhựa này thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như mất cân bằng hoóc-môn, bệnh về hô hấp, bệnh về thần kinh… Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được thu gom đưa đi chôn lấp vào đất rác thải nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm làm thay đổi tính chất vật lý của đất đồng thời gây ô nhiễm môi trường đất, làm đất không giữ được nước dẫn đến tình trạng xói mòn, thiếu dinh dưỡng, oxi làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Việc xả thải rác thải nhựa tràn lan trên biển đã gây ra hiện tượng "ô nhiễm trắng" và làm ảnh hường nghiêm trọng đến các loài thủy, hải sản. Có đến hơn 260 loài sinh vật biển bị vướng hay ăn phải các mảnh rác thải nhựa trên biển, gây phá hủy tế bào, tác động xấu tới hệ tiêu hóa… hoặc làm tắc khí quản gây ngạt thở.
Việc xử lý triệt để rác thải nhựa có lẽ là bài toán không lời giải. Cách tốt nhất để giải quyết rác thải nhựa đó là mọi người cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa, đồng thời, nghiêm túc thực hiện việc thu gom, phân loại chất thải nhựa, tuyệt đối không thải bỏ chất thải nhựa ra ngoài môi trường. Nhiều quốc gia cũng đang áp dụng việc thu gom tái chế rác thải nhựa cũng như sử dụng biện pháp đốt chất thải lộ thiên, tuy nhiên, việc đốt chất thải trong các đám cháy lộ thiên dẫn đến việc sản sinh ra chất gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, carbon đen ở các thành phố lớn. Cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay bằng ý thức của các cá nhân tổ chức và cộng đồng. Tuy tình trạng xả rác thải nhựa vẫn còn tiếp diễn tại rất nhiều nơi và cũng khiến nhiều người bức xúc, chúng ta không thể phủ nhận rằng, công tác tuyên truyền, các hoạt động vì môi trường, các tổ chức tình nguyện…vẫn ngày một cố gắng và hoạt động năng nổ hơn. Để giải quyết triệt để vấn đề về rác thải nhựa cần có sự nỗ lực toàn cầu, sự hợp tác giữa các nước trong khu vực Biển Đông để chung tay cùng giải quyết vấn đề này không chỉ là nguyên tắc chung mà còn là thực tiễn hết sức cấp thiết hiện nay.
Dàn ý Thuyết trình về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay
1. Mở bài
- Một đất nước muốn tồn tại và phát triển thì vấn đề môi trường sống là rất quan trọng, những thực tế môi trường hiện nay ngày một ô nhiễm trầm trọng.
2. Thân bài
- Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường sống thiếu trong lành, bị nhiễm các chất độc hại tác động lớn đến đời sống
- Thực trạng:
+ Nhiều khu dân cư rác thải chất thành đống
+ Nước thải nước ngầm từ các nhà máy xí nghiệp đổ ra sông, ra biển gây ô nhiễm nguồn nước
+ Khói bụi, xe cộ tấp nập
+ Nhiều khu vệ sinh công cộng nhiễm bẩn kinh khủng
- Nguyên nhân:
+ Ý thức kém của người dân
+ Công tác quản lý của nhà nước chưa được thắt chặt
+ Người dân sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, trong trồng trọt và chăn nuôi
+ Các nhà máy vì lợi nhuận mà xả thải bừa bãi, bỏ qua khâu xử lý chất thải
- Hậu quả:
+ Ảnh hưởng sức khỏe, mỹ quan
+ Sinh vật bị mất môi trường sống
+ Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng trở nên cấp thiết
- Giải pháp khắc phục:
+ Nâng cao ý thức người dân
+ Quản lý chặt chẽ, nghiêm túc
+ Phương tiện xử lý rác thải hiệu quả, tránh đề tình trạng rác ứ đọng
+ Sử dụng phương tiện công cộng
3. Kết bài
- Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vui không của riêng ai, hãy chung tay hành động vì một thế giới sống xanh - sạch- đẹp
Thuyết trình về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay - mẫu 2
Hiện nay, trước sức ép của tốc độ gia tăng dân số ngày càng nhanh, nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao trong bối cảnh các nguồn tài nguyên đất liền ngày càng cạn kiệt càng đẩy mạnh khuynh hướng tiến ra biển, khai thác biển, làm giàu từ biển, nhưng thường đi kèm với đó lại là các phương thức khai thác thiếu tính bền vững; các họat động khai thác chủ yếu chỉ tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế để đạt được các mong muốn tối đa, trong khi xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, hoặc không có hoặc thiếu những qui hoạch, kế hoạch chi tiết, cụ thể, cùng với cơ chế quản lý lỏng lẻo của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu với các biểu hiện chính là sự gia tăng mực nước biển và nhiệt độ của trái đất, Vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều khu vực, quốc gia ngày càng đứng trước nhiều thách thức, nhiều nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động.
Kết quả nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, FAO và các tổ chức quốc tế khác đều chỉ ra rằng, hiện khoảng hơn 80% lượng cá toàn cầu đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá toàn cầu bị khai thác quá mức (overexploited) hoặc bị khai cạn kiệt (depleted), trong khi nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt khi sản lượng đánh bắt giảm đến 90% trong những năm gần đây.
Bên cạnh thực trạng nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản biển, tài nguyên dầu khí và những nguồn tài nguyên biển không tái tạo khác đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững, nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn cũng ngày một tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Theo ước tính, cỏ biển đã mất 30 – 60% và rừng ngập mặn – chiếm 1/3 diện tích rừng thế giới – mất đến 70% và khoảng 11% các rạn san hô trên toàn cầu đã bị phá hủy hoàn toàn trước năm 1998. Trong vòng 20 năm qua, các nước Đông Nam Á đã mất đi 12% số rạn san hô, 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Các rạn san hô thường là môi trường sống của khoàng 1/4 các loài cá, đồng thời còn là nơi cư trú của các loài sinh vật biển khác. Sự mất dần của các rạn san hô và sẽ khiến lượng cá bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn đến sự tuyệt chủng của một số sinh vật biển do chúng không còn nơi để cư trú và sinh sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà còn gây phát sinh nhiều vấn đề kinh tế-xã hội do sự thiếu hụt thực phẩm cung cấp cho những cư dân sống ở các đảo và các vùng ven biển, kéo theo những cuộc di dân hàng loạt từ các vùng ven biển vào các vùng trung tâm…
Cùng với sự suy giảm, cạn kiệt nhiều nguồn lợi biển do khai thác, sử dụng không hợp lý và thiếu tính bền vững, môi trường biển ở nhiều khu vực trên trái đất đang chịu nhiều thách thức và các mối đe dọa trầm trọng khi dân cư ven biển ngày càng tăng, các họat động kinh tế ven biển ngày càng phát triển, nhiều cửa sông ven biển bị ô nhiễm do nước thải từ các khu công nghiệp, khu đô thị thải ra cùng với nạn phá hủy rừng ngập mặn ngày càng tăng, và sự gia tăng về tần suất và mức độ ảnh hưởng của thiên tai bão lũ do biến đổi khí hậu ….
Trong một báo cáo của Trung tâm về các giải pháp đại dương (Center for Ocean Solutions) xuất bản vào tháng 5 năm 2009 với tựa đề “Hệ sinh thái và Con người của Thái Bình dương: Các mối đe dọa và Cơ hội hành động”, với sự tham gia của hơn 30 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực tự nhiên, vật lý và xã hội, từ nguồn thông tin, dữ liệu phân tích tổng hợp của 3400 bài báo, báo cáo khoa học của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, báo cáo đã nêu chi tiết về các mối đe dọa chính đối với môi trường biển và đại dương, các ảnh hưởng của chúng và đưa ra lộ trình cùng với các biện pháp đối phó với những mối đe dọa này. Theo kết quả nghiên cứu tổng hợp từ báo cáo, trong các mối đe dọa chính mà môi trường biển đang phải đối mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ này gặp phải, tại các nước giàu cũng như nước nghèo, tại các quốc gia, quần đảo, khu vực đông hay thưa dân cư đều có một điểm rất chung ớ mức rất phổ biến và đang ở mức độ báo động đó là:
(i) Ô nhiễm môi trường có nguồn gốc từ đất liền và từ biển,
(ii) Phá hủy nơi cư trú tự nhiên,
(iii) Khai thác và đánh bắt cá quá mức,
(iv) Tác động của biến đổi khí hậu,
(v) Cuối cùng, các mối đe dọa đối với môi trường đó là: sự xâm nhập của các loài ngoại lai và các mối đe cộng hưởng của các mối đe dọa kể trên.
Như vậy, môi trường sống của chúng ta đang bị đe dọa nghiêm trọng vì hiện trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, vì vậy để bảo vệ môi trường sống cũng chính là bảo vệ sự sống của con người, thì chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tuyên truyền để bạn bè, người thân cùng những người trong xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường. Chỉ có như thế môi trường sống của chúng ta mới trở nên trong sạch, tốt đẹp.
Thuyết trình về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay - mẫu 3
Bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp là vấn đề đang được cả thế giới quan tâm. Có rất nhiều hội nghị tầm cỡ toàn cầu hoặc khu vực đã được tể chức để bàn bạc và tìm ra hướng giải quyết nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay. Trong mấy năm gần đây, những thiên tai ghê gớm, khủng khiếp như động đất, sóng thần, cháy rừng, lũ lụt... xảy ra liên miên, chứng tỏ bà mẹ thiên nhiên đang nổi giận và trừng phạt loài người vì những hành vi cố tình xâm phạm và phá vỡ quy luật cân bằng sinh thái.
Ở Việt Nam, ô nhiễm môi trường sống cũng là một vấn đề nan giải vì nó gây ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng. Có thể lấy hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh làm dẫn chứng để chứng minh cho vấn đề này.
Điều đáng buồn là hiện tượng vứt rác, xả rác ra đường, ra những nơi công cộng rất phổ biến. Đó là hành động thể hiện ý thức bảo vệ môi trường quá kém, thể hiện nếp sống thiếu văn hóa, văn minh. Nguyên nhân của hiện tượng này là do lối sống lạc hậu, ích kỉ, chỉ biết đến quyền lợi cá nhân. Người ta nghĩ đơn giản rằng chỉ cần nhà mình sạch là được, còn những chỗ khác thì mặc kệ. Cho nên rác rưởi, đồ phế thải, xác súc vật chết... cứ "vô tư" ném toẹt ra đường vì đã có đội vệ sinh dọn dẹp. Cách nghĩ như thế là vô cùng thiển cận. Nhiều người nghĩ sai, làm sai sẽ dẫn đến tình trạng rác rưởi đầy đường, đầy vườn hoa, sông hồ, kênh rạch... gây mất mĩ quan thành phố và vô tình tiếp tay cho các dịch bệnh có điều kiện thuận lợi để phát triển, làm suy yếu sức khỏe của con người.
Nếu có dịp đặt chân tới thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, chắc du khách sẽ rất ấn tượng về một thành phố của cây xanh, nhưng đồng thời cũng là thành phố của rác. Rác hiện diện khắp nơi: trên đường phố, trên cả những thắng cảnh nổi tiếng như Hồ Gươm, Hồ Tây, hồ Trúc Bạch và lan tràn cả đến những nơi tôn nghiêm như Văn Miếu – Quốc Tử Giám cùng các ngôi chùa cổ kính. Còn bến tàu, bến xe, công viên... thì không chỗ nào mà không có rác.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, vài năm trở lại đây tình hình có khá hơn. Tệ nạn vứt rác ra đường đã giảm bớt, tuy vậy ở các khu nhà dân ven kênh rạch hoặc gần chợ búa ở ngoại thành thì tình hình ô nhiễm vẫn đáng sợ. Rác chất thải "sống chung" với người hết năm này qua năm khác. Chính quyền thành phố đã phải tốn nhiều công sức, tiền bạc để giải quyết vấn đề nhức nhối này nhưng vẫn chưa thể dứt điểm.
Tệ nạn thứ hai là khí thải, chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong nội thành cũng thường xuyên gây ô nhiễm nghiêm trọng. Khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi thối... ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của cả cộng đồng. Tình trạng này cũng đang được cải thiện bằng cách di dời các nhà máy, xí nghiệp... ra vùng ngoại vi thành phố, xa hẳn khu vực dân cư sinh sống và xây dựng hệ thống lọc nước thải công nghiệp đúng tiêu chuẩn an toàn.
Một vấn đề nhức nhối khác là nạn "lâm tặc" phá rừng và việc đồng bào vùng cao khai hoang làm rẫy cũng góp phần không nhỏ vào việc phá rừng. Chủ trương đóng cửa rừng, giao rừng cho dân quản lí... hầu như rất ít hiệu quả. Nhiều người chỉ nhìn thấy nguồn lợi trước mắt là lâm sản khai thác được từ rừng mà không nhận thức được hậu quả lâu dài. Tàn phá rừng đồng nghĩa với tàn phá cái nôi của sự sống, tàn phá chính cuộc sống của mình. Nạn lũ lụt, núi lở, lũ quét, lũ ống hàng năm cướp đi sinh mạng của bao người. Đất đai bạc màu, xói mòn... vì không được rừng bảo vệ. Nguồn dưỡng khí từ rừng càng ngày càng ít đi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của con người.
Khai thác rừng để phục vụ nhu cầu cuộc sống là cần thiết, nhưng muốn được hưởng lợi ích lâu dài thì chúng ta phải biết bảo vệ rừng. Bên cạnh việc chặt cây lấy gỗ, chúng ta phải biết trồng rừng. Trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc; trồng rừng để tái tạo môi trường sống cho nhiều loài chim quý, thú quý; trồng rừng để tạo vành đai phòng hộ bảo vệ đất đai, mùa màng...
Bảo vệ rừng đi đôi với việc bảo vệ hệ thống sông ngòi và biển cả. Hiện tượng cố tình biến kênh rạch, sông ngòi thành những cống lộ thiên có sẵn để chuyên chở nước thải công nghiệp cần phải chấm dứt để trả lại vẻ đẹp vốn có và sự sống cho chúng. Hiện tượng dùng chất nổ để khai thác thủy hải sản phải bị nghiêm cấm và trừng phạt vì đó là tội ác hủy diệt thiên nhiên.
Rừng vàng, biển bạc không phải là của kho vô tận, khai thác mãi thì cũng vơi, cũng cạn. Con người nếu không biết bảo vệ thiên nhiên thì cũng có nghĩa là không biết bảo vệ chính mình. Cho nên, việc cần làm trước mắt là chúng ta hãy tự giác và nhiệt tình tham gia phong trào làm cho thành phố hoặc địa phương nơi ta ở trở nên xanh – sạch – đẹp. Nếu ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường sống thì tin chắc rằng ngôi nhà chung của cả nhân loại là Trái Đất sẽ ngày càng tươi đẹp.
Thuyết trình về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay - mẫu 4
Như chúng ta đã biết, hiện nay, cùng với các vấn đề như bùng nổ dân số, xung đột vũ trang hay nạn khủng bố, thì ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề thời sự được cả thế giới quan tâm bởi những ảnh hưởng vô cùng to lớn của chúng tới con người. Đến với Hội thi hôm nay, em xin được tham gia thuyết trình với chủ đề: Chung tay vì một môi trường xanh - sạch - đẹp.
Vậy môi trường là gì? Vâng, môi trường là tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự sinh sống, sản xuất của con người, như tài nguyên thiên nhiên, không khí, đất, nước, ánh sáng, cảnh quan, quan hệ xã hội. Môi trường tự nhiên vẫn đang từng phút cung cấp cho cuộc sống con người những nguồn lợi vô giá.Thế nhưng, con người đã và đang làm gì để đền đáp, bảo vệ cho môi trường, cái nôi nuôi dưỡng sự sống của chính mình? Câu hỏi ấy tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại làm cho ta phải giật mình một khi trả lời.
Bạn có thấy chăng nước mắt của những dòng sông? Bạn có nghe chăng sự nghẹn ngào của biển cả? Ai đó có nghe không tiếng gào thét của núi rừng? Có một thời đó là những vẻ đẹp, là nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca, nhạc, họa, là những điều kỳ diệu mà tạo hóa đã tặng cho con người. Thế nhưng, con người ngày càng quay cuồng trong guồng quay chóng mặt của cơ chế thị trường, của những cạnh tranh khốc liệt, của lòng tham không đáy thì núi rừng ngày càng bị tàn phá, biển cả, sông ngòi càng ô nhiễm, nhiều đô thị khói bụi mù mịt, nước thải đen ngòm, rác có ở khắp nơi. Có thể thấy rằng, con người đã và đang xúc phạm tới tự nhiên và tất nhiên chúng ta phải trả giá. Ngay giờ đây, khi chúng ta đang ngồi bên nhau bàn về môi trường thì nước mắt miền Trung vẫn chưa khô bởi sự tàn phá của cơn áp thấp nhiệt đới. Bầu không khí đau thương, tang tóc khắp mấy tỉnh miền Trung làm chúng ta không thể không xót xa.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên? Theo em, đó là những nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Ô nhiễm mặt nước
Thứ 2: Ô nhiễm nước ngầm
Thứ 3. Ô nhiễm không khí do môi trường sống:
Thứ 4. Khai khoáng công nghiệp
Thứ 5. Nước thải không được xử lý
Thứ 6. Ô nhiễm không khí ở các đô thị
Khí thải từ xe máy, ô tô, các nhà máy điện, khu công nghiệp chứa nhiều hợp chất độc hại và bụi mịn. Những chất này khi phản ứng với ánh sáng mặt trời hình thành những hợp chất mới, ví dụ ozon, loại khí này ở gần mặt đất rất độc hại. Ngoài ra, nhận thức về bảo vệ môi trường trong tầng lớp dân cư còn nhiều hạn chế, trình độ dân trí thấp, kết cấu hạ tầng cơ sở chưa đồng đều nên công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường chưa cao.
Theo dự đoán của WHO, mỗi năm có khoảng 865.000 trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí gây nên.
Đứng trước một thực tại cấp thiết đáng lo ngại, chính quyền các cấp và nhân dân trong huyện Bắc Quang chúng ta cũng đã chính thức bắt tay vào nhiệm vụ tìm lại sự trong lành, khỏe mạnh cho môi trường sống. Hàng ngày, các công nhân của công ty vệ sinh môi trường thị xã phải len lỏi vào hầu hết các ngõ ngách của thị trấn Việt Quang để thu gom và xử lý rác thải. Từ hình ảnh những người công nhân phải ngày ngày đối mặt với biết bao rác bẩn, trong đó có không ít những mầm bệnh nguy hiểm, mỗi chúng ta hãy tự xây dựng cho mình ý thức vứt rác đúng nơi quy định, vừa là để giúp đỡ những người công nhân vệ sinh, vừa là để bảo vệ cuộc sống của chính mình. Hằng năm, huyện chúng ta còn rất tích cực tham gia Tết trồng cây, bảo vệ rừng đồi, tuyên truyền phát động phong trào tự dọn vệ sinh tới từng khu dân cư... Tất cả những việc làm đó đã và đang góp phần làm cho huyện ta ngày càng thân thiện với môi trường.
Nói riêng về trường THPT…, một ngôi trường luôn được đánh giá là xanh, sạch, đẹp, thì việc tuyên truyền, nhắc nhở học sinh bảo vệ môi trường luôn rất được Ban giám hiệu nhà trường quan tâm, nhất là từ khi thực hiện cuộc vận động xây dựng "trường học thân thiện, học sinh tích cực" với một trong những tiêu chí quan trọng nhất là giữ gìn vệ sinh môi trường.
Nhà trường đã mua thùng rác đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong trường tạo thuận lợi cho học sinh trong việc làm vệ sinh. Không những vậy, trong khi nhiều trường học khác thuê nhân công quét dọn thì Ban giám hiệu nhà trường lại giao nhiệm vụ làm vệ sinh bảo vệ môi trường đến từng lớp, từng cá nhân với hình thức khen chê, thưởng phạt xứng đáng, điều đó không chỉ giúp môi trường luôn sạch sẽ mà còn góp phần tạo ra không khí thi đua sôi nổi giữa các lớp, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Bên cạnh đó, nội dung bảo vệ môi trường đã được thầy cô giảng dạy thông qua các môn học Văn, Sử, Địa, GDCD... Sự giáo dục đó sẽ theo chúng em về từng khu dân cư, góp phần hình thành ý thức tự giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm chung. Ngoài ra, tuổi trẻ trường THPT…còn tham gia dọn vệ sinh các di tích lịch sử trên địa bàn xã…, phần nào giúp giữ gìn và phát huy những giá trị, ý nghĩa của di tích này
Đối với cá nhân em, mỗi khi có dịp cũng rất tích cực tham gia dọn vệ sinh khu dân cư, trồng thêm nhiều cây xanh, hạn chế sử dụng túi ni lông, tiết kiệm năng lượng và luôn sẵn sàng làm một tuyên truyền viên tích cực cho công tác bảo vệ môi trường
Tuy nhiên, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt những gì chúng ta đã làm được, dưới góc độ của một học sinh, hiểu biết còn có phần hạn hẹp, em cũng xin đưa ra một số ý kiến của cá nhân mình
Thứ nhất, cần tăng cường công tác quản lý của nhà nước, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, ban hành chính sách phát triển gắn với bảo vệ môi trường
Thứ hai, thường xuyên giáo dục, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường cả trong nhà trường và ngoài xã hội. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của tất cả chúng ta, mọi sự cưỡng ép đều không mang lại kết quả. Nếu ai cũng ý thức được rằng bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính mình thì vấn đề này sẽ không còn nan giải nữa
Thứ ba, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế trong vấn đề bảo vệ môi trường như tiếp cận công nghệ động cơ tiết kiệm nhiên liệu chạy bằng nhiên liệu sạch, thay thế dần năng lượng hóa thạch bằng các năng lượng ánh sáng, thủy triều, năng lượng gió...nghiên cứu và sử dụng rộng rãi các loại thiết bị tiết kiệm năng lượng trong gia đình, nhà trường, công sở và các địa điểm công cộng...tái chế rác thải, sử dụng phân hữu cơ, mô hình VAC trong nông nghiệp...
Kính thưa quý vị, cùng với việc môi trường bị ô nhiễm, trái đất của chúng ta đang ngày một nóng lên, thiên nhiên đã nổi giận, môi trường sống của chúng ta đã không còn đủ kiên nhẫn nữa. Nếu quý vị đã có ý thức bảo vệ môi trường, xin hãy tiếp tục, còn nếu chưa thì cũng đừng quá lo lắng, hãy thay đổi thói quen ngay từ bây giờ. Chỉ có như vậy thì môi trường tự nhiên mới mãi là cái nôi êm ái của mỗi chúng ta.
Thuyết trình về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay - mẫu 5
Nhà thơ Ra-xun Gam-da-tốp với bài thơ “Trái đất” đã gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về con người và sự sống trên hành tinh thân yêu:
“Trải đất! Có bọn xem người là quả dưa
Họ bổ, cắn người thành muôn mảnh nhỏ
Lũ khác nhìn người như quả bóng trên sân
Để giành giật, họ lao vào, đá, đá.
Trải Đất với tôi – chẳng là dưa là bóng
Với tôi, người - khuôn mặt thân thương
Nước mắt người tôi lau - xin đừng khóc nữa
Rửa sạch máu cho người đây, tôi hát, dịu dàng”
Bài thơ đã gợi lên trong bạn đọc những suy nghĩ về cách hành xử của con người với trái đất và những ảnh hưởng tiêu cực mà trái đất đang phải chịu đựng.
Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang trở thành một vấn nạn đáng lo ngại trong cuộc sống. Cuộc sống càng hiện đại phát triển, con người với thiên nhiên dần trở nên xa cách. Không còn lối sống hòa hợp với tự nhiên mà con người sẽ lợi dụng tự nhiên để phục vụ lợi ích của mình. Nhu cầu của con người càng lớn thì mức độ ô nhiễm môi trường càng tăng. Vì vậy, thiếu ý thức bảo vệ môi trường sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Một trong những ảnh hưởng đầu tiên đó là chất lượng không khí. Không khí là nguồn cung cấp hơi thở, duy trì sự sống cho con người. Tuy nhiên, việc hít thở không khí đang trở nên khó khăn với loài người vì lượng khí thải xả ra bầu trời hằng ngày. Đó là khói bụi từ các ô tô, xe máy, khí hóa chất từ các nhà máy, khí đốt từ người dân,… Ô nhiễm không khí có thể gây ra các bệnh về phổi, thậm chí gây ra ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. WHO cũng ước tính, năm 2016, Việt Nam có hơn 60.000 người chết vì bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính do ô nhiễm không khí gây ra. Chỉ số ô nhiễm của Hà Nội trong năm 2019 có những thời điểm ngang bằng với chỉ số Bắc Kinh-vùng có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới.
Môi trường đất cũng bị ô nhiễm gây hại đến cả đời sống của con người, các loài động vật, thực vật. Ô nhiễm xuất phát từ hóa chất từ các nhà máy thải xuống lòng đất, rác thải con người chôn, ... khiến cây cối không thể phát triển, động vật phải di chuyển nơi sinh sống. Nghiêm trọng nhất đó là hiện tượng xói mòn đất, sạt nở rừng, gây nguy hiểm cho người dân. Năm2020, Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở mức độ gay gắt và khốc liệt. Tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh.
Ngoài ra, môi trường nước trở nên ô nhiễm, bốc mùi, đổi màu. Xuất phát từ chất thải sinh hoạt từ các gia đình, chất thải hóa học, rác thải,…gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Năm 2016 đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây. Nguồn nước ô nhiễm, đổi màu, bốc mùi ở sông Tô Lịch cũng là một trong những hậu quả của việc thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Do thiếu ý thức về bảo vệ môi trường, hàng nghìn ha rừng của Việt Nam đã bị thiêu rụi. Lũ lụt thường xuyên xảy ra tại miền Trung cũng là một trong những hậu quả mà ô nhiễm môi trường gây ra với loài người.
Tàn phá môi trường gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, vậy nếu chúng ta có ý thức bảo vệ, cuộc sống sẽ ra sao? Trước hết, nó sẽ đem lại một nguồn không khí trong lành, tăng cường sức khỏe cho con người và nâng cao thẩm mĩ đô thị. Nếu mỗi người chúng ta đều có ý thức tự giác thì môi trường sống xung quanh trở nên xanh, sạch đẹp khi không có rác thải. Con người sẽ có được nguồn nước sạch, trong lành để sinh hoạt, nuôi trồng, phát triển kinh tế. Đời sống nhân dân được cải thiện, kinh tế xã hội phát triển. Từ đó, chúng ta sẽ tạo nên hình ảnh một đất nước xanh sạch đẹp, được bạn bè quốc tế biết đến tham quan và du lịch.
Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng: Trái Đất đang “chảy máu” bởi chính những hành động thiếu ý thức của con người. Vậy chúng ta cần làm gì để bảo vệ môi trường, cũng là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta? Trước hết, hãy biết trân trọng môi trường sống xung quanh mình, tự cung cấp cho bản thân những hiểu biết nhằm bảo vệ môi trường. Thay vì sử dụng túi ni lông dùng một lần, chúng ta hãy sử dụng túi vải có thể tái chế. Hãy vưt rác đúng quy định và học cách phân loại rác phù hợp. Hãy tham gia những hoạt động cộng đồng bảo vệ môi trường, vừa nâng cao kĩ năng sống cho bản thân vừa cống hiến có ích cho xã hội. Với tôi, là một người trẻ, tôi mong muốn có thể đóng góp trí tuệ và năng lực của bản thân đem đến những việc làm có ý nghĩa với cộng đồng.
Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 10 hay khác:
- Có ý kiến cho rằng: “Truyện ngắn không có cốt truyện li kì, hấp dẫn không phải là một truyện hay”. Trình bày ý kiến của em về ý kiến này.
- Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: “Để hiểu đúng nhân vật Huấn Cao, có nhất thiết phải biết tường tận về Cao Bá Quát – một nhân vật lịch sử được Nguyễn Tuân chọn làm nguyên mẫu?”
- Hãy viết một bản nội quy lớp học dành cho học sinh.
- Hãy viết một bản nội quy học sinh THPT.
- Hãy viết một bản nội quy tại công viên.
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:
- Soạn văn 10 Kết nối tri thức (hay nhất)
- Soạn văn 10 Kết nối tri thức (ngắn nhất)
- Soạn văn 10 Kết nối tri thức (siêu ngắn)
- Giải Chuyên đề học tập Văn 10 Kết nối tri thức
- Giải lớp 10 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 10 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 10 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 10 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 10 (ngắn nhất) - KNTT
- Soạn văn 10 (siêu ngắn) - KNTT
- Giải sgk Toán 10 - KNTT
- Giải Tiếng Anh 10 Global Success
- Giải Tiếng Anh 10 Friends Global
- Giải sgk Tiếng Anh 10 iLearn Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 10 Explore New Worlds
- Giải sgk Vật lí 10 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 10 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 10 - KNTT
- Giải sgk Địa lí 10 - KNTT
- Giải sgk Lịch sử 10 - KNTT
- Giải sgk Kinh tế và Pháp luật 10 - KNTT
- Giải sgk Tin học 10 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 10 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 10 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 10 - KNTT