Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 32 Tập 1 - ngắn nhất Cánh diều

Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 32, 33, 34 Tập 1 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 9 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 9 dễ dàng hơn.

1. Truyện thơ Nôm

- Truyện thơ Nôm là truyện thơ được viết bằng chữ Nôm thường dùng thể thơ lục bát để kể chuyện.  Đặc điểm nổi bật của truyện thơ Nôm là sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình. Thể loại này phát triển mạnh và có nhiều thành tựu vào thế kỉ XVIII – XIX. Truyện thơ Nôm là thể loại có khả năng phản ánh sâu rộng hiện thực xã hội thông qua các câu chuyện kể về biến cố trong cuộc đời các nhân vật và cuộc đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm, tình yêu của họ.

- Cốt truyện: Ở truyện thơ Nôm, cốt truyện đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng tác phẩm. Mô hình cốt truyện của truyện thơ Nôm gồm ba chặng: Gặp gỡ - Lưu lạc (hoặc thử thách) – Đoàn tụ.

- Nhân vật: Trong truyện thơ Nôm, nhân vật thường được chia thành hai tuyến đối lập nhau gồm các nhân vật chính diện (đại diện cho cái thiện, chính nghĩa) và các nhân vật phản diện. Nhân vật chính của truyện đóng vai trò kết nối các nhân vật ở hai tuyến chính diện và phản diện thông qua các ự kiện diễn ra trong cuộc đời mình.

2. Lời đối thoại và lời độc thoại

- Lời đối thoại là lời các nhân vật trao đổi với nhau trong một cuộc hội thoại. Trong ngôn ngữ viết, lời đối thoại thường được đặt sau dấu gạch ngang đầu dòng hoặc đặt trong dấu ngoặc kép.

Lời độc thoại là lời của nhân vật nói với chính mình hoặc nói với một người nào đó trong tưởng tượng. Độc thoại thường diễn tả suy nghĩ, tình cảm đang diễn ra trong nội tâm nhân vật. Nếu văn bản dẫn trực tiếp lời độc thoại thì lời độc thoại được đặt sau dấu gạch ngang đầu dòng hoặc đặt trong dấu ngoặc kép.

- Lời đối thoại và lời độc thoại đều góp phần thể hiện rõ thái độ, tình cảm, đặc điểm và tính cách nhân vật.

3. Một số căn cứ để xác định chủ đề

- Căn cứ chủ yếu để xác định chủ đề là dựa vào các thành tố cơ bản tạo nên nội dung tác phẩm (cốt truyện, chi tiết, nhân vật, sự kiện, xung đột, mạch cảm xúc chủ đạo,…); trong đó, cốt truyện đơn tuyến, đa tuyến, số lượng và tính chất nhân vật,… giúp người đọc phân biệt chủ đề chính, chủ đề phụ,…

- Đề tài tác phẩm cũng là một căn cứ, nhờ việc xác định tác phẩm viết về cái gì, có thể xác định được vấn đề cơ bản của tác phẩm (chủ đề).

- Một số nhan đề của tác phẩm cũng có thể là căn cứ để xác định chủ đề. Ví dụ, từ nhan đề Đoạn trường tân thanh (Tiếng kêu đứt ruột mới) người đọc có thể suy đoán được chủ đề của Truyện Kiều.

4. Điển cố, điển tích

- Điển cố là những câu chữ trong sách đời trước được dẫn lại một cách súc tích.

- Điển tích là những câu chuyện trong sách đời trước được dẫn lại một cách cô đúc trong văn thơ.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 Cánh diều ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:


Giải bài tập lớp 9 Cánh diều khác