SBT Ngữ Văn 9 Kết nối tri thức Bài tập 4 trang 19

Bài tập 4 trang 19 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Đọc văn bản Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) trong SGK (tr. 85 – 86) và trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1 trang 19 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Quang cảnh lầu Ngưng Bích được miêu tả bằng những từ ngữ nào? Theo em, đó là cảnh thực hay đã được “tâm trạng hoá”?

Trả lời:

- Những từ ngữ và hình ảnh được tác giả sử dụng để miêu tả quang cảnh lầu Ngưng Bích: non xa, trăng gân, bốn bề, bát ngát, xa trông, cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia,....

- Quang cảnh lầu Ngưng Bích hiện lên trơ trọi giữa không gian rộng lớn, mênh mông, hoang vắng, ảm đạm,... Đây là cảnh vật đã nhuốm màu tâm trạng.

Câu 2 trang 19 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Nêu cảm nhận về cảnh ngộ, tâm trạng của Thuý Kiều trong hai câu thơ: “Bẽ bàng mây sớm đèn khuya/ Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”.

Trả lời:

- Cảnh ngộ đáng thương: “Bẽ bàng mây sớm đèn khuya” – một mình trơ trọi với nỗi tủi thẹn và cảm giác bơ vơ, lẻ loi; không có ai quan tâm tới, chỉ có “mây sớm, đèn khuya” bầu bạn,...

- Tâm trạng đau buồn: “Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng” – cảnh thì hoang vắng, ảm đạm; tình thì cô đơn, bẽ bàng; nỗi đau như cầm dao cắt ruột...

Câu 3 trang 19 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Kỉ niệm nào sống dậy trong tâm trí khi Thuý Kiều nhớ về Kim Trọng? Kỉ niệm ấy đã khơi lên những cảm xúc, suy nghĩ gì?

Trả lời:

- Khi nhớ về Kim Trọng, kỉ niệm tình yêu sống dậy trong tâm trí Thuý Kiều: “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”. Đó là đêm thề nguyền với chén rượu đồng tâm cùng uống dưới ánh trăng (Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song), là điểm mốc đánh dấu sự gắn bó sâu nặng, thiêng liêng giữa hai người (Tóc tơ căn vặn tấc lòng/ Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương).

- Kỉ niệm ấy đã khơi lên ở Thuý Kiều cả nỗi nhớ nhung, tình yêu và nỗi đau. Bởi lẽ, chén rượu thề nguyền “chưa ráo” mà nàng đã phải gác lời hẹn ước để bán mình cứu cha và em. Dẫu chia li, cách trở nhưng tình yêu và lời thề nguyền thuỷ chung son sắt ấy vẫn sâu đậm, không biết đến bao giờ mới có thể nguôi ngoai.

Câu 4 trang 19 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Hình ảnh cha mẹ hiện lên như thế nào trong nỗi nhớ của Thuý Kiều?

Trả lời:

- Hình ảnh cha mẹ hiện lên trong nỗi nhớ của Thuý Kiều: ngày đêm nhớ thương, mong ngóng, trông đợi tin tức của con (Xót người tựa cửa hôm mai...). Nhớ về cha mẹ, nàng hiểu tấm lòng cha mẹ thương con; nàng lo lắng cho cha mẹ tuổi tác đã cao mà mình không còn được ở bên để sớm hôm chăm lo, săn sóc,..

- Nỗi nhớ thương này đã thể hiện tính cách hiếu thảo, vị tha của Thuý Kiều. Dẫu bản thân đang ở trong cảnh ngộ đáng thương (bị Mã Giám Sinh lừa bán vào lầu xanh, bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, một mình bơ vơ, trơ trọi nơi đất khách quê người,..) nhưng nàng vẫn lo lắng cho cha mẹ, đau buồn vì không còn được chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.

Câu 5 trang 19 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Theo em, trình tự miêu tả nỗi nhớ của Thuý Kiều (nhớ người yêu, nhớ cha mẹ) có hợp lí không? Vì sao?

Trả lời:

- Theo trình tự thông thường và trong bối cảnh xã hội phong kiến (tuyệt đối đề cao chữ hiếu, không cho phép trai gái tự do yêu đương; coi việc người con gái “tơ tưởng” người con trai là trái với lễ giáo;...), tác giả sẽ phải để cho nhân vật Thuý Kiều nhớ thương cha mẹ trước khi nhớ nhung người yêu.

- Trình tự miêu tả nỗi nhớ của nhân vật Thuý Kiều (nhớ người yêu trước, nhớ cha mẹ sau) vẫn chặt chẽ, hợp lí. Bởi vì:

+ Khi gia đình gặp tai biến, Thuý Kiều đã hi sinh tình yêu, bán mình để cứu cha và em (Để lời thệ hải minh sơn/Làm con trước phải đền ơn sinh thành). Trước khi phải đi theo Mã Giám Sinh, nàng đã lo liệu, thu xếp mọi việc cho gia đình mình vẹn toàn, chu đáo nên có thể tạm yên lòng.

+ Vì gia đình, Thuý Kiều đã phải phụ lời thề nguyền sâu nặng với Kim Trọng. Nàng mang nặng nỗi đau và cảm giác có lỗi với người yêu (Vì ta khăng khít cho người dở dang; Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi; Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây...); nhất là khi Kim Trọng chưa hề hay biết tình yêu của họ đã thành dang dở, tan vỡ (Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!).

Câu 6 trang 19 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng trong tám dòng thơ cuối.

Trả lời:

- Điệp ngữ (Buồn trông...) ở tám dòng thơ cuối có tác dụng thể hiện và nhấn mạnh nỗi buồn triền miên, chồng chất trong lòng Thuý Kiều. Nỗi buồn đó không chỉ trào dâng trong tâm hồn mà còn bao trùm mọi khoảng không gian của đất trời, sông nước,...

Câu 7 trang 19 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Trong tám dòng thơ cuối, tác giả đã sử dụng rất thành công bút pháp tả cảnh ngụ tình. Hãy phân tích bức tranh thiên nhiên và diễn biến tâm trạng của Thuý Kiều.

Trả lời:

Trong tám dòng thơ cuối, tác giả đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình để miêu tả diễn biến tâm trạng của Thuý Kiều. Mỗi khung cảnh thiên nhiên là một tấm gương phản chiếu tâm tư, nỗi niềm của con người.

– Bức tranh hoàng hôn nơi cửa biển ẩn chứa nỗi cô đơn, lẻ loi, cảm giác bất an, vô định: không gian sông nước mênh mông; thời gian chiều hôm càng khơi thêm nỗi buồn nhớ; hình ảnh con thuyền, cánh buồm thấp thoáng, xa dần và cánh hoa trôi dạt như thân phận nhỏ nhoi, lênh đênh, không biết đi đâu, về đâu,...

– Khung cảnh “nội cỏ” ảm đạm, hoang vắng gợi cảm giác bơ vơ, lạc lõng nơi đất khách quê người: cỏ cây như ủ rũ, héo tàn (nội cỏ dàu dàu); không gian trải ra dài, rộng (chân mây mặt đất) – nhìn hết tầm mắt cũng chỉ thấy một màu xanh xanh – xa lạ, trống vắng và hiu quạnh.

– Cảnh tượng sóng gió cuồn cuộn, dữ dội phản chiếu những lo âu, hãi hùng trước dòng đời đầy biến động: hình ảnh gió cuốn mặt duềnh gợi cảnh sóng to gió lớn lúc thuỷ triều dâng; âm thanh của tiếng sóng kêu réo kề bên như dự cảm về những sóng gió của số phận sắp ập xuống cuộc đời Thuý Kiều;...

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 3: Hồn nước nằm trong tiếng mẹ cha hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 9 Kết nối tri thức khác