Soạn bài Bến quê ngắn nhất năm 2021

Câu 1 (trang 107 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

- Hoàn cảnh đặc biệt của nhân vật Nhĩ: từng đi khắp nơi, về cuối đời, Nhĩ lại bị cột chặt vào giường bởi một căn bệnh hiểm nghèo khiến không thể tự mình di chuyển được. Chính vào thời điểm ấy Nhĩ phát hiện ra vùng đất bên kia sông, nơi bến quê thân thuộc, một vẻ đẹp bình dị mà quyến rũ.

→ Tác giả muốn dẫn bạn đọc đến những trải nghiệm về cuộc đời: cuộc sống và số phận con người chứa đầy những điều bất thường, những nghịch lí, ngẫu nhiên, vượt ra ngoài những dự định và ước muốn, cả những hiểu biết và toan tính của con người.

Câu 2 (trang 107 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

- Những ngày cuối đời, Nhĩ đã thấy: vòm trời như cao hơn, bông hoa bằng lăng, sông Hồng màu đỏ nhạt lúc vào thu, bãi bồi màu mỡ...

- Niềm khao khát của Nhĩ chính là đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. → Sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường mà con người hay bỏ quên. Đó là sự thức tỉnh xen lẫn với niềm ân hận và nỗi xót xa.

Câu 3 (trang 108 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Ngòi bút miêu tả tâm lí của Nguyễn Minh Châu rất tinh tế và thấm đượm tinh thần nhân đạo:

- Sự tinh tế: Những suy nghĩ của nhân vật Nhĩ về lẽ sống, về cuộc đời rất cụ thể và sâu sắc. Thiên nhiên qua con mắt của Nhĩ hiện ra đẹp.

- Tinh thần nhân đạo: đặt nhân vật vào cảnh hiểm nghèo để Nhĩ tự suy nghĩ, tự trải nghiệm về cuộc đời với những suy nghĩ sâu sắc.

Câu 4 (trang 108 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Những chi tiết miêu tả chân dung và cử chỉ của Nhĩ với vẻ khác thường ở đoạn cuối truyện Anh đang cố thu nhặt hết mọi sức lực... chứng tỏ Nhĩ đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Thế nhưng đoạn văn này có một ý nghĩa khác: tác giả muốn thức tỉnh mọi người về những cái “vòng vèo, chùng chình” để hướng tới những giá trị đích thực vốn rất giản dị, gần gũi, bền vững.

Câu 5 (trang 108 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Một số hình ảnh, chi tiết mang tính biểu tượng:

- Hình ảnh bãi bồi, bến sông, thiên nhiên ngoài khung cửa sổ. Đó là vẻ đẹp của đời sống gần gũi, bình dị của quê hướng xứ sở.

- Những bông hoa bằng lăng cuối mùa màu sắc như đậm hơn, tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này đổ ụp vào giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng... gợi ra ý nghĩa sự sống của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.

- Đứa con trai ham chơi gợi suy nghĩ về sự chùng chình, vòng vèo của đường đời.

- Hành động và cử chỉ của nhân vật Nhĩ ở cuối truyện cũng mang ý nghĩa biểu tượng: phải thoát ra, dứt ra khỏi sự chùng chình để hướng tới giá trị đích thực, giản dị mà bền vững.

Câu 6 (trang 108 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

- Đoạn văn thể hiện tập trung chủ đề truyện là đoạn văn Nhĩ thấy đứa con ham chơi, quên cả việc bố nhờ.

→ Ý nghĩa đoạn: trong cuộc sống, con người thường khó tránh khỏi những điều vòng vèo, chùng chình. Cần phải thức tỉnh những giá trị và vẻ đẹp đích thực của đời sống ở những cái gần gũi, bình thường mà bền vững.

Câu 1 (trang 108 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên ở đoạn đầu: cảnh được miêu tả bằng những cảm xúc vô cùng tinh tế theo trật tự từ gần tới xa tạo nên một không gian vừa sâu vừa rộng. Không gian và cảnh vật hiện ra trước tầm nhìn của Nhĩ rất gần gũi, quen thuộc nhưng lại mới mẻ, lạ lẫm.

Câu 2 (trang 108 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Đoạn văn tham khảo:

“Bến quê” là một câu chuyện về cuộc đời- cuộc đời vốn rất bình lặng quanh ta với những nghịch lí không dễ gì hóa giải. Hình như trong cuộc sống hôm nay, chúng ta có thể gặp đâu đó một số phận giống như hoặc gần giống như số phận nhân vật Nhĩ trong câu chuyện của Nguyễn Minh Châu. Người ta có thể mải mê kiếm danh, kiếm lợi để rồi sau khi đã rong ruổi hết cuộc đời vì một lí do nào đó không thể đi được nữa con người mới nhận ra rằng gia đình chính là tổ ấm cuối cùng đưa tiễn ta về nơi vĩnh hằng. Cái chân lí ấy tiếc thay, Nhĩ chỉ nhận ra vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình. Một chân lí sâu sắc và thấm thía. Có thể nói “Bến quê” là câu chuyện bàn về ý nghĩa cuộc sống, nhân vật Nhĩ là một nhân vật tư tưởng nhưng là thứ tư tưởng đã được hình tượng hóa một cách tài hoa và có khả năng gây xúc động mạnh mẽ cho người đọc.

Xem thêm các bài soạn Bến quê hay, ngắn khác:

Bài giảng: Bến quê - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

B. Tác giả

- Tên: Nguyễn Minh Châu (1930-1989)

- Quê quán: làng Văn Thai (tên nôm là làng Thơi), xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

- Quá trình hoạt động văn học, kháng chiến 

   + Năm 1945, ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế với bằng Thành chung

   + Tháng 1 năm 1950, ông học chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng tại Nghệ Tĩnh sau đó gia nhập quân đội, học trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn

   + Năm 1961 ông theo học trường Văn hóa Lạng Sơn

   + Năm 1962 ông về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội, sau chuyển sang tạp chí Văn nghệ quân đội

   +Năm 1972 ông đã được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam

- Phong cách nghệ thuật: Ra khỏi cuộc chiến tranh, Nguyễn Minh Châu vẫn phát huy tính chiến đấu của ngòi bút, viết về những âm vang chiến trận, bao quát cả những vấn đề dân sự qua cảm hứng của một người lính đầy trải nghiệm.

- Tác phẩm chính: Chiếc thuyền ngoài xa, Dấu chân người lính, Bến quê…

C. Tác phẩm

- Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Truyện ngắn “Bến quê” in trong truyện cùng tên của Nguyễn Minh Châu.

- Thể loại: Truyện ngắn

- Phương thức biểu đạt: Tự sự

- Tóm tắt 

Nhĩ - nhân vật chính của truyện từng đi khắp mọi nơi trên Trái đất, cuối đời lại bị cột chặt trên giường bệnh vì căn bệnh hiểm nghèo, đến nỗi không thể tự dịch chuyển đến vài mươi phân trên chiếc giường hẹp kê cạnh cửa sổ. Vào buổi sáng mùa thu ấy, Nhĩ phát hiện ra vẻ đẹp bình dị và quyến rũ của cái bãi bồi bên kia sông, ngay phía trước cửa sổ nhà mình mà anh chưa một lần đặt chân tới. Cũng đến lúc nằm liệt giường, anh nhận sự chăm sóc đến từng miếng ăn, ngụm nước của người vợ, đức hi sinh thầm lặng của vợ mình. Anh khao khát được đặt chân một lần lên cái bờ bãi bên kia sông, nhưng không thể. Anh nhờ cậu con trai thực hiện giúp mình mơ ước ấy nhưng cậu ta không hiểu ý bố, đã sa vào đám chơi phá cờ thế ven đường và để lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Nhĩ đã chiêm nghiệm được cái quy luật đầy nghịch lí của đời người. Khi con đò sắp chạm mũi vào bờ đất bên này, Nhĩ thu hết tâm lực đu mình ra ngòi cửa sổ giơ cánh tay gầy guộc khoát khoát- y như đang khẩn thiết ra hiệu cho ai đó.

- Bố cục: 

+ Phần 1 (từ đầu … trước cửa sổ nhà mình): Tình cảnh của nhân vật Nhĩ qua cuộc trò chuyện của Nhĩ và Liên

+ Phần 2 (tiếp … lá buồm cánh dơi in bật trên một vùng nước đỏ): Hành trình sang bên kia sông của Tuấn

+ Phần 3 (còn lại): Chuyến ghé thăm Nhĩ của cụ giáo Khuyến

- Ngôi kể: Thứ 3 

-  Giá trị nội dung: Qua cảnh ngộ và tâm trạng của nhân vật Nhĩ, truyện Bến quê gửi gắm những suy nghĩ, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, quê hương

-  Giá trị nghệ thuật: Truyện thành công trong việc tạo dựng tình huống nghịch lí, trần thuật qua dòng nội tâm nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu giàu chất suy tư, hình ảnh mang tính biểu tượng.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 ngắn nhất năm 2021 hay khác: