Top 30 Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám (siêu hay)

Tổng hợp các bài văn nghị luận phân tích, đánh giá tác phẩm truyện Tấm Cám hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 1

Dù là truyện loài vật, thần kì hay thế tục thì truyện cổ vẫn mang yếu tố chính là xuất hiện và phản ánh những sự việc xảy ra trong xã hội loài người. Truyện cổ Tấm - Cám thuộc loại truyện thần kỳ kể về đời cô Tấm, một cô gái bất hạnh phải chịu nhiều nỗi đắng cay, chua xót nhưng được tiên, bụt... phò trợ nên đã vượt qua và đạt được hạnh phúc trong đời. Truyện tuy có những chi tiết thần kì giữ vai trò mở nút thắt trong từng tình huống, nhưng trên tất cả là thể hiện ước mơ cháy bỏng của nhân dân lao động về hạnh phúc gia đình, về lẽ công bằng xã hội, về phẩm chất và năng lực tuyệt vời của con người.

Đoạn đầu truyện, dân gian giới thiệu các nhân vật chính và hoàn cảnh sống của họ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm đã chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám.

Lời giới thiệu không chỉ gọn, rõ mà còn gợi mở số phận đắng cay của nhân vật Tấm với người đọc. Đúng vậy, tục ngữ - ca dao cũng đã từng nhắc nhở:

Mấy đời bánh đúc có xương,

Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng

Cám thì được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn. Ngược lại thì Tấm bị bắt làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt mà không hết việc.

Sau đoạn văn giới thiệu, tình huống thứ nhất xuất hiện do mụ dì ghẻ bày ra. Mụ mang ra hai cái giỏ đưa cho hai chị em đi bắt tôm bắt tép, và ra điều kiện rằng: “Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ!” Một điều kiện, một lời hứa khá là công bằng, chẳng bắt ép con ghẻ, cũng chẳng thiên vị con ruột. Đứa nào nhiều hơn thì được thưởng. Nhưng ai biết được mụ đã nói gì với Cám, con gái cưng của mụ? Trong cuộc sống hàng ngày, mụ đã quá hiểu con gái mình và cả Tấm. Chỉ một buổi thôi, Tấm đã bắt được một giỏ đầy. Thấy vậy, Cám mới bảo: “Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng”. Về hình thức thì câu nói có vần có điệu khiến lời kể hấp dẫn hơn. Về nội dung thoạt nghe thì hữu lý, nhưng nghĩ lại cho cùng thì ẩn chứa sau lời nhắc nhở có chút đe dọa kia là một mưu toan. Tin là thật nên Tấm làm theo, còn Cám thì thừa dịp đó trút hết tôm tép vào giỏ của mình rồi ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Tất cả những chi tiết tạo nên tình huống trên giúp người đọc thấy rõ đặc tính của mỗi nhân vật, ai là người chân thật, ai là kẻ dối trá và lừa đảo.

Sau khi lên bờ, Tấm nhìn vào giỏ thì không thấy tôm tép đâu. Trước hoàn cảnh đó, cô Tấm chỉ còn biết ngồi khóc. Thế là Bụt xuất hiện. Hiện thực (Tấm) và siêu nhiên thần kỳ (Bụt) giao hóa để tạo nên tình huống mới. Nếu không có Bụt xuất hiện thì hướng phát triển của truyện theo chiều hiện thực (chẳng hạn Tấm về nhà, bị mụ dì ghẻ đánh mắng và đuổi đi...). Bụt xuất hiện đã chỉ cho Tấm còn một con cá bống trong giỏ và bảo Tấm đem con cá bống về nuôi. Từ đó, bống cũng trở thành con cá thần kỳ nghe được tiếng người gọi theo lời Bụt dặn để trồi lên:

Bống bống, bang bang,

Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta,

Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.

Thế giới siêu nhiên thần kỳ sống giao hòa với con người bắt đầu từ tình huống này. Tấm làm theo lời Bụt nuôi cá bống ở giếng trong vườn nhà, mỗi ngày gặp nhau bằng câu Bụt dặn. Với người tin thế giới tâm linh thì đó là câu thần chú. Với người bình thường thì đó là câu “ám hiệu” để nhận ra người cùng phe dù không biết mặt mũi của nhau. Nhờ vậy mà Tấm với bông sống và gặp gỡ nhau trong một thời gian dài.

Nhưng sự việc không qua được cặp m ắt soi mói, đầu óc nghi ngờ của mụ dì ghẻ. Mụ sai Cám đi rình, học thuộc mấy câu trên, rồi thực hiện âm mưu đen tối của mình. Bày tính bắt Tấm chăn trâu, nhưng “phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu”. Tấm làm theo. Tới chiều về, Tấm mang cơm ra cho bống như mọi khi. Gọi mãi mà không thấy bống, cuối cùng chỉ thấy một cục máu nổi lên mặt nước. Chi tiết kì ảo ấy khiến người đọc có cảm giác rờn rợn. Tính độc ác tăng dần trong con người của hai mẹ con mụ dì ghẻ. Cái chết xuất hiện, dù là cái chết của một con vật. Mà cá bống, trong trường hợp này lại là một phần của lực lượng siêu nhiên bởi có sự dẫn dắt, chỉ bảo của Bụt, rõ hơn là tình thương, là sự giúp đỡ của Bụt đối với Tấm - cô gái mồ côi, bất hạnh. Bởi vậy, khi nghe Tấm vừa khóc vừa trình bày sự việc, Bụt đã cho biết là bống đã bị người ta ăn thịt và chi cho cách sử dụng xương của bống. Tấm lục lọi tìm xương của bông khắp vườn, nhưng không thấy. Thấy vậy, một con gà bảo Tấm: “Cục ta cục tác! Cho ta nắm thóc, ta bới xương cho”. Tấm làm theo yêu cầu của gà, rồi theo gà vào bếp. Lấy được xương bống, Tấm cho vào bốn cái lọ và chôn dưới bốn chân giường theo lời Bụt dặn.

Chắc chắn Tấm chẳng biết ai ăn thịt bống, nhưng qua đoạn văn thì siêu nhiên (ở đây là Bụt) biết, chỉ cho Tấm cách dùng xương của bống, và sắp xếp cho gà gặp và mách bảo cho Tấm. Gà nói được tiếng người hay người nghe được tiếng gà cũng do quyền năng của siêu nhiên. Quyền năng ấy là điều bí ẩn, cũng như việc chôn bốn lọ đựng xương xuống dưới bốn chân giường để làm gì, sau này chúng thành những thứ gì thì con người chẳng ai biết. Nhưng người đọc nhận ra sự liên quan giữa bốn lọ xương với Tấm khi tự đặt ra câu hỏi: Tại sao không chôn bốn lọ xương ấy ở một nơi nào khác mà lại chôn dưới bốn chân giường của Tấm? Chính những chi tiết ấy khêu gợi tính tò mò của người đọc khiến họ không muốn đứt câu chuyện.

Truyện được kể tiếp về những ngày hội ở kinh đô. Không muốn Tấm cùng đi, mụ dì ghẻ trộn hai đấu thóc và gạo vào nhau, bảo Tấm lựa hai loại để riêng ra rồi hãy đi. Bụt lại giúp Tấm hai câu thần chú gọi chim sẻ:

Rặt rặt xuống nhặt cho tao

Ăn mất hạt nào, thì tao đánh chết

Không có quần áo đẹp đi dự hội, Bụt bảo Tấm đào bôn cái lọ đã chôn dưới bốn chân giường lên. Xương của bống đã hóa thành lễ phục, đôi giày thêu, con ngựa và yên ngựa. Từ phương tiện để chưng diện, di chuyển ấy Tấm nhanh chóng đi dự lễ hội. Ngựa phóng qua chỗ lội, Tấm bị rơi mất một chiếc giày. Hai chú voi dẫn đầu đoàn xa giá của vua đến dự hội tới đây đều kêu rống lên, không chịu đi tiếp. Nhà vua phải sai quân hầu tìm hiểu thì vớt được chiếc giày. Khi vua nhìn thấy chiếc giày và thầm bảo: “Chà, một chiếc giày thật xinh! Người đi giày này hẳn phải là một trang tuyệt sắc”. Từ chiếc giày ở đây trở lại đầu truyện, những chi tiết tạo nên những tình huống giúp Tấm vượt qua thử thách đều do Bụt, và bống là nhân vật liên can. Chính nhờ chiếc giày được biến hóa từ xương của bông mà Tấm được vua sai đoàn thị nữ rước nàng vào cung. Dù trước đó khi gặp hai mẹ con Cám trong buổi thử giày nàng đã bị mụ dì ghẻ bĩu rằng: “Chuông khánh còn chả ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre”. Từ đây trở về sau, các chi tiết chính tạo nên các tình huống chính đều liên can trực tiếp đến sinh mạng của Tâm, và mưu mô ác độc của mụ dì ghẻ và Cám.

Tuy sống sung sướng trong hoàng cung, Tấm vẫn không quên ngày giỗ cha. Chi tiết ấy cho người đọc nhận ra Tấm không chỉ là cô gái thật thà mà còn là người con hiếu thảo. Nàng xin phép nhà vua về phụ với dì ghẻ làm cỗ cúng cha thì bị mụ dì ghẻ lợi dụng lòng hiếu thảo ây sai nàng trèo lên cây cau xé lấy một buồng để cúng bố để đốt cây giết nàng. Mụ còn đưa Cám vào cung thay thế vai trò của chị. Nhà vua thì trong bụng không vui, nhưng vẫn không nói gì cả.

Cái chết của Tấm nảy sinh ra một chuỗi tình huống nhỏ tiếp theo. Tấm chết, hóa làm chim vàng anh, bay thẳng về cung nhắc nhở Cám:

“Phơi áo chồng tao, phai lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao.”

Chim vàng anh được vua vô cùng yêu qúy, cho ở lồng vàng. Cám biết được, nghe lời mẹ bắt vàng anh làm thịt nấu ăn và vứt lông chim ra vườn. Lông chim hóa ra hai cây xoan đào được vua cho mắc võng và ngày nào cũng ra nám hóng mát. Mụ dì ghẻ và Cám lén chặt cây làm khung cửi. Cứ mỗi lần ngồi dệt và Cám nghe lời đe dọa.

Cót ca cót két,

Lấy tranh chồng chị,

Chị khoét mắt ra

Sợ quá, Cám nghe lời mẹ đốt khung cửi rồi sai người mang tro đổ bên vệ đường cách xa hoàng cung. Từ đống tro mọc lên một cây thị chỉ đậu được một quả khi đến mùa, hương thơm ngát tỏa ra khắp nơi. Bà lão hàng nước gần đó thấy bèn xin:

“Thị ơi thị, rụng vào bị bà, bà đem bà ngửi, chứ bà không ăn.”

Về với bà lão hiền từ, Tấm từ quả thị chui ra giúp bà dọn dẹp nhà cửa, múc nước, nấu cơm. Bà lão thấy lạ bèn rình xem. Khi thấy cô gái xinh đẹp thì bà ôm choàng lấy, rồi xé vụn võ thị Từ đó Tấm ở với bà hàng nước, hai người thương yêu nhau như hai mẹ con. Nhân một chuyến vi hành, thấy quán nước sạch sẽ và tươm tất nên nhà vua ghé vào. Bà lão mang cau trầu và nước dáng vua. Thấy miếng trầu têm cánh phượng, vua nhớ tới miếng trầu Tấm têm dâng vua ngày trước, bèn hỏi bà lão. Nhờ vậy mà Tấm và vua đoàn tụ.

Một chuỗi nguyên nhân và kết quả, một chuỗi tình huống nhỏ xuất phát từ cái chết, từ xương thịt của Tấm. Từ chim vàng anh, cây gỗ xoan đào, khung cửi, cây thị đều có gốc từ xương thịt của Tấm mà ra. Nhưng chỉ từ cây thị, quả thị Tấm mới hóa kiếp lại thành người bởi cô đã trả xong những món nợ trong quá khứ mà đạo Phật gọi là nghiệp (nghiệp báo) nay ở vào hoàn cảnh gặp được người lành.

 Nếu ở truyện cổ Thạch Sanh - Lý Thông, Thạch Sanh thì tha nhưng Trời thì trừng phạt, cả hai mẹ con Lí Thông bị sét đánh chết thì ở truyện này Tấm lại trả thù, giết chết Cám. Có người cho rằng Tấm nhẫn tâm. Nhưng suy cho cùng thì mẹ con Cám đã tạo nghiệp ác quá nhiều, giết mẹ con Cám là Tấm muôn xóa sạch nghiệp ác ấy, để những người khác không phải chịu hành vi độc ác của mẹ con Cám nếu cả hai còn sống. Cái chết của mẹ con Cám hợp với quy luật: Gieo gió thì gặp bão!

Truyện cổ thần kì “Tấm Cám” kể lại số kiếp long đong trong một phần đời của Tấm kể từ ngày mất mẹ, mất cha, và phải sống với mụ dì ghẻ và đứa em gái cay nghiệt độc ác. Qua nghệ thuật hư cấu truyện với những chi tiết thần kì, phần đời ấy, sự chuyển biến hình tượng của Tấm chính là sự đấu tranh giữa điều thiện với cái ác, là sự mâu thuẫn và xung đột trong gia đình dưới chế độ mẫu hệ. Từ một cô bé mồ côi bị hãm hại phải chết đi sống lại nhiều lần, cuối cùng Tấm vẫn giữ ngôi hoàng hậu đã thể hiện sức mạnh của điều thiện trước cái ác.

Dàn ý Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về đặc trưng thể loại truyện cổ tích.

- Giới thiệu về truyện cổ tích “Tấm Cám”: Thuộc thể loại cổ tích thần kỳ kể về cuộc đời của Tấm thông qua đó thể hiện ước mơ cháy bỏng về khát vọng hạnh phúc và công lí của nhân dân.

II. Thân bài

1. Diễn biến mâu thuẫn xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám

- Chặng 1: Con đường đến với hạnh phúc của Tấm.

+ Cám lừa Tấm, trút hết giỏ tép của Tấm vào giỏ của mình để cướp phần thưởng. Tấm ôm mặt khóc, bụt hiện lên cho Tấm một con cá bống.

+ Mẹ con Cám lừa Tấm đi chăn trâu ở cánh đồng xa để giết thịt cá bống. Tấm về không thấy cá bóng liền ngồi khóc. Bụt hiện lên bảo Tấm cho xương cá đựng vào bốn chiếc lọ chôn ở bốn chân giường.

+ Dì ghẻ trộn thóc lẫn gạo, bắt Tấm nhặt không cho đi trẩy hội. Tấm khóc. Bụt hiện lên, sai một đàn chim sẻ xuống nhặt giúp.

+ Tấm không có quần áo đẹp mặc đi hội. Tấm tủi thân khóc. Bụt hiện lên cho Tấm quần áo, khăn, giày, xe ngựa. Tấm đến gặp vua, đánh rơi chiếc hài và may mắn trở thành hoàng hậu.

=> Ở chặng này, mâu thuẫn chủ yếu xoay quanh hơn thua về vật chất và tinh thần. Tấm bị mẹ con Cám cướp đoạt trắng trợn công sức lao động, phần thưởng, niềm vui tinh thần. Tấm luôn trong thế bị động, không thể tự giải quyết xung đột mà phải nhờ đến Bụt. Sự xuất hiện đúng lúc của Bụt cho thấy sự bênh vực của nhân dân đối với kẻ yếu.

=> Quá trình giải quyết mâu thuẫn theo hướng thiện thắng ác, ở hiền gặp lành.

=> Tấm hiện lên là một cô gái mồ côi, đau khổ, tội nghiệp, hiền lành, chỉ biết khóc mỗi khi bị ức hiếp. Mẹ con Cám lười biếng, đố kị, nhẫn tâm nhưng ở chặng này mới dừng lại ở đố kỵ, ghen ghét, chưa có hành động tiêu diệt.

- Chặng 2: Con đường đấu tranh giành lấy hạnh phúc của Tấm.

+ Tấm về giỗ cha, bị mẹ con Cám dụ trèo lên cây cau, sau đó chặt gốc cau. Tấm ngã chết, Cám được đưa vào cung thay thế.

+ Tấm chết hóa thành chim vàng anh, báo hiệu sự có mặt trên đời. Mẹ con Cám giết thịt chim

+ Tấm hóa thành cây xoan đào, tỏ bóng mát cho nhà vua. Mẹ con Cám chặt cây, đốt làm khung cửi.

+ Tấm hóa thành con ác trên khung cửi, trực tiếp tuyên chiến với kẻ thù . Mẹ con Cám đốt khung cửi.

+ Tấm hóa thành quả thị, ngày ngày chui ra quét dọn, nấu cơm cho bà hàng nước, sau đó gặp lại nhà vua và trở về làm hoàng hậu. Mẹ con Cám ngỡ ngàng và chết một cách thảm khốc

=> Ở chặng 2, mâu thuẫn xung đột dữ dội, một mất một còn xoay quanh ngôi vị hoàng hậu. Tấm luôn trong thế chủ động, đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt. Tấm không còn khóc, không còn Bụt giúp đỡ, những lần hóa thân của Tấm cho thấy sự chiến đấu không khoan nhượng, sức sống mãnh liệt không thể tiêu diệt của cái thiện.

=> Mâu thuẫn cũng được giải quyết theo hướng thiện thắng ác.

=> Tấm từ một cô gái nhu mì, yếu đuối trở nên mạnh mẽ, can đảm, kiên cường đấu tranh để giành lấy hạnh phúc, diệt trừ cái ác. Mẹ con Cám là những kẻ tham lam, độc ác truy sát Tấm đến tận cùng.

2. Bản chất của mâu thuẫn, xung đột

- Xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình phụ hệ: Dì ghẻ - con chồng.

+ Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ.

+ Tấm và dì ghẻ là con chồng dì ghẻ.

=> Đây là mâu thuẫn phổ biến trong xã hội.

- Phản ánh mâu thuẫn xã hội giữa cái thiện và cái ác.

+ Tấm đại diện cho các nhân vật ở tuyến thiện: Hiền lành, nhu mì, đau khổ, tội nghiệp luôn nhận được sự giúp đỡ, dám đứng lên chống lại cái ác.

+ Mẹ con Cám lười biếng, nhẫn tâm, độc ác.

=> Thể hiện quan niệm của nhân dân ở hiền gặp lành, ác giả ác báo và ước mơ về một xã hội công bằng.

3. Hành động trả thù của Tấm

- Tấm trở về cung, làm hoàng hậu và trẻ đẹp hơn trước.

- Cám ngỡ ngàng, khát khao được đẹp như chị. Tấm bày cách cho Cám xuống hố, dội nước sôi cho trắng đẹp rồi chết.

- Mẹ Cám ăn lọ mắm làm từ thịt con gái, kinh khiếp lăn đùng ra chết.

=> Hành động này phù hợp với quá trình trưởng thành trong đấu tranh của Tấm: Từ hiền lành cam chịu, yếu đuối đến mạnh mẽ quyết liệt chống lại cái ác và cuối cùng ra tay trừng phạt cái ác.

=> Phù hợp với quan niệm của nhân dân: “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.

4. Đặc sắc nghệ thuật

- Xây dựng những mâu thuẫn, xung đột theo hướng tăng tiến.

- Xây dựng hai tuyến nhân vật thiện ác rõ rệt.

- Sử dụng những mô típ truyền thống: mô típ vật duy nhất còn sót lại (con cá, chiếc giày, quả thị, trầu têm cánh phương), mô típ hóa thân...

- Sử dụng các yếu tố thần kì: nhân vật thần kì (Bụt), vật thần kì (Xương cá bống, bầy chim sẻ), những lần hóa thân của Tấm.

III. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện cổ tích “Tấm Cám”.

- Mở rộng: Kiểu truyện Tấm Cám có mặt ở hầu hết các truyện kể dân gian ở các nước như “Cô bé Lọ lem”, “Cô Tro bếp”. Hình tượng cô Tấm và cốt truyện. Tấm Cám cũng xuất hiện nhiều ở các loại hình nghệ thuật khác như truyện thơ, trèo. Từ đó cho thấy sự hấp dẫn và phổ biến của kiểu truyện Tấm Cám.

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 2

“Tấm Cám” là một trong những truyện cổ tích đặc sắc nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Tác phẩm kể về cuộc đời và quá trình đấu tranh của Tấm để giành lại sự sống, hạnh phúc cho bản thân. Qua tác phẩm còn thể hiện những quan điểm, triết lí của ông cha ta.

Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ, Tấm sớm mồ côi và sống cùng dì ghẻ và cô em tên Cám. Tấm luôn bị ngược đãi còn Cám chỉ biết rong chơi. Hằng ngày, Tấm phải chăm chỉ làm lụng, hiền lành được bụt giúp đỡ và trong ngày hội đã trở thành hoàng hậu. Đến ngày giỗ cha, nàng về nhà thì bị mẹ con Cám bức hại, và từ đó nàng phải trải qua hết kiếp hóa thân này đến kiếp hóa thân khác mới được trở về sống cùng nhà vua, hưởng hạnh phúc trọn đời. Còn mẹ con Cám bị trừng phạt thích đáng.

Ta có thể thấy mâu thuẫn chính, chủ yếu trong tác phẩm là mâu thuẫn mẹ ghẻ, con chồng. Ông cha ta vẫn thường có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, đây là mâu thuẫn cơ bản dẫn đến hàng loạt các xung đột biến cố phía sau. Từ đó nâng lên thành xung đột giữa thiện - ác, tốt - xấu mang ý nghĩa xã hội to lớn.

Trước hết mâu thuẫn nảy sinh là do sự đối xử bất công của dì ghẻ với Tấm. Hàng ngày Tấm phải làm lụng vất vả từ sáng đến tối, ngày nàng chăn trâu, cắt cỏ, đêm thì giã gạo, xay thóc… cô phải luôn chân luôn tay làm việc, không có lúc nào nghỉ ngơi. Còn Cám lại suốt ngày rong chơi, hái hoa bắt bướm. Và đỉnh điểm của sự việc là khi Tấm bị Cám lừa lấy hết giỏ tép vào giỏ mình về nhà trước nhận phần thưởng là chiếc yếm đỏ. Chiếc yếm đỏ không đơn thuần chỉ là một phần thưởng mà nó còn tượng trưng cho sự trưởng thành, là khát khao của cô gái mới lớn. Mẹ Cám hoàn toàn biết sự thật nhưng vẫn mặc kệ trao thưởng cho Cám, Tấm bất lực chỉ biết ngồi khóc. Như vậy, Tấm trước hết bị Cám tước đoạt quyền lợi về mặt vật chất. Ông Bụt xuất hiện, ban thưởng cũng là bù đắp cho số phận của những người con gái bị lừa gạt. Cá bống xuất hiện làm bạn, xua tan những cô đơn, tủi cực của Tấm. Nhưng đồng thời, chính lúc này Tấm phải đối diện với lần lừa gạt thứ hai. Cá bống là người bạn duy nhất tâm tình cùng Tấm, Tấm “nhường cơm sẻ áo” cho người bạn ấy. Mẹ con Cám khi biết chuyện đã lừa Tấm “đi chăn trâu đồng xa, chớ chăn gần nhà người ta bắt mất trâu” để giết cá bống. Không chỉ tước đoạt phần thưởng vật chất, mẹ con Cám còn tước đoạt niềm vui tinh thần của Tấm. Mâu thuẫn tiếp tục đẩy lên cao hơn, trong ngày hội mẹ Cám trộn một đấu thóc với một đấu gạo, bắt Tấm nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo nhằm ngăn Tấm không được hưởng niềm vui tinh thần - dự hội cùng mọi người. Mẹ con Cám hết lần này đến lần khác đối xử bất công với Tấm, ngăn cản niềm vui, hạnh phúc của Tấm. Đó là biểu hiện của sự độc ác, tàn nhẫn và bất công.

Trước sự đối xử bất công, Tấm chỉ có duy nhất một phản ứng chính là ôm mặt khóc. Cô chỉ mới dừng lại ở việc ý thức được sự đau khổ, chứ chưa có hành động quyết liệt để thoát nỗi đau khổ đó. Tâm luôn cam chịu, nhẫn nhục một cách thụ động. Và để giải quyết những nỗi ấm ức, bất hạnh của Tấm, Bụt xuất hiện sau mỗi tiếng khóc của cô, Bụt ban cho Tấm: cá bống - làm bạn, quần áo - dự hội, đây đồng thời cũng là cơ hội để Tấm có được hạnh phúc. Và kết quả cô đã trở thành hoàng hậu. Đây là mô típ quen thuộc trong văn học dân gian thể hiện quan điểm “Ở hiền gặp lành” của nhân dân ta.

Nhưng nếu câu chuyện mới chỉ dừng lại ở đó thì “Tấm Cám” sẽ nhòe mờ trong vô vàn truyện cổ tích có mô típ tương tự. Câu chuyện tiếp tục phát triển với những mâu thuẫn mới xuất hiện. Khi trở thành hoàng hậu, nàng vẫn giữ trọn vẹn đạo hiếu, ngày giỗ cha trở về nhà làm giỗ. Và cũng chính từ đây hàng loạt biến cố trong đời nàng tiếp tục xảy ra. Dì ghẻ bảo Tấm trèo lên cây hái cau. Còn mụ ta thì ở dưới chặt cây. Tấm thấy động, hỏi thì dì ghẻ bảo đuổi kiến, nhưng kỳ thực mẹ con Cám đang chặt cây cau, cây đổ. Tấm chết và Cám vào cung thay chị làm hoàng hậu. Như vậy Tấm bị cướp đoạt mạng sống và ngôi vị, đây là sự tước đoạt cả về quyền lợi vật chất lẫn tinh thần. Nhưng ở giai đoạn này không còn là cô Tấm cam chịu, Tấm không cam lòng và trở về hoàng cung với nhiều hình dạng khác nhau: chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi và đều bị mẹ con Cám sát hại dã man. Qua hai chặng từ Tấm bị đối xử bất công đến bị mẹ con Cám hại chết cho thấy mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật càng ngày càng quyết liệt hơn, gay cấn hơn.

Không còn là một nàng Tấm cam chịu trước những bất công, ở chặng thứ hai này, Tấm đã vùng lên phản kháng, đấu tranh một cách quyết liệt. Bởi Tấm không chỉ bị tước quyền lợi vật chất, tinh thần mà còn bị cướp đi cả mạng sống hết lần này đến lần khác, nó đã quá giới hạn chịu đựng của con người. Bởi vậy nàng phải vùng lên đấu tranh, quay trở về tuyên chiến với Cám bằng lời đe dọa:

Cót ca cót két

Lấy tranh chồng chị

Chị khoét mắt ra

Không chỉ tuyên chiến mà Tấm còn trừng trị Cám một cách thích đáng và quay lại ngôi vị hoàng hậu hưởng hạnh phúc bên nhà vua. Câu chuyện đến đây còn thêm nhiều ý nghĩa, đó là bài học về: “Ác giả ác báo”, khẳng định cái thiện sẽ luôn giành chiến thắng. Đồng thời qua quá trình đấu tranh của Tấm cũng cho thấy hạnh phúc chỉ thực sự bền lâu khi mỗi chúng ta biết đấu tranh và giữ lấy nó.

Thành công của tác phẩm không chỉ ở nội dung đặc sắc mà còn ở hình thức nghệ thuật. Tấm Cám xây dựng tình huống truyện hấp dẫn, giàu kịch tính theo chiều tăng tiến. Sử dụng linh hoạt các yếu tố thần kì: Ông Bụt là nhân vật trợ giúp; sự thân liên tiếp của Tấm thể hiện ý thức đấu tranh giành hạnh phúc. Nhân vật không đơn nhất một chiều mà có sự phát triển tính cách.

“Tấm Cám” là câu chuyện hấp dẫn, đặc sắc ở cốt truyện lôi cuốn, có sự phát triển. Qua tác phẩm các tác giả dân gian gửi gắm những quan niệm sâu sắc: Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Đồng thời truyện cũng phản ánh những mâu thuẫn xung đột trong gia đình thời cổ.

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 3

Truyện “Tấm Cám” gồm nhiều nhân vật, chia làm hai hạng người: tốt và xấu, hay thiện và ác. Tấm tiêu biểu cho người tốt, người thiện; Cám và mẹ Cám đại diện cho kẻ xấu, kẻ ác. Người tốt thì siêng năng, hiền lành, thật bụng tin người, chỉ mong được sống hạnh phúc. Kẻ xấu thì lười biếng, dối trá, tham lam, ganh ghét, tàn ác, hại người, chỉ cốt cho riêng mình được sung sướng. Kẻ xấu tìm hết cách để làm hại người tốt. Người tốt chẳng cam chịu một bề mà cố sức vươn lên, chống lại và cuối cùng chiến thắng. Như vậy là ước mơ công bằng, ước mơ hạnh phúc của nhân dân đã được thực hiện.

Xét ở ý nghĩa sâu hơn thì mẹ con Cám đại diện cho tầng lớp áp bức bóc lột trong xã hội, còn Tấm là người bị áp bức. Mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám thực chất là mâu thuẫn giữa người lao động và kẻ bóc lột, giữa thật thà và gian trá, thiện và ác. Người bị áp bức phải chịu muôn vàn khốn khổ, nhưng nếu kiên trì đấu tranh thì sẽ chiến thắng và sẽ được sống hạnh phúc. Còn kẻ áp bức bóc lột nhất định phải bị trừng phạt đích đáng. Quy luật của công lí nhân dân thời xưa là vậy.

Truyện chia làm hai phần. Phần một kể về thân phận của Tấm (cô gái mồ côi) và con đường đến với hạnh phúc của cô. Phần hai kể về cuộc đấu tranh gian nan, quyết liệt để giành và giữ hạnh phúc của Tấm. Cả hai phần đều thể hiện mơ ước “Ở hiền gặp lành” và triết lý về hạnh phúc của người lao động.

Tấm mồ côi mẹ từ khi còn bé. Cha lấy vợ kế, dì ghẻ sinh được một đứa con gái đặt tên là Cám. Sau đó mấy năm thì cha cũng mất, Tấm ở với dì ghẻ. Quan hệ dì ghẻ con chồng chia người trong nhà thành hai hạng. Mẹ con Cám là hạng người áp bức, Tấm là hạng người bị áp bức. Chuyện trong gia đình nhưng chính là chuyện phổ biến trong xã hội đầy bất công thuở ấy. Phần một của truyện kể về thân phận bất hạnh và con đường đến với hạnh phúc của cô gái mồ côi là Tấm.

Một hôm, dì ghẻ bảo Tấm và Cám đi bắt tép và hứa ai bắt được nhiều dì sẽ thưởng cho cái yếm đỏ. Tấm bắt được nhiều, Cám bắt được ít. Nếu thể thì hai chị em chỉ mới khác nhau có một điểm là đứa siêng, đứa lười. Nhưng không chỉ có vậy. Thói thường, đứa lười nhác lại hay kèm theo xấu bụng, dối trá, ranh ma. Cho nên Cám mới giả vờ thương chị, bảo chị xuống sông gội đầu cho sạch tóc. Kì thực, Cám lừa Tấm để trút hết giỏ tép của Tấm vào giỏ mình, rồi mang về trước. Kẻ lười nhác cướp công của người chăm làm. Người vất vả chẳng được hưởng gì, kẻ không làm lại được hưởng tất cả. Số phận người lao động trong xã hội bóc lột thường là như vậy.

Còn cái yếm đỏ, tại sao mụ dì ghẻ lại hứa cho Tấm và Cám phần thưởng đó? Trong xã hội xưa, người con gái mới lớn ai cũng coi cái yếm, nhất là yếm đỏ như một thứ trang sức kín đáo làm tôn thêm vẻ đẹp của người thiếu nữ. Tâm lí ấy cũng có ở Tấm, cho nên mụ dùng chiếc yếm đỏ như miếng mồi nhừ để khai thác sức lao động của Tấm. Quả nhiên, Tấm bắt được nhiều tôm tép và mụ được hưởng tất cả mà chẳng phải mất chút gì.

Còn Cám, ham chơi nhưng lại lừa Tấm: “Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng”, lời nói tưởng chừng rất ân cần nhưng hóa ra là cạm bẫy. Tấm bị Cám lừa trút hết tép, may mà còn sót con bống nhỏ. Bụt bảo Tấm nuôi bống là để giúp cho Tấm có được một người bạn. Bống lặn sâu dưới giếng để không ai thấy và chỉ hiện lên với Tấm mà thôi. Ngày ngày, Tấm giấu cơm trong thùng gánh nước để nuôi bống. Câu hát Tấm dành riêng cho bống thân thương, ngọt ngào biết mấy: “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”. Cơm nhà ta lấy gì mà thành cơm vàng cơm bạc, mà khác với cơm hẩm cháo hoa nhà người nếu không có thêm tình thương yêu? Nghe lời hát ấy, bống nổi lên ngay, đón lấy tình thương của Tấm và Tấm gửi tình thương vào bống.

Nhưng mụ dì ghẻ và Cám không để Tấm yên. Tội ác thường không biết dừng lại. Mẹ con nhà nó lập mưu hại bống. Dì ghẻ ra lệnh cho Tấm bằng lời khuyên nhủ cố làm ra vẻ ngọt ngào: “Con ơi con! Mai đi chăn trâu phải chăn đồng xa. Chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu”. Lừa Tấm đi xa để ở nhà chúng dễ dàng thi hành kế độc. Chúng bắt bống làm thịt

Mọi đau khổ của Tấm đều bắt nguồn từ mẹ con con Cám. Mâu thuẫn giữa Tấm với dì ghẻ thực chất là mâu thuẫn thiện - ác. Cái ác hiện hình qua các hành động tàn nhẫn của hai mẹ con con cám: lừa gạt trút mất giỏ tép để tước đoạt ước mơ bé nhỏ của Tấm là có được cái yếm đào; lén lút giết chết con bống người bạn bé nhỏ của Tấm. Tấm cô đơn nên chỉ biết khóc mỗi khi bị ức hiếp.

Trong xã hội người bóc lột người thì cuộc sống đau khổ của những đứa con mồ côi là có thực, còn hạnh phúc mà họ được hưởng thường rất hiếm hoi, phần lớn chỉ là mơ ước. Nhưng phản ánh mơ ước về hạnh phúc cũng là cách thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, hy vọng ở tương lai và tin vào lẽ công bằng của nhân dân lao động. Chính vì thế, cái thiện càng bị o ép, áp bức, cái ác càng lộng hành, tác oai tác quái thì càng thể hiện mâu thuẫn sâu sắc không thể dung hòa giữa hai phía, tạo không khí căng thẳng buộc phải thay bậc đổi ngôi.

Con đường đến với hạnh phúc của nhân vật thiện chính là xu hướng giải quyết mâu thuẫn đặc biệt trong truyện cổ tích. Để giải quyết mâu thuẫn đó, con đường dẫn đến hạnh phúc của Tấm không thể thiếu sự tham gia của những nhân vật và yếu tố kì ảo. Yếu tố kì ảo hay lực lượng thần kì là những yếu tố siêu nhiên, sản phẩm do trí tưởng tượng của con người sáng tạo nên. Ở phần đầu truyện, mỗi khi Tấm khóc, Bụt lại xuất hiện an ủi, giúp đỡ cô. Tấm mất yếm đỏ - Bụt cho cá bống. Tấm mất bống - Bụt cho hi vọng đổi đời. Ở phần hai, Tấm bị dì ghẻ cố tình tước đoạt niềm vui, không cho đi xem hội - Bụt cho chim sẻ đến nhặt thóc giúp Tấm và đưa Tấm đến đỉnh cao hạnh phúc. Bụt (tên gọi dân gian của Phật) là nhân vật tôn giáo (Phật giáo) đã được dân gian hóa, trở thành ông lão hiền lành, tốt bụng, thường xuất hiện đúng lúc để thực hiện mơ ước của nhân dân. Cùng với Bụt, con gà và đàn chim sẻ cũng là yếu tố kì ảo, trợ giúp Tấm trên đường tới hạnh phúc. Tấm gặp nhà vua và trở thành hoàng hậu. Hoàng hậu Tấm là hình ảnh cao nhất về hạnh phúc mà nhân dân có thể mơ ước cho các cô gái nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội phong kiến ngày xưa. Tấm nhờ chăm chỉ, lương thiện mà được Bụt giúp đỡ từ cô gái mồ côi nghèo khổ trở thành hoàng hậu cao sang. Đó cũng là con đường đến với hạnh phúc của các nhân vật thiện như Tấm.

Đa số các truyện cổ tích kiểu Tấm Cám đều kết thúc khi nhân vật thiện sau bao khổ sở khó khăn đã được hưởng cuộc sống giàu sang, hạnh phúc. Điều đó thể hiện triết lí “ở hiền gặp lành”, khá phổ biến trong truyện cổ tích nói chung; tuy nhiên truyện Tấm Cám không dừng ở kết thúc thông thường đó. Mở đầu phần hai là cảnh nhà vua mở hội. Hội hè là dịp vui chơi của dân chúng. Đến hội, người ta được sống khác ngày thường. Các thứ ràng buộc, nề nếp khắt khe như được giãn ra nên con người thoải mái hơn, hồn nhiên, ý vị hơn. Có thành ngữ vui như hội là vậy. Trong một năm chi mấy lần có hội, cho nên đi hội là niềm vui lớn, là ước mong tha thiết của mọi người.

Biết vậy nên mụ dì ghẻ tìm cách ngăn cản không cho Tấm đi. Mụ trộn thóc vào gạo, bắt Tấm lựa xong mới được đi là cố tình bịa ra một việc làm vô nghĩa với dụng ý đoạ đày. Không còn lừa phỉnh như lần đầu, cũng chẳng cần lén lút như lần thứ hai, sự áp bức, độc ác của mụ giờ đây đã trở thành trắng trợn.

Còn Tấm lần này cũng chẳng giống như mấy lần trước, lức bị Cám lừa lấy hết giỏ tép, chỉ còn sót con bống là bạn tâm tình, là nguồn an ủi. Bống bị mẹ con Cám ăn thịt, may nhờ lòng tốt của con gà nôn Tấm tìm được nắm xương bống đem chôn vào bốn chân giường, tuy không hiểu để làm gì nhưng còn niềm hy vọng. Lần này thì sự bất ngờ to lớn đã đến với Tấm: đàn chim sẻ nhặt thóc giúp, quần áo đẹp, hài thêu, ngựa cưỡi, được vua rước kiệu về cung. Tấm bị khốn khó trong thân phận con ghẻ, trong thân phận người bị áp bức, bóc lột. Nhưng trước sau Tấm vẫn là người lao động giỏi giang, chịu thương chịu khó, hiền lành, tốt bụng. Cho nên nhàn dân muốn Tấm đạt được hạnh phúc cao nhất. Sự đền bù đối với Tấm lần này cũng cao hơn hẳn bởi Bụt đã giúp Tấm: Tấm không những được đi trẩy hội với quần áo đẹp, hài thêu, ngựa cưỡi, khiến mẹ con Cám nhìn thấy phải chết ghen, chết tức mà Tấm cồn được vua chọn làm hoàng hậu.

Mụ dì ghẻ và con Cám chịu sao nổi cảnh ấy? Chúng quyết hại Tấm để giành cho bằng dược địa vị hoàng hậu cao sang. Bốn lần chúng cố tình giết Tấm: khi hái cau ngày giỗ cha, lúc Tấm đã biến thành chim vàng anh, lúc Tấm biến thành hai cây xoan đào rồi khung cửi. Giết Tấm lần thứ nhất là để giành lấy ngôi hoàng hậu. Giết Tấm những lần sau là để giữ vững ngôi sang ấy. Nhưng mỗi lần như vậy, Cám không khỏi run sợ và ngày càng run sợ. Lần nào nó cũng mách mẹ và mụ ta bày đặt ra tất cả. Tội ác không dừng, tội ác cũng không có giới hạn. Muốn giữ quyền lợi của mình, bọn bóc lột không chùn tay trước thủ đoạn nào, kể cả giết người hết kiếp này đến kiếp khác.

Đổi lại, thái độ của Tấm cũng không còn nhẫn nhịn như giai đoạn trước mà là thái độ phản kháng quyết liệt để giành và giữ hạnh phúc cho mình. Trước kia, khi gặp khốn khó, Tấm chỉ biết ôm mặt khóc, rồi chờ có Bụt hiện lên cứu giúp. Tiếng khóc ấm ức ấy chứng tỏ có ý thức được nỗi khổ của mình. Đó là thái độ phản kháng đầu tiên. Cô Tấm hiền lành, lương thiện vừa ngã xuống thì một cô Tấm mạnh mẽ và quyết liệt đã sống dậy, trở về với cuộc đời để đòi hạnh phúc. Tấm không chịu khuất phục. Sau mỗi lần bị giết, Tấm sống lại dưới một hình hài khác. Đặc biệt, dù là chim vàng anh, dù là hai cây xoan đào hay khung cửi, lúc nào Tấm cũng quan tâm chăm sóc cho chồng, tạo cho chồng những phút giây êm ấm. Và trước đó, tuy đã là hoàng hậu cao sang tột bậc, Tấm vẫn giữ bản chất của một cô gái lao động, không quên công việc, kể cả chăm lo ngày giỗ của cha. Cũng như khi trở lại lốt người từ quả thị, Tấm vẫn là một cô gái đảm đang, phúc hậu. Có điều cô gái phúc hậu ấy không dễ dàng dung tha tội ác như trước nữa.

Tấm hoá thành chim vàng anh, báo hiệu cho nhà vua biết sự có mặt của mình. Chim vàng anh bị giết chết, Tấm lại hoá thành hai cây xoan đào. Hai cây xoan đào bị mẹ con nhà Cám chặt làm khung cửi; rồi khung cửi bị đốt thành tro, Tấm hoá ra cây thị, quả thị để trở về với đời... Cái thiện không chịu chết một cách oan ức trong im lặng đã vùng dậy, còn cái ác cũng tìm mọi cách tiêu diệt cái thiện. Những lần chết đi, sống lại của Tấm phản ánh tính chất gay gắt, quyết liệt của cuộc chiến đấu giữa cái thiện với cái ác. Đồng thời thể hiện sức sống mãnh liệt, không thể bị tiêu diệt của cái thiện.

Khi là chim vàng anh, khi là cây xoan đào bị chặt đóng thành khung cửi, mấy lần Tấm cảnh cáo con Cám thất đức bằng những lời chẳng nhẹ nhàng chút nào: “Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao…”; “Cót ca cót két, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra”. Thái độ của Tấm từ phẫn nộ đã biến thành căm thù trước hành vi cố tình chiếm đoạt quyền lợi, không ngừng gây tội ác của mẹ con Cám.

Kiên trì đấu tranh như vậy nên Tấm đã giành được thắng lợi cuối cùng. Tấm gặp lại vua trong hoàn cảnh hết sức giản dị: tại hàng nước của một bà lão nghèo. Thú vị hơn, vợ chổng nàng gặp lại nhau nhờ miếng trầu tình duyên truyền thống. Miếng trầu têm cánh phượng từ bàn tay khéo léo và dịu dàng của Tấm. Vua cho rước Tấm về cung, hạnh phúc qua bao nhiêu sóng gió nay trở lại trọn vẹn với Tấm.

Nhưng cuộc đấu tranh vẫn chưa chấm dứt. Sau bao lần hóa thân chiến đấu chống kẻ thù, Tấm trở lại với cuộc đời. Dường như Tấm hiểu rằng mình không thể cổ hạnh phúc trọn vẹn khi cái ác còn nhởn nhơ tồn tại, Cám và mụ dì ghẻ vẫn còn đó, thắng lợi của Tấm chưa được coi là trọn vẹn. Quan điểm dân gian là ác giả ác báo, cho nên mới có chuyện con Cám chết bỏng, mụ dì ghẻ chết tươi. Nhân dân ta vẫn cho rằng kẻ gây ra tội ác thì phải gặp ác, phải bị trừng trị một cách đích đáng. Nhờ vậy trên đời mới có công lý, mới bù lại bao nhiêu đau khổ, oan ức mà người lao động, người bị bóc lột phải chịu đựng đời này sang đời khác. Thực tế cuộc sống thời xưa chưa có công lí ấy nên nhân dân vẫn ước mơ mãi mãi. Mẹ con con Cám đã chết, ước mơ ấy được thực hiện và mọi người nghe chuyện đều thỏa lòng.

Truyện “Tấm Cám” thể hiện ước mơ công lí, ước mơ hạnh phúc. Trong cuộc đấu tranh gay go vất vả, Tấm luôn được Bụt (nhân vật kì ảo) giúp đỡ, đền bù và Tấm đã thành hoàng hậu. Thời xưa, vua được coi là người sung sướng nhất (sướng như vua), cho nên được làm vợ vua là hạnh phúc cao nhất. Trái lại, bọn xấu, bọn ác, bọn bóc lột nhất định phải đền tội và đền tội thật đích đáng, Do đó, đối với nhân dân, truyện “Tấm Cám” có một ý nghĩa thật tốt đẹp. Nó là niềm an ủi, là nguồn hy vọng và tin tưởng. Nó giáo dục thái độ yêu ghét rõ ràng, dứt khoát: yêu cái tốt, yêu người lao động chân chính, ghét cái xấu, ghét kẻ bóc lột, ăn bám, tàn ác.

Tuy nhiên, yếu tố kì ảo và vai trò của nó ở phần hai của truyện “Tấm Cám” không giống phần đầu. Nếu như ở phần một của truyện, ta còn thấy Bụt hiện lên ban tặng vật thần kì mỗi lần Tấm khóc, thì ở phần hai, cuộc đấu tranh quyết liệt hơn nhưng ta không còn thấy Tấm khóc, cũng hoàn toàn không thấy sự xuất hiện của Bụt. Nhân dân lao động gửi vào nhân vật Tấm ý thức giành và giữ hạnh phúc của mình. Đó là phải tự mình giành và giữ hạnh phúc thì nó mới bền chặt. Sự hoá thân để trở về với cuộc đời của Tấm phản ánh mơ ước về công bằng xã hội. Người lương thiện không thể chết oan mà phải được hưởng hạnh phúc, còn kẻ ác nhất định bị trừng phạt. Đồng thời thể hiện quan niệm hết sức thực tế về hạnh phúc của người lao động. Họ không cần hạnh phúc ở cõi nào khác, mà tìm và giữ hạnh phúc thực sự ngay ở cõi đời này. Kết thúc có hậu là biểu hiện tập trung của ước mơ. Nhân vật thiện cuối cùng đã được hưởng hạnh phúc như những gì mà trí tưởng tượng lãng mạn của nhân dân có thể hình dung được. Cô Tấm nghèo hèn, bị bắt nạt, bị giết chết, nhưng cuối cùng đã được gặp lại nhà vua, trở về cung tiếp tục làm hoàng hậu. Kết thúc đó cũng thể hiện mơ ước đổi đời của dân chúng. Đó là bức tranh về một xã hội lí tưởng có “vua sáng, tôi hiền”. Trong xã hội mơ ước đó, họ không phải là loại người bần cùng mà ở địa vị tối cao.

“Tấm Cám” là truyện cổ tích phổ biến sâu rộng nhất trong dân gian xưa nay. So với các truyện cùng nội dung ở các nước khác. Nó có những nét Việt Nam đặc sắc và rất hấp dẫn. Truyện biểu hiện tâm hồn lãng mạn, tinh thần lạc quan, yêu đời và niềm khát khao vươn tới cái đẹp cùng điều thiện của nhân dân lao động.

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 4

Truyện cổ tích “Tấm Cám” đã vô cùng quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Thông qua câu chuyện này, nhân dân ta muốn gửi gắm ước mơ về một cuộc sống công bằng: “ở hiền gặp lành” cũng như “ác giả ác báo”.

Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm vốn hiền lành, xinh đẹp lại chăm chỉ. Cha mẹ mất sớm, Tấm phải sống cùng dì ghẻ và Cám. Mọi công việc trong nhà đều đến tay nhưng vẫn bị mẹ con Cám ngược đãi, tìm cách hãm hại.

Một hôm nọ, dì ghẻ đưa cho hai chị em một cái giỏ và bảo rằng: “Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ!”. Chiếc yếm đỏ không chỉ là một phần thưởng mà còn là biểu tượng của sự trưởng thành. Đối với những cô gái như Tấm và Cám thì đó là niềm khao khát. Chính vì vậy, Tấm đã cố gắng lao động để giành được phần thưởng. Còn Cám lại chỉ biết ham chơi cả buổi. Nhưng cuối cùng, Cám lại nhận được phần thưởng bằng cách lừa Tấm: “Chị Tấm ơi chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng”. Cô Tấm hiền lành đã ngây thơ tin theo. Cuối cùng khi lên bờ thì chỉ thấy giỏ không còn tôm tép. Tấm chỉ biết ngồi ôm mặt khóc. Và bụt đã xuất hiện lên giúp đỡ Tấm. Con cá bống còn lại dường như đã giúp Tấm thoát khỏi trận đòn của dì ghẻ. Từ ngày có cá bống, mẹ con Cám thấy Tấm thường lén đem cơm ra phía sau giếng. Chính vì vậy, cả hai đã lừa cô đi chăn trâu đồng xa và giết thịt cá bống. Xương cá bống theo lời của bụt được đem chôn ở bốn góc chân giường. Nhờ có vậy, mà khi nhà vua mở hội, Tấm đã có được quần áo để đi dự hội. Hết lần này đến lần khác, mẹ con Cám luôn tìm cách hãm hại Tấm. Nhà vua mở hội cho người dân cả nước đến xem, chỉ có mình Tấm phải ở nhà nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo. Nhưng một lần nữa bụt lại xuất hiện và làm đúng chức năng của mình. Bụt nhờ đàn chim sẻ nhặt thóc giúp Tấm, giúp Tầm có quần áo đẹp để đi dự hội. Đặc biệt là chi tiết đánh rơi chiếc hài được nhà vua nhặt được. Khắp nơi mọi người đến thử giày nhưng đều không đi vừa. Đôi hài nhỏ nhắn cũng chính là biểu tượng cho quan niệm về cái đẹp của người xưa về người phụ nữ - người phụ nữ xinh đẹp thường có bàn chân nhỏ nhắn. Khi Tấm trở thành hoàng hậu, mẹ con Cám vô cùng ganh ghét, tức giận. Như vậy, ở đây mâu thuẫn chủ yếu xoay quanh những hơn thua về vật chất và tinh thần. Tấm bị mẹ con Cám cướp đoạt trắng trợn công sức lao động, phần thưởng, niềm vui tinh thần. Cô Tấm ở đây luôn trong thế bị động, không thể tự giải quyết xung đột mà phải nhờ đến sự xuất hiện của Bụt. Khi Tấm gặp phải khó khăn là Bụt lại hiện lên đêm đến phép màu giúp Tấm.

Tiếp đến, sau khi Tấm trở thành hoàng hậu. Mẹ con Cám lại nghĩ ra cách để hãm hại Tấm. Ngày giỗ cha đến, Tấm về thăm nhà. Dì ghẻ sai Tấm trèo lên cây cau hái quả xuống để cúng cha. Tấm trèo lên, còn mẹ con Cám ở dưới chặt đổ thân cau. Cô Tấm ngã xuống ao, chết đuối. Cám liền được đưa vào cùng thay thế. Tấm chết liền hóa thành chim vàng anh. Ngày ngày quấn quýt ở bên nhà vua. Vàng anh cất tiếng hót trong trẻo đem lại niềm vui cho nhà vua. Chim vàng anh là hiện thân của một tâm hồn trong trẻo, thánh thiện. Tiếng kêu của chim vàng anh khi Cám đang ngồi giặt quần áo cho nhà vua ở giếng: “Phơi áo chồng tao phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao” đã cho thấy sự cô Tấm lúc này không còn yếu đuối, bị động như trước đây nữa.

Từ ngày có chim vàng anh, ngày đêm vua chỉ mê mải với chim không tưởng đến Cám. Điều đó khiến Cám vô cùng tức giận liền về nhà mách mẹ. Dì ghẻ sai Cám giết chết chim vàng anh rồi làm thịt, vứt lông chim ra ngoài vườn. Từ chỗ lông chim mọc ra một cây xoan đào. Vua đi qua thấy cây xoan đào “sà xuống che kín thành bóng tròn như hai cái lọng”. Vua thấy cây xoan đào rợp bóng liền sai lính mắc võng để nghỉ ngơi. Hình ảnh cây xoan đào cũng giống như sự quan tâm của Tấm dành cho nhà vua, cũng là tấm lòng thủy chung son sắc của nàng. Khi cây xoan đào bị Cám chặt và đốn thành khung cửi để Cám dệt vải. Tấm lại một lần nữa cảnh báo Cám:

Cót ca cót két

Lấy tranh chồng chị,

Chị khoét mắt ra

Đó giống như một lời tuyên chiến khiến cho Cám cảm thấy sợ hãi phải đốt khung cửi.

Đến lần thứ ba, từ chỗ tro của khung cửi mọc lên một cây thị. Kỳ lạ là cả cây chỉ có duy nhất một quả thị. Quả thị thơm thảo giống như tấm lòng của nàng Tấm. Một hôm, có một bà lão đi qua liền bảo thị: “Thị ơi thị, rụng vào bị bà, bà để bà ngửi, chứ bà không ăn”. Quả thị rơi xuống. Từ hôm đó, nhà cửa bà lão luôn sạch sẽ, cơm nước tinh tươm. Cô Tấm từ trong quả thị bước ra vẫn xinh đẹp, đảm đang như ngày nào. Hình ảnh đó thể hiện ước mơ của nhân dân dành cho những con người nhân hậu - ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Tấm trở lại với một hình hài mới và đoàn tụ với nhà vua, cũng như dành cho mẹ con Cám một sự trừng phạt thích đáng. Ở đây, Tấm luôn ở trong thế chủ động để đấu tranh với mẹ con Cám. Không khóc lóc, không có sự giúp đỡ của Bụt như trước. Nhưng những lần hóa thân của Tấm cho thấy sự chiến đấu không khoan nhượng, sức sống mãnh liệt không thể tiêu diệt của cái thiện. Để rồi cuối cùng, cái thiện đã chiến thắng cái ác. Tấm trở về xinh đẹp hơn xưa. Cám thấy vậy liền hỏi Tấm làm cách nào để xinh đẹp như vậy thì được Tấm chỉ Cám xuống hố, dội nước sôi cho trắng đẹp. Cám làm theo rồi bị chết bỏng. Hành động trả thù của Tấm ở đoạn cuối là một điều tất yếu. Cần phải hiểu Tấm là nhân vật chức năng - nhân vật được xây dựng để thể hiện khát vọng của nhân dân: “ác giả ác báo”.

Truyện cổ tích Tấm Cám đã xây dựng được những mâu thuẫn hết sức điển hình trong xã hội: dì ghẻ - con chồng, kẻ xấu - người tốt. Đồng thời truyện cũng xuất hiện nhiều yếu tố kì ảo: sự xuất hiện của bụt, xương cá biến thành quần áo đẹp, những lần hóa thân của Tấm. Kết hợp với các mô típ quen thuộc như con cá, chiếc hài, sự hóa thân… nhằm thể hiện được những tư tưởng mà nhân dân ta muốn gửi gắm.

Qua phân tích trên, có thể thấy Tấm Cám là câu chuyện đầy lôi cuốn. Cùng với đó là một chân lý mà các tác giả dân gian muốn gửi gắm: "Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo".

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 5

Trong kí ức tuổi thơ của mỗi người, ai mà chưa từng một lần được chìm đắm trong thế giới của truyện cổ tích do bà, do mẹ kể lại. Và trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, không thể không nhắc đến Tấm Cám - một câu chuyện quá quen thuộc.

Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Tấm phải ở cùng dì ghẻ. Hằng ngày, Tấm phải làm việc vất vả từ sáng đến tối nhưng không lúc nào được nghỉ ngơi.

Một hôm, dì ghẻ sai hai chị em đi bắt tép và hứa rằng ai bắt được nhiều hơn sẽ được thưởng một cái yếm đào. Chiếc yếm đào chính là biểu tượng của sự trưởng thành. Nó là niềm khao khát của biết bao cô gái trong xã hội thời xưa. Vì vậy mà Tấm làm việc chăm chỉ để lấy được chiếc yếm. Còn Cám chỉ mải chơi nên đến cuối buổi chẳng bắt được gì. Cám bèn lừa nói với Tấm rằng: “Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm, chị hụp cho sâu kẻo về mẹ mắng”. Tấm nghe lời Cám, đến khi lên bờ, nhìn vào rổ thì không còn thấy tép đâu. Tấm chỉ biết ngồi khóc. Bỗng nhiên, Bụt hiện lên bảo Tấm rằng hãy nhìn vào trong gió xem có thấy gì không. Thì ra, trong giỏ vẫn còn một con cá bống. Tấm đem cá bống về nuôi, ngày ngày cho ăn. Mẹ con Cám biết được liền lừa Tấm đi chăn trâu đồng xa để bắt lên giết thịt. Tấm trở về không thấy cá bống đâu, liền bật khóc. Bụt hiện lên bảo Tấm lấy xương cá bống bỏ vào bốn chiếc lọ, chôn vào bốn chân giường.

Ít lâu sau, vua mở hội, mẹ con Cám sắm sắm sửa quần áo đẹp để đi chơi hội. Dì ghẻ không cho Tấm đi, nghĩa ra cách lấy thóc và gạo trộn lẫn với nhau, bắt Tấm nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo rồi mới được đi. Tấm không biết làm thế nào chỉ ngồi khóc. Bụt lại hiện lên sai chim sẻ nhặt thóc giúp. Chim sẻ nhặt một thoáng đã xong. Sau đó, Bụt liền bảo Tấm đào bốn chiếc lọ ở bốn chân giường lên. Bốn chiếc lọ biến thành quần áo đẹp giúp Tấm đi dự hội. Trên đường đi, Tấm đánh rơi chiếc hài xuống nước. Khi ngựa của vua đi ngang qua cứ đứng lại không chịu đi tiếp. Vua sai người xuống nước thì thấy chiếc hài. Vua truyền lệnh cho toàn dân ai đi vừa hài sẽ được làm vợ vua. Không ai đi vừa chiếc hài kể cả Cám. Tới lượt Tấm thử thì chiếc hài vừa như in. Tấm được vua đưa vào cung làm hoàng hậu. Ở đây, Tấm hiện lên là một cô gái mồ côi, đau khổ và tội nghiệp. Còn mẹ con Cám thì lười biếng, độc ác nhẫn tâm. Tấm luôn bị động trước sự ngược đãi của mẹ con Cám. Và Bụt luôn phải hiện lên giúp đỡ.

Chỉ đến khi bị mẹ con Cám giết chết trong ngày về giỗ cha. Để rồi sau đó Tấm lần lượt hóa thân thành vàng anh, cây xoan đào, quả thị rồi trở làm làm người. Cô Tấm lúc này mới trở nên chủ động hơn giành lấy hạnh phúc của mình. Quá trình hóa thân của Tấm diễn ra trong bốn lần. Sau khi bị mẹ con Cám hại chết, Tấm hóa thân thành chim vàng anh. “Chim bay một mạch về kinh đến vườn ngự. Thấy Cám đang ngồi giặt áo cho vua ở giếng, vàng anh dừng lại trên một cành cây, bảo nó:

- Phơi áo chồng tao phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao”.

Chim vàng anh ngày ngày quấn quýt bên vua không rời, giúp vua vơi đi nỗi nhớ thương nàng Tấm. Vàng anh đại diện cho tâm hồn trong trẻo và tấm lòng thủy chung dành cho nhà vua.

Lần thứ hai, Tấm hóa thân thành một cây xoan đào. Vua đi qua thấy cây xoan đào “sà xuống che kín thành bóng tròn như hai cái lọng”. Cây xoan đào rợp bóng mát nên vui sai lính mắc võng để nghỉ ngơi. Cám sai người chặt làm khung cửi để Cám dệt vải. Tấm lại một lần nữa cảnh báo Cám:

Cót ca cót két

Lấy tranh chồng chị,

Chị khoét mắt ra

Đó giống như một lời tuyên chiến khiến cho Cám cảm thấy vô cùng sợ hãi và phải đốt khung cửi. Như vậy, sự hóa thân của Tấm lúc này cho sự mạnh mẽ của nàng.

Lần thứ ba, từ chỗ tro của khung cửi mọc lên một cây thị. Kỳ lạ là cả cây chỉ có duy nhất một quả thị. Quả thị thơm thảo giống như tấm lòng của nàng Tấm. Một hôm, có một bà lão đi qua liền bảo thị: “Thị ơi thị, rụng vào bị bà, bà để bà ngửi, chứ bà không ăn”. Quả thị rơi xuống, bà lão hàng nước đem về để trong nhà.

Từ hôm đó, nhà cửa bà lão luôn sạch sẽ, cơm nước tinh tươm. Cô Tấm từ trong quả thị bước ra vẫn xinh đẹp, đảm đang như ngày nào. Lần hóa thân cuối cùng cũng là để trở lại làm người. Nhà vua đi qua hàng nước, nhìn thấy miếng trầu têm cánh phượng quen thuộc liền hỏi bà lão. Cả hai gặp lại trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Như vậy, những lần hóa thân của Tấm cho thấy sự đấu tranh mạnh mẽ của Tấm. Trải qua cái chết, Tấm dường như trở nên kiên cường, dũng cảm hơn. Cô đã dám đấu tranh chống lại cái ác. Đỉnh điểm là ở hành động trả thù của mình. Cám thấy Tấm trở về cung xinh đẹp hơn xưa liền hỏi chị xem đã làm cách gì. Tấm chỉ cho Cám tắm bằng nước sôi. Cám làm theo rồi bỏng chết. Tấm sai người đem xác Cám làm mắm bỏ vào chĩnh gửi cho mụ dì ghẻ. Dì ghẻ biết được lọ mắm làm từ xác con thì lăn đùng ra chết. Kết thúc câu chuyện với sự chiến thắng của cái thiện.

Như vậy, qua truyện Tấm Cám, nhân dân ta muốn khẳng định ước mơ về một cuộc sống công bằng. Người “ở hiền” sẽ “gặp lành”, kẻ sống “ác” sẽ gặp “ác báo”.

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 6

Truyện cổ tích là một thể loại đặc sắc thuộc khi tàng văn học dân gian Việt Nam. Tấm Cám đã là câu chuyện cổ tích hết sức quen thuộc mà có ai cũng từng một lần được đọc, được nghe. Truyện mang đầy đủ những đặc điểm của thể loại cổ tích, cũng như chứa đựng bài học nhân văn sâu sắc.

Tấm Cám thuộc thể loại truyện cổ tích thần kỳ với đặc trưng cơ bản nhất ấy là chứa đựng các chi tiết hoang đường kì ảo, phản ánh các mâu thuẫn gia đình xã hội dưới dạng các xung đột giữa thiện - ác, tốt - xấu. Kết cấu được xây dựng là nhân vật chính sẽ trải qua rất nhiều các khó khăn thử thách tăng tiến, thế nhưng cuối cùng họ vẫn vượt qua và được đền bù một cách xứng đáng bằng cái kết có hậu. Ý nghĩa chính là truyền tải các bài học đạo đức và mơ ước về sự công bằng của nhân dân lao động, đồng thời thể hiện sự lạc quan, tin tưởng của dân gian về luật nhân quả. Truyện Tấm Cám thuộc về đề tài con người mồ côi, một đề tài rất phổ biến trong thế giới truyện cổ tích.

Mâu thuẫn chính xuyên suốt trong câu chuyện đó là mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật chính là Tấm và mẹ con Cám. Đây là mâu thuẫn gia đình trong chế độ phụ quyền thời cổ, xuất phát từ những nguyên nhân tranh chấp tài sản thừa kế sau khi người cha - chủ gia đình mất đi. Mâu thuẫn cụ thể hơn cả là mâu thuẫn giữa dì ghẻ - con chồng, sau đó kéo theo mâu thuẫn giữa hai chị em Tấm - Cám, bởi thân phận cùng cha khác mẹ. Không chỉ vậy, nó còn là một kiểu mâu thuẫn rất hay xảy ra trong xã hội như ỷ đông hiếp yếu, lấy cái quá quắt, độc ác để ức hiếp kẻ hiền lương, không có tiếng nói. Tóm lại đó là những mâu thuẫn giữa thiện - ác, tốt - xấu. Mà cô Tấm là đại diện cho cái thiện, cái tốt còn mẹ con Cám là đại diện điển hình cho cái ác, cái xấu.

Trong “Tấm Cám” sự nảy sinh và phát triển mâu thuẫn phát triển qua hai chặng đường. Chặng thứ nhất là trước khi Tấm trở thành hoàng hậu, chặng thứ hai là sau khi Tấm trở thành hoàng hậu và bị hại chết. Ở chặng thứ nhất, dễ dàng nhận thấy sự nảy sinh mâu thuẫn là bắt nguồn từ sự đối xử bất công của dì ghẻ đối với Tấm. Tấm là đứa trẻ mồ côi mẹ khi còn bé, bố Tấm lấy vợ mới. Dì ghẻ là một người đàn bà độc ác, ích kỷ, không những thế lại có đứa con là Cám, thế nên việc yêu thương chăm sóc con chồng đối với bà ta là điều khó có thể xảy ra. Ngoài xuất phát từ tính cách người dì ghẻ thì nó còn nằm ở âm mưu tranh đoạt quyền thừa kế vật chất sau khi cha Tấm mất. Tấm là con dòng chính, có quyền thừa kế hợp pháp, còn mẹ con Cám là vợ kế nên dĩ nhiên rằng sẽ không có nhiều quyền lợi bằng. Sự đối xử bất công của dì ghẻ là cả một hệ thống những sự việc xảy ra liên tiếp, trong đời sống sinh hoạt gia đình, Tấm phải làm việc quần quật như người ở, ban ngày chăn trâu, gánh nước, vớt bèo, thái khoai, đến đêm thì lại xay thóc, giã gạo. Tấm đang bị lợi dụng triệt để sức lao động để phục vụ cho mẹ con Cám ăn sung mặc sướng. Cám không phải động chân động tay đến bất cứ một công việc nhà nào, qua đó thể hiện rõ sự đối xử bất công giữa con ruột và con riêng, khởi đầu cho một chuỗi các sự kiện mâu thuẫn khác. Mở đầu là sự kiện cái yếm đỏ, vốn là thứ mọi cô gái mới lớn đều ao ước, thế nhưng trong quá trình làm việc để giật thưởng, thì Cám lại lừa lấy hết cá tép của Tấm, chảy về nhận yếm. Dì ghẻ là người đẻ ra Cám sao lại không hiểu được với cái tính ham ăn lười làm, õng ẹo của cô ta thì làm gì mà bắt được nhiều tép cá như vậy. Thế nhưng vốn bản tính thiên vị, dì ghẻ vẫn trao phần thưởng cho cô con gái yêu của mình. Còn ngược lại Tấm biết rằng mình bị đối xử bất công, thế nhưng lại không dám đứng lên đấu tranh đòi công bằng, mà chỉ biết ngồi khóc bên chiếc giỏ trống không. Ở đây cũng cho thấy một điều rằng bản thân Tấm đã bị tước đi quyền lợi về vật chất. Tấm ngồi khóc và được Bụt hiện lên mách cho đem con cá bống còn sót lại trong giỏ về thả xuống giếng nuôi. Tấm đã phải nhường lại một bát cơm cho bống ăn, đổi lại bống cho Tấm được những phút giây vui vẻ sau những giờ làm lụng cật lực, đó có thể coi là một phần thưởng để an ủi cho những bất công mà Tấm phải chịu đựng trong suốt thời gian qua. Thế nhưng, lòng người ích kỷ và độc ác, con vật vốn được xem như một người bạn, là thứ Tấm giành biết bao tâm huyết lại bị mẹ con Cám bắt lên giết thịt. Ở đây không phải là mẹ con Cám thèm thịt con cá, mà vấn đề nằm ở chỗ họ muốn tước đoạt đi cái niềm vui và sự hạnh phúc nhỏ bé của Tấm, tước đoạt đi cái quyền lợi về mặt tinh thần. Sự bất công của mẹ con Cám còn được đẩy lên cao nữa khi nhà vua mở hội cho mọi người dân đến xem, dì ghẻ đã trộn một đấu thóc và một đấu gạo, bắt Tấm lựa riêng từng thứ ra. Mục đích chính là ngăn không cho Tấm đi dự hội. Cô Tấm lại tiếp tục bị tước đi cái quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền lợi về tinh thần.

Ở chặng thứ hai, sau khi Tấm được Bụt giúp đỡ được đi xem hội, rồi từ chiếc hài nàng vô tình đánh rơi mà trở thành hoàng hậu thì mẹ con Cám lại càng trở nên độc ác. Đỏ mắt vì ghen tị với sự may mắn, với cuộc sống sung túc và hạnh phúc của Tấm thế nên mẹ con nhà này đã âm mưu giết chết Tấm để đưa Cám vào thay thế ngôi vị hoàng hậu. Mà kinh khủng hơn là việc hại chết Tấm không chỉ diễn ra một lần mà có tới bốn lần liên tiếp như vậy. Lần đầu tiên là trong ngày giỗ bố, tuân thủ đạo hiếu truyền thống của người Việt, Tấm dù thân đã là hoàng hậu thế nhưng vẫn về nhà cúng giỗ. Cô còn nghe lời dì ghẻ trèo hái cau để cúng cho cha. Để rồi bị mẹ con Cám hại chết. Nhưng khác với chặng một, một cô Tấm luôn luôn cam chịu, chỉ biết khóc lóc và nhờ đến sự giúp đỡ của bụt. Thì ở chặng hai Tấm đã bắt đầu có những thay đổi về tâm lý. Trước sự bất công và độc ác của mẹ con Tấm, đặc biệt là khi nhìn thấy chồng mình, hạnh phúc của mình bị Cám trắng trợn cướp đoạt, Tấm đã bừng lên ý chí, nghị lực sống mạnh mẽ, nàng không cam lòng biến mất khỏi thế gian nên đã biến thân thành chim vàng anh quay về quấn quýt với nhà vua. Tuy nhiên, trước sự hiện diện của chim, Cám lại càng ghen tức vì nghĩ mình còn chẳng bằng một con vật, thế nên nghe lời xúi giục của mẹ Cám đã giết thịt chim và ném lông ra vườn. Như vậy, một lần nữa Tấm lại bị mẹ con Cám tước đoạt quyền được sống, được hạnh phúc bằng một cách vô cùng tàn nhẫn. Cũng như lần trước, linh hồn của Tấm không dễ dàng bị khuất phục như vậy, nàng vẫn quyết quay về bên vua, dưới hình dạng hai cây xoan đào để vua mắc võng nằm ngủ hóng mát. Và lần này, Cám thấy vậy, lại tiếp tục hại Tấm bằng cách chặt cây lấy gỗ làm khung cửi, hòng diệt trừ mọi thứ khiến ngôi vị của nàng ta lung lay. Tấm không hóa thân thành loài nào khác mà nàng ngự ở trong chính cái khung cửi mà Cám tạo ra. Điều đó không có nghĩa rằng ý chí, sự kiên cường tồn tại của Tấm đang yếu đi mà thậm chí nàng còn trở nên mạnh mẽ và chính thức có những động thái quyết liệt đầu tiên thể hiện sự xung đột gay gắt, đối đầu với sự độc ác của Cám. Câu đe dọa:

Cót ca cót két

Lấy tranh chồng chị

Chị khoét mắt ra

Chính là sự quyết tâm trừng trị Cám của Tấm để giành lại công bằng cho bản thân. Với sự độc ác không điểm dừng của mình mẹ con Cám không lấy đó là sợ mà lại tiếp tục dùng mưu kế hiểm độc, đốt khung cửi rồi đem vứt tro ở một nơi rất xa hoàng cung để đề phòng sự trở lại của Tấm. Có thể nói đây là đỉnh điểm của sự độc ác, mẹ con Cám quyết tâm diệt cỏ tận gốc.

Qua hai chặng đường, từ cảnh Tấm bị đối xử bất công khi còn ở nhà, cho đến khi vào cung làm hoàng hậu thì lại bị hại chết hết lần này đến lần khác, thể hiện cái mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật đại diện thiện - ác ngày càng quyết liệt và đi lên đến đỉnh điểm. Từ những mâu thuẫn tranh đoạt về vật chất và tinh thần trong gia đình, cho đến những mâu thuẫn về quyền lợi về vật chất và tinh thần trong xã hội, giữa địa vị của hoàng hậu với dân thường. Từ tước đoạt về các giá trị vật chất, tinh thần chuyển sang gay gắt hơn ở việc tước đoạt mạng sống con người. Có thể nói rằng mâu thuẫn giữa thiện ác tốt xấu, diễn ra rất dai dẳng, bền bỉ và quyết liệt trong xã hội. Từ đó mở ra bước ngoặt cho câu chuyện là sự trở lại đầy mạnh mẽ và sự trừng trị thích đáng của Tấm dành cho mẹ con Cám.

Sau những lần chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất, tinh thần, lẫn tính mạng, khi mà sự độc ác của mẹ con Cám không có dấu hiệu dừng lại thì buộc Tấm phải vùng dậy để chống lại sự bất công để giành lại quyền lợi cho bản thân mình. Tấm từ việc chỉ hóa thân trong các sự vật như chim chóc, cây cối, khung cửi, thì cuối cùng nàng cũng trở lại trong hình dáng con người, chính thức sống lại lần nữa từ trong quả thị thơm để quay lại trừng trị mẹ con Cám. Trước một khởi đầu mới, thì Tấm đã trở nên mạnh mẽ và không còn cam chịu, tuy nhiên nàng vẫn giữ cho mình vẻ hiền lành, để Cám tưởng rằng Tấm vẫn như trước cam chịu, nhẫn nhịn sự chèn ép của mẹ con nàng ta. Cuối cùng sự độc ác của Cám đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, vì ham đẹp mà nhảy vào cái hố đầy nước sôi do Tấm chuẩn bị.

Qua câu chuyện này, nhân dân ta muốn gửi gắm ở đây không còn là bài học ở hiền gặp lành nữa mà là bài học “gieo gió gặt bão” “gieo nhân nào thì gặp quả ấy”. Thứ hai là bài học niềm tin về cuộc đấu tranh giữ thiện. Cuối cùng là bài học khuyên răn con người ta phải biết tự đấu tranh, giữ gìn hạnh phúc cho mình, bởi chỉ có những hạnh phúc do bàn tay mình làm nên thì nó mới có thể bền vững.

Truyện “Tấm Cám” quả thật là câu chuyện cổ tích đem đến cho người đọc những bài học sâu sắc trong cuộc sống.

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 7

Đã là người Việt Nam, trong thời thơ ấu của mình có mấy ai không từng được nghe kể chuyện Tấm Cám, và hình ảnh cô Tấm mồ côi, tội nghiệp đã làm lay động bao trái tim nhân hậu. Ở Pháp có truyện Lọ Lem, Đức có Cô Tro Bếp, Campuchia có Nêang - Cantóc.... Nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng có những truyện tương tự Tấm Cám: Tua Gia Tua Nhi (Tày), Ý Ưởi Ý Noọng (Thái),… Khác với những truyện tương tự Tấm Cám ở phương Tây, Truyện Tấm Cám còn cuộc đấu tranh gian nan và quyết liệt để giành và giữ hạnh phúc của Tấm.

Tấm xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khổ, mẹ mất sớm, cha lấy mẹ kế, có em gái cùng cha khác mẹ. Ngày qua ngày, Tấm bị dì ghẻ bóc lột đến sức cùng lực kiệt, mọi việc lớn nhỏ đều một tay Tấm làm. Bóc lột sức lao động chưa đủ, Tấm còn bị đày đọa cả về tinh thần, cô sống trong đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Ta thấy Tấm chính là hiện thân của những cô gái nhà lành, là nạn nhân của sự áp bức bóc lột trong xã hội xưa. Mâu thuẫn giữa Tấm với mẹ con dì ghẻ chính là xung đột thiện - ác trong cuộc đời. Cái ác hiện hình trong mẹ con mụ dì ghẻ qua hàng loạt hành động lừa gạt, chèn ép, lén lút, trắng trợn trộn thóc với gạo nhằm ngăn chặn bước chân Tấm đến với niềm vui, với khát khao hòa nhập… Tiếng khóc tội nghiệp của Tấm gọi dậy niềm cảm thông, chia sẻ của mọi người. Cái thiện càng bị o ép, áp bức, cái ác càng lộng hành tạo nên không khí căng thẳng buộc phải thay đổi.

Truyện cổ tích thần kì sẽ kết thúc khi cái thiện lên ngôi, cái ác, cái xấu bị dập tắt, người ở hiền thì gặp lành, cuộc sống sẽ trở về đúng quỹ đạo của nó. Để giải quyết mọi mâu thuẫn sẽ đưa vào đó yếu tố thần kì như ông Bụt, bà Tiên… Truyện Tấm Cám nhờ sự giúp sức của nhân vật Bụt để giải quyết xung đột. Mỗi khi Tấm gặp khó khăn hay đau khổ, Bụt đều dang rộng tay mà nâng đỡ. Không có yếm đào, Tấm được tặng cá bống. Cá bống bị giết, Tấm chôn giấu ước mơ. Mẹ con Cám làm khó, Bụt cho chim sẻ đến giúp Tấm. Bụt đã được dân gian hoá, trở thành ông lão hiền lành, tốt bụng, hóa phép cho số phận hẩm hiu cho người nghèo. Không chỉ Bụt mà những con vật nhỏ bé bên cạnh cũng góp công không nhỏ giúp cô trên đường tới hạnh phúc. Rõ ràng, việc Tấm trở thành hoàng hậu là hoàn toàn hợp lý, đó chính là hạnh phúc tươi đẹp và xứng đáng nhất. Những phép màu sẽ cất cánh cho ước mơ và chữa lành những vết thương. Mỗi phép màu được mang đến là niềm tin về lẽ phải, về công bằng xã hội được nhân đôi.

Trong truyện Tấm Cám, đôi giày của Tấm không có ý nghĩa giao duyên mà tại sao “đàn bà con gái trong đám hội chen nhau đến ướm chân vào giày”. Phải chăng bởi không ai muốn đánh mất cơ hội kiếm tìm hạnh phúc cho mình. Ướm giày, họ hi vọng một mai sẽ dẫn mình đến tương lai tốt đẹp và nhận món quà may mắn của số phận. Ta hiểu rằng, đằng sau luỹ tre làng yên tĩnh luôn ấp ủ bao hy vọng đổi thay, họ gửi gắm nó vào miền đất mang tên truyện cổ tích để ươm mầm và chắp cánh cho ước mơ bình dị ấy. Cuộc đời Tấm từ bơ vơ đến trọn vẹn, từ cô đơn đến hạnh phúc, từ tầm thường rồi làm hoàng hậu.

Truyện Tấm Cám tiếp thêm một chặng nửa của cuộc đời nhân vật. Khi Tấm trong hình hài bóng cây để trở về bị phát hiện, mẹ con Cám lập tức chặt cây đem đốt. Khi cành cây đổ xuống cũng là khi Tấm cam chịu, dịu hiền đã chết, sự trở về của ngày mai là cô Tấm gan dạ, kiên cường, dám đứng lên, dám đấu tranh, công khai chống lại cái ác đòi hạnh phúc. Tấm đã thay những thân phận thấp cổ bé họng để “ oán thì trả oán, ân thì trả ân” đến tận cùng. Tấm hoá vàng anh, bay vào cung vua báo hiệu sự có mặt của mình trong lời nhắc nhở “Giặt áo chồng tao, thì giặt cho sạch, phơi áo chồng tao, thì phơi bằng sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao”, vàng anh bị giết chết. Tấm hoá cây xoan đào (khung cửi), tuyên chiến với kẻ thù trực tiếp và dữ dội hơn “Lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra”, khung cửi bị đốt cháy. Từ tro bụi, Tấm trở lại với đời trong hình hài một quả thị. Sự công bằng không để một cô gái lương thiện như Tấm phải chết oan ức trong thầm lặng mà “đi trả thù và sống tự do”.

Cuối cùng Tấm đã chiến thắng. Kết thúc đó mang đến ánh sáng và vẻ đẹp lãng mạn cho truyện cổ tích, làm cho nó có sức hấp dẫn đặc biệt đối với mọi thế hệ, khẳng định sức mạnh cái đẹp, cái thiện của nhân dân lao động Việt Nam xưa. Cô Tấm cuối cùng đã trở về với bình dị của hương thôn đầy hiền lành tốt bụng. Kết thúc đó là bức tranh về một xã hội lí tưởng có “vua hiền, tôi giỏi”, dân chúng được hưởng hạnh phúc.

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 8

Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích độc đáo để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Xung quanh câu chuyện này có biết bao vấn đề cần luận bàn, nhưng trong phạm vi bài viết này người viết nên đưa ra hai vấn đề để người đọc cùng xem xét, đánh giá. Đó là vấn đề xung đột mâu thuẫn và hành động trả thù của Tấm.

Quả là, khi phân tích truyện Tấm Cám mọi người thường chú ý, nhấn mạnh đến xung đột dì ghẻ – con chồng (mẹ Cám – Tấm) và coi nhẹ thậm chí bỏ qua xung đột giữa hai chị em cùng cha khác mẹ (Tấm – Cám). Do đó đã đơn giản hóa chủ đề và nội dung của truyện.

Ông cha ta có câu: Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng để nói về mối quan hệ của hai đối tượng này. Ngày nay, khi xã hội đã văn minh, quyền bình đẳng, tự do của con người phát triển đặc biệt là văn hóa, kinh tế phát triển vấn đề tranh chấp quyền lợi giữa các thành viên trong gia đình đặc biệt giữa mẹ kế với con chồng gần như không còn. Nhưng trong xã hội xưa, xung đột này là rất lớn, nó gần như không hóa giải được. Nên sự xung đột giữa Tấm và dì ghẻ không thể không có. Tuy nhiên theo đánh giá của tôi thì xung đột giữa Tấm và Cám – hai chị em cùng cha khác mẹ mới thực sự quyết liệt và trực tiếp. Nó diễn ra liên tục và xuyên suốt tác phẩm.

Mở đầu câu chuyện, mụ dì ghẻ sai Tấm và Cám ra đồng bắt tép và giao hẹn: ai bắt được nhiều hơn thì sẽ được thưởng một chiếc yếm đỏ. Đi bắt không được thì phạt đòn. Tấm chăm chỉ, khéo léo nên đã được đầy giỏ; còn Cám mải chơi, hái hoa bắt bướm nên chẳng bắt được con nào. Trước tình thế đó Cám nghĩ rằng mình không những không được yếm mới mà còn bị đòn nữa, nên Cám đã lừa dối và cướp công của chị. Cám bảo: Chị Tấm ơi, chị Tấm! đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng. Tấm thật thà tưởng thật xuống sông tắm rửa, Cám ta ở trên bờ trút hết giỏ tép của chị đem về nhận phần thưởng. Ở đây, chưa hề có xung đột giữa mẹ ghẻ – con chồng. Dì ghẻ của Tấm đến giờ phút này cũng hết sức công bằng, không thiên vị. Và hành động lừa gạt của Cám hoàn toàn là tự ý chủ động không có sự dặn dò, sai khiến của mẹ. Tất cả là do lòng tham muốn có được yếm mới của Cám mà thôi.

Như vậy, người cướp công của Tấm chính là Cám. Và sau này cũng chính là Cám đã theo dõi việc nuôi bống của Tấm và xui mẹ giết thịt. Cũng chính là Cám lấy quần áo của Tấm, cướp chồng Tấm và năm lần bảy lượt giết Tấm (giết chim vàng anh lấy thịt cho mèo, chật xoan đào, đốt khung cửi – hiện thân của Tấm). Cám đã trực tiếp nhúng tay vào tội ác, liên tục tấn công hãm hại và cướp đoạt quyền lợi của Tấm. Càng về sau thì hành động của Cám càng quyết liệt, dã man hơn. Ở đây ngoài việc chặt cau cho Tấm ngã chết ra thì mụ dì ghẻ chỉ tham gia vào mọi việc với tư cách quân sư – bày mưu tính kế giúp Cám mỗi khi nó về than khóc. Có lẽ vì thế mà sự tấn công của Tấm (ở kiếp sau) đều hướng về Cám (vàng anh, khung cửi) đặc biệt là sự trả thù khốc liệt của Tấm ở cuối truyện.

Nói như vậy không có nghĩa truyện Tấm Cám không có xung đột giữa mẹ ghẻ – con chồng mà chẳng qua là xung đột là gián tiếp không liên tục mà thôi. Nhưng dù sao, sự xung đột ấy cũng góp phần làm tăng thêm sự nặng nề, phức tạp cho xung đột giữa Tấm và Cám (liên hệ với truyện Cô bé lọ lem…).

Có thể nói, truyện Tấm Cám vừa có xung đột mẹ ghẻ – con chồng vừa có chị em cùng cha khác mẹ – những người cùng thị… Sự xung đột này diễn ra theo cấp độ tăng tiến: từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, từ trong nhà ngoài xã hội (hội làng, cung vua), từ kiếp này đến kiếp khác. Nó dai dẳng và khốc liệt (nhan đề đưa đến mâu thuẫn chính).

Nhưng điều gây bàn cãi nhất trong câu chuyện này là hành động trả thù của Tấm. Trước khi bị giết, Tấm dịu hiền, ngây thơ mỗi khi gặp khó khăn, bị đối xử bất công. Tấm chỉ biết khóc và nhờ vào sự giúp đỡ của lực lượng thần kì (Ông Bụt). Thế nhưng, đến cuối truyện, hành động của Tấm lại quyết liệt khiến cho người nghe hả hê, sảng khoái, vì thiện đã thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà. Tuy nhiên, cũng không ít người có ý kiến cho rằng hành động của Tấm là quá tàn nhẫn, nó mâu thuẫn với bản chất, con người của Tấm.

Quả là, nếu như chúng ta thoát ra khỏi câu chuyện thì hành động trả thù của Tấm thật đáng sợ, nó mâu thuẫn với chính con người của Tấm. Nhưng trước hết, ta phải xét đến thể loại truyện. Đây là một câu chuyện cổ tích, nó có đặc trưng là tưởng tượng, hư cấu và có chức năng phản ánh đời sống, ước mơ của nhân dân. Đáp ứng nhu cầu nhận thức, thẩm mĩ, giáo dục và giải trí của nhân dân trong những thời kỳ, hoàn cảnh lịch sử khác nhau của xã hội có giai cấp. Điều đó có nghĩa vào thời điểm đó, nhu cầu lớn nhất của con người là khát vọng công bằng trong xã hội: ác giả ác báo. Cho nên hành động trả thù của Tấm là thỏa mãn ước nguyện của người lao động, nó mang tính chủ quan của người sáng tác.

Mặt khác, nếu như trong các truyện cổ tích khác, lực lượng thần kỳ xuất hiện với chức năng như luật pháp không những giúp đỡ người tốt mà còn trừng trị kẻ xấu. Chẳng hạn như trong truyện Thạch Sanh lực lượng thần kỳ không chỉ giúp sức cho Thạch Sanh vượt qua thử thách mà còn thay Thạch Sanh trừng phạt mẹ con Lý Thông. Còn trong truyện Tấm Cám thì lực lượng thần kỳ xuất hiện chỉ như người chỉ đường mà thôi. Tất cả từ đầu đến cuối, đều do con người hành động (giảm vai trò của lực lượng thần kỳ là muốn nâng cao vai trò của con người). Nên việc để cho Tấm báo thù Cám là tất yếu. Và cũng nhờ thế mà ta thấy Tấm hiện lên chân thật hơn.

Hành động trả thù của Tấm là hành động của một con người bị áp bức, hành động diệt trừ, loại bỏ hoàn toàn cái ác, cái xấu, xây dựng một xã hội tốt đẹp như con người mong ước. Do vậy hành động của Tấm là tất nhiên và hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên ta phải đặt nó trong xã hội ấy và nhìn nó dưới quan điểm thẩm mỹ (tại thời điểm ấy) đương thời.

Bằng bút pháp hư cấu với các yếu tố thần kỳ tạo ra sự ly kỳ hấp dẫn cho người đọc. Nhưng với ngôi kể thứ ba tạo ra sự khách quan chân thật, bởi thế truyện có ý nghĩa giáo dục rất lớn, hướng con người sống lương thiện hơn.

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 9

Trong kho tàng văn học dân gian, truyện cổ tích là một trong những thể loại để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, với những câu chuyện hay, mang nhiều ý nghĩa giáo dục rất nhân văn. Ông cha ta từ xa xưa đã dùng chính những câu chuyện cổ tích này để giáo dục cho con cháu những bài học đạo đức, hướng con người ta đến với chữ “thiện”, quy luật nhân quả, dạy cho ta những đức tính, phẩm chất tốt đẹp ở đời như lòng ngay thẳng, chính trực, bài trừ cái ác trong cuộc sống. Có thể nói rằng, bên cạnh những câu ca dao, những lời ru thì truyện cổ tích chính là thể loại văn học mà mỗi đứa trẻ được tiếp xúc và quen thuộc nhất trước khi đến với thế giới văn chương rộng lớn. Tấm Cám đã là câu chuyện cổ tích hết sức quen thuộc mà có lẽ ai cũng từng một lần được nghe kể hoặc thấy trên các phương tiện truyền thông báo đài khi trở thành đề tài chính đi vào phim ảnh, kịch phẩm,... Mang đầy đủ các nét đặc trưng của truyện cổ tích, Tấm Cám đã đem đến cho người đọc những bài học nhân sinh sâu sắc.

Tấm Cám là truyện thuộc thể loại truyện cổ tích thần kỳ với đặc trưng cơ bản nhất ấy là chứa đựng các chi tiết hoang đường kì ảo trợ giúp cho nhân vật chính, phản ánh các mâu thuẫn gia đình xã hội dưới dạng các xung đột giữa thiện - ác, tốt - xấu. Với kết cấu là nhân vật chính sẽ trải qua rất nhiều các khó khăn thử thách tăng tiến, thế nhưng cuối cùng họ vẫn vượt qua và được đền bù một cách xứng đáng bằng cái kết có hậu mỹ mãn. Ý nghĩa chính là truyền tải các bài học đạo đức và mơ ước về sự công bằng của nhân dân lao động, đồng thời thể hiện sự lạc quan, tin tưởng của dân gian về luật nhân quả. Truyện Tấm Cám thuộc về đề tài con người mồ côi, một đề tài rất phổ biến trong thế giới truyện cổ tích.

Mâu thuẫn chính xuyên suốt trong câu chuyện đó là mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật chính là Tấm và mẹ con Cám, đây là mâu thuẫn gia đình trong chế độ phụ quyền thời cổ, xuất phát từ những nguyên nhân tranh chấp tài sản thừa kế sau khi người chủ gia đình là cha của Tấm mất đi. Cụ thể trong câu chuyện này là mâu thuẫn giữa dì ghẻ - con chồng, sau đó kéo theo mâu thuẫn giữa hai chị em Tấm Cám, bởi thân phận cùng cha khác mẹ, có tranh chấp về quyền lợi vật chất trong gia đình. Không chỉ vậy, nó còn là một kiểu mâu thuẫn rất hay xảy ra trong xã hội ỷ đông hiếp yếu, lấy cái quá quắt, độc ác để ức hiếp kẻ hiền lương, không có tiếng nói. Chung quy lại những mâu thuẫn ở đây đều được thể hiện trong xung đột thiện - ác, tốt - xấu, mà cô Tấm là đại diện cho cái thiện, cái tốt còn mẹ con Cám là đại diện điển hình cho cái ác, cái xấu. Có thể nói rằng từ cổ chí kim, mối quan hệ xung đột này vẫn luôn kéo dài dai dẳng và không hề có hồi kết, thậm chí ngày càng trở nên gay gắt và quyết liệt hơn. Từ đó ta cũng nhận thấy rằng đây là một vấn đề phản ánh hiện thực xã hội sâu sắc.

Trong Tấm Cám sự nảy sinh và phát triển mâu thuẫn phát triển qua hai chặng đường, chặng thứ nhất là trước khi Tấm trở thành hoàng hậu, chặng thứ hai là sau khi Tấm trở thành hoàng hậu và bị hại chết. Ở chặng thứ nhất, dễ dàng nhận thấy sự nảy sinh mâu thuẫn là bắt nguồn từ sự đối xử bất công của dì ghẻ đối với Tấm. Tấm là đứa trẻ mồ côi mẹ khi còn bé, bố Tấm lấy vợ mới. Và dĩ nhiên dân gian có câu “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng” là cũng có cái nguyên do của nó. Mẹ Cám là một người đàn bà khắc nghiệt, ích kỷ, không những thế lại có đứa con là Cám, thế nên việc yêu thương chăm sóc con chồng đối với bà ta là điều khó có thể xảy ra. Bởi ở đây, ngoài xuất phát từ tính cách người dì ghẻ thì nó còn nằm ở âm mưu tranh đoạt quyền thừa kế vật chất sau khi cha Tấm mất. Tấm là con dòng chính, có quyền thừa kế hợp pháp, còn mẹ con Cám là vợ kế nên dĩ nhiên rằng sẽ không có nhiều quyền lợi bằng. Sự đối xử bất công của dì ghẻ là cả một hệ thống những sự việc xảy ra liên tiếp, trong đời sống sinh hoạt gia đình, Tấm phải làm việc quần quật như người ở, ban ngày chăn trâu, gánh nước, vớt bèo, thái khoai, đến đêm thì lại xay thóc, giã gạo. Có thể nói rằng Tấm đang bị lợi dụng triệt để sức lao động để phục vụ cho mẹ con Cám ăn sung mặc sướng. Ngược lại với Tấm thì cô em Cám lại không phải làm việc nặng, chỉ quanh quẩn ở nhà, thể hiện rõ sự đối xử bất công giữa con ruột và con riêng, khởi đầu cho một chuỗi các sự kiện mâu thuẫn khác. Khởi đầu là sự kiện cái yếm đỏ, vốn là thứ mọi cô gái mới lớn đều ao ước, thế nhưng trong quá trình làm việc để giật thưởng, thì Cám lại lừa lấy hết cá tép của Tấm, chảy về nhận yếm. Mụ dì ghẻ là người đẻ ra Cám sao lại không hiểu được với cái tính ham ăn lười làm, õng ẹo của cô ta thì làm gì mà bắt được nhiều tép cá như vậy. Thế nhưng vốn bản tính thiên vị dì ghẻ vẫn trao phần thưởng cho cô con gái yêu của mình. Còn ngược lại Tấm biết rằng mình bị đối xử bất công, thế nhưng lại không dám đứng lên đấu tranh đòi công bằng, mà chỉ biết ngồi khóc bên chiếc giỏ trống không. Ở đây cũng cho thấy một điều rằng bản thân Tấm đã bị tước đi quyền lợi về vật chất. Sau đó sự đối xử bất công tiếp theo, đến từ chuyện Tấm ngồi khóc và được Bụt hiện lên mách cho đem con cá bống còn sót lại trong giỏ về thả xuống giếng nuôi. Tấm đã phải nhường lại một bát cơm cho bống ăn, đổi lại bống cho Tấm được những phút giây vui vẻ sau những giờ làm lụng cật lực, đó có thể coi là một phần thưởng để an ủi cho những bất công mà Tấm phải chịu đựng trong suốt thời gian qua. Thế nhưng, lòng người ích kỷ và độc ác, con vật vốn được xem như một người bạn, là thứ Tấm dành biết bao tâm huyết lại bị mẹ con Cám bắt lên giết thịt ăn. Ở đây không phải là mẹ con Cám thèm thịt con cá, mà vấn đề nằm ở chỗ họ muốn tước đoạt đi cái niềm vui và sự hạnh phúc nhỏ bé của Tấm, tước đoạt đi cái quyền lợi về mặt tinh thần. Sự bất công của mẹ con Cám còn được đẩy lên cao nữa ở sự kiện ngày hội làng, dì ghẻ đã trộn một đấu thóc và một đấu gạo, bắt Tấm lựa riêng từng thứ ra. Mục đích chính là ngăn không cho Tấm đi dự hội làng, là ngày vui, để giao lưu, gặp gỡ, để se duyên cho các chàng trai cô gái đến tuổi dựng vợ gả chồng. Tấm lại tiếp tục bị tước đi cái quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền lợi về tinh thần.

Ở chặng thứ hai, sau khi Tấm được Bụt giúp đỡ được đi xem hội, rồi từ chiếc hài nàng vô tình đánh rơi mà trở thành hoàng hậu thì mẹ con Cám lại càng trở nên độc ác. Đỏ mắt vì ghen tị với sự may mắn, với cuộc sống sung túc và hạnh phúc của Tấm thế nên mẹ con nhà này đã âm mưu giết chết Tấm để đưa Cám vào thay thế ngôi vị hoàng hậu. Mà kinh khủng hơn là việc hại chết Tấm không chỉ diễn ra một lần mà có tới 4 lần liên tiếp như vậy. Lần đầu tiên là trong ngày giỗ bố, tuân thủ đạo hiếu truyền thống của người Việt, Tấm dù thân đã là hoàng hậu thế nhưng vẫn về nhà trèo hái cau để cúng cho cha, và đó chính là cơ hội để mụ dì ghẻ chặt gốc cau khiến Tấm ngã mất mạng. Thế nhưng khác với chặng một, Tấm luôn luôn cam chịu, khóc lóc thì ở chặng hai Tấm đã bắt đầu có những thay đổi về tâm lý. Trước sự bất công và độc ác của mẹ con Tấm, đặc biệt là khi nhìn thấy chồng mình, hạnh phúc của mình bị Cám trắng trợn cướp đoạt, Tấm đã bừng lên ý chí, nghị lực sống mạnh mẽ, nàng không cam lòng biến mất khỏi thế gian nên đã biến thân thành chim vàng anh quay về quấn quýt với nhà vua. Tuy nhiên, trước sự hiện diện của chim, Cám lại càng ghen tức vì nghĩ mình còn chẳng bằng một con vật, thế nên nghe lời xúi giục của mẹ Cám đã giết thịt chim và ném lông ra vườn. Như vậy, một lần nữa Tấm lại bị mẹ con Cám tước đoạt quyền được sống, được hạnh phúc bằng một cách vô cùng tàn nhẫn. Cũng như lần trước, linh hồn của Tấm không dễ dàng bị khuất phục như vậy, nàng vẫn quyết quay về bên vua, dưới hình dạng hai cây xoan đào để vua mắc võng nằm ngủ hóng mát. Và lần này, Cám thấy vậy, lại tiếp tục hại Tấm bằng cách chặt cây lấy gỗ làm khung cửi, hòng diệt trừ mọi thứ khiến ngôi vị của nàng ta lung lay. Lần này Tấm không hóa thân thành loài nào khác mà nàng ngự ở trong chính cái khung cửi mà Cám tạo ra. Điều đó không có nghĩa rằng ý chí, sự kiên cường tồn tại của Tấm đang yếu đi mà thậm chí nàng còn trở nên mạnh mẽ và chính thức có những động thái quyết liệt đầu tiên thể hiện sự xung đột gay gắt, đối đầu với sự độc ác của Cám. Câu đe dọa “Lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra” chính là sự quyết tâm trừng trị Cám của Tấm để giành lại công bằng cho bản thân. Với sự độc ác không điểm dừng của mình mẹ con Cám không lấy đó là sợ mà lại tiếp tục dùng mưu kế hiểm độc, đốt khung cửi rồi đem vứt tro ở một nơi rất xa để đề phòng sự trở lại của Tấm. Có thể nói đây là đỉnh điểm của sự độc ác, diệt cỏ tận gốc của hai mẹ con nhà này hòng tiêu diệt Tấm để chính thức ngồi vững ngôi hoàng hậu. Như vậy qua hai chặng đường, từ cảnh Tấm bị đối xử bất công khi còn ở nhà, cho đến khi vào cung làm hoàng hậu thì lại bị hại chết hết lần này đến lần khác, thể hiện cái mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật đại diện thiện - ác ngày càng quyết liệt và đi lên đến đỉnh điểm. Từ những mâu thuẫn tranh đoạt về vật chất và tinh thần trong gia đình, cho đến những mâu thuẫn về quyền lợi về vật chất và tinh thần trong xã hội, giữa địa vị của hoàng hậu với dân thường. Từ tước đoạt về các giá trị vật chất, tinh thần chuyển sang gay gắt hơn ở việc tước đoạt mạng sống con người. Có thể nói rằng mâu thuẫn giữa thiện ác tốt xấu, diễn ra rất dai dẳng, bền bỉ và quyết liệt trong xã hội. Từ đó mở ra bước ngoặt cho câu chuyện là sự trở lại đầy mạnh mẽ và sự trừng trị thích đáng của Tấm dành cho mẹ con Cám.

Sau những lần chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất, tinh thần, lẫn tính mạng, khi mà sự độc ác của mẹ con Cám không có dấu hiệu dừng lại thì buộc Tấm phải vùng dậy để chống lại sự bất công để giành lại quyền lợi cho bản thân mình. Tấm từ việc chỉ hóa thân trong các sự vật như chim chóc, cây cối, khung cửi, thì cuối cùng nàng cũng trở lại trong hình dáng con người, chính thức sống lại lần nữa từ trong quả thị thơm để quay lại trừng trị mẹ con Cám. Thế nhưng trước hết ta nói về cách giải quyết mâu thuẫn của cô Tấm khi cô bị đối xử bất công để có thể thấy rõ được sự thay đổi của nhân vật này qua hai chặng. Ở chặng một, khi bị chèn ép, bị tước đoạt quyền lợi, hầu như Tấm chưa bao giờ phản kháng mà ta chỉ thấy ở nhân vật này sự yếu đuối nhu nhược, khóc lóc. Tuy nhiên do chăm chỉ, hiền hậu thế nên nàng luôn được Bụt giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn và sự bù đắp đó có lẽ là đủ thế nên cô Tấm không có cơ hội để phản kháng, giành lại sự công bằng cho riêng mình. Tuy nhiên, sang đến chặng thứ hai “Con giun xéo lắm cũng phải quằn” việc tước đoạt không chỉ nằm ở quyền lợi vật chất tinh thần mà nó trở nên gay gắt hơn, ấy là cả mạng sống và sự cách biệt giữa địa vị hoàng hậu và thường dân. Cô Tấm hiền lành, cam chịu nhưng không có nghĩa là cô ngu muội, để cho kẻ khác hết lần này đến lần khác hãm hại, tước đoạt mạng sống của mình, địa vị của mình. Tấm thoát khỏi cái vỏ cam chịu, nhu nhược, chủ động trở lại khiêu khích, đe dọa kẻ thù của mình, đấu tranh một cách quyết liệt. Hóa thân hết lần này đến lần khác để quay trở về vị trí của mình, đặc biệt trước sự độc ác tăng tiến của mẹ con Cám thì Tấm cũng ngày càng thông minh hơn, trong lần cuối cùng nàng dù đã hóa thân thành người nhưng vẫn một mực ở ngoài cùng chờ hoàng thượng đến đón để đảm bảo an toàn tính mạng của mình, rồi sau đó mới quay trở về trừng trị kẻ thủ ác. Trước một khởi đầu mới, thì Tấm đã trở nên mạnh mẽ và không còn cam chịu, tuy nhiên nàng vẫn giữ cho mình vẻ hiền lành, để Cám tưởng rằng Tấm vẫn như trước cam chịu, nhẫn nhịn sự chèn ép của mẹ con nàng ta. Cuối cùng sự độc ác của Cám đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, vì ham đẹp mà nhảy vào cái hố đầy nước sôi do Tấm chuẩn bị. Xung quanh những ý kiến trái chiều về hành vi của Tấm, thì có thể lý giải rằng, cô Tấm là người hiền lành, thế nhưng thực tế nàng không có chỗ dựa về mặt luật pháp, kể cả có vua hay có bụt thì những người này cũng chỉ cho tấm được về mặt vật chất, tinh thần, địa vị còn riêng sự an toàn tính mạng thì không ai cho nàng được. Thế nên nàng buộc phải vùng lên tiêu diệt kẻ thù của mình, để đảm bảo cho bản thân, tránh khỏi việc cũ tái diễn một lần nữa và không chắc được rằng những lần sau nữa nàng có thể tránh thoát và quay trở về hay không. Bên cạnh đó cái chết của mẹ con Cám còn mang ý nghĩa giáo dục về luật nhân quả “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”, kẻ thủ ác phải nhận lấy những gì mà họ đã gây ra cho người khác. Huống chi không chỉ bóc lột sức lao động, tước đoạt quyền lợi của Tấm mà họ còn rắp tâm giết Tấm tận bốn lần, nay phải trả giá bằng mạng sống của mình chung quy là “ác giả ác báo”. Và cuối cùng chi tiết Tấm trừng trị Cám, cũng thể hiện sự logic về mặt diễn biến tính cách, tâm lý của nhân vật qua nhiều lần thập tử nhất sinh, thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ, sự trưởng thành trong suy nghĩ của nhân vật. Và xét về địa vị, Tấm là hoàng hậu, là người dưới một người trên vạn người, để cai quản hậu cung, nàng không thể mãi là người yếu đuối mà phải trở nên quyết đoán, biết tự bảo vệ mình thì mới có thể tồn tại trong hoàng cung sóng vai cùng với hoàng thượng được.

Từ kết quả của câu chuyện, tác giả dân gian muốn truyền tải đến độc giả các thế hệ những bài học sâu sắc và thấm thía. Ở đây không còn là bài học ở hiền gặp lành nữa mà là bài học “gieo gió gặt bão” “gieo nhân nào thì gặp quả ấy”, thứ hai là bài học niềm tin về cuộc đấu tranh giữ thiện và ác dẫu có dai dẳng, dẫu có trải qua rất nhiều thăng trầm thì chắc chắn cuối cùng bao giờ phần thắng cũng thuộc về cái thiện. Và thêm một bài học nữa ấy là tác phẩm khuyên răn con người ta phải biết tự đấu tranh, giữ gìn hạnh phúc cho mình, bởi chỉ có những hạnh phúc do bàn tay mình làm nên thì nó mới có thể bền vững.

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 10

Truyện “Tấm Cám ” là một truyện cổ tích thần kì rất quen thuộc trong nhân dân ta. Nhiều nước bên Tây, bên Đông Nam Á cũng có những truyện kể tương tự như truyện "Tấm Cám”.

Tấm hiền lành. Mụ dì ghẻ và cô em gái mình hành hạ đủ điều mà không hề oán trách. Đi bắt cua, Tấm bắt được nhiều, Cám bắt được ít. Cám lừa cho Tấm hụp xuống sông để trộm tôm tép. Bà dì ghẻ bảo Tấm đi chăn trâu ở đồng xa, Tấm cũng vâng lời. Người ta đi hội vui vẻ, Tấm phải ở nhà nhặt thóc, Tấm cũng không dám oán trách, ... Tấm không có mưu mô thủ đoạn, không cãi cọ gây chuyện với ai, yên lòng với số phận hẩm hiu tội nghiệp của mình. Tấm hiền lành như thế. Tấm luôn luôn bị khinh thường, hành hạ, nhưng lại được Bụt, được Tiên giúp đỡ. Bụt bày cho Tấm nuôi con bống để cho đời Tấm đỡ cô quạnh. Bống chết, Bụt bày cho Tấm chôn xương nó vào hũ, để sau này xương biến thành quần áo, giày dép để cho Tấm mặc đi hội. Tấm bị chết. Bụt lại hoá phép cho Tấm thành chim, thành cây. Tấm còn được hoá thành quả thị thơm tho, thành cô gái quê biết têm trầu cánh phượng, nghĩa là cũng thành quả quý, người đẹp. Dù ở hoàn cảnh nào, dù mang lốt người hay lốt chim, lốt cây, Tấm cũng vẫn có đức tính là hiền lành, tốt nết. Tại sao Phật, Bụt lại cho Tấm biến hoá thành nhiều kiếp như vậy? Cách biến hoá ấy chỉ cốt nói lên một điều: cái tốt không bao giờ mất đi cả. Bị ngăn trở, bị hãm hại đến đâu, cái tốt vẫn tồn tại. Cô Tấm bị giết nhưng cô không chết! Tạm thời cô chỉ phải đổi lốt mà thôi. Chim vẫn nói được tiếng nói của Tấm. Cây xoan đào thành khung cửi, vẫn phát ra lời của Tấm. Tấm vẫn sống, vẫn chứng kiến mọi việc xảy ra xung quanh mình, vẫn thấy cái ác cái xấu của Cám và đã báo trước những lời trừng phạt. Sức sống của Tấm là như thế. Sức sống ấy tồn tại mãi mãi. Dù mẹ con Cấm có tốn bao nhiêu công sức, có tìm hết cách để tiêu diệt sức sống ấy thì cũng không thể diệt được. Sự sống luôn luôn biến hoá: lúc là người, lúc là chim, lúc là cây, lúc là quả, lúc là đồ vật. Dù mang hình thức gì đi nữa thì vẫn là nàng Tấm xinh đẹp, nết na trường tồn, bất diệt.

Người ác trong truyện này là hai mẹ con Cám. Cái xấu của Cám là ở bản tính lừa gạt. Cám lừa chị Tấm để trút hết tôm tép, chạy về nhà trước, chỉ cốt được lợi cho mình, mặc cho cô chị khốn khổ mang giỏ không về nhà, chịu sự đánh đập nhiếc móc của bà dì ghẻ. Sau hành động ấy, Cám trở thành cô bé nghe theo mẹ mà lao vào những tội ác. Không nghĩ ra được những mưu mẹo, nhưng đã thực hành những mưu mẹo ấy thì cũng đáng giận, đáng ghét rồi. Bà mẹ Cám thì thật là gian ác và tai ngược. Bà ta cố tìm cách hại Tấm, hết cách này sang cách khác. Ta có cảm tưởng bà ta đứng sẵn đâu đó, hễ thấy Tấm ló đầu ra là để hành hạ, để không cho Tấm được xuất hiện giây phút nào trong cuộc sống nữa. Lừa cho Tấm đi chăn trâu xa để mẹ con ở nhà ăn thịt bống. Bắt tấm nhặt thóc lẫn với gạo để giam Tấm lại trong nhà. Xui Tấm trèo cau để chặt cây cho Tấm ngã. Cho con gái mặc quần áo giả dạng Tấm để lừa hoàng tử. Rồi lại xui làm thịt chim vàng anh, xui chặt cây xoan đào, xui đốt khung cửi cốt làm cho Tấm phải hết đường tái sinh. Mụ ta là hiện thân của cái ác, cái ác đội lốt người. Tại sao bà ta ác như vậy? Một phần, vì bà ta là dì ghẻ. Ca dao có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương- Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng? Bà ta muốn cho con mình sung sướng để được sướng lây. Bà ta không biết rằng làm như thế chỉ đẩy cô Cám vào cảnh khổ. Cám tuy được hưởng nhiều thứ của Tấm, nhưng lúc nào cũng bị tiếng nguyền rủa dội vào tai. Đó là một hình phạt đối với Cám. Cuối cùng Cám chết và mẹ Cám cũng chết theo. Trời, Bụt đã trừng phạt mẹ con họ. Tấm chỉ chết tạm thời, chỉ là một sự hoá thân, chết mà vẫn sống. Còn mẹ con Cám thì chết vĩnh viễn, chết mãi mãi, chết trong sự khinh ghét của chúng ta, của mọi người.

Truyện cổ tích “Tấm Cám" còn hay ở chỗ: trong truyện, cuộc sống của đất nước Việt Nam ta được hiện lên rất sinh động. Trong truyện có cảnh mò cua bắt ốc, cảnh chăn trâu, có quán nước bán hàng, có những hội hè đình đám, có đám giỗ cha, có cơi trầu mời khách. Thật là một đất nước có nhiều phong tục đẹp. Không một truyện cổ tích nào có nhiều hiện tượng phong tục phong phú như truyện này. Các loài vật, các cây cỏ, các dụng cụ đều được đưa vào trong truyện. Có con cá nhỏ bé hiền lành như con cá bống, có con chim nhảy nhót như chim vàng anh. Có con chim sẻ nhặt thóc, có khung cửi kẽo cà kẽo kẹt, có ông hoàng tử khi ở trong cung sang trọng, khi ra ngồi quán nước với bà lão bình dân... Thật là rất Việt Nam. Cả một đất nước hiền lành, đủ cả con người, cả chốn cung đình, cả nơi thôn dã, cùng với bao nhiêu sắc màu, cảnh vật thiên nhiên. Học truyện "Tấm Cám ”, nên biết điều đó, cũng như phải nhớ ý nghĩa của truyện là: “ở hiền gặp lành”.

Truyện “Tấm Cám " còn có một điều hay nữa mà rất nhiều truyện cổ tích không có hoặc có rất ít. Đó là khi kể chuyện, người ta dẫn thêm những câu ca, câu hát. Đấy là một đặc điểm của truyện cổ tích Việt Nam. Những lời văn gây một không khí sinh động cho câu chuyện thêm phần đằm thắm. Hãy đọc lại những câu rất vui như của gà: “Cục ta cục tác, cho ta nắm thóc, ta bới xương cho”. Hoặc những câu rất cảm động như: “Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh chui vào tay áo”.Cái hồn cổ tích, cái chất Việt Nam nằm trong những câu ca, điệu nói ấy.

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 11

Tấm Cám là truyện cổ điển hình và tiêu biểu nhất cho thể loại truyện cổ thần kì. Với trí tưởng tượng phong phú, cách xây dựng nhân vật toàn diện, cốt truyện lôi cuốn, hấp dẫn, nhân dân ta đã gửi gắm vào nhân vật này ước mơ, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, công bình, kẻ xấu bị trừng trị, người tốt được báo đáp, công lí được thực thi. Vượt lên trên thời gian, truyện cổ Tấm Cám vẫn còn gây hứng thú đối với người đọc nhiều thế hệ, trở thành câu chuyện kể mang hàm ý giáo dục con người sâu sắc.

Chuyện kể về cuộc đời và số phận đầy bất hạnh của nhân vật Tấm. Tấm là một cô gái hiền lành, xinh đẹp, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải sống với dì ghẻ và Cám – cô em cùng cha khác mẹ. Tấm luôn bị mẹ con Cám ghen ghét và ngược đãi. Một lần đi hớt tép Tấm bị Cám lừa lấy hết tép, chỉ còn lại con bống nhỏ. Tấm nghe lời Bụt khuyên nuôi chú cá bống trong giếng. Biết Tấm nuôi cá bống, mẹ con Cám lừa bắt bống ăn thịt. Ngày hội, mẹ con Cám trộn thóc lẫn gạo bắt Tấm nhặt, không cho đi xem hội. Bụt lại hiện lên giúp Tấm làm việc và biến chỗ xương của bống thành quần áo đẹp cho Tấm đi hội. Tấm đi xem hội đến chỗ lội, đánh rơi chiếc giày xuống nước. Nhờ chiếc giày, Tấm được làm vợ vua. Tấm về giỗ cha, bị mẹ con Cám hại chết và đưa Cám thế chỗ Tấm trong cung vua.

Tấm chết hóa thành chim vàng anh, cây xoan đào, con ác trên khung cửi và khi thành quả thị thì được một bà lão đem về. Mỗi khi bà lão đi vắng, Tấm hiện ra dọn dẹp nhà cửa. Sau đó bà lão phát hiện ra Tấm. Một hôm, nhà vua đi qua, ghé vào quán nước của bà cụ. Nhận ra Tấm qua miếng trầu, đưa Tấm về cung. Tấm hạnh phúc bên vua còn mẹ con Cám sau đó bị trừng trị đích đáng.

Nhân vật chính trong truyện chính là cô Tấm. Tấm mang thân phận mồ côi cha mẹ từ rất sớm. Cô sống với dì mụ ghẻ độc ác và cô em cùng cha khác mẹ là Cám. Trong hoàn cảnh ấy, Tấm luôn bị đối xử bất công, chịu nhiều thiệt thòi và khổ đau.

Với bản tính hiền lành lại rất chăm chỉ, Tấm sớm biết làm mọi việc trong nhà. Phẩm chất ấy không những không được trân trọng mà còn bị mẹ con dì ghẻ ghen tức, hành hạ, bắt cô phải lao động quần quật suốt ngày. Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng. Cuộc sống làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn khiến cho số phận của Tấm chứa đầy bất hạnh, cay đắng và khổ cực.

Chính lòng đố kị và thù ghét Tấm của mẹ con Cám khiến cho mâu thuẫn gia đình từng bước dâng cao. Mâu thuẫn đầu tiên bắt đầu từ chuyện đi bắt tép của chị em Tấm Cám. Bản chất của Cám không khác gì mụ gì ghẻ, lúc nào cũng giành phần hơn với chị nên đã xảo quyệt lừa chị lặn sâu mà tranh thủ trút hết tép của chị. Đó là hành động cướp công đê tiện. Rồi đến chuyện rình mò việc Tấm nuôi bống trong giếng của mẹ con Cám rồi đi đến hành động bắt bống ăn thịt. Dường như, mẹ con Cám không muốn Tấm có bất kì một niềm vui nào trong cuộc sống. Họ cố gắng tìm mọi cách cướp đoạt niềm vui và đẩy tấm vào đau khổ.

Mâu thuẫn được đẩy lên cao điểm trong lần đi xem hội. Tấm háo hức muốn đi nhưng mụ gì ghẻ lại nghĩ ra cách tàn nhẫn bắt Tấm phải ở nhà. Mụ gì ghẻ không nghĩ rằng Tấm sẽ có được gì trong buổi hội ấy, chỉ đơn giản là mụ không muốn Tấm có niềm vui mà thôi. Nhờ Bụt giúp đỡ mà nàng có cơ hội được đến với mọi người. Tình cờ ướm thử và vừa vặn với chiếc giày đã làm thay đổi cuộc đời Tấm. Từ một cô gái quê mùa trở thành hoàng hậu khả kính. Điều đó như một vết dao khoét sâu vào lòng ghen tức của mẹ con mụ gì ghẻ, thôi thúc mụ có âm mưu tàn độc đối với cô, đẩy mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám lên đến cực điểm

Qua các tình tiết, ta có thể thấy, Tấm là cô gái bất hạnh, bị hắt hủi, yếu đuối, thụ động, dễ khóc, chăm chỉ, hiền ngoan, cũng khát khao được vui chơi. Mẹ con Cám là người độc ác, nhẫn tâm hành hạ Tấm, luôn ghen ghét và đố kị, hãm hại Tấm. Bụt hiền từ, có phép lực, chuyên cứu giúp những người nghèo bất hạnh. Ở đây, Bụt đóng vai trò là yếu tố thần kì kịp thời giải quyết khó khăn, bế tắc của người bất hạnh, tạo nên nét đặc biệt hấp dẫn của loại truyện này.

Mâu thuẫn ban đầu chỉ là sự hơn thua về vật chất, tinh thần, sự ghen ghét mẹ ghẻ con chồng. Những lúc này Tấm luôn là người nhường nhịn, chịu thua thiệt. Sự nhường nhịn của Tấm khiến cho mẹ con Cám không những không nhận ra và trân trọng mà còn ngày càng lấn tới và lún sâu vào tội lỗi. Bởi thế, khi Tấm trở thành hoàng hậu, mâu thuẫn giữa Tấm – Cám và dì ghẻ không những không giảm mà còn ngày một phát triển, ngày một căng thẳng gay gắt, quyết liệt hơn.

Đây không còn là mâu thuẫn gia đình mà phát triển thành mâu thuẫn giữa cái ác và cái thiện trong xã hội. Mẹ con Cám tìm đủ mọi cách và nhiều lần truy đuổi hòng tiêu diệt bằng được Tấm để độc chiếm ngôi hoàng hậu, hưởng vinh hoa phú quý. Đó là con người vô cùng độc ác, mưu mô, xảo quyệt và có lòng tham vô đáy.

Âm mưu giết Tấm lại được thực hiện ngay ngày giỗ của cha Tấm. Một sự bất lương, đê tiện đang âm thầm diễn ra. Tấm vẫn ngây thơ không biết gì bởi nàng luôn tin vào điều thiện và sự cải hóa của con người. Mẹ con Cám nhẫn tâm chặt cây cau khiến nàng ngã chết. Cám thế chỗ chị lên làm hoàng hậu. Hồn Tấm hóa thành con chim vàng anh. Mẹ con Cám giết vàng anh, nàng hóa thân thành cây xoan đào. Mẹ con Cám chặt cây xoan đào, nàng hóa vào khung cửi. Khung cửi bị đốt, nàng hóa thân vào quả thị thơm. Và cuối cùng, từ quả thị, Tấm bước ra với hình dung con người.

Với bốn lần hóa thân, Tấm càng đấu tranh quyết liệt để giành sự sống. Thực tế khốc liệt cũng thay đổi tính nết và cách nói năng, ứng xử của cô. Sau mỗi lần bị giết, bị chết, bị chặt, bị đốt, Tấm đều không chết mà tìm cách hoá thân sang kiếp khác, vật khác, tìm cách mắng rủa, tố cáo tội ác cướp chồng, giết chị của Cám. Càng hóa thân, Tấm càng trưởng thành hơn. Các lần hóa thân chứng minh sức sống mãnh liệt của Tấm. Đó cũng là sức sống mãnh liệt của cái thiện.

Bốn lần bị giết, bốn lần hóa thân thể hiện quan niệm luôn luân hồi của đạo Phật trong tinh thần nhân dân, thể hiện mơ ước của nhân dân gửi vào nhân vật Tấm.

Tấm phải sống để hưởng hạnh phúc, để trừng trị những kẻ thù độc ác, mẹ con Cám nhất định phải đền tội. Ở giai đoạn biến hoá về sau của Tấm, ta không thấy Bụt xuất hiện nữa. Vai trò của Bụt chấm dứt khi bước vào cuộc đấu tranh giành lại sự sống. Tính tích cực, chủ động của nhân vật Tấm thể hiện ở điểm này và đó cũng là cơ sở để dân gian khẳng định: Chính sức sống mãnh liệt của con người, của cái thiện mới là nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên chiến thắng cuối cùng.

Khi Tấm trở lại ngôi vị hoàng hậu, nàng xinh đẹp hơn xưa. Qua đó, dân gian muốn khẳng định rằng cái thiện không bao giờ chịu khuất phục, chính nghĩa không bao giờ đầu hàng. Cái thiện sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lẽ phải và công lí. Kết cấu câu chuyện nêu lên một triết lí: “ở hiền gặp lành”. Đây cũng là ước mơ, khát vọng của người nông dân bị đè nén, áp bức.

Mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám là mâu thuẫn trong gia đình phụ quyền thời cổ nhưng trên hết là mâu thuẫn giữa thiện và ác trong xã hội và được giải quyết theo hướng thiện thắng ác. Đó cũng là quan niệm thiện – ác và tinh thần lạc quan, niềm tin vào chân lí và công bằng vào tâm thức người Việt trong cổ tích.

Năm lần bảy lượt hãm hại Tấm để cướp lấy thành quả của Tấm, mẹ con Cám không thể thành công. Thế nhưng, họ vẫn không nhận ra bài học nào. Họ vẫn cố chấp với sự mê muội của chính mình. Hậu quả cuối cùng mà họ phải nhận lấy là hoàn toàn đích đáng. Cám bị dội nước sôi mà chết cùng khát vọng được đẹp hơn chị. Mụ gì ghẻ cũng lăn ra chết trước cái chết của con gái yêu.

Câu chuyện kết thúc có hậu, người tốt như Tấm đã được bảo vệ và đền đáp; kẻ xấu như mẹ con Cám phải nhận hậu quả tương xứng với hành động xấu xa của họ. Đó cũng là mong muốn của nhân gian. Có ý kiến cho rằng Tấm trả thù là hợp lí, là thích đáng. Mẹ con Cám đáng bị trừng trị bằng hình phạt nặng nề như vậy là hợp với lẽ đời. Nhưng có ý kiến không đồng tình, cho rằng hành động ấy trái với bản chất hiền hậu của Tấm.

Theo logic phát triển tính cách của Tấm và quan niệm của người Việt Nam trong cổ tích thì việc trả thù của Tấm là hợp lí. Tấm đã sống bằng trái tim chân thiện, lấy ân báo oán, lấy nghĩa trả thù. Còn mẹ con Cám vì lòng tham mù quáng mà bất chấp lương tri, không chịu hồi tỉnh. Không những giết Tấm, mẹ con Cám còn tiêu diệt tận gốc rễ mọi mầm mống. Đó là hành động man rợ, không còn nhân tính, đáng bị trời tru đất diệt.

Cuối truyện, Tấm đã thấu rõ bản chất của mẹ con Cám. Lúc này cô đã nhân danh cái thiện trừng phạt cái ác. Tấm là nhân vật văn học do nhân dân lao động sáng tạo để thể hiện quan niệm, thái độ của mình về cuộc sống. Tư tưởng cốt lõi mà dân gian muốn gửi đến người nghe (đọc) là: Thiện luôn thắng ác, “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”.

Qua câu chuyện, ta nhận ra hạnh phúc không tồn tại ở đâu đó xa xôi, trừu tượng mà ở ngay trong cõi đời này. Người bình dân xưa không tìm hạnh phúc ở cõi nào khác mà tìm và giữ hạnh phúc thực sự ngây ở nơi trần thế. Xã hội luôn công bằng, ở đó có công lí sẽ luôn được thực hiện. Tức là người lao động chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng sẽ được hưởng hạnh phúc; kẻ tham lam, độc ác, giết người sẽ bị trừng trị đích đáng. Trong một thời đoạn nào đó, có thể điều ấy không đúng, nhưng nhìn xa vào dòng thời gian, chân lí ấy là hoàn toàn đúng đắn.

Sức hấp dẫn của câu chuyện còn thể hiện ở cốt truyện li kì. Nhiều yếu tố thần kì trong câu chuyện xuất hiện với nhân vật thần kì (Bụt), vật thần (xương cá bống, gà biết nói, đàn chim sẻ biết nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo). Bản thân nhân vật chính cũng có sự biến hoá thần kì đã tạo nên nét kì ảo hết sức lôi cuốn. Cách xây dựng mâu thuẫn và đẩy xung đột ngày càng tăng tiến mang tính kịch sâu sắc. Hai tuyến nhân vật đối lập cùng tồn tại và song song phát triển. Đó là lối kết cấu quen thuộc đã thành mô típ trong thể loại truyện cổ tích: kiểu nhân vật mồ côi, hoặc nghèo khó, bất hạnh trải qua nhiều khó khăn, hoạn nạn, cuối cùng được hưởng hạnh phúc.

Hơn một câu chuyện cổ, truyện cổ tích Tấm Cám để lại trong người đọc một bài học nhân sinh quý giá. Hãy luôn sống chân thiện và tin tưởng vào tương lai tốt đẹp sẽ đến. Hãy luôn tránh xa cái xấu, cái ác để không phải làm điều sai trái, phải nhân lấy những hậu quả nặng nề. Chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm. Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm. Sống hướng đến con người và gìn giữ thiên lương ngay chính trong cuộc sống khắc nghiệt này.

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 12

Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có lẽ câu chuyện đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng mỗi kỷ niệm tuổi thơ chúng ta là câu chuyện Tấm Cám. Nhưng có lẽ, mãi đến tận lúc chúng ta trưởng thành thì mới có thể hiểu hết được những giá trị nhân văn đẹp đẽ mà “Tấm Cá” mang lại.

Xuyên suốt toàn bộ câu chuyện là mâu thuẫn gay gắt giữa mối quan hệ con chồng- dì ghẻ. Từ xua đến nay, trong dân gian hay có câu cửa miệng:

Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng

Mở đầu câu chuyện, tác giả dân gian đã miêu tả rất rõ ràng về thân phận từng người trong gia đình. Rằng Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Cám luôn là người được mẹ đẻ của mình nuông chiều, ăn trắng mặc trơn. Còn Tấm luôn bị mụ dì ghẻ cay nghiệt hành hạ.

Và bất công đầu tiên trong truyện là sự việc Tấm và cám được mụ dì ghẻ sau ra đồng xúc tép, giỏ tép của ai đầy trước sẽ được thưởng một chiếc yếm đào. Bản tính ham chơi, lười biếng nên Cám ta không bắt được con tép nào, trong khi đó giỏ của Tấm lại đầy tép. Vì dở trò gian xảo nên Cám đã đổi được giỏ tép của Tấm chạy về nhà. Còn Tấm khi lên bờ thấy việc đã rồi, hoàn toàn bất lực chỉ biết ngồi khóc nức nở. Lúc này nhân vật ông Bụt bắt đầu xuất hiện, giống như một cơn mưa mát lạnh trên vùng đất quá đỗi khô cằn. Bụt cho Tấm một con cá bống thả giếng nuôi. Hành động mang tính chất lừa bịp của Cám đó cũng châm ngòi cho những loạt hành động có phần dã man hơn của Cám đối với Tấm sau này. Cụ thể là hành động giết thịt con cá Bống và Tấm nuôi dưới giếng bấy lâu nay. Để rồi sau lần đi chăn trâu đồng xa ấy, lúc Tấm gọi bống lên chỉ còn một cục máu nổi lên. Lúc này ông Bụt cũng đã xuất hiện và chỉ cho Tấm những bước tiếp theo. Và có lẽ mâu thuẫn được đẩy lên ở phần cao trào nhất là những chuyển biến ở trong cung. Bây giờ lòng tham vô đáy của Cám và mụ dì ghẻ bắt đầu trỗi dậy. Khi xưa là con cá, giỏ tép, nhưng bây giờ là giết cả mạng người để đạt được mục đích. Lần này đến lượt khác, từ chặt cây cau hãm hại Tấm chết đuối, rồi làm thịt con chim vàng anh mà Tấm hóa thân, chặt cây xoan đào, rồi đốt khung cửi. Tất cả từng chi tiết một miêu tả thật sắc nét sự độc ác và lòng tham lam của mẹ con Cám. Và ở phần hai này chúng ta không còn thấy sự xuất hiện của nhân vật ông Bụt nữa. Sau những âm mưa, những thủ đoạn độc ác của mẹ con Cám, Tấm đều tự thân tự lực hồi sinh. Không được làm Vàng Anh thì cũng làm cây xoan đào, không được làm khung cửi thì hóa thành quả thị thơm lừng. Phải chăng nhà văn dân gian muốn làm rõ lên sức sống mãnh liệt không bao giờ dập được của Tấm. Dù qua bao sóng gió, qua bao thủ đoạn, nhưng sức sống ấy, khát khao sống ấy của Tấm không bao giờ bị dập tắt.

Đoạn văn sử dụng liên tiếp biện pháp tu từ nhân hóa, làm nổi bật được ý đồ của nhà văn, rằng khát vọng mãnh liệt của cái thiện. Cái ác luôn bị dập tắt, bị đè bẹp bởi cái thiện.

Chi tiết gây tranh cãi nhiều nhất của câu chuyện có kẽ là hành động “báo ân, báo oán” của Tấm. Quả là, nếu như chúng ta thoát ra khỏi câu truyện thì hành động trả thù của Tấm thật đáng sợ, nó mâu thuẫn với chính con người của Tâm. Nhưng trước hết, ta phải xét đến thể loại truyện. Đây là một câu truyện cổ tích, nó có đặc trưng là tưởng tượng, hư cấu và có chức năng phản ánh đời sống, ước mơ của nhân dân, đáp ứng nhu cầu nhận thức, thẩm mĩ, giáo dục và giải trí của nhân dân trong những thời kỳ, hoàn cảnh lịch sử khác nhau của xã hội có giai cấp. Điều đó có nghĩa vào thời điểm đó, nhu cầu lớn nhất của con người là khát vọng công bằng trong xã hội: ác giả ác báo. Cho nên hành động trả thù của Tấm là thoả mãn ước nguyện của người lao động, nó mang tính chủ quan của người sáng tác.

Với thông điệp muốn con người sống hướng thiện. Truyện cổ tích tấm cám đã để lại trong lòng bạn đọc ấn tượng về những hình ảnh đẹp đẽ, sức sống vĩnh cửu của cái tốt, cái đẹp và cái thiện những bài học quý giá mà tác giả dân gian muốn gửi gắm.

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 13

“Tấm Cám” là truyện cổ tích có vị trí quan trọng trong kho tàng văn học Việt Nam. Tác phẩm kể về cuộc đời và sự đấu tranh cho hạnh phúc của Tấm. Phân tích truyện Tấm Cám, ta còn thấy được những khát vọng công lý, tình yêu và hạnh phúc lứa đôi của người xưa.

Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Cha mẹ mất sớm, Tấm ở cùng dì ghẻ và người em của mình. Và như dân gian đã có câu:

“Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”

Tấm sống trong nỗi cơ cực, vất vả và cam chịu. Nàng hiện lên là cô gái hiền lành, thường xuyên bị dì ghẻ và em gái chèn ép. Khi được giao đi xúc tép, Tấm bị Cám lừa trút hết giỏ tép để cướp phần thưởng. Tấm chỉ biết khóc, và Bụt hiện lên, cho nàng chú cá bống bầu bạn. Khi biết được Tấm có cá bống, dì ghẻ lại lừa nàng đi chăn trâu ở xa, còn mình ở nhà giết thịt con cá. Tấm cũng chỉ biết bưng mặt khóc, Bụt hiện lên, dặn nàng tìm xương cá và chôn ở dưới chân giường.

Không chỉ bị bóc lột sức lao động trong cuộc sống thường ngày, Tấm còn bị dì ghẻ chèn ép với những nhu cầu tinh thần bình thường. Khi biết nàng có ý định đi trẩy hội, dì ghẻ trộn thóc với gạo, bắt Tấm nhặt xong mới cho đi. Nàng khóc, Bụt lại sai một đàn chim đến giúp đỡ nàng. Đến khi nàng không có quần áo đẹp, Bụt cũng hiện lên, cho nàng quần áo, khăn, giày và cả xe ngựa. Chính vì thế, nàng mới đánh rơi giày và trở thành hoàng hậu.

Ở nửa đầu câu chuyện, mâu thuẫn giữa các nhân vật xoay quanh những hơn thua vật chất và tinh thần. Tấm bị mẹ con Cám chèn ép, cướp đoạt trắng trợn những thành quả và niềm vui. Và Tấm hiện lên bị động thậm chí có phần nhu nhược, không thể tự giải quyết xung đột mà phải nhờ đến sự giúp đỡ của Bụt. Sự giúp đỡ ấy chính là sự bênh vực của nhân dân với kẻ yếu, với quan niệm “ở hiền gặp lành”.

Thế nhưng càng về sau, sự chủ động tìm kiếm hạnh phúc của Tấm lại càng rõ ràng hơn. Tấm về giỗ cha, bị mẹ con Cám dụ trèo lên cây cau, sau đó chặt gốc cau. Tấm ngã chết, Cám được đưa vào cung thay thế. Sau khi chết, Tấm chết hóa thành chim vàng anh, tíu tít quanh vua. Mẹ con Cám cũng tìm cách giết chim, ngăn cản Tấm ở bên vua. Sau khi hóa kiếp, Tấm biến thành cây xoan đào, tỏa bóng mát cho nhà vua. Mẹ con Cám cũng chặt cây, làm thành khung cửi dệt vải.Tấm lại hóa thành con ác trên khung cửi, trực tiếp tuyên chiến với kẻ thù. Sợ hãi, mẹ con Cám đốt khung cửi, rắc tro bên vệ đường. Khi này, Tấm hóa thành quả thị, ngày ngày chui ra quét dọn, nấu cơm cho bà hàng nước. Sau đó, Tấm gặp lại nhà vua và trở về làm hoàng hậu.

Trở về với vị trí của mình, Tấm tự tay đòi lại công lý cho bản thân. Cả hai mẹ con Cám đều phải trả giá và chết một cách rất thảm khốc. Ở nửa sau, mâu thuẫn xung đột được đẩy lên dữ dội, một mất một còn xoay quanh ngôi vị hoàng hậu giữa Tấm và Cám. Đến đây Tấm đã không còn bị động, chỉ biết khóc và phải nhờ Bụt giúp đỡ nữa. Nàng luôn ở trong thế chủ động, đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt. Những lần hóa thân của Tấm cho thấy sự chiến đấu không khoan nhượng, sức sống mãnh liệt không thể tiêu diệt của cái thiện trước những điều xấu xa, tàn ác.

Mặc dù vậy, mâu thuẫn vẫn được giải quyết theo hướng cái thiện sẽ thắng cái ác. Chỉ là cách thức khác nhau và sự chủ động tìm kiếm hạnh phúc, đấu tranh vì công lý thuộc về chính bản thân mình. Đó như một lời nhắn nhủ của tác giả dân gian đến với mỗi người, phải biết đấu tranh cho hạnh phúc của mình, không thể chỉ ngồi trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Và chỉ có đứng lên đấu tranh, hạnh phúc đó mới lâu bền và vững chãi.

Những mâu thuẫn liên tiếp nhau, không có mở đầu mà dường như đã xuất hiện từ rất lâu rồi. Chúng bắt nguồn từ mâu thuẫn trong gia đình phụ hệ: dì ghẻ – con chồng. Mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, Tấm phải sống chung với dì ghẻ và em cùng cha khác mẹ. Vì thế, xung đột không thể tránh khỏi. Đây là mâu thuẫn phổ biến trong xã hội lúc bấy giờ. Nó thể hiện được những nhức nhối còn đang tiếp diễn. Nếu chế độ phụ hệ chưa được xóa bỏ, những đứa trẻ như Tấm sẽ vẫn còn tồn tại. Và không phải ai cũng có thể mạnh mẽ đứng lên đấu tranh cho bản thân.

Bên cạnh đó, xung đột xảy ra còn bởi sự đối nghịch giữa cái thiện và cái ác. Trong đó, Tấm là đại diện cho các nhân vật ở tuyến thiện. Nàng hiện lên với những nét tính cách: hiền lành, nhu mì. Nàng phải chịu nhiều đau khổ, chèn ép nhưng lại luôn nhận được sự giúp đỡ. Đồng thời bản thân Tấm đã dám đứng lên chống lại cái ác, giành hạnh phúc cho mình. Ngược lại, mẹ con Cám lười biếng, nhẫn tâm, độc ác, luôn tìm cách hãm hại Tấm. Mâu thuẫn thiện – ác luôn tồn tại trong xã hội, và cái thiện cần mạnh mẽ, dũng cảm để có thể loại bỏ cái ác, giúp xã hội hạnh phúc hơn.

Qua đó, tác giả dân gian thể hiện quan niệm “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”. Con người sẽ được đền đáp xứng đáng khi biết khao khát và đấu tranh. Hơn hết, nó còn biểu hiện cho ước mơ về một xã hội công bằng, về một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc, không còn điều xấu xa của nhân dân.

Qua đây chúng ta thấy hành động trả thù của Tấm ở cuối truyện đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tấm sau khi trải qua những kiếp nạn đã trở về cung, làm hoàng hậu. Không những thế, nàng còn trẻ đẹp và mặn mà hơn trước. Điều này đã khiến Cám ngỡ ngàng, khát khao được đẹp như chị. Tấm đã bày cách cho Cám xuống hố, dội nước sôi cho trắng đẹp. Cám chết, Tấm làm thành mắm và gửi cho mẹ Cám. Dì ghẻ ăn lọ mắm làm từ thịt con gái thì kinh khiếp, lăn đùng ra chết. Kết cục này, soi chiếu theo bối cảnh và quan niệm xưa kia, là một kết cục vẹn toàn. Hành động báo thù của Tấm phù hợp với quá trình trưởng thành trong đấu tranh của nàng. Tấm từ cô gái hiền lành cam chịu, yếu đuối, giờ đây đã trở nên mạnh mẽ, quyết liệt. Nàng dám chống lại cái ác và cuối cùng ra tay trừng phạt cái ác để giành hạnh phúc cho bản thân.

Đồng thời, nó cũng phù hợp với quan niệm của nhân dân: “Ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”. Theo quan niệm xưa, cái ác phải được trừng trị bởi bạo lực, và phải nhận kết cục xứng đáng với những gì đã gây ra. Bởi lẽ nếu càng nhân nhượng, cái ác sẽ càng lấn tới, chèn ép những điều tốt đẹp của cuộc đời. Do vậy, sự báo thù của Tấm là hợp lý, trọn vẹn.

Với cách xây dựng mâu thuẫn độc đáo, mô típ truyền thống và các yếu tố thần kỳ, “Tấm Cám” là một câu chuyện cổ tích giàu ý nghĩa nhân văn và bài học sâu sắc. Truyện là tiếng nói và khát vọng của nhân dân về một cuộc sống mơ ước. Mà ở đó, cái thiện sẽ được đền đáp, công lý được thực thi và hạnh phúc sẽ đến với những người xứng đáng. Những câu chuyện như “Tấm Cám”, “Sọ Dừa”, “Thạch Sanh”,… sẽ là những hành trang quý báu, đi theo mỗi người đến suốt cuộc đời. Để giúp chúng ta luôn hướng thiện, biết ước mơ và đấu tranh cho hạnh phúc của chính mình.

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 14

Ai đó đã từng nói: "Truyện cổ tích là thế giới hiện thực biết ước mơ". Vâng, truyện cổ tích nói riêng và văn học dân gian Việt Nam nói chung là tiếng nói, là nỗi niềm, tiếng lòng của người bình dân trong xã hội cũ. Song những tiếng lòng ấy không hề ủy mị, không hề mềm yếu dẫu rằng nó được cất lên trong bùn đen cơ cực. "Tấm Cám" là một truyện cổ tích thể hiện rõ niềm lạc quan, niềm tin của nhân dân lao động. Tấm là nhân vật chính trong truyện hiện lên với số phận bất hạnh nhưng ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn.

"Tấm Cám" là một truyện cổ tích thần kỳ. Truyện kể về cuộc đời số phận của Tấm - cô gái mồ côi, bất hạnh nhưng có phẩm chất tốt đẹp, trải qua nhiều gian nan cuối cùng được hưởng hạnh phúc. Thông qua số phận bất hạnh của Tấm, nhân dân gửi gắm ước mơ, khát vọng lí tưởng xã hội của mình về sự chiến thắng của cái thiện với cái ác.

Tấm là một cô gái có số phận bất hạnh. Tấm mồ côi từ nhỏ: "Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm đã chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám". Tác giả dân gian đã đưa người đọc đến với số phận rất quen thuộc trong truyện cổ tích: đó là người mồ côi. Ở với dì ghẻ, Tấm phải sống một cuộc sống khổ cực, bị mẹ con Cám hành hạ. Tấm phải làm lụng suốt ngày đêm trong khi Cám thì thảnh thơi. Đâu chỉ có thế, Tấm còn bị Cám lừa lấy mất giỏ cá. Mất giỏ cá là Tấm mất đi phần thưởng của dì, mất đi cái yếm đẹp, mất đi tình yêu thương mà Tấm khao khát có được. Không chỉ có vậy, khi chỉ còn con cá bống bầu bạn, Tấm cũng bị mẹ con Cám bắt lấy và giết thịt. Cuộc đời Tấm dường như bị bủa vây trong sự hãm hại. Bống là con cá duy nhất còn sót lại trong giỏ cá. Bị lấy mất cá là Tấm mất đi người bạn ngày ngày tâm sự, sẻ chia, mất một niềm an ủi cuối cùng. Tấm là hiện thân của một cuộc đời đày đoạ, tước đoạt, một hình ảnh tiêu biểu cho những số phận thấp cổ bé họng, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội phân chia giai cấp. Bởi vậy tiếng khóc tội nghiệp của Tấm mỗi khi bị chèn ép, áp bức có sức lay động mỗi trái tim nhân hậu, khơi dậy niềm cảm thông chia sẻ ở mọi người.

Nhờ Bụt, Tấm từ một cô gái mồ côi đã trở thành hoàng hậu. Bụt xuất hiện mỗi khi Tấm khóc, buồn tủi cần sự an ủi, giúp đỡ. Tấm bị mất chiếc yếm đỏ, Bụt cho hi vọng là con cá bống. Tấm bị mất cá bống, Bụt lại cho hi vọng. Tấm không được đi xem hội, Bụt cho một cho đàn chim sẻ đến giúp để đi hội làng gặp nhà vua. Lúc đi hội, Tấm làm rơi giày. Chính chiếc giày giúp Tấm gặp lại được vua trở thành hoàng hậu. Đó chính là ước mơ của người xưa về một sự đổi đời trở thành hoàng hậu, bước lên ngôi vị tối cao, là ước mơ, khát vọng lớn lao của người dân bị đè nén, áp bức. Hạnh phúc ấy chỉ dành cho những con người hiền lành, lương thiện.

Tấm là một con người sẵn sàng đấu tranh để giành lại hạnh phúc cho chính mình. Thông qua các cuộc đấu tranh của Tấm, nhân dân lao động gửi gắm niềm tin, ước muốn về khát khao đổi đời,về cuộc chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Tấm phải nhiều lần hóa thân: Tấm bị giết hóa thành chim Vàng Anh, Vàng Anh bị giết mọc lên cây xoan đào, xoan đào bị chặt, Tấm hóa khung cửi, khung cửi bị đốt, Tấm hóa quả thị, từ quả thị Tấm bước ra làm người. Cuộc đấu tranh giành lại quyền sống của Tấm là vô cùng gian nan, quyết liệt, không khoan nhượng. Cuộc đấu tranh cho thấy cái ác luôn hiện hữu, luôn xuất hiện đầy ắp hành hạ cái thiện. Khi Tấm trở thành hoàng hậu, mẹ con Cám vẫn đeo bám tiêu diệt Tấm tới cùng. Sự đày đoạ của Tấm đã đến tận cùng, bị tước đoạt cả hạnh phúc lẫn tính mạng.

Lần hóa thân cuối cùng, cô Tấm bước ra làm người đã gửi gắm những quan niệm về hạnh phúc. Có lẽ hạnh phúc nơi trần thế mới là hạnh phúc đích thực và đáng trân trọng. Hạnh phúc giữa cuộc sống đời thực, được bên cạnh những người mình thương yêu. Đặc biệt, để có được hạnh phúc ấy, Tấm đã phải đấu tranh rất nhiều lần. Nếu như lúc trước lúc khó khăn, đau khổ, Tấm có Bụt hiện ra giúp đỡ thì lúc này đây, Tấm chủ động đấu tranh giành lấy hạnh phúc cho mình. Gửi hồn mình vào chim Vàng Anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị,... sau bao lần hóa thân, bị hãm hại, Tấm trở lại làm người. Tấm lại trở về là Tấm - một hoàng hậu xinh đẹp. Nhưng hạnh phúc sẽ chẳng bền lâu khi cái ác chưa bị diệt trừ tận gốc. Tấm tự tay trừng trị mẹ con Cám, để mẹ con cám phải nhận cái kết thích đáng. Nhân dân đã đứng về phía Tấm, công lý đứng về phía Tấm, hạnh phúc lại trở về bên cô Tấm nết na.

"Tấm Cám" là một truyện cổ tích mà ở đó mà không hề thấy người nông dân bi quan. Cái hiện thực với xã hội bất công vẫn cứ hiện ra thông qua số phận của nhân vật Tấm nhưng cũng qua nhân vật Tấm, nhân dân gửi gắm những ước mơ, khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, được thể hiện bằng cốt truyện chặt chẽ, có sự tham gia của các yếu tố thần kì tạo hấp dẫn cho truyện. Thông qua nhân vật Tấm, người đọc hiểu được những ước mơ, khát vọng mà nhân dân gửi gắm, ta thấy được sự đấu tranh của tầng lớp thấp cổ bé họng trong xã hội xưa.

Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, văn học dân gian đã và mãi có chỗ đứng trong lòng bạn đọc và có giá trị sâu sắc trong kho tàng văn học Việt Nam nói chung. Bởi thông qua văn học dân gian, người đọc hiểu được đời sống cũng như tâm tư tình cảm người nông dân xưa, càng thêm trân trọng hơn kho tàng văn học dân gian Việt Nam.

Phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám - mẫu 15

Ai đó đã từng nói: "Truyện cổ tích là thế giới hiện thực biết ước mơ". Vâng, truyện cổ tích nói riêng và văn học dân gian Việt Nam nói chung là tiếng nói, là nỗi niềm, tiếng lòng của người bình dân trong xã hội cũ. Song những tiếng lòng ấy không hề ủy mị, không hề mềm yếu dẫu rằng nó được cất lên trong bùn đen cơ cực. "Tấm Cám" là một truyện cổ tích thể hiện rõ niềm lạc quan, niềm tin của nhân dân lao động. Tấm là nhân vật chính trong truyện hiện lên với số phận bất hạnh nhưng ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn.

Tấm Cám - một câu chuyện cổ tích gắn liền với biết bao thế hệ. Một câu chuyện mà dù người lớn hay trẻ con đều biết. Hồi bé, ai mà chả ước mình được làm cô Tấm, được cưới hoàng tử làm hoàng hậu, mỗi lần khó khăn đều có bụt giúp đỡ hay được bất tử, chết đi sống lại nhiều lần. Thế mới thấy được cách xây dựng chủ đề cùng những đặc sắc nghệ thuật trong Tấm Cám rất đặc biệt và sâu sắc.

Tấm Cám là câu chuyện kể về hai nhân vật chính là Tấm và Cám. Tấm là người chị hiền lành, chăm chỉ nhưng do hoàn cảnh bố mất sớm nên cô phải ở với dì ghẻ và người em cùng cha khác mẹ là Cám. Tấm luôn bị mẹ con Cám đối xử tàn nhẫn, bất công, mọi công việc trong nhà đều do Tấm làm hết còn hai mẹ con ả chỉ việc ngồi chơi hưởng thụ. Một lần dì ghẻ sai Tấm và Cám đi bắt tép, ai bắt được nhiều sẽ được thưởng một chiếc yếm đào. Tấm chăm chỉ bắt nên được giỏ được đầy còn Cám mải chơi nên giỏ trống không. Khi sắp đến giờ về nhà, thấy giỏ của Tấm đầy ắp tôm cá, Cám liền nghĩ cách lừa chị và trút hết giỏ tép của Tấm và giỏ của mình. Tấm ngây thơ không biết nên vẫn mải gội đầu mà không hay biết rằng mình đã bị lừa. Đến khi lên bờ mới vỡ lẽ ra và ôm mặt ngồi khóc. Đúng lúc đó bụt hiện lên giúp đỡ. Nhờ Bụt mà Tấm có người bạn để tâm sự là cá bống, có quần áo mặc đi chơi hội, và được bầy chim sẻ giúp đỡ. Ít lâu sau, nhà vua mở hội, thông báo rằng nếu ai đi vừa đôi hài xinh xắn này sẽ được làm vợ vua. Và thật vui sao khi Tấm chính là người mang vừa đôi hài đó và trở thành hoàng hậu. Mẹ con Cám rất ghen tị, nên nhân một lần Tấm về giỗ cha đã tìm cách hại chết Tấm. Sau lần ấy, Cám vào cung thay chị. Tuy nhiên Tấm lần lượt hóa thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi để phá hoại Cám và cuối cùng là biến thành quả thị để trở thành con gái bà cụ. Sau bao nhiêu khó khăn, Tấm cũng trở lại làm người và quay trở về cung sống bên vua. Còn mẹ con Cám phải lấy cái chết làm hình phạt thích đáng.

Qua bản tóm tắt trên, ta có thấy chủ đề của câu chuyện là miêu tả cuộc đời bất hạnh của Tấm và con đường dẫn đến hạnh phúc của cô. Thể hiện cuộc đấu tranh để giành hạnh phúc và bảo vệ hạnh phúc của những người lương thiện. Một chủ đề không còn mấy xa lạ trong thể loại truyện cổ tích, tương tự như các truyện cổ tích khác như Lọ Lem. Là một chủ đề dễ thấy nhưng được thể hiện một cách mới mẻ và đặc sắc. Là một chủ đề phê phán những người ở phe xấu và khẳng định rằng cái thiện luôn chiến thắng cái ác và cái thiện sẽ luôn được bảo vệ

Câu chuyện không chỉ thể hiện chủ đề độc đáo mà nó còn thể hiện những đặc sắc nghệ thuật tiêu biểu như nghệ thuật hư cấu, tưởng tượng kì ảo, cách xây dựng cốt truyện độc đáo và ngôn ngữ truyện giản dị, gần gũi. Truyện sử dụng nhiều nghệ thuật hư cấu như hình tượng ông bụt chỉ xuất hiện trong những thể loại cổ tích hay truyền thần thoại mang tính kì ảo. Hay thông qua những chi tiết như Tấm trò chuyện cùng cá bống hay đàn chim sẻ giúp đỡ Cám nhặt hạt đỗ. Thậm chí là chi tiết Tấm hóa thân thành chim vàng anh hay khung cửi, trái thị. Tất cả đều cho thấy nghệ thuật hư cấu, tưởng tượng kì ảo. Đặc sắc nghệ thuật còn thể hiện ở cách xây dựng cốt truyện độc đáo và ngôn ngữ truyện giản dị, gần gũi. Cốt truyện với nhiều tình tiết thú vị và bộc lộ rõ bản chất của mỗi người. Ngôn từ giản dị và gần gũi, bất cứ ai dù người lớn hay trẻ con đều có thể hiểu.

Dù đã có nhiều dị bản nhưng Tấm Cám vẫn khẳng định được mục đích của truyện rằng cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Không dừng lại như kết thúc của sách giáo khoa hay lười mẹ kể, lời kể dân gian còn tiếp diễn với việc Cám và bà mẹ của ả bị trừng phạt thích đáng. Đây đúng là một câu chuyện muôn thuở và đáng để truyền lại cho con cháu.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 10 hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:


Giải bài tập lớp 10 Kết nối tri thức khác