SBT Ngữ văn 7 Bài tập 8 trang 26, 27 Kết nối tri thức

Bài tập 8. trang 26, 27 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi:

Người xưa dạy: Hãy tự biết mình. Nhưng liệu mỗi người có tự biết về mình một cách đầy đủ không? Dân gian có câu: “Cọc đèn tối chân; có nghĩa, tự ta không biết hết những hay dở của bản thân. Bởi vậy, rất cần soi mình trong mắt người khác. Làm sao biết được người khác nhìn nhận như thế nào về ta? Kinh nghiệm cho hay, người khác chưa hẳn chú ý ưu điểm của ta để khen ngợi, biểu dương, mà thường soi kĩ những thiếu sót, nhược điểm của ta để góp ý (nếu chân tình) hoặc giễu cợt (nếu thiếu thiện cảm). Khi hình dung rằng, trong mắt người khác, hình ảnh ta chưa tốt đẹp thì cần dũng cảm mà nhận rằng, đó có thể là sự thật. Trong cuộc sống, ai cũng có ưu điểm, khuyết điểm. Ưu điểm thường được phô ra, khuyết điểm hay bị che đậy. Có những cái xấu của ta, người ngoài thấy rõ hơn bản thân ta. Hiểu được như vậy, ta sẽ không phớt lờ sự nhìn nhận của người ngoài, ngược lại, nhờ đó tìm cách khắc phục những điểm yếu của mình để ngày càng hoàn thiện mình hơn.

(Theo Phan Huy Dũng (Chủ biên), Để làm tốt bài thi môn Ngữ văn kì thi trung học

phổ thông quốc gia - phần nghị luận xã hội, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 87)

Câu 1 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Vấn đề gì được bàn bạc trong đoạn văn? Những từ ngữ nào được sử dụng tập trung nhằm thể hiện rõ điều đó?

Trả lời:

Cần có cách ứng xử phù hợp khi biết được người khác nhìn nhận như thế nào về bản thân ta - đó là vấn đề được bàn luận trong đoạn văn này. Để thể hiện rõ vấn đề, người viết đã sử dụng các từ ngữ: rất cần soi mình trong mắt người khác, người khác nhìn nhận như thế nào về ta, người khác... thường soi kĩ những thiếu sót, nhược điểm của ta, sự nhìn nhận của người ngoài,...

Câu 2 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Rất cần soi mình trong mắt người khác - em hiểu câu này như thế nào?

Trả lời:

Rất cần soi mình trong mắt người khác có nghĩa là phải cố gắng để biết người khác nhìn nhận, suy nghĩ, đánh giá như thế nào về bản thân ta.

Câu 3 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Theo tác giả, người khác thường chú ý mặt nào khi nhìn nhận về ta? Sự chú ý đó thường nhằm mục đích gì?

Trả lời:

Theo tác giả, người khác ít chú ý ưu điểm, mà thường soi kĩ những nhược điểm, thiếu sót của ta. Sự chú ý này có hai mục đích khác nhau. Người chân tình thì soi để góp ý về những thiếu sót của ta; người thiếu thiện cảm thì soi nhằm giễu cợt những nhược điểm của ta.

Câu 4 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Cần có thái độ như thế nào khi hình dung rằng trong mắt người khác, hình ảnh của ta chưa tốt đẹp? Vì sao cần có thái độ như vậy?

Trả lời:

Biết được trong mắt người khác, hình ảnh mình chưa tốt đẹp, bản thân ta cần có thái độ cầu thị. Phải chân thành, dũng cảm mà nhận rằng những điểm yếu của ta là có thật, vì thực tế, nhiều lúc ta không thể tự biết mình, mà nhờ có cái nhìn của người ngoài, ta mới biết được sự thiếu hoàn thiện, thậm chí là những cái xấu của bản thân.

Câu 5 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Ở đoạn văn này, người viết chủ yếu dùng lí lẽ hay bằng chứng để bàn luận về vấn đề? Dựa vào đâu em khẳng định điều ấy?

Trả lời:

Ở đoạn văn này, người viết chủ yếu dùng lí lẽ để bàn luận về vấn đề. Điều này thể hiện ở chỗ: người viết tập trung diễn giải rõ ràng từng khía cạnh của vấn đề bằng cách đặt ra câu hỏi để tự trả lời chứ không dẫn ra các nhân vật, sự kiện có thật từ đời sống làm bằng chứng.

Câu 6 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Hãy chỉ ra hai câu liên kết với nhau bằng phép nối ở đoạn văn.

Trả lời:

Phép nối (với phương tiện liên kết là từ nối) đã được người viết sử dụng ở một số chỗ trong đoạn văn. Chẳng hạn nhưng là từ nối được dùng để liên kết hai câu: “Người xưa dạy: Hãy tự biết mình. Nhưng liệu mỗi người có tự biết về mình một cách đầy đủ không?” Hoặc từ nối bởi vậy dùng để liên kết hai câu: “Dân gian có câu: “Cọc đèn tối chân? có nghĩa, tự ta không biết hết những hay dở của bản thân. Bởi vậy, rất cần soi mình trong mắt người khác.”

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 7 Kết nối tri thức khác