SBT Ngữ Văn 9 Kết nối tri thức Bài tập 1 trang 26

Bài tập 1 trang 26 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Đọc lại văn bản Yên Tử, núi thiêng trong SGK (tr. 91 – 94) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 26 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Trong văn bản Yên Tử, núi thiêng, việc tác giả miêu tả một hành trình giả định cho du khách có ý nghĩa như thế nào? Qua đối chiếu văn bản này với những văn bản thực hiện chức năng tương tự, em có nhận xét gì về mô hình chung của các đoạn văn miêu tả loại hành trình giả định này?

Trả lời:

- Giả định được Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (Chủ biên) giải thích là: “coi điều nào đó như là có thật, lấy đó làm căn cứ”. Ở đây, hành trình giả định do tác giả tưởng tượng ra, trong đó tác giả đóng vai trò là người dẫn độc giả tham gia cuộc hành hương lên Yên Tử. Qua hành trình giả định này, độc giả hình dung được rõ rệt hơn về các chặng mà mình có thể trải qua trên tuyến đường đến với danh lam thắng cảnh Yên Tử.

- Trong các văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh thường có đoạn miêu tả hành trình giả định. Ở đó, các đại từ ta, chúng ta, bạn luôn xuất hiện cùng với một số mẫu câu quen thuộc: Ta/ Chúng ta/ Bạn bắt đầu hành trình khám phá ... từ ... Đây là nơi ...; Tiếp đó, ta/ chúng ta/ bạn sẽ đi tới ...; Ta/ Chúng ta/ Bạn nên ......

Câu 2 trang 26 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Dựa vào những thông tin trong văn bản, hãy cho biết vì sao Yên Tử có thể được xem là một quần thể du lịch tâm linh.

Trả lời:

Trong văn bản, tác giả không trực tiếp dùng cụm từ quần thể du lịch tâm linh, tuy nhiên, mọi thông tin đã được trình bày đều hướng đến việc làm rõ đặc điểm này của danh lam thắng cảnh Yên Tử. Khi trả lời câu hỏi, em cần đặc biệt chú ý các từ quần thể và tâm linh. Đã dùng từ quần thể thì không thể chỉ nói về sự tồn tại của một vài đối tượng đơn lẻ. Đã nói đến tâm linh thì phải nghĩ ngay đến nơi có thể phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của công chúng. Yên Tử có thể được xem là quần thể du lịch tâm linh vì:

– Có rất nhiều địa điểm, di tích đáng chú ý, gắn với nhau trong một tổng thể hài hoà.

– Có những cảnh quan làm say lòng người bên cạnh rất nhiều am, chùa thờ Phật hoặc các vị có công trạng trong việc phát triển Phật giáo ở nước ta, làm thoả mãn nhu cầu mộ đạo hay chiêm bái của du khách.

Câu 3 trang 26 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Nêu nhận xét của em về sự pha trộn giữa truyền thuyết dân gian và cứ liệu lịch sử trong cách tác giả diễn giải lai lịch một số đối tượng thuộc danh lam thắng cảnh Yên Tử.

Trả lời:

Khi diễn giải lai lịch một số đối tượng thuộc danh lam thắng cảnh Yên Tử, tác giả đã pha trộn truyền thuyết dân gian và cứ liệu lịch sử. Cần thấy lí do của sự “pha trộn” này từ các phương diện:

– Phương diện tư liệu về cảnh quan, di tích: Những ghi chép còn lại của chính sử, địa chí về Yên Tử không đủ để giải đáp hết những điều người ta muốn biết về mọi địa danh, di tích ở đây. Vì vậy, những người viết về Yên Tử thường phải huy động thêm những cách giải thích của dân gian trong một số truyền thuyết.

– Phương diện kiểu văn bản cùng tính đặc thù của nó: Một văn bản giới thiệu về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử không chỉ hấp dẫn người đọc bằng các thông tin khách quan có thể kiểm chứng mà còn bằng các thông tin về cảm nhận, tưởng tượng, đánh giá của bao thế hệ về đối tượng đó. Loại thông tin thứ hai cho thấy mỗi danh lam thắng cảnh hay di tích luôn có một không khí tinh thần đặc biệt bao quanh, khiến chúng nhuốm màu huyền thoại, gợi rất nhiều tò mò và khát khao khám phá.

Câu 4 trang 26 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Theo những gì được gợi ra trong văn bản, em cảm nhận như thế nào về vai trò của vua Trần Nhân Tông trong việc tạo cho thắng cảnh Yên Tử một giá trị mới.

Trả lời:

Tuy chỉ yêu cầu phát biểu cảm nhận về vai trò của vua Trần Nhân Tông với Yên Tử, nhưng câu hỏi cũng nêu gợi ý về những thông tin mà em cần biết sâu thêm về vấn đề, qua việc tìm đọc một số tài liệu có liên quan. Khi trả lời câu hỏi, cần đặc biệt chú ý câu cuối cùng của văn bản.

Câu 5 trang 26 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Tìm hiểu thêm một số sáng tác thơ, văn viết về Yên Tử. Kể tên những tác phẩm mà em đã tìm đọc được (chú ý ghi kèm tên tác giả). Nêu nhận xét chung về sự khác biệt giữa các tác phẩm ấy với văn bản Yên Tử, núi thiêng trên cả hai phương diện nội dung và cách thể hiện.

Trả lời:

Để giải quyết yêu cầu của câu hỏi, có thể sử dụng công cụ tìm kiếm của Google, gõ từ khoá thơ văn về Yên Tử để đọc những sáng tác viết về danh lam thắng cảnh này. Khi tìm đọc, cần loại trừ các văn bản thuộc loại văn bản thông tin, vì câu hỏi chỉ yêu cầu đọc “sáng tác thơ, văn”, nghĩa là đọc những văn bản thuộc loại văn bản văn học, Dựa trên những kiến thức đã học về các loại văn bản và sự đối chiếu cụ thể, em sẽ tìm được câu trả lời thoả đáng cho vấn đề mà câu hỏi nêu lên.

Câu 6 trang 26 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Chọn trong văn bản một số câu phù hợp để viết lại theo hướng mở rộng cấu trúc của các câu đó. Nêu rõ sự khác nhau giữa câu gốc và câu được viết lại xét từ phương diện cung cấp thông tin.

Trả lời:

Ví dụ 1:

- Câu gốc: Từ đó cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục hòa quyện với chùa, am, tháp cổ kính của Yên Tử, vừa như chốn thần tiên, vừa lại gần gũi, gắn bó với con người.  

- Câu mở rộng: Từ đó cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục hòa quyện với chùa, am, tháp cổ kính của Yên Tử được các triều đại sau tôn tạo, xây dựng suốt từ chân lên tới đỉnh núi vừa như chốn thần tiên, vừa lại gần gũi, gắn bó với con người. 

Ví dụ 2:

- Câu gốc: Nhưng Yên Tử thật sự trở thành nơi trung tâ, náo nhiệt của Phật giáo Trúc Lâm chỉ từ khi vua Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành.   

- Câu mở rộng: Nhưng Yên Tử thật sự trở thành nơi trung tâ, náo nhiệt của Phật giáo Trúc Lâm chỉ từ khi vua Trần Nhân Tông – một trong những vị vua anh minh nhất của lịch sử Việt Nam - đến Yên Tử tu hành.   

=> Câu mở rộng cung cấp đa dạng thông tin hơn.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 9: Đi và suy ngẫm hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 9 Kết nối tri thức khác