SBT Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo Bài 10 Đọc trang 87, 88

Với giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 10 Đọc trang 87, 88 sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Văn 9.

Câu 1 trang 87 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Kẻ bảng sau vào vở và liệt kê một số yếu tố thuộc nội dung và hình thức của tác phẩm văn học:

Loại yếu tố

Yếu tố cụ thể

Các yếu tố nội dung của tác phẩm văn học

Đề tài,...

Các yếu tố hình thức của tác phẩm văn học

Bố cục,...

Trả lời:

Loại yếu tố

Yếu tố cụ thể

Các yếu tố nội dung của tác phẩm văn học

Đề tài, chủ đề, xung đột, hoàn cảnh, tính cách, tư tưởng, cảm hứng, thông điệp,...

Các yếu tố hình thức của tác phẩm văn học

Thể loại, bố cục, ngôn từ và các biện pháp nghệ thuật,...

Câu 2 trang 87 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Phân tích nghệ thuật miêu tả bức tranh đại ngàn và thể hiện cảm xúc của con hổ trong đoạn thơ sau:

        Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

        Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

        Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

        Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

        Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

        Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

        Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

        Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

        Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

        – Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

(Nhớ rừng, Thế Lữ)

Trả lời:

Nghệ thuật miêu tả bức tranh đại ngàn:

- Không gian đại ngàn trong đoạn thơ có hai đặc điểm quan trọng: (1) được miêu tả qua nỗi nhớ, một đại ngàn đã thuộc về quá khứ, đối lập với hiện tại; (2) hình ảnh không gian đại ngàn được miêu tả trong sự đối lập với không gian của “vườn bách thú”.

Hai đặc điểm nêu trên với sự đối lập gay gắt giữa hình ảnh quá khứ tự do, oanh liệt và hiện tại tù ngục, bi thảm; giữa hình ảnh đại ngàn hùng vĩ, tráng lệ với vườn bách thú chật hẹp, giả tạo làm cho bức tranh đại ngàn càng trở nên tráng lệ, hoàng kim: Những đêm vàng bên bờ suối; những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn; những bình minh cây xanh nắng gội; những chiều lênh láng máu sau rừng;... Con hổ gọi đó là “thời oanh liệt”.

- Phép tu từ điệp từ ngữ, điệp cấu trúc câu, các hình ảnh ẩn dụ, nhân hoá, các câu thơ 8 chữ,... đã góp phần làm cho bức tranh đại ngàn trong kí ức của con hổ thêm rực rỡ, tráng lệ hơn.

Nghệ thuật thể hiện cảm xúc của con hổ:

- Cùng với sự đối lập giữa quá khứ tự do, oanh liệt và hiện tại tù ngục, bi thảm; đối lập giữa đại ngàn (hùng vĩ, tráng lệ) với vườn bách thú (chật hẹp, giả tạo), đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ tiếc – nhớ rừng – sâu sắc mãnh liệt và thấm thía bội phần.

- Nỗi “nhớ rừng” trở nên thiết tha, cháy bỏng với những câu hỏi tu từ trùng điệp: Nào đâu những đêm vàng..., Đâu những ngày mưa..., Đâu những chiều...?, và đặc biệt là lời than tiếc được nhấn mạnh, tách riêng thành lời thoại dưới hình thức câu cảm thán: Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?.

Câu 3 trang 88 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Trong bài thơ Mùa xuân chín, vị trí, thời điểm quan sát, miêu tả “mùa nhân chín” của tác giả trong khổ thơ cuối so với ba khổ thơ đầu có sự thay đổi gì không? Điều đó có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện hình ảnh con người và thiên nhiên mùa xuân?

Trả lời:

- Ở ba khổ đầu, cảnh vật được quan sát chủ yếu từ thời điểm hiện tại (tuy cũng có lúc dự báo tương lai: Ngày mai trong đám xuân xanh ấy...), người quan sát hoặc đang ngắm nhìn cảnh (Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang), hoặc đứng ở một vị trí có thể bao quát cả một bức tranh rộng lớn (Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời, Bao cô thôn nữ hát trên đồi,…; Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,…). Đồng thời, người cảm nhận bức tranh mùa xuân bằng nhiều giác quan: Thị giác cảm nhận màu sắc, đường nét (nắng ửng, khói mơ, lấm tấm vàng, sóng cỏ xanh tươi,...) thính giác cảm nhận âm thanh (sột soạt, bao cô thôn nữ hát trên đồi,...) và tổng hoà nhiều giác quan để cảm nhận (Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi/ Hổn hển như lời của nước mây/ Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc/ Nghe ra ý vị và thơ ngây).

- Ở khổ cuối, vào thời điểm “mùa xuân chín”, tự xưng là “khách xa”, người quan sát, từ một bối cảnh xa quê, nhìn vào tâm tưởng (lòng trí bâng khuâng) để nhớ và thao thức cùng không gian làng quê của mình, xa xôi, nhưng ấm áp, thân thuộc: – Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang. Đây là hình ảnh làng quê và “chị ấy” trong quá khứ hay hiện tại? Trong sự tương chiếu với câu thơ dự cảm ở khổ thứ hai: Ngày mai… có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi, hai dòng thơ cuối thể hiện cảm xúc phức tạp của người khách xa, vừa là tiếc nuối, vừa là mong mỏi.

- Như vậy, có sự thay đổi vị trí, thời điểm quan sát, miêu tả “mùa xuân chín” của tác giả trong khổ thơ cuối so với ba khổ thơ đầu. Điều này một mặt cho thấy sự thay đổi của bức tranh thiên nhiên mùa xuân cùng hình ảnh con người – những nàng xuân nữ; mặt khác thể hiện tâm trạng, cảm xúc bâng khuâng, nuối tiếc của tác giả.

Câu 4 trang 88 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Phân tích tình cảm, cảm xúc của Nguyễn Quang Thiều khi viết bài thơ Sông Đáy. Bài thơ cho thấy mối liên hệ nào giữa Sông Đáy với mẹ và kí ức của tác giả?

Trả lời:

- Tình cảm của tác giả dành cho dòng sông quê hương (Sông Đáy) là những ân nghĩa sâu xa đối với dòng sông – “người mẹ” tần tảo nuôi dưỡng, bồi đắp yêu thương, bồi đắp tâm hồn,..

- Mối quan hệ giữa hình ảnh dòng sông và người mẹ là hình ảnh song hành soi chiếu vào nhau, làm nổi bật những phẩm chất tương đồng: Đời sông và đời mẹ; phù sa của dòng sông và “phù sa” của lòng mẹ;

Trong bài thơ Sông Đáy và mẹ được gợi nhớ song song, thường hoà nhập làm một: Sông Đáy chảy vào đời tôi/Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả/ Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm hoặc: Toả mát xuống cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi.

Vì thế, tác giả thương nhớ nhìn thấy hình ảnh dòng sông cũng là được nhìn thấy mẹ: Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy/ Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn giụa nước mưa sông.

Cuối bài thơ, nhân vật “tôi” trò chuyện với Sông Đáy cũng là cách “tôi” gửi thương nhớ đến mẹ của mình. Kí ức của tác giả hoà kí ức về mẹ vào kí ức về Sông Đáy.

Câu 5 trang 88 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Đọc văn bản Tống biệt hành và thực hiện các yêu cầu nêu bên dưới:

TỐNG BIỆT HÀNH

Thâm Tâm

        Đưa người, ta không đưa qua sông,

        Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

        Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

        Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

        Đưa người ta chỉ đưa người ấy

        Một giã gia đình, một dửng dưng.

 

        – Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,

        Chí nhớn chưa về bàn tay không,

        Thì không bao giờ nói trở lại!

        Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

 

        Ta biết người buồn chiều hôm trước:

        Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,

        Một chị, hai chị cũng như sen

        Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

 

        Ta biết người buồn sáng hôm nay:

        Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,

        Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

        Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

 

        Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!

        Mẹ thà coi như chiếc lá bay,

        Chị thà coi như là hạt bụi,

        Em thà coi như hơi rượu say.

1940

(In trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân, NXB Văn học, 1988)

a. Xác định đề tài, nội dung bao quát và bố cục của bài thơ.

b. Phân tích 10 dòng thơ đầu để làm rõ:

- Khung cảnh đưa tiễn, hình ảnh người ra đi (“người”) và tình cảm, cảm xúc của người đưa tiễn (“ta”).

- Các yếu tố hình thức nghệ thuật như thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ,... có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện khung cảnh, nhân vật được nêu ở mục a?

c. Phân tích 12 dòng thơ cuối và cho biết:

- Giữa thái độ “một giã gia đình một dửng dưng” (mười dòng thơ đầu) với nỗi “buồn” (tám dòng thơ giữa) và việc “đi thực” (bốn dòng thơ cuối) của người ra đi có gì mâu thuẫn không? Vì sao?

- Hình ảnh “mẹ già”, “một chị, hai chị...”, “em nhỏ ngây thơ...” được nhắc đến trong bài thơ có tác dụng gì trong việc thể hiện hình ảnh người ra đi?

d. Bài thơ cùng lúc thể hiện tình cảm, tâm sự của nhiều nhân vật nhưng chung quy vẫn là để thể hiện tình cảm, tâm sự của nhân vật xưng “ta”, có thể nói như vậy được không? Vì sao?

d. Theo em, về hình thức, bài thơ có những điểm gì độc đáo?

Trả lời:

a.

Đề tài: Chia tay/ chia li/ tiễn biệt/ tống biệt.

Nội dung bao quát: Thể hiện dáng vẻ, tâm sự, tình cảm của người ra đi (“người”) và tâm sự, cảm xúc của người đưa tiễn (“ta”).

Bố cục của bài thơ: Có nhiều cách chia bố cục bài thơ, sau đây là cách chia bố cục theo diễn biến cảm xúc của nhân vật “ta” – người tiễn, gồm hai phần chính:

Phần 1. Niềm bâng khuâng thương nhớ và sự ngưỡng mộ của người tiễn (ta) dành cho người đi (người/ li khách): Từ đầu bài thơ đến Ba năm mẹ già cũng đừng mong).

Phần 2. Niềm cảm thông của người đưa tiễn đối với nỗi buồn phải chia tay với người thân của người đi: Từ Ta biết người buồn chiều hôm trước đến hết.

Trong mỗi phần lại có thể chia các đoạn nhỏ hơn. Ví dụ: Phần đầu có thể chia hai đoạn gồm: 1a: niềm bâng khuâng thương nhớ của người tiễn dành cho người đi (bốn dòng thơ đầu); 1b: tình cảm trân trọng, ngưỡng mộ của người tiễn dành cho người đi (đoạn còn lại của phần 1);... 

b.

- Khung cảnh đưa tiễn, hình ảnh người ra đi (“người”) và tình cảm, cảm xúc của người đưa tiễn (“ta”):

+ Khung cảnh một cuộc đưa tiễn: Chỉ có con đường nhỏ, khác những cuộc đưa tiễn thường thấy trong văn chương (không đưa qua sông, sao có tiếng sóng; bóng chiều không thắm, không vàng vọt).

+ Hình ảnh người đi (“người”): Tỏ ra hùng dũng, lạnh lùng, dứt khoát: Một giã gia đình một dửng dưng mang dáng vẻ li khách, tay không vẫn dựng cơ đồ bằng chí nhớn; gác bỏ tình riêng: chưa thành công là chưa hẹn ngày về: Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

+ Cảm xúc của người tiễn: Lòng dậy sóng (dù không đưa qua sông nhưng có tiếng sóng ở trong lòng) và bâng khuâng, xao xuyến, trĩu nặng nỗi buồn (đầy hoàng hôn trong mắt); tình cảm chân tình được bày tỏ bằng cách dựng lên hình ảnh người ra đi – trang li khách hùng dũng, lẫm liệt; tất cả tình cảm của “ta” là dành riêng cho người ấy (ta chỉ đưa người ấy) bằng cả niềm lưu luyến, nhớ thương và trân trọng, ngưỡng mộ.

– Tác dụng của các yếu tố hình thức nghệ thuật như thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ,... trong việc thể hiện khung cảnh, nhân vật nêu ở mục a:

+ Thể “hành”: Một thể thơ cổ có ưu thế trong việc thể hiện tình cảm bi tráng

+ Những từ ngữ, hình ảnh giàu tính biểu tượng: đưa qua sông, tiếng sóng ở trong lòng, hoàng hôn trong mắt trong, con đường nhỏ, bàn tay không, chiếc lá bay, hạt bụi, hơi rượu say; từ ngữ gợi tả: sen nở nốt, như sen, dòng lệ sót,...

+ Các yếu tố hình thức khác: “nhịp thơ gấp, lời thơ gắt”, câu hỏi tu từ, câu cảm thán, câu khẳng định,...

Tất cả nhằm mang đến hai tác dụng: Dựng lên hình ảnh, tâm trạng bị tráng của người đi; thể hiện cảm xúc nhớ thương, trân trọng, cảm thông của người tiễn.

c.

– Giữa thái độ “một giã gia đình một dửng dưng” (mười dòng thơ đầu) với “buồn chiều hôm trước” / “buồn sáng hôm nay” (tám dòng thơ giữa) và việc “đi thực” (bốn dòng thơ cuối) của người ra đi, nhìn bề ngoài có vẻ mâu thuẫn nhưng thực ra, người ra đi không phải/ không hẳn đã dửng dung. Người đọc có thể hiểu người ra đi buồn là do sự quyến luyến của người thân (chị, em) và dù buồn nhiều nhưng “người” vẫn quyết đi thực. Tuy nhiên, điều đáng trân trọng ở người li khách là vượt lên trên sự mềm yếu cùng những tình cảm của chính mình để ra đi thực hiện chí nhớn. Nỗi buồn sâu kín cho thấy sự phức tạp rất “con người” ở trang li khách trong bài thơ: đằng sau cái dáng vẻ dửng dưng, lạnh lùng của tráng sĩ thời xưa là tâm trạng, cảm xúc và khát vọng của thời đại Thơ mới. 

– Hình ảnh “mẹ già”, “một chị”, “hai chị, em nhỏ ngây thơ”,... được nói đến trong bài thơ nhằm làm nổi bật hoàn cảnh ra đi giàu tính lãng mạn của người li khách. Một người trai trẻ, khi giã từ tổ ấm yên vui cùng sự yêu thương, đùm bọc của gia đình, quyết chí ra đi làm một trang li khách, phía trước là chông gai, thử thách (con đường nhỏ), có dễ dàng không, có chút giằng xé nào không? Con người ấy, về ý chí thì một giã gia đình, một dửng dưng; mẹ già coi như chiếc lá bay, chị gái coi như là hạt bụi, em nhỏ coi như hơi rượu say, nhưng về tình cảm thì vẫn mang trong tim nỗi buồn chứa chan, sâu kín (buồn chiều hôm trước, buồn sáng hôm nay). Như vậy, mẹ già, nhất là lệ của hai người chị cũng như sen, chiếc khăn tay gói tròn thương tiếc và đôi mắt biếc của em nhỏ ngây thơ vừa tạo bối cảnh, không khí vừa là những hình ảnh không thể thiếu nhằm điểm tô thêm cho hình ảnh người đi. Đồng thời, điều đó cũng góp phần làm cho cảnh đưa tiễn của “ta” dù không qua sông vẫn âm vang tiếng sóng ở trong lòng và đầy hoàng hôn trong mắt trong.

d.

Bài thơ đồng thời gợi tả tình cảm, tâm sự của nhiều nhân vật: Một chị, hai chị cũng như sen, em nhỏ ngây thơ,... và cả người ra đi. Nhưng tất cả tình cảm của bấy nhiêu nhân vật đều để thể hiện sâu sắc, thấm thía tình cảm, tâm sự của người đưa tiễn xưng “ta”. Đầu bài thơ là nỗi bâng khuâng khó tả và khó hiểu của “ta” khi tống biệt một người li khách chí lớn, dửng dưng, một thần tượng lẫm liệt; giữa bài thơ là tình cảm chia sẻ, cảm thông, nỗi buồn sâu kín của người ra đi, kèm chút ái ngại về những dòng lệ sót hay chiếc khăn tay gói tròn thương tiếc của những người thân yêu. Cuối bài thơ là sự ngạc nhiên (Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực), lòng ngưỡng mộ và sự thấu cảm “ta” dành cho “người ấy” trước một cảnh tống biệt, một lựa chọn bi tráng: Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say. Đó mới thật sự là nỗi buồn tống biệt chan chứa sóng ở trong lòng và hoàng hôn trong mắt trong. 

đ.

Từ cảm nhận cá nhân, em có thể nói đến một số điểm độc đáo về hình thức của bài thơ như: Âm điệu mô phỏng thể “hành” trong thơ cổ, những câu hỏi tu từ, thủ pháp trùng điệp, cách thể hiện tình cảm, cảm xúc qua việc dựng lên trong mắt người tiễn hình ảnh bị tráng, vừa quen thuộc vừa mới lạ của người li khách,...

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 10: Tiếng vọng những ngày qua (Thơ) hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 9 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 9 Chân trời sáng tạo khác